May 26, 2011

Nhớ Bao Thuở Ấy. Bài của Lưu Hảo Chi.



NHỚ BAO THUỞ ẤY
   BÀI CỦA LƯU HẢO CHI



Năn 1963 tôi đậu vào trường Trưng Vương hạng  một trăm. Ngày đầu tiên đến trường, tôi được xếp vào lớp Đệ Thất A2. Ở dưới sân trường, tôi đang loay hoay tìm bạn đứng chung cho có đôi, thì một em cao kều, khều tôi bảo: " Đứng vào đây này"  Thế là em ngồi cạnh tôi. Em cao hơn tôi, nhưng vì xếp hàng cùng nhau nên tôi ngồi bàn thứ tư, chỉ còn hai dẫy bàn nưã là hết lớp. Đó là em Dung kều. Em Dung ngồi bên phải, em Mỹ Hoàng ngồi bên trái, tôi ngồi giữa, thành bộ ba " Bờm- Bê- Bốp " Tôi có hai bím tóc, nên được gọi là Bê, em Dung là Bờm,em Hoàng là Bốp! nên thỉnh thoảng em Dung lại đánh em Hoàng một cái Bốp!
Cách một lối đi, dẫy bàn bên cạnh có em Phong Mỹ, em Kim Thanh- Thanh là con út trong gia đình có nhiều anh trai, nên em hành sử như "liền ông". Tôi đặt tên em là" Thanh Ông ". Em bị gọi mãi đến bây giờ. Mặc dầu có chồng con đầy đủ và van lạy chúng tôi đừng gọi là Thanh Ông nữa, nhưng nào có được! Nếu có biệt danh thì bạn bè sẽ nhớ hoài, còn như tên Thanh bình thường thì đứa ma nào thèm nhớ?!
Năm đó tôi học Anh Văn , bà Thành dạy. Tôi bị gọi lên đọc bài:
-What time it is ?
Tôi đọc là " Tim "
Bị đuổi về chỗ, cho một gậy và mắng :
-Tim tim, phổi phổi gì!!
Em Mỹ Điệp thì bị dị ứng với các bà giáo nói tiếng Huế. Bà Thành gọi em lên đọc bài. Bà nói cái chi em cũng đứng thộn mặt ra ngơ ngác- không hiểu trời đất gì cả! cũng bị đuổi về chỗ và bị mắng:
-Tập vợ chi mà bựn thịu...Em cũng được một gậy như tôi. Đúng là dở khóc dở cười!!
Tôi có thể đứng trong vườn nhớ và săm soi những kỷ niệm đẹp tuổi học trò. Cổng trường Trưng Vương là nơi tôi đã nhiều lần đứng một mình chờ vào lớp, hay chờ xe trường đến đón về. Cái hàng rào bằng sắt sơn Xanh, bãi cỏ xanh, hàng me gốc cây nâu trầm lặng, tiếng ve kêu rôm rả một góc đường. Có cô em bạn cùng trường, mặt mày sáng rỡ, đẹp như búp bê, đang hồn nhiên dùng cái nón rơm,chăm chú chụp bắt bướm! Đó là những năm học Đệ Lục. Tôi mơ mộng với những bài học giảng văn  " Giáng Kiều và Tú Uyên "
Hai em LƯU HẢO CHI và HUỲNH MỸ HOÀNG



           Thành Tây có cảnh Bích Câu
           Cỏ hoa góp lại một bầu xinh sao?
           Đua chen Thu Cúc Xuân Đào
           Lựu chen lửa Hạ, Mai chào gió Đông.


Hàng quà là đề mục mà ai cũng phải xen vào khi viết về Trưng Vương. Tôi chắc là chỉ khi còn học mấy lớp đệ Thất đến đệ Tứ, mới hay ra cổng trường ăn quà, chứ lớn hơn một tí, biết " ỏn ẻn thị điệu " rồi thì chắc cũng "bớt chút nào được chăng?"
Tôi đã từng nếm bò biá, bò khô ( húp dấm xì xụp), ăn đậu đỏ bánh lọt, và uống sirô kem! Sao ăn quà nó lại thú vị thế nhỉ? À vì nó chỉ ăn lưng lửng, không no, mà lại đãi ông thần khẩu chí tình, nên ai cũng thích!
Năm Đệ Lục, nhiều chuyện buồn cười. Em Vũ Thị Ngân đọc Difficult là Đít phi công, làm em Bích ngồi bên cạnh cười lên hinh hích, nên bị bà Phúc gọi lên phạt . Rồi bà Túy Nga bảo đem sổ điểm về cho thầy me ký tên, em Ngân bèn lải nhải: Thầy thì có chứ me thì còn phải trèo lên cây ! Ai ngờ cũng bị bà giáo nghe thấy, lại bị trừ điểm hạnh kiểm. Năm đó, cô giáo dạy vẽ là cô Thanh Thủy. Cô cho học trò vẽ tranh tự do để gởi đi dự thi Hội Họa Nhi Đồng Quốc Tế (1964-1965) Lớp tôi có hai em Đào Bích Liên Và Huỳnh Mỹ Hoàng, được các giải nhì và ba. Còn tôi thì vẽ dở ẹt nên đi nhờ anh hàng xóm vẽ dùm cho một đàn lợn, nhái theo hình của Walt Disney ! Tôi bị cô chê: Vẽ gì không vẽ, lại đi vẽ tranh lợn. May mà không bị gọi là tranh con heo! Tôi học
Văn bà Vượng, tôi thuyết trình truyện Thềm Hoang của Nhật Tiến, tác phẩm muốn nói lên hành động của mỗi người trong xóm Cỏ đó có liên quan ảnh hưởng đến nhau. Ở đó là xóm nghèo,nhiều nhưng mặt trái của xã hội. Sau đó đến em Nguyễn Thị Thuận, thuyết trình truyện "Cu Bé Ra Mà An Kẹo " chuyện Ba Giai Tú Xuất. Em Thuận buộc cục kẹo vảo sợi dây rồi lên kể chuyện hề! cả lớp cười ngặt nghẹo, nhưng sau đó, bị bà Vượng mắng cho một trận, lần sau em nào thuyết trình truyện gì thì phải cho cô biết trước, không được kể chuyện nhảm nhí!
Năm Đệ Ngũ, tôi đi học bằng xe đạp. Năm ấy bà Trâm dạy Văn. Buồn cười nhất lúc làm luận thi, em Bích nhớ lộn :
Ngày ba bữa vỗ bụng nhau bình bịch ( vỗ bụng rau )
Làm bà Trâm cười rung rinh cả người!
Đệ Ngũ, tụi tôi làm thơ lẩm cẩm gởi báo Sống cuả Chu Tử. Có Duyên Anh là anh Cả, tụi tôi là các BB(búp bê ) Cẩm Chướng( Bích Liên ) Hoàng Diễm Hạnh (Mỹ Hoàng) Uyên Ly ( Nguyễn thị Thảo ) An Khanh ( Hảo Chi). Tôi và em Thảo Uyên Ly còn lập nhóm Hoa Phượng TV, mà nhóm chỉ có hai đứa!
Năm Đệ Tứ, tôi trọ học ở nhà bác tôi, ngay đường Nguyễn Du. Tôi đi bộ đến trường. Tôi học văn bà Liên Dung. Có lần bài luận của tôi được đọc trước lớp, nhưng bà giáo bảo: " Đây, trong xứ mù thì thằng chột làm vua!" Ý bà chê tụi tôi dở, mà tôi thì đỡ dở hơn một bực ! Tôi mở bài : " Đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời.. " Em Thuỷ bèn hỏi tôi: Mày đứng  hồi nào sao không kêu tao với! Năm đó tôi có học những câu thơ chữ Hán của Nguyễn Công Trứ:
   
        Thị tại môn tiền náo
        Nguyệt lai môn hạ nhàn.


Nhưng em Thảo Uyên Ly đã sửa lại như sau:


        Thị bất tại môn tiền cũng náo
        Nguyệt bất lai môn hạ cũng cứ nhàn

TUL


Chợ mà không họp trước cửa, thì tụi em còn ồn hơn cả chợ. Trăng mà có không đến thì tụi em nhàn vẫn cứ nhàn!
Có những hôm được nghỉ hai giờ cuối, liền rủ nhau đi ăn bún ốc ở cửa Đông chợ Bến Thành, một đám năm sáu em thong thả tiến vào hàng quà,trong bộ đồng phục áo dài trắng tha thướt, làm các bà trong chợ hỏi nhau : " Bữa nay học sinh nó đi biểu tình ở đâu mà đông quá há! "
Đệ Tứ, học toán bà Diệu Linh. Lũ chúng tôi còn đi học thêm toán của Ông Bùi Hữu Đột. Ông dạy tụi tôi vẽ Parapol bằng cách nối các tọa điểm, điểm nọ nối điểm kia mà lại dùng thước! liền đem ra áp dụng, đang vẽ, bị bà giáo đi qua nhìn thấy, bà giơ tay xém nữa cú lủng sọ. Bà còn mắng cho là ngu xi, chết chôn chung một hố! À mà quên, năm đó học nữ công bà Trinh dạy, mà phải làm khuy vải khó bắt chết, chỉ có vài em may khéo làm đẹp, chấm điểm được mười chín, hai mươi. Em Minh Hà bèn mượn, rồi lấy giấy hoa dán hết chung quanh, chỉ chừa hai khuy vải như hai con mắt. Nào ngờ, bà giáo xé cái giấy hoa ra, thấy bài đã chấm điểm lên vải. Bà Trinh chỉ nhỏ nhẹ khuyên bảo, chứ không mắng như bà Diệu Linh!
Thấy tôi là đứa hay đa sầu đa cảm, năm đó bà Liên Dung cho tôi đi dự đám ma em Cẩm Xoàn. Em đi học bằng Velo Solex và bị xe nhà binh Mỹ cán chết. Tôi tiễn em Xoàn ra nghĩa trang , vì khu đất ở vùng sông rạch, nên huyệt bị đầy nước, vậy mà người ta kiêng giờ xấu tốt gì đó, đúng giờ, vẫn bỏ em Xoàn xuống. Tôi nhớ bố của Xoàn đứng khóc tức tưởi, tội nghiệp quá chời! Cẩm Xoàn mồ côi mẹ, và có bà mẹ kế với hai em trai nhỏ!
Năm đệ Tam, lớp trưởng vẫn là em Phạm Ngọc Thanh. Tụi tôi học sinh ngữ phụ là Pháp văn do thầy Phúc dạy. Lũ chúng tôi nói chuyện cãi nhau gì đó mà bị thầy gọi lên hết, lần lượt các em Lê Mỹ Dung, Nguyễn Phương Dung, Đào Phương Dung, Hùynh Mỹ Hoàng, Nguyễn Thị Thảo, Lưu Thanh Thủy, Lưu Hảo Chi, lên chia verbe hết cả đám. Em Lê Mỹ Dung, không nhớ bài vở gì cả, bị thầy mắng : " Thôi vể chỗ đi Phật Bà " Vì em đứng hiền từ như Phật !
Lưu Thanh Thủy
Thầy chắc sợ lớp trưởng lắm, vì khi nghe chuông reng hết giờ, thầy sắp ra khỏi lớp, em Phạm Ngọc Thanh te tái lên cất sổ điểm, sổ đầu bài, và tỉnh bơ nói : " Đến đây là chấm dứt giờ cuả ban Tùng Lâm " ! Tụi tôi nghe vậy thì sao lại không ồ lên cười khoái chí vì đã chọc ghẹo được thầy.
Thầy hay đến xóm nhà lá mà hỏi tội lắm, có lần thầy đứng ngay bàn tôi , hỏi em Thủy : Thầy chỉ vào môi cuả thầy : " C'est quelle colour ? "
Em Thủy gào lên : " La couleur est noir " vì thầy hút thuốc thì làm sao mà môi đỏ cho được ! Thầy vẫn chưa tha, hỏi tiếp, chỉ nền nhà: " Qu'est- ce- que- c'est? " Em Thủy lại nói: " c'est plafond " Thầy miả mai : Ai đi được trên trần nhà ? Có thầy : Thằn lằn. Từ đó em Thủy bị thầy gọi là thằn lằn.
Năm học Đệ Nhị, cô Mộng Ngọc dạy Công Dân. Học về các thể chế dân chủ trên thế giới, bọn tôi đặt nhiều câu hỏi mà chỉ có quốc hội các nước đó mới trả lời được tại sao? Cô Ngọc liền đáp:" Xin em đừng hỏi " Thì cả lớp ca lên : Hãy trả lời em đi cô ". Ôi vui sao cái thời niên thiếu ấy!

Đệ Nhị, sửa soạn thi tú tài một. Bọn tôi lo lắm, cắm đầu cắm cổ học. Tôi với em Hoàng thỉnh thoảng còn rủ nhau ra nhà thờ Đức Bà để hai đứa tụng Sử Địa, như tụng kinh! Cái gì cũng học thuộc lòng. Năm đó tôi le lói lắm, được chọn đi dự thi viết văn về phụ nữ, nhân ngày lễ Hai Bà Trưng. Tôi chẳng được cái huy chương nào cả, mà theo như lời Ông Đột thì tôi đáng được tặng cái mề đay sắt rỉ! Tức là dở lắm! về trau luyện lại đi. Tuy vậy, cũng được tặng một cây bút máy, có ghi ký tặng của tổng thống Thiệu . Ngày lễ Hai Bà, chúng tôi làm bích báo dán lên tường. Các em khác thì thi nấu ăn, làm bánh, cắm hoa. Gần tết thì chuẩn bị làm báo Xuân. Tôi được Hải Hậu, trưởng ban báo chí, mời vào ban biên tập báo Mê Linh. Tôi giữ
mục chọn Thơ. Năm đó, phát hành báo ra, bài cuả tôi trong ban biên tập còn bị kiểm duyệt hết một hàng. Mà viết cái gì thì làm sao mà nhớ nổi! Rồi lại còn đi bán báo. Tôi ở trong nhóm đến trường Hồ Ngọc Cẩn. Tôi đem báo vào lớp đệ Tứ. Các em nam sinh lúc đó cũng khá nhớn, và nhìn to xác hơn tôi. Sau khi được thầy cho phép quảng cáo báo nhà hay, đẹp, bài vở phong phú, nhiều thơ văn truyện ly kỳ như tiểu thuyết võ hiệp đường rừng. Bỗng một em giai dơ tay xin hỏi thầy:
_ Thưa thầy, chị này quảng cáo là báo hay, thì xin thầy nói chị ấy đọc cho tụi em nghe đi thầy.
Cả lớp cười ồ lên thích thú!
Tôi cũng xin phép thầy thưa rằng :
-Thưa thầy, tụi em chỉ đọc cho những người nào không biết chữ, chứ còn các bạn đây đã biết đọc cả rồi, thì xin các bạn mua dùm đi ạ!
Cả lớp lại cười ồ vì đối nhau chan chát.
Cuối năm 1969, tôi thi tú tài một xong, mẹ tôi dọn nhà lên Đalạt. Đúng mười năm sau. Một điạ chỉ mới ở đường Hai Bà Trưng. Tôi thích Đalat vì nhà đẹp , nhiều hoa cúc trắng để tôi đưa vào thơ những vần trau chuốt. Ngày ngày lại cuốc bộ đến trường, đa số học sinh Đalạt phải đi bộ. Tôi học trường Bùi Thị Xuân năm đệ Nhất. Cô em ngồi cạnh tôi tên Thu Hương, cũng là học sinh chuyển từ Trưng Vương lên, nhưng Hương chuyển từ năm đệ Tứ. Tôi học Triết ông thầy Võ văn Điểm, cũng là nhà báo bút danh " Người SàiGòn ". Tôi thích học triết. Tâm lý học, Đạo đức học. Định đề Socrat. Tôi học : Bản ngã là ổ rắn lục! và tôi làm thơ như sau :
 
         Ổ Rắn Lục
 
Khi tôi thấy mình
Ở mắt những con rắn xanh
Con ngóc đầu thè lưỡi
Con muá may
Con oằn oại
Tôi trốn sau gốc cây nâu run rẩy
Lũ rắn lục
Vẫn nghiệt ngã
Vây lấy tôi nhức nhối
Chúng mổ cắn và rỉa rói
Bản ngã
Ổ rắn lục sinh ra tôi oan trái.




Bản ngã trong tôi, một chút ươn hèn lười biếng, một chút kiêu ngạo, bất cần đời,vì biết rằng đời vô nghĩa, một chút buồn vì mặc cảm, chẳng chút gì vinh dự cho tôi. Trong tôi là ổ rắn lục và mong thoát khỏi bàn ngã. Những mâu thuẫn trong tôi là tình cảm, là lòng vị tha, là sự hiếu kính, là hy sinh, giúp đỡ gia đình, để rồi những phú giây còn lại với mình, mình chẳng có gì ngoài sự khinh bỉ cuả tha nhân! Tại sao lúc nào tôi cũng phải bẻ ra hai nhánh cho sự so sánh? Tại sao tôi yêu và biết là chẳng được gì nhưng lòng vẫn cứ yêu.


  Yêu chàng để được nhớ
  Yêu chàng để được buồn
  Yêu để mãi mãi
  Là người tình hờn
  Đi tha phương..
Hoa cúc trắng của Lộc

Học thi tú tài hai, liên miên ráo riết. Tôi theo học lớp luyện thi toán lý hóa với thầy Ẩn dạy trường Trần Hưng Đạo. Tôi ngổi bàn sát cuối, vì nhà xa, đi bộ lâu và đến lớp hay bị trễ. Lớp nhiều con gái học Bùi Thị Xuân. Ngồi sau lưng tôi có ba anh con giai học trường Trần Hưng Đạo : Lộc, Minh, Huy. Những giờ ra chơi mười lăm phút, tụi tôi ra sân chuyện vãn, trở vào lớp, tôi bị ba chuột đầu đen ngồi đằng sau lấy trôm ô mai bỏ trong hộc bàn!
Thấy mặt tôi ngơ ngác,ba ông còn cười lên ha hả! Thế mà lại thành mối tình học trò.
Một hôm, sau khi học xong, biết tôi phải đi bộ về khá xa nên Hương bảo tôi:  Chi ơi, tao thấy tên này đi về phía nhà mày đó, để tao nhờ nó nhe. Nói xong Hương bạo gan hỏi Lộc:
-Ê, Lộc Lộc , chở cô này về dùm đi!
Lộc đi xe HonDa 67 láng coong, đang rồ máy xe, thì bị hỏi quá giang. Lộc bèn đáp:
-Nhà ở đâu? Hai Bà Trưng hả? Mà Lộc không có đi về đường đó! nhưng mà thôi lên đây. Tôi tội gì không lên, vì đỡ phải đi bộ tới khoảng bốn mile. Khi về rồi, tôi cũng quên đi rằng đã có lần quá giang xe Lộc và dĩ nhiên Lộc biết nhà tôi. Kỳ thi Tú Tài hai xong, chúng tôi chờ kết quả, và ngày nào Lộc cũng đến nhà tôi chơi, bất kể mưa hay nắng. Chuyện vãn, đờn ca. Tôi đệm guitar và hát vài bản : Buồn Tàn Thu , Gởi gió cho mây ngàn bay...
Một lần đang đi bộ ra thư viện thì Lộc ở đâu thắng két lại bên cạnh. Lộc rủ tôi đến nhà Lộc chơi. OK. Lộc ghé tiệm bánh, mua bánh mì thịt nguội, butter, không quên một gói Caraven A, con mèo đen! Chắc muốn ra vẻ ta đây đã trưởng thành. Trên đường đi vòng vo trong núi, nhiều biệt thự thật đẹp, hoa nhiều và thiên nhiên tươi mát. Lộc hỏi tôi đoán xem nhà nào cuả Lộc ? Nào ai biết được? Cuối cùng tôi đến Biệt Thự Quỳnh Hoa.


            Dấu Sỏi
    Người dẫn ta bước vội
    Nên nghe lũ sỏi reo cười
    Thềm hoa một lối bóng chiều đưa
    Nắng vàng thẫn thờ bên nỗi u buồn cuả khói
    Áo nào buồn nâu mầu lướt thướt
    Dấu tình hờn, gởi gió nhớ muôn phương.


Biệt thự thật đẹp, nhưng không có người ở vì thiếu an ninh và xa phố chợ, chỉ có ông già gác gian ở đó trông nhà. Lộc mở mấy lần cửa, dẫn tôi đi thăm các phòng cao và đẹp. Lộc kéo hai cái ghế salon ra ngoài balcon. Rưả tay rồi hai đứa làm sandwich ăn. Buổi chiều chơi vơi, khói đốt lá quyện lên vương vấn, hạnh phúc nhỏ nhoi diễm tuyệt, tôi không nhớ đã nói những chuyện gì với Lộc, chỉ biết rằng buổi chiều đẹp và nên thơ. Bỗng Lộc bảo:
-Thôi mình về đi cô Chi ơi, chiều hôm tối rồi.
Tôi trở xuống dưới nhà, Lộc tìm cây kéo, cắt tặng tôi một bó hoa tươi thật đẹp, có nhiều hoa cúc trắng và hoa hồng đỏ thẫm. Tôi ngồi đằng sau, như ngồi trên một chuyến xe hoa. Tôi nhớ Lộc chạy ngang qua nhà chị Tuyết học cùng lớp, trước đôi mắt mở to ngạc nhiên của chị.


       Hạnh phúc tôi chở đầy chuyến xe
       Ngọt mát một ngày cuối Hạ.


Tôi và Lộc đều đậu hạng Bình Thứ! Lộc có vẻ không vui, vì muốn đi du học phải đậu cao hơn. Tôi về Saigòn ghi danh học đai học. Tôi có bài thơ tặng Lộc .
     
               Bàn Tay


  Móng tay vuông , bàn tay dầy,
  Ngón út của bàn tay phải để nhọn
  Ngón ân cần, ngón nũng niụ,
  Ngón chia xa
  Bàn tay êm ái ngủ trên mặt bàn phẳng lặng.
  Đôi tay vô cùng muốn tìm nhau
  Nhưng chúng không bao giờ gặp.
  Hương thơm từ đôi bàn tay ngát ra
  Như loài hoa quý
  Nở một lần.
  Vì những lần gặp nhau thật khó khăn
  Để có thể ngắm bàn tay nhau đượm mật.
  Em yêu bàn tay của anh
  Em gọi tên anh trong nỗi nhớ.


Dĩ nhiên tôiyêu vẻ bên ngoài của Lộc, bàn tay dầy, dáng cao, khuôn mặt đầy nam tính. Tôi yêu tình yêu của Lộc vì những chiều Saigòn đông đúc, Lộc ào đi kiếm tôi, khắp chốn quen biết để rồi mừng rỡ gặp nhau tại sân trường đại học. Tôi yêu tình yêu của Lộc, sau những giờ thực tập Vật Lý, Lộc đợi tôi ngoài cổng trường, dưới tàn cây Điệp bóng mát. Lộc chờ tôi cả giờ, mà tôi đâu có biết! Ôi những chiều trau chuốt nhớ Lộc. Aí tình trong sạch như hương Sen, không chút gợn bùn nhơ. Chưa dám một lần cầm tay, dù rất muốn, chưa dám ngỏ lời vì e thẹn. Chỉ tặng nhau những bài thơ, và tôi biết khi tôi làm thơ, tức là tôi thoát khỏi bản ngã. Dù thơ của tôi chẳng có gì đặc sắc, nhưng tôi hy vọng thoát ra để tâm hồn bay lên. Người thơ của
tôi là hoa, là mưa, là khói chiều là biển sóng. Vinh dự thay cho tôi, bản ngã ưon hèn sẽ chết đi, để nhú lên chồi nụ tinh anh của hoa đời. Tôi yêu Lộc với những hoa đời tinh khiết đó.
Cố quận một chiều mưa, mưa dạt dào, tiếng mưa nghe du dương trầm bổng, chẳng có gì phải buồnkhi nghe mưa rơi mà ngồi bên Lộc. Lộc ước có căn nhà lắp toàn bằng kính, để ngồi nhìn mưa rơi xuống mặt. Tôi ước có phòng làm việc với cửa sổ cao để nhìn xuống thung lũng hoa vàng, lối đi trải sỏi, và sẽ nhớ Lộc vô vàn nhiều như những viên sỏi trắng kia. Nhiều không đếm được. Tôi vẫn ao ước được một lần gặp lại Lộc. Vì chúng tôi đã lạc mất nhau sau chiến tranh. Tình yêu là ao ước, khát khao, vọng tưởng. Tôi vẫn nhớ áo len nâu cuả Lộc, nhớ đôi mắt linh hoạt, đôi môi nâu đỏ mỉm cười mừng rỡ khi gặp tôi. Tôi biết chẳng bao giờ gặp lại. Hình bóng cũ có bất chợt đuổi theo như đoạn phim Dr Jivago- Bất chợt thấy nàng Lara... Đuổi theo
và ngã qụy...


     Những cỗ xe tuần lộc
     Mang tình yêu đi xa
     Qua những miền băng giá
     Qua chuyện tình như hoa
     Cuả người và ta...


Thôi bay đi, những cơn mưa, những chiều nắng, những mảnh đời luân lạc. Giờ đây cô bé gái ngày xưa đi bộ đến trường, hay làm thơ than mây khóc gió, hay triết lý con ruồi, và hay tức lý, là tôi, vẫn muốn " Cho đi lại từ đầu.."
Con đường Hoàng Diệu ở Đalạt với em Tường Vân cạnh nhà.
Con đường đến trường tiểu học Bàn Cờ, với những hàng cây Sao cổ thụ. Tiếng hàng quà rao vây quanh lũ trẻ đứng ở cổng trường.
Con đường đến trường Trưng Vương trên những chuyến xe chuyên chở học sinh
Con đường đầy hoa mộng tuổi mới lớn với Lộc dạo nào và tình yêu học trò...
Cho đi lại từ đầu... Chưa đi vội về sau... ( Nhạc Phạm Duy. )
Những dấu yêu ơi, nhớ bao thuở ấy./.
   
                                  Lưu Hảo Chi.







No comments:

Post a Comment