May 17, 2023

Ký hiệu dưới đáy chai nhựa ?

Hầu hết các chai nhựa, đồ dùng bằng nhựa đều có các ký hiệu này, vậy tại sao người ta phải đánh dấu như vậy, có nguyên nhân của nó cả đấy. Nếu bạn không muốn tự làm hại sức khỏe bản thân thì cần phải biết những điều này.

Những sản phẩm gia dụng làm bằng nhựa như chai nước, hộp lọ mà bạn mua không phải cái nào cũng giống nhau, và sự khác biệt quan trọng chính là mức độ độc hại của loại nhựa mà cấu tạo nên chúng.
Mỗi loại nhựa đều được biểu thị bằng chữ cái hoặc con số, thường nằm giữa hình tam giác với các mũi tên và có thể tìm thấy trên vỏ hoặc dưới đáy các sản phẩm nhựa.


Đã bao giờ bạn thắc mắc ý nghĩa của những kí hiệu này chưa?
Các kí hiệu này ẩn chứa thông tin quan trọng vì mỗi loại nhựa lại chứa những chất hóa học có thể gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe của chúng ta theo các cấp độ khác nhau.
Dưới đây là tổng hợp 7 loại nhựa thường được sử dụng và ý nghĩa kí hiệu của chúng.



Có tất cả 7 loại nhựa, mỗi loại lại chứa thông tin về mức độ độc hại của từng loại nhựa đó.

1. Số 1 – PET hay còn gọi là PETE


Nhựa PETE sử dụng rộng rãi nhưng chỉ nên dùng một lần.
Nhựa PET (viết tắt của polyethylene terephthalate) là một trong số những loại nhựa được sử dụng phổ biến cho các sản phẩm gia dụng, ví dụ như chai nước khoáng, nước ngọt, bia và bao bì đóng gói.
Đây là kí hiệu chỉ loại nhựa chỉ sử dụng duy nhất một lần, nên nếu dùng đi dùng lại có thể gia tăng nguy cơ làm hòa tan các kim loại nặng và hóa chất cấu tạo nên chúng. Các chất này làm ảnh hưởng đến sự cân bằng hóc-môn trong cơ thể.
Nhựa PET rất khó để làm sạch, mức độ tái chế của chúng cũng rất thấp (chỉ khoảng 20%) vì vậy tốt nhất là dùng xong hãy vứt chúng đi ngay.


2. Số 2 – HDP hay HDPE



Mệnh danh là nhựa an toàn nhất trong tất cả, nhựa số 2 thường được khuyên dùng bởi các chuyên gia.
HDP (high density polyethylene, tức là nhựa nhiệt dẻo mật độ cao) là loại nhựa dùng để chế tạo các bình nhựa cứng như bình đựng sữa, bình đựng chất tẩy rửa, dầu ăn, đồ chơi và một số túi nhựa.
Loại nhựa này không thải ra chất độc hại nào vì thế, các chuyên gia thường khuyên lựa chọn các loại chai HDP khi mua hàng bởi chúng được coi là an toàn nhất trong tất cả.


3. Số 3 – PVC hay 3V



Nhựa số 3 là loại nhựa rất phổ biến nhưng lại chứa nhiều chất độc hại.
PVC là loại nhựa mềm và dẻo được sử dụng để sản xuất bao bì thực phẩm trong suốt, chai đựng dầu ăn, đồ chơi và rất nhiều sản phẩm khác.
PVC khá phổ biến nhưng chúng có chứa 2 loại hóa chất độc hại làm ảnh hưởng đến hóc-môn cơ thể. Chất này có thể giải phóng chất độc khi ở nhiệt độ cao, nên chỉ được phép đựng thực phẩm hoặc đồ uống dưới 81 độ C.


4. Số 4 – LDPE

Nhựa số 4 có nhiều công dụng nhưng không nên dùng ở nhiệt độ cao.
LDPE là chất nhựa nhiệt dẻo mật độ thấp khá phổ biến trong các hộp mì, hộp đồ đông lạnh, túi đựng hàng và vỏ bánh. Sản phẩm chứa chất này sẽ không thể làm nóng trong lò vi sóng, tránh nhiệt độ cao vì sẽ giải phóng hóa chất.


5. Số 5 – PP

Nhựa số 5 chịu nhiệt rất tốt và an toàn khi đặt trong lò vi sóng.
PP (polypropylene) là loại nhựa màu trắng hoặc gần như trong suốt, dùng để làm cốc đựng sữa chua, si-rô, hoặc cốc cà phê.
Chất này bền và nhẹ, chịu được ở nhiệt độ 167 độ C nên có thể tái sử dụng, quay trong lò vi sóng. PP cũng chống được ẩm và chất nhờn rất tốt.


6. Số 6 – PS


Nhựa số 6 hay dùng cho hộp nhựa xốp hoặc dĩa thìa dùng một lần.
PS, hay polystyrene, là loại nhựa rẻ và nhẹ có thể tìm thấy trên vỏ một số hộp đựng đồ ăn nhanh, cốc uống nước, hộp đựng trứng và dao đĩa thìa picnic.
Dù chúng có khả năng chịu nhiệt và lạnh đáng kể, nhưng ở nhiệt độ cao như lò vi sóng chúng có thể giải phóng chất độc hại.
Ngoài ra, cũng không được dùng đựng đồ có chất acid mạnh, chất kiềm mạnh. Chính vì thế, loại nhựa này không được phép dùng để đựng đồ ăn thức uống lâu dài.

Bạch Mai sưu tầm






Thuyền phó tàu Titanic tiết lộ bí mật vĩ đại giấu kín nửa đời người

 Thuyền phó tàu Titanic tiết lộ bí mật vĩ đại giấu kín nửa đời người, phương Tây họ văn minh hơn chúng ta từ rất lâu!



Nhân sinh như cõi mộng, dù cho người đó giàu có bao nhiêu hay nghèo kém cỡ nào, đứng trước sinh tử cũng đều chỉ là một sinh mệnh bé nhỏ. Quan trọng hơn, khi ấy người ta mới thật sự nhận ra điều quan trọng nhất của cuộc đời: Không phải vật chất, không phải quyền danh, càng không phải nhận lại điều gì cho mình mà là cho người khác, mà là lòng vị tha. 

Đêm ngày 14/4/1912, một vụ tai nạn kinh hoàng đã xảy ra. Con tàu mang phong hiệu “không thể chìm” có tên Titanic đã đâm sầm vào một tảng băng trôi khổng lồ. Kết quả của vụ va chạm ấy là những con số và nỗi đau mà người ta không bao giờ muốn nhắc lại.

1.514 người đã thiệt mạng trong vụ đắm tàu kinh hoàng năm ấy. Nỗi đau đã khép lại hơn 100 năm, ngày nay, những gì người ta lưu lại về từ khóa “Titanic” có thể là: Vụ đắm tàu, thảm họa hàng hải nghiêm trọng nhất mọi thời đại hay mối tình lãng mạn của Jack và Rose, cũng có thể là tình ca bất hủ My heart will go on qua chất giọng cao vút của Celine Dion…

Tuy nhiên, hầu như tất cả đều không nhận ra, đằng sau bức màn đen tối của những nỗi đau và mất mát ấy là một kiệt tác vĩ đại của Lòng vị tha.

Charles Lightoller, khi ấy 38 tuổi, Thuyền phó thứ 2 trên con tàu Titanic, ông là người cuối cùng được kéo lên trên thuyền cứu hộ, cũng là người còn sống sót có chức vị cao nhất trên thuyền lúc đó.

Trở về từ cõi chết, sau rất nhiều năm giấu kín và im lặng, cuối cùng Charles quyết định viết 17 trang hồi ức, kể lại chi tiết vụ tai nạn kinh hoàng mà ông chứng kiến. Từng câu từng chữ của ông chưa bao giờ sống động và dồn dập đến vậy. “Chỉ cần tôi còn sống, tôi sẽ không bao giờ quên được cảnh tượng đêm đó!”

“Phụ nữ và trẻ em lên trước!”

Khi mệnh lệnh vừa vang lên, nhiều người rời thuyền cứu hộ, họ lặng lẽ bước ra phía sau châm điếu thuốc và hút. Charles không thấy bất kỳ một phụ nữ hay trẻ em có ý định bỏ lại những người đàn ông thân yêu của họ. Tất cả mọi người dường như rất bình tĩnh… trước cái chết… dù đó là một thương nhân nổi tiếng hay người hầu.

Khi chiếc thuyền cứu hộ đầu tiên được đưa xuống mặt nước, Charles đã hỏi một người phụ nữ họ Straw khi ấy đang ở trên boong tàu rằng: “Bà có muốn tôi đưa bà lên thuyền cứu hộ không?”

Người phụ nữ lắc đầu: “Không, tôi nghĩ vẫn là ở lại trên tàu thì tốt hơn”. Người chồng của bà hỏi: “Tại sao em lại không muốn đi lên thuyền cứu hộ?” Người phụ nữ mỉm cười trả lời: “Không, em vẫn muốn ở bên cạnh anh”. Cũng kể từ đây, Charles không bao giờ còn gặp lại đôi vợ chồng này lần nữa…

Astor đệ tứ (John Jacob Astor IV), một nhà kinh doanh, nhà phát minh, nhà văn nổi tiếng và là một trong những người giàu nhất thế giới lúc bấy giờ. Sau khi đưa người vợ mang thai 5 tháng tuổi lên thuyền cứu hộ, một tay dắt chó, tay còn lại châm điếu xì gà rồi hét to về phía chiếc thuyền cứu hộ đang trôi dần về nơi xa: “Anh yêu hai mẹ con”.

Thuyền phó đã ra mệnh lệnh cho Astor đệ tứ lên thuyền, nhưng ông kiên quyết trả lời rằng: “Tôi thích cách nói cơ bản nhất (bảo vệ phái yếu)!”. Sau đó, ông nhường chỗ của mình cho một người phụ nữ ở khoang hạng 3.

Vài ngày sau, khi bình minh vươn lên trên mặt biển Đại Tây Dương, đội cứu hộ tìm thấy thi thể ông trong tình trạng đầu bị chấn thương nghiêm trọng do đập vào ống khói. Khối tài sản của ông đủ để chế tạo 10 con tàu Titanic, nhưng Astor đệ tứ đã từ chối tất cả. Ông chọn cái chết để bảo vệ người thân yêu của mình, bảo vệ “phụ nữ và trẻ em” và bảo vệ nhân cách của mình.

Ben Guggenheim, một nhà tỷ phú, một nhân vật nổi tiếng trong ngành ngân hàng. Trong giờ phút nguy nan nhất, khi tất cả mọi người đang hối hả và vội vã, ông thản nhiên thay một bộ vest dạ hội sang trọng và tuyên bố: “Tôi phải chết thật trịnh trọng, như một quý ông”.

Trong lời nhắn ông gửi cho vợ viết: “Trên con tàu này, không có bất kỳ một phụ nữ nào vì anh cướp chỗ trên thuyền cứu hộ mà bị bỏ lại trên boong tàu. Anh sẽ không chết giống như một tên khốn, anh sẽ giống như một người đàn ông chân chính”.

Một thủy thủ đề nghị với Strauss, nhà sáng lập công ty bách hóa Macy của Mỹ, cũng là người giàu thứ hai thế giới rằng: “Tôi bảo đảm sẽ không ai phản đối một người già như ngài bước lên thuyền cứu hộ đâu”. Strauss nói: “Tôi sẽ không đi khi những người đàn ông khác còn đang ở lại”. Khi ông cố gắng khuyên giải bà Rosalie vợ của mình lên thuyền cứu hộ thì bà vẫn một mực từ chối. Bà nói: “Bao nhiêu năm qua, anh đi đâu là em theo đến đó, em sẽ cùng anh đi đến bất cứ nơi nào mà anh muốn đi”.

Sau đó, ông choàng lấy cánh tay của bà Rosalie, thong thả bước đến chiếc ghế trên boong tàu, ngồi xuống và chờ đợi giây phút cuối cùng của cuộc đời. Ngày nay, tại Bronx thành phố New York, người ta xây một tượng đài để tưởng niệm vợ chồng ông Strauss, trên đó khắc hàng chữ: “Tình yêu không thể nào nhấn chìm dù có nhiều nước biển hơn nữa”.

Một doanh nhân người Pháp tên Nahuatl đưa hai cậu con trai của mình lên thuyền cứu hộ, nhờ một vài người phụ nữ chăm sóc cho chúng, và mình thì từ chối lên thuyền. Sau khi hai đứa con trai được cứu sống, báo chí khắp nơi trên thế giới đều rầm rộ đăng hình ảnh của hai đứa trẻ này, cho đến khi mẹ của chúng từ hình ảnh nhận ra được chúng.

Trong giờ phút nguy kịch, Lydepas ôm chặt lấy người chồng mới cưới, không muốn thoát chết một mình. Vì bất đắc dĩ, chồng Lydepas phải đấm cô ngất xỉu, khi cô tỉnh lại thì đã thấy mình trên một chiếc thuyền cứu hộ đang trôi lênh đênh ngoài biển. Về sau, Lydepas cả đời không tái giá, sống độc thân để hoài niệm người chồng đã mất của mình.

Trong buổi họp mặt những người may mắn sống sót tại Lausanne nước Thụy Sĩ, bà Smith kể lại: “Lúc đó hai đứa con của tôi được bế lên thuyền cứu hộ. Vì quá tải nên tôi không thể lên thuyền nữa, một người phụ nữ ngồi trên thuyền cứu hộ khi ấy đã đứng dậy rời khỏi chỗ ngồi, rồi đẩy tôi lên và hét lớn với tôi một câu: ‘Ngồi đi, những đứa trẻ không thể thiếu mẹ!’.” Bà hối tiếc vì lúc đó đã không hỏi tên người phụ nữ đó.

Những người thiệt mạng trong vụ tai nạn này còn có tỷ phú Acid, nhà báo nổi tiếng Stead, Thiếu tá pháo binh Bart, kỹ sư Robble nổi tiếng v.v.. Họ nhường chỗ của mình trên thuyền cứu hộ, cho những phụ nữ nông dân không một đồng trên người.

Hơn 50 nhân viên cấp cao trên tàu Titanic, ngoài thuyền phó thứ hai Charles Lightoller chỉ huy cứu hộ may mắn sống sót, toàn bộ đều hết mình cứu người đến chết trong cương vị của mình.

Khoảng 2h sáng nhân viên điện báo số 1 John Philip nhận được mệnh lệnh bỏ tàu của thuyền trưởng, mọi người tự mình cứu mình, nhưng ông vẫn ngồi trong phòng thông báo, vẫn giữ tư thế phát tín hiệu SOS liên tục cho đến phút cuối cùng.

Khi đuôi tàu bắt đầu chìm xuống nước, Charles nghe thấy vào khoảnh khắc cuối cùng, khoảnh khắc của sinh ly tử biệt, những lời yêu thương vang lên: “I love you! I love you!”

Trong bức màn đêm đen tối nhuốm đẫm đau khổ và chia ly, tinh thần quý tộc nổi lên như ngọn đuốc rực sáng, khắc họa nên một tuyệt tác vĩ đại về nhân cách và đạo đức con người. Giáo dục lối sống không chỉ là lý thuyết; mà trong những hoàn cảnh thực tế, những bài học đạo đức ăn sâu vào tâm thức trở thành kim chỉ nam cho hành động của mỗi người.

Phụ nữ và trẻ em, những con người yếu đuối cần được tôn trọng và ưu tiên. Những người đàn ông lịch lãm không chỉ là kẻ nói lời hoa mỹ và tử tế trên bàn tiệc; mà ngay cả khi đối diện với thực tế rằng dù ngày mai tất cả đều trở thành vô nghĩa thì bài học về đạo đức và nhân cách hôm nay vẫn cần được thực hành một cách tuyệt đối.

Nhân sinh như cõi mộng, dù cho người đó giàu có bao nhiêu hay nghèo kém cỡ nào, đứng trước sinh tử cũng đều chỉ là một sinh mệnh bé nhỏ. Quan trọng hơn, khi ấy người ta mới thật sự nhận ra điều quan trọng nhất của cuộc đời: Không phải vật chất, không phải quyền danh càng không phải nhận lại điều gì cho mình mà là cho người khác, là vị tha.

Vị tha hàm chứa một sức mạnh vô tỉ, đã biến những con người xấu số trong cơn “bão biển” kinh hoàng năm ấy trở thành biểu tượng vĩ đại của tấm lòng thiện lương cao cả.

P/s: Những câu chuyện thế này theo các bạn có nên đưa vào sách giáo khoa không?

Hoàng Nguyên Vũ 

Hồng Phúc sưu tầm

May 7, 2023

Hiện Tượng Mất Trí Nhớ Và Bệnh Alzheimer (Y Học)

 Hiện Tượng Mất Trí Nhớ Và Bệnh Alzheimer (Y Học)

4648 1 HienTgMatTriNho AlzheimerBS HNgocMinh

      

Tình trạng mất trí nhớ - dementia  thường xảy ra cho người già, nhưng không phải mọi người khi già đều mất trí nhớ.

       Nhiều người tưởng lầm là sự mất trí nhớ và bệnh Alzheimer cùng là một thứ bệnh, nhưng thật ra không phải như vậy.

       Trung bình chỉ có 10% số người trên 65 tuổi bị bệnh Alzheimer, nhưng cho những cụ trên 85, tỷ số là 1/3.

       Hiện nay, theo ước tính, có khoảng năm triệu người Mỹ trên 65 tuổi bị bệnh Alzheimer và trên toàn thế giới có khoảng 35.6 triệu người bị mất trí nhớ.

       Nói đúng ra, trí nhớ của tất cả mọi người đều không hoàn hảo. Có những dữ kiện chúng ta tưởng là nhớ đúng 100% nhưng trên thực tế theo thời gian, trí nhớ bị phai mờ với những “lỗ hổng”.


4648 2 AlzheimerBS HNMinh

     

 Bộ não chúng ta sẽ tìm cách điền vào những “chỗ trống” đó bằng những hư cấu không có thực hay không chính xác.

       Vì thế khi chúng ta lớn tuổi, chuyện giảm trí nhớ xảy ra cho tất cả mọi người, nhưng mức độ và tốc độ suy sụp tùy theo bản chất của mỗi cá nhân.

       Riêng những người bị Alzheimer, tốc độ suy sụp rất nhanh, có khi trong vòng vài tháng đã thấy sự khác biệt.

4648 3 BinhMatTriNhoBS HNM


Thế thì, những dấu hiệu khác biệt đó là gì ?

       Hầu hết các sách y khoa đều nói rằng dấu hiệu sớm nhất của bệnh Alzheimer là mất trí nhớ. Khổ nỗi là sự mất trí nhớ không xảy ra qua đêm trong thời gian đầu nên rất khó mà nhận biết.

       Mà nếu có chút lãng trí xảy ra thì thường bị bỏ qua hay bị người thân phán cho những chữ như “già rồi, lẩm cẩm” là xong câu chuyện.

Một khi sự mất trí nhớ xảy ra có thể nhận thấy được thì thường là quá trễ.


4648 4 AlzheimerHoNMinh

     

 Người có triệu chứng Alzheimer thường bắt đầu lặp lại những câu chuyện hay câu hỏi nhiều lần và bất chợt.


      Ví dụ, có khi họ đang nói chuyện thời năm 1975, đùng một cái nhảy qua nói chuyện đánh football năm 2015, rồi quay lại thời cụ Diệm bị đảo chánh và vài ngày sau lại nhắc lại những chuyện đó. Hoặc, họ có vấn đề theo dõi câu chuyện của người khác.


      Ví dụ người ta đang bàn chuyện đám cưới, người có vấn đề lại “đóng góp” chuyện lính Mỹ đổ bộ ở Normandy !

       Nghĩa là, nhớ đâu nói đó, không có thứ tự. Không nên nhầm lẫn với thói quen suy nghĩ của người bệnh. Đa số, thường bị bỏ qua là “lâu nay tánh vẫn thế !”

       Cùng lúc với chuyện lãng trí, quên chỗ này, chỗ kia, dấu hiệu sớm nhất của bệnh Alzheimer là việc đi đứng không vững và hay té ngã.

       

Dĩ nhiên là khi người lớn tuổi hay bị té ngã có thể do nhiều nguyên do khác nhau đưa đến, nhưng không nên bỏ qua mà phán cho câu “già yếu nên như vậy”.

      

 Có người đang ngồi trên ghế vẫn bị té lăn quay xuống đất vì không giữ được thăng bằng, như vậy không phải hoàn toàn là yếu !

       

Người bị Alzheimer thường có dáng đi như lê lết trên mặt đất như chim cánh cụt. Họ không nhấc được bàn chân khỏi mặt đất và hai chân thường hay bị quíu như không biết chân nào phải bước trước và chân nào theo sau.

       Có khi họ như lúng túng muốn bước hai chân tới trước cùng một 

lúc. Đó là lý do tại sao họ dễ bị té.

       Ngoài ra, lý do dễ mất thăng bằng và hay bị té là khả năng nhìn vật thể chung quanh theo định thức không gian 3 chiều không còn chính xác nữa.

       Thí dụ cái bàn, cái ghế có thể bị nhìn méo đi hay khoảng cách ước lượng từ điểm A đến điểm B không còn đúng nữa.


4648 5 AlzheimerBS HNM

       Khoa học vẫn chưa tìm ra gene di truyền gây ra bệnh Alzheimer. Người ta đã tìm khắp bộ DNA của con người và ghi nhận được 33 điểm khả nghi.

       Tuy nhiên những người có gene apolipoprotein E (APOE) ở trên nhiễm sắc thể số 19 sẽ có nguy cơ tăng cao. Ngoài ra nguy cơ có thể thay đổi qua sự tương tác giữa gene và môi trường.


4648 6 AlzheimerBS HNM

      

 Căn nguyên của bệnh Alzheimer là do những vảy - plaques chung quanh tế bào não, tương tự như vảy đóng trong mạch máu.

       Khác với vảy cholesterol trong máu, những vảy trong não này được tạo thành bởi chất protein.

       

Những vảy protein như những chất cách điện, hệ quả là những tín hiệu được truyền đi từ một tế bào thần kinh này đến tế bào khác bị ngăn chặn.

       Hiện tượng cách ly này không chỉ xảy ra giữa tế bào này với tế bào khác mà còn ở ngay trong tế bào thần kinh, như những chùm tơ nhện, gọi là “tangles of Tau protein”.


4648 7 AlzheimerBS HNM

      

 Ngoài việc cách ly sóng điện những vảy protein còn tiết ra chất độc để hủy diệt tế bào thần kinh, vì thế não bộ dần dần teo nhỏ lại.

       Hiện tượng đóng vảy không xảy ra qua đêm mà kéo dài có khi cả chục năm trước khi triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Nói cho dễ hiểu, “người thường” không có bệnh Alzheimer cũng bị đóng vảy trong não chút đỉnh khi… già yếu.

       Nhưng đối với người có bệnh, tốc độ suy sụp, đổ dốc sẽ rất nhanh.  Dĩ nhiên, triệu chứng mấu chốt của bệnh mất trí nhớ phải là sự mất khả năng tư duy, khả năng nhớ, nhưng những triệu chứng khác do sự suy yếu của não bộ đưa đến, ví dụ như khả năng nói và vệ sinh cá nhân sẽ xảy ra cùng lúc, chứ không theo thứ tự.

      

 Như thế, sự suy yếu xảy ra một cách toàn bộ, từ trí nhớ, đến suy yếu thị giác và khả năng giữ thăng bằng.

       Khi bệnh càng nặng, người bệnh sẽ mất khả năng tư duy, không còn nhận biết người quen, không nhớ những chuyện mới xảy ra gần như tức thì.

       Họ sẽ có vấn đề hiểu câu hỏi, sử dụng từ ngữ để diễn tả hay tốn nhiều thì giờ để trả lời một câu hỏi có khi rất đơn giản.


Khuôn mặt như khờ đi, không biểu lộ được cảm xúc.

Họ mất khái niệm về thời gian và không gian.

       

Tâm tính của người bị mất trí nhớ cũng thay đổi, có khi họ trở nên trầm cảm, cô đơn nhưng có lúc hung dữ, bướng bỉnh vì trong tư duy hạn hẹp, không ai hiểu được họ.


Cuối cùng là mất luôn khả năng vệ sinh cá nhân như tiểu tiện và đại tiện.

Người bệnh chỉ nhận biết được một vài người thân săn sóc cho họ.

       

Khi thiếu những người này hay khi phải rời xa những môi trường quen thuộc, thường sẽ bị kích động những cơn sợ khủng hoảng tinh thần, gọi là panic attacks, làm cho họ cứng người đi, càng dễ bị té ngã thêm.

       Trong phạm vi bài viết này, tôi không đi sâu vào việc chẩn bệnh và thuốc chữa trị. Tuy nhiên, dựa trên những kiến thức cơ bản ở trên, tôi hy vọng bạn đọc có thể phát hiện ra bệnh tình của người thân và đưa họ đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

       Nên nhớ tất cả các loại “thuốc chữa” hiện nay không có khả năng chữa dứt bệnh mà chỉ làm cho tốc độ phát triển của bệnh chậm đi.

       Và nếu thuốc chữa càng sớm thì phẩm chất đời sống của bệnh nhân cũng như của người thân săn sóc cho bệnh nhân sẽ đỡ khổ hơn nhiều.


4648 8 AlzheimerHNM

      

 Nói chung, mọi người khi lớn tuổi đều có nguy cơ bị mất trí nhớ. Để giảm bớt nguy cơ bị mất trí nhớ, một số biện pháp cần thực thi ngay từ bây giờ:

     

  Trước hết, bạn phải có một chế độ ăn uống cân bằng, điều độ, nhiều rau trái, tập thể dục đều đặn, như đi bộ ba tới năm giờ mỗi tuần và ngủ đủ tám tiếng mỗi ngày.

        Ngủ đêm không đủ thì tranh thủ ngủ ngày ! Những người ngủ đầy đủ và có ngủ trưa thường sống lâu và ít bị mất trí nhớ

  1. Học khiêu vũ

       Ta nói nôm na là tập… “nhảy đầm”. Nghiên cứu đăng trên tờ New England Journal of Medicine năm 2003 cho biết khiêu vũ vừa là một môn thể dục thể thao, vừa là một trò chơi đòi hỏi suy nghĩ, tiến thoái trong mỗi bước.

       Khi khiêu vũ, lượng máu không những chỉ dồn về bắp thịt mà còn đổ về phía não bộ nhiều hơn vì khiêu vũ đòi hỏi cả thể lực lẫn trí tuệ.


4648 9 AlzheimerHNM

  1. Học chơi một thứ nhạc cụ hoặc nghe nhạc

       Nhiều nghiên cứu cho thấy người chơi nhạc cụ trên 10 năm sẽ có trí nhớ tốt hơn một người không chơi nhạc.

       Trong trường hợp bạn không có đủ thời giờ hay năng khiếu âm nhạc, nên tập nghe và thưởng thức âm nhạc.


4648 10 AlzheimerBS HNM

  1. Học một ngôn ngữ khác

       Một nghiên cứu đăng trên tờ Neurology năm 2013 cho biết những người nói thông thạo hai thứ tiếng, khả năng bị mất trí nhớ chậm đi bốn năm rưỡi so với người chỉ biết một thứ tiếng.


4648 11 AlzheimerHNM

  1. Học đánh cờ hay chơi video game

       Một nghiên cứu của Pháp năm 2013 cho thấy những ai chơi cờ, hay chơi các loại game như bingo, xì lát, poker… Nhưng đừng ghiền quá và cũng tránh “ngồi computer” hay TV nhiều nhé, khả năng bị mất trí nhớ giảm đi 15%.

4648 12 AlzheimerHNM

  1. Đọc sách

       Nghiền ngẫm nội dung của sách, truyện.Đọc truyện mới lạ có lợi hơn là đọc chuyện cũ đã biết. Đừng đọc Thiên Long Bát Bộ hay Tam Quốc Chí đến lần thứ 10!

4648 13 AlzheimerHNM

  1. Chú tâm làm một việc cho xong, đừng ôm đồm nhiều thứ vô một làm hai ba việc cùng một lúc.

       Ví dụ khi ăn thì đừng xem TV !  Ngoài ra nên biết dùng thời giờ một cách hữu hiệu.

4648 14 AlzheimerHNM

  1. Học đan, may vá hay làm vườn

       Khảo sát thống kê năm 2013 cho biết những người có những thú vui kể trên, trí óc minh mẫn hơn những người không có “thú vui ” để tiêu khiển.


4648 15 AlzheimerHNM

  1. Sống có mục đích

       Sống lạc quan, yêu đời và có giao thiệp với bạn bè người thân làm bớt tình trạng cô độc, sầu muộn.

  1. Tập viết

       Viết văn, viết truyện, viết thơ cho bạn bè, viết nhật ký, viết hồi ký… làm giảm khả năng mất trí nhớ về sau.

  1. Cuối cùng, tập làm việc nhà

       Những người làm lụng chân tay, làm việc trong nhà ít bị mất trí nhớ hơn người ngồi một chỗ xem TV hay nhìn “bóng câu qua khung cửa sổ”.

      Nói chung là phải tích cực “động não”. Tất cả các hoạt động trên đây nên bắt đầu từ hôm nay, bất kỳ ở lứa tuổi nào. Không nên đợi tới 60, 70 mới lo ngăn ngừa mất trí nhớ !


Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh


May 4, 2023

ĐÃ TÌM RA CÔNG THỨC CHUNG

 ĐÃ TÌM RA CÔNG THỨC CHUNG

(Vì sao người Bắc Âu không màng "nhà lầu, xe hơi'" nhưng vẫn hạnh phúc!)
Sưu tầm 

"Cơm không thể không ăn, nhưng không nhất thiết phải ăn quá ngon. 
Tiền không thể không có, nhưng không nhất thiết phải có quá nhiều" - đó là quan niệm của người Bắc Âu.

Đan Mạch - Thiên đường cho người dân và doanh nghiệp, 




Thụy Điển - Thành công mỹ mãn với chế độ người lao động chỉ làm 6h/ngày, 

Hoặc  

Phần Lan - Nền giáo dục "không giống ai", cấm thi cử, bài tập nhưng học sinh vẫn giỏi giang…

Điểm chung của các quốc gia này là gì? 

Đó là tất cả đều đến từ một cùng khu vực trên thế giới - Bắc Âu.

Từ xa xưa, nơi đây là chỗ ở của những kẻ chinh phục vĩ đại mang tên Viking.Trải qua thời kỳ chiến tranh loạn lạc với vai trò những đất nước trung lập, giờ đây các quốc gia Bắc Âu đang có những chuẩn mực khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ: 

*Tăng trưởng kinh tế cao, 
*Chỉ số phát triển con người cao, 
*Người dân hạnh phúc nhất nhì thế giới…

Vậy, những xứ "thiên đường" ấy đã làm cách nào để vươn đến như ngày nay? 

Tất cả nằm ở cách sống của con người nơi đây! Hãy thử tìm hiểu.

Không cần nhà lầu, xe hơi, tiền bạc chất đống... mà vẫn hạnh phúc. Người Bắc Âu sống tự nhiên, đơn giản mà hạnh phúc. 

Nếu để ý một chút, bạn sẽ nhận thấy, các quốc gia ở Bắc Âu:
 Không hề có nhà cao tầng, 
Người dân ăn mặc rất mộc mạc, 
Đi những chiếc xe cũ kỹ
 Và ăn những món ăn đơn giản. 
Sau 7 giờ tối, gần như trên đường rất yên ắng, không có cuộc sống “xa hoa” vào ban đêm, không có những dịch vụ cao cấp lãng phí kích thích sự thỏa mãn tiêu cực con người.

Có một cụm từ mà người Bắc Âu hay nhắc đến là:

“Chất lượng cuộc sống”. 

Đất nước Thụy điển thì có câu châm ngôn:

“Tiền là thứ có thể để dành được còn thời gian thì không để dành được. Bạn sử dụng thời gian như thế nào thì nó sẽ quyết định chất lượng cuộc sống của bạn”.

Nếu có ai hỏi một người Bắc Âu xem giữa 2 sự lựa chọn: 

Cuộc sống đầy đủ nhà cao cửa rộng, tiền bạc và xe hơi sang trọng. 

So với cuộc sống có đầy đủ vợ chồng, con cái thì chọn phương án nào, anh ta có lẽ sẽ thiên về phương án thứ hai. 

Bởi lẽ, thứ mà người Bắc Âu muốn chính là “Phẩm Chất”, 
chứ không phải là “Vật Chất” trong cuộc sống.

“Nhanh một chút”,
“nhanh một chút!”. 

Không, người Bắc Âu không làm vậy. Họ lựa chọn sống:

 “Chậm Một Chút!”, 
nhưng vẫn có thể tìm được hạnh phúc thực sự từ cách sống này.

Những con người
 "Biết Sống" nhất thế giới của vùng Bắc Âu này, bí quyết ở sự:

"Đơn Giản"

Bắc Âu nằm ở vùng khí hậu khắc nghiệt nhất của thế giới. 
Môi trường thiên nhiên hà khắc ở đây đã khiến cho thói quen tiết kiệm đã trở thành điều tất nhiên ở xứ này.

“Cơm không thể không ăn, nhưng không nhất thiết phải ăn quá ngon. 
Tiền không thể không có, nhưng không nhất thiết phải có quá nhiều"

Cuộc sống đơn giản của người Bắc Âu rất dễ để nhận ra, nếu bạn chịu khó để ý một chút.

Ví dụ 

Trong cách ăn mặc, không cần phải diêm dúa, bạn sẽ thấy những người phụ nữ 70-80 tuổi Bắc Âu thường mặc áo khoác vàng nhạt kết hợp chân váy, đi giày nữ tính, khăn trùm đầu. 
Nhìn họ vừa nữ tính vừa trang nghiêm nhưng cũng không mất đi vẻ cuốn hút.

Nếu nhà ai đó mới sinh em bé thì không cần phải tiệc tùng cầu kỳ, những nhà hàng xóm hay bạn bè đều sẽ mang những bộ quần áo cũ đã được giặt thơm tho đến cho em bé sử dụng. 
Điều này đã trở thành một truyền thồng tốt đẹp lâu đời của con người xứ Bắc Âu.

•Bắc Âu không cần những đại lộ to rộng 

Những con đường ở các quốc gia Bắc Âu thường hẹp hơn đường ở các quốc gia phát triền khác, phần lớn nó không phải những con đường thẳng mà là những ngõ, hẻm.

•Không cần phải khoe của

Người dân nơi đây không cần những siêu xe, mà chủ yếu sử dụng những loại xe ô tô cá nhân cỡ nhỏ. Thậm chí, rất nhiều người trong số họ đạp xe đạp đi làm. 

Bảo vệ môi trường đối với người Bắc Âu đã không còn là một cụm từ theo "mốt" mà là một sự “cao thượng”, một việc tất nhiên cần làm.

Để hưởng đặc quyền hạnh phúc, họ đã làm việc năng suất nhất nhì thế giới như thế này đây!
Công việc chính thức của một người Bắc Âu khá nhẹ nhàng, ‘ngắn gọn’ . 

Về thời gian làm việc. 

Trong thời gian rảnh, dù có thể chọn làm thêm việc khác để kiếm thêm thu nhập, nhưng họ lại không làm vậy. 

Người Bắc Âu chọn thưởng thức tách cà phê cùng bạn bè hoặc đơn giản là ngồi đọc sách.

Đến đây, đừng nghĩ rằng, người Bắc Âu suốt ngày chỉ biết uống cà phê. 

Điều kiện tiên quyết để họ được hưởng một cuộc sống an nhàn như trên chính là do chính thái độ nghiêm túc, hiệu suất rất cao mà họ đạt được khi làm việc.

“Đừng suy xét đến thu nhập, trước tiên hãy hỏi mình thích gì, công việc mình phải thích thì mới làm tốt được nó” - đây là quan niệm của người Bắc Âu. 
Vì thế, công việc đối với họ không phải là một sự:
“đau khổ, giày vò”. 
Họ đơn giản là làm hết sức và rất tốt công việc mình thực sự yêu, được trả lương rất cao và từ đó sống hạnh phúc.

Để nâng cao hiệu suất, người Bắc Âu nghĩ mọi cách để sáng tạo và rút ngắn thời gian làm việc.

 Nghe giống như đặc điểm của những kẻ:
‘lười nhưng thiên tài’ 
mà Bill Gates phải cất công tìm kiếm về cho Microsoft.

Đúng! 

Và đây là điều mà mọi người dân Bắc Âu đều thấm nhuần chứ không chỉ một vài kẻ ‘lười nhưng thiên tài’ nào đó. 

Từ đó, họ sẽ có nhiều thời gian hơn cho nghỉ ngơi hay cho cho gia đình.

Và chìa khóa tận cùng cho mọi hạnh phúc ở Bắc Âu là 2 chữ:
“Gia Đình"

Trong cuộc sống của người Bắc Âu, 
gia đình rất quan trọng. Chỉ cần vừa có kỳ nghỉ là một gia đình Bắc Âu sẽ cùng nhau tận hưởng những ngày vui đùa, 
cùng tắm biển, tắm nắng, trượt tuyết, cưỡi ngựa…

Trong gia đình, người chồng sẽ sẵn sàng hủy bỏ những buổi gặp gỡ ăn uống với bạn bè sau giờ làm để dành thời gian cho vợ con. Điều đầu tiên sau khi tan làm trở về nhà mà họ làm là trò chuyện, vui đùa, nấu ăn cùng vợ, con mình.

Cho dù ai đó có muốn làm thêm thì họ cũng phải chọn thời gian để tránh ảnh hưởng đến gia đình mình.

Ví dụ, người chồng sẽ chọn đi làm tăng ca vào lúc 3 giờ sáng bởi vì như vậy thì buổi sáng vẫn còn người vợ ở nhà dùng bữa sáng cùng các con. Như thế, người chồng sẽ chỉ bị mất khoảng 1 tiếng đồng hồ không thể cùng ăn sáng gia đình. Làm thêm giờ vào buổi sáng sớm, nghe thì có vẻ khó tin, nhưng điều này lại cho các ông bố có thêm thời gian vào buổi tối ăn tối cùng gia đình mình.

Điều cuối cùng, đối với người đàn ông Bắc Âu, gia đình và con cái không phải là nền tảng giúp người đàn ông tìm kiếm sự thành công nữa, mà chính là phần quan trọng nhất trong chất lượng cuộc sống của họ. Với họ, khoảnh khắc có lẽ là hạnh phúc nhất trong ngày chính là khi đứa trẻ của mình leo lên đầu, ôm lấy cổ bố chúng, hôn một cái và thủ thỉ nói:

 “Chúc cha ngủ ngon nhé”.

Đây mới là cách đầu tư thông minh nhất nếu bạn muốn có cuộc sống hạnh phúc!

(Sưu tầm)
Chia sẻ từ fb chị Cao Tu Anh
My Lan Phạm 

Hồng Phúc chuyển

May 2, 2023

Phạm Cao Phong- Từ Marguerite Duras, tác giả 'Người Tình' đến cô hoa hậu châu Á ở Paris

 Phạm Cao Phong- Từ Marguerite Duras, tác giả 'Người Tình' đến cô hoa hậu châu Á ở Paris

18 tháng 4 2023

image001.jpg

NGUỒN HÌNH ẢNH,CAO PHONG PHAM

Chị Loan de Fontbrune

 

Nữ văn hào Pháp Marguerite Duras (1914-1996), sinh tại Gia Định ngày 4.4.1914, có một tuổi thơ dữ dội ở Đông Dương không xa lạ gì với Việt Nam.

Duras gửi vào tiểu thuyết xúc động 'Người Tình' của bà những hồi ức về mảnh đất sinh thành. Nơi cái nắng nhiệt đới không sưởi ấm được cho tuổi thơ vất vả bên dòng Cửu Long cũng chẳng vun trồng cho mối tình huyền ảo, éo le, day dứt đến những ngày cuối cùng của cuộc đời bà.

Mầu xanh của lá lục bình mùa nước nổi, những giọt nước mắt chảy ngược vào tim của cô thiếu nữ Pháp trong 'L'Amant' (Người tình) đã làm rung động trái tim hàng triệu bạn đọc không chỉ ở Pháp mà cả thế giới.

'Người tình' đã vượt trên con số 2,5 triệu ấn phẩm, nhận được giải thưởng cao quý Goncourt, đưa tên tuổi Marguerite Duras lên tầm quốc tế.

Tôi đọc tác phẩm 'L'Amant' bằng tiếng Pháp và nhận thấy rằng bộ phim được đạo diễn Jean-Jacques Annaud chuyển thể lên màn ảnh mới chỉ diễn tả được khoảng 50-60% những dòng chữ nóng hổi nước mắt, tinh tế và đầy ắp tình người của người nữ sĩ.

Câu chuyện Marguerite Duras viết ra hoàn toàn dựa trên việc thật, người thật.

Tại Paris, tôi tìm ra một mối liên kết đằm thắm với nữ văn hào Pháp.

Tình cờ, một lần đến chơi nhà chị Loan de Fontbrune, tôi chợt nhận ra trên một chiếc bàn nhỏ để một bức ảnh chụp đen trắng hai người thiếu nữ.

Đọc nhiều tài liệu về Marguerite Duras, xem nhiều ảnh về bà, nên tôi ngờ ngợ không biết người phụ nữ Pháp trong đó có phải là tác giả tiểu thuyết 'Người tình' hay không?

Kết quả tôi được nghe câu chuyện này:

 

"Gia đình chị và gia đình Marguerite Duras thân nhau lắm. Ông nội chị ở Sa Đéc. Bà nội chị và ba chị đều là học trò của bà Donnadieu, giáo viên dạy Pháp văn và là mẹ của Marguerite. Bà dạy cho bà nội, sau đó là ba của chị. Bà nội học chung với Marguerite, là bạn cùng lớp với nhau, chơi thân với nhau.

Sau đó bà Donnadieu (mẹ của Marguerite) lên Sài Gòn, mở một trường nội trú. Cha của chị cũng lên Sài Gòn học tiếp ở trường Chasseloup-Laubat và sống trong trường nội trú của bà.

Khi Marguerite trở về Pháp, bà nội mất tin tức, không còn liên lạc, lúc đó cả hai còn trẻ măng.

Vui là sau này, vào năm 1979, gia đình chị hồi hương, gọi là hồi hương vì gia đình đằng nội đều quốc tịch Pháp từ thời thuộc địa. Ông nội của chị lúc đó là chưởng khế ở Sa Đéc nên tính quốc tịch Pháp là đã có từ đời ông nội.

image002.jpg

Bà nội của chị Loan với nữ văn sĩ Pháp Marguerite Duras khi còn học chung một lớp tại Sa Đéc

 

Trở lại Pháp lúc đó có ông nội, bà nội, ba má chị, chị và các em chị.

Bà nội đi chơi ở Paris, khi đi đến khu St. Germain des Prés cứ hay nhìn mặt những bà lớn tuổi, nên chị hỏi, bà nội nhìn cái gì vậy? Bà nội mới đáp, ngày nhỏ bà nội có học với một cô đó, sau đó cô ấy đi Pháp, nên bà nội mất tin, nên có thể bà nội hy vọng bất ngờ gặp lại ở Paris.

Chị hỏi cô bạn của bà tên gì, bà nội nói "cô bạn tên là Marguerite Donnadieu".

Lúc đó chị mới cười, nói, bà nội ơi bà Marguerite Donnadieu bây giờ có tên là Marguerite Duras, là nhà văn mới viết một quyển sách nổi tiếng lắm là tác phẩm 'L'Amant', nói về người tình của Marguerite.

Bà nội mới cười, nói: "Bà nội biết cái người tình đó mà. Ngày trước, ông người tình đó đến trường đều đều, đi xe đến rước Marguerite. Chuyện này có thật."

Sau đó, bà nội mới mua cuốn sách 'L'Amant' về đọc, mà lúc đó bà nội đã 80 mấy tuổi rồi. Bà nội nói: "Woauh, bà nội có biết chuyện đó, nhưng không ngờ Marguerite bạo vậy, thời đó con gái đâu dám đi chơi với con trai."

Chiều lòng bà nội, chị mới đến Edition de Minuit (một trong những nhà xuất bản danh tiếng thành lập năm 1941, có doanh thu đến 15 triệu euros năm 2020), nơi ra sách của Marguerite. Đến đó họ sẵn sàng đưa cho chị địa chỉ, số điện thoại và sách của Marguerite, trong đó có cái hình mà em xem thấy đó.

Trước đó, chị thỉnh thoảng cùng đi với chồng có Galerie tranh gần đó, chị cũng gặp Marguerite Duras tại cà phê Lipp."

Nơi hội ngộ của văn nghệ sĩ, tài tử điện ảnh

Tôi nói sơ vài giòng về cà phê Lipp, để ai qua Paris biết thêm về lịch sử.Lipp ra đời từ năm 1880. Đây là một trong ba quán brasseries nổi tiếng Paris, nơi hội ngộ giới văn nghệ sĩ, tài tử điện ảnh. Quán nổi tiếng với những món ăn đặc sản vùng Alsace và không khí nghệ thuật.Những tên tuổi lớn trên văn đàn nước Pháp như Verlaine, Apollinaire, Jacques Laurent, Jean Dutourd, diễn viên điện ảnh Jean Paul Belmondo, Elizabeth Taylor, ca sĩ Claude Nougaro, các tổng thống François Mitterrand, Bill Clinton đều đã là thực khách của brasserie Lipp.Lipp cũng là nơi trao giải thưởng văn học Prix Cazes, một giải thưởng trị giá 4.000 euro và 20 suất ăn miễn phí tại nhà hàng dành cho việc khuyến khích các tài năng dưới 40 tuổi. Bộ phim Tanguy (2001) hiện tại đã trở thành thành ngữ chỉ hiện tượng con cái lớn vẫn sống bám vào bố mẹ cũng đã thực hiện một số cảnh quay tại đây.

Quay lại với câu chuyện của chị Loan:

"Một lần nhìn thấy Marguerite Duras, chị đến gặp và tự giới thiệu chị là cháu của bà nội, nói bà nội có muốn gặp. Marguerite Duras cũng rất mong muốn gặp lại bà nội chị. Thế là hai bà gặp nhau, ngồi nói chuyện vui lắm. Nhà của bà Marguerite Duras ở rue Saint Benoit gần cà phê Flore. "

Ngôi nhà số 5 rue Saint Benoit quận 6 Paris hiện còn gắn hai tấm biển bằng đá cẩm thạch ghi tên hai vĩ nhân của văn đàn Pháp đều đã sống ở đây là nhà thơ Léo Larguir và Marguerite Duras."Theo như bà nội nói, thì ông người tình của Marguerite Duras cũng là bà con trong gia đình của chị. Sau năm 1975, một phần di tản ra nước ngoài, những người ở lại Việt Nam thì cũng sa sút, cũng không khá giả gì, ba má chị cũng có gửi tiền giúp đỡ."

image003.jpg

Chị Loan trong khi là nữ sinh trường Marie Curie năm 1977 tại Sài Gòn

 

- Chị đã xem phim 'L'Amant'? Chị có cảm tưởng gì?

- Chị có đóng một vai phụ trong đó. Vì khi đạo diễn tìm những diễn viên phụ, chị nhận một vai vì cũng muốn đánh mắt, đá lông nheo với bà nội và chị cũng thích Marguerite Duras, mê các tác phẩm của bà."

Một chuyện trái khoáy xảy ra với bộ phim 'Người tình'. Lẽ ra Marguerite sẽ cùng quay phim với đạo diễn Jean-Jacques Annaud.Song một cơn bệnh đã quật ngã bà, bắt Duras nằm liệt giường mấy tháng liền. Công việc viết kịch bản (scénario) của Duras được ủy thác hoàn toàn cho Jean-Jacques Annaud và cộng sự quen thuộc của ông là Gérard Drach. Vì vậy bà được bồi hoàn thêm 1 triệu francs. Dùng số tiền này bà mua một căn hộ ở rue de Rennes.Trước đó Marguerite Duras đã bán bản quyền chuyển thể tiểu thuyết 'L'Amant' cho nhà sản xuất phim Claude Berri cũng với giá 1 triệu francs, đồng thời nhận được thêm 10% trên doanh thu tính theo số vé bán được là 3.500.000 lượt người xem tại Pháp.Sau khi bộ phim ra mắt, Marguerite Duras tỏ ra không hoàn toàn hài lòng, bà nói đạo diễn đã làm sai lạc nhiều ý tưởng cuốn tiểu thuyết của bà.Không có cơn bệnh cản trở công việc, hình hài bộ phim hợp tác giữa ba nước Pháp-Anh-Việt với ngân khoản đầu tư lên đến 120 triệu francs cho phim 'Người tình' sẽ khác đi nhiều?Theo tôi, Marguerite Duras đã rơi xuống tận cùng vực sâu của nỗi buồn, là người đủ tài tinh tế chuyển thể sang ngôn ngữ điện ảnh. Vì nó thấm vào máu mảnh đời thật của bà, như hồn thơ "Tình cũ ai oán hay giăng mắc, ai biết nợ ai một cuộc đời?" đeo níu, không gỡ được khỏi bước chân Duras.Song so bì với Marguerite Duras, người không có ngày được hưởng cây tình yêu trổ bông, thì chúng ta đã là may lắm được xem một bộ phim thú vị như thế?

Thành đạt tại Pháp

Đằng sau vóc dáng mảnh dẻ, đôi mắt sáng, dịu dàng cùng sự khiêm tốn của chị Loan là một kiến thức đồ sộ về mỹ học, những hiểu biết sâu sắc hiếm có về tranh tượng về hội họa, mỹ thuật, gốm, sứ và cổ vật Việt Nam.

Chị Loan nhận được chức danh "Thành viên" của Viện Hàn Lâm Hải Ngoại Pháp, một vị trí sánh với những tên tuổi có những đóng góp về nghiên cứu, văn học, khảo cổ, nghệ thuật như: vua Bảo Đại (1913-1997), vua Albert 1er de Belgique (1875-1934), Tổng thống Pháp Gaston Doumergue (1863-1937), Paul Doumer (1857-1932) cũng là tổng thống Pháp mà tên ông được đặt cho cầu Long Biên.Chị trở thành người quảng bá cho nền văn hóa Việt Nam tại Pháp, đưa những kiến thức về nền hội họa, điêu khắc, gốm sứ và nét đẹp của cổ vật Việt Nam ra thế giới.Điểm tên những công trình nghiên cứu chị viết ra cũng đủ cho chúng ta một khái quát bao la về những đóng góp của chị Loan cho việc tìm hiểu những giá trị Việt Nam.Đó là những trang viết có sức thuyết phục lớn:"Việt Nam-Nghệ thuật và văn hóa từ tiền sử đến nay", "Bốn thế kỷ quan hệ Pháp -Việt, Trường phái nghệ thuật Đông Dương", "Ảnh hưởng của các nghệ sĩ Pháp tới Việt Nam", "Victor Tardieu và các học trò của ông, từ sông Hồng đến Cửu Long", "Đồ sứ men lam Huế từ đầu thế kỷ 18 đến thế kỷ 19", " Lăng tẩm Huế", "Những nhiếp ảnh gia Pháp đầu tiên ở Việt Nam"…

Hoa hậu Châu Á đầu tiên tại Paris từ chối làm ngôi sao điện ảnh

Một cô gái sắc đẹp mặn mà, nói trôi chảy bốn ngoại ngữ, tiếng Anh, Nhật, Hoa, Pháp được nền điện ảnh đứng thứ ba thế giới quyến rũ mời đóng phim, thì chúng ta sẽ tiên đoán ra sao về con đường đi tìm sự nghiệp của thiếu nữ đó?Tôi chắc chắn 100% người được hỏi sẽ trả lời sai về quyết định cô gái Pháp gốc Việt, người đã từng đội lên mái tóc đen óng ả chiếc vương miện của kỳ thi hoa hậu châu Á của Paris.

Đó cũng là một phần số phận kỳ lạ của chị Loan.Do bạn bè thúc giục, chị đăng ký kỳ thi hoa hậu châu Á lần đầu tiên tổ chức tại Paris."Chị thi và chị được đậu. Sau đó họ cho vé chị qua Hong Kong. Qua đó tivi Hong Kong phỏng vấn. Lúc đó chị nói tiếng Hoa ro ro, nói trên truyền hình bằng tiếng Hoa vì chị học tiếng đó mà. Sau ngày hôm sau, cả Hong Kong đều xem tivi hết, vì tò mò xem hoa hậu từ Paris qua mà.Họ có giới thiệu đóng phim, họ nói, cô ở lại Hong Kong đi để đóng phim. Cô đóng phim sẽ trở nên rất nổi tiếng vì cô đẹp lắm, này kia. Chị nói, cám ơn, nói tôi còn phải trở lại Pháp vì tôi còn học đại học, lấy bằng cấp. Ra đến phi trường họ còn xin chữ ký.Nếu lúc bấy giờ chị nhận lời đóng phim thì chắc bây giờ cũng nổi tiếng lắm." (cười)

- Thế chị có tiếc không?

- Không, không tiếc.

image004.jpg

NGUỒN HÌNH ẢNH,LOAN DE FONTBRUNE

Bìa một cuốn sách nghệ thuật Việt Nam tại Pháp có đóng góp của chị Loan de Fontbrune

Chị trả lời tôi với một nụ cười hồn hậu.

- Không, không bao giờ tiếc. Tức cười luôn.

Có thể chúng ta đã may mắn có được lời chối từ ánh đèn sân khấu của chị, để hôm nay có một người trí thức gốc Việt làm rạng danh văn hóa Việt Nam ở thủ đô nước Pháp?

Chị Loan nói với tôi: "Chị hãnh diện giúp cho thế giới biết thêm về mỹ thuật Việt Nam." Giữa hai mảnh đời của nữ văn sĩ Pháp Marguerite Duras và chị Loan có những đan chéo và những mảng màu ấn tượng. Marguerite Duras đánh mất mối tình đầu, đánh mất mảnh đất sinh thành, gặp lại nước Pháp, để rồi nhung nhớ về tuổi thơ ở Việt Nam. Đông Dương trong tâm khảm Duras là giọt mật ong sắc vàng óng ả cho sáng tác của bà. Loan de Fontbrune cũng bị tách ra khỏi cội rễ, để lại phía sau những kỷ niệm yêu thương không dễ xóa nhòa, làm lại cuộc đời từ hai bàn tay trắng trên đất Pháp.

Những cá nhân như Marguerite Duras, hay chị Loan đã tìm thấy những giá trị đích thực của họ dù mang trong tâm khảm những vết thương, theo tôi không bao giờ lành.

Việc phải chia tay với mảnh đất sinh thành, cũng như đổ vỡ trong tình yêu không có lý giải nào là dứt khoát và không bác bỏ được.

"Trăm năm xe sợi chỉ hồng

"Buộc người tài sắc vào trong khuôn trời " (ca dao)

Song lạc lõng trên mảnh đất xa lạ, mà tự mình tìm được một chỗ đứng nhỏ nhoi dưới ánh nắng mặt trời, ở đâu cũng không dễ chút nào?

 

Bài thể hiện quan điểm riêng của ông Phạm Cao Phong, hiện sống tại Paris, Pháp.


Anh Thư chuyển