Sep 14, 2010

Chuyến Đi Năm Xưa -Hoàng Anh Thư

Hoàng Anh Thư

Đó là năm 1980, sau Giải Phóng khoảng năm năm tôi mới có dịp ra thăm họ hàng ở ngoài Bắc. Phải xin giấy giới thiệu và chầu chực hết một ngày tôi mới mua được cái vé xe hỏa

Làm công nhân viên thời bao cấp, tôi chẳng có dư tiền đi chơi nên cũng bắt chước người ta "tranh thủ" vác nào tôm khô, lốp xe, vải vóc, bột ngọt , xà bông..ngoài ra lại còn gạo, mắm, muối vừng, mỡ để cả tóp,.. .vừa làm quà vừa bán để lấy tiền tàu xe. Chỉ thế thôi mà trông tôi lếch thếch không khác gì "con phe".Thời ấy tất cả đều phải sử dụng tem phiếu để mua hàng hóa giá chính thức cho rẻ, còn đi buôn là phải mua lại của người ta,đắt gấp nhiều lần , nhưng ra đến ngoài ấy thì rất "giá trị", Họ thiếu thốn đủ thứ, và thích đủ thứ nhưng lại cứ hay "sĩ diện" nói cái gì cũng có.

Lên tàu rồi mới thấy người ta cũng như mình, họ còn vác cả bao gạo đến 50 kg, đút nhanh xuống gầm ghế., Còn hàng hóa thì la liệt chỗ nào nhét được là ấn vào. Một băng ghế ngồi hai người , nhưng phải bó gối mà để hành lý. Cứ mỗi ga lại dừng ít lâu để khách lên xuống. Thế là "con buôn" ồ ạt trèo lên tàu tranh thủ trao đổi hàng hóa..Hành khách thì bán vội những thứ mang theo nếu thấy được giá còn họ cũng bán những hàng hóa địa phương có nhiều như trái cây hay tôm , cá khô , cau khô hoặc hành , tỏi , bánh chưng , bánh gìò, bánh mì thịt hay bắp luộc.... Đặc biệt nhất là đi qua ga Gà, người ta bán cả một con gà luộc sẵn còn nóng, khách cứ việc mua xé ra ăn. Trong các toa nhốn nháo như một cái chợ nhỏ .Hành khách cũng phải "tranh thủ" lúc tàu dừng mà xuống đi vệ sinh vì nhà vệ sinh trên tàu thường bị cho để hàng hóa và khóa trái cửa . Buổi tối trên tàu mới khổ làm sao, người ta giăng võng ra lối đi và chui cả xuống gầm ghế để ngủ . Tàu đi những ba ngày nên các cụ gìà , em bé không thể ngồi mãi được.

Đi qua đèo Hải Vân quang cảnh đẹp như tranh vẽ, tôi say sưa ngắm nhưng cứ có cảm giác sờ sợ vì tàu hỏa chạy gần như sát mép bờ vực. khiến tôi cứ phải ngồi xích vào trong cho ...yên tâm.. Những cánh đồng bát ngát, với những hố bom to ngập nước như một cái ao. Những rừng cây âm u, cành lá chìa sát cửa sổ tàu. Những cái hầm tối thui, chui vào rồi thì xòe bàn tay chẳng thấy ngón. Những dãy núi chập chùng. Tất cả nối tiếp nhau lùi về phía sau qua khung cửa tàu. Có đi dọc theo chiều dài đất nước mới thấy nước mình đẹp quá, một cái đẹp được thiên nhiên ưu đãi hơn phải bỏ công sức xây dựng như các nước khác

Ra đến nơi,được chú Năm là em ruột của bố tôi đón về nhà nghỉ ngơi. Đó là căn nhà trước kia của ông bà nội tôi, bề ngang chỉ độ 2,5m và dài khoảng 20 mét. nên thấy sâu, hẹp và tối. Có một cái gác lửng bằng gỗ mà muốn leo lên phải đi bằng một cái cầu thang gỗ rung rinh và gẫy hết một bậc.Cạnh đó là cái bể nước nhỏ rêu phong và một cái lối đi dẫn vào "nhà xí" hai ngăn. Muốn đi tắm thì cứ đóng cửa bếp lại và tắm ngay ở cái sàn nước, cạnh cái bể. Cũng may nhà quá hẹp lại đông người nên không bị biến thành nhà tập thể .Nhà ở ngay phố Hàng Buồm, một con phố tương đối "sầm uất" với nhiều cửa hàng nhỏ san sát nhau. Chính vì thế cô chú mới ngăn ra độ 4 m2 ngoài cùng cho người ta thuê bán hàng.

Cái vui mừng gặp gỡ ban đầu qua đi, các em đi học, cô chú đi làm. Cô làm giáo viên, còn chú là một kỹ sư xây dựng.. Vậy nhưng chẳng có điều kiện mà xây sửa chính căn nhà của mình..Một căn nhà cũ kỹ đã xuống cấp ,mái ngói nhưng dột tứ tung ... Buổi sáng tôi tự đi lang thang ra phố . Đi nhiều chỗ, tôi còn thấy trên lề đường cứ cách khoảng vài mét là có một cái hầm tròn tránh bom. Có những cái nhà bị bom sạt một nửa, còn một nửa họ vẫn che giấy dầu để ở. Tất cả "tàn tích" còn nguyên si. Một lần đang đi tàu điện thì cái toa chở tôi ở lại còn toa trước cứ trôi theo đầu tàu vì bị đứt. Cái cần nối điện thỉnh thoảng xẹt lửa như pháo hoa trên trời.

Ban ngày cả nhà đi vắng,chỉ có cô Hai ở nhà . Tôi có nhiệm vụ cầm một nắm tem phiếu và cắp theo cái rổ "tung tăng" đi chơi nhưng mà mắt vẫn phải liếc chừng chỗ nào xếp hàng dài dài là đứng ngay vào. Một hôm đến gần lượt tôi thì họ để bảng "Hết hàng" thế là tiu nghỉu ra chỗ khác chơi. Lại một hôm khác, hăm hở xếp hàng lúc đến gần mới biết người ta bán "Muối", rõ thật là...XHCN đúng là Xếp Hàng Cả Ngày. Tôi đọc nhiều sách cũ của những nhà văn xưa , họ mô tả Hà nội mới nên thơ làm sao, vậy mà khi ra đến nơi, tôi thấy ngỡ ngàng vì nhiều cái lạ quá, không giống như những gì tưởng tượng và cũng thấy thương họ hàng của mình ngoài ấy quá chừng.. Họ vô cùng vất vả để tồn tại, tôi thật sự khâm phục những người mình quen biết. Thế hệ chú bác cùng thời với bố mẹ tôi đều giữ nguyên cái nếp nhà và giọng nói Hà Nội như xưa, chỉ có thế hệ sau này với cung cách và giọng nói lảnh lót lạ lẫm mới làm tôi lạ lùng thôi. Tuy vậy các cô chú bác nhà tôi vẫn cố gắng duy trì và dạy bảo con cháu theo lối xưa nên cũng đỡ bị "phai". Y như khi sang Mỹ thì các người già vẫn cố giữ cái nếp VN vậy. Thôi thì được chút nào hay chút ấy, cho đỡ bị "loãng" bị "hòa tan" thôi.

Một hôm tôi đến thăm nhà bạn của mẹ tôi. Nhà bác ấy khi xưa là một biệt thự của Pháp, có vườn xung quanh rất rộng và đẹp, đấy là mẹ tôi bảo thế. Nhưng khi ra đến nơi thì trước mắt tôi là một ngôi biêt thự cũ kỹ, tường vôi long lở. Chung quanh có sân vườn nhưng chỉ có vài ba chậu cây nghiêng ngả và một cây mận già trong sân chắc là được trồng đã lâu Lá rụng đầy sân .Bước vào trong thì còn thấy dấu vết của một bức tường chia hai ngôi nhà mới được phá bỏ. Ynhư bức tường Berlin ấy. Thì ra nhà nước lấy một nửa chia cho người khác ở.Bác ấy cực kỳ may mắn vì chồng bác ấy chắc là cũng quen biết và người ở ghép là người miền Nam nên họ trả lại nhà để vào Nam sinh sống. Thế là sau bao nhiêu năm bây giờ bác ấy mới lại được ở nguyên vẹn căn nhà của mình mà lại là một biệt thư nữa, điều này rất đặc biệt và rất hiếm giữa một Hà nội đất chật người đông..

Lại một hôm tôi đến một cái nhà bề ngang chỉ 4m và bề sâu độ l8 m. Có một cái cửa ra vào ở chính giữa và chia cho hai hộ. Thế là gia đình ở phòng ngòai muốn đi vào bếp thì phải đi xuyên qua phòng của nhà trong và ngược lại nhà trong muốn đi ra ngoài thì đi xuyên qua nhà trước vì cửa phòng ở chính giữa nên không sao ngăn được và cũng chẳng có gì để ngăn. Mỗi nhà có hai con, chưa kể người quen đến ở. Dĩ nhiên là bếp, nhà tắm, nhà xí cũng chung. Chật chội như thế nhưng họ vẫn ở được, mà thế còn là may mắn đấy ạ.

Khi con cái trưởng thành lập gia đình thì đành ngăn nhà bằng cách dùng dây thép quây chung quanh cái giường và kéo màn bằng vải hoa che. Tôi đã vào cái nhà mà có đến ba cái màn che như vậy. Giường cha mẹ thì khỏi che. Úi trời, tôi không hiểu đêm đến thì làm thế nào mà ông bà ngủ được. Có thắc mắc và được trả lời là "Ngủ tốt".Ấy là vì người ta hay "tranh thủ" lúc vắng nhà ban ngày và ngầm chia "ca" với nhau, nên vẫn sinh con đẻ cái đều đều.

Thời ấy nhà cửa có sao thì họ giữ nguyên không xây thêm và chia nhỏ ra. Ai có nhà rộng thì bị trưng dụng chia cho người khác ghép vào. Tất cả dành cho tiền tuyến. Ấy vậy mà người ta sống với nhau rất êm thắm, ai có của thì dùng chung. Một hôm tôi đang đứng trong nhà thì một cô bé con bước vào miệng nói :" Bác cho mẹ cháu mượn cái thớt với một cái rổ". Tôi chưa kịp nghĩ ra nó để ở đâu. Vậy là cô bé miệng nói , chân bước lấy ngay hai thứ ấy và biến về nhà. Thì ra bọn trẻ con ở khu tập thể này biết rất rõ nhà nào có món gì và để ở đâu. Hay thế đấy.Hỏi nhưng chúng cũng chẳng cần mình đồng ý hay không cứ thế là lấy. Dùng xong rồi thì cũng cứ thế mà để vào chỗ cũ

Đủ thấy sức chịu đựng của họ thật là ghê gớm và điều này cũng lý giải một phần vì sao họ thắng.

Tôi chỉ kể những gì còn xót lại của chiến tranh mà tôi chứng kiến. Điều này tôi cũng cảm thấy may mắn là mình đã trải qua những ngày "rất đặc biệt" này mà bọn trẻ nhà tôi có nghe kể cũng chẳng thể hình dung ra được

Một hôm tôi và cô em họ gọi xích lô đi chợ Đồng Xuân. Xích lô gì mà y như cái xe ba gác bẻ đôi, nghĩa là sàn gỗ, bề ngang to bằng xe ba gác ở miền Nam.Trông nó chẳng khác mấy với cái xe ba gác chở hàng vào chợ vì có chỗ để chân. Khách ngồi trước, người lái ngồi sau nhưng chỉ nhỉnh hơn khách chút thôi. Khác hẳn với xích lô trong Nam có nệm trắng đàng hòang, trông gọn gàng và đẹp hơn nhiều. Xe đang đi thì có người vẫy, thế là bác tài tắp vô lề ngay.

- Hai cô ngồi xích vào cho người ta lên.

Tôi chưa hết ngạc nhiên thì một bà béo đã trèo lên rồi, ép con nhỏ muốn ngạt thở. À, thì ra họ có quyền đón thêm khách , chứ không như trong Saigon, chỉ chở riêng mình thôi.

Ba sáu phố phường là đây , với đủ thứ Hàng : Hàng Đường, Hàng Đào,Hàng ngang, Hàng Mắm, Hàng Buồm, Hàng.Bông Nhuộm,.....Nhiều Hàng lắm. Mỗi Hàng là tên mộtcon phố , vừa hẹp vừa ngắn.Con đường có thể dài nhưng đi từ ngã tư này đến ngã tư kia là một Hàng.Đó là cái tên đường đã tồn tại từ xưa còn bây giờ không phải Hàng Mắm thì con đường ấy toàn bán mắm hay Hàng Đường thì toàn bán đường hay kẹo bánh....

Hàng quán, biển hiệu sơ sài và viết nguệch ngoạc và treo cũng không ngay ngắn, cứ móc đại vào cái đinh cho gió thổi xiên xẹo cũng không sao.. Nào "Đỗ đen đá" là bán chè đậu đen có cục nước đá, nào "Chè chén" , đó là một cái bàn gỗ có băng ghế dài, trên bàn có bình kẹo lạc, vài ba cái chén hột mít, ấm nước...bình nhưạ đựng bánh rán....Một cái tẩu dài để hút thuốc lào dựa ngay đấy. Bà bán chít khăn đen, cầm cái quạt nan phe phẩy. Có nhà treo bảng nhỏ đề "Quy gai" đấy là nhà làm bánh quy dài bằng ngón tay có những hàng gai trên mặt bánh, họ thường đặt loại bánh này khi có đám cưới.Thường nhà nào cũng có cửa gỗ sơn màu xanh lá cây cũ kỹ sứt sẹo.

Hàng hóa trong chợ cũng chẳng có gì, dạo ấy mà phải đi ngồi bán hàng là xấu hổ lắm. Đó là những bà già hay những cô gái quê trong lúc nông nhàn bán hàng thôi. Họ miệt thị những người bạn hàng là "con phe" hay "con buôn" chứ không tâng lên thành "doanh nhân" như bi giờ. Phần lớn người ta bán hàng cho nhà nước hoặc đi làm công chức hoặc thợ thuyển thì cũng phải vào Hợp tác xã.Đại khái là phải vào tổ chức , đoàn thể nào đó chứ không được làm riêng tư hữu cho mình. Chỉ có làm cho Nhà nước mới là hãnh diện. nếu không muốn bị coi là thành phần tiểu tư sản...

Tôi vào thử một cửa hàng bách hóa, thì rất nhiều quầy chỉ trưng hàng mẫu, không bán. Hoăc có bán thì những thứ sản xuất trong nước rất thô . Tỷ như chén bát vừa nặng , mẫu mã lại đơn giản . Những thứ đèm đẹp một tý thì là hàng Liên xô hoặcTrung quốc như phích nước, xe đạp , đĩa thủy tinh, bình cắm hoa, xích , líp.....mà những thứ này phần lớn là phân phối cho các cơ quan và cửa hàng thường chỉ có hàng mẫu.

Chiều nay tôi đến nhà cô Út ở phố Hàm Long . Cô vừa đi làm về, hớn hở khoe vừa bốc thăm được ...cái lốp xe đạp, vậy mà thấy cô vui sướng như trúng số. Chẳng là cái lốp xe của cô mòn quá rồi lòi cả ruột ở trong, phải lấy vải quấn chỗ thủng lại mới chạy được. Vì sao mà phải bốc thăm? Năm người mới được mua chia một cái nên phải bốc thăm cho công bằng.Thì cũng đúng là "trúng số" rồi còn gì.

Nhà cô tôi , gọi là nhà nhưng thực ra chỉ là một căn phòng 11,5 m2 do mẹ chồng ngăn lại cho. Cô tôi phải làm thêm một cái gác lửng bằng gỗ, có cái cầu thang gỗ bé xiú leo lên. Lên đến nơi thì chỉ đi lom khom và nằm ngủ thôi. Trước kia nó là một cái nhà khá lớn,có lầu hẳn hoi, nhà nước lấy biến thành nhà "tập thể" và chia lại cho mỗi hộ một phòng khỏang chừng 25m2. Theo thời gian con cái lớn lên lập gia đình và cha mẹ lại ngăn ra. Như cô tôi là còn "hạnh phúc" vì có hẳn buồng riêng chứ người ta phải quây màn hoa quanh giường kia. Tôi rất thích lại đây chơi vì cô Út rất thương tôi . Lúc mới Giải phóng, cô là người hay viết thư "động viên" tôi nhất . Tôi thấy cô lôi ra từ gậm giường cái bếp dầu đem ra hành lang chung nấu. Chiều về, khói nghi ngút từ bếp này qua bếp kia và nhà ai ăn gì thì cả "làng" đều biết. Thế nên mới có chuyện ăn gà phải dấu lông.

Chưa được 12 m2 nên mở cửa là thấy ngay cái giường rồi. Trên giường thì gối chăn sách vở. Gầm giường thì bàn ăn, ghế ngồi, kệ đựng soong chảo, nồi niêu, bát điã, chậu tắm, chậu rửa....Trên tường thì treo tất cả những gì có thể treo được : quần áo, mũ nón....Cái gì "qúy giá" thì đem lên gác lửng . Các cụ bảo "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm" có lẽ được thể hiện một cách "xuất sắc" ở đây chăng?

Cuối nhà có một cái sân , ở đó người ta xây một cái bể nước nhỏ bằng xi măng, chung quanh có gắn vòi. Có tám gia đình mà chỉ có hai cái nhà vệ sinh và hai cái nhà tắm, nên buổi sáng cứ thấy hết người này tay nắm chặt tờ giấy, mặt mày căng thẳng lăm lăm đi qua hành lang vào "nhà xí" là biết ngay. Khổ nhất là lúc bọn trẻ con , người lớn đợi nhau vì sợ trễ giờ đi học đi làm.Ai không vội như các cụ già thì cứ việc "nín" mà chờ...Tuy thế, hình như mọi người quen rồi nên mọi việc cũng đâu vào đấy cả.

Chiều về cả khu nhà ồn ào , nhất là khu bể nước và khu này được mệnh danh là khu "Thông tấn xã". Trẻ con thì tồng ngồng đợi mẹ tắm, mà mẹ thì mải vo gạo , rửa rau. ...Lại có cô đem chậu quần áo to đùng , chiếm một vòi ngồi giặt...Thế là kỳ nèo, cãi cọ...Rồi chuyện công sở, chuyện hôm nay cửa hàng này có cá tươi, cửa hàng kia gạo mới về bảo nhau tranh thủ ra mua nhanh kẻo hết...Mọi thông tin cứ thế mà tuôn ra từ "tình hình cu Ba căng thẳng" đến chuyện ông này lên, bà kia xuống., hay chuyện "hôm nay con bé nhà mình đi học cô giáo vẽ một quả cam to trên bảng bảo ngày lễ Nhà giáo 20/11 thì cho cô cái này này, không phải cho hoa? "...Rồi cả đến những chuyện "bí mật gia đình" cũng được thầm thì ở đây...

Cơm nấu xong, con bé em kéo cái bàn con ở gậm giường ra để một cái mâm lên đó và bầy mấy cái ghế gỗ nhỏ xíu xung quanh. Hôm nay có thêm tôi nên nó xếp 5 cái ghế. Rồi bày bát đũa ra mâm. Canh thì bí nấu với tôm khô tôi mang ra và đậu hũ chiên với rau muống luộc.Cơm có màu hơi vàng và cứng. Hôm nay có "khách" nên không trộn thêm bobo. Cô chú đều là công nhân viên nhà nước nên mọi chi tiêu đều vào "chuẩn" cả rồi. Biết thế nên khi đi là tôi phải chuẩn bị đủ thứ mang ra là thế, kể cả lọ mỡ hay chai nước mắm. .

.

Đang ăn thì điện tắt phụt, mọi người ngỡ ngàng một lúc rồi tìm nến thắp lên. Cô tôi thắp thêm một cái đèn dầu hột vịt, ánh sáng yếu ớt tỏa ra từ cái bấc bé tí và ngọn nến lung linh đủ để mọi người ăn vội cho xong bữa cơm.Con bé chị độ mười tuổi bưng mâm lò dò mang xuống bể nước "Thông tấn xã" để đó, chờ có điện mới rửa. Con bé em kém chị hai tuổi lau bàn xong , lại đẩy tất cà vào gậm giường. Xong hai chị em bắt đầu học bài, làm bài dưới cái ánh sáng lung linh ấy. Chú tôi vặn bấc cao lên nhưng chỉ thấy khói đen và cũng chẳng sáng hơn được là mấy.

Ngoài hành lang, các bà các chị lại bế con túa ra ngồi hóng chuyện, trẻ con chạy đuổi nhau lăng xăng quanh mẹ

Độ hai tiếng sau thì đèn bật sáng. Ai đó suýt xoa :"Đúng là ánh sáng của ....Đảng !!!" Chỉ là thứ ánh sáng vàng vọt của bóng điện tròn, nhưng được như thế vẫn hơn là phải thắp nến. Nhà nào cũng phải dùng survolteur để tăng điện cho nhà mình sáng hơn.

Hai vợ chồng cô chú tôi đều làm về khoa học trong phòng thí nghiệm, lương cả hai chỉ đủ cho cuộc sống tối thiểu để. tồn tại. Muốn nuôi được con và cho chúng học hành tử tế thì phải làm thêm. Buổi tối cơm nước xong xuôi chính là lúc làm thêm : Chú vấn thuốc lá bằng một cái dụng cụ nhỏ, những điếu thuốc trắng bằng ngón tay đều tăm tắp, được xếp vào hộp. Cô thì đem chỗ gạo nếp mới xay nước hồi chiều ra nhồi để "bồng" cho nó nở. Sau đó đi đãi đậu xanh đã ngâm sẵn rồi dem hấp chín, nhào với đường và nặn từng viên nhỏ như hòn bi để làm nhân. Bột sau khi bồng nở ra được nhào trộn kỹ lưỡng và cũng chia thành từng cục nhỏ, vo tròn. Sau đó làm bẹp ra và gói cục nhân vào giữa vo tròn thành bánh, lăn vào mè và đem rán. Tất cả các công đoạn ấy, cô làm rất thành thạo và gọn gàng. Tôi cũng chỉ lúng túng phụ giúp cô làm được những chiếc bánh meo méo một tí được ...đề dành ở nhà ăn. Bánh rán xong , tôi cầm một cái lên lắc thì nghe bên trong cục nhân như chạy qua chạy lại.Lớp vỏ bánh vàng ườm dòn rụm, lấm tấm mè trắng trông thật ngon...Cả nhà xong việc thì cũng hơn mười một giờ đêm rồi.

Tôi và hai đứa nhỏ bò lên căn gác lửng. Cô chú thì nghỉ ở cái giường dưới nhà.

Cô dậy rất sớm, bỏ tất cả thuốc lá và bánh rán vào thùng , buộc chắc chắn sau xe đạp rồi đi bỏ mối cho các cửa hàng "Chè chén" gần nhà. Sau đó cô trở về nhà cho mọi người ăn sáng. Gọi là ăn sáng cho sang, thật ra ngày nào cô cũng chiên một chảo cơm với thứ nước mắm mà chắc là muối nhiều hơn mắm, nó vừa mặn vừa lợt nhách như trà loãng. Thế là hai vợ chồng hai xe đạp đi làm. May mắn là hai đứa nhỏ học gần nhà nên chị dắt em đi bộ đến trường.

Cuộc sống cứ thế trôi đi trong sự vất vả cực nhọc của cô chú. Nhưng được như vậy cũng còn là may mắn hơn nhiều gia đình khác.

Sáng nay tôi bảo cô để tôi đi chợ. Thế là tôi có dịp lang thang ra chợ Hôm, một cái chợ nhỏ gần nhà cô . Họ cũng bán đủ thứ, nhưng mua "tự do" thì phải giá cao, tuy thế nhưng được chọn những thứ mình cần , từ mớ rau, bià đậu hay con cá....Thích nhất là được xà vào hàng xôi. Trên một cái bàn gỗ cũ kỹ, họ bày nhiều thứ xôi : màu vàng của xôi xéo, màu đỏ của xôi gấc, màu trắng của xôi lạc, xôi bắp...trông thật hấp dẫn. Lại có cả một soong thịt kho với những miếng thịt mỡ sóng sánh vàng ươm màu nước hàng. Tôi ăn thử xôi thịt kho. Họ xới xôi trắng vào bát sau đó chan ít nước thịt và bày lên cùng hai lát thịt kho. Thứ này ở Saigon tôi chưa thấy ai bán bao giờ. Thịt thì cứng và mặn vì họ chẳng biết kho dừa như trong Nam mà cũng chẳng có dừa đâu mà kho.

Đi ngang qua hàng hột vịt lôn, nghĩ cũng thèm, nhưng vừa ăn xôi xong, vẫn no, nên lại thôi. Bèn đứng xem người ta ăn vậy. Trên bàn người ta để cái rổ hột vịt lộn, bên dưới là nồi nước sôi bốc khói nghi ngút. La liệt những rổ rau quế, rau dăm, ống tiêu muối, những cái chén nhỏ.....Có một nón cối và một bà đi chợ chít khăn mỏ quạ ngồi vào. Bà bán hàng nở nụ cười với hàm răng đen nhánh,tối om, tay nhanh nhẹn bốc một hột vịt, đập nhẹ, lột vỏ và đổ cả nước lẫn cái vào bát, tôi còn kịp thấy cái đầu con vịt và nhúm lông đen thui. Rồi bà lại đập thêm quả nữa vào chén. Rắc ít muối tiêu và sau đó bày một nhúm rau dăm, rau quế và gừng thái chỉ, cắm vào đó một cái thià con và đưa cho khách. Tôi cứ đứng trố mắt ra nhìn vì thấy khác với cách ăn hột vịt lộn ở Saigon

Tôi cứ thế la cà từ hàng này sang hàng nọ với cái đầu óc tò mò pha lẫn ngạc nhiên. Họ bày bán phích nước Trung quốc, phích đá Liên xô, quạt tai voi, bếp điện dây mayso, nồi áp suất Liên xô...Phần lớn hàng hoá do người ta đi tàu biển hoặc xách tay mang về. Năm nay rét muộn nên khí hậu rất dễ chịu như ở Đà lạt vậy. Người ta cũng treo cả áo len, phần lớn đan bằng tay, nhưng kiểu dáng màu sắc thì nghèo nàn. Chỉ lắm màu ve chai, đen , tím hay xanh sậm và đan kiểu cổ lọ tay dài hay cổ trái tim chui đầu.

Tôi mua vội những thứ cần rồi thong thả đi bộ men theo lề đường, thỉnh thoảng lại gặp một cái giếng khoan ngay trên lề đường. Có lẽ hòa bình rồi nên họ tận dụng hố tránh bom làm giếng khoan chăng? Vài bà mẹ trẻ tắm cho con ngay bên cạnh giếng hay giặt giũ áo quần...

Năm năm rồi , còn biết bao việc phải làm, người ta chưa có thì giờ để dọn dẹp tàn tích của chiến tranh. Ngoài đường giăng giăng những băng vải ghi khẩu hiệu như CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẢNG LẦN THỨ....hoặc KIÊN QUYẾT BẢO VỆ TỔ QUỐC hay những bảng rất to vẽ những quả bom đen thui chúc đầu rơi xuống trên có chữ USA và những dấu gạch đỏ chữ thập đè lên trên. Bên dưới là hàng chữ đỏ như máu DẬP TÂT CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC Ở VIỆT NAM. Có bảng lại vẽ một anh lính cầm súng, ngước mặt nhìn trời với dòng chữ SẴN SÀNG TRỪNG TRỊ GIẶC MỸ. Lại còn có bảng to tướng vẽ một chiến sỹ gái cầm súng, tay đeo băng cờ nửa xanh nửa đỏ có ngôi sao chính giữa. Ở trên đẩu là hàng chữ PHỤ NỮ BA ĐẢM ĐANG.Phía dưới cùng là hàng chữ SẴN SÀNG CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ TỒ QUỐC v....v...

Ngoài đường tôi thấy nhiều nhất là xe đạp với đủ loại kiểu, nhưng sang nhất là xe đạp Peugio của Pháp hay xe Phượng Hoàng của Trung quốc. Ngộ nhất là xe nào cũng có bảng số tòng teng dưới yên xe.. Thỉnh thoảng một vài chiếc xe máy Honda chắc là được mang ở miền Nam ra hay một chiếc xe hơi comangca màu cứt ngựa chạy vụt qua để lại đám bụi mù đằng sau.. Vài chiếc xích lô to bè nặng nề chở hàng hóa vào chợ...Tôi còn thấy có cả cửa hàng ghi bảng :"Trạm bảo dưỡng đồng hồ Liên xô" Ui trời, đồng hồ Liên xô nhiều quá nên có hẳn một trạm để bảo dưỡng cơ đấy.

Về đến nhà lại thấy tắt điện, may nhờ chút ánh sáng hành lang hắt vào nên trong nhà đỡ tối. Cô tôi bảo Nhà nước tiết kiệm điện nên có khi tắt ba ngày liền. Cũng có khi ban ngày tắt thì tối được thắp sáng từ bảy giờ đến sáng hôm sau. May mà trời lạnh nên cũng đỡ chứ vào mùa nóng thì thật là khủng khiếp.

Chiều nay đi làm về, cô giơ hai tấm vé khoe " Tối nay hai cô cháu mình đi Nhà hát lớn xem hát" . Ô, thế thì thích quá.

Cơm nước xong xuôi, hai cô cháu sửa sọan đi coi hát. Hôm nay cô mặc một cái áo may bằng vải phin nõn màu xanh lơ, cổ bẻ lá sen, quần lụa đen. Trông cô trẻ ra so với ngày thường, lúc nào cũng áo cánh màu sẫm. Trời hơi lạnh nên cô khoác thêm cái áo len mỏng.

Ánh đèn đường vàng vọt, soi rõ bóng hai cô cháu trên đường còn đầy hố tránh bom tròn tròn, nhìn vào tối đen thăm thẳm. Hàng quán đóng cửa, chỉ còn những cái bàn gỗ bán chè chén với ngọn đèn dầu leo lét. Vài cái mũ cối sùm sụp, chân để cả lên ghế, ngồi thu lu, rít thuốc lào sòng sọc. Nhiều nhà cũng có ánh đèn néon hắt qua cửa sổ. Đó đây những người đội thúng bán bánh chưng, bánh giò, bánh gai, mì nóng qua lại rao hàng. ..."Chưng giò đây, Ai mua chưng giò nào...ào..." Tiếng rao kéo dài buồn bã rơi vào khoảng không...

Đi qua nhiều dinh thự, hoặc nhà to kiểu Pháp thấy toàn quét vôi màu vàng và trên cánh cổng căng biểu ngữ "KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP TỰ DO" , chẳng biết bên trong làm gì, nhà ở hay công sở?. Hình như người ta rất ngại để bảng ghi rõ trụ sở, nhỡ địch biết phá hại thì sao?

Buổi tối cũng có nhiều cặp trai gái chở nhau trên xe đạp Phượng hoàng, nàng ngồi sau, tay che dù Trung quốc, tay ôm lấy eo chàng trông cũng tình tứ ra phết.

"Một yêu anh có may ô,

Hai yêu anh có cá khô ăn dần..."

Tôi vẫn nghe bọn trẻ nghêu ngao như thế. Thời buổi khó khăn được vậy đã là hạnh phúc.

Hai cô cháu đi bộ qua Hồ Gươm, gió thổi mát lạnh, buổi tối người ta cũng ra đây tản bộ, hàng liễu rũ quanh hồ và tháp bút giữa hồ sao mà nên thơ và đẹp thế....Nhà hát lớn kia rồi, từ bé đến giờ tôi chưa từng vào một nhà hát nào "lớn" như thế, nên cứ mở to mắt ra mà nhìn. Đó là một nhà hát do Pháp xây dựng, lại cũng quét vôi màu vàng. Chung quanh có nhiều bậc thang dẫn lên nhà hát. Bên trong có một sân khấu lớn với màn nhung đỏ. Hai bên cũng có những "lô" riêng trên cao, chắc để cho khách "sang" đi cùng với gia đình ?

Hôm nay có ca nhạc chào mừng Đại Hội .....Thành Công . Lâu ngày tôi cũng chẳng nhớ là Đại hội gì'.

Mở đầu với màn hợp xướng, có nhạc trưởng mặc complê đen , cầm que điều khiển, người ta mặc binh phục đứng dàn hàng đều tăm tắp, chỉ có cái mồm là động đậy, còn thì ngay hàng thẳng lối như tượng. Âm thanh chói tai nghe như nhạc Tàu, tôi cũng chẳng nhớ họ hát bài gì vì còn mải nhìn chung quanh. Đi xem hát, nhưng phụ nữ thì cũng chỉ mặc tương tự như cô tôi, đàn ông thì phần lớn mặc đồ bộ đội. Có người ngồi để cả chân lên ghế. Đến lượt cô ca sĩ hát đơn ca, giọng cô lảnh lót cất lên chói lói, tôi không thể nào nghe được cô hát những gì. Rồi đến màn múa, vài cô mặc áo dân tộc, mỗi cô cầm một cái chày dài, gĩa chung vào một cái cối, vừa đi chung quanh vừa hát. ...

Ngồi một lúc ù cả tai, tôi bảo cô :"Thôi mình về đi cô". Cô tôi cũng đang nhớ đến mẻ bánh rán chưa làm nên cũng đứng dậy.

Ra đến ngoài thấy nhẹ cả người.

Đi ngang con ngõ, cô rẽ vào rủ : "Vào đây ăn chè với cô". Đó là một cái nhà nhỏ xíu, người ta che bạt phía trước, để một cái bàn con và một băng ghế gỗ cho khách ngồi. Tôi nhìn thấy tấm bảng Chí Mà Phù treo xiên xẹo trên tường . Cô tôi bảo : "Là chè mè đen đó cháu " . Hai bát chè đen nhánh, sanh sánh đặc, nóng hổi được mang ra. Ui, trời lạnh mà múc từng thìa rồi thổi cho nguội, nghe mới đã làm sao. Cái vị beo béo, ngòn ngọt nuốt tới đâu thấm tới đó...Tôi còn muốn ăn nữa, nhưng lại nhớ đến mẻ bánh rán chờ cô về làm nên lại thôi. Lòng nhủ thầm thế nào cũng phải rù các em lại ăn lần nữa...

Gần về đến nhà thì thấy người ta bu đông ở đầu ngõ, thì ra là hai người đi lấy phân dành nhau và cãi nhau . Họ đi bằng xe đạp, cột hai cái thùng to hai bên xe, phân được lấy ra từ các hố xí của nhà dân và đổ vào đó để đem bón ruộng, tưới cây...

Khu tập thể nào cũng xây một dãy cầu tiêu và nhà tắm tùy theo khu ấy lớn hay nhỏ. Khu của cô tôi nhỏ có hai cầu tiêu và hai nhà tắm. Lúc đầu vì khiếp quá và chưa quen nên tôi đã từng phải nhịn ăn và ăn thật ít để ....khỏi phải đi cầu. Cầu tiêu ở đây họ gọi là "hố xí". Đó là cái hầm xây thành hai ngăn, có nắp đậy. Đi bên này đầy thì đậy lại và đi sang ngăn kia. Lần đầu rón rén bước vào tôi đã phải nín thở dội trở ra, nhưng rồi tình thế cấp bách quá nên đành phải đi đại. Trên tường bu đầy những con "không tên" vì tôi chẳng biết phải gọi nó là con gì. Nó cũng có cánh tròn nhỏ hơn con ruồi, nhưng không phải ruồi, muỗi thì cũng không phải. Trời ơi, thật là kinh khủng khi phải vừa bịt mũi vừa nhìn mấy con ấy....Một cái mùi đặc trưng không thể thiếu của bất kỳ cái cầu tiêu nào thời đó, nó vừa thum thủm, vừa thối , vưà khai một cách bao la, nó vây lấy mình không thoát đi đâu được. Dù có nín thở thì rồi cũng có lúc phải thở và thế là...không thể chịu nổi. Thoát ra được là phải nhào ngay vào nhà tắm mà dội từ đầu chí cuối....Lần sau nhờ có "kinh nghiệm" nên tôi cứ phải để "đến nơi" thì mới "bỏ bom" xong là ra ngay. Chẳng bù với những lần ở nhà còn đem cả mấy tờ báo vào đọc và có khi cả giấy bút để...làm thơ. Cô em có gõ cửa ầm ầm thì cũng ...."hãy đợi đấy" !

Ôi, đến cả phân bón cũng thiếu, nên phải dùng phân tươi. Nhà nông làm ruộng đã khổ, muốn ruộng tốt thì đêm xuống lại phải đạp xe đi lấy phân, không được lấy vào ban ngày. Đã thế lại phải dành nhau thậm chí đánh nhau mới có.Chao ơi, thế mà hạt gạo làm ra họ có được ăn đâu, phải nộp vào hợp tác xã để đổi lấy sắn , khoai , bo bo.....độn vào....

Hôm nay tôi lại thăm ông bác bị ngã gãy chân. Ông là bộ đội về hưu, vợ ông cũng là bộ đội nhưng chưa hưu. Về hưu rồi, nhưng ông nào có được nghỉ ngơi. Ông xin làm bảo vệ ở một trường mẫu giáo gần nhà, tối tối ôm phích nước sang trường pha trà thức canh. Lương của hai ông bà làm sao nuôi nổi bốn đứa con đang tuổi ăn học, nên cũng lại phải làm thêm.Bác gái làm dược sĩ nên hay tranh thủ đan len ở cơ quan,về nhà thì mang bià hộp về cho cả nhà xếp hộp thuốc. Cả nhà xúm vào làm, các con bác cũng ngoan, con trai mà đủ việc hơn cả con gái. Ngoài giờ học, đứa xếp hàng mua thực phảm, đứa nấu cơm, lau nhà., tắm em..

Tối nọ, bác trai bước hụt chân ở cầu thang vậy là phải bó bột chân trái, may mà không nặng lắm, chỉ phải ngồi một chỗ thôi.Trông ông thật tội với cái chân trắng xóa, nhưng ông vẫn hay pha trò và có một lòng tin mãnh liệt rằng "Ngày mai nhất định sẽ tươi sáng hơn..." và lúc nào ông cũng muốn truyền cái lòng tin ấy cho con cháu mình...Anh con bác thì thầm : "Bố anh cứ nói thế chứ, khổ quá trời, biết chừng nào mới sướng ? Em biết không, người ta còn bảo :"Đầu đường đại tá vá xe, Cuối đường thiếu tá bán chè đỗ đen,,," kia đấy.... Tôi vội đưa một ngón tay lên môi : "Suỵt, anh nói nhỏ thôi, kẻo bác nghe thấy...."

Chủ nhật được nghỉ, thế là anh con bác lấy xe đạp "lai" tôi về quê thăm bà. Ra ngoại ô, không khí , cảnh vật thoáng đãng hẳn nhưng đường xá thì cực kỳ ...xấu. Đường đất lại lắm ồ gà , ổ voi khiến tôi phải một tay bám chặt vào xe , một tay giữ chặt túi quà mà vẫn nẩy người vì bị lọt ổ.Hai bên là ruộng lúa xanh tươi, đó đây là những con trâu đi trước với cái cày và người theo sau...Phong cảnh y như trong sách mà tôi học lúc vỡ lòng. Sao mà thanh bình, sao mà yên ả...Mong sao cứ được như thế mãi...

Cổng làng hiện ra, anh rẽ vào , đi một quãng nữa qua hàng chè chén dưới gốc đa to thì đến nhà. Qua hàng giậu thưa là một cái giếng nước rồi đến cái bể nước có cây nhãn già tàn lá xum xuê với những chùm quả nặng chĩu y như mẹ tôi đã từng kể chuyện cho chúng tôi nghe lúc còn bé. Ngoài ra còn có cây ổi, cây na , cây chuối với những buồng chuối trĩu quả và vô số những cây thấp bé khác . Chúng mọc lộn xộn theo kiểu ăn rồi vứt hột ra vườn và cứ thế mà mọc lên. Chiến tranh mà, chẳng ai có thì giờ chăm bón , tỉa tót đâu...Căn nhà xây theo kiểu quê, có mái ngói nhưng không có trần nhìn thấy cả bóng nắng soi trên tường như những quả trứng gà.Kèo cột thì nhiều nhưng đồ đạc lại chẳng còn gì, chiến tranh mà, Một cái giường gỗ to, trên để đủ thứ lặt vặt cuả bà : cái valy da sờn góc, cái phích nước, túi mì, quần áo, ấm chén....xếp cả lên đầu giường. Bà tôi ngồi trên chiếc chiếu trải nửa giường. Tóc bà bạc phơ, bà cười giơ cả hai tay ra đón cháu. Tôi xà vào lòng bà nũng nịu ," Bà ơi , cháu ở Sè gòng ra thăm bà đây". "Bà biết rồi, bà mong mãi..." Rồi bà giơ bàn tay gầy guộc sờ khắp mặt xuống vai cháu và cứ thế ôm lấy cháu như sợ nó biến mất. Bà bảo : "Khi đi cháu mới có hai tuổi, bé bằng từng này..." Rồi bà lại lặng im như nhớ về quãng thời gian xa tít tắp ít ai ngờ có thể lâu như thế.Bà sống ở đây với gia đình người cháu và không muốn lên Hà nội vì nhà cửa quá chật chội không thích hợp với bà. Ở đây bà được ăn gạo mới với rau tươi nên sức khoẻ của bà vẫn tốt, ít ốm đau hơn. Song cuộc sống cứ lặng lẽ , ít tiếp xúc nên tôi thấy bà cứ buồn buồn thế nào. Dạo ấy ông cũng chia tay bà vào "trong ấy" làm việc với niềm tin chỉ hai năm thôi rồi về ...Thế rồi cứ xa mãi...xa mãi và ông không còn nữa để trở về với bà....

Tôi thương bà lắm, nhưng rồi cũng đến lúc phải chào bà ra về. Chùm nhãn trên tay sao mà chĩu nặng như lòng tôi đang nặng chĩu nỗi nhớ bà..

Trên đường về tôi cứ miên man nghĩ đến bà. Mẹ tôi kể hồi xưa bà đẹp lắm, tôi đã xem không biết bao nhiêu lần những ảnh bà bế tôi thì thấy bà đẹp thật. Một vẻ đẹp quý phái như hoàng hậu Nam phương của vua Bảo Đại. Chắc là tôi yêu bà nên hơi "phóng" lên một chút chăng? Trong ảnh, tóc bà vấn cao, sóng mũi dọc dừa thanh tú và cặp mắt đẹp u buồn. Gương mặt trái xoan với nụ cười mỉm thu hút lòng người. . Mẹ tôi kể xưa kia bà học trường Tây, nói được tiếng Pháp và ra dạy học. Bà có cái vẻ của một người đàn bà Hà nội đoan trang, dịu dàng có học thức. Khi xa bà vào Nam, tôi chỉ mới hai tuổi, ký ức về bà chỉ là những tấm ảnh bà bế tôi nên bây giờ gặp lại tôi không khỏi ngỡ ngàng. ...Tóc bà bạc phơ búi thành củ tỏi nhỏ xíu , chắc là bị rụng nhiều. .Một mắt hỏng vì bị cườm mà không chữa kịp,chiếc kính lão sệ trên sóng mũi vẫn cao, nhưng da đã nhăn nheo cả rồi .Lưng bà hơi còng làm cho bà có dáng vẻ của một bà cụ bé nhỏ nhưng vẫn tinh tươm sạch sẽ trong chiếc áo cánh trắng bằng phin nõn và chiếc quần lụa đen. Cả một trời Hà nội thay đổi theo bà. Bà ơi cháu yêu bà biết bao, cháu sẽ trở lại thăm bà nữa bà nhé.......

Chú tôi làm bác sĩ dưới Hải phòng, ông lên Hà nội họp nên sẵn xe, đón tôi về luôn. Hải phòng là một thành phố cảng, nhiều người đi tàu viễn dương nên mang về đủ thứ hàng hóa bày bán hơn. Thành phố có vẻ sầm uất với nhiều cửa hàng và hàng hóa cũng bày nhiều hơn. Nhà của chú cũng là một ngôi nhà to có một lầu, nhưng chia cho nhiều hộ ở chung . Chú được chia hai phòng ngoài cùng nên thêm ra được cái hành lang để xe và các thứ linh tinh. Đi qua một cái sân và cái giếng thì mới đến cái bếp nhỏ cất trên mảnh đất cuối sân. Đấy là miếng đất trống mà mỗi nhà "xí" một phần chỉ độ 9 m2 thôi, nhưng mà quý lắm vì cô tôi còn ngăn làm hai bằng miếng gổ cao độ một mét để làm ...chuồng lợn. Bên kia đặt cái bếp dầu và cái tủ chạn gỗ cũ kỹ cùng một cái bàn nhỏ để thức ăn nấu xong trên cái mâm nhôm trước khi bưng vào nhà. Cô chú tôi được ba người con, hai trai một gái đang tuổi ăn tuổi học, nhưng rất giỏi việc nhà. Chúng chỉ từ tám đến mười hai tuổi nhưng ngoài giờ đi học biết phụ bố mẹ nấu cơm, chẻ củi, lau nhà, thái rau, cho heo ăn....Tôi chia quà cho các em, tụi nó rất vui tranh nhau kể chuyện ở nhà , ở lớp rất buồn cười. Tôi hỏi nhỏ bé Hà :"em ơi cầu tiêu ở đâu?" Con bé tròn mắt nhìn :"Cầu tiêu là gì?" "-Là nhà xí ấy mà" Nó liền dắt tay tôi băng qua cái sân trước nhà rồi đi vòng ra đằng sau ở đó có một dãy bốn cái cầu tiêu mà hai cái thì cửa xệ xuống gần muốn long ra. Lại là thứ "xí bệt" tức là ngồi xổm mà đi và lại là "hố xí hai ngăn " như ở Hà nội. Đi đầy hố bên này thì lấp lại đi sang hố bên kia để còn ủ phân. Chao ơi, chưa đến gần đã nghe một cái mùi rất khó tà, rất đặc trưng rồi. Tôi dắt con bé đi trở ra "Thôi để lúc khác chị đi"

Sáng nay hai chị em đi chợ Sắt, từ nhà em đi bộ đến chợ phải đi qua một cái cầu treo, đung đưa như mắc võng rồi đi qua một cái "bùng binh" có trồng hoa mới đến chợ. Phần lớn những nhà mặt tiền gần chợ đều là những cửa hàng. Hàng hóa cũng phong phú hơn ở Hà Nội, đa phần là hàng Liên xô như nồi niêu, sô, chậu bằng nhôm sáng láng và nặng chịch. Ai đã dùng rồi đều phải công nhận là nó rất bền và tốt. Nào quạt máy, bếp điện, nồi áp suất, phích nước , nhiều nhất là phụ tùng xe đạp như xích , líp, pê đan , nan hoa, vỏ ,ruột v...v...bày la liệt từ trong cửa hàng ra đến tận lề đường.Người ta bảo có nhà mặt tiền là có "tiền mặt" mà lại. Chỉ rộng bằng chừng chiếc chiếu trước cửa nhà cũng có thể cho thuê mà buôn bán được.



Tôi thấy người ta bầy những chậu nhôm trong có lầy nhầy nhứng con gì lúc nhúc màu vàng đất . Em tôi bảo "Mùa này có rươi ngon lắm chị ạ" Tôi cũng nghe nói đến thứ này nhưng bây giờ mới thấy, cũng không khỏi ghê ghê vì nó cứ quyện vào nhau, động đậy và lầy nhày như đờm như nước mũi đặc ....Bà bán hàng thấy tần ngần liền bảo : " Cô mua đi, thứ "lày" của tôi "nà" tươi "nắm" đấy " .Tôi mua thử nửa ký, bà lấy cái môi múc vào lá chuối rồi gói lại với lớp giấy báo.Ở đây người ta gói hàng bằng giấy báo hay lá chuối chứ chưa dùng nhiều túi nylon như bây giờ. Cua đồng thì họ kẹp độ mười con vào hai cái nẹp thành từng xâu và rau thơm như rau ngò cũng được kẹp lại thành kẹp nhỏ.

Mua thêm vài thứ đồ ăn xong, ra cửa chợ thì thấy hàng bán trái cây. Tôi cầm một quả có vỏ màu nâu , hơi sù sì to gần bằng quả táo, đang thắc mắc thì em bảo : "Quả mắc cọt đấy chị ạ "

_ Ăn có ngon không em?

_ Cũng giống như quả lê ấy.

Tôi thấy cả quả xoài nhưng bé xíu mà em gọi là quả Muỗm dùng để nấu canh chua vì ăn chua lắm, lại còn quả Xấu bé như hòn bi ,da xanh ngắt , em bảo : "Cũng dùng để nấu canh nhưng người ta còn làm cả ô mai nữa cơ". Tôi nghe mà ứa nước miếng, chắc hẳn là ngon lắm đây.

Ngoài ra còn có chuối "trứng quốc" trái màu vàng ườm,lấm tấm vài nốt đen đen . Tôi đã ăn ở Hà nội rồi, nó ngọt và thơm hơn chuối tôi vẫn ăn ở nhà. Thứ chuối này mà được chấm với cốm làng Vòng thì rất ngon. Tôi mua thêm mấy cái bánh gai làm quà cho các em.

Hai chị em về đến nhà thì cũng gần trưa rồi. Thằng anh bảo :"Hôm nay em sẽ làm món trứng rươi cho chị ăn nhé". Nó đập ba quả trứng đánh cho tan bằng hai cái đũa rất điệu nghệ xong thái hành lá bỏ vào rồi trút chỗ rươi vào đánh kỹ lại lần nữa, nêm chút muối và bắc chảo phi hành mỡ cho thơm rồi trút cà vào. Chỉ một lúc là mùi thơm bốc ra ngào ngạt. Nó bảo rươi làm được nhiều món như làm mắm, nấu canh...nhưng em chỉ thích đúc trứng vì dễ làm và dễ ăn. Thật ra cu cậu cũng chỉ làm được mấy món đơn gỉản thôi. Con trai như thế cũng là giỏi rồi.

Ra miền Bắc tôi hay tìm những thứ là lạ mà trong Nam chưa có để thử cho biết .Ví như quả mắc cọt cứng và chua hơn quả lê....

Mấy đứa nhỏ ăn xong thì cũng đi học cả.

Chiều nay trời mưa lâm râm, độ ẩm rất cao, quần áo phơi từ sáng đến giờ mà chưa khô. Điện cũng cúp từ sáng đến giờ mà chưa có. Tôi vừa lau xong cái nhà thì chú về. Ông vừa cất xe đạp vào nhà vưà bảo : "Ngày mai có xe đi Đồ sơn, chú sẽ đưa cháu đi ra đó cho biết"

May quá, tối nay lại có điện. Cô tôi đem cái bếp điện có dây mayso ra , úp cái bu gà đan bằng tre lên, sau đó đem các quần áo còn ẩm ướt đắp lên cái bu gà ấy và cắm điện cho bếp nóng lên. À, thì ra cô sấy quần áo cho khô đây mà. Cái bu gà này chỉ chuyên dùng để sấy quần áo thôi nên được giữ sạch sẽ. Sau đó quần áo mới được"là" lại lần nữa cho khô hẳn và phẳng phiu. Chỉ quần áo đi làm của cô chú mới được "là" thôi. Còn lại đều phải vuốt cho thẳng và xếp lại để tiết kiệm điện.

Tôi cũng đi sắp xếp đồ đạc của mình để chuẩn bị ngày mai đi Đồ sơn.

Bãi biển sáng nay vắng ngưởi, có lẽ không phải là ngày nghỉ. Bãi cát chạy dài, từng đợt sóng nhấp nhô dâng lên rồi kéo ra xa. Nắng chan hoà. Người ta chia bãi biển làm ba khu. Đi qua khu của Nhân dân thì đến khu của "các Xếp" có nhiều dãy nhà nghỉ và sau cùng là khu của "Chuyên gia" tức là dành cho người nước ngoài sang giúp mình . Khu này đẹp và sạch sẽ với vài căn biệt thự có trồng hoa và vài bức tượng ngoài trời. Tôi đi dọc theo bờ biển đợi chú tôi làm việc xong thì về. Tôi nghĩ trong tương lai bãi biển này nếu được quy hoạch và xây dựng lại sẽ là nơi nghỉ mát rất hấp dẫn. Còn bây giờ tôi nghe người ta nói với nhau :

: " Chưa đi chưa biết Đồ Sơn . Đi rồi mới biết dở hơn đồ nhà"

Đi qua cảng Hải phòng, tôi thấy nhiều chiếc tàu lớn xen kẽ với những chiếc thuyền bé nhỏ đậu ở gần bờ. Tất cả có một cái vẻ cũ kỹ lâu ngày không được sơn sửa.

Trên bờ những container xếp chồng lên nhau thành dãy dài. Người ta đi lại làm việc và cả mua bán trao đổi với nhau....Dễ thấy những cán bộ trong đồng phục màu xanh với chiếc nón cối và cặp xách đeo lệch qua một bên hông mà được gọi là "xà cột". Tôi cũng chưa hiểu lắm về cái chữ này, chẳng biết xuất phát từ đâu ra. Những thủy thủ trong bộ quần xanh, áo trắng có cái cổ to viền xanh và đội cái mũ vải đặc trưng của hải quân. Những phụ nữ quần đen, nón lá, đeo cái túi to bên hông lượn lờ mua bán.....

Những con đường tráng nhựa đầy ổ gà, hai bên là những dãy nhà thấp lè tè chạy dài. Phần lớn người dân đi lại bằng xe đạp, nhưng cũng có nhiều xe máy như Honda hay Babetta đan xen với xe xích lô. Thỉnh thoảng mới thấy những chiếc xe nhà binh phóng qua để lại những đám bụi mù phía sau.

Ở lại nhà cô chú thêm một hôm nữa, hôm sau tôi đi xe ca lên Hà Nội

Gọi là xe ca vì nó là một loại xe ô tô chắc là còn xót lại từ thời Pháp, nó không phải là xe buýt, cũng không phải taxi và lại càng không phải là xe đò. Nó là loại xe Traction thì phải . Nó thấp và dài. Sau băng ghế tài xế có thêm hai băng ghế nữa. Khách được dồn ép vào nhau chật cứng. Cũng may là còn mua được vé mà về.

Chú Năm lại đón tôi về nhà. Buổi sáng tôi dậy sớm mở cửa cho chị Bé là người thuê cái chỗ bán hàng ở cửa. Mỗi ngày chị Bé đến trải một cái chiếu còn chừa cái lối đi nhỏ cho mọi người ra vào. Chị bày đủ thứ mặt hàng khô : Đậu xanh, đậu đỏ, lạc, vừng, măng khô, miến...lại có cả nấm đông cô, mộc nhĩ, hành khô, tỏi khô nữa. Mỗi thứ chị để vào cái bao giấy mở miệng nên khách có thể thấy rõ từng thứ. Tôi rất thích ngồi ở cửa hàng xem chị bán hàng và ngắm nhìn ông đi qua bà đi lại...Chị kể : "Chồng mất, nuôi bốn đứa con, nên phải chạy chợ thế "lày" cũng vất "nắm" cô ạ" . Tôi thấy nhiều người ở các tỉnh về Hà nội hay nói chữ n ra l và ngược lại và lại hay nói nửa chữ thí dụ như "vất vả:, họ ngắt bỏ chữ" vả " hoặc "hốt hoảng" thì chỉ nói "hốt" thôi.Thời chiến tranh phải "nhanh gọn" nên quen rồi . Họ nói rất nhanh, giọng cao và lảnh lót nên lúc đầu không quen, nghe không kịp,cứ ngơ ngác chẳng hiểu họ nói gì.

Ngoài gia đình chú tôi với ba người con đang tuổi ăn học lại còn cô Hai là em kế của bố tôi, cô không lấy chồng chỉ ở nhà chăm lo gia đình. Tôi rất thương cô vì cô rất hiền. Cô lo lắng mọi việc cho ông bà nội tôi đến khi ông bà mất, lại lo lắng nhà cửa trông nom các cháu giúp chú tôi. Cô ở nhà nhưng việc gì cũng đến tay. Người ta còn bầu cho cô làm Tổ trưởng dân phố nữa kia. Thỉnh thoảng cô họp dân trong tổ để phổ biến lại những điều mà trước đó cô phải lên phường họp. Người trong phố họ cũng quý cô. Gia đình lục đuc, trẻ con đánh nhau, hàng xóm xích mích...là người ta lại gọi cô. Cô thuộc hết mọi nhà trong phố và mọi người cũng coi cô như người nhà vậy. Cô rất thương nhớ và yêu quý bố tôi. Khi gặp tôi , cô cũng nói như bà ngoại tôi: "Cô bế cháu mãi, khi đi cháu nhỏ như con búp bê ấy, thế mà đã bằng từng này rồi..." Bước chân dài của thời gian làm cô già đi nhiều so với ảnh xưa. Tóc cô uốn quăn, muối nhiều hơn tiêu. Cổ của cô ngắn , rụt lại khiến cái lưng gù thêm. Tuy vậy cô vẫn giữ được hàm răng trắng đều.

Buổi trưa chỉ có hai cô cháu ở nhà, cô chú và các em đi học đi làm cả. Cô mua của chị Bé ít miến và nấm đông cô. Chị ấy chỉ lấy nửa tiền bảo để biếu cô đãi khách. Cô đem vào ngâm nước cho nở và làm món trứng đúc cho tôi . Ôi ,cô thương tôi biết chừng nào. Thời ấy mà được ăn món này là "sang" lắm . Nằm bên cô nghỉ trưa, nghe cô kể chuyện ông bà, bố mẹ tôi lúc còn ở ngoài ấy sao thấy thương cô quá. Nhất là những chuyện trong chiến tranh đã trải qua , chuyện cả nhà phải đi "sơ tán" như thế nào. Tôi không thể hình dung hết nhưng thấy rõ những khó khăn ,vất vả lẫn nguy hiểm của những lần bom rơi, đạn lạc. Chiến tranh mà. Tôi cầm bàn tay cô, bàn tay gầy guộc nổi gân, những đốt xương nhô ra khiến chiếc nhẫn bạc mà bà tôi cho cô đeo bị mắc kẹt không sao tháo ra được. Tôi nắm chặt tay cô thầm thì :"Cô ơi, cháu thương cô lắm"

Cô tôi trở dậy chui xuống gậm giường lôi ra một cái hộp sắt vuông vắn. Cô phủi lớp bụi ở trên rồi mở nắp ra. Bên trong còn một lớp hộp nữa, rồi đến một lớp giấy , cô mang ra từng cái tách và cái đĩa bằng sứ rất nhẹ . Lại còn cả cái ấm trà nữa, lớp men trắng bóng với hoa văn rất đẹp. Cô bảo : "Đây là bộ ấm chén của Pháp người ta mừng cưới bố mẹ cháu đấy. Bố mẹ cháu bảo cứ để đây , hai ba năm nữa sẽ quay về lấy " Cô thở dài : "Thế mà thấm thoát hai mươi mấy năm rồi cháu nhỉ . Cháu chịu khó mang về cho bố mẹ làm kỷ niệm". Ôi, cô đã gìn giữ cả kỷ niệm của bố mẹ tôi trải qua bao thăng trầm của thời cuộc. Hẳn là cô đã có một lòng tin mãnh liệt sẽ có ngày gặp lại nhau. Lòng tin của cô đã thấu tới trời xanh . Cô đã thương nhớ bố mẹ tôi biết chừng nào.. .

Tôi trở lại thăm bà ngoại lần nữa trước khi rời Hà nội. Bà cháu lưu luyến ôm lấy nhau. Bà cứ vuốt mãi lưng tôi :

- Thôi cháu về mạnh khỏe, vài tháng nữa bà sẽ vào , bà nhớ các cháu lắm.

- Thật thế bà nhé, cháu sẽ đi đón bà. Bố mẹ cháu cũng nhớ bà lắm.

Bà gửi cho các em tôi chục cái bánh gai. Thứ bánh mà bóc lớp lá khô bên ngòai ra là đến cái bánh làm bằng bột nếp có màu đen nhánh, có nhân đậu xanh trộn mứt bí ăn vừa dẻo vừa thơm. Tôi rất thích loại bánh này . Bà lại lấy thêm chùm nhãn chín mọng cho tôi...

Các cô, chú, bác mỗi người gửi một ít. Nào bánh đậu xanh Hải dương, ô mai xấu, ô mai mơ, bánh cốm, kẹo lạc...v...v...

Ngoài quà ra tôi cũng mua được một ít vật dụng nhà bếp như nồi áp suất, soong chảo, nồi , dây mayso của bếp điện, phụ tùng xe đạp...tất cả đều sản xuất ở Liên xô. Ai cũng nói là nó bền lắm nên tôi mới chịu khó "tha" về. Lại còn phải mang theo ít bánh chưng, bánh giò và cơm nắm, muối mè để ăn lúc đi đường.

Mất cả buổi hì hụi đóng gói, hành lý của tôi nặng chẳng kém gì lúc đi. Chú tôi đưa ra ga. Vẫn còn sớm , tôi thấy ai cũng mang vác đồ đạc rất nhiều. Thời ấy hàng hóa ở đâu rẻ là người ta cứ mua vì chỉ cần mang từ chỗ nọ ra chỗ kia là đã thấy lời rồi.

Chú tôi giúp mang đồ đạc lên tận chỗ ngồi trên tàu. Gần trưa tàu mới khởi hành. Thôi nhé, tạm biệt Hà Nội...Tạm biệt những người họ hàng thân thương của tôi.

Tàu chạy đến gần Nha trang thì dừng. Mọi người xôn xao , lo lắng : - Có chuyện gì vậy ? - Hình như bị sạt lở ở đâu đó.

Có người lại bảo :- Tôi nghe nói đằng trước có cái cầu bị sập....

Chỉ biết tàu không chạy nữa, lại giữa chốn đồng không mông quạnh như thế này biết làm thế nào?

Chị ngồi cạnh tôi có vẻ bình tĩnh , trấn an : - Không sao đâu em, chỉ một hai ngày thông đường là lại đi thôi.

- Ui trời,một hai ngày thì lâu quá

- Năm ngoái chị đi còn phải "tăng bo" nữa kia

Thấy tôi ngơ ngác chị bảo : Tăng bo là vác đồ đạc chuyển sang tàu khác đó em. Còn khổ hơn ngồi đợi nhiều.

Trời , nếu thế chẳng biết tôi sẽ xoay trở ra sao. Cũng may tôi mang theo cơm nắm, muối vừng và ít bánh chưng nên không bị đói.

Chiều hôm sau tàu lại tiếp tục chạy.

Chợ Đòng Xuân  Hà Nội

Phố Cổ Hội An 
Ánh nắng chói chang của trời Saigon đón tôi trở lại thành phố quen thuộc.Tôi đã mang cả Trời Nam ra Bắc và lại đem Trời Bắc vào Nam. Ở đâu thì phải theo đó, nhưng tình thân họ hàng ruột thịt thì sao mà chia cắt được . Giã từ chuyến đi đầu tiên đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng khó phai trong đời. Tôi hẹn với lòng mình sẽ còn trở lại nhiều lần nữa....

1 comment:

  1. Một ký sự xuất sắc, đọc khôg ngừng, không thể tưởng tượng Hà Nội XHCN khủg khiếp như thế. Cá ơn Thư.

    ReplyDelete