Jul 31, 2018

Tính nhân bản trong bài học quốc văn tiểu học miền Nam trước 75

Tính nhân bản trong bài học quốc văn tiểu học miền Nam trước 75
Nguyễn Văn Bon


Sau biến cố 30-4-1975, nhà cầm quyền ra lệnh tiêu hủy các loại sách của Miền Nam kể cả sách giáo khoa môn quốc văn các cấp. Do đó, việc sưu tập các sách quốc văn cũ rất khó khăn. Tài liệu sử dụng trong bài viết này gồm Bộ quốc văn giáo khoa thư, Luân lý giáo khoa thư do các nhà xuất bản nước ngoài tái bản, và một số bài trong các sách quốc văn bậc tiểu học được giảng dạy tại các trường miền Nam được vài nhà sưu tầm đưa lên trang mạng, thêm vào đó một số bài do trí nhớ hạn chế của người viết, nên chắc chắn những điều trình bày còn thiếu sót.


I. Dẫn nhập

Mục đích của giáo dục không phải chỉ truyền thụ những kiến thức, mà là đào tạo con người toàn diện, không thể tách rời kiến thức và đạo đức. Đạo đức làm người phải được đề cao, như đức hiếu thảo, yêu thương gia đình, ông bà cha mẹ, yêu thương họ hàng thân tộc, có lương tâm trong mọi sinh hoạt, có trách nhiệm với tha nhân, góp phần bảo vệ cuộc sống cho xã hội.
Muốn đạt được mục đích này, không thể không quan tâm đến vai trò của sách giáo khoa. Khi đề cập đến vai trò của sách giáo khoa bậc tiểu học, nhiều nhà giáo dục luôn nhắc đến bộ sách Quốc văn giáo khoa thư của Trần Trọng Kim, Đỗ Thận, Nguyễn Văn Ngọc và Đặng Đình Phúc, xuất bản từ những năm 1930 – 1940, là một trong những sách giáo khoa Việt ngữ được dạy ở các trường tiểu học Việt Nam trong suốt những thập niên thuộc nửa đầu thế kỷ 20.
Sau Hiệp định Genève năm 1954, nước Việt Nam tạm thời chia đôi ở vĩ tuyến 17, thành hai miền Nam, Bắc. Miền Bắc xây dựng một nền giáo dục hướng mục tiêu đến Chủ nghĩa xã hội. Trong khi đó, tại Miền Nam theo chính thể tự do. Các nhà giáo dục Miền Nam tỏ ra rất thận trọng. Họ chủ trương cải tổ từ từ, chọn lọc để thích ứng với hoàn cảnh mới. Những gì người Pháp thiết lập không bị hủy bỏ ngay. Hệ thống giáo dục Pháp từ cấp tiểu học đến đại học được từ từ Việt hóa.
Chương trình giáo dục Việt Nam cũ ban hành năm 1945, dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim, được gọi là chương trình Hoàng Xuân Hãn, vẫn còn áp dụng cho đến giữa thập niên 1950. Dưới thời Đệ nhất Cộng Hòa, chương trình Việt mới bắt đầu thay thế chương trình Pháp.
Nhờ quyết định đúng đắn và thận trọng của những nhà giáo dục miền Nam mà sự chuyển sang một nền giáo dục mới không bị trục trặc.
Riêng chương trình môn Quốc văn bậc tiểu học, dựa theo nội dung các bài học về đạo đức trong bộ sách Quốc văn giáo khoa thư và Luân lý giáo khoa thư làm cơ sở rồi soạn một chương trỉnh phù hợp với hoàn cảnh mới, nhằm rèn luyện cho thế hệ tương lai cả đức lẫn tài để chuẩn bị trở thành những con người hữu dụng đối với bản thân, gia đình và xã hội.
Theo chủ trương, một chương trình, nhiều sách giáo khoa, chỉ cần theo chương trình và hướng dẫn của Bộ Giáo dục, các soạn giả sách giáo khoa được tự do chọn bài, trích dẫn từ những tác phẩm của những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng hoặc có thể tự mình sáng tác những bài thơ, bài văn theo chủ đề giảng dạy để đưa vào sách, và giáo viên cũng có quyền chọn quyển sách giáo khoa để giảng dạy. Nhờ vậy, các soạn giả cố gắng để soạn ra những sách giáo khoa có giá trị. (1)
Thông thường, ở trang bìa của quyển sách, soạn giả ghi: “Soạn theo chương trình hiện hành của Bộ Quốc gia Giáo dục”… Có thể kể một số tên sách như: 100 bài tập đọc Lớp Nhất và Lớp Nhì (Một Nhóm Giáo Viên. NXB: Việt Hương), Nhị thập tứ hiếu (Lý văn Phức.NXB: Bình dân thư quán), Quốc văn Lớp Nhì, Quốc văn Lớp Nhất (Một nhóm Giáo viên. NXB: Việt Hương), Quốc văn toàn thư, Lớp Ba (Phạm trường Xuân & Yên Hà -Kinh Dương & Một Nhóm giáo viên. NXB: Việt Hương), Việt ngữ tân thư, Lớp Nhất, Việt Ngữ Tân Thư, Lớp Nhì (Bùi văn Bảo, Bùi quang Minh. NXB: Sống Mới), Việt văn Tân thư, Lớp Nhì (Bùi văn Bảo, Bùi quang Minh. NXB: Sống Mới), Việt văn Toàn thư (Bùi văn Bảo, Bùi quang Minh. NXB: Nhật Tảo), Tân Việt Văn, Lớp Bốn (Bùi văn Bảo. NXB: Sống Mới), Quốc văn Toàn Tập, Lớp Nhất (Bùi văn Bảo, Đoàn Xuyên. NXB: Sống Mới), Giảng văn, Lớp Đệ Thất (Đỗ văn Tú, NXB: Việt Nam Tu Thư), Tiểu Học Nguyệt san (NXB: Nha Học Chánh Bắc Việt) (2)
Ngoài những sách giáo khoa, giáo viên có thể sử dụng những tác phẩm của những nhà văn có uy tín để bổ sung cho bài học trong lớp, như cuốn Tâm Hồn Cao Thượng (nguyên tác Grand coeurs của Edmond de Amicis. Dịch giả: Hà Mai Anh, 1952. NXB: Mai Đình), Thơ ngụ ngôn (Les Fabres de la Fontaine, Dich già: Nguyễn văn Vĩnh)…
Trong phạm vi bài viết ngắn, xin trích dẫn một số bài học về bổn phận đối với xã hội trong các sách “Quốc văn Giáo khoa Thư”, “Tâm Hồn Cao thượng” và một số sách giáo khoa của tác giả khác. Những bài học nói lên tinh thần nhân bản của nền giáo dục miền Nam trước năm 1975. Bài viết gồm:
Khái niệm về nhân bản và triết lý nhân bản của nền giáo dục Miền Nam trước năm 1975.
Nội dung các bài học mang tính nhân bản trong sách quốc văn bậc tiểu học.
II. Khái niệm về nhân bản và triết lý nhân bản của nền giáo dục Miền Nam trước năm 1975.
Từ năm 1959, nền giáo dục miền Nam (Việt Nam Cộng Hòa) đã lấy nguyên tắc căn bản: Nhân bản, Dân tộc và Khai phóng làm triết lý giáo dục, và được ghi lại trong hiến pháp 1967.
Ba nguyên tắc căn bản: Nhân bản, Dân tộc và Khai phóng là mục đích và tôn chỉ của nền giáo dục Miền Nam. Chính những nguyên tắc này đã giữ cho truyền thống dân tộc được bảo tồn và phát triển vững vàng, nhưng không bảo thủ, và từng bước theo kịp đà tiến triển của nhân loại.
Nền giáo dục nhân bản lấy con người làm gốc, tôn trọng giá trị của con người, đề cao giá trị siêu việt của con người. Con người khác hơn các sinh vật khác, con người có suy tư, có sáng tạo và làm cho đời sống càng ngày càng nâng cao. Con người cần được no cơm ấm áo, tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng.

Trong xã hội có những cá nhân khác biệt, nhưng không thể đánh giá con người qua sự khác biệt đó để kỳ thị giàu nghèo, giới tính, tôn giáo, địa phương, chủng tộc…
Mọi người đều được hưởng đồng đều về giáo dục (3). Đường hướng của nền giáo dục nhân bản là rèn luyện con người có nhân cách, có thái độ sống phù hợp với nguyên tắc đạo lý mà mọi người thừa nhận.
Do đó, một con người có nhân cách sẽ có lòng yêu thương: yêu gia đình, yêu đồng bào đồng loại và yêu quê hương đất nước. Nói cách khác, giáo dục không phải chỉ dạy kỹ năng nghề nghiệp hay kiến thức mà phải dạy làm người.
III. Nội dung các bài học mang tính nhân bản trong sách quốc văn bậc tiểu học
Nội dung, tư tưởng trong các sách giáo khoa tác động đến hình thành và phát triển nhân cách của trẻ thơ, nó in sâu vào tâm não trẻ thơ ngay trong giai đoạn đầu cắp sách đến trường cho đến lúc trưởng thành.
Các sách giáo khoa bậc tiểu học của miền Nam (Việt Nam Cộng Hòa) trước 1975 chú trọng những vấn đề luân lý đạo đức truyền thống, vẫn hàm chứa nội dung đạo đức trong các sách giáo khoa cũ của thế hệ 1940.
Sau đây là một số bài tiêu biểu về tình thương yêu đồng bào, đồng loại, lòng biết ơn đối với mọi người trong xã hội, tình yêu quê hương đất nước và tình yêu nhân loại.
1. Tình thương yêu đồng bào, đồng loại

Từ buổi đầu dựng nước và giữ nước, người dân Việt Nam đã trải qua biết bao gian nan thử thách. Tổ tiên chúng ta đã đối mặt với những hoàn cảnh khó khăn phức tạp, vừa khắc phục mọi trở lực khắc nghiệt của thiên nhiên để mở mang bờ cõi giang san, vừa phải chiến đấu giữ nước, chống kẻ thù mọi phía, đặc biệt là thế lực hùng mạnh phương bắc. Để tồn tại và phát triển, tổ tiên chúng ta đã ý thức cần phải đoàn kết thật sự, cần phải nương tựa vào nhau và thương yêu nhau như những người con cùng một mẹ.
Một cây làm chẳng nên non,
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao
Tinh thần đoàn kết này tạo thành truyền thống lưu lại cho con cháu mai sau.Theo truyền thống của người Việt Nam, tình thương yêu không chỉ dành cho trong gia đình, mà mở rộng đến cả đồng bào và đồng loại. Một giá trị tốt đẹp của con người là lòng nhân đạo. Muốn sống cho đúng nghĩa, con người phải biết thương yêu lẫn nhau. Khi thấy người hoạn nạn, đau yếu phải giúp đỡ bằng tình thương yêu chân thành. Quốc văn giáo khoa thư mượn bài thơ trong gia huấn ca để dạy học sinh:
Thấy người hoạn nạn thì thương,
Thấy người tàn tật lại càng trông nom,
Thấy người già yếu ốm mòn,
Thuốc thang cứu giúp, cháo cơm đỡ đần.
Trời nào phụ kẻ có nhân,
Người mà có đức, muôn phần vinh hoa
Nguyễn Trãi
(Gia huấn ca)
Có nhiều câu ca dao tục ngữ ẩn chứa triết lý tình thương được giảng dạy trong nhà trường, đã in sâu trong tâm khảm người Việt Nam:
“Lá rành đùm lá rách”
“Thương người như thể thương thân”
“Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng” (4)
Người trong một nước phải thương yêu nhau như con một nhà. Bài học về “Cậu bé miền Nam” trong quyển Tâm hồn cao thượng đã dạy học sinh về lòng thương yêu, không phân biệt Bắc Nam.
Một cậu bé miền Nam lên miền Bắc theo học. Được thầy giáo giới thiệu với các học sinh trong lớp, và được các học sinh nhiệt tình chào đón.
Thầy giáo nói với cả lớp:
“….Cho được các kết quả nói trên, nghĩa là làm cho đứa bé xứ Nam ra ở xứ Bắc cũng như ở nhà mình, và đứa bé ở xứ Bắc vào xứ Nam cũng tựa như về quê mình, nước ta phải chiến đấu trong 50 năm trời và đã hy sinh trên ba vạn người mới khôi phục được quyền tự do ấy. Vậy các con phải coi nhau như con một nhà, yêu nhau như anh em ruột thịt. Kẻ nào thấy người bạn mới không phải là người xứ mình mà đem lòng khinh rẻ, kẻ ấy không xứng đáng ngẩng mặt nhìn ngọn quốc kỳ đi qua…”(5)
Các bài học về tình thương yêu đồng bào, đồng loại đã nhắc nhở học sinh phải tôn trọng mạng sống của con người, có lòng nhân ái, biết trọng của người và không vọng ngữ. Đây là thước đo tiêu chuẩn đạo đức, nhân cách của con người

1.1. Tôn trọng mạng sống của con người

Mạng sống của các sinh vật rất quí. Mạng sống của con người có giá trị tối cao. Nếu mỗi cá nhân biết quí mạng sống của mình, thì không thể xem thường mạng sống của kẻ khác. Một dân tộc được coi là văn minh là một dân tộc biết đề cao giá trị nhân phẩm của con người. Một người có lòng lương thiện không bao giờ sát hại đến sinh mạng của đồng loại và sinh mạng của cả sinh vật khác. Chỉ có con người dã man mới coi thường mạng sống của con người. Không sát sinh là cách chặn đứng lòng tham dẫm lên sinh mạng con người và sinh vật để mưu cầu tư lợi cho bản thân mình. Không sát sanh còn là nuôi dưỡng lòng trắc ẩn, từ bi đối với muôn loài.
“Trọng cái tính mệnh của người ta, là đừng làm điều gì phạm đến thân thể và quyền tự do của người ta. Người ta ở đời, không có gì trọng hơn cái tính mệnh, hễ phạm đến, là một tội đại ác.
Không những là giết người mới có tội, cậy quyền cậy thế mà hà hiếp người ta, làm mất cái quyền tự do của người ta, cũng là một điều trái với lẽ công bình, người có lương tâm không ai làm.”(6)

1.2. Lòng nhân ái

Không phạm đến tính mệnh, của cải, danh giá, sự tự do và sự tín ngưỡng của người. Nhưng đó chỉ là giữ không làm điều ác mà thôi. Như thế vẫn chưa đủ bổn phận làm người. Phải có lòng nhân ái.
Nhân ái là lòng từ thiện, thương người đói khát, giúp người hoạn nạn. Có lòng nhân ái, thì mới làm những việc như bố thí, cứu giúp kẻ nghèo khổ, mới biết thân yêu mọi người và quên mình mà làm điều thiện. Người có lòng nhân ái dám hy sinh cứu người trong lúc nguy nan như người thầy thuốc không sợ lây khi chữa những bệnh truyền nhiễm; người lính liều sống chết ở chỗ chiến trường để giữ lấy nước nhà. Họ vì lòng nhân ái mà ra sức làm nghĩa vụ.
Bổn phận người ta đối với xã hội, thường chia làm hai mối là: công bình và nhân ái. “Không hại người” tức là công bình, “làm hay cho người” tức là nhân ái.
Câu “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” trong sách luận ngữ, tức là công bình. Còn nhân ái thì ta có thể nói được rằng: “kỷ sở dục giả, khả thi ư nhân”
Người ta mà không công bình, chẳng những có tội đối với lương tâm, mà luật pháp lại còn trừng trị nữa. Giết người thì phải thế mạng; trộm cắp thì phải ngồi tù, xưa nay ở đâu cũng vậy.
Con người mà không có lòng nhân ái, thì tuy đối với luật pháp không có tội lỗi, nhưng đối với lương tâm, thì là không phải. Gặp người đói khó, mà mình không giúp người ta, cũng không ai bắt được mình, nhưng trong bụng không đành.(7)
Người có lòng nhân ái thì không những là chỉ thương xót đồng loại mà thôi, lại còn thương xót đến cả loài vật nữa.
…Những loài vật đã giúp việc cho ta mà ta phải thương xót, là cái nghĩa vụ của ta. Nhưng đối với loài cầm thú khác, ta cũng nên có lòng nhân ái mới phải đạo làm người. Cầm thú tuy là giống không biết thiện ác và phải trái như người, nhưng nó cũng biết đau, biết khổ như mình…(8)
Vì tình nghĩa đồng bào mà phát tâm bố thí, cứu giúp người đói khổ, hoạn nạn; chia xẻ miếng ăn, manh áo cho người khốn khổ. Sống đạm bạc, cứu giúp người đồng loại là hành đông của con người có lòng nhân ái.
Người có lòng nhân ái, không chỉ bố thí miếng cơm manh áo hay tiền bạc khi thấy người đói khổ, mà vì:
Nghĩa đồng bào khiến ta thương yêu mọi người như là thương yêu anh em ruột. Bao giờ ta cũng sẵn lòng giúp đỡ mọi người, để người ta làm tròn cái nghĩa vụ ở đời. Ta phải dạy bảo những người ngu dốt, khuyên người làm điều lành, răn người làm điều ác. Ta nên che chở cho những người bị oan ức và bênh vực những người hèn yếu. Ta phải ăn ở thế nào cho đứa con mồ côi có thể coi ta như cha, người quá phụ coi ta như ân nhân. Ta làm mắt cho kẻ mù, làm chân cho kẻ què, làm tai cho kẻ điếc. Lúc nào cũng sẵn lòng nhân từ mà giúp đỡ mọi người trong lúc nguy hiểm.(9)
Khi thấy ai nghèo đói, khổ sở, mình cho cơm ăn, áo mặc, hoặc cho tiền bạc để giúp đỡ người ta đỡ khổ trong một lúc. Nhưng việc bố thí này phải “… tự nhiên, không cầu kỳ, không khoe khoang, mà có phần thiệt thòi cho mình thì mới quí. Không cứ cho ít hay cho nhiều, miễn là mình có lòng thành thực, biết thương xót kẻ nghèo khổ, thì mới là phải cái nghĩa bố thí.”(10)
Ngoài việc bố thí, “người có lòng nhân ái thường hay nghĩ đến việc thiện, như là thấy ai nghèo khổ thì đỡ đần, tìm công việc cho người ta làm, hoặc cứu giúp những cô nhi, quả phụ cho người ta khỏi đói rét, vất vả.”(11)
Lời một bà mẹ nói với đứa con trong bài “Kẻ khó” (Tâm Hồn Cao Thượng) không chỉ làm rung động tâm hồn của trẻ thơ, mà ngay đối với người lớn tuổi cũng không khỏi bùi ngùi.
Con ơi! Con phải biết con có đủ cả, chứ kẻ khó thì thiếu hết. Khi con mong sao được sung sướng thì người nghèo chỉ cầu sao cho khỏi chết. Trong một khu có bao nhiêu nhà giàu, trong một phố có bao nhiêu người sang trọng qua lại, có bao nhiêu đứa trẻ ăn mặc xa hoa, thế mà vẫn còn thấy nhiều đàn bà và trẻ con đói khát, rách rưới! Thực đáng buồn thay! Muốn cho người ta khỏi chê con là một kẻ vô tình thì từ sau, con đừng bước qua một kẻ khó mà không cho gì!(12)
Bài thơ “Cách ăn ở” và “Những đứa trẻ mồ côi” là bài học luân lý về lòng nhân đạo mà học trò bậc tiểu học được học nằm lòng. Khi thấy người hoạn nạn, đau yếu phải giúp đỡ bằng tình thương yêu chân thành. (13)
Cách ăn ở
Ở cho có đức có nhân,
Mới mong đời trị được ăn lộc trời.
Thương người tất tả ngược xuôi,
Thương người lỡ bước, thương người bơ vơ.
Thương người ôm dắt trẻ thơ,
Thương người tuổi tác già nua bần hàn.
Thương người cô quả cô đơn
Thương người đói rách lẩm than kêu đường.
Thấy ai đói rét thì thương,
Rách thường cho mặc, đói thường cho ăn.
Thương người như thể thương thân,
Người ta phải bước khó khăn đến nhà.
Đồng tiền bát gạo mang ra,
Rằng đây cần kiệm gọi là làm duyên
Nguyễn Trãi
(Gia huấn ca)
Những đứa trẻ mồ côi
Có những con người đang thời hoa nở,
Sống trong niềm đau khổ: kiếp lầm than.
Cặp chân non ngày tháng những lang thang,
Trên đường phố ngút đầy bao gió bụi.
Tuổi niên thiếu dệt trong ngàn sầu tủi,
Không gia đình, cha mẹ, khát tình yêu.
Ôi long đong, thân trẻ nhỏ sớm chiều,
Ngàn cực nhục cũng chỉ vì cơm áo!
Tuổi niên thiếu lớn dần trong khổ não,
Mặt trẻ trung đầy những nét đau thương.
Sống lầm than, dầu dãi nắng mưa sương,
Thân còm cõi không đủ đầy nhựa sống.
Những trẻ ấy dưới bầu trời cao rộng,
Đưa mắt nhìn thèm khát cảnh yên vui.
Có chăng ai, chỉ một phút ngậm ngùi,
Cho thân phận con người xấu số.
Xuân Chính
(Tiểu học nguyệt san, tháng 3/1959)

1.3. Trọng của người

Người lương thiện, có đạo đức là người biết trọng tài sản, của cải của người khác. Tài sản là huyết mạch, liên hệ đến mạng sống của con người. Hãy bình tâm suy nghĩ, chúng ta không muốn ai cướp đoạt tài sản của mình, thì không thể nào chúng ta lại đi chiếm đoạt tài sản, của cải của người khác. Các hành vi bất lương dùng đủ mọi mưu mô, mánh khóe, lường gạt để chiếm đoạt đều là trộm cướp. Người được coi là đạo đức, dĩ nhiên là không trộm cướp, không tán thành và không giúp đỡ những người có hành động trộm cướp.
Của cải của ai, là người ấy có quyền chi dụng và có quyền để lại cho con cháu. Ta không nên phạm đến của cải của người ta. Không phải chỉ những đứa ăn trộm ăn cắp mới là người bất lương mà thôi. Điên đảo giả dối để đánh lừa người ta, đi vay vỗ nợ, bắt được của rơi mà không trả, cũng là bất lương cả.Ta phải biết rằng cái gì đã là không phải của mình thì ta đừng đem lòng tham mà chực lấy không, vì rằng lấy không của người ta, là một sự rất trái với đạo công bằng. (14)

1.4. Không vọng ngữ

Dùng lời lẽ, ngụy biện để làm sai lạc sự thật, nhầm đem lại lợi lộc cho mình, làm hại người khác đều là nói dối, vọng ngữ. Người đạo đức là người tôn trọng sự thật, không có tâm tham ác, không tán thành sự nói dối. Chuyện không nói có, chuyện có nói không, dựa vào những nguồn tin vu vơ để kết tội người khác là vọng ngữ. Trong gia đình và trong xã hội mà con người thiếu lòng tin với nhau thì cuộc sống ấy vô cùng đau khổ. Tuy nhiên cũng có những trường hơp vì mục đích cứu người lương thiện, bất đắc dĩ phải nói lời không thật; đây là một ngoại lệ (một vị bác sĩ phải dùng lời an ủi bịnh nhân).
Không nói dối bao gồm cả không nói lời ác khẩu, nói xấu, nói vu, chửi mắng, nhục mạ xúc phạm đến phẩm giá con người; không dùng lời trao chuốc, phù phiếm nhầm làm cho người khác có suy nghĩ sai lầm, đi đến hành động sai trái.
Sự nói xấu là cái tật cứ đi bới móc chuyện xấu của người ta mà nói. Người nói xấu là có ác ý hoặc để thỏa lòng ghen ghét, hoặc để khoe cái hay và che cái dở của mình. Người nói xấu là người hèn hạ đáng khinh, vì chỉ nói những lúc vắng mặt người ta, để làm cho người ta mất danh giá.
Vậy không những ta không nên nói xấu ai, mà cũng không nên nghe chuyện người ta nói xấu nhau.(15)
Nói vu là đặt chuyện ra mà vu cho ai để hại người ta, hay là làm cho người ta mất danh giá. Những người nói vu là người hèn mạt, bày đặt ra chuyện nọ trò kia để làm cho người ta mang tai mang tiếng, phải những điều oan ức, khó lòng mà rửa sạch được.
Ta đi học, đã biết điều phải trái, thì ta chớ hề nói vu cho ai bao giờ. Ta nên cho những điều ấy là điều hèn mạt, đáng khinh bỉ.(16)
Ngoài ra, chúng ta nên nhớ rằng:
Của cải của người ta, không phải chỉ nói riêng về tiền bạc, ruộng nương, nhà cửa, đồ đạc mà thôi, lại có một thứ của cải quí giá hơn nữa là cái danh giá ở đời. Danh giá tức là danh thơm tiếng tốt của người biết tự trọng mình, biết quí cái tư cách làm người, mà khinh bi những điều hèn mạt đê tiện.Của cải mất đi thì còn làm ra được, chớ cái danh giá đã mất thì khó lòng mà lấy lại được. Thánh nhân dạy rằng “Quân tử thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác”, nghĩa là người quân tử làm thành tiếng hay cho người, chớ không làm thành tiếng xấu cho ai bao giờ. Vậy bổn phận mình trong xã hội là phải trọng cái danh giá của người ta, đừng có nói xấu ai, nói vu cho ai điều gì.(17)

2. Lòng biết ơn mọi người trong xã hội

Mọi người sống trong xã hội đều có tương quan nhau. Do nương nhờ nhau mà cuộc sống của mỗi cá nhân mới an ổn. Trong gia đình thì cha mẹ, vợ con, anh em nương tựa nhau. Ngoài xã hội, mọi người không thể sống lẻ loi. Tách rời mọi người ra, chúng ta không có cuộc sống an toàn. Cho nên đối với mọi người, chúng ta phải biết ơn, không được làm tổn hại. Câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn,” nói lên tinh thần biết ơn, là truyền thống đạo lý của con người Việt Nam.
Người làm ruộng có trồng trọt cấy cày, thì ta mới có thóc gạo mà ăn. Thợ nề, thợ mộc có làm nhà, thì ta mới có nhà mà ở. Thợ dệt có dệt vải, thợ may có may áo, thì ta mới có đồ mặc vào mình. Quyển sách ta học cũng phải có người làm, người in. Cái đường ta đi cũng phải có người sửa, người quét. Nói tóm lại, nhất thiết một chút gì ta cần dùng đến, cũng là có người chịu khó làm việc mới nên.(18)
Thật vậy, trong xã hội muốn sinh tồn thì mọi người phải có bổn phận đem sức mình giúp vào sự ích lợi chung. Bài “Giấc mộng” dạy học sinh biết yêu mến và nhớ ơn mọi người.
Nằm mộng thấy nông phu lại bảo:
“Ra công làm kiếm gạo từ đây.
Tao thôi chẳng có nuôi mầy,
Phải lo trồng trọt cấy cày cho siêng.”
Người dệt cửi dặn mỉnh làm áo;
Chú thợ hồ lại bảo cầm bay!
Bơ vơ chẳng kẻ đoái hoài,
Tôi mang thơ thẩn đọa này cùng nơi.
Tôi túng thế vái trời cứu thử,
Lại thấy kia sư tử trên đàng!…
Tỉnh ra, thấy sáng, mơ màng!
Tiểu công hút gió, rộn ràng trên thang;
Nghe máy dệt rần rần tiếng chạy;
Ruộng đâu đâu cũng cấy đã xong.
Phận mình nghĩ lại thong dong,
Mới hay dưới thế ai không nhờ người.
Từ ngày rõ cuộc đời đắp đồi,
Cám thương người xã hội như nhau.
Dập dìu kẻ trước người sau,
Sức riêng một ít giúp vào lợi chung.
Nguyễn ngọc Ẩn
(100 Bài Tập đọc, Lớp Nhất và Lớp Nhì)
Bài học “Nên giúp đỡ lẫn nhau” cho thấy hình ảnh hai cậu bé phụ đẩy xe giúp ông lão, là bài học nhắc nhở học sinh về tình tương thân tương ái.
Trời nắng to. Đường thì dốc. Một ông lão đẩy chiếc xe lợn. Trên chiếc xe có có ba bốn con lợn to, chân trói, bụng phơi và mồm kêu eng-éc. Ông lão cố đẩy cái xe, mặt đỏ bừng, mồ hôi chảy, mà xe vẫn không thấy chuyển.
Mấy cậu bé đang chơi trên bờ đê, thấy thế, vội chạy tới, xúm lại, buộc dây vào đầu xe mà kéo hộ.
Xe lên khỏi dốc, ông lão cám ơn các cậu và các cậu cũng lấy làm vui lòng, vì đã giúp được việc cho người.(19)
Trong quá trình dựng nước và giữ nước, những bậc tiền nhân đã đổ biết bao nhiêu xương máu để vun bồi và tô điểm cho mảnh giang san gấm vóc. Họ là những vị anh hùng dân tộc. Anh hùng, không phải chỉ có những người có chiến công hiển hách, có tài năng nổi bật làm những việc phi thường được ghi công trong sách sử, mà còn biết bao nhiêu người, đủ mọi tầng lớp, mọi giai cấp đã âm thầm cống hiến đời mình cho quê hương dân tộc, không bao giờ được nhắc đến tên tuổi. Họ là:

Anh hùng vô danh
1. Họ là những anh hùng không tên tuổi
Sống âm thầm trong bóng tối mông mênh,
Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh,
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước.
2. Họ là kẻ tự nghìn muôn thuở trước,
Đã phá rừng, xẻ núi, lấp đồng sâu,
Và làm cho những đất cát hoang vu
Biến thành một dãy san hà gấm vóc…
3. Họ là kẻ anh hùng không tên tuổi,
Trong loan ly như giữa lúc thanh bình,
Bền một lòng dũng cảm, chí hy sinh,
Dâng đất nước cả cuộc đời trong sạch.
4. Tuy công nghiệp không ghi trong sử sách,
Tuy bảng vang, bia đá chẳng đề tên,
Tuy mồ hoang xiêu lạc dưới trời quên,
Không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật.
Nhưng máu họ đã len vào mạch đất,
Thịt cùng xương trộn lẫn với non song,
Và anh hồn cùng với tấm tinh trung
Đã hòa hợp làm linh hồn giống Việt. (20 & phụ lục)
Việt Tâm
(100 Bài tập đọc Lớp Nhất & Lớp Nhì)

3. Tình yêu quê hương đất nước
Tình thương yêu gia đình, cha mẹ anh em và người thân là tình cảm khởi đầu cho tình yêu đồng bào, tình yêu quê hương đất nước.
“…Con sẽ cảm thấy tình yêu nước, khi con ở nước ngoài, và chợt nghe thấy một người trong đám thợ thuyền nói tiếng nước con, theo lòng con xúi dục, tự nhiên con đến hỏi chuyện người bạn không quen ấy. Con sẽ cảm thấy tình yêu nước khi con nghe người ngoại quốc lăng mạ xứ sở con, lòng tức giận sẽ làm cho con nóng mặt…” (21)



Nhằm hun đúc tinh thần yêu nước cho học sinh, đề cao lòng tự hào dân tộc, ca ngợi những chiến công oanh liệt bảo vệ tổ quốc của các bậc tiền nhân, bài thơ sau đây nhắc nhở học sinh chăm chỉ học để sau này nối chí tiền nhân (22 & phụ lục):

Giờ Quốc sử
Những buổi sáng, vừng hồng le lói chiếu
Trên non sông, làng mạc, ruộng đồng quê,
Chúng tôi ngồi yên lặng, lắng tai nghe
Tiếng thầy giảng suốt trong giờ Quốc sử.
Thầy tôi bảo: “Các em nên nhớ rõ,
Nước chúng ta là một nước vinh quang.
Bao anh hùng thưở trước của giang san,
Đã đổ máu vì lợi quyền dân tộc.
Các em phải đêm ngày chăm chỉ học,
Để sau này nối được chí tiền nhân.
Ta chắc rằng, sau một cuộc xoay vần,
Dân tộc Việt sẽ là dân hùng liệt.


Mỹ Trang sưu tầm

Jul 30, 2018

Giếng An Lạc hồi hướng công đức cho anh Mỹ

Thanh và các bạn thân mến,

 Tâm đi dự đam tang anh Mỹ đêm hôm qua mới về đến nhà. Phương Hà có nhắn Tâm viết vài dòng cho nhóm nhưng khi ở Houston, Tâm bận rộn nhiều việc nên chỉ gửi hình mà không viết được. Tâm đành ỷ lại vào em Phương Hà. 



 Các con Thanh đã phụ với Mẹ lo tang ma cho anh Mỹ rất chu đáo và tốt đẹp. Bạn bè của anh Mỹ cũng như của Thanh cùng họ hàng đến thăm viếng và chia buồn với Thanh rất đông. Tâm nghĩ tuy đau buồn, hụt hẫng, nhưng Thanh cũng đã rất hài lòng vì đã chăm lo săn sóc cho anh Mỹ được vẹn toàn trong suốt 43 năm qua.

Hôm trước, sau khi anh Mỹ qua đời, Tâm có hỏi Thanh xem Thanh muốn nhóm mình làm việc thiện gì để hồi hướng công đức cho anh Mỹ. Thanh ngỏ ý muốn làm giếng và đặt tên giếng là An Lạc.

 Tâm đã nhờ làm gấp. Giếng vừa xong, Tâm xin gửi hình giếng đến Thanh và các cháu cùng gia đình. Đồng thời Tâm cũng xin gửi hình giếng cho nhóm để các bạn được rõ.

 Các bạn và Tâm xin thành thật chia buồn cùng Thanh, các cháu và gia quyến. Nguyện xin cho hương linh anh Mỹ được sớm tiêu sinh tịnh độ. 

 Thân mến,

 Minh Tâm và các bạn 6370



Giếng An Lạc hồi hướng công đức cho anh Mỹ phu quân của Kristy Thanh

***********************

Thơ cám ơn của Kristy Thanh


Minh Tâm thân và các bạn.
Những ngày tháng của tháng 7 đối với Thanh có rất nhiều biến chuyển làm Thanh đi từ xúc động, mất tinh thần. Việc ra đi của Anh Mỹ là 1 biến cố trong đời Thanh, trải qua 1 cuộc sống gia đình luôn có Anh Mỹ bên cạnh chia xẻ, nay anh ra đi vĩnh viễn ! 
Trong những ngày lo việc Ma Chay cho Anh Mỹ . Thanh có 2 con trai , Cháu Hoàng và Huy lo cho Thanh mọi việc chu đáo. Thanh cảm thấy mình rất may mắn có hai đứa con hiếu thảo .
Minh Tâm đã không quản ngại đường xá xa xôi , bay sang kề cận bên Thanh  trong 2 ngày 27 và 28 tháng 7   lúc lo hoàn tất Đám ma cho anh Mỹ. Thanh rất cảm kích 1 tình bạn chia xẻ trong lúc Thanh gặp chuyện lo buồn, mất mát. Tâm đã khéo léo liên lạc với tất cả các bạn Kỷ Niệm, Hoàng Hà, Chinh, Minh Nguyệt ở Houston. Tước, Bích ở Austin. Kim Trang, Thuỳ Diễm ở Dallas; Lệ Hằng ở Fort Worth ; Minh Trâm ở Vancouver; Hảo Chi ở Cali đã gửi 1 vòng Hoa đại diện lớp 63-70 đến phúng viếng Anh Mỹ.
Thanh một lần nữa trân quý tình bạn của chúng ta . Friends is forever!
Cám ơn Tâm đã nhanh chóng xúc tiến xây ngay 1 cái giếng tên An Lạc hồi hướng cho Anh Nguyễn Xuân Mỹ, một sự cố gắng vượt bực mà chỉ có Tâm mới có khả năng làm được việc nầy mà thôi !
 Thân Ái.
Kristy Thanh.

Jul 28, 2018

BÀI THƠ MIMOSA


BÀI THƠ MIMOSA

Lại một mùa mimosa qua
Yêu em bàng bạc gió đông xa
Nụ xinh chúm chím hôm nào nở
Đã rượm màu ly biệt phôi pha.

Ta gọi tên em mimosa
Tên đường tên phố cùng tên ta
Dốc vàng hoa ngát mùa thơ. dại
Đà Lạt xưa hề có nhạt nhoà ?

Thảo Uyên Ly

Đây là những vần thơ của Thảo Uyên Ly gửi trên Facebook của P.Hà về chuyện cây Mimosa sau vườn nhà. Mỗi năm giữa mùa Đông lạnh lẽo vùng Miệt dưới, vào tháng 7 cây Mimosa sau mảnh vườn nhỏ lại nở những chùm hoa vàng rực rỡ thật đẹp. Kể từ lúc khi Mimosa bắt đầu nở những nụ hoa bé xíu xanh xanh chi chít đầy cành, cho đến lúc những chùm hoa màu vàng chanh  mượt mà như nhung, mọc từng chùm khoe màu vàng rực rỡ nở rộ trên cây , xen lẫn với những cành lá xanh biếc như phủ một lớp bụi bạc trông thật quyến rũ yêu kiều, Phà hay post hình lên FB cho các bạn cùng ngắm.

Mimosa, một loài hoa gắn liền với tuổi mộng mơ thêm một chút lãng mạn của thời áo trắng học trò dễ thương. Ngày đó muốn ngắm Mimosa thì chỉ khi nào có dịp được lên vùng cao nguyên Đà Lạt, mới được tận mắt ngắm nhìn những chùm hoa vàng rực rỡ. Đà lạt và hoa Mimosa chắc hẳn đã là những hình ảnh và một nơi chốn  ghi lại nhiều kỷ niệm mơ mộng của bao nhiêu em Saigon một thuở xa xưa.

Mỗi năm khi những cơn gió lạnh cuối thu giá lạnh hơn, cây hoa Mimosa chỉ toàn những lá xanh biếc ánh bạc quanh năm, như một nàng công chúa thức dậy sau giấc ngủ dài, hé nở muôn ngàn nụ hoa bé li ti và khi mùa đông đến, những nụ hoa bé nở rộ  thành những chùm hoa Mimosa vàng rực rỡ kiêu sa, mang  ấm áp và hương thơm dịu ngát  cho khu vườn nhỏ trong mùa đông lạnh lẽo.
Hôm nay Mimosa đã bắt đầu tàn, màu hoa đã úa nhìn thật tiếc thương, nên P.Hà lại post lên FB. Thảo Uyên Ly xem được, thổn thức nên đã có bài thơ thật hay này. 

Mỹ Lan đọc được liền tiếp nối ý thơ TUL


Đà Lạt xưa hề có nhạt nhoà
Dốc vàng xuống phố nắng chan hoà
Đỏ, vàng, xanh, tím hoa cùng lá
Theo gió mùi hương thoảng bay qua
Mỹ Lan

Cám ơn hai nàng thi sĩ TUL và Mỹ Lan nhiều. Có vài hình ảnh Mimosa gủi đến các bạn xem .







                                       

   


    Image may contain: plant, flower, sky, tree, cloud, outdoor and nature  Image may contain: plant, outdoor and nature
        Mimosa lúc nở màu hoa vàng chanh óng ả                        Mimosa tàn, màu hoa úa

                     Image may contain: plant, tree, sky, cloud, outdoor and nature

Image may contain: tree, plant, sky, flower, outdoor and nature Image may contain: plant, tree, sky, cloud, outdoor and nature
                                            Image may contain: Ha Nguyen, smiling, standing, flower, plant and outdoor
                                                                    Điệu với hoa ( hì hì....)

Mùa Đông Úc Châu 2018

“Họa sĩ may” Arun Kumar Bajaj duy nhất trên thế giới


Anh Arun Kumar Bajaj ở Ấn Độ có một kỹ năng rất đặc biệt – anh có thể vẽ tranh bằng máy may.
Về lý mà nói, đó là thêu, không phải vẽ, nhưng những tác phẩm nghệ thuật của anh quá chi tiết đến nỗi chúng trông tựa như những bức vẽ siêu thực trong con mắt của các khán giả nghiệp dư. Và việc anh làm ra toàn bộ các tác phẩm bằng máy may chỉ khiến nó càng trở nên ấn tượng hơn mà thôi.



Arun rất giỏi vẽ và mơ ước sẽ trở thành một họa sĩ nổi tiếng. Nhưng cái chết bất ngờ của cha anh 15 năm trước đây đã làm tan nát giấc mơ này và buộc anh phải bỏ học để phụ giúp gia đình kiếm sống. Cha của anh là một thợ may và anh nối nghiệp cha, nhưng anh đã không để cho chất nghệ sĩ trong mình mai một. Thay vào đó, anh bắt đầu “vẽ tranh” bằng đường kim mũi chỉ. Nhưng thay vì dùng tay, anh quyết định dùng một phương tiện thêu khá đặc biệt – chính là máy may. Phải mất một đoạn thời gian anh mới có thể làm chủ được loại hình nghệ thuật độc đáo này, hiện nay anh được xem là nghệ sĩ sử dụng máy may duy nhất trên thế giới.


“Tôi đã khâu vá được 23 năm, kể từ khi 12 tuổi”, người nghệ sĩ 35 tuổi nói với DNA India. “Cha tôi là một thợ may nhưng ông mất sớm khi tôi mới 16 tuổi, tôi đã phải bỏ học để tiếp quản tiệm may. Tôi vẽ rất khá ở trường, và đây là cách tôi kết hợp hai loại hình nghệ thuật lại với nhau.”
“Tôi không muốn làm thợ may cả đời,” Arun nói thêm. “Tôi muốn làm nên tên tuổi cho mình, kể cả khi nỗi ám ảnh đó có thể đem đến sự bấp bênh về kinh tế cho gia đình tôi.”Bức tranh Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi do “Họa sĩ may” kỳ công lảm ra được trao cho Thủ tướng.
Thật may, sự kiên trì của anh đã được tưởng thưởng xứng đáng, những tác phẩm của anh được tìm mua khắp nơi ở cả Ấn Độ và nước ngoài. Thật đơn giản để lý giải cho điều này, vì bạn chỉ cần nhìn vào chất lượng của chúng. Nhưng điều thực sự khiến những bức tranh thêu của anh trở nên đặc biệt chính là phương tiện mà anh sử dụng.
Rất nhiều quốc gia có truyền thống lâu đời về thảm thêu, bạn có thể tìm thấy một số tấm có thể so sánh với các tác phẩm của Arun Kumar Bajaj về độ chi tiết, nhưng đố bạn tìm được cái nào được làm từ máy may. Điều đó là không thể, và có một lý do hợp lý cho điều đó.



“Bạn cần phải cực kỳ chính xác, vì một khi mũi kim đã hạ xuống, thì không cách nào sửa lại được nữa… Tôi cũng không may đè lên – tất cả đều được thêu một lớp để giúp bức tranh có được chất lượng tinh xảo.”

Một trong những tác phẩm ấn tượng nhất của “Họa sĩ may” là bức tranh thêu vị thần Krishna kích thước 1.8 x 1.2m, người nghệ sĩ đã phải mất 3 năm và khoảng 28.390.000m chỉ để hoàn thành. Hay bức phiên tòa Ranjit Singh kích thước 1.2m x 0.6m dựa trên câu chuyện thần thoại Maharaja của đế chế Sikh và miêu tả gần 2.000 nhân vật. Bức tranh mất 1 năm để hoàn thành.
Arun có một cửa hàng may ở Adalat Bazar bang Patiala, nhưng anh dành rất nhiều thời gian cho đam mê nghệ thuật của mình.

Quốc Hùng


***
AThư sưu tầm





Jul 23, 2018

Kéo dài tuổi thọ khớp gối

alt

Bơi lội hoạt động thích hợp nhất giúp kéo dài tuổi thọ khớp gối (Ảnh: Gardenahs.org)
alt
Khớp gối bị viêm (Ảnh: Scoop.it)

Khi tới tuổi trung niên vì mong được khỏe mạnh dẻo dai, nhiều người đã lựa chọn những môn thể thao có tính vận động mạnh ví dụ leo núi, đi thang bộ thay vì đi thang máy… Điều này dẫn khớp gối bị viêm và thương tổn.
Một số người cho rằng vận động mạnh kiểu như leo núi, lên xuống cầu thang sẽ giúp rèn luyện cơ bắp phần đùi và phần mông, rèn luyện chức năng tim phổi của chúng ta. Tuy nhiên các chuyên gia khoa xương nhắc nhở rằng: Thực tế leo cầu thang, leo núi là “môn thể thao ngốc nghếch nhất”. Khớp gối bị ma sát tổn thương không thể hồi phục, sau 50 tuổi leo núi để rèn luyện, lại càng dễ bị chấn thương.
alt
Sau 50 tuổi leo núi sẽ khiến khớp gối tổn thương (Ảnh: TinTM.com)

Leo núi là một hoạt động nặng nhọc, vất vả. Khi leo, các khớp dưới eo phải gánh chịu trọng lượng cơ thể đặc biệt là đầu gối. Khi cơ thể leo lên trên, gánh nặng mà đầu gối phải chịu sẽ tăng lên khoảng 4 lần.
Trên thực tế, tuổi thọ của khớp gối rất hạn chế. Một khi khớp “khí số đã tận”, có thể gây ra các chứng bệnh khớp khác nhau. Sử dụng khớp gối quá mức sẽ làm nó hao mòn nhanh hơn và không thể phục hồi được. Do vậy, dù chúng ta cần tập luyện cơ bắp đùi và mông, nhưng cũng không nên đánh đổi với việc tổn thương khớp gối.
Những hoạt động cần tránh để tăng tuổi thọ khớp
Không tập thể dục mạnh trên sàn nhà cứng, chẳng hạn như quỳ xuống đứng lên quá nhiều, nhảy, chạy, nhảy dây, khiêu vũ. Nguyên nhân là bởi những động tác này sẽ càng làm mòn xương bánh chè. Đặc biệt hành động quỳ xuống rồi đứng lên nhiều lần sẽ bào mòn khớp gối nhiều nhất.
Với người trên 50 tuổi cần chú ý hạn chế các loại vận động như leo núi, leo cầu thang… Nguyên nhân là bởi khi đó khớp đầu gối sẽ chịu đựng sức ép gấp 3 đến 4 lần so với của cơ thể. Nhất là sau 50 tuổi, khớp đầu gối ít nhiều đều cũng gặp tình trạng bị tổn thương nên cần hạn chế những hình thức vận động này.
Sụn ​​khớp có đường kính từ 1 đến 2 mm, có vai trò làm dịu áp lực, bảo vệ xương khỏi rạn vỡ. Khi vận động mạnh trên sàn cứng, phản lực cao bật trở lại sẽ tác động vào xương và khớp. Vì vậy, nếu có thể, nên tập thể dục thể thao trên sàn trải cao su.
alt
Người trên 50 tuổi cần chú ý hạn chế các loại vận động như leo núi, leo cầu thang (Ảnh: Ydvn.net)


Bài tập kéo dài tuổi thọ khớp gối
Hoạt động thích hợp nhất đối với khớp gối: bơi, đạp xe, tập thể dục nhẹ nhàng, nhưng hoạt động có lợi nhất cho khớp là bơi lội. Khi ở trong nước, cơ thể song song với mặt đất, khi đó tất cả các khớp không phải mang tải nặng.
alt
Đạp xe giúp kéo dài tuổi thọ khớp gối (Ảnh: emaze.com)


Bơi lội nhiều càng tốt cho những người mắc bệnh mãn tính như tiểu đường và cao huyết áp. Để đạt được mục đích rèn luyện cơ thể, nên chọn những hoạt động để khớp không phải chịu tải trọng nặng. Có một bài tập bạn không cần phải đi ra ngoài, không cần thiết bị cũng có thể tập luyện cho khớp gối khỏe hơn. Phương pháp thực hiện bài tập như sau:
alt
1. Tìm một chiếc ghế có thể dựa lưng, ngồi tựa vào lưng ghế. Hai tay đưa ra đằng sau lưng làm đệm tựa lưng.
2. Kê chiếc khăn tắm dưới bắp đùi, có thể dùng vài chiếc khăn cuộn chặt lại, làm sao đủ dày và chặt là được, mục đích là để nâng cao đầu gối.
3. Ngồi thẳng lưng, buông thõng hai chân, đong đưa chân tự nhiên lên trước và về sau. Không cần đong đưa biên độ quá nhiều, làm nhẹ nhàng là được.
Chú ý:
Cần thực hiện theo nguyên tắc “làm theo trình tự và tự lượng sức mình”, không nên quá miễn cưỡng theo người khác.
Nên làm đúng tư thế sau đó từ mức độ thấp dần dần nâng cao, dần dần tăng thời gian và dừng lại khi cảm thấy đau hay khó chịu.
Trước khi thực hiện bài tập cần làm nóng cơ thể ở mức vừa đủ để hỗ trợ cơ thể có trạng thái “chuẩn bị” tốt nhất. Và cần chú ý “béo phì” là kẻ thù của đầu gối bởi vậy muốn bảo vệ đầu gối của mình hãy cố gắng giữ trọng lượng cơ thể ở mức tiêu chuẩn.
Phương pháp này có vẻ đơn giản, nhưng rất hữu ích để giúp đầu gối mạnh khỏe hơn. Người bị đau chân hoặc khớp gối có vết thương cũ, có thể sử dụng chân còn khỏe để đẩy chân đau, dùng chân khỏe mạnh nâng đỡ chân đau đong đưa lên xuống tự nhiên, phương pháp này giúp đầu gối thương tổn dần dần khỏe mạnh trở lại. Tập động tác này mỗi ngày sẽ giúp tăng cường sức mạnh các cơ xung quanh đầu gối.

Anh Thư sưu tầm