Sep 14, 2010

Bà Ngoại


Tranh chân dung của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái
 Mấy hôm nay bà Lưu lo lắng đứng ngồi không yên. Con gái bà sắp sinh con mà lại đang ở một nơi cách xa bà đến nửa vòng trái đất. Theo thủ tục giấy tờ và mua vé máy bay thì phải gần một tháng nữa vợ chồng bà mới đến với con được.
Con rể của bà mở công ty ở VN , đang làm việc ở Saigon và con gái bà cũng theo chồng làm việc ở đó. Thời buổi khoa học nên bà biết trước mình sẽ có cháu gái , vì thế khi nào đi siêu thị, bà toàn ngắm quần áo , vật dụng của trẻ gái. Bà hoa cả mắt khi bước vào gian hàng trẻ con. Từ cái bình sữa nhỏ xíu đến loại lớn bằng nhựa hay thủy tinh xếp thành hàng . Xà bông tắm và dầu gội đầu có đủ loại, thứ nào cũng thơm và dành riêng cho trẻ em. Bà ngắm nghía những cái bao tay hay bít tất nhỏ xíu cùng những tã lót giấy gói vuông vắn, dùng xong là bỏ đi và những khăn tắm hay khăn mặt cho em bé , cái nào cũng mềm mại và đủ màu. Bà thích nhất là những cái áo bằng vải mềm, điểm những bông hoa vui mắt, nhỏ xíu như của búp bê sao mà dễ thương thế.Chưa kể những thứ đồ chơi xanh đỏ đủ màu , đủ kiểu treo lủng lẳng, đung đưa trước mắt...Bà Lưu mua cho cháu cái mũ mềm, vài cái áo và ít khăn mặt. Bà biết mình mua là thừa vì Ân , con gái bà đã dặn bà không được mua gì cho bé vì nó đã sắm đủ rồi và nhất là nó sợ bà phải mang xách nặng nề. Biết thế nhưng bà cứ mua vì nghĩ đến lúc được đội cho con bé cái mũ, mặc cho nó cái áo mình mua, bà thấy vui vui trong lòng...
Bà nhớ lúc có bầu con gái đầu lòng bà đã phải cắt quần áo cũ của mình ra, rồi cặm cụi ngồi khâu tay những cái áo nhỏ xíu cho con. Vải từ quần áo cũ bao giờ cũng mềm hơn vải mới. Dạo ấy ở Saigon còn khó khăn lắm, ăn còn chưa đủ ,vải vóc bán theo tiêu chuẩn, làm gì có cửa hàng bán riêng cho trẻ con. Làm cô giáo như bà , mỗi tháng được phát vải màn để làm băng vệ sinh khi có kinh nguyệt thì bà đã phải để dành , khâu lại làm tã lót cho con, vừa dễ thấm, vừa mau khô.
Thế rồi ngày mong đợi lên máy bay cũng đến. Hai vợ chồng bà, tay xách nách mang xuống sân bay TSN, còn đang toát mồ hôi vì cái nắng tháng năm chói chang và cái nóng hầm hập phả vào mặt đến tức thở thì chồng bà nhìn thấy người đàn ông đang giơ cao cái bảng đề tên hai vợ chồng. Con gái bà cũng báo trước là chồng nó bận công tác và nó mới sanh nên có nhờ anh tài xế ra đón hai người..
Trên đường về, bà ngắm nhìn đường phố và thấy thay đổi nhiều quá. Bà nhớ con đường này trước đây nhỏ hẹp và nay đã được mở rộng ra, có giải ngăn cách giữa đường cho hai chiều xe, vậy nhưng hình như vẫn không đủ rộng vì xe cộ nhiều quá, nườm nượp nối đuôi nhau....Nhà cửa hai bên cũng thay đổi, toàn là nhà cao tầng với những bảng hiệu san sát nhau, xen lẫn những khách sạn lộng lẫy với lối kiến trúc như của tây phương
Đây là nơi bà đã từng được sinh ra và lớn lên. Con gái bà cũng từng được sinh ra ở đây cho đến khi sắp lên trung học thì " cái-biến-cố-lớn-của đất-nước" đã xảy ra trước khi nó ra đời, đã lần lượt cuốn biết bao gia đình phải ly tán sang xứ người, rồi đến lượt gia đình bé nhỏ của bà. Ông trời cũng khéo xoay vần, bao nhiêu biến đổi thăng trầm nơi xứ người , để rồi cháu bà lại được sinh ra ở đây, mảnh đất mà gia đình bà đã rời xa, tưởng như không bao giờ trở lại. Trước đây , bà cũng có dịp về thăm lại quê hương, nhưng lần này bà cảm thấy nôn nao và hồi hộp vì sắp được gặp cháu ngoại đầu tiên của bà.
Ân bế con ra tận cổng đón ông bà. Bà đưa tay nựng cháu nhưng chưa dám bế vì sợ lấm bụi đường xa. Ôi con bé mới dễ thương làm sao. Một thứ tình cảm thiêng liêng dâng lên làm bà cảm thấy xúc động vô cùng...Từ nay bà đã thành "bà ngoại". Bà thấy như mình gìà đi khi lên thêm một bậc. Con gái bà đã bỏ tiếng mẹ mà gọi bà là "bà ngoại"rồi, ra ý rằng mình có con và gọi thay con.
Đã được xem ảnh từ trước nhưng bà không ngờ con mình lại ở cái nhà to như vậy. Chung quanh cái biệt thự một tầng lầu xinh xắn sơn màu trắng là vườn cây, thảm cỏ và một cái hồ bơi lớn, nước trong suốt đến tận đáy hồ.
Trước đây nhà bà ở trong một con hẻm nhỏ, lại đông chị em nên nhà cửa lúc nào cũng chật chội , nóng bức.. Cái xóm nhỏ ấy bà cũng đã có dịp trở lại và đã chẳng nhận ra căn nhà cũ của mình nữa. Nhà nào cũng xây mới lại, cao thấp, nhấp nhô, mỗi nhà , mỗi kiểu san sát nhau vì thế con ngõ dường như trông hẹp hơn.



Ở đây tuy hơi xa trung tâm thành phố nhưng bà thấy thoáng đãng hơn nhiều. Khu này được quy hoạch chỉ xây biệt thự, đường xá trong khu rộng rãi, nhà cửa xây theo kiểu cách khác nhau, có nhà trông như lâu đài bên Pháp, lại có nhà mái tròn theo kiểu Nga, có nhà mái cong như kiểu Tàu nhưng nhà nào cũng có vưởn chung quanh và kín cổng cao tường.
Mặc dù thấy hơi mệt sau chuyến đi dài nhưng vừa tắm rửa xong là bà bồng ngay con bé. Ôi chao, cháu của bà mới dễ yêu làm sao. Hai mắt nhắm tít vì đang ngủ, mẹ nó lay dậy "chào bà", cù cả vào chân nhưng nó chỉ hơi hé mắt rồi lại ngủ. Bà hôn lên hai cái má phinh phính thơm mùi sữa của nó, cái mũi cao giống bố nó, Bà vuốt mấy sợi tóc tơ vàng lơ thơ, phất phơ trên đầu, vân vê cánh tai uốn cong cong. Bà ngắm nghía cháu không chán mắt, ngấu nghiến như được đọc một cuốn sách hay đầy hấp dẫn. Một sức mạnh ruột thịt đẩy bà lại với cháu, ôm chặt cháu vào lòng. Cháu bé bỏng của bà như nụ hoa còn ngậm chặt. Cháu ngủ li bì...



NLH





Tác gỉa Hoàng Anh Thư

Trời nóng quá, lại thêm giờ giấc thay đổi khiến bà trằn trọc mãi không ngủ được. Bốn giờ sáng nhưng trời vẫn còn tối, bà lò dò dậy rồi thay quần áo ra hồ bơi vẫy vùng một lúc.Mảnh trăng treo trên cao toả ánh sáng dìu dịu, bốn bề tĩnh lặng làm bà cảm thấy dễ chịu vừa bơi vừa ngắm trăng. Bà nghĩ đến cậu con trai giờ này đang phải học thi không cùng về được. Rồi bà lại thấy thương Ân bé nhỏ, gầy gò nhưng rất đỗi thông minh, học hành gỉỏi giang, thi đâu đỗ đấy. Qua xứ người , hai vợ chồng bà rất vất vả để mưu sinh nhưng được cái hai con của bà rất tự giác học hành nên bà cũng cảm thấy yên tâm và hãnh diện . Người ta bảo "con hơn cha là nhà có phúc" và bà cũng chỉ cầu mong có thế.Giờ đây sinh con xong, Ân như được lột xác, xinh đẹp, phổng phao...Bộ ngực lúc nào cũng căng tròn đầy sữa để sẵn sàng cho con bú. Bà chỉ hơi hoảng khi thấy con còn trong tháng mà mặc áo hai dây, đi lại ào ào, thỉnh thoảng còn nhẩy xuống hồ, bơi lội tung tăng, chẳng biết kiêng cử là gì.





 Người ta nói : "Cháu bà nội tội bà ngoại" nhưng khi sinh xong, bà chẳng nhờ được ai. Mẹ bà đi làm ăn xa


, còn mẹ chồng thì ốm yếu cũng chẳng giúp gì được, may thay có cô em gái đang nghỉ hè sốt sắng giúp chị. Thời ấy vô cùng khó khăn, lại chẳng có nhiều sách vở hướng dẫn nên các bà, các chị lớn tuổi bảo gì bà đều nghe theo. Nào là mới sinh xong trong tháng đầu, người yếu như con cua lột phải tránh gió,trùm khăn, nhét bông vào lỗ tai để sau này khỏi nhức đầu,ù tai ?. Trời nóng nhưng bà vẫn phải mặc áo dài tay, chân đi bít tất, ra vào nhẹ nhàng. Nguyên một tháng bà không được gội đầu và tắm rửa, bà thấy khó chịu lắm , may là em gái bà cứ cách ngày, mua lá xông đun sôi rồi trùm chăn cho bà xông như kiểu tắm hơi. Mùi lá thơm và mồ hôi toát hết ra từ đầu đến chân làm bà thấy dễ chịu như được tắm vậy. Thời ấy chẳng có máy giặt , cô em bà cũng chịu khó giúp chị giặt áo quần hay giặt tã cho em bé để bà khỏi phải nhúng tay vào nước nhiều, để sau này không bị nổi gân xanh và nhức mỏi ? Ăn uống thì sáng nào cũng cháo chân giò hầm với đu đủ xanh để ra nhiều sữa cho con bú? Bà chỉ được ăn cơm với cá kho tiêu, thịt mặn và rau luộc. Cải xanh cũng không được ăn vì sợ tiểu nhiều ? Nhất là rau xà lách trộn dầu dấm là món bà ưa thích cũng bị cấm nốt. Đã thế lại còn phải hơ bụng trên chậu than để dưới gậm giường, điều này thì bà không làm vì thấy khó chịu với khói than và sợ ảnh hưởng đến con. Bà chỉ băng bụng thật chặt cho khỏi bị "sổ" cũng là cố gắng lắm rồi. Đôi khi bà cũng hoang mang không hiểu người ta căn cứ vào đâu mà kiêng lắm thế nhưng cứ nghe "dọa" không làm thế , sau này bị thế này thế kia làm bà cũng sợ.
Bây giờ nhìn con gái thoải mái ăn uống tự nhiên như bình thường, không kiêng cử bất cứ món gì. Trời nóng quá nên nó cứ tắm gội ào ào , bà cũng thấy lo lo nhưng chỉ dám khuyên con nhẹ nhàng là làm thế không tốt thôi. Nó chỉ cười và cả quyết là trong sách họ khuyến khích làm vậy cho mau khỏe. Em bé mới mười ngày tuổi đã cởi hết quần áo cho xuống hồ tắm với mẹ . Bà đứng trên bờ, cầm cái khăn lông to tướng, lo lắng chỉ sợ bé bị cảm lạnh nhưng nó bảo phải tập cho con quen nước lạnh như vậy nó sẽ cứng cáp hơn. Chẳng bù trước đây bà cứ đội mũ cho Ân sùm sụp vì thấy cái thóp của nó cứ phập phồng chưa cứng.
Mấy sáng nay , vừa ngủ dậy là chồng nó đã giao con bé cho bà để Ân được nghỉ ngơi vì cứ phải thức cho con bú, bú xong một lúc nó lại "tè" phải thay tã, mặc dù là tã thấm nước nhưng vẫn phải thay vì sợ để lâu da nó bị hăm. Cứ thế mà loay hoay cả đêm khiến Ân không ngủ được.
Con bé cũng lạ, sáng ra lại cứ ngủ say tít. Bà nhẹ nhàng đặt cháu xuống rồi nằm cạnh cháu. Bà đưa tay vuốt lưng nó rồi vớ lấy cái quạt giấy quạt nhè nhẹ cho cháu y như bà đã làm cách đây hai mươi chín năm với mẹ nó. Ngày ấy chậm có sữa , bà phải tất tả đi khám sữa. Người ta bắt ăn xôi, uống nước rồi ngồi một lúc xem có ra sữa không mới duyệt cho mua tám hộp sữa đặc. Đem về, mở ra , có hộp đã chuyển màu vàng, chẳng dám cho con uống. May quá , sau này nhờ ăn nhiều cháo chân giò hầm đu đủ nên bà cũng đủ sữa cho con bú.Đến tháng thứ tư bắt đầu cho con ăn dặm, bà phải chắt nước cơm sôi pha với sữa hộp cho con bú thêm. Trời thương sao, nó cứ thế lớn lên từng ngày, xinh đẹp và thông minh làm bà rất đỗi tự hào.
Cháu bà bây giờ sướng hơn mẹ nó nhiều lần.Chỉ riêng bình sữa cũng có đến vài cái : Cái để uống nước, cái uống sữa, cái ăn bột loãng v...v...to , nhỏ ,cao , thấp khác nhau.Nào xe đẩy , nào nôi, đồ chơi thì la liệt xanh đỏ đủ màu ... Sữa thì nhiều loại, sữa cho mẹ riêng, sữa cho con riêng. Bà nghe nói người ta còn thêm chất DHA gì đó vào sữa cho trẻ thông minh hơn. Bà Lưu nghĩ thầm, thế hệ sau này của cháu bà chắc toàn người thông minh, bác học. Chẳng biết có vì thế mà thế giới này tốt đẹp hơn không? Hay lại tranh chấp, chiến tranh mà xảy ra tận thế?
Ồ, con bé đang hé mắt nhìn bà, cái nhìn vô thức như chưa biết bà là ai. Bà tặc lưỡi , mỉm cười với cháu , rồi nhấc hai chân nó lên sờ vào tã thì thấy ướt sũng. Bà vội vàng thay cho cháu cái tã mới rồi bế nó lên nựng nịu. Bà hít hà cái mùi sữa thơm thơm ở má nó rồi bà hôn lên tóc nó. Cái thóp trên đầu còn phập phồng theo hơi thở thế mà mẹ nó không cho đội mũ. Bàn tay nhỏ xíu nhưng ngón tay dài trắng hồng quơ trên mặt bà, mẹ nó cũng không chịu cho mang bao tay. Mẹ nó bảo trời nóng cứ để thế cho thoáng mát.
Các bà bạn lại thăm ai cũng khen cháu kháu khỉnh dễ thương làm bà cũng thấy hãnh diện. Các bà tranh nhau bế cháu nựng nịu, rồi kể những kinh nghiệm nuôi con từ...hơn hai mươi năm trước và ngạc nhiên khi thấy bà phải theo một cái "thời khóa biểu" do con bà đề ra. Đại khái là giờ nào ăn, giờ nào thức và giờ nào mới được ngủ. Đến giờ ngủ mà con bé cứ mở mắt thao láo là bà phải tìm cách cho nó ngủ mới thôi.Nhìn bà ngoại sáu mươi tuổi , mặc áo thun, quần lửng , chân đi đất sải những bước dài , đẩy xe nôi vòng vòng trong nhà đến chóng cả mặt ai cũng buồn cười, mà nào con bé có chịu ngủ cho đâu, nó còn mải quơ tay quơ chân và cười với bà .Đến giờ thức mà con bé "lỡ" nhắm tịt mắt lại gà gật là bà phải "chọc" cho nó thức bằng cách "cù" vào chân nó, lấy khăn mặt nhúng nước lạnh lau cho nó, kể cả nhúng nó vào hồ bơi cho nó tỉnh làm con bé cáu kỉnh khóc váng nhà...Các bà bạn bà cứ nhìn nhau lè lưỡi , lắc đầu vì sự "huấn luyện như nhà binh" của mẹ nó mà bà ngoại phải theo răm rắp , không thì mẹ nó lại cằn nhằn. "Ở đâu thì phải theo đó" là lẽ thường tình.
Những kinh nghiệm của các cụ xưa truyền lại, bà cũng không hiểu căn cứ vào đâu để đặt ra những cái nên và không nên, đôi khi bà cũng thấy vô lý nhưng nỗi sợ hãi mơ hồ làm bà cũng nghe theo. Bây giờ đến đây giúp con thì bà phải theo ý nó thôi. Ngày trước bà nhớ mình quấn tã cho con bao giờ cũng phải hai cái , cái lót để thấm nước tiểu và cái để quấn cả tay và chân khiến cho bé cứ như khúc giò chỉ còn cái đầu lúc lắc thôi. Quấn như thế, bà thấy bé ngủ ít bị giật mình, chân tay thẳng thớm.Đôi khi bà còn mở tã để "xi" bé đi 'tè' nữa. Bây giờ thì con bà dùng tã giấy,bé cứ việc "tè" hay "ị" mà không sợ ướt ra giường. Kể thì cũng tiện lợi thật, rồi bà lại nghĩ có lẽ tiện cho mẹ nhưng không lợi cho bé vì như thế chắc là nóng lắm và da bé mỏng manh, không thay luôn có khi còn bị "hăm" đỏ nữa.
Chồng bà chỉ ở chơi với cháu được nửa tháng thì phải về trước để đi làm. Bà ở lại trông cháu giúp con. Đôi khi bà cũng đi đến nhà bạn bè nhưng chỉ được một lúc lại quáng quàng đòi về vì có "cháu mọn". Chẳng bù những lần trước về chơi , bà thoải mái vô cùng, đi hết chỗ nọ, chỗ kia mà không lo lắng gì. Bạn bè rủ đi đâu bà cũng tham gia. Bây giờ bà cũng cảm thấy ngại mỗi khi phải nói với con rằng mình đi chơi. Đi chơi mà cứ thấy áy náy vì "con chờ, cháu mong" nên cũng chẳng vui vẻ gì. Chỉ đến cuối tuần, con rể được nghỉ , mới có thể thay thế bà để bà thảnh thơi được một chút. Đúng là "cháu bà nội, tội bà ngoại"
Thấm thoát thế mà đã được bốn tháng rồi, cháu bà lớn hẳn lên, xinh đẹp, biết theo bà, biết cười và "nói chuyện u ơ" với bà rồi. Bế cháu đã thấy nặng tay và mau mỏi.Đặt nó nằm xuống là nó lật xấp, cái đầu ngóc lên, cặp mắt sáng, to tròn nhìn bà cười toe toét , đưa cả lợi ra vì chưa mọc răng. Nó đã bò được từ góc này sang góc kia trên giường . Bây giờ thì nó quen tắm hồ lắm rồi, đang khóc oe oe mà cho xuống nước là im thin thít, bố hay mẹ nó chỉ việc giữ cho cái đầu nó nổi khỏi mặt nước là bé quẫy đạp lung tung như muốn bơi vậy. Bà cũng chẳng thấy nó hắt hơi sổ mũi gì cả. Đến giờ ăn mà chậm pha sữa là bé khóc váng nhà. Bà lẩm bẩm :"Con bé này rồi cũng nóng tính hệt như mẹ nó".



Chỉ còn một tuần nữa là bà phải về nhà. Kỳ này là lần đầu tiên bà xa nhà lâu thế. Chồng bà vừa đi làm, vừa tự nấu ăn chắc là cũng vất vả. Thương cháu và mặc dù nhớ bà da diết, ông bảo bà cứ ở đấy giữ cháu bao giờ nó biết nói, biết đi hãy về nhưng bà sốt ruột lắm, còn bao nhiêu việc phải làm chưa xong. Thật ra thì bà cũng thấy nhớ ông và thương ông đang phải một mình . Đúng là "một cảnh hai quê". Con bà cũng mới mượn được chị giúp việc trông bé. Mấy hôm nay bà phải chỉ bảo cho chị ấy công việc phải làm. Cũng may chị ta cũng có con và cẩn thận nên mọi việc cũng suông sẻ.
Bà chưa về mà đã cảm thấy nhớ cháu rồi. Bà yêu cháu biết bao ,"nụ hoa" của bà đang dần hé nở. Bà thầm mong thiên thần bé nhỏ của bà sau này sẽ thành một bông hoa tươi thắm, ngát hương

No comments:

Post a Comment