May 22, 2011

Suối Nguồn - An Khanh

SUỐI NGUỒN
AN KHANH





Luật tạo hóa đặt ra bất dịch
Khôn đem tài xê dịch mảy may
Hết đêm kế tiếp đến ngày
Trăng tròn lại khuyết, sông đầy lại vơi
Nước chảy tự những nơi cao cả
Ra biển khơi biến hóa thành mây
Mây bay gió thổi vào đây
Làm mưa đổ xuống tưới cây trong rừng...

Muôn đóa hoa tưng bừng đua nở
Muôn côn trùng hớn hở sinh sôi
Mưa trời nhuần thắm núi đồi
Lọc qua cát đá tuôn ngòi suối trong
Dòng suối lượn quanh vòng khe núi
Róc rách kêu như gọi thú cầm
Lại nơi vắng vẻ âm thầm
Nước trong giải khát bóng râm ẩn mình...

Bài học thuộc lòng lớp Bốn .

Nằm ở ngay thềm bậc cửa , trên chiếc chiếu hoa đỏ, tôi gối đầu lên chân bà mà học bài học thuộc lòng này. Năm đó, tôi học sinh lớp Bốn trường tiểu học Bàn Cờ. Mỗi buổi trưa , sau khi cơm nứớc xong , bà tôi trải chiếu ra ngòai đầu hè , tôi ra kềnh cang với bà , cô thì nhổ tóc sâu , bà thì lim dim mắt nghe tôi đọc ê a... Và những bài học đó , tôi không bao giờ quên được !
Tôi hình dung ra mình đang ở đầu sông ngọn suối, nghe nước chảy ở non cao - Mưa rừng tưới những hoa lá tươi đẹp , Lan tím Lan trắng, thông ngàn và tiếng côn trùng hớn hở . Bài học đọc ngân nga... Bà tôi cầm cái quạt phe phẩy...và đôi lúc tôi thiếp đi giữa buổi trưa im lặng. Trăng tròn lại khuyết - Sông đầy lại vơi , tôi theo dòng suối lượn lờ đến những nơi thâm u của rừng sâu cô tịch. Tôi tưởng mình là con Hổ trầm ngâm,sau khi giải khát nước suối trong, đang gác đầu lên đá núi mà thiu thiu ngủ...Sông đầy lại vơi... Và những hình bóng cũ hay chuyện xưa - Cũng đã có lúc vơi đầy như sóng biển rút ra xa theo thủy triều một ngày đôi lần trở vào bờ xưa dào dạt...
Tôi nhớ tuổi thơ sống với bà trong cái bình dân thôn dã. Tuy ở giữa đô thành nhưng ngày đó cũng còn những khu nhà của dân nghèo thành thị . Tôi vẫn thấy tường tre vách lá mái tôn. Thấy mây trời lãng đãng xuyên qua khỏang sân nhỏ , lá của cây Sung duy nhất trong cái sân tí hon ấy,và thế giới mộng mơ của tôi là bướm vàng , suối nhỏ róch rách, chúa sơn lâm im lìm nằm nghe rừng thở...
Tôi ưa lẽo đẽo theo sau bà như gà con theo mẹ, và cho tới bây giờ tôi vẫn thấy bà là người thân cận gần gũi với tôi. Có lẽ những kỉ niệm bà dành cho tôi thật trong sáng an lành.
Bà giặt áo ở cầu ao,vỗ nước bì bõm ...ùm ùm... Tôi đứng sau lưng chờ đợi...Giũ xong tấm áo, bà quay lại cười tươi thắm.
- Bố mày ! chờ bà có lâu không con ?
- Tôi nhìn ống chân lấm tấm nước , váy sồi xắn cao ...và cười với bà.
- Bà vươn tay hái cho tôi trái ổi xanh to đùng , trao cho cháu chỉ có mỗi một quả ! và lẫn cả lá. ..Mùi nhựa lá thơm nồng...
Tôi lũn cũn theo bà như cái đuôi.Ôi tuổi thơ , những ngày êm ả với trưa hè rọi nắng. Bà đi chợ, tôi ngóng bà về , mong bà mua quà như cóc ổi xòai chua, hoặc chùm củ đậu bé bé ,ngon dòn ngọt mát. Vòi vĩnh bà mua cho quả thị để cất vào cái âu trầu của bà, chờ cho đến đêm cô Tấm từ trong cái hột Thị ấy bước ra ... Kỷ niệm trong tâm khảm ước gì sẽ còn nhớ mãi chuỗi ngày xanh thơ ngây ấy !

Nước chảy tự những nơi cao cả
Ra biển khơi biến hóa thành mây

Tấm lòng yêu bà và tình thương của bà dành cho con cháu - Tôi cho đó là một thứ nước thiêng liêng luân chuyển theo mây trời biến hóa - Rồi thành mưa mà đổ xuống vun sới cội nguồn. Bà tôi là dòng nước mưa nguồn đó. Trong căn nhà tôn vách lá, những chiều mưa, tiếng mưa sầm sập - Nước loang lóang hiên ngòai , máng sối đổ nước như thác.Rồi sau đó nước bình yên trong chum trong vại. Cái thùng Phuy nước mưa chứa lớp lá sung khô ở dưới đáy, để tôi luôn phải ghé mắt tìm kiếm chú cá vàng đuôi đỏ lẩn khuất ... Nước nguồn cứ mãi trôi đi, và tạo thành suối róch rách mời gọi thú cầm đến mà giải khát nước trong !
- Phụ nữ hiền lành như bà - Là dòng suối đã lọc qua đủ thứ gian khổ là cát đá để trở thành một thứ nước tinh khiết trong vắt tình thương. Tôi gối đầu lên tình thương tảng đá và thiếp đi trong bản nhạc rừng tiếng suối reo êm ái.













1 comment:

  1. Chi đúng là có trí nhớ hay thật... Nhớ đến từng chi tiết, mà tả cũng thật rõ ràng như đang đứng ở trước mặt vậy ! càng đọc càng thấy thương Bà và cảm thương cho những thân phận của những người đàn bà Việt Nam ! Thanh nghĩ đàn bà Châu Âu và Châu Mỹ chẳng bao giờ có cách " Sống " vì con vì cháu như vậy !

    K T.

    ReplyDelete