Mar 31, 2023

LÀM SAO GIỮ LẠI ...





 Làm sao giữ lại

Lê Như Mai

Ta quen nhau đã bao lâu rồi, hỡi bạn thân yêu?  

Có phải từ thuở mười một, mười hai, áo đầm trắng, tóc bum bê, tuy rụt rè nhưng không dấu được nét tự hào ngày đầu tiên bước qua khung cửa gỗ nâu của ngôi trường yêu dấu năm đệ thất?  Có phải từ những buổi chân bước đến trường, vô tư như chim sáo, chia cho nhau miếng bánh đậu xanh nho nhỏ hay gói ô mai me cam thảo?  Có phải từ những giờ ra chơi tranh nhau nhặt cánh hoa sao rơi rụng đầy sân trường rồi thẩy tung lên trời, cười dòn tan khi hoa xoay tròn trong gió?  

Theo giòng thời gian, ta đã lớn lên bên nhau.  Tóc xoã ngang lưng.  Áo dài trắng nhẹ nhàng bay trong nắng, tựa như một đàn bướm trên con đường đổ dốc Nguyễn Bỉnh Khiêm ngày hai buổi đi về.  Khi hớn hở chìa cho nhau xem bài luận văn được điểm cao trong kỳ thi lục cá nguyệt.  Lúc chia sẻ nỗi lo âu vì chẳng thể giải được bài toán khó trong giờ học vừa qua.  Có hôm lại thẹn thùng dấu mặt, luống cuống bước chân khi thoáng thấy một bóng dáng thân quen trước cổng trường giờ tan học.

Dịu dàng áo trắng trong như suối

Toả phất đôi hồn cánh mộng bay.

(Áo trắng, Huy Cận)

Mười tám tuổi, tâm hồn ướp đầy thơ và mộng, trái tim ngập tràn nhiệt huyết, ta ngậm ngùi tạm biệt ngôi trường thân yêu năm 70.  Với mảnh bằng Tú Tài II trong tay, ta tung cánh bay đi khắp bốn phương trời, đem theo biết bao nhiêu hoài bão, ước mơ.  Đứa vào đại học.  Đứa du học phương xa.  Đứa vào đời lo sinh kế.  Đứa lên xe hoa về nhà chồng.  Dẫu vậy, thỉnh thoảng ta vẫn hẹn hò nhau đây đó.  Cùng ngắm nhìn cỏ cây hoa lá một sáng đẹp trời ở khu vườn Dược thảo trong Sở Thú.  Hay cùng nhau thơ thẩn quanh hồ con rùa góc đường Duy Tân buổi chiều cuối tuần.  Những ngày giáp Tết lại khúc khích nói cười cùng nhau dạo phố Sài gòn.  Những buổi tối rủ nhau đạp xe thật chậm trên con đường Tú Xương để ngất ngây với hương ngọc lan thuần khiết và ước ao cho đêm dài vô tận.  Và cũng thật bất ngờ, một buổi sáng năm 73 hai người bạn chung lớp năm xưa từ Úc bay về, không một lời báo trước, chạy thẳng vào sân trường Đại học Sư Phạm Sài gòn tìm nhau, mừng mừng, tủi tủi…



Những tưởng cuộc đời cứ thế mà êm đềm trôi qua, không ngờ đến tháng 4 năm 75 vận nước đổi thay, chúng ta đã tan tác, mỗi đứa một nơi, lạc nhau suốt một thời gian dài.  Nhưng cuối cùng định mệnh đã run rủi cho ta gặp lại nhau, đôi khi thật tình cờ, phải không bạn thân yêu?

Còn nhớ một buổi sáng năm 78, giữa phố chợ Rạch giá đông đúc, giật mình khi nghe tiếng gọi, “ Như Mai ơi, còn nhớ tao không?”  Ngẩn người một hồi lâu mới nhận ra Thuý Lan, cô bạn hiền hậu, dễ thương với nụ cười tươi vui, đằm thắm luôn nở trên môi.  Bạn vừa chuyển xuống làm việc trong bệnh viện thị xã.  Thật chẳng thể nào ngờ có một ngày hai đứa gặp lại nhau ở cái tỉnh tận cùng của miền Nam này!  Xúc động biết bao!  Kín đáo hỏi thăm bạn bè mình ai đã đi xa, ai còn ở lại.  Than thở cùng nhau những chuyện cười ra nước mắt giữa buổi giao thời nhiễu nhương, phức tạp.  

Còn nhớ không Thuý Lan, một buổi tối trong căn nhà nhỏ của vợ chồng mình tại cư xá giáo viên, bạn đã rưng rưng nước mắt, cầm cây vàng cuối cùng còn sót lại của gia đình sau bao chuyến vượt biên thất bại, trao cho người tổ chức, đặt cọc cho chuyến đi sắp tới.  Không ngờ lần đó bạn lại bị lừa, vàng mất mà chẳng đi được tới đâu.  Nhưng bạn không bỏ cuộc, nhất quyết tìm đường dây khác để ra đi. Và chỉ ít lâu sau, Thuý Lan cùng vài đồng nghiệp đã vượt biên trót lọt.  Để hơn bốn mươi năm sau, mình lại được tái ngộ giữa hai hàng hoa phượng tím một buổi trưa nắng ấm của miền nam Cali, phải không Thuý Lan? 




Bạn thân yêu ơi, 

Có phải cuộc đời vốn dĩ vô thường, nay còn, mai mất, hợp rồi sẽ tan?  Nếu Hàn Mạc Tử một lần tình cờ trông thấy các cô thôn nữ vô tư cất tiếng hát trên đồi chè đã ngậm ngùi thốt lên, “Ngày mai trong đám xuân xanh ấy, Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi” thì nhóm Trưng Vương  63-70 chúng ta cũng có một số bạn không những đã bỏ cuộc chơi mà còn đi xa, thật xa, chẳng bao giờ quay trở lại.  

Xin được thắp nén tâm hương tưởng nhớ các bạn: Bùi Trân Thuý, Mai Thị Minh, Buì Xuân Diễm, Trịnh Thị Cúc Phương, Phạm Như Mai, Lê Thị Minh Nguyệt, Phạm Thị Thoa, Nguyễn Phương Thảo, Đặng Thị Liễu, Maria Juliette  Đào Thị Phương Dung, Anna Trần Thị Ngà, Hồ Thị Ngọc Tiếu, Lê Thị Thu Hương, Nguyễn Thị Kiều Mai, Nguyễn Thị Phương Quỳ, Phạm Thị Thái Thanh, Maria Trần Thu Vân, Nguyễn Minh Hằng, Cẩm Xoàn cùng những bạn đã âm thầm ra đi không một lời từ biệt.  

Và đau buồn hơn nữa, những ngày cuối năm 2022 Thuý Lan cũng đã vĩnh viễn ra đi sau mấy tháng chống chọi với căn bệnh ung thư ác nghiệt.  Còn nhớ trước đó không lâu, nghe phong phanh tin Thuý Lan mắc bệnh hiểm nghèo, tôi đã tức tốc gọi điện thoại sang Cali thăm bạn.  Vừa nghe được tiếng nhau, chưa kịp hỏi han gì, cả hai chúng tôi đều đã bật khóc trên phone.. 

Làm sao giữ lại điều không thể…

Cát biển tuôn dần qua kẽ tay.

Làm sao miên viễn …đời dâu bể

Bão gió trên ngàn thôi cuốn mây!

(Làm sao giữ lại, Thích Tánh Tuệ)

Bạn thân yêu ơi,

Những ngày cuối năm, qua mạng lưới xã hội, thiệp chúc mừng năm mới từ khắp nơi đã bay đến như bươm bướm, trong đó có một tấm thiệp với lời chúc khá đặc biệt:

On change d’année,

on change de rêves,

on change de résolutions,

on change de directions

mais on ne change pas d’amis:

Je te garde pour 2023!

Xin chia sẻ bài thơ dễ thương này với bạn thay cho lời kết, và xin kèm thêm một ý nhỏ, thật nhỏ của người viết,

Je pense à toi dans ma prière

pour toujours!

Vâng, sẽ nhớ đến bạn thân yêu trong lời nguyện cầu của tôi.  Mãi mãi.

Lê Như Mai

TV 63-70

Montreal, 1/2023

Mar 26, 2023

Chia Buồn cùng bạn Anh Thư và gia đình

Được tin trễ thân mẫu của bạn  Doãn Anh Thư (AP1),



Cụ Mẹ Trần Thị Hưng,
pháp danh Diệu Nam

đã tạ thế ngày mùng 10 tháng 3, năm 2023, 

hưởng Đại thọ 100 tuổi.




Các bạn đồng niên cùng ĐSTV 6370 xin thành kính chia buồn cùng ANH THƯ và tang quyến. Nguyện xin cho hương linh Bác được an nghỉ nơi miền cực lạc.


THÀNH KÍNH PHÂN ƯU

Mar 23, 2023

MỘT MÙA LỄ HỘI TRƯNG VƯƠNG ĐÁNG NHỚ

 Một mùa Lễ Hội Trưng Vương đáng nhớ.💖💖

TỐNG HỒ DIỆU HIỀN 



Sau một thời gian dài chuẩn bị, Lễ Hội tưởng nhớ Hai Bà Trưng được tổ chức long trọng chính ngôi trường mang tên hai Bà : TRƯNG VƯƠNG. tại Saigon. 

Trân trọng những đóng góp thầm lặng của Ban Tổ Chức , Các TV các khoá cho Lễ Hội lần thứ 106 được thành công tốt đẹp ❤️❤️❤️

Ngày xưa trường trung học dành cho nữ chỉ đếm trên đầu ngón tay, gồm Gia Long, Trưng Vương, Lê văn Duyệt. Sau đó là Sương Nguyệt Anh. Vì trường toàn con gái nên tính cách chúng tôi nhu mì, yểu điệu thục nữ…nhưng khoan,hãy lắng nghe tôi nói tiếp “ nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò. Mà học trò gái như chúng tui thì nghịch ngầm, nghịch nổi gì có hết . Vì trường sát bên Sở thú. Chúng tui bị mang tiếng oan chắc cúp cua, leo rào, chui rào sang bên ấy nghía cọp, beo, sư tử. Không hề! Làm gì có chuyện ấy các bạn nhẩy! Chỉ khi nào thầy cô cáo ốm bất ưng, chúng tui yêu mến thầy cô đến độ mừng rỡ, reo hò ầm ĩ và hóng tin ngày hôm sau có được nghỉ tiếp không!

Tới chừng hết ốm, thầy cô vào lớp lại. Chúng tui gào lên : Thầy ạ, cô ạ, đã khỏe chưa ạ. Chúng em mong thầy, cô từng giờ, từng phút. Điêu thế đấy !😄😘

Khác với Gia Long, trường tui mấy chị nhí bước vào trường được mặc đầm trắng vì lúc ấy “ trước sau như một “ he he cái này mấy chị hiểu liền. Có em kéo đặc quyền này tới đệ tứ. Bằng chứng vẫn còn hình Dang Minh Chau mặc đầm trắng rất dễ thương. 

Ngoài các môn chính, chúng tui được học nhạc 🎵 mà vào dịp Noel cô dạy hát bài “ Sainte nuit, Douce nuit “ nên mỗi năm vào dịp ấy lại nghe bài hát này. Rồi học vẽ, nên đôi lúc cũng có hoa tay hoa chân. Rồi học may vá với cô Trinh, cô lớn tuổi luôn nói năng nhẹ nhàng với chúng tui. Có một lần, học giờ nữ công, khi cầm kim, tui lúng túng đưa mũi nhọn vô tay cô. Úi trời, tưởng cô mắng một trận te tua. Nhưng không, cô nhẹ nhàng bảo “ khi đưa kim cho ai phải đưa ngược nơi kim xỏ chỉ nhé, đưa dao cũng vậy nhé “. Đôi khi,  những lời dạy bảo nhẹ nhàng lại thấm và theo ta suốt cuộc đời, để ta đối xử với người khác mà luôn mang phần thua thiệt, dù cho đau đớn về phía mình trước. 

Ngày trọng đại, con cháu Hai Bà nhiều thế hệ, tề tựu đông đủ, về nơi trường xưa nơi chúng tôi vẫn hãnh diện còn mang phù hiệu TRƯNG VƯƠNG trên ngực áo dài. Đặc biệt, vào mỗi thứ hai đầu tuần chúng tôi mặc áo dài màu xanh lam chào cờ, và chúng tôi duy trì màu xanh yêu thương ấy không những ở VN mà màu xanh ấy lan toả ở Hải ngoại nơi các TV hãnh diện vào dịp Đại hội Hai bà.

Hậu duệ ngày nay của hai Bà toả đi khắp bốn phương trời, Nước Pháp, Úc Đại Lợi, Canada, Hoa Kỳ. Nam và Bắc California là nhiều nhất. Dù ở bất cứ nơi nào, cứ đến ngày vía Nhị vị Trưng Vương, các chị, các em TV đều một lòng hướng về ngày trọng đại ấy. 

Có một niềm vui là bạn Nhu Mai Le cùng khoá chúng tôi, đã tham gia viết bài trong đặc san Trưng Vương kỷ niệm lần thứ 106. Xa thế mà bạn đã có trong tay và còn đọc vanh vách “ Bài LÀM SAO GIỮ LẠI…,trang 12 Diệu Hiền ơi “, kèm theo các bức tranh của bạn Liên Hương. Oách nha bạn mình👍👏. Và rất nhiều bài thật sâu sắc của quý chị Hải ngoại.

Hai năm sóng gió vì dịch cúm trôi qua, CẢ thế giới bình yên trở lại và lòng người Trưng Vương như mở hội khi sum vầy cùng nhau dự Lễ Hai Bà trên chính quê hương mình và ngay trong ngôi trường thương yêu của chúng ta.

Thdh

Sun19/03/2023











Thật ngẫu nhiên được tiếp đón em TUL Thao Nguyen trở về trường xưa


Dàn nữ tướng oai phong lẫm liệt
Dàn bạn xưa vẫn còn xinh đẹp 😍 trẻ trung yêu đời








Mar 20, 2023

NHỚ HOÀI CON ĐƯỜNG CŨ

 NHỚ HOÀI CON ĐƯỜNG CŨ








……..”Hỡi người tình Văn Khoa

Bóng người trên hè phố

Lá đổ để đưa đường

Cho người tình Trưng Vương……”

Gần như năm nào có Đại Hội Trưng Vương tôi đều tham dự. Cách mấy năm trước vì mùa dịch COVID-19 nên trường tạm hoãn. Năm nay đi trên con đường trở về trường cũ, một cảm xúc thân yêu chợt tràn về. Con đường này năm xưa tụi mình tan trường về như bầy bướm trắng bay chập chờn trong nắng, trong gió. Hồi đó còn trẻ quá, chỉ có ráng lo học và nghịch ngợm trêu ghẹo nhau. Bây giờ thì mấy bạn lên chức bà hết rồi …

Tới trước cổng trường thật là tấp nập, đủ thời trang bốn mùa là đây. Chủ yếu là áo dài truyền thống màu xanh đậm, còn lại áo dài cách tân, quần tây áo sơ mi, áo đầm. Mấy bạn không mặc áo dài được vì vòng số 2…..Tôi cũng hiểu mặc áo dài cổ điển chi chít nút bấm, cái quần thì dài phủ gót. Đi đứng lơ mơ dễ ngã như chơi. Có lẽ vài năm sau mình cũng phải mặc áo dài cách tân, mình vải thun, chỉ tròng vô đầu là xong, khỏe re.

Các bạn chụp hình ở cổng trường thật náo nhiệt: chụp đơn, chụp đôi, chụp tập thể, kiểu gì cũng có. Cái hay của thời đại @ 4.0 là đây. Ai cũng cầm cái di động quơ qua quơ lại , một hồi cả đồng hình luôn. Ai cũng là photographer hết. Giới trẻ bây giờ tụi nó hơn tụi mình xa lắc xa lơ. Thời của tụi mình cái máy chụp hình mắc tiền, mà không dễ sử dụng, còn phải tráng phim, rửa hình. Bởi vậy tìm được tấm hình đen trắng hồi xưa mới thấy quí giá. Nhưng những người quanh tôi khi nghe tôi nói về những người bạn hồi học trung học cách hơn 50 năm về trước. Họ đều sửng sốt vì sao chúng ta có thể “kết dính” bao nhiêu năm như vậy? Tại sao chúng ta vẫn giữ liên lạc được, đó là điều ai cũng thắc mắc.

Phần văn nghệ của trường thật tiếc tôi không quay video để giữ lại. Tôi cho rằng ca nhạc, vũ điệu của các bạn rất hay, gần như là chuyên nghiệp. Có lẽ vì vậy mà chúng mình TV6370 không ai dám ra mặt hát hò gì hết vì sợ bị chê dở. Thôi làm khán giả xem là có niềm vui rồi. Có một cháu trai rất trẻ ( tên Hoài Đức?....) hát bài “Con đường tình ta đi”. Giọng hát hay tuyệt vời làm tôi cảm hứng lấy lời hát “lót” cho bài viết này. Có một cô hát bài Ô Mê Ly, nghe mê ly lắm vì cô cũng có vẻ hơi lớn tuổi, nhưng đẹp và làn hơi khỏe khoắn, tràn đầy năng lượng. Tôi không biết cô này là cựu nữ sinh hay khách mời?

Tham dự Đại Hội năm 2023 lần này, ban Pháp văn có mấy bạn: Diệu Hiền, Ngô Bảo Châu, Ngô Bảo Trâm, Cúc, Bình, Nhạn, Anh Tú, Thanh mặt trời, Dung nha sĩ. Ban Anh Văn có Kim Thanh, Loan, Tâm mini, Ngọc Lan, Thành Oanh, Liên Đoàn, Thanh gầy.

Năm tới sẽ có Đại Hội Trưng Vương nữa, hy vọng là thế. Mong các bạn chúng mình có mặt đông đủ nhe.

Mỗi năm có dịp đi lại con đường dẫn đến mái trường thân yêu thật bồi hồi cảm xúc. Con đường đưa ta về kỷ niệm hồi thời xa xưa. Xa lắm rồi tôi vẫn nhớ hoài con đường cũ…..

Ngô Oanh







Mar 19, 2023

LỄ HỘI TRƯNG VƯƠNG 105 NĂM TẠI SAIGON

 Lễ hội Trưng Vương 105 năm.

Các em Vịt TV ơi ! Vào xem lễ hội Trưng Vương 105 năm tại Saigon nè .

Có em TUL và các bạn TV6370 Anh Văn và Pháp Văn  tham dự .

Sân khấu có cái background cổng trường TV gỗ nâu ngày xưa đẹp quá ❤ ❤ ❤. 

Xem hình cổng trường  mà nhớ quá một thời TV ngày cũ ! 

Áo trắng ngày xưa dáng thơ ngây 

Trưng Vương một thuở mộng vơi đầy 

Hàng me xanh lá rơi trên tóc

Nắng đùa trên vạt áo trắng bay . 🥰🥰 ❤

Cám ơn Kim Thanh và Diệu Hiền đã gửi hình ảnh , để PHà chia sẻ với các bạn . 








Lớp 1AP1 và AP2



Các bạn ban Anh Văn








Đặc San Mê Linh 2023, hình bìa nét vẽ và trình bày giống hệt như ĐS Mê Linh những năm 1970, thật dễ thương.































NHẠC SĨ LƯU HỮU PHƯỚC TÁC GIẢ HAI BÀI HÁT ĐƯỢC HAI CHÍNH THỂ ĐỐI NGHỊCH CHỌN LÀM QUỐC CA.

 NHẠC SĨ LƯU HỮU PHƯỚC TÁC GIẢ HAI BÀI HÁT ĐƯỢC HAI CHÍNH THỂ ĐỐI NGHỊCH CHỌN LÀM QUỐC CA.


Hiếm có trường hợp nào như thế. 

"Giải phóng miền Nam" được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (bút danh Huỳnh Minh Siêng) sáng tác vào năm 1961, là bài hát chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (1961-1976), và là quốc ca của Nhà nước Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (1975-1976)

Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời năm 1960 đặt ra nhu cầu tự nhiên về một bài ca chính thức dành cho Mặt trận.  Các ông Mai Văn Bộ và Huỳnh Văn Tiểng phác thảo ca từ của bài hát còn ông Lưu Hữu Phước được phân công viết phần nhạc. Bộ ba Huỳnh - Mai - Lưu trong vòng một tuần đã hoàn tất ca khúc Giải phóng miền Nam.

Một điều kỳ lạ là phía bên kia chiến tuyến lại chọn một bài hát khác của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sáng tác năm 1939 là bài Thanh niên hành khúc làm quốc ca.

Bài hát này được sử dụng một cách bất hợp pháp (không có sự đồng ý của tác giả), sửa đổi một chút lời để thành bài "Tiếng gọi công dân" - quốc ca của Quốc gia Việt Nam rồi Việt Nam Cộng hòa từ 1949 đến 1975.

Điều thú vị là ông Mai Văn Bộ là người tham gia viết phần lời cho cả hai bài hát Giải phóng miền Nam và Thanh niên hành khúc.

Một trùng hợp nữa là năm 1980 Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam chủ trương cuộc thi sáng tác quốc ca mới thay cho bài Tiến Quân ca của nhạc sĩ Văn Cao sáng tác tháng 12 năm 1944 thì chính quyền ông Ngô Đình Diệm năm 1956 cũng tổ chức thi chọn quốc ca mới thay cho bài Tiếng gọi thanh niên của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Cả hai cuộc thi đều không chọn ra được bài nào hay hơn để thay thế.

ĐỌC THÊM VỀ BÀI HÁT TIẾNG GỌI THANH NIÊN

Ban đầu bài này có tên là "La Marche des Étudiants" ra đời cuối năm 1939, do Lưu Hữu Phước sáng tác nhạc, Mai Văn Bộ đặt lời tiếng Pháp để làm bài hát chính thức của Câu lạc bộ Học sinh (Scholar Club) trường trung học Petrus Ký. Bài hát nhanh chóng trở thành bài hát chính thức của học sinh miền Nam thời bấy giờ. Năm 1941, Tổng hội Sinh viên Đông Dương đã chọn bài hát này làm bài hát chính thức và Lưu Hữu Phước đã viết lại lời tiếng Việt với tên gọi "Tiếng gọi thanh niên", chia thành 3 phần.
Lời 1 do Mai Văn Bộ và Lưu Hữu Phước soạn năm 1941, trước năm 1945 chỉ hát bí mật.
Lời 2 là "Tiếng gọi sinh viên" do Lê Khắc Thiều và Đặng Ngọc Tốt soạn cuối năm 1941, xuất bản năm 1943 rồi bị cấm.
Lời 3 do Hoàng Mai Lưu soạn tháng 4 năm 1945, xuất bản trong những ngày tiền khởi nghĩa tháng 8-1945.

Năm 1945, tổ chức Thanh niên Tiền phong được thành lập, lấy hiệu kỳ là Cờ vàng sao đỏ. Bài hát cũng được thay đổi một chút và trở thành bài hát chính thức của tổ chức Thanh niên Tiền phong với tên gọi "Tiếng gọi thanh niên" hay "Thanh niên hành khúc".

Năm 1948, chính phủ của Nguyễn Văn Xuân đã chọn bài "Tiếng gọi thanh niên" làm quốc ca với tên mới là "Tiếng gọi công dân" hay "Công dân hành khúc". Năm 1956, sau khi Việt Nam Cộng hòa thành lập, Đài Phát thanh Sài Gòn đã tự ý lấy bài hát, sửa chữa một vài đoạn để làm thành bản quốc ca của Việt Nam Cộng hòa với tên gọi là TIẾNG GỌI CÔNG DÂN.

Ngay từ năm 1949, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã có văn bản kịch liệt phản đối việc tác phẩm bị sử dụng trái phép, và sau này, trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam nhiều lần ông nhắc lại sự phản đối đó nhưng bài "Tiếng gọi thanh niên" của ông vẫn bị Việt Nam Cộng hòa sử dụng.

Cho đến nay những người chống cộng ở Hải ngoại vẫn hát “quốc ca nước Việt Nam tự do” - bài hát của một nhạc sĩ cộng sản.

Sau năm 1975, bản gốc của bài hát được chính thức lưu hành tại nước Việt Nam dưới tên "Tiếng gọi thanh niên”

LỜI BÀI HÁT

La Marche des Étudiants – SINH VIÊN HÀNH KHÚC (1939)
(TIếng Pháp)
Étudiants ! Du sol l'appel tenace
Pressant et fort, retentit dans l'espace.
Des côtes d'Annam aux ruines d'Angkor,
À travers les monts, du sud jusqu'au nord,
Une voix monte ravie:
Servir la chère Patrie !
Toujours sans reproche et sans peur
Pour rendre l'avenir meilleur.
La joie, la ferveur, la jeunesse
Sont pleines de fermes promesses.
Điệp khúc.
Te servir, chère Indochine,
Avec cœur et discipline,
C'est notre but, c'est notre loi
Et rien n'ébranle notre foi!

TIẾNG GỌI THANH NIÊN (1941)

Lời 1.
Này anh em ơi! Tiến lên đến ngày giải phóng.
Đồng lòng cùng nhau ta đi sá gì thân sống.
Cùng nhau ta tuốt gươm, cùng nhau ta đứng lên.
Thù kia chưa trả xong thì ta luôn cố bền.
Lầm than bao năm ta đau khổ biết mấy.
Vàng đá gấm vóc, loài muông thú cướp lấy.
Loài nó chúng lấy máu đào chúng ta.
Làm ta gian nan, cửa nhà tan rã.
Bầu máu, nhắt tời đó, càng thêm nóng sôi. Ta quyết thề phá tan quân dã man rồi.

Điệp khúc
Vung gươm lên, ta quyết đi tời cùng!
Vung gươm lên, ta thề đem hết lòng.
Tiến lên đồng tiến, sá chi đời sống.
Chớ quên rằng ta là giống Lạc Hồng!

Lời 2.
Này sinh viên ơi! Đứng lên đáp lời sông núi.
Đồng lòng cùng đi đi đi mở đường khai lối.
Kìa non sông nước xưa, truyền muôn năm chớ quên.
Nào anh em Bắc Nam cùng nhau ta kết đoàn.
Hồn thanh xuân như gương trong sáng.
Đừng tiếc máu nóng, tài xin ráng.
Thời khó, thế khó, khó làm yếu ta.
Dù muôn chông gai, vững lòng chi sá.
Đường mới, kíp phóng mắt, nhìn xa bốn phương.
Tung cánh hồn thiếu niên, ai đó can trường.

Điệp khúc
Sinh viên ơi, mau tiến lên dưới cờ.
Anh em ơi, quật cường nay đến giờ.
Tiến lên cùng tiến, gió tung nguồn sống.
Cháy trong lòng ta ngàn mớ lửa hồng.

Lời 3.
Này thanh niên ơi! Tiến lên đến ngày giải phóng.
Đồng lòng cùng đi đi đi sá gì thân sống.
Nhìn non sông nát tan, thù nung tâm chí cao.
Nhìn muôn dân khóc than, hờn sôi trong máu đào.
Liều thân xông pha, ta tranh đấu.
Cờ nghĩa phấp phới, vàng pha máu.
Cùng tiến, quét hết những loài dã man.
Hầu đem quê hương thoát vòng u ám.
Thề quyết, lấy máu nóng mà rửa oán chung.
Muôn thuở vì núi sông nêu tiếng anh hùng.

Điệp khúc
Anh em ơi, mau tiến lên dưới cờ.
Sinh viên ơi, quật cường nay đến giờ.
Tiến lên cùng tiến, gió tung nguồn sống.
Cháy trong lòng ta ngàn mớ lửa hồng

TIẾNG GỌI CÔNG DÂN - Quốc ca Việt Nam Cộng hòa (1956–1975)
Này Công Dân ơi! Quốc gia đến ngày giải phóng.
Đồng lòng cùng đi hi sinh tiếc gì thân sông.
Vì tương lai Quốc Dân, cùng xông pha khói tên,
Làm sao cho núi sông từ nay luôn vững bền.
Dù cho thây phơi trên gươm giáo,
Thù nước, lấy máu đào đem báo.
Nòi giống lúc biến phải cần giải nguy,
Người Công Dân luôn vững bền tâm trí.
Hùng tráng quyết chiến đấu làm cho khắp nơi
Vang tiếng người nước Nam cho đến muôn đời!

Điệp khúc
Công Dân ơi! Mau hiến thân dưới cờ!
Công Dân ơi! Mau làm cho cõi bờ
Thoát cơn tàn phá, vẻ vang nòi giống
Xứng danh nghìn năm dòng giống Lạc Hồng! 

image

H.PHUC

Mar 9, 2023

18 NƠI CỔ XƯA NHỨT SÀI GÒN

 18 NƠI CỔ XƯA NHỨT  SÀI GÒN 


1. Ngôi trường xưa nhứt

Trường Lê Quý Đôn được xây vào năm 1874, hoàn tất năm 1877 do người Pháp quản lý. Lúc đầu trường có tên Collège Indigène (Trung học bản xứ), rồi đổi thành Collège Chasseluop Laubat. Năm 1954, trường mang tên Jean Jacques Rousseau. Năm 1967, trường được trả cho người Việt quản lý mang tên Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn. Từ năm 1975 đến nay đổi tên là trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn. Hơn một thế kỷ qua trường vẫn giữ được kiến trúc ban đầu.

2.Nhà máy điện xưa nhứt

Nhà máy điện Chợ Quán được xây vào năm 1896, máy phát điện chạy bằng hơi nước có 5 lò hơi với 150m2, cung cấp dòng điện 3 pha, công suất chưa tới 120MW [Megawatt]. Máy phát điện chính công suất 1000A/h [A=Ampere hay Amp./h=hour]. Hiện nay, nhà máy đã được trang bị hiện đại với 7 máy phát điện, hòa với lưới điện quốc gia cung ứng phần quan trọng cho lưới điện thành phố. Nhà máy tọa lạc tại số 8 Bến Hàm Tử, quận 5.

3. Nhà thương xưa nhứt

Nhà thương Chợ Quán được xây vào năm 1826 do một số nhà hảo tâm đóng góp, sau đó hiến cho nhà nước. Năm 1954-1957 nhà thương được giao cho Quân đội và đổi tên thành Viện Bài lao Ngô Quyền. Năm 1974, đổi thành Trung tâm Y tế Hàn-Việt với 522 giường. Tháng 9/1975, mang tên Bệnh viện Chợ Quán. Đến ngày 5/9/1989 chuyển thành Trung tâm Bệnh Nhiệt đới. Hiện nay có 610 Cán bộ-Công nhân viên và 550 giường bệnh.

4. Nhà hát xưa nhứt

Nhà hát thành phố do kiến trúc sư người Pháp khởi công và hoàn tất vào ngày 17/1/1900. Các phù điêu bên trong được một họa sĩ tên tuổi ở Pháp vẽ giống như mẫu của các nhà hát ở Pháp cuối thế kỷ XIX. Nhà hát là nơi trình diễn ca nhạc kịch cho Pháp kiều xem. Năm 1956-1975, Nhà hát được dùng làm trụ sở Hạ nghị viện cho các chánh phủ Đệ I & II Việt Nam Cộng Hòa; tháng 5/1975 trở thành Nhà hát thành phố với 750 chỗ ngồi. Kỷ niệm 300 năm Sài Gòn, toàn bộ phần kiến trúc bên ngoài Nhà hát đã được tu sửa lại như lúc nguyên thủy.

5. Khách sạn xưa nhứt

Khách sạn Continental tọa lạc tại 132-134 Đồng Khởi, được xây vào năm 1880 do Kiến trúc sư người Pháp thiết kế, tên khách sạn có ngay từ những ngày đầu. Sau ngày cướp được miền Nam, khách sạn Continental bị Bắc Việt đổi thành Hải Âu. Đến năm 1989, khách sạn được nâng cấp, chỉnh trang và lấy lại tên cũ Continental với diện tích 3430m2, cao 3 tầng, nơi đây đã từng đón tiếp các vị tổng thống, thống đốc, nhà văn, người mẫu nổi tiếng. Ngày nay, khách sạn Continental là một trong những khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế.

6. Nhà thờ xưa nhứt

Nhà thờ Chợ Quán tọa lạc tại số 20 Trần Bình Trọng, P.2, Q.5 được xây vào năm 1674 là nhà thờ cổ nhứt tại Sài Gòn và cổ nhất ở miền Nam. Ngôi thánh đường nằm ở vị trí trung tâm, có kiến trúc kiểu phương Tây, lợp ngói đỏ, có thể chứa khoảng 1000 người. Ngoài việc sinh hoạt tôn giáo, Họ đạo Chợ Quán tích cực tham gia công tác xã hội giúp đỡ người nghèo. Trải qua hơn 3 thế kỷ Nhà thờ Chợ Quán đã được trùng tu nhiều lần. Hiện nay, nơi đây có phòng khám và phát thuốc từ thiện dưới quyền quản lý của Hội Chữ thập đỏ [Hội Hồng Thập Tự] Quận 5.

7. Ngôi đình xưa nhứt

Một trong những ngôi đình cổ nhất của đất Gia Định xưa và xưa nhất Nam Bộ là đình Thông Tây Hội, được xây vào khoảng năm 1679, là chứng tích còn nguyên vẹn nhất của thời kỳ dân Ngũ Quảng kéo vào khai khẩn vùng Gò đất có nhiều cây Vắp (từ đó trở thành tên địa phương là Gò Vấp). Đình lúc đầu là của thôn Hạnh Thông–thôn khởi nguyên của Gò Vấp, sau đổi thành Thông Tây Hội (do sự sáp nhập của thôn Hạnh Thông Tây (thôn Mới) và thôn An Hội). Đình Thông Tây Hội có vị Thành Hoàng rất độc đáo. Hai vị thần thờ ở đình là hai hoàng tử con vua Lý Thái Tổ, do tranh ngôi với thái tử Vũ Đức nên bị đày đi khai hoang ở vùng cực Nam tổ quốc và trở thành “Thủy tổ khai hoang” trong lịch sử Việt Nam; hai vị thần đó là: Đông Chinh Vương và Dục Thánh Vương. Ngôi đình còn giữ được khá nguyên vẹn về quy mô và kiến trúc, kết cấu, với những chạm khắc đặc trưng Nam bộ. Đình Thông Tây Hội thuộc P.11, Gò Vấp.

8. Nhà văn hóa xưa nhứt

Cung Văn hóa Lao Động. Năm 1866, với tên gọi Cèrcle Sportif Saigonnais được xây dựng làm sân thể thao cho các quan chức người Pháp với những hồ bơi, sân quần vợt, phòng đấu kiếm và phòng nhảy đầm. Thời Mỹ, sân chơi được mở rộng hơn phục vụ cho cả giới quý tộc. Tháng 11/1975, Ủy ban Quân quản Sài Gòn–Gia Định trao toàn bộ khu này cho Liên đoàn Lao động Thành phố để biến cải thành khu hoạt động văn hóa thể thao và vui chơi giải trí cho công nhân lao động, lấy tên là Câu lạc bộ Lao Động, sau đổi thành Nhà văn hóa Lao Động, và rồi là Cung Văn hóa Lao Động. Diện tích 2.8ha, với 132 năm hình thành và phát triển, Cung Văn hóa Lao Động là Nhà văn hóa cổ và lớn nhứt của Sài Gòn.

9. Công viên lâu đời nhứt
Thảo Cầm Viên do người Pháp xây vào năm 1864, nhà thực vật học nổi tiếng người Pháp Louis Pierre làm giám đốc đầu tiên. Mục đích xây dựng Thảo Cầm Viên để ươm cây giống trồng dọc các đại lộ Sài Gòn, đồng thời là nơi nuôi & trồng những động & thực vật thuộc miền nhiệt đới mà các Thảo Cầm Viên của Pháp lúc bấy giờ chưa có. Năm 1865, chính phủ Nhật đã hỗ trợ khoảng 900 giống cây quý như: Chizgnamat, Goyamtz, Acamatz, Coramatz, Kayanoki, Kayamaki, Enoki, Maiki, Asoumaro, Sengni, Momi, Cashi, Kiaki, Inoki… Động vật của Thảo Cầm Viên khá phong phú như: gà lôi, sếu, cu gáy, hồng hoàng, công, hưu, nai, cọp, khỉ, chồn hương, tắc kè, rùa, cọp xám, báo đen, gà lôi xanh, chim cú lợn… Đến năm 1989, Thảo Cầm Viên được trùng tu, mở rộng và nhận thêm nhiều giống thú mới, trồng thêm cây quý. Hiện nay, có 600 đầu thú thuộc 120 loài, 1823 cây gỗ thuộc 260 loài và nhiều loại cây kiểng quý trên diện tích 21.352m2. Năm 1990, Thảo Cầm Viên là thành viên chính thức của Hiệp hội các vườn thú Đông Nam Á. Thảo Cầm Viên đã tròn 134 tuổi, số lượng động & thực vật ngày càng tăng, nơi đây đã gắn bó với từng bước đi lên của thành phố và là một trong những công viên khoa học lớn nhứt Đông Dương.

10. Ngôi nhà xưa nhứt
Ngôi nhà có tuổi thọ lâu đời nhất còn hiện diện tại Sài Gòn nằm trong khuôn viên Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn, số 180 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3. Năm 1790, Vua Gia Long cho cất ngôi nhà này ở gần Rạch Thị Nghè làm nơi ở cho Linh Mục Bá-Đa-Lộc và làm nơi dạy học cho Hoàng tử Cảnh. Ngôi nhà được xây bên bờ sông Thị Nghè trong địa phận Thảo Cầm Viên bây giờ. Năm 1799, Bá-Đa-Lộc chết, ngôi nhà được giao cho linh mục khác. Từ năm 1811 đến năm 1864 ngôi nhà bị đóng cửa vì chính sách cấm đạo của triều đình Huế. Sau khi vua Tự Đức ký hòa ước với Pháp, ngôi nhà được trao lại cho Tòa Giám Mục và được di chuyển về vị trí đường Alexandre de Rhodes hiện nay.

Sau đó năm 1900 Tòa Giám Mục được xây cất tại 180 đường Richaud (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu) thì ngôi nhà gỗ lại được dời về đây làm nhà thờ của Tòa Giám Mục. Ngôi nhà 3 gian 2 chái, lợp ngói âm dương, sườn, cột bằng gỗ, khung cửa và các khung thờ đều được chạm trổ công phu với hình hoa, lá, chim thú, hoa văn. Trong các di vật còn lại của ngôi nhà có một di vật có giá trị lịch sử lớn, đó là đôi liễn gỗ có tám chữ triện khảm xà cừ là tám chữ vua Gia Long ban tặng giám mục Bá-Đa-Lộc, một bên là “Tứ Kỳ Thịnh Hy”, một bên là “Thần Chi Cách Tư”.

Ngôi nhà được tu sửa vào năm 1980, cách tu sửa có tính chất vá víu, cốt giữ lại những gì có thể giữ được. Trải qua hai thế kỷ ngôi nhà không giữ được nguyên trạng nhưng đây là một di tích kiến trúc mang dấu ấn lịch sử, tôn giáo và văn hóa nghệ thuật. Đây là một tài sản có giá trị mà các bậc tiền nhân đã để lại cho chúng ta, không chỉ là truyền thống – bản sắc dân tộc mà còn là bộ mặt quá khứ mang tính văn hóa kiến trúc, một khía cạnh văn minh tại một vùng đất mới mọc lên từ đầm lầy, kênh rạch

11. Ngôi chùa xưa nhứt
Ngôi chùa có cảnh trí đẹp nhưng nằm ở địa điểm không tiện đi lại nên được ít người biết đến, [đó] là chùa Huê Nghiêm, tọa lạc ở 20/8 Đặng Văn Bi, Thủ Đức. Chùa được thành lập năm 1721 do Tổ Thiệt Thùy (Tánh Tường) khai sáng. Tên chùa lấy từ tên bộ kinh Hoa Nghiêm. Đây là chùa cổ xưa nhất trong các chùa ở TP Sài Gòn nên còn gọi là Huê Nghiêm Cổ Tự. Những ngày đầu là một ngôi chùa nhỏ được xây cất trên vùng đất thấp cách địa thế chùa hiện nay khoảng 100m. Sau đó, Phật tử Nguyễn Thị Hiên pháp danh Liễu Đạo cúng đất để xây lại ngôi chùa rộng rãi khang trang như hiện nay.

Qua nhiều lần trùng tu vào các năm 1960, 1969, 1990 mặt tiền chùa ngày nay mang dáng vẻ kiến trúc của chùa hiện đại nhưng các gian phía trong vẫn giữ nguyên kiến trúc cổ truyền, mái gian mặt tiền được cấu trúc gồm 3 lớp, nhỏ dần về phía trên. Các đường gờ mái chạy dài xuống cuối đầu đăng đều trang trí bằng hoa văn hình cánh sen đối xứng, giữa là hình bánh xe luân pháp, đặt trên hoa sen. Mái lợp ngói ống màu đỏ, đường viền mái ngói màu xanh.

Vườn chùa có nhiều cây xanh bóng mát, có 9 ngôi tháp cổ với nhiều kiểu dáng khác nhau như những cánh sen vươn lên. Những hàng cột gỗ trong chùa được khắc nổi các câu đối bằng chữ Hán màu đen kết hợp với việc chạm khắc mô típ “long ẩn vân” dùng trang trí.

Chùa Huê Nghiêm là một di tích Phật giáo quan trọng, là nơi dừng chân, sống đạo và hành đạo của nhiều vị danh tăng uyên thâm Phật pháp, có đạo hạnh và có đạo đức. Chùa cũng là bằng chứng về trình độ kiến trúc và phong tục tập quán của người Việt trên vùng đất mới khai phá, mở ra nền văn minh trên vùng đất hoang sơ.

12. Đường sắt đầu tiên ở thành phố
Tuyến đường sắt đầu tiên ở nước ta là đoạn đường sắt Sài Gòn–Mỹ Tho dài 71km, được xây vào năm 1881. Ga chính trước chợ Bến Thành, văn phòng đường sắt là tòa nhà 2 tầng chiếm cả khu đất bao bọc bởi ba đường Hàm Nghi–Huỳnh Thúc Kháng–Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nay là Xí nghiệp Liên hợp đường sắt khu vực 3. Xe lửa chạy bằng máy hơi nước phải dùng than củi đốt nồi súp-de nên xe chạy khá chậm. Vì không cạnh tranh nổi với xe đò trong việc chuyên chở hàng hóa và hành khách, đường xe lửa Sài Gòn–Mỹ Tho đã ngưng hoạt động từ lâu. Sau năm 1975, Ga xe lửa Sài Gòn được dời về Ga Hòa Hưng. Vào ngày 8/8/1998, người ta khởi công xây cất Trung Tâm Văn Hóa Thương Mại Sài Gòn trên nền Ga Sài Gòn cũ.

13. Người Việt đầu tiên viết sử Việt Nam bằng tiếng Pháp
Ông Trương Vĩnh Ký (1837-1898). Năm 1859, Pháo hạm Pháp bắn vào cửa biển Đà Nẵng và thành cũ Gia Định, triều đình nhà Nguyễn bắt buộc chấp nhận mở cửa đất nước cho tư bản thực dân Pháp xâm nhập. Trong giai đoạn lịch sử mới, người Việt Nam từng bước tiếp xúc với ngôn ngữ và văn minh mới. Trương Vĩnh Ký là một trong những người sớm tiếp xúc và hấp thụ ngôn ngữ văn hóa phương Tây đã trở thành học giả có nhiều sáng tác nhất bằng cả tiếng Pháp và tiếng Hán–Việt. Ông là người Việt Nam đầu tiên viết sử Việt Nam bằng tiếng Pháp. Cuốn “Giáo trình lịch sử An Nam” đã được xuất bản gồm hai tập dày 462 trang. Đây thực sự là một công trình bác học biên soạn công phu dưới ánh sáng của một phương pháp luận khoa học tiến bộ so với đương thời.

14. Tờ báo bằng chữ Quốc Ngữ đầu tiên
Tờ “Gia Định Báo” là tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên ở nước ta ra đời tháng 4/1865. Tờ báo đăng những thông tin nghị định của nhà nước và những tin kinh tế xã hội, lời bàn về thời cuộc, luân lý, lịch sử. Báo ra hằng tháng. Sau 4 năm phát hành, chính quyền thuộc địa cho phép báo phát hành hàng tuần bằng quyết định số 51 ngày 18/3/1869.

15. Tờ báo đầu tiên của Phụ nữ Việt Nam
Ngày 1/2/1918 tờ báo chuyên về Phụ nữ đầu tiên ra đời là tờ “Nữ Giới Chung” nhằm nâng cao trí thức, khuyến khích công-nông-thương, đề cao người Phụ nữ trong xã hội, chú trọng đến việc dạy đức hạnh, nữ công, phê phán những ràng buộc đối với Phụ nữ, đánh đổ mê tín dị đoan, động viên Phụ nữ quan tâm đến việc “Nữ quyền”. Muốn có vị trí ngang hàng với nam giới ngoài việc tề gia nội trợ phải am hiểu “tình trong thế ngoài”.

Chủ bút tờ báo là nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, con gái nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, vốn có lòng yêu nước, yêu thương đồng bào như thân phụ nên khi làm báo Bà có ý muốn làm diễn đàn để tỉnh thức lòng yêu nước trong dân chúng. Tuy chỉ tồn tại được hơn 6 tháng nhưng “Nữ Giới Chung” cũng đã gióng lên một hồi chuông nữ quyền còn vang mãi đến ngày nay.

16. Cuốn từ điển tiếng Việt đầu tiên

“Đại Nam Quốc Âm Tự Vị” là cuốn từ điển tiếng Việt quốc ngữ La-tinh của Huỳnh Tịnh Của gồm hai tập: Tập I xuất bản năm 1895, tập II xuất bản 1896 tại Sài Gòn. Bộ từ điển chứa nhiều từ ngữ xưa, thành ngữ, tục ngữ, từ ngữ về thảo mộc, cầm thú của Việt Nam và của miền Nam. Bộ từ điển này trở thành Từ điển Bách khoa toàn thư đầu tiên về Nam Bộ.

17. Người kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên
Trong lúc ở Sài Gòn, ông Nguyễn Trường Tộ (1828-1871) đã đứng ra xây cất tu viện dòng thánh Phao-lô (số 4 Tôn Đức Thắng). Đây là công trình xây cất theo kiến trúc Châu Âu do người Việt Nam thực hiện tại Sài Gòn. Công trình được khởi công từ tháng 9/1862 đến 18/7/1864 hoàn thành gồm nhà nguyện với ngọn tháp nổi bật trên cao xây theo kiểu Gô-thic, một tu viện, một nhà nuôi trẻ mồ côi và một tháp chuông. Công trình xây cất này là kết quả nghiên cứu kiến trúc châu Âu của Nguyễn Trường Tộ khi ông ở Hồng Kông. Qua nhiều lần sửa chữa trùng tu, ngày nay tu viện thánh Phao-Lô vẫn giữ được đường nét kiến trúc xưa, chứng tỏ tài năng kiến trúc của Nguyễn Trường Tộ không thua gì các kiến trúc sư người Pháp.

18. Người Việt Nam đầu tiên vẽ bản đồ địa lý và đồ họa Sài Gòn theo phương pháp phương Tây
Ông Trần Văn Học, sanh quán ở Bình Dương, giỏi Quốc ngữ, La-tinh và tiếng Tây Dương, được giới thiệu làm thông ngôn cho Nguyễn Ánh. Ông phụ trách việc dịch sách kỹ thuật phương Tây, đồng thời kiêm việc chế tạo hỏa xa, địa lôi và các loại binh khí. Năm 1790, Nguyễn Ánh xây thành Bát Quái. Trần Văn Học phụ trách “phác họa đường sá và phân khu phố phường”.

Ông rất có tài vẽ địa đồ, họa đồ và kỹ thuật bản đồ như: tỷ lệ, trắc địa, và vẽ gần như chính xác các thành trì và công trình. Ông được coi như là người đầu tiên vẽ bản đồ Sài Gòn-Gia Định theo phương pháp Tây phương.

Bản đồ Gia Định – Sài Gòn – Bến Nghé do Trần Văn Học vẽ 1815. 

Ảnh : Nhà thờ xưa nhứt ở quận 5
 Đất và Người Nam - Kỳ

image.png

#Annam #Yakukohaiyo
Copy từ: Đàm Ngọc Tuyên