Sep 14, 2010

Về Hưu

Thế là ngày mai bà Thơ về hưu rồi. Hồi mới đi làm, bà chẳng mấy khi nghĩ đến cái ngày này vì thấy nó còn xa lắm. Công việc trong trường và công việc ở nhà cứ cuốn bà đi, chẳng còn tâm trí đâu để ý đến thời gian. Vậy mà thoắt một cái sắp nghỉ hưu rồi.


Một tuần nay bà Thơ đến trường chỉ để sắp xếp và bàn giao lại cho người được chỉ định sẽ thay thế bà. Công việc văn phòng của một trường cấp hai trong thành phố thì cũng đơn giản thôi nhưng nó lắt nhắt như người có con mọn. Hàng đống sổ sách đủ kiểu phải theo dõi cập nhật ,rồi họp hành, rồi phối hợp với công việc của đồng nghiệp cùng phòng cho trôi chảy công việc chung v...v..Công việc của một thủ quỹ cũng cho bà Thơ hằng ngày được tiếp xúc với cả phụ huynh và học sinh nên bà cũng có được nhiều niềm vui lẫn nỗi buồn. Đây là một trường công khá nổi tiếng trong thành phố nên người ta cũng dựa vào đó mà bày ra lắm khoản thu chi khiến cho không ít những bậc phụ huynh mà tài chánh khó khăn phải nhăn nhó khổ sở. Thế nhưng lại có những bà "mệnh phụ" đi xe hơi, tay đeo vòng vàng, nhẫn kim cương đến đóng tiền học cho con với vẻ hãnh tiến của nhà giàu...Vậy nên cũng chẳng lạ gì chuyện học trò: Có đứa chỉ có một bộ đồng phục, đi bộ đến trường với cái bụng lép kẹp . Thế nhưng lại có đứa đi đôi giầy bằng cả tháng lương của cô giáo, đeo trên lưng cái cặp da bóng lộn và có khi đánh rơi ví tiền có cả đô la...

Sáng nay bà Thơ đến trường sớm, dựng xe vào chỗ để quen thuộc rồi vào phòng thu dọn lại ngăn bàn, đem về những gì đã đem đến : Này là cái ly uống nước có cái nắp đậy màu vàng, cái lược chải đầu, cái gương con, thỏi son nhỏ, chai dầu gió, cái khăn lau , cuốn vở ghi chép riêng, quyển lịch nhỏ, cây viết bạn tặng , mấy tờ báo phụ nữ v..v.. bà Thơ dồn tất cả vào một cái túi xách. Đây là cái bàn suốt bao nhiêu năm bà đã gắn bó với nó. Những ô kéo quen thuộc đựng sổ sách , giấy tờ, bút mực, thước kẻ, máy tính... mà bà kéo ra kéo vào hằng ngày. Trên mặt bàn, phía dưới tấm kính bà Thơ hay để các thông báo và những tấm thiệp Tết cho vui mắt lẫn những ảnh hồi bé của hai đứa con bà . Nâng mặt kính lên , bà lùa tất cả vào túi xách của mình. Bà muốn xóa hết chẳng lưu lại gì. Ngày mai bà có còn ngồi chỗ này nữa đâu. Những thứ bà Thơ đem về chẳng có chút giá trị nào với người đến sau nhưng với bà, nó lại mang theo những kỷ niệm khi còn làm ở đây.

Dọn dẹp xong, bà Thơ đi một vòng quanh trường.

Đây là phòng thư viện mà mỗi tháng bà phải vào để họp hội đồng sư phạm mà mỗi lần họp xong bà đều thấy đầu óc căng thẳng vì ngoài những việc chuyên môn , người ta hay cao giọng răn dậy người khác mà người nói chưa chắc đã tốt hơn người nghe hay những chuyện phê bình , kiểm điểm người nọ người kia ... Cũng có lúc bà vào thư viện chuyện trò một lúc với cô thủ thư cũng gần trạc tuổi bà và mượn sách về đọc.Những tủ sách có cửa kính, được đóng che kín các bức tường từ dưới đất lên đến trần nhà. Trong đó chứa đầy các sách tham khảo, sách truyện, sách nghiên cứu và cả truyện tranh....

Này là phòng y tế mà thỉnh thoảng bà Thơ hay ghé vào để hỏi han chị Bác sỹ về một chứng bệnh mà bà gặp phải hay thay thế chị những lúc chị bận công việc riêng phải vắng mặt. Những lúc ấy trông bà Thơ cũng chẳng khác gì một bác sỹ nhưng chỉ biết xoa dầu , cạo gió hay cho một loại thuốc cảm , giảm đau thông thường và trong bụng thì cứ thầm van vái đừng có em nào chơi đùa mạnh quá hay chạy ngã u đầu,mẻ trán, gãy tay chân thì thật là "đại họa"

.Phòng Hiệu trưởng với cách bài trí sang trọng, có bàn làm việc lớn, có bộ xa lông kiểu cách với bình hoa tươi mỗi ngày. Thỉnh thoảng bà Thơ hay mang giấy tờ lên trình ký và được hít hà cái không khí mát lạnh, thơm phức mùi nước hoa xịt phòng... .Phòng Hiệu phó với hai cái bàn làm việc cho hai người, bàn nào cũng có bộ máy vi tính kiểu mới .Một bộ bàn với nhiều ghế để tiếp khách ,đằng sau là tấm bảng thật lớn che gần hết bức tường quét vôi màu vàng . Trên đó ghi thời khóa biểu cho các lớp . Bên ngoài là cửa kính có dán giấy hoa để tránh những cặp mắt tò mò. Đương nhiên là hai phòng này có gắn máy lạnh để các vị mát mẻ mà làm việc, mặc kệ bên ngoài cái nắng tháng tư chói chang, gay gắt như đang thiêu đốt mọi vật..

Đi qua các phòng chức năng như phòng thí nghiệm, phòng vi tính, phòng học cụ... là đến các lớp học.Bà Thơ ngó vào một lớp thấy cô giáo đang quay lưng chép bài trên bảng. Những dãy bàn với các em học sinh nam nữ lô nhô trong lớp, chúng nói chuyện rì rầm , mồ hôi mồ kê nhễ nhại , có đứa cắm cúi chép theo, có đứa ngó mông lung ra cửa . . Các hành lang vắng lặng, với những chậu cây đây đó, chỉ một lát nữa thôi, đến giờ ra chơi lại ngập tràn học trò. Khung cảnh quen thuộc mà trước đây bà Thơ chẳng chú ý lắm, giờ đây bà cố thu hết vào tâm trí mình. Chỉ mai đây thôi , bà sẽ rời xa tất cả...

.Ngoài sân trường,dưới những mái hiên, những bàn ăn bán trú được dọn ra, các em đang ăn những xuất cơm trưa trong những cái khay nhỏ. Những cô bảo mẫu khoác áo choàng trắng như y tá qua lại chăm sóc, tiếp đồ ăn cho các em.

Trưa nay, mọi người trong phòng cũng tổ chức tiễn bà Thơ. Họ mua vài loại bánh và trái cây bày ra ăn uống vui vẻ .Nhìn những gương mặt thân quen làm việc cùng nhau bấy lâu, sao lòng bà chẳng thấy quyến luyến như khi bà rời trường cấp ba chia tay bạn bè chuẩn bị vào đại học hay vào đời . Có lẽ quãng đời học sinh trong sáng không phải bon chen , kèn cựa như khi đi làm khiến bà cảm thấy vậy chăng? Các đồng nghiệp của bà Thơ có người gần bằng tuổi bà nhưng cũng có người chỉ bằng tuổi con bà, họ cũng hỏi han, chuyện trò cùng bà vài câu chiếu lệ.Hỏi nhưng cũng chẳng chú ý lắm đến câu trả lời. Họ nói cười đấy nhưng cũng có khi chỉ là sự bằng mặt mà không bằng lòng. Vài người trước đây bà Thơ cảm thấy có vẻ như rất thân nhưng nay lại thấy không phải... Trước bà Thơ cũng đã có người về hưu, có buổi tiệc tiễn đưa, rồi bà thế vào chỗ ấy.Bây giờ cũng vậy, chỉ là sự nối tiếp nhau làm tiếp công việc như vậy. Cuộc sống là như thế, như những dòng chảy của một con sông chảy mãi, chảy mãi...Ngày mai bà có rời khỏi đây thì mọi việc vẫn thế, chẳng ảnh hưởng gì đến thu nhập của bất kỳ ai "Vắng mợ thì chợ vẫn đông" kia mà. Rồi người khác lại "điền vào chỗ trống" của bà. Một con ốc cũ kỹ, hoen rỉ bỏ ra, một con ốc mới lắp vào, guồng máy vẫn chạy như nó đã từng chạy...

Trong lòng bà cảm giác vui buồn lẫn lộn. Bà nhớ ánh mắt ngây thơ, bỡ ngỡ của những em mới vào lớp sáu. Sự dạn dĩ, nghịch ngợm của những "anh chị" lớp chín vì đã quá quen với trường. Bà nhớ những thầy , cô giáo gầy gò, xanh mét, mỗi tiết dạy xong, xuống phòng bà ngồi uống nước, thở dốc. Sự căng thẳng, mệt mỏi hiện rõ trên nét mặt, ánh mắt của họ. Cũng có những thầy cô mập mạp, thoải mái do có thu nhập thêm vì dạy những môn có thể kéo học trò về nhà học thêm, mặc cho lệnh cấm đã được ban ra. Cuộc sinh tồn khiến cho người ta phải biết khéo léo mà "lách lệnh" . Lại cũng có nhiều thầy cô mới ra trường, trẻ trung, yêu đời, phần lớn chưa lập gia đình,sống cùng cha mẹ, đi làm chỉ để khẳng định mình, chưa phải lo lắng chuyện cơm, áo, gạo, tiền cho lắm.

Bà Thơ nhớ lại dạo mới về trường, giờ ra chơi nhiều đứa học trò hay xuống phòng bà đóng tiền học, tiền ăn bán trú hay xin vài cục phấn hoặc lấy sổ ghi đầu bài cho lớp mình v...v...Chúng nói cười, xôn xao , ríu rít chung quanh bà. Dù bận rộn nhưng bà cũng cảm thấy vui khi giúp chúng. Có nhiều đứa rất dễ thương , chúng coi bà như người mẹ để tâm sự hay kể lể những chuyện thầm kín rồi hỏi ý kiến hay tìm những lời khuyên từ bà mà có khi mẹ thật của chúng chưa chắc đã biết. Bà Thơ lại dịu dàng khuyên bảo và hứa không kể lại với ai nên chúng rất yên tâm vì bà cũng coi chúng như con mình. Mấy năm trước chúng còn gọi bà là cô, dạo sau này, tóc bà bạc nhiều, có lúc chưa kịp nhuộm, đã có đứa gọi bà là bác, là bà...Chính bà cũng cảm thấy mình già đi nhiều. Soi gương đã thấy nhiều nếp nhăn nơi khóe mắt, quanh miệng. Công việc vẫn thế, nhưng bà cảm thấy như mình hay mỏi mệt, chậm chạp đi, lại hay quên quên, nhớ nhớ...chẳng ra sao. Thôi thì về hưu cũng là vừa rồi.

Tiếng trống vang lên, mọi người ai lại vào việc nấy, bà Thơ cũng ngồi nán lại chuyện trò cùng vài cô giáo, nhưng không phải là ngồi ở cái bàn quen thuộc của mình nữa mà ra hẳn ghế đá ngoài sân. Có cô giáo còn hết sức ngạc nhiên khi biết ngày mai bà Thơ sẽ về hưu.Họ có công việc của mình và cũng quá bận chẳng còn thì giờ chú ý đến chuyện người khác.

Trên đường về nhà , bà Thơ vừa buồn vừa cảm thấy lâng lâng như mình vừa trút bỏ một gánh nặng đã mang bấy lâu. Năm mươi lăm tuổi, bà Thơ biết mình vẫn còn có thể làm việc nữa được nhưng tự dưng bà cảm thấy mệt mỏi như con ngựa phải kéo một cỗ xe quá lâu. Bà nghĩ mình cũng cần nghỉ ngơi một thời gian. Mọi chuyện sẽ tính sau. Chồng bà đã mất cách đây ít lâu, may là hai đứa con bà cũng vừa đủ lớn để đi làm . Bà Thơ biết mình vẫn phải cố gắng nhiều lắm vì còn có bố mẹ già phải chăm nom, các cụ cũng lớn tuổi cả rồi. Dù sao khi về hưu bà Thơ cũng sẽ thong thả hơn lúc còn đi làm, vừa chợ búa , cơm nước, vừa dọn dẹp nhà cửa, tất bật từ sáng sớm đến chiều tối , chẳng còn thời gian ngó lại mình, đến cả ốm nhiều khi bà cũng "lơ" luôn. Bà biết mình mà nằm xuống thì sẽ chẳng dậy được,thôi thì cứ làm việc cho quên đi, rồi cái ốm cũng phải "tha" cho bà thôi.

Bà hàng xóm gặp bà Thơ dặn dò : " Khi nào về hưu chị sẽ rủ em đi tập thể dục buổi sáng ở vườn Tao đàn nhé, vừa khỏe người, vừa vui lắm em ạ" . Bà Thơ chỉ ậm ờ vì bà còn mải nghĩ đến ngày mai không phải dậy sớm, không phải cuống cuồng sửa sọan đi làm , vội vàng không kịp cả ăn sáng. Bà Thơ nhớ ra rằng mọi khi chủ nhật cũng được nghỉ nhưng cái nghỉ ấy vẫn đeo nặng những trách nhiệm của công việc mà bà phải làm trong tuần tới cùng với công việc nhà dồn đống trong tuần mà bà chưa kịp làm. Chủ nhật nào bà cũng phải dậy thật sớm và thức thật khuya thì mới mong hoàn thành được.

Bà Thơ thầm nghĩ ngày mai mình sẽ nằm nướng trên giường, tận hưởng những giây phút "tự do" thật sự mà bà hằng mong mỏi bấy lâu , vì thế bà cũng chưa muốn lại phải dậy sớm để đi tập thể dục....


Hoàng Anh Thư

No comments:

Post a Comment