Tôi đậu vào TV năm 11 tuổi.Tôi không nhớ đậu thứ bao nhiêu, nhưng chắc chắn là thấp lắm vì nhớ mang máng được xếp học lớp đệ thất A4. Ký ức tuổi thơ cuả tôi nghèo nàn lắm có thể vì những năm sống với cộng sản ,tôi phải vật lộn với miếng cơm ,manh áo nên kỷ niệm cuả tuổi thơ đã bị hao mòn .Chỉ nhớ rằng ,khi mới bước vào đệ thất ,tôi hãnh diện lắm, đang từ cô bé tiểu học ,mắt toét ,mũi xanh, đôi khi đầu còn có chấy.Tôi bước lên trung học , vào TV với niềm vui mừng của cả nhà. Nhà tôi nghèo lắm, bố tôi, trụ cột của gia đình , đã bị bệnh mất rất sớm từ năm tôi học lớp nhì. Lúc ấy tôi 9 tuổi, mẹ tôi một mình vật lộn để nuôi đàn con ,sáu anh em chúng tôi mà tôi là út. Gia đình tôi có truyền thống: con gái phải vào được trường TV và con trai phải vào CVA. Năm âý tôi vào TV nhưng không còn được bố thưỏng dắt đi ăn mì Hải Ký ở Tân Định nữa, nơi mà bố tôi lúc còn sống thường dẫn tôi và anh tôi đi ăn vì ông rất thích mì ở đấy, cũng chẳng còn được ai thưởng cho áo mới ,nhưng con bé cũng không biết buồn,chỉ biết rằng sung sướng lắm vì biết chắc rằng mình sẽ được mặc aó đầm trắng để đi học ,và còn được đi xe chuyên chở .Tôi không hiểu từ đâu xe chuyên chở học sinh trường tôi lại có cái tên là xe chở heo …, xe bắt chó ,trong khi trên xe chở toàn nữ sinh cuả một trường nổi tiếng,và các nữ sinh chúng tôi …ai cũng xinh đẹp và ngoan ngoãn quá chừng !?
tranhNLH |
Năm đệ thất tôi được học Việt văn với cô Bình Minh. Cô không đẹp, nhưng với tôi cô giảng bài hay lắm. Tôi còn nhớ ngày đầu tiên học với cô, cô ra một đề tài luận văn và bắt học trò làm “ kể lại câu chuyện mà em nhớ nhất trong đời “, A ! ,cái gì chứ đề tài này, tôi đã làm đi làm lại, lúc học luyện thi vào đệ thất, tôi có sợ gì đâu ,tôi viết một lèo, không nghỉ ,trong bài luận văn này ,tôi đã nói về kỷ niệm ngày bố tôi mất và những nhớ thương cuả gia đình đối với bố tôi những ngày sau đó.Tuần sau đến giờ luận văn,cô trả lại bài và cho đọc lại những bài được điểm cao. Đã bảo là trí nhớ cuả tôi tồi tệ lắm, nên tôi không nhớ được, ngoài bài cuả tôi được cô Bình Minh đọc trước lớp, còn có bài cuả bạn nào được đọc nữa không? nhưng kể từ hôm âý cô là thần tượng cuả tôi …… Cho đến bây giờ trong trí nhớ cuả tôi, vóc dáng cuả cô Bình Minh vẫn còn nguyên vẹn. Ngày ấy tôi cứ ước mơ ,lớn lên phải học và ra làm cô giáo như cô Bình Minh.
Đến năm đệ lục ,một hôm đang học Nhạc với cô Thục Khang, thì trên văn phòng bà Tổng mang văn thư xuống cho cô, nói chọn học sinh để đi đón Tổng Thống Đại Hàn,cô nhìn quanh trong lớp học ,lướt một vòng ,và tôi cũng được nằm trong danh sách cuả cô, ngày ấy được chọn đi đâu ,là có cớ cho tuị tôi trốn học chứ không biết tiêu chuẩn là gì ?, sướng vô cùng.Năm học đệ lục, cô Thục Khang là thần tượng cuả tôi. Cô dáng người nhỏ bé xinh xinh, da cô trắng muốt, mắt cô sang long lanh, hình ảnh cuả cô Thục Khang,còn ở trong tôi rất nhiều năm sau này …….khi hết học cô ,sau này tôi mới được biết cô là vợ cuả một anh đại uý hải quân. Anh này lại là bạn cuả anh ruột tôi. Từ đó tôi và cô rất thân với nhau. Mối liên hệ cuả cô và tôi kéo dài rất nhiều năm sau khi rời trường TV, đã có thời gian cô dậy tôi học piano, cho đến khi tôi lập gia đình mới thôi học .Thời gian sau khi việt cộng vào chiếm miền nam ,phong trào vượt biên có lúc rất rầm rộ. Đi đâu cũng nghe người ta nói về tìm đường vượt biên: đường biển, đường bộ, chính thức, bán chính thức, bảo lãnh vv..Vì chồng cuả cô là dân hải quân, nên có rất nhiều người làm mối để lái tầu, sẵn sàng cho cả vợ con đi theo mà không mất đồng nào, nhưng cô đã từ chối rất nhiều đám. Định mệnh đã run rủi như thế nào tôi cũng không giải thích được. Cô từ chối rất nhiều đám tổ chức vượt biên, nhưng đến lúc chúng tôi rủ thì cô lại bằng lòng, có thể cô tin tưởng người quen biết thân thuộc, hơn là người lạ hơn nữa chúng tôi là người trong nhóm tổ chức. Thời gian ấy là cuối năm 1979.Theo sự sắp xếp, chiếc ghe lớn sẽ ra đợi ở gần cửa biển chỉ có thủy thủ đoàn 5 người trong đó có chồng tôi, đi trên ghe để qua các trạm kiểm soát. Các ghe nhỏ làm taxi sẽ chuyển người từ các bến khác nhau dọc bên bờ sông Saigon.Tối hôm ấy cả gia đình cô Khang gồm 2 vợ chồng và 3 con đi trên một chiếc ghe. Tôi và 3 con nhỏ cùng gia đình anh bạn và hai đứa cháu đi trên một chiếc ghe nhỏ khác khởi hành từ ngay bến gần Saìgon. Đoàn taxi lần lượt ra tới điểm hẹn trong đó có chiếc taxi của gia đình cô. Tất cả được đưa lên ghe lớn trước. Vì chiếc ghe lớn đậu lại chờ không xa bờ lắm nên những tiếng động khi chuyển người từ ghe nhỏ lên ghe lớn làm cho đàn chó trên bờ sủa ầm ĩ và có nhiều ánh đèn soi tìm từ trong bờ nên những người tổ chức trên tầu hốt hoảng muốn chạy liền, mặc dù ông xã tôi nói còn chiếc ghe của tôi chưa ra tới nơi.Cuối cùng họ nhất định đi liền.. Tôi trở về nhà trong nỗi hoang mang buồn tủi, tâm trạng não nề ,từ nay vợ chồng con cái xa cách ! Tính ra là chúng tôi chỉ ra trễ khoảng vài phút. Lý do ra trễ cũng là một điều tôi cũng không biết chắc là tại một sự huyền bí cuả định mệnh hay số mạng sắp đặt. Chiếc ghe nhỏ anh bạn tôi là người đã mấy tuần nay ngày nào cũng tập dượt đi lên đi xuống từ bãi đáp ra đến điểm hẹn để quen đường và để ước lượng thời gian cần thiết .Vậy mà hôm khởi hành anh bảo vẫn lấy điểm mốc định vị là những toà nhà bên bờ sông Saigon làm chuẩn để khởi hành mà không biết làm sao lại đi lạc đường tối hôm ấy ,đến nỗi sau khi đã đi được cả giờ mà lại vẫn quay về điểm mốc. Chính cái điều lạ thường này đã cứu sinh mạng của 8 người chúng tôi. Hai hôm sau nghe tin nhắn về ,chuyến đi cuả cô Thục Khang gặp nạn ,chưa ra biển được bao xa ,ghe đã bị thủng nước tràn vào và chìm .Tất cả đàn bà con nít trên ghe đều không thoát nạn trừ 2 người. Còn đàn ông bám phao được ghe đánh cá cứu. Có người trốn về được. Có người bị giao cho công an. Cô Thục Khang gặp nạn cùng với 2 cháu nhỏ, một trai, một gái. Chỉ còn thầy và 1 em trai sống sót. Hiện giờ thầy và em trai đang ở bắc Cali . Sau này sau khi ra tù, nhà tôi về và kể lại, lúc ghe lớn bắt đầu đi cô Thục Khang đã đi tìm mẹ con tôi. Nghĩ lại tôi thương cô quá. Có lúc tôi tự hỏi là nếu mình không rủ cô đi, hoặc cô không đi với mình ,số phần cuả cô có thay đổi không ??
Năm học đệ ngũ ,thần tượng cuả tôi là cô Phi Phượng ,cô dáng người cao lớn ,có cặp mắt rất Tây ,môn công dân giáo dục cô dậy tôi ngày ấy lúc nào cũng được đ iểm cao. Không biết vì mê cô giáo mà chăm học, hay vì được điểm cao mà mê cô giáo.
Tôi không có kỷ niệm nhiều ở năm đệ tứ ,năm ấy tôi bị bệnh phỏng rạ, phải nghỉ ở nhà mấy tháng, bỏ mất kỳ thi đệ nhị lục cá nguyệt, cuối năm cô giáo chủ nhiệm đề nghị ở lại một năm, năm đệ tứ thứ 2 ,mang mặc cảm cuả học trò bị ở lại lớp ,tôi như co cụm lại, bạn mới thì không có, bạn cũ đã lên lớp trên, năm này hình như cô giáo thần tượng cuả tôi cũng không có.
Năm lên đệ tam, tôi bắt đầu vùi đầu vào học , để chuẩn bị sang năm thi tú tài 1. Còn nhớ cô Ngà lúc đó dậy Pháp văn, môn sinh ngữ phụ cuả chúng tôi. Cô hay xuống chỗ tôi ngồi và hỏi han rất nhiều thứ chuyện. Ngày ấy, tôi được mẹ tôi kể rằng, đêm ngủ nằm mơ, tôi còn ú ớ mấy câu tiếng Pháp. Cô Ngà vừa dậy toán vừa dậy Pháp văn, môn nào cũng rấy hay, cô có 2 người con là Thu Hà và Thu Phương. Chị Thu Hà là một trong những người đẹp cuả TV. Ngày còn bé tôi được đi xe chuyên chở chung với chị.Tôi chỉ nhớ rằng theo sau xe lúc nào cũng có nhiều đuôi ! Mà chắc chắn là “đuôi của chị ” vì chỉ khi nào đến khu cư xá ở đường Công Lý lúc chị xuống xe, đuôi mới giải tán.
Này cô em bắc Kỳ nho nhỏ
Chiều hôm nay, xuống đường đón gió
Cô có tình cờ , nhìn thấy anh không ?
Thời gian này bản nhạc CÔ Bắc Kỳ nhỏ nhỏ được chúng tôi thích lắm, cứ tưởng như Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên và nhạc sĩ Phạm Duy làm riêng để tặng cho các nữ sinh TV
Tôi đã biết buồn, tâm tư đã có một chút sao xuyến khi nhìn một chiếc lá vàng rơi. Thế giới cuả tôi không chỉ còn ở trong khung cửa hẹp cuả trường. Thần tượng cuả tôi vẫn còn đó, nhưng không phải chỉ là những cô giáo trong trường, ai thế nhỉ ?
Này cô em BắcKỳ nho nhỏ
Này cô em có nụ cười ngây thơ
Thành khi không quãng đường im gió
Cô có thương thầm anh không ?
*
Cô bắc kỳ nho nhỏ
Mắt như trời bao dung
Hãy nhìn anh thật rõ
Trước khi nhìn đám đông
Hãy nhìn sâu chút nưã
Trước khi vào đám đông
Có người đã hỏi “ Cô có thương thầm anh không “
Tôi không dám trả lời như cô bé trong thơ cuả Nguyễn Nhược Pháp
Nhưng em chưa lấy ai
Vì thầy bảo người mai
Rằng em còn bé lắm
Ý đợi người tài trai
Tôi chưa dám trả lời, vì chúng tôi còn một quãng đường dài trước mặt, với bao lo lắng đợi chờ
Năm đệ nhị ,lúc này chúng tôi phải đua nhau mà học,để chuẩn bị bước vào muà thi. Đối với bọn con gái chúng tôi, tuy rằng rớt tú tài không phải đi trung sĩ ,song người nào cũng sợ, đây cũng là bước ngoặc lớn trong đời. Chúng tôi hầu như cả lớp đều đi học luyện thi. Phần lớn học lớp luyện thi toán lý hoá cuả thầy Vũ bảo Ấu ở trường Văn Học. Tôi chỉ theo được 1 tháng sau đó có GIA SƯ đến nhà và tôi không còn phải chui vào lớp luyện thi qúa đông như cá hộp thầy Ấu mỗi buổi trưa hè nữa. Một ngưòi bạn cuả anh tôi đã đến kèm Toán, một người khác kèm Lý Hóa. Chúng tôi 4 đứa bạn ở gần nhau rủ nhau học chung vào mỗi chiều thứ 3,5,7. Thời gian này trong lớp tôi rất khá, toán và lý hóa vì tất cả các bài học tôi đã được học trước ở nhà. Nhưng không biết tổ trác làm sao, hôm thi lục cá nguyệt ,tôi làm bàị sai. Hôm trả lại bài thi, cô Nguyễn thi Nở phê vào trong bài thi “Ngày thường học khá hơn “. Cầm bài thi trên tay, lòng tôi run run cảm động ” à hoá ra mình cũng được cô chú ý “ năm này thần tượng cuả tôi là cô Nở. Ngoài cô Nở còn có cô Lệ Khanh, cô dậy chúng tôi môn sử điạ. Vì là môn phụ chỉ có hệ số1 ,tôi lười học sử điạ lắm ,hầu như các bài thi chỉ nhắm mắt và khoanh a,b,c .Tôi và cô Lệ Khanh không có kỷ niệm gì đặc biệt ,nhưng tôi mê cô vì đôi mắt và đôi môi ,mắt cô sang và môi cô hồng ,da cô trắng và khi cô cười thì cười cả bằng mắt lẫn môi. Ngoài ra còn phải kể đến cô Lê Khắc Ngọc Quỳnh. Cô dậy chúng tôi Việt Văn. Cái giọng Huế cuả cô nghe sao mà dễ thương chi lạ . Cô Ngọc Quỳnh còn là chị cuả Ngọc Diệp cũng học cùng lớp với chúng tôi.
Hè năm đệ nhị, ngồi trong lớp học ,nhìn qua khung cưả sổ ,bên kia sở thú ,tiếng ve sầu kêu rỉ rả cả một góc trời ,những cây phượng vĩ đã nở hoa đỏ rực , hè đến rồi đây ,chúng tôi phải chuẩn bị chia tay , để chuẩn bị muà thi, thế nào cũng có người đậu người rớt. Chúng tôi đã chuyền tay nhau những quyển lưu bút ,viết cho nhau vài hàng ,trong lòng tự nhủ có thể đây là những buổi học cuối cùng ,và hình như ai cũng rưng rưng nước mắt
Cánh phượng hồng ngẩn ngơ
Và muà sau, có biết còn gặp lại
Ngày khai trường,áo luạ ,gió thu bay
Cuối cùng thì tin vui cũng đến, chúng tôi một nhóm bạn chơi với nhau :Hải Châu ,Thanh ,Ngọc San,Liên Hương ,Minh Tâm ,Ngọc Lan đều đậu cả.
Buổi học đầu tiên cuả năm đệ nhất chúng tôi còn cố xếp hàng bên trên , để sau khi chào cờ xong ,phải chạy nhanh lên lớp ,xí chỗ ngồi bàn đầu ,năm ấy chúng tôi oai lắm ,là chị cả trong trường mà ,hình như đi đâu chúng tôi cũ ng vác mặt lên một chút .Vì học ban A ,vạn vật cuả chúng tôi hệ số 3 ,năm ấy chúng tôi được học thầy Đỗ danh Tẩm thầy giảng bài hay lắm , dễ hiểu ,thầy vẽ cũng đẹp nhưng hình như thầy không được tôi chọn làm thần tượng. Thần tượng cuả tôi năm nay là cô Nguyễn kim Dung ,không biết tôi nhớ họ cuả cô có chính xác không ,nhưng biết chắc chắn rằng chúng tôi gọi cô là Dung Kennedy vì cô có khuôn mặt và mái tóc uốn cong ra phiá ngoài rất giống phu nhân cuả tổng thống Mỹ Jacqueline Kennedy thời bấy giờ. Thần tượng cuả tôi năm này còn có cô Gia Lai dậy Triết .Ngày ấy tôi chẳng có một chút ý niệm gì về Triết ;nghe cô giảng bài ,thấy tất cả chỉ là …hư vô ….. thế mà chẳng biết tại sao ,thi lục cá nguyệt lại được điểm cao, được cô giáo chú ý và mê cô từ đấy. Hình như chúng tôi chỉ được học cô có nưả năm ,sau đó cô phải chuyển đi nơi khác ,hồi đó tôi cứ ví cô là cô giáo Trâm trong truyên Tình Yêu Học Trò cuả Nguyễn Thị Hoàng. Năm học đệ nhất thần tượng cuả tôi nhiều lắm. Có những cô giáo mà tôi chẳng được học bao giờ như cô Lệ Tuyết với cái xe hơi đỏ chói và mái tóc demi- garcon. Cô Kim Thi với mái tóc ngắn ,miệng lúc nào cũng như sẵn một nụ cười ,và dáng người nhỏ nhắn dễ thương. Ngoài ra còn phải kể đến cô Tổng Giám Thị cuả chúng tôi. Chắc chắn rằng chẳng phải mình tôi yêu thích cô ,mà trong số cả trăm ,cả ngàn học trò cuả TV có rất nhiều người yêu mến cô ,mà chúng tôi không thể làm thống kê đươc .
Niên học cuối cùng ,rồi cũng rồi cũng phải tới ,mặc dù chúng tôi không nói ra ,song tự trong sâu thẳm nhất cuả tâm hồn ,chúng tôi muốn thời gian đi thật chậm,chúng tôi chuyền tay nhau những quyển lưư bút từ ngày còn giưã năm,lần này còn có thầy cô cũng viết cho các học trò ,chúng tôi được những lời chúc lành từ các thầy cô giáo, những tấm ảnh rất đẹp cuả bạn thân và không thân chúng tôi vội vàng trao nhau những dòng chữ kỷ niệm ,như biết rằng sắp sưả có một cuộc chia ly ghê gớm lắm, Vâng có thế là như vậy. Sau niên học này ,chúng tôi như những con chim đã đủ lông đủ cánh ,chuẩn bị bay khắp phương trời. Người thì học lên cao có người lại chuẩn bị đi lấy chồng, dù muốn dù không chúng tôi cũng phải rời xa mái trường yêu dấu, nơi đây chúng tôi đã gắn bó với nhau cả 7 năm trời ,nơi đây chúng tôi được các thầy cô ra sức dậy dỗ để trở thành con người hữu dụng cho xã hội.Chúng tôi được rèn luyện công ,dung, ngôn ,hạnh , mà sau này khi ra đời chúng trong chúng tôi ,đã có rất nhiều người trở thành những bà mẹ tuyệt vời ,cũng từ đây từ đây
Những chiếc giỏ xe, chở đầy hoa phượng
Em chở muà hè, cuả tôi đi đâu
Chùm phượng vĩ em cầm cuả tuổi tôi 18
Thuở ai hay, thầm lặng mối tình đầu
Những xôn sao ,những bâng khuâng cuả năm học cuôi cùng …cộng thêm những lo lắng cuả kỳ thi tú tài 2, điểm thêm là những mối tình thơ mà chúng tôi ai cũng có ,tạo thành một cảm giác tuyệt vời …mãi mãi không bao giờ tôi quên được.Hải Châu khoe với tôi những lá thư tình được viết nắn nót trên bià mầu tím được cắt và dán rất công phu. Tôi biết chắc rằng có nhiều bạn khác cũng có những lá thư tình rất đẹp như vậy ,chỉ tại tôi chưa được bạn cho xem đấy thôi .Tôi ,H Châu và Tuý Việt ngồi cùng bàn đầu bên phiá cuả sổ ,tôi còn nhớ trong cuốn lưu bút Tuý Việt đã viết cho tôi “ Phương đó ,rất thật gần ,nhưng cũng rất xa “, tôi vẫn chưa hiểu rõ ý nghiã cuả câu nói này ,cho nợ đấy Tuý VIệt nhé ,chừng nào gặp ,P sẽ bắt bạn giải thích câu này ……….. đã gần 40 năm kể từ ngày chúng tôi chia tay nhau ,tôi chưa có dịp gặp lại Tuý Việt .Tôi và Châu học cùng nhau năm thứ nhất ở Văn Khoa ,sau năm này người đẹp nổi tiếng ở TV năm nào đã bị LHương bắt cóc về làm chị dâu ,tôi cũng theo Gia Sư cuả năm Đệ nhị năm nào về dinh với chàng ,một năm sau đó .
Tôi đang mơ giấc mộng dài
Đừng lay tôi nhé ,cuộc đời chung quanh
,C uộc sống có rất nhiều thăng trầm với những người còn ở lại VN sau năm 75 như chúng tôi Ngoc San ,Thanh vv.. .Hồi ức về TV cuả chúng tôi chỉ thoáng một chút rồi lại bay xa.Thời gian mới sang Mỹ chúng tôi cũng ít liên lạc với nhau ,một phần vì nợ áo cơm .Chỉ mới gần 10 năm sau này ,khi cuộc sống từ từ đi vào ổn định ,mới liên lạc lại với các bạn cũ. Phải nói rằng đây là thời gian tuyệt vời nhất, chúng tôi tìm đến nhau ,như những đứa con ,xa nhà lâu ngày ,bây giờ về đòan tụ với gia đình,vâng cuộc đời ơi , đừng lay tôi nữa nhé ,hãy để cho tôi ôm ấp những giấc mộng ,cuả thuở ấu thơ,mà đã có một thời tôi phải lãng quên ,tôi yêu quá ,mhững giấc mộng cuả thời thơ ấu
Những điều rất nhỏ nhặt cuả thời đi học ,nay đã được chúng tôi trân qúy ,thương yêu như là một kỷ gắn liền với cuộc đời mình .
Cho tôi bước lại con đường làng
Ngày đầu cắp sách đến trường
Bên tai ,tiếng cười ,tiếng nói lạ
Dịu dàng mùi thơm giấy mới
Cho tôi hát lại ,câu hát đầu
Như thưả mẹ ru rất yêu
Để ước mơ vào mây cao
Vâng những con diều nhỏ ,với tràn đầy ước mơ ngà ngọc cuả tuổi học trò , đã được chúng tôi gửi gấm trên những áng mây cao có những ước mơ đã thành sự thực ,có những ước mơ mãi mãi vẫn chỉ là mơ ước ,nhưng chúng tôi vẫn yêu qúy ,vẫn trân trọng những giấc mơ cuả ngày còn đi học ,bởi những giấc mơ rất đẹp này , tôi biết rằng chỉ được thành hình khi chung quanh tôi có rất nhiều người thầy ,chúng tôi từng kính trọng ,có rất nhiều người bạn, mà chúng tôi rất yêu thương.
Minh Phương (A2)
Doc bai Phuong viet bao nhieu ky niem xua tro ve. Phuong viet cam dong va hay lam mo oi! LH
ReplyDelete