Dec 30, 2010

Bánh Tôm Chiên




Bánh Tôm Chiên


Người đưa bài: Bích Nga


Bánh tôm chiên là một trong những món dùng làm khai vị trong những bữa tiệc rất được ưa chuộng. Và ngay tại nhà cũng là một món ăn chơi rất dễ làm và hấp dẫn. Mời các bạn cùng với đầu bếp Videojug bắt tay thực hiện nhá!

Nguyên liệu:

- 6 lát bánh mì sandwich, bỏ rìa ngoài , cắt làm 4
- 350g tôm, lột vỏ, bỏ sợi chỉ đen
- ¼ cây cải bắp thảo xắt khúc

- 2 cây hành lá xắt lát

- 1 muỗng canh dầu mè
- 2 muỗng cà phê gừng băm nhuyễn

- 1 muỗng canh rượu trắng hay rượu sơ-ri

- 1 trái trứng đánh đều
- 2 muỗng canh rau mùi cắt nhỏ
- 2 muỗng cà phê bột bắp
- 700 ml dầu chiên
- Muối, tiêu

-Tôm
-bánh mì

-Trứng gà cải bắp thảo


Cách Làm

- Đặt chảo dầu lên bếp lửa trung bình để làm nóng trước khi chiên bánh.
- Lấy 1 cái thố cho tôm, cải, hành, gừng, dầu mè, rượu, trứng, và bột bắp.
Nêm chút muối, tiêu rồi trộn đều.

Xay nhân : Múc vài muỗng cho vô máy xay vài vòng lấy ra, xay tiếp cho đến hết. Không xay nhuyễn quá. Nếu không có máy thì đập dập tôm, băm nhỏ.
Băm hết cái lọai rau, sau đó mới cho tôm, rau, rượu, trứng, bột bắp , muối, tiêu vào trộn thành 1 khối bột mịn đều.

Cho nhân vào bánh mì: Múc một muỗng nhân bỏ lên từng miếng bánh mì. Dùng phía sau muỗng để trét nhân cho đẹp. Xong để ra khay chuẩn bị chiên.
Khi dầu nóng (sủi tăm), chỉ bỏ vài miếng bánh vào chiên, và đặt phía mặt nhân xuống chảo dầu chiên trước. Khi thấy rìa bánh vàng thì trở bánh cho vàng đều 2 mặt. Mỗi mặt chiên khoảng 1 phút Lấy bánh ra đặt vào giấy thấm cho ráo dầu. Dọn ăn nóng, có thể dùng cùng với mấy lát chanh như một loại gia vị phụ thêm. Có thể thay cải thảo bằng bắp cải.

Bích Nga soạn theo The videojug

Nguồn: Mùi vị ẩm thực VN

THƠ THẨN CUỐI NĂM (KĐ)

Kim Đoan
Họa sĩ Vi Vi
THƠ THẨN CUỐI NĂM

Tổng kết cuối năm
Sao vui quá lẽ
Năm nay đặc biệt
40 năm rời trường
Bạn bè họp nhau
Tính chuyện làm báo
Hoài niệm dấu xưa
Trưng Vương thân ái
Nhiều bạn hăng hái
Chu Oanh đầu đàn
Khuyến khích vịt em
Viết văn làm báo
Nhờ vào tài năng
Các nhà văn ‘nhớn’
Hảo Chi chị tôi
Thảo Uyên Ly kế tiếp
Anh Thư không kém
Cung cấp bài vở
Đề tài dồi dào
Vì thế nhóm tôi
Có hai tờ báo
Mỗi tờ một vẻ
Mười phân vẹn mười
Thảo lo Đặc san
Phương Quán bên đường
Lon ton vui vẻ
Chạy cả hai bên.

Các chị Trưng Vương
58-65
Có thêm các em
Hàn huyên tâm sự
Thêm sinh khí mới
Cũng thật hài lòng
Cô em Minh Phương
Rất ư chăm chỉ
Lo quán hết lòng
Chăm trả lời thư
Các chị đều cưng
Cô em khéo léo.

Đại diện cho nhóm
Cám ơn Minh Phương
Nhiều nhiều, lắm lắm.

Website TV 6370
Có Thảo Uyên Ly
Tận tình chăm sóc
Trình bày tỉ mỉ
Nhóm rất hãnh diện
Thành quả tốt đẹp
Các bạn luôn nhớ
Công Thảo Uyên Ly.

Báo nhà phát triển
Nhờ sự góp phần
Của tất cá nhóm
Tuy hay thầm lặng
Nhưng rất chăm chỉ
Vào đọc báo nhà
Khuyến khích, cổ võ
Các văn sĩ ‘Vườn’
Sáng tác góp vui
Trong lúc ‘tuổi già’
Hay ‘mới chớm già’.

Liệt kê danh sách
Mỹ Trang, Phương Hà
Kim Thanh, Kim Đoan
Chung và Mỹ Nga
Trân Thúy, Loan Đặng
Bạch Mai, Ngọc Anh
Mỹ Điệp, Chu Oanh
Mai Xinh cùng Tuyết
Ánh Vân, Dương Sang
Gởi bài đăng báo.

Nhân dịp cuối năm
Thơ thẩn đôi hàng
Một năm đáng nhớ
Nhớ kỷ niệm xưa
Xưa bốn mươi năm
Xa ngôi trường cũ
Bạn bè xa cách
Nhưng tụ về đây
Đặc san hoài niệm
Trải dài tâm sự
Thật quý hóa thay.

Năm mới sắp đến
Thân chúc các bạn
Vui khỏe yêu đời
Tích cực sinh hoạt
Góp phần với nhóm
Viết bài đăng báo
Phát huy tinh thần
Tương thân tương ái
Nâng đỡ lẫn nhau
Khi gặp chuyện buồn.
Những gì không vui
Trong năm vừa qua
Hãy cho qua đi
Xin chúc các bạn
Năm mới sắp đến
Sức khỏe dồi dào
Vạn sự bình an
Mọi điều như ý.
30-12-2010
Lonton KĐ

Dec 28, 2010

Hồi Tưởng


Hồi Tưởng

Trần Ngà

Buổi sáng trời lành lạnh, những tà áo trắng bay bay hòa lẫn tiếng cười trong sáng của từng toán thiếu nữ đạp xe trên hai con đường Hồng Thập Tự và Nguyễn Bỉnh Khiêm khiến tôi nhớ lại những kỷ niệm thủa nào bên mái trường xưa. Đó cũng là lý do khiến tôi chọn dạy ở một trường bên Thị Nghè hầu tìm lại những dĩ vãng còn xót lại.

Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn ngập tràn những xác lá, một chiếc thảm dệt thiên nhiên lót đường cho những người con gái Trưng Vương. Chúng tôi đã đi qua biết bao lần trên chiếc thảm, nghe những âm thanh xào xạc của lá tưởng chừng như không bao giờ quên lãng. Từng bánh xe lăn tròn theo nhịp đạp dịu dàng, đều đặn của những ngày cắp sách đến trường.

Hồ sen buổi sớm mai thật xanh mướt, phản chiếu lóng lánh những gợn sóng nước. Nhà thủy mạc nằm chơ vơ, e ấp, được che chở bởi những khóm hoa trang, những dây huỳnh anh. Chùm đỏ của hoa trang hòa lẫn với màu vàng anh của những cánh hoa tạo nên một khung cảnh vừa êm đềm vừa tươi mát mà ta có thể nhìn thấy qua cánh cửa phòng bà giám thị. Bà giám thị hay bị tiểu nữ trêu chọc bởi những lần bắt bẻ vô lý...

Chỉ khi nào sắp mất một vật gì, người ta mới nhận thấy vật đó quí giá. Chúng tôi đã bắt đầu cảm thấy thế ngay từ cuối năm đệ nhị ở trường. Cô Nở, vị giáo sư tận tâm thương yêu học trò cũng là người hướng dẫn lớp tôi. Cô khá nghiêm nghị nên những giờ kiểm bài, soát bài tập, là những phút giây hồi hộp sợ hãi...tuy nhiên cũng có những lúc rất hào hứng như khi chơi đố vui để học. Về phần các thầy, tôi còn nhớ rất rõ tiếng dép lẹp xẹp, đôi kính cận chốc chốc được nâng lên của thầy Lân...Giọng nói nhỏ nhẹ, ngượng nghịu của thầy Khôi...Còn các cô giáo thì dáng điệu, giọng và cách nói của cô Thoa...đã khiến chúng tôi thật khó mà quên được..

Cứ mỗi lần ôn lại kỷ niệm cũ, là chúng tôi không quên nhắc nhớ đến những câu mắng yêu của thầy cô khi thấy đám học trò nghịch phá: 'các cô cười nhe hàm răng chó luộc', 'lớp ồn như chợ cá' , 'các cô thuộc thành phần bất bình thường', 'các cô muốn làm híp pi thì ngày mai đi học đừng mặc áo dài nữa'....

Những bộ mặt tếu và rất quen thuộc cũng hay được nhắc tới trong dịp này trong đó có : Lép, Ngà, Mai, bà gầy, Lưu Ngọc Nga, Lê tròn, Bích đại ca, Trang gà tồ, Thanh ông...mà khi nhắc lại chúng tôi có thể tưởng tượng ngay ra được những khuôn mặt “khỉ đáng yêu”.

Giờ đây mỗi người mỗi ngả, một hướng đi riêng, gặp lại nhau, nhắc nhớ lại những kỷ niệm để cười, cười đến chảy nước mắt và cũng để lau những giọt nước mắt buồn thương tiếc thời êm đềm xưa cũ.

25-11-1973

Cám ơn Mỹ Trang đã đánh máy các bài viết ngày xưa cúa các bạn Nhất B.




Dec 26, 2010

Cuối năm nhắc chuyện xưa


Thầy Minh

Cuối năm nhắc chuyện xưa

Cảm Nghĩ của Thầy Cô về buổi họp mặt đầu tiên của Nhất B 17-01-1971

Trong lần họp mặt đầu tiên, nhóm tổ chức gửi thiệp mời các vị giáo sư như : cô Gia Lai, cô Thu Oanh, cô Xuân Sanh, cô Thoa... thầy Tẩm, thầy Thơ, thầy Lân, thầy Minh..Nhưng rất tiếc các thầy cô gần Tết quá bận rộn nên không đến đủ. Buổi họp mặt hôm đó hiện diện các vị giáo sư: cô Gia Lai,cô Thu Oanh, thày Tẩm, thày Thơ. Đó là điều rất hân hạnh đối với chúng ta.



Cô Phan Thanh Gia Lai

Cô vui nhiều khi thấy các em vẫn còn nhớ đến nhau, vẫn thương nhau.Các em cũng không quên các thầy, các cô. Mong rằng cảm tình đó vẫn còn mãi và ngày càng thắm thiết hơn. Riêng cô xin nhớ mãi buổi họp mặt hôm nay và mong còn được gặp các em mãi mãi.

Gửi các em tình thương mến của cô

Cô Thu Oanh

Biết ghi gì vào đây trong lúc tôi muốn ghi thật nhiều.Trang giấy thì hẹp hòi, giới hạn, mà cảm tình tốt đẹp của tôi đối với các em Nhị B ngày nào vẫn nguyên vẹn và thật nhiều. Nhìn thấy các em vui tươi trong buổi tất niên, tôi thầm cầu mong các em sẽ vui tươi mãi mãi trong những ngày xuân tới và tất cả những mùa xuân trong đời các em

Thầy Đỗ Danh Tẩm

Thân mến chúc các cô Sinh Viên cựu Nhất B TV(69-70) một tân xuân thành công và hạnh phúc, một cuộc đời thật ít chông gai và thật nhiều may mắn. Tôi nhớ mãi món chả giò ngon quá là ngon.




Thầy Lê Văn Thơ

Thầy rất vui mừng khi thấy các em vẫn còn vui hợp sau mái trường trung học.Thầy hy vọng các em giữ mãi sự đoàn kết và nụ cười hồn nhiên hôm nay

Sau buổi họp mặt ít hôm nhóm tổ chức có nhận được thơ của cô Xuân Sanh , xin trích nguyên văn:


Cô Xuân Sanh


Thân gửi các em,

Tôi tiếc là hôm ấy không đến được với các em như đã hứa. Chắc là đã làm các em đợi và buồn đôi chút. Xin lỗi các em nhé.Thật tình cứ nghĩ tôi về kịp để 5 giờ hay 5 giờ rưỡi đến chơi cùng các em nửa tiếng cho nên không có thơ xin lỗi trước. Hôm ấy tôi phải đi dự một đám cưới từ 3 giờ thế mà kéo dài đến 6 giờ và nhập tiệc 6 giờ rưỡi. Cho nên cứ thấp thỏm hoài và biết là các em đang đợi.
Thôi xin lỗi lại nhé. Chắc các em hiểu rồi sẽ không giận tôi nữa phài không .Để tỏ khỏi giận, Tết này đi đâu ngang Tân –Định ghé tạt vào tôi, tôi sẽ lì xì tạ lỗi. Tôi mong được đón các em thật đông đủ như năm nào hồi Nhị B. Hôm vừa rồi có Ngọc Yến, Thu Nga không? Nếu rỗi nhớ rủ các bạn đến chơi. Diệu Tường đã đi Đức chưa ? Thăm các em và chúc các em qua năm mới vẫn vui tươi, vẫn đẹp, vẫn nhộn như năm nào. Tôi còn nhớ Ngà là nhộn nhất. Mong các em hoàn toàn như ý trước ngưỡng cừa đại học.

Cô Xuân Sanh của các em

Đọc xong lá thơ trên chắc hẳn các bạn đều thấy tấm lòng ưu ái của cô Xuân Sanh với chúng ta, cũng xin nói thêm để các bạn rõ trong thơ cô còn kèm theo thiệp mời dự đám cưới hôm ấy để chứng minh.

Tuy thời gian qua đã xa nhưng để chứng tỏ sự hoài cảm Tết này chúng ta đến chúc Tết cô và các bạn đừng quên nói cô lì xì đấy nhé.

Những lần họp mặt sau này, tuy không có thầy cô nhưng chúng ta không quên nhắc đến, hy vọng trong tương lai gần đây, buổi họp mặt của chúng ta sẽ lại được các thầy cô đến chung vui.

Nhóm chủ trương (Ngà)

DSTV 63-70 đã nhờ Mỹ Trang đánh máy lại để gửi đến các bạn.

Dec 23, 2010

TRƯỚC SAU NÀO THẤY


TRƯỚC SAU NÀO THẤY.
HANNAH NGUYÊN

Tôi mang tâm trạng của Lưu Nguyễn trở về nhà xưa. Nửa năm tiên cảnh hay nửa đời lưu vong để về chốn cũ. Tôi đến một nơi gọi là thị trấn Lâm Tuyền. .. Bước chân thật ngại ngùng. Những con đường này hơn bốn mươi năm qua, vẫn chỉ là những con đường nhỏ hẹp như cũ. Có những nắp ống cống bể, có những dấu đá mòn vẫn mòn thêm, và tôi đi ngơ ngác... Chỉ một mình tôi đi trên những phố quen xưa. Đến một địa chỉ quen. Mở cửa cho tôi vào...Ơi căn nhà cũ. Lại vẫn chia năm sẻ bảy và xây cất ngổn ngang. Người ta thu nhỏ nhau vào những hộp diêm , để chỉ mở một tí cửa sổ, tạm thời cho linh hồn ngột ngạt bay qua lỗ mũi sống thở. Có những đôi mắt già nua sụp xuống . Cõi lòng hoang mang... Người mở cửa cho tôi dĩ nhiên là một ông già, nhưng trông nhỏ tuổi hơn tôi, và tôi lịch sự gọi ông là bác.
- Thưa bác, tôi là bạn cũ, hàng xóm của cô Tường, muốn hỏi thăm nay cô ở đâu ? Thưa trước tôi ở cạnh nhà và đi học với cô từ thuở bé...
- Dạ chị tôi không ở đây nữa, đẫ đi Mỹ rồi.
- Tôi có thể xin ông địa chỉ và số điện thoại của cô Tường không ?
- Dạ được , nhưng chút trưa bà trở lại đi, giờ tôi không rảnh...
- OK cám ơn ông.
Lòng buồn vời vợi, tấm chân tình của mình cũng bị nghi kị. Mà nghi kị cũng là phải . Ai biết mình là ai ? Sau khi những kinh nghiệm đời đã quá già hơn một nửa, và tất cả những con chim già đều vẫn còn nơm nớp sợ những cành cây cong !
Nhà em Tường ngày xưa rộng rãi, sân vườn thoả thuê . Đằng trước là vườn hoa, với nhiều bông hồng bông cúc. Vườn sau trồng những loại cây trái ôn đới , mận, đào, hồng ,lê, quýt ,táo. .. Mà nay còn đâu hỡi vườn? Đời đã chín , trái chín nhũn hay héo cũng đã rụng xuống những thân phận nhỏ nhoi.
Buổi trưa, tôi quay trở lại, xin địa chỉ và số phone của em Tường. Người tiếp tôi là cậu út, em trai cuả Tường . Cậu có đôi mắt nghệ sĩ và mơ mộng u hoài từ trên đôi mắt đến mái tóc hoa râm. Cậu cười buồn nhìn tôi như nhận ra những kỉ niệm cũ chất chứa trong tôi qua đôi mắt xa vời u uẩn.
- Tôi với cô Tường học chung với nhau từ lớp mẫu giáo. Chị người làm nhà cậu dẫn hai đứa đến lớp và đón về. Mẹ cậu trắng muốt, xinh đẹp, đúng là mệnh phụ xứ Huế. Mẹ giỏi bánh trái cỗ bàn.
Cậu mơ màng rót mời tôi chén trà xanh, và nhất định bắt tôi dùng miếng mứt gừng của người em xứ Huế ( vợ cậu ) đã trổ tài nữ công gia chánh ! Rồi cậu hí hửng turne on computer để khoe tôi hình chị Tường của cậu nay là bà ngoại đẹp lão,với hai cháu ngoại như hai con búp bê.
Tôi chỉ hơi tiếc vì căn nhà thênh thang ngày xưa, chốn tôi hay qua chơi đùa ... nay chỉ còn là trong " Phố Cổ " đựng những cái tổ chim nhỏ hẹp. Không khí ngột ngạt vì những ưu tư trên ngọn đỉnh sầu. Lưu Nguyễn ơi, tiếc làm gì chuyện " Một Bước Trần Ai "
Đi quanh tìm hoài lại dẫn đến lối xưa. Này dốc , con dốc ngày xưa hì hục leo bộ đến trường.Gió vẫn lồng lộng trên ngọn những cây tùng...Đúng rồi, thông xanh, gió ngàn cùng mây trắng. Cổng cũ khép hờ... Hết rồi dấu sỏi hay dấu tình hờn ? Trong tôi ngân nga tiếng nhạc lòng : Bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người...
Căn biệt thự cũ vẫn thi gan cùng tuế nguyệt , muôn đời vẫn để không và vẫn chỉ có người gác già trông nom. Không còn thiếu chủ mở cửa, nhưng cửa cũng vẫn mở rộng đón chào. Cũng vẫn đi lại những phòng ốc cũ , hành lang xưa. Dưới kia là dàn hoa thắm - Mimosa- cười nụ âm thầm. Trước Sau Nào Thấy Bóng Người...
Căn phòng khách rộng mở, hai bức phù điêu vẽ khung cảnh Lâm Viên : Voi Ngựa, cùng vũ nữ múa Khèn . Đây Lâm Viên, ngọn đồi cũ, tiếng lòng xa xưa. Dấu xưa xe ngựa... Biết vậy để mà trùng khơi nỗi nhớ. Tôi ơi, cánh chim bay mỏi, vượt nghìn trùng biển khơi với đất trời lồng lộng, đến đây để thì thầm với tấm lòng hoài cổ : Chuyện xưa và ngày xưa... Đừng khơi dậy quá khứ, Thôi hãy ngả mũ chào một lần cuối vĩnh biệt. Mặc dù đầy ắp như biển, rộn ràng như sóng, dạt dào như nước, như mây, nhưng rồi cũng chỉ là mộng thôi !
Chiều Tỉnh Lỵ

Xe chở tôi đi vùn vụt, như lao vào quá khứ. Và trên con đường đèo Pren , muôn thuở vẫn là quá khứ xanh ! Tạo hóa có gây cảnh hí trường, thì nơi đây, tạ ơn đời màu xanh vẫn thắm. Núi đồi vi vu. Tôi xuống dốc Pren ... Trời đất bạt ngàn xanh và đôi mắt sẽ biếc đi cùng những ngọn đồi. Rồi đến thác Đatăngla... Réo gào ầm ĩ. chào đón sự trở về của muôn ngả chia ly. Tôi cố sục sạo, hy vọng muôn trùng mong kiếm lại bạn cũ. Rồi tôi cũng đến được một địa chỉ hoa. Lòng tôi dạt dào như biển cả. Ơn tri ngộ đãi tôi thắm thiết. Tôi gặp lại bạn hiền sau bốn mươi năm xa cách. Không ngớt sót thương Hằng với cảnh đời ngang trái. Người thân yêu nhất, đã vĩnh viễn ra đi. Một mình ở lại vơi trăm nỗi đắng cay. ? Ai đặt cho bạn tên Lệ để mà nó vận vào người.
- Thôi mày đừng khóc hoài, hư hết mắt làm sao nhìn nhận ra tao ?
Nước mắt chúng sinh nhiều hơn biển cả. Tuổi đã xế chiều, và mất mát gần hết.
- Nhưng cuối cùng mày lại gặp được tao !
- Không biết tấm thịnh tình của tao có làm mày khuây khoả ? Nhưng xin vững lòng tin vì nơi nào Thượng Đế không đến được, thì Người gửi tới một người Bạn.
Và hãy nhớ cuộc đời cũng là một giấc Nam Kha. Bừng tỉnh dậy nồi kê chưa chín

!

Đời người họa phúc khôn lường, hãy cứ ăn ở hết lòng thì vận hạn cũng sẽ qua. Phúc lành lại
đến . Hy vọng tôi sẽ về thị trấn Mỹ Thanh để an dưỡng tuổi già với hoa cỏ vườn rau luống bắp. Sống đời ngô khoai mộc mạc với bạn hiền mến thương.



Giáng Sinh cận kề (KĐ)

Kim Đoan





Giáng Sinh cận kề

Chỉ còn một đêm nay nữa là đến ngày Chúa Giáng thế, không khí Noel càng rõ rệt hơn khi được dịp tản bộ quanh khu chợ Giáng Sinh ‘marché de la gare’ để ngắm nhìn cây thông cao sừng sững được trang trí ‘thật lộng lẫy’ với gần 30 ngàn bóng đèn đủ màu sắc, làm tăng thêm vẻ huy hoàng tráng lệ. Tuyết mấy hôm nay rơi nhè nhẹ như hoa, các cành cây khô được phủ lên một lớp tuyết thật mỏng, và các cây thông xanh được khoác lên một chiếc áo trắng, một màu trắng tinh khiết, phong cảnh tuyệt đẹp, khó mà có thể diễn tả hết bằng lời.

Tuy là cái lạnh của mùa đông băng giá, nhưng trong bầu không khí của lễ hôi ‘Chợ Giáng Sinh’ với người qua kẻ lại, đến mua những cây thông tươi, đem về trang hoàng nhà cửa, mừng đón Giáng Sinh cho thêm phần ấm cúng và để có không khí Noël với mùi nhựa thông tỏa lan khắp nhà; nghĩ đến đó cũng đủ thấy ấm lòng dù bên ngoài trời gió rét căm. Bên trong chợ, các gian hàng bán bánh thật đông khách, mùi quế, mùi gừng, cùng mùi nướng bánh tỏa hương thơm ngào ngạt làm cho mình có cảm giác ‘đói bụng’ và muốn thưởng thức ngay những ổ bánh ‘mới ra lò’.
Gian hàng bán 'phó mát và thịt nguội' trưng bày thật hấp dẫn, người mua cũng phải xếp hàng chờ đợi đến phiên, vì lúc này nhiều ‘party’ được tổ chức khắp nơi, nào là bạn bè thết đãi nhau, thêm vào đó nhiều cơ sở thương mại, các chủ nhân vào dịp này cũng hay tổ chức tiệc để khoản đãi nhân viên, một hình thức cám ơn về những đóng góp vào sự hưng thịnh của ‘company’. Và cũng vì lý do ‘Christmas Party’ mà cách nay vài hôm, tôi tuy còn bận đi làm, nhưng cũng phải về sớm để đến giữ cháu ngoại cho bố mẹ cháu đi ‘party’. Tối hôm ấy, cơm nước vừa xong xuôi, 2 cô cháu ngoại đã đến nhắc khéo tôi là hôm nay con chưa mở quyển lịch ‘advent’. Tôi chưa nghe rõ lắm nên hỏi lại các cháu là lịch gì?
-Bà không nhớ à ? tấm lịch có nhiều cửa bằng chocolate đó !
À tôi nhớ ra ngay là truyền thống ở Canada hay bán lịch chocolate advent, lịch bắt đầu từ 1 tháng 12 đến 24-12. Bọn con nít hay đòi bố mẹ mua lịch chocolate này trước tháng 12 và mong đợi đến ngày 1-12 được mở lịch, cánh cửa đầu tiên, để khám phá bí mật (chocolate), và cứ mỗi ngày tiếp đó, bí mật được ‘ bật mí ’ khi cánh cửa nhỏ được hé ra. Trẻ nít nào cũng ưa chocolate nên sau bữa cơm tối là đòi mở lịch ngay để được thưởng thức miếng ngon . Cô cháu còn đếm số cửa chưa được mở và nói cho bà biết là chỉ còn vài ‘dodo’ nữa sẽ đến Giáng Sinh.


Ở Sherbrooke, mùa đông năm nay đến khá sớm, trận tuyết đầu mùa rơi đúng vào ngày lễ ‘Halloween’, tuy nhiệt độ âm nhưng không đến nỗi lạnh lắm vì không có gió, những ngày tuyết rơi đều nhè nhẹ như thế là những ngày lý tưởng, cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, trắng xóa khắp mọi nơi. Chung quanh khu nhà tôi có khá nhiều cây, chỉ nhìn từ cửa sổ ra ngoài sân đã thấy cảnh trí khá nên thơ, chưa nói đến chuyện lên viếng các vùng núi như ‘rặng Rocky mountain’ bên Alberta thì mới thấy mùa đông tuyệt đẹp và cảm thấy con người quá nhỏ bé so với cảnh trời thật hùng vĩ, bao la. Tôi chợt nhớ lại đến câu khen ngợi của cô tôi khi sang thăm Banff Canada vào mùa đông, ngồi trong gondola nhìn ra cô đã trầm trồ :
- Oh! Sao mà đẹp như tiên cảnh thế này !
- Đúng thật cô ạ, cháu đã thấy cảnh ở đây vào mùa hè nhưng so với mùa đông thì quả là một trời một vực.
Mùa Noel năm nay có tuyết nhiều nên không bị gọi là Noel xanh, vì có năm đêm 24-12 trời lại đổ mưa , những năm ấy mùa Giáng Sinh đối với tôi bị xem như là thiếu một thứ gì to tát lắm, chắc có lẽ sau gần bốn mươi năm sống ở Canada, Giáng Sinh luôn có tuyết trắng và chính tôi đã quá quen với hình ảnh đó chứ khi xưa ở Sàigòn, Noël chẳng bao giờ có tuyết, giới trẻ hẹn hò nhau đi chơi vui quá chừng, phố xá tấp nập, xe cộ đầy đường, bấm kèn inh ỏi, không khí thật vui nhộn.
Khi mới sang Canada vào đầu thập niên 70, Noël là lúc tôi nhớ nhà nhiều nhất, nhớ Giáng Sinh vui nhộn bên VN, được đi chơi, trái lại ở đây thi cử xong xuôi, bạn bè Gia nã Đại rời Cư xá sinh viên về xum họp với gia đình nên khu Đại Học trở nên rất vắng lặng. Để tiết kiệm tiền sưởi, ban quản trị Cư xá đã quy tụ một số sinh viên ngoại quốc còn ở lại chuyển sang bên Cư xá sinh viên phần mới, xây cất sau tuy nhỏ nhắn nhưng lại ấm cúng hơn trong mùa lễ Giáng Sinh; cách tổ chức như thế khá hay vừa giảm chi phí về sưởi, vừa tạo cơ hội cho các sinh viên ngoại quốc sống xa quê hương có dịp gần gũi sinh hoat chung với nhau trong mùa lễ GS hơn, nhờ vậy mà rất nhiều 'cuộc tình' được nảy sinh sau mùa Noël. Nhóm sinh viên VN chúng tôi vào dịp này hay tụ họp nhau làm bếp chung, ăn uống xong thì có mục 'văn nghệ văn gừng' sinh hoạt vui vẻ trong kỳ nghỉ lễ, không như sinh viên thế hệ trẻ bây giờ phần lớn đều có bố mẹ và anh chị em nên Giáng Sinh đều rời trường để về đoàn tụ với gia đình.
Thời gian qua nhanh thật, mới đó đã gần bốn mươi năm, ngày xưa Noël không có thân quyến bên cạnh, và bây giờ lại là thời điểm để tụ họp đại gia đình đông vui. Chúng tôi sẽ đi lễ chung vào 19h tối 24 vì hai cô cháu ngoại sẽ hát trong ca đoàn thiếu nhi, sau đó sẽ ăn mừng Giáng Sinh và phần tôi còn thêm việc ‘hát hò’ với ca đoàn của nhà thờ để cho mini concert vào 23h30 và tiếp theo là hát thánh lễ nửa đêm.
Lo mua sắm, chuẩn bị và sắp đến ngày Giáng Sinh rồi, tôi cảm thấy trong lòng rộn rã, cảm giác đang mong đợi, không như thuở bé mong quà, mà cảm thấy vui vì sắp được gặp tất cả các con cháu, anh chị em sẽ về họp đông đủ, là dịp để thắt chặt hơn mối dây liên hệ trong đại gia đình. Xin ơn trên ban niềm vui, hạnh phúc cùng sự bình an đến muôn nơi trong mùa Giáng Sinh và năm mới 2011.
Mùa Giáng Sinh 2010
Kim Đoan

Elvis Phương trình bày