Sep 30, 2020

MÙA THU CÔ VÍT 2020

 Mùa Thu Cô Vít 2020

Thân chào các bạn
Thu đã đến rồi
Ngày nóng đêm lạnh
Nàng Phong khoe sắc
Lá vàng, lá đỏ
Dạo quanh khu xóm
Phong cảnh hữu tình
Chụp vài tấm hình
Đem khoe bạn hữu.

 


Mùa thu Cô Vít
Du lịch đã 'booked'
Nhưng phải 'cancel'
Đóng đô Sherbrooke
Ngày ngày đi bộ
Ngắm cảnh thiên nhiên
Cảnh thu tuyệt đẹp
Thu đầy thi vị
Chỉ có Ông Tạo
Sáng tác tuyệt hảo
Có giờ chiêm ngắm
Hạnh phúc cảm nhận
Thoáng nhẹ trong tim

 

Cám ơn bề trên
Đã cho vui hưởng
Những ngày tuyệt đẹp
Nâng đỡ tinh thần
Dù đang dịch bệnh
Nhiều nỗi lắng lo.
Lệnh trên kêu gọi
Tránh nơi đông đảo
Không họp bè bạn
Cũng chẳng đi xa
Quanh quần Sherbrooke
Thể dục thể thao
Vui thú điền viên 
Qua mùa Cô Vít

Sherbrooke, Canada
 

 



 





 Cảnh Thu Sherbrooke 2020 

Parc Lucien Blanchard

giới trẻ không giữ khoảng cách trong lúc đại dịch 

 

 


 

Domaine Howard 


Mme Howard  et son jardin














 

Sep 26, 2020

Khôi Phục Đèn Lồng Trung Thu Cổ Truyền Việt Nam- Trịnh Bách

 Khôi Phục Đèn Lồng Trung Thu Cổ Truyền Việt Nam- Trịnh Bách




  Trung Thu Hà Nội 1932 (tạo sắc từ ảnh của Bảo tàng Quai Branly)

Trịnh Bách


Từ bao thế kỷ nay Việt Nam vẫn luôn là nước độc nhất trên thế giới lấy ngày rằm tháng Tám Âm lịch mỗi năm làm Tết Nhi đồng. Các nước Đồng Văn sử dụng Âm lịch khác là Trung Hoa, Hàn Quốc và Nhật Bản chỉ xem dịp rằm tháng Tám là lễ hội đoàn viên hoặc lễ hội lúa mới. Và Việt Nam cũng là nơi duy nhất có phong tục làm lồng đèn hình các con thú cho trẻ em trong dịp Tết Nhi đồng, tức là Tết Trung thu.

 

Tương truyền vào thời Đường bên Trung Hoa (Phan Kế Bính cho là vào thời Tống) có con cá chép thành tinh. Mỗi năm đến tối rằm tháng Tám con tinh cá vào kinh đô Tràng An bắt người dân để ăn thịt. Triều Đình nhà Đường nghĩ ra một kế là dậy cho dân Tràng An làm đèn lồng hình con cá chép bằng khung tre phết giấy hay vải lụa, để đêm Trung Thu thắp lên đem ra treo trước nhà hay để đi rước trong kinh thành. Con tinh cá thấy thế tưởng đồng loại đã làm việc ở những chỗ ấy rồi nên bỏ đi. Tục lệ này dần lan ra mọi nơi trong nước và thành lệ mỗi năm. Nước ta lúc bấy giờ hãy còn bị nội thuộc nhà Đường, cho nên có lẽ người mình đã tiếp thu phong tục làm đèn lồng hình con cá này từ giai đoạn đó.

Khi người Mông Cổ chiếm được nước Trung Hoa từ nhà Tống năm 1279, lúc đầu họ đã bãi bỏ nhiều lề lối cũ của người bản địa. Và có thể tục lệ làm đèn con cá chép của người Hoa cũng bị phế bỏ lúc đó. Trong khi đó Việt Nam vì đã ngăn cản được các cuộc xâm lược của quân Nguyên Mông, cho nên chúng ta vẫn giữ được nền tự chủ và các phong tục cũ. Trong đó có việc làm đèn lồng Trung Thu.














Đèn con cá chép cổ truyền (Henri Oger 1908)

Rồi lần hồi người Việt đã phát triển thêm các loại đèn lồng hình thú hay hoa quả khác cho trẻ em, dựa trên cổ tích Trung Thu. Ví dụ như đèn con thỏ ngọc, hay đèn con thiềm thừ hý nguyệt. Theo di thảo của vua Lê Thánh Tôn thì thiềm thừ, tức con cóc 3 chân, là thủy tổ của các loài cóc, ếch. Và thiềm thừ đã sống trên cung Trăng từ nhiều vạn năm. Sau này người mình còn tạo ra các loại đèn con bướm, con gà, con tôm, con cua, quả đào, quả lựu, v.v., cho thêm phong phú.

Từ nhiều thế kỷ, trẻ em Việt Nam đã vui Tết Trung Thu của mình với những thứ đồ chơi độc đáo như con giống làm bằng bột và đèn lồng hình dạng các con thú. Đấy là những phong tục đẹp đẽ và độc đáo của riêng người Việt. Nhiều bảo tàng bên Pháp hiện vẫn còn giữ được những cái đèn Trung Thu và những con giống bột rất đẹp, tinh xảo; được làm cho Tết Nhi đồng của Hà Nội từ những thập niên đầu thế kỷ 20.

Cho đến cuối thế kỷ 19 thì thú chơi lồng đèn Trung Thu ở miền Bắc Việt Nam, nhất là ở Hà Nội, đã thành rõ nếp lắm rồi. Theo các ảnh chụp cũng như tranh vẽ đèn Trung Thu ở Bắc Việt của các nhiếp ảnh gia và các nhà ngiên cứu người Pháp, thì từ những năm cuối thế kỷ 19 đèn Trung Thu cho trẻ em ở Hà Nội đã rất xúc tích, đa dạng. Mẫu mã đèn Trung Thu ở Sài Gòn dù ở thời điểm cực thịnh về sau này, nghĩa là cho đến giữa thập niên 1970, vẫn không thể so sánh với các đèn Trung Thu ngoài Bắc mấy thập kỷ trước đó được.

Ajouter une légende


   Đèn Trung Thu Sài Gòn 1966 (ảnh Douglas Ross)

Ngày xưa ở Bắc Bộ có nhiều nơi làm đèn Trung Thu cho trẻ em. Nhưng nổi trội nhất phải kể đến làng Báo Đáp ở Nam Trực, Nam Định. Người làng Báo Đáp làm đèn Trung Thu bài bản và quy mô hơn mọi nơi khác. Có thể nói là nếu Bát Tràng nổi tiếng với đồ gốm và Vạn Phúc nổi tiếng với vải lụa, thì Báo Đáp được biết đến là làng đèn Trung Thu.

Các biến động chính trị, lịch sử đã làm nghệ thuật làm lồng đèn Trung Thu cổ truyền quý báu của người mình gần như biến mất từ lâu ở miền Bắc. Nhưng thật may là rất nhiều người dân làng Báo Đáp di cư vào Sài Gòn hồi giữa thập niên 1950 đã tụ họp lại lập ra xóm Phú Bình, hiện ở quận Tân Phú, và tiếp tục nghề làm đèn cố hữu của họ. Tất cả đèn Trung Thu của Sài Gòn và các tỉnh miền Nam từ hơn nửa thế kỷ nay đều được sản xuất từ Phú Bình. Nhưng các loại đèn cầu kỳ, tinh xảo cổ xưa cũng đã bị thất truyền ở Sài Gòn từ vài ba chục năm nay.

     Đèn cá chép theo phong cách Báo Đáp (ảnh tư liệu)

Từ năm 2007 tôi đã bắt đầu mầy mò ở khu Phú Bình, là chỗ tôi vẫn được đưa đến mua đèn Trung Thu loại cao cấp từ hơn nửa thế kỷ trước khi còn bé, để cố gắng tìm nghệ nhân tâm huyết cho việc phục hồi lại nghệ thuật quý báu này. Thật ra mục đích đầu tiên của tôi chỉ là làm lại cái đèn con thỏ mà Trung Thu mỗi năm hồi đó tôi nhất định phải có, do cùng một nghệ nhân làm. Tôi quý cái đèn con thỏ đó đến nỗi đã vẽ nằm lòng lại từng chi tiết của nó, nhất là cách dán lông thỏ đặc biệt của người nghệ nhân già. Và con thỏ đó sẽ là mấu chốt để phục hồi lại các đèn Trung Thu đẳng cấp của Báo Đáp-Phú Bình cũ.

Nhưng chuyện không đơn giản. Ví dụ như cách đây khoảng tám năm, có lần tôi cố gắng chỉ cho một người làm lồng đèn cách dán lông thỏ giả vào những cái đèn tương đối còn chấp nhận được, nhưng là những lồng đèn có vẻ đẹp nhất trong phố lúc đó, của anh ta. Như một gợi ý cho anh ta về cách trang trí đèn lồng Trung Thu hồi xưa. Nhưng vì anh thợ không hứng thú lắm, cho nên không thành công. Hiện nay, những lồng đèn bán ở chợ lồng đèn Trung Thu quận 5 vẫn dán lông giả đủ màu sắc mà hoàn toàn không có một căn bản mỹ thuật nào. Và người ta cũng không hiểu mục đích dán lông như vậy để làm gì.

      Đèn con thỏ Sài Gòn trước 1975 được tái tạo (ảnh tư liệu)

Lông thỏ để làm đèn Trung Thu được đặt hàng từ mùa hạ để lấy lông ngắn, không quá xù. Riêng lông bụng dài đẹp phải đặt mua ở Đà Lạt vào mùa Đông. Hồi đó chỉ có thỏ ta lông ngắn cho nên phải khó như vậy. Rồi người ta phải biết chỗ nào trên đèn dán lông lưng thỏ, chỗ nào dán lông bụng. Ngày nay vì ý thức đạo đức cho nên phải dùng lông thỏ giả. Nhưng dùng lông giả thì cũng phải biết cách tỉa lông sao cho giống lông lưng, lông bụng thỏ thật.

Mãi đến 2017 tôi mới có cơ duyên gặp được gia đình cụ quả phụ Nguyễn Trọng Văn ở Phú Bình. Gia đình Cụ Văn đã có truyền thống làm đèn Trung Thu từ nhiều đời ở làng Báo Đáp. Từ khi dọn vào Sài Gòn họ vẫn tiếp tục giữ nghề, dù rằng có phải thay đổi một ít về hình thức của những chiếc đèn này. Người làm việc trực tiếp với tôi là em Nguyễn Trọng Bình, con trai cụ Văn. Bình rất khéo tay, kiên nhẫn, sáng dạ. Và quan trọng nhất là cầu tiến, yêu nghề. Em nhẫn nại chữa các lỗi kỹ thuật hay nhận những yêu cầu khó khăn mà không bao giờ than van, mệt mỏi…

           Cụ Nguyễn Trọng Văn và Nguyễn Trọng Bình (ảnh tư liệu)

Bình có những kỹ thuật và mẹo để uốn khung tre thành những hình dạng phức tạp một cách thật giản dị và tự nhiên đến buồn cười. Có lẽ đây là những gì còn sót lại từ quê tổ cũ. Chỉ một, hai ngày sau khi gặp gỡ, cái đèn con thỏ thân thương hồi bé của tôi đã hiện ra trước mặt như chưa hề vắng bóng. Cụ Văn cứ ôm cái đèn mà thì thầm: “Đây mới là đèn con thỏ…”. Thật cảm động. Các phác họa khung lồng đèn tôi đưa ra khó đến đâu Bình cũng giải quyết dễ dàng, nhuần nhuyễn như đã sẵn quen thuộc.

Nhưng thế chưa là tất cả trong việc hồi phục lại cái nghệ thuật cổ truyền quý giá đã mất này.

Sau khi đã phục hồi lại được một số đèn Trung Thu cao cấp của Sài Gòn cũ, chúng tôi vẫn bí tị không hiểu người Báo Đáp ngày xưa dán đèn bằng vật liệu gì. Theo hình ảnh và hiện vật còn lại ở các bảo tàng bên Pháp, một số rõ ràng được dán bằng giấy bóng kính. Có những cái đèn dán bằng lụa mỏng. Nhưng phần nhiều được dán giấy nhưng không phải là giấy bóng kính, vì cách vẽ theo lối bôi nước nhiều lần (tương tự như thủy mặc) trên các đèn này thì các loại giấy thường đều không chịu nổi.

Cụ Văn bị bán thân bất toại do tai biến mạch não, cho nên vẫn phải ngồi xe lăn từ nhiều năm nay. Và cụ dường như không để ý mấy đến những gì diễn ra chung quanh. Nhưng từ khi chúng tôi làm lại những lồng đèn cũ thì cụ có vẻ năng động hơn, và nói chuyện với tôi rất nhiều. Một hôm khi Bình và tôi đang bàn về loại vật liệu dán đèn khó hiểu đó, thì cụ Văn bật ra như thét: “Giấy Nhiễu! giấy nhiễu mới chịu được nước chứ”. Rồi cụ bảo Bình ra hỏi ‘A Dí’ xem bà ấy còn giấy nhiễu không. A Dí (tức ‘bà dì’ trong tiếng Quảng Đông) là một bà già người Hoa chuyên buôn bán giấy các loại ở chợ Kim Biên từ đã rất lâu, và là bạn thân của gia đình.


                    Đèn con cua sống làm bằng giấy nhiễu (ảnh tư liệu)

Và A Dí cũng giật mình khi chúng tôi tìm giấy nhiễu, vì mấy chục năm nay không ai hỏi đến loại giấy này. Lúc đó gần Tết Nguyên Đán cho nên bà ấy hẹn sau Tết sẽ cố tìm nhập về cho chúng tôi một ít để thử.

Thì ra người Báo Đáp xưa kia phần lớn dán đèn Trung Thu bằng giấy nhiễu, hoặc có khi bằng vải. Giấy nhiễu là loại giấy bên trong có trộn vụn tơ hay sợi vải để chịu nước. Đến những năm 1940 trở đi họ cũng đã bắt đầu dán đèn bằng giấy bóng kính. Khi vào Sài Gòn, họ đổi theo phong cách và thị hiếu của các nhà buôn Chợ Lớn mà đổi sang hoàn toàn dán đèn lồng bằng giấy bóng kính, thường là mầu đỏ. Theo phong cách của người Hoa Chợ Lớn, đèn Trung Thu cao cấp nhiều khi còn được gắn thêm lông thỏ và mặt mài kim kính. Chỉ tiếc là loại giấy bóng kính của Nhật mấy chục năm trước với độ dầy 20-24µ nay không còn nữa. Hiện người ta phải dùng giấy loại 18µ dễ loang mầu của Trung Quốc.

Cụ Văn cũng cho biết rằng các đèn Trung Thu có cái khung treo bên trên hình tròn bằng tre ngày xưa được gọi là đèn Tàu. Đèn Ta hoặc được treo trực tiếp lên cán tre, hoặc được gắn vào khúc cành tre ở bên dưới đèn.

Và cuối cùng chúng tôi cũng tìm tòi ra được các chất liệu và phương pháp để tạo khung, bồi giấy cho các loại đèn con thú cổ truyền Việt Nam. Hóa ra không phải chỉ cần có đúng chất giấy, chất liệu vẽ, và tạo được khung đèn là đủ đâu. Cao điểm là các lồng đèn con cua sống và con cá hóa long của người Báo Đáp ngày xưa, mà chúng tôi đã mầy mò từ khi gặp gỡ 3 năm trước đến nay, đã được xuất hiện trở lại nhân dịp Trung Thu 2020. Đến được bước này rồi thì các đèn Báo Đáp cổ truyền khác như đèn con cua luộc, con bướm, quả đào, quả lựu, v.v., sẽ chỉ tuần tự mà ra lò khi có thời giờ thôi…




Con cá hóa long cổ truyền (ảnh tư liệu)

Bên cạnh đó, nhiều mẫu mã mới không có trong hệ thống đèn Trung Thu cổ cũng được tạo ra theo phong cách truyền thống để cho bộ sưu tập phong phú thêm. Ví dụ như đèn con lợn làm phỏng theo các loại tranh dân gian như Đông Hồ hay Kim Hoàng. Hay đèn con cá Koi Nhật Bản…



Đèn con lợn Đông Hồ và đèn con cá Koi (ảnh tư liệu)

Hiện nay các nhà sản xuất đèn ở Phú Bình cũng đã bắt đầu theo mẫu mã của gia đình cụ Nguyễn Trọng Văn mà làm lại đèn Trung Thu truyền thống, dù lúc đầu họ vẫn chỉ làm được những mẫu đơn giản về hình dạng. Nhưng số lượng khách đặt hàng đèn Trung Thu truyền thống từ khắp nơi trong nước, từ Hà Nội đến Huế hay Cần Thơ… đã tăng lên gấp bội so với những năm trước. Và nhiều trường học bắt đầu cho học sinh làm quen với thú vui rước đèn Trung Thu cổ truyền. Đèn Trung Thu Truyền thống Việt Nam đang tái xuất hiện một cách rất tích cực.

Điều quan trọng nhất là người thanh niên Phú Bình/ Báo Đáp này hiện đã nắm giữ lại được tất cả các bí quyết của nghệ thuật làm đèn Trung Thu cổ truyền của đất nước, mà trong bao năm tưởng như đã mất.

 

Sep 24, 2020

HỘI NGỘ BỎ TÚI - Năm Diệp tường trình từ Houston

 HỘI NGỘ BỎ TÚI 




Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.

Số là năm ngoái, các U70 của Trưng Vương hoạch định cuộc hội ngộ 50 năm vào tháng tư năm nay(2020) tại Houston, chương trình có Tiền, có Hậu Đại hội nghe hấp dẫn lắm lận. Đùng một cái, em Covi xuất hiện. Các em Vịt của 50 năm về trước bỗng xìu như cái bong bóng!!! Hủy bỏ Cruise, hủy các chuyến bay, uổng công háo hức!

Em Liên (AP2) là một trong những em Vịt háo hức và cũng bị xìu như cái bong bóng. Sợ mất tiền, em làm liều một chuyến ngao du Houston trong mùa dịch! Em Liên không muốn chết một mình bởi em Covid, cho nên em rủ rê thêm vài mống nữa, trong đó có em Đường, em Chinh và tui!

Sở dĩ em Đường có tên trong danh sách của em Liên là vì ông xã ẻm mới ra người thiên cổ, có chuyện gì thì em Đường có cơ hội gặp người tri kỷ???

Em Chinh thì độc thân vui tính, có chuyện gì cũng...hổng sao!!!

Còn tui, không biết em Liên nghĩ sao mà cho tui đứng chung danh sách???

Có lẽ ẻm nghĩ tui xìu xìu ển ển, sống cũng chật đất???

Thôi kệ, bạn nó muốn tui đi theo nó thì tui cũng chìu cho nó dzui, lỡ có xuống dưới cũng có nhóm để...quậy!

Em Đường bay từ Louisiana sang, escort bởi em cháu nội 7 tuổi. Em cháu này dễ thương làm sao! Suốt ngày ôm cái Ipad, thỉnh thoảng được bà nội nhờ chụp hình. Mà phải để em làm theo ý ẻm, nếu mấy bà cho ý kiến là em phụng phịu, ra điều ta rành rồi. Mỗi lần em chụp được hình ưng ý là em cười toét miệng. Cưng lắm!

Em Chinh là dân bản địa, hai nhà lại gần nhau cho nên cũng tiện lợi. Chỉ có tui từ San Antonio, phải mất 3 tiếng lái xe. Tui định nhảy lên Greyhound cho tiện, hơn nữa có thể kéo dài cuộc chơi! Nhưng em con tui hổng chịu, nó biết tui cũng hơi lạng quạng, xe bus lại đông người, nó sợ lỡ có chuyện gì mắc công...thiêu và nhóm TV6370 phải tốn tiền đào giếng, cho nên nó tình nguyện chở mẹ nó đi. 

Hôm trước, trong lúc cao hứng, tui post cái vườn rau của tui cho thiên hạ coi chơi, ai ngờ em Chinh với em Liên để bụng. Tui định đem rau nhà, đặt thịt nướng, để mọi người có món bún thịt nướng khoái khẩu cho cuộc hội ngộ. Cả hai em biểu tui đem rau sạch vườn nhà, sẵn dịp, tui cũng làm vườn rau nhà sạch sẽ. Từ húng lũi, húng cây, dấp cá, tía tô, cần nước, đến húng quế, kinh giới, rau răm.

Thiệt ra, tui trồng cho vui chứ có hai mạng già, ăn uống bao nhiêu! Một hai tuần, phải cắt bỏ đi để tụi nó ra lá non. Sẵn dịp này đem cho mọi người thưởng thức rau ồ ga níc!

Tui đến nơi thì mọi người đã đông đủ. Em Liên với em Chinh thỉnh thoảng có gặp. Em Đường thì từ 70 tới giờ mới, 50 năm chẳn mới thấy dung nhan. Có lẽ mới mất đi cái phân nửa không lâu, nên em Đường ốm nhom ốm nhách, đúng dáng người mẫu! Tay bắt mặt mừng gặp lại bạn cũ. Nhưng thú thiệt, tình bạn có thắm thiết tới đâu cũng không bằng cái bụng.

Dậy từ 5 giờ sáng, bỏ bụng bằng củ khoai nhỏ xíu, bụng tui kêu ỏm tỏi. Lại thấy nồi bún riêu chà bá của gia đình em Liên, tui chịu hết nổi!!! Vậy mà em Liên cứ Live stream liên tục. Em này coi bộ thích quay phinh! Cuối cùng thì cũng được ăn. Biết ra, thì nồi riêu hấp dẫn do hai vợ chồng cháu Thủy nấu từ 5 giờ sáng. Hải, chồng Thủy (cháu Liên) là Chef của một nhà hàng có tầm cỡ ở Houston. Nồi riêu nấu với ghẹ sống giã, tôm, huyết, đậu hũ, thịt...ngon hết biết!

Em Liên ngoài tài quay phinh, còn có tài kết nối bạn bè. Em gọi em Hà bên Úc bất kể giờ giấc, rồi Thúy Vân ở Virginia,  Kim Diệp Arizona, em Tâm Sacramento, em Hồng San Jose, cả em Thanh mắt nhung ở Houston, nói chuyện none stop! Chẳng những miệng nói không kéo da non mà nhai cũng không nghỉ!

Ngoài bánh ít trần, thạch rau câu và nước mát do em Chinh làm từ nhà mang tới, còn mít, chôm chôm, bánh trung thu đặt từ Louisiana, rồi bánh giò, bánh bột lọc, bánh ít em Liên làm từ Cali đem qua, rồi lựu, táo tàu từ vườn nhà ẻm, rồi xoài, dưa hấu, chè của cháu rể em Liên mua ủng hộ, cho mấy U70 thử. Tui còn có nửa cái bao tử, làm sao nhồi nhét hết???Cho nên phải xin kiếu một số món mà bụng thì tiếc hùi hụi !!!

Hẹn em Thanh mắt nhung  trưa chủ nhật, em Thanh coi bộ cũng nôn nóng nhiệt tình! Dù tui nghe nói về em rất nhiều ( qua em Chinh), chưa được gặp mặt, nhưng qua điện thoại, tụi tui cũng chí chóe như đã quen từ kiếp nào!!! Cái tình Trưng Vương là ở chỗ đó.

Buổi chiều, Chef Hải cho tụi tui thưởng thức món đậu hũ và mực chiên dòn. Anh Chef tuổi trẻ tài cao, truyền nghề cho đám học trò không còn trẻ. Các cụ biết thân biết phận, chỉ bấm phone quay từ đầu đến cuối cho chắc ăn. Hai món của Chef Hải quá độc đáo, ngoài em Liên, các em khác mới ăn lần đầu. Ngon quá xá! Ăn xong phần khai vị căng bụng, kế là thịt nướng kiểu Phi. Xong, chủ nhà ép mỗi em làm thêm tô bún riêu nhỏ, sau đó lại tiếp tục trái cây, chè, bánh tới khuya. Chị Yến (chị em Liên) hiền khô, ít nói, khác hẵn với con em miệng xoành xoạch tối ngày! Chị hết dọn dẹp cho ngăn nắp thì quay ra rửa chén bát, không nghỉ tay.

Sáng chủ nhật, thức dậy là cà phê, phở bắt đầu cho ngày mới. Nồi phở cũng do Chef Hải phụ trách, lại thêm món phở sa tế cay ngon hết xẩy! Ăn xong, mấy em lại ngồi tán dóc, chuyện buồn vui gia đình, chuyện con chuyện cháu... Houston đang có cơn bão mà chẳng có em nào để ý, vì ai cũng lu bu... tám.

Hẹn với em Thanh mười hai giờ rưỡi, ở downtown Houston. 

Mười một giờ, 4 em Vịt xề bắt đầu rục rịch. Một phần là chỗ lạ, phần khác, em Liên...làm tài xế! Nhớ lại ba năm trước, mấy em tụ tập ở nhà em Liên. Ẻm vừa là chủ nhà, vừa là tài xế.

Quỷ thần ơi! đúng là ác mộng!!! Ẻm lái xe kiểu cao bồi hay sao hổng biết??? Cứ mỗi lần lên xe là tim em nào cũng nhảy tót lên óc và nằm đó chờ tới khi ra khỏi xe nó mới trở về vị trí cũ!!! Ẻm thấy đường trống là ẻm chạy, không cần biết đó là đường cho xe chạy ngược chiều hay cùng chiều! Muốn qua lane là ẻm cứ qua, không cần mở signal cũng không cần biết có xe chạy phía sau???

Cả bọn đặt tên "Chuyến xe bão táp" và hối hận đã giao sinh mạng của mình cho ẻm giữ!!!

Lần này thì cũng thí mạng cùi. Em Chinh không dám lái xa, em Đường với tui không phải dân bản địa, em Liên thì...cỡ nào cũng chơi! Ẻm để GPS, 3 em còn lại im re, vừa ngồi vừa cầu Chúa, khấn Phật.

Trời bắt đầu mưa. Cả bọn hẹn emThanh tại GEN Korean BBQ nằm trên đường Louisiana, nghe nhiều người giới thiệu ngon có tiếng. Đến nơi thì mưa tầm tã. Vô bên trong, vừa tránh mưa, sẵn lấy bàn chờ em Thanh. Đây là nhà hàng All you can eat, rất lịch sự, sạch sẽ.  Có lẽ mấy em phục vụ thấy mấy U70 này mừng lắm, nghĩ là sẽ không phải chạy bá thở phục vụ mấy...cụ.

Hơn 12 giờ, em Thanh có mặt. Nhận xét đầu tiên: xinh xắn, dễ mến. Nhìn em, ai biết em xấp xỉ 70 đâu??? Cả bọn lại ì xèo tám! Trong lúc ngồi chờ em Thanh, tui đã nhắm món sẽ gọi, ăn cho đáng đồng tiền mờ! Mỗi lần, được chọn 5 món. Tui chọn Bogogi, tôm, mực, soup, mực cay. Sau đó là sườn bò, rau cải, tôm, mực, port belly. Ăn kèm có kim chi đủ loại, cả bọn thích nhất là củ cải trắng ngâm chua ngọt. Phải công nhận ngon thiệt! Thịt ướp rất vừa khẩu vị, không quá ngọt như đa số nhà hàng Korean mà tui đã từng ăn và không bao giờ trở lại!

Năm U70 gọi không biết bao nhiêu lần, hai em phục vụ chạy bá thở. Em nào cũng kêu no, nhưng món sườn bò vẫn còn hấp dẫn, phải gọi luôn 2 phần một lúc mới chịu bỏ đũa. May mà tui còn có nửa cái bao tử, nếu còn nguyên chắc chắn tiệm này sẽ dẹp sớm!!! Tui không biết, giá 25 đồng một người, ăn mút chỉ như vậy, nhà hàng có lời không??? Chung quanh, có nhiều bàn đã ăn trước, khi tụi tui ngưng ăn, họ vẫn còn tiếp tục???

Ăn xong, mưa vẫn còn lớn. Cả bọn phải ù ra xe, thẳng tới quán chè Bamboo, mỗi mợ làm một ly mới chịu giải tán.

Thiệt ra, lần đầu gặp em Thanh mà không có nhiều thì giờ nói chuyện ( lo ăn), lại thêm em nào cũng ôm cái điện thoại, xin số phone, kêu chuyển hình đã chụp chung, gởi friend request...hết cả ngày giờ! Lại thêm trời mưa tầm tã, không thể chụp hình với nhau, tiếc ơi là tiếc!!! Kệ đi, còn vài năm sống nữa, thể nào cũng sẽ gặp lại thôi phải không Thanh???

Chia tay em Thanh rồi, cả đám phải lệ thuộc vào tay lái của em Liên. Phải công nhận, lần này ẻm lái ngon hơn lần trước, tuy vậy tui cũng không dám nhìn phía trước, sợ tim lại dồn lên óc!!!

Ghé nhà em Chinh thăm mẹ bạn. Cụ 97 tuổi mà vẫn còn minh mẫn, đẹp lão, khuôn mặt thật phúc hậu. Em Chinh có phước thì thôi, ráng hưởng nghe em!

Trở lại nhà chị Yến chờ em con tui tới đón về.  Lại tiếp tục tám. Tội nghiệp em Đường, có lẽ ông xã mới mất không lâu nên ẻm không có cái vui trọn vẹn. Thì cũng cười cũng nói, nhưng luôn luôn cái buồn phưởng phất đâu đó! 

Gặp rồi cũng phải chia tay thôi. Tuổi này giờ không gì quý hơn tình bạn.

Cám ơn Liên, Chinh, Đường, Thanh đã cho mình những phút giây thân thương của tuổi học trò xa xưa.

Cám ơn chị Yến, cháu Thủy, cháu Hải đã hết lòng tiếp đãi với những bữa ăn ngon miệng nhớ đời.

Cám ơn em Tâm, em Diệp, em Thúy Vân, em Hồng, em Hà, tuy xa xôi cũng " bị" theo dõi gián tiếp cái màn hội ngộ bỏ túi này.

Có một ngày rưỡi với bạn. Tuần này, ngày nào tui cũng phải tăng gấp đôi đoạn đường đi bộ mỗi sáng và sẽ tiếp tục dài dài...

Năm Diệp. 

Năm Diệp - Thanh mắt nhung - Liên - Đường 




Thanh - Liên

Mấy em Vịt AP2 





Sep 20, 2020

Hội ngộ Minh Ngọc

 Các bạn TV6370 thân mến,

Tuần vừa rồi, vợ chồng Mỹ Nga cùng một nhóm bạn lái xe lên Hamburg chơi và nhân thể ghé thăm Minh Ngọc (A) của lớp A1 ngày xưa.






Lớp A1 ngày xưa của Mỹ Nga có 2 Minh Ngọc nên mới có Minh Ngọc A và Minh Ngọc B. Minh Ngọc A có làn da trắng trẻo và Minh Ngọc B thì da ngăm ngăm đen. Cả hai đều là người đẹp và học giỏi của lớp A1. Không biết bây giờ Minh Ngọc B ở đâu?

 

Cách đây cũng khoảng hơn ….20 năm Mỹ Nga đã gặp lại Minh Ngọc ở Hamburg. Đó la 2 lần hội ngộ đầu tiên sau ngày rời trường TV sau gần 30 năm! Ngày đó gặp lại nhau tụi Nga ôm nhau khóc quá trời….nhất là khi ngồi nghe Minh Ngọc tỉ tê kể lại quãng thời gian còn ở VN sau 75, học đại học Y khoa thì bị đì (ăn mặc đẹp là nó bắt về nhà thay áo hay đòi cắt quần cắt áo của các cô SV v…v…), rồi chuyến vượt biên của Ngọc. ….. Lúc đó con cái của hai đứa cũng đã lớn nhưng đều còn học trung học hoặc mới bắt đầu vào đại học (con trai của Nga). 20 năm sau gặp lại nhau, tụi Nga đứa nào cũng đã lên chức bà nội bà ngoại!!!

 

Sau lần hội ngộ đầu tiên ở Hamburg, sạo đó Minh Ngọc bắt ông xã chở xuống Mainz thăm lại Nga. Hamburg và Mainz cách nhau 550 km, so với nước Mỹ của đa số các bạn thì chẳng xa gì mấy nhưng với nước Đức nhỏ bé của tụi Nga thì quả là đường xa diệu vợi. Khoảng cách 550km khiến tụi Nga đâm ra ngại ngần nên mãi 20 năm sau…. "nhờ" Covid …. Hai đứa mới gặp lại nhau là vậy!!!

 

Lần này đến Hamburg chỉ 4 ngày, thì giờ không nhiều nên hai đứa hẹn nhau ở nhà Ngọc, đi bộ ra Restaurant gần đó ăn tối rồi về nhà Ngọc tán dóc đến khi hết hơi thì thôi …. Tiệm ăn mùa Covid không mở lâu nên Ngọc dặn Nga nhớ đến đúng giờ. Nghĩ bụng, Ngọc dặn Nga cái gì cũng được nhưng dặn Nga đúng giờ thì "Nga đây đúng giờ còn hơn dân Đức"….. Bé cái lầm !!

 

Cả ngày đi chơi với nhóm bạn, đường về kẹt xe nên Nga cứ lo trễ giờ…. Đi cả ngày quần áo tóc tai bù xù nên Nga định bụng ghé qua Hotel, rừa mặt thay áo quần chút xíu chứ không lẽ mặt mày bơ phờ trong bộ vó ....bụi đời thì hổng giống ai. Chui vô chui ra Hotel đúng 10 phút! GPS bảo chỉ cần 10 phút là tới nhà Ngọc, hẹn nhau là 7:30 tối. Nhìn đồng hồ lúc này đã là 7:10 . Còn tới 20 phút, dư sức qua cầu !!!! Nhưng Hamburg lúc này hình như chỗ nào cũng đang sửa đường, phải đi vòng theo ngã khác, đã thế ngã tư nào cũng gặp đèn đỏ….Mấy lần Nga định bấm máy báo tin đến trễ cho Ngọc đỡ sốt ruột nhưng nghĩ lại thấy …."mất mặt" quá nên lại đút máy vào túi. Ngồi trên xe mà cứ nhấp nhổm nhưng không dám hó hé bắt ông xã làm ơn chạy lẹ lẹ  giùm (vì cái tội ham đi chơi không lo canh giờ của Nga).

 

Ngọc dặn Nga là Ngọc sẽ mở sẵn cổng lối vào nhà Ngọc, cứ lái xe thẳng vào bên trong vì lề đường nhà Ngọc lúc này mới có thêm 1 trạm xe Bus nên sẽ không chỗ đậu xe. Đến trước cửa nhà Ngọc là 7:37 phút. Cổng vào nhà đã mở sẵn, ông xã Nga sắp sửa lái vào thì Nga thấy Ngọc vén màn cửa sổ, tay thì ngoắc ngoắc …..Với "mặc cảm tội lỗi đến trễ", Nga nghĩ là Ngọc ra hiệu tụi Nga đừng lái xe vào nhà nữa mà hãy de lui lại, cả bọn sẽ dùng xe của Nga để lái thẳng đến tiệm ăn. Thế là Nga bảo ông xã lui xe lại, kiếm chỗ nào gần đó rồi đậu xe chờ vợ chồng Ngọc. Rề rề dọc đường không có chỗ nào nên Nga nói ông xã đỗ lại cho Nga xuống trước ….

 

Xuống xe, Nga vừa đi trở lui phía nhà Ngọc vừa mặc áo khoác vì trời lúc này cũng khá lạnh….. Nga thấy Ngọc đang tất tả chạy theo, chân thì mang dép trần, không áo khoác…. Từ xa hai đứa đã giang tay ra ….ôm gió nhau, miệng đứa nào cũng bộ bô……

-        Ngọc đã bảo lái xe vào ngõ, sao Nga chui vào rồi lại lái ra ???

-        Ủa, Nga thấy Ngọc ngoắc ngoắc tay bảo đừng lái xe vào ???

-        Nein, nein, Ngọc ngoắc ngoắc tay là chào đón mừng Nga đến nhà đấy chứ, Ngọc đâu có biểu Nga lái xe ra!!

-        Trời đất !! Vậy mà Nga tưởng trễ rồi nên Ngọc biểu lái ra để lái xe tới tiệm !!!

Cả hai đứa chỉ còn biết cười trừ cho cái "hiểu lầm" tai hại !

Lúc này anh Cương cũng đã chạy ra đến đường:

-        Sao mấy bà rủ nhau chạy ra đường đứng như thế này? Ông Nghĩa đâu? Tui thấy xe chui vô rồi ….mọi ngưòi biến mất tiêu???

Sau khi hiểu ra ngọn ngành, cả ba đứa quành trở lại ….tìm ông xã của Nga. May mà anh Cương có đem theo chìa khóa nhà chứ chạy tuôn ra đường kiếm bạn như Ngọc thì cả bọn chỉ còn nước …leo lên xe về Hotel của Nga vì không có chìa khóa vào nhà.

 

Sau buổi cơm tối, tụi Nga về nhà Ngọc. Lâu ngày không gặp nhau nên chuyện đầu tiên là phải ….chụp hình kỷ niệm. Ngọc "khoe" ông xã Ngọc từ ngày về hưu có thêm hobby chụp hình. Ố thế thì quá hay, chuyến này tha hồ có nhiều hình cất làm kỷ nghệ. Lại thêm một lần "Bé cái lầm" !!!

 

Hobby là một chuyện nhưng hobby lâu ngày không thực hành nên chuyện đầu tiên là phải đi ….lục tìm "đồ nghề": cái chân để gắn máy ảnh lên. Có chân rồi đến màn….sờ soạng tìm "function" của máy chụp hình. Ủa sao cái "flash" không nháy??? Mò mẫm một chặp thì Flash bắt đầu chớp chớp!!! Okay, bắt đầu chụp nghe. Ý chết, nhưng còn phải để "timing" chứ không làm sao chạy về chỗ cho kịp! Lại mò, lại chụp… Lúc có "timing" thì "flash" làm reo. Tối thui ! Chụp lại lần nữa nghe. Không nói chuyện gì được, cả bọn cứ loay quay với cái máy ảnh. "Già" rồi nói khổ thế đấy các bạn ạ. Cuối cùng thì cũng có được mấy tấm "để đời"…..

 

Gặp lại nhau, chuyện "già" thì ai cũng già rồi nên cả 4 người đều hăng hái kể chuyện ….cháu của mình cho nhau nghe. Chuyện cháu là chuyện dài nhân dân tự vệ. Nói hoài nói mãi vẫn còn chuyện cháu để nói. Mừng bạn mình sống hạnh phúc, con cháu đề huề, gần gũi, vui vẻ. Còn mong gì hơn phải không các bạn. Cái thân tình của bạn bè TV ngày xưa là không màu mè, không che đậy, có chi mời nấy. Ngọc kể cây táo nhà Ngọc sai trái lắm nhưng cao quá nên Ngọc chờ trái rụng rồi lượm. Dialog của hai đứa:

-        "Nga ăn thử táo rụng của Ngọc không?".

-        "Thử chứ, đem ra đây đi".

Hết táo rụng chấm muối ớt đến "Apfelmus" do Ngọc nấu lấy. Lại thử!!!

-        Nga nè, hồi chiều Ngọc mới làm cái bánh táo (từ táo rụng), ăn không?

-        Cái gì có mùi "nhang" đều ngon hết!

-        Sao lại mùi "nhang", mùi táo mà Nga, Ngọc không hiểu!

Sao màn giải thích mùi "nhang", Ngọc và anh Cương cười hỉ hả vì học thêm được chữ mới của nhỏ bạn TV ngày xưa !!!

 

Cuộc vui nào rồi cũng có lúc phải tàn. Từ giã nhau lúc 12 đêm. Ngọc tặng Nga một rổ táo rụng và cái bánh táo ăn chưa hết để đem đi đường ăn ….đở ghiền.

Hẹn sẽ sớm gặp lại nhau, vì lần này chẳng đứa nào còn có thể chờ thêm 20 năm nữa!

 

Thân mến

Mỹ Nga