Jun 15, 2013

CHA TÔI





 C H A T Ô I
 BICH QUY

Hình ảnh cha thương yêu ngày nào , được ví như người lái đò nhọc nhằn , can đảm đưa con thuyền gia đình tới bến bờ hạnh phúc, nay ông đã bình an, gác mái chèo thảnh thơi , bước vào tuổi Trời , quên lãng tuổi ĐỜI , quên lãng những ngày đã qua , thờ ơ những ngày sắp tới ..... phải chăng ,  chỉ còn tiếng sóng và ngọn dèn soi trên khuôn mặt sáng trong của người vợ trăm năm là hiện thực ?  ( TUL)


        Trước kia tôi đã viết về cha tôi nhưng với tôi, viết mãi
 về cha cũng không bao giờ là đủ. Nay cha đã hơn chín mươi
 tuổi rồi. Tất cả đã thay đổi dần dần, chậm chạp theo thời
 gian nhưng thật chắc chắn.

        Cha ít nói hẳn, mọi việc như chẳng còn làm cha bận
 tâm , ai muốn làm gì thì làm. Cha ngồi đó, nhìn như không
 nhìn, mọi hình ảnh cứ thế lướt qua . Tôi không biết được cha
 nghĩ gì hoặc là chẳng nghĩ gì hết. Đôi khi cha ngủ ngồi ,
 tôi khẽ nhắc cha lên giường nằm cho thoải mái thì ông lại mở
 choàng mắt ra, yên lặng. Cha cũng chẳng còn nghe rõ nữa nên
con cháu cứ việc ồn ào , hàng xóm cứ việc xây nhà, búa đập
 chan chát, máy chạy ì ầm, cha vẫn ngủ ngon. Mỗi tháng tôi
 đều tự tay cắt tóc cho cha, tóc cha cũng thưa dần đi theo
 ngày tháng nhưng vẫn không bị hói, nó chỉ mỏng đi thôi Tóc
 cha không bạc trắng xóa như mẹ tôi mà vẫn còn những sợi hơi
 đen nên trông toàn thể thì có màu xam xám, không đen hẳn và
 cũng không trắng hẳn. Gánh nặng thời gian làm lưng cha hơi
 còng xuống, đôi tai cũng đã chẳng còn thẳng với vai khiến
 cho đầu cha hơi chúi ra đằng trước. Những nếp nhăn đã hằn
 sâu trên gương mặt nhưng vẻ mặt của cha thật bình an, chẳng
 có gì làm cha buồn hay vui nữa . Tôi có cảm giác gánh nặng
 tuổi tác làm cha phải chịu đựng nhiều hơn , tuy ông chẳng có
 bệnh gì rõ ràng.

          Ăn sáng xong, cha hay ngồi ở cái ghế ngoài sân.
 Ở đó có chiếc bàn con với tờ báo mới hằng ngày. Ông đọc
 vài dòng chữ to rồi châm thuốc hút. Thuốc lá là thứ không
 thể thiếu. Mặc dù ông cũng biết chẳng tốt lành gì nhưng lỡ
 ghiền mất rồi. Cũng có đôi lần ông quyết tâm cai nhưng chỉ
 được cao lắm là một tuần, rồi lại đâu vào đấy. Trước đây
 ông tự ra đầu hẻm mua lấy thuốc. Chúng tôi biết thuốc lá có
 hại nên chẳng ai muốn "tiếp tay" cho ông. Cả nhà ai cũng tìm
 cách ngăn cản nhưng rồi đành chịu thua. Bây giờ ông không tự
 đi mua được, chúng tôi đành phải "cắn răng" mua để chiều lòng
 ông thôi. Chỉ lạ một điều đến giờ này thì phổi cha tôi vẫn
 tốt và chưa thấy cha ho bao giờ, tôi không hiểu tại sao nhưng
 thực tình trong bụng cũng rất lo. Tôi cũng phải cảm ơn Trời
 Phật đã "quên" không phạt cái "tội" hút thuốc của cha tôi như
 các bác sỹ vẫn cảnh báo.

           Bình thường cha hay ngồi ở cái ghế salon , nhìn thẳng
 ra cửa nhưng tầm mắt lại bị chắn bởi hai cánh cổng rào to
 nhưng qua chấn song cửa ông có thể thấy người ta qua lại trước
 nhà mình. Ông hay đưa tay vê râu lún phún ở cằm do chưa muốn
 cao. Có hôm ông ngồi bấm cây đèn pin nhỏ, chiếu loang loáng lên
 tường hay lên mặt người đối diện. Tôi chẳng hiểu ông làm thế
 để làm gì .

            Thỉnh thoảng tôi thấy ông cầm báo đọc, không đeo kính, tôi
 hỏi ông có đọc được không?
 thì ông bảo vẫn đọc được. Nhưng tôi đồ rằng ông chỉ đọc lướt
qua những chữ to thôi. Thật ra những dòng chữ to ấy nói về
 vấn đề gì thì cha cũng chẳng quan tâm. Mọi sự cứ như đi
 lướt qua ông. Ông ngồi đó nhưng ai vào ra ông cũng chẳng chú
 ý. Hình như mọi sự chú ý đều làm ông mệt mỏi nên không muốn
 cố gắng.

 .          Đôi khi thấy ông già bán vé số đi ngang, cha gọi mua.
 Ông bán vé số này đã già nhưng còn kém tuổi cha tôi nhiều.
 Dáng người thấp bé nhưng trông rắn rỏi vì đi bộ và dãi
 nắng dầm mưa nhiều. Ông đưa ra tập vé số , cha tôi chọn lấy
 vài tờ rồi móc túi đưa cả xấp tiền lẻ cho người bán vé
 tự lấy cho đủ số tiền mà chẳng cần biết họ lấy bao nhiêu.
 Khi nào ông bán vé số nói :"Đủ rồi" thì cha tôi lại cất số
 tiền còn dư và những tờ vé số vào túi . Hôm sau cha lại
 ngồi đợi ông ấy đến, đưa cuốn sổ nhỏ ra cho cha dò số nhưng
 cha lại móc túi lấy tất cả những vé mua hôm qua đưa hết cho
 ông này dò dùm , chỉ đến khi ông ấy bảo : "Trật hết rồi ông
 ạ" Thì cha tôi lại móc túi đưa tiền cho ông ấy để lấy mấy
 tờ vé khác. Cha chẳng bao giờ đếm tiền hay dò lại vé vì
 sau khi dò xong thì ông ấy bảo để vứt luôn cho cha. Tôi có
 thắc mắc thì cha bảo :"Phải tin người ta chứ" . Cũng có lúc
 ông vé số nói :" Kỳ này ông trúng được một trăm" . Đó là lô
 trúng thấp nhất trong các số trúng, tương đương với khoảng năm
 đô Mỹ hay mười tờ vé số mới. Cha tôi không lấy tiền mà đổi
 hết cả sang vé mới. Dĩ nhiên là chẳng thể nào lần sau lại
 trúng nữa. Tôi hiểu đó là cách ông muốn giúp cho người bán
 vé số kia

          Ngoài con cháu trong nhà thì cha cũng chẳng còn bạn bè
hay họ hàng đồng lứa với cha nữa để mà giao tiếp. Bạn bè
 ông lần lượt rời bỏ ông, rời bỏ trần thế đi xa. Họ hàng
 đồng niên thì có người theo con cháu ra nước ngoài sinh sống,
 trong nước chẳng còn mấy ai , lại ở quá xa ... Trước kia họ
cũng hay lại thăm cha tôi , thỉnh thoảng cha cũng lại thăm họ
 nhưng rồi đến một ngày cả họ và cha tôi chẳng còn sức đi
 thăm nhau nữa . Thế là gọi điện thoại hỏi thăm nhau vậy. Nhưng
 rồi đến gọi cũng thưa dần đi vì ch̉ẳng ai còn nghe ai nói gì
 nữa, ông nói gà , bà nói vịt, nghe chuyện Đông, nói chuyện
Tây, chỉ "Hử ? Hả?" là nhiều. Thỉnh thoảng con cháu ở xa có
 gọi điện thoại hỏi thăm thì ông cũng chỉ trả lời đến câu
thứ ba là chuyển máy cho tôi hay cho mẹ tôi nói chuyện tiếp.
Tôi hiểu là ông đã phải cố gắng vận dụng tai để nghe cho rõ
 và để nghĩ câu trả lời, tất cả đều làm cho ông cảm thấy
 mệt 

           Môt người em của cha tôi mới mất. Chúng tôi rất lo ông
 sẽ "sốc" khi phải báo cho ông biết tin này. Sau khi khéo léo
 trấn an vòng vo rồi mới báo tin thì cha tôi chỉ "Thế à?" rồi
 lại chìm vào yên lặng. Tôi chẳng biết cha yên lặng để nhớ
 đến em hay chẳng nhớ được gì vì chú tôi đã già lại ở quá
 xa mãi nửa vòng trái đất và đã lâu lắm chẳng có dịp về
 thăm lại cha tôi.

           Đến bữa cha vẫn ngồi vào bàn nhưng ăn rất ít, sới
 cho ông một chén cơm thì y như rằng ông với lấy bát của mẹ
 tôi và trút vào đó một nửa không cần biết là bát của bà
 đã đầy rồi. Có lần tôi thử sới nửa chén để ông khỏi mất
 công nhưng như một thói quen , ông vẫn sẻ cho bà một nửa không
 quan tâm là phần mình chỉ còn đúng một thìa cơm nhỏ. Có lẽ
 đó là cách biểu hiện yêu thương, chia sẻ của ông đối với bà
 mà ông chỉ có thể thực hiện được đến thế. Cha tôi thích ăn
 cá rán dầm nước mắm nhưng bây giờ xem ra ông cũng hờ hững cả
 với món này.Tôi đã phải gỡ xương , gắp vào bát ông nhưng ông
 lại bỏ ra. Ông cũng tỏ ra khó chịu khi con cháu quan tâm thái
 quá , gắp đầy thức ăn vào bát ông. Chẳng nói gì, ông chỉ
 lặng lẽ thôi không ăn nữa và đứng dậy. Có khi ông cố tình
 "ợ" lên để chứng tỏ đã no lắm rồi, đừng có ép nữa. Ông
 thích ăn gì thì cứ để ông tự lấy.

            Mẹ tôi đã tám mươi sáu tuổi, vẫn rất thích đi chơi thăm
 bà con họ hàng. Mỗi lần bà đi vắng ông hay ngồi ngó ra cửa
 chờ cho đến khi bà về. Ông có thể ngủ ngồi nhưng không chịu
đi nằm. Đôi khi bà đi chơi quá bữa thì ông vẫn đợi bà về ăn
 cùng. Hình như có bà thì ông ăn mới ngon.Tôi cảm thấy như ông
 chỉ còn quan tâm đến bà thôi, con cháu ông cũng chẳng nhớ
 hết được và chỉ còn bà là luôn cận kề bên ông . Đôi lúc
 tôi cũng thấy buồn cho mình vì là con mà lại "gãy gánh
 giữa đường" chẳng được diễm phúc như bà. Nhưng tôi lại
cũng mừng vì qua cả lễ " Kim cương" kỷ niệm năm mươi năm
 ngày cưới đã lâu mà cha mẹ tôi vẫn còn gắn bó với nhau.

           Ông hay ngồi xem ti vi với cái điều khiển trên tay nhưng
 hình như ông cũng chẳng xem được một chương trình nào mà
 chuyển kênh liên tục. Mỗi kênh chỉ dừng lại xem vài hình
 ảnh rồi chuyển qua kênh khác. Hình như tin tức thời sự, ca
 nhạc hay phim truyện chẳng còn làm cha phải bận tâm. Hình ảnh
 trên ti vi hay mọi sự diễn ra chung quanh chẳng mảy may làm cha
 chú ý.

           Sau lần ngã từ trên giường xuống đất, chỉ bị trầy
 sước và ê ẩm, may mà không sao vì giường thấp và chúng tôi
đã để sẵn cái gối êm rất to ngay chân giường. Vẫn còn đau
nên ông chỉ chịu chống gậy vài ngày. Dáng ông liêu xiêu, di
 chuyển một cách chậm chạp , khó nhọc nhưng ông vẫn cố gắng
 đi . Hình như cây gậy làm ông vướng víu và mất "tư thế" hơn.
 Lúc mới bỏ gậy, ông lần vào tường, vịn vào thành ghế, rồi
 ông cố gắng đi chậm từng bước . Ông dùng cái khung chữ U để
 di chuyển...Tôi thấy ông chẳng khác chi đứa bé mới tập đi,
 lẫm đẫm, lẫm đẫm... rồi ông cũng đi được một mình. Không
 những thế cha tôi còn vịn và leo cầu thang lên xuống. Chúng
 tôi kê giường dưới nhà nhưng chỉ được mấy ngày , khi chân đỡ
 là ông lại lên lầu. Ông quen thuộc với chiếc giường của mình,
 ở đó bà vẫn chuyện trò với ông ...

           Cha tôi rất thích nước hoa, nhất là loại nước hoa của
 Pháp hay để trong nhà tắm. Mùi nước hoa đàn ông dịu nhẹ cho
người ta cái cảm giác sạch sẽ , thơm tho. Thế rồi đến một
 ngày cha không thể tự tắm được nữa mà chỉ còn sức để lau
 rửa một chút thôi. Hóa ra cha không cúi người xuống được và
 tôi khám phá ra cha hay bôi nước hoa để át cái mùi mồ hôi
 nhưng hai thứ này quyện vào nhau làm thành mùi rất khó ngửi.
 Thế là tôi phải tự tắm cho cha hằng ngày. Lúc đầu ông cũng
 ngượng ngịu không cho vì ông chẳng có con trai mà nhờ. Biết
 thế, nên tôi trấn an :" Bố đừng ngại, con có hai con trai nên
 biết cả rồi " . Ông buồn cười quá nên từ đó mới để cho tôi
 tắm rửa dễ dàng. Mỗi ngày được tắm rửa sạch sẽ cha cảm
 thấy dễ chịu hơn. Tôi thấy da ông mỏng như tờ giấy kiếng,
nhìn rõ cả gân xanh ngoằn ngoèo. Thử nhấc chút da lên là
 thấy ngay xương chẳng khác chi cái cây già quá thì cứ khô
 dần đi. Mỗi khi đã nằm rồi thì ngồi dậy cũng thấy khó khăn
 cha phải tự xoay trở, chống tay rồi mới ngồi dậy được.
 Đã ngồi rồi mà phải đứng dậy thì phải cố gắng bám hai tay
vào thành ghế và đu người lên lấy đà mới nhấc người đứng
 dậy được. Tôi có cảm giác xương cốt cha cứ lỏng lẻo dần
 ra....

             Người ta càng lớn tuổi lại càng gần giống như trẻ thơ,
 ngơ ngác, chậm chạp nhưng trẻ thơ có cái dễ yêu của nó
 khiến người ta dễ nựng nịu , cưng chiều còn với người già
 thì lại phải cung kính, giữ lễ kẻo họ dễ tủi thân nên người
 ta cứ "kính nhi viễn chi" chẳng dám gần gũi nhiều. Tôi
 thương cha lắm, dẫu đang trong cảnh " cha già, con lão" tôi vẫn
cố gắng chăm sóc cha dù đôi lúc cũng không tránh khỏi mỏi
 mệt. May mắn cha cũng còn mẹ tôi để thỉnh thoảng chuyện trò hay
 nghe bà cằn nhằn vì "lẩn thẩn" như mẹ thường nói.

              Cha gầy lắm so với chiều cao của ông. Có lần ông
 mở cổng đứng ngó ra đường, hôm ấy gíó to làm cha ngã ngồi
 vào cả chậu hoa, may mà không sao, chỉ dập nát mấy hoa mười
 giờ êm ái. Bây giờ thì cha chẳng dám ra khỏi cổng nữa, chỉ
 loanh quanh trong nhà và vuông sân trong cổng thôi. Ông di
 chuyển một cách châm chạp, đi lẫm đẫm như đứa trẻ mới tập
 đi...Ông ngồi đó nhưng có ai gọi cửa thì ông cũng không nghe
 hoặc có nghe thì cũng chẳng muốn đứng dậy mà có cố gắng
 đứng được dậy thì chỉ vài bước ra đến cổng cũng như người
 ta phải đi được quãng đường dài....Tôi có cảm tưởng ông Trời
thu lại dần dần những gì đã ban cho con người ta từ lúc sinh
 ra, lớn lên và cũng lấy lại một cách từ từ chắc chắn. Đôi
khi Trời cũng chẳng thu lại từ từ mà ngắt ngang với trăm
 ngàn lý do....

              Tôi cố gắng trồng những chậu hoa thấp bé, dễ mọc để
 cha chăm sóc, tưới cây, bắt sâu, nhổ cỏ....như bao người già
 khác nhưng cha cũng chẳng buồn nhìn đến.
Tôi hay hỏi chuyện cũ khi cha còn đi làm thì cha có vẻ còn
 nhớ đến những người đồng nghiệp của mình. Rồi lại ngơ ngác
 vì chẳng biết được bây giờ họ ở đâu. Cha chỉ nói :"Tứ tán
 hết cả rồi" . Tôi cũng ngậm ngùi nhớ đến các bác đồng
 nghiệp của cha. Bác nào cũng vui tính, ưa pha trò. . Thuở
 ấy cha tôi và các bác ấy còn trẻ trung hơn cả tôi bây giờ.
 Họ cùng làm việc và thân thiết với nhau như anh em. Cùng đỡ
 đần nhau khi hoạn nạn, cùng chăm sóc nhau khi ốm đau. Nhà nào
 có gì vui hay buồn thì đều chia sẻ cho nhau. Bây giờ mỗi
 người một hoàn cảnh, một phương trời xa, chắc chẳng bao giờ
 còn thấy nhau...

              Tôi lại nhớ những ngày còn ấu thơ, cha hay chăm chút cho
 mấy chị em. Tôi đã từng được cha dắt vào tiệm cắt tóc. Tôi
còn nhớ đó là kiểu tóc tém , tôi không thích lắm nhưng cha
 bảo : "Cắt ngắn cho mát, tóc con dài quá ". Thỉnh thoảng
 cha cũng đưa mấy chị em đi Sở Thú hay đi xem phim và thường
 là phim hoạt hình. Tuy vậy cha cũng rất nghiêm, đứa nào làm
 lỗi cũng bị cha quở mắng , thậm chí phết roi .Tôi còn nhớ
 ngày bé, có bác hàng xóm mang bánh bác ấy làm lấy sang
 biếu nhà tôi, thế là tôi cứ ỉ ôi đòi ăn ngay. Chắc là cha
 ngượng lắm, nên đến lúc bác ấy về , cha đã phết cho ba roi
 quắn ...mông vì cái tội "lếu láo" này. Có vậy mà tôi cứ
 nhớ mãi... Đến lúc trưởng thành thì cha lại lo lắng chọn
 nghề nghiệp, rồi công ăn , việc làm và cả chuyện... lấy
chồng nữa. Dạo ấy tôi vừa mới ra đi làm thì một hôm cha đưa
 về nhà một anh chàng mà cha nói là cùng làm trong sở của
cha. Trông chàng cũng tuấn tú, khôi ngô . Sau khi gọi tôi ra
 rót trà và giới thiệu với tôi thì cả chàng và tôi đều
 bẽn lẽn ngồi im trong khi mấy đứa em tôi lấp ló sau khe cửa
 nín thở theo dõi. Rồi chàng cũng hỏi tôi được vài câu, tôi
cũng lí nhí đáp lại mà chẳng nhớ được mình nói gì. Được
 một lúc thì tôi đứng dậy chào và rút lui vào phòng trong.
 Mấy đứa em rì rầm :"Ủa, sao không thấy chị nói gì vậy?" -
"Biết gì đâu mà nói" . Sau đó chàng cũng lặn mất tăm, có
 lẽ tại tôi vô duyên, không hợp nhãn chàng? Song chị em tôi
 cứ buồn cười mãi chuyện làm mai của cha tôi. Chúng tôi nói :
 "Cha cứ để chúng con tìm lấy, cha không phải lo đâu". Cha không
 nói gì nhưng tôi biết trong lòng cha rất lo với " giàn mắm năm
 hũ treo đầu giường" .

            Thế rồi chị em tôi cũng lần lượt lập gia đình chỉ
 trừ lại một em... dành cho ông bà. Ông bà ngoại lại tất bật
 với lũ cháu nhỏ. Nhưng tôi thấy ông bà rất vui vì chẳng còn
 phải lo lắng như xưa....Nhất là lo bị "bể hũ mắm". Đó là do
 các bác hay trêu cha mẹ tôi vì thấy nhà tôi chỉ toàn con gái
 chứ tôi biết với sự dạy dỗ cẩn thận của cha mẹ tôi thì
 chẳng đứa nào dám làm cha mẹ buồn. Bốn đứa yên bề gia
 thất làm cho ông bà cũng thấy như mình xong "nghĩa vụ" với
 các con tuy đôi lúc cũng tỏ ra áy náy chuyện em Nhị chưa
chịu sang ngang. Trước kia em cũng có vài người để ý nhưng em
 hơi khó tính, kén chọn nên tuổi xuân dần trôi qua lúc nào ...

             Trải qua bao nhiêu biến cố thay đổi ngoài xã hội. Cha
 tôi cũng lắm phen điêu đứng, nhọc nhằn nhưng cha chẳng than
 thở, lúc nào cũng tìm cách vươn lên . Khi còn làm công chức,
cha rất chăm chỉ, mẫn cán và giỏi chuyên môn . Thế rồi đất
 nước thay đổi thể̉ chế, cha mất việc , mất cả lương hưu.

            Tất cả lại bắt đầu từ đầu . Vậy nhưng có lúc người ta rủ
 cha bỏ đi xứ khác thì cha lại cương quyết chối từ. Đã có
 lúc chúng tôi thầm trách cha sao chẳng như người ta nhưng rồi
 ngày tháng dần qua, chúng tôi lại thấy cha có cái lý của
 cha. Không thiếu những người bạn của cha ở nơi xa về thăm
 lại mong mỏi được cuộc sống như cha bây giờ, luôn có con cái
cận kề chăm sóc. Không ít những người bạn của cha già yếu
 được con đem vào viện dưỡng lão nhờ chăm sóc vì họ còn bận
 rộn đi làm. Vật chất thì chẳng thiếu nhưng lại buồn tẻ, cô
đơn...Cũng chẳng thể trách ai được vì hoàn cảnh nó thế,
 biết làm thế nào...

             Lúc đầu cha cũng rất hụt hẫng, đau buồn nhưng rồi
 nhìn đàn con đang tuổi ăn, tuổi lớn , cha chẳng ngại ngần
 hay sĩ diện sẵn sàng tìm đến những công việc nhỏ nhất như mua sữa về
 làm yaourt để bán hay nhận làm sổ sách kế toán cho người
 ta. Dạo ấy khó khăn, đường xá cách trở, vậy mà cha cũng
 không ngại đi xa, có khi cả tuần mới về nhà, chỉ nghỉ đôi
 ngày rồi lại tất tả ra đi. Cha đã cho chúng tôi thấy là cứ chịu khó
 làm việc một cách lương thiện, chăm chỉ thì rồi cũng có
 ngày khá lên. Làm việc gì cũng phải làm đến nơi đến chốn
 và làm hết trách nhiệm của mình. Cha cứ cần mẫn , cặm cụi
 cùng mẹ nuôi dạy chúng tôi khôn lớn, nhất là không vì khó
 khăn mà bỏ dở chuyện học hành.

             Cha như ông lái đò đưa đàn con đến bến bờ thì chỉ
 muốn buông chèo gác mái , chẳng thiết tha điều gì nữa. Chị
em tôi cũng cố gắng giữ mọi sự yên ổn cho cha khỏi bận tâm lo
 lắng vì bất cứ điều gì. Những biến động chung quanh về giá
 cả đắt đỏ, đời sống ngày một khó khăn, có thể xem báo hay
 ti vi cha cũng biết nhưng may là cha không tỏ ra quan tâm hay hỏi
 han nói chuyện về điều này, điều nọ.. Tự cha không muốn cố
 gắng làm việc gì nữa. Chẳng muốn quan tâm đến điều gì nữa
..Mặc dù trước kia cha là người rất năng động chẳng chịu
 ngồi yên...Hình ảnh và thời gian cứ trôi đi như thế trước mắt
 cha... Dù biết cuộc đời là vô thường nhưng tôi cứ thầm cầu mong cha
  luôn luôn được an lành như một cây cổ thụ tỏa bóng mát cho tất cả
  gia đình chúng tôi.

4 comments:

  1. Mời các bạn ghé thăm ĐSTV nhân ngày lễ Father's day ., cùng với Bích quy chúng ta hướng tới tình yêu cao cả của những người Cha trong cuộc đời này ....hình ảnh cha thương yêu ngày nào , được ví như người lái đò nhọc nhằn , can đảm đưa con thuyền gia đình tới bến bờ hạnh phúc, nay ông đã bình an, gác mái chèo thảnh thơi , bước vào tuổi Trời quên lãng những ngày đã qua , thờ ơ những ngày sắp tới ..... duy nhất chỉ còn tiếng sóng và ngọn dèn soi trên khuôn mặt người vợ trăm năm là hiện thực .

    ReplyDelete
  2. Anh Thư viết về cha mình hay và đầy đủ quá,tuổi già mà được con gái chăm sóc kỹ lưỡng rất là phước hạnh. Ở tuổi trên 90 mà hai bác vẫn còn đi lại được như thế thật quý, mong bác sống vui khỏe hơn 100t.
    Thân

    ReplyDelete
  3. Anh Thư viết đúng về cha, không sai một ly!! Thanh thường đến nhà Thư nên thấy Thư "tả" về Bác rất hay và trung thực!!! Cho đến bây giờ Thanh vẫn còn phục Bác vì mới hôm kia,khi Thanh gọi điện thoại đến nhà, Bác đã bắt máy và còn hỏi Thanh là cháu hỏi Anh Thư hay Kim Thư? ( tên hai chị em của Thư)!!!Từng này tuổi mà Bác nghe được như vậy là...quá siêu đấy!

    ReplyDelete
  4. Bai viet cua Anh Thu rat hay va rat chan tinh mo a! Cau " giàn mắm năm hũ treo đầu giường"... lam H buon cuoi qua! dang le phai la "Ngu Long Cong Chua" chu!
    Cau "Cha như ông lái đò đưa đàn con đến bến bờ thì chỉ
    muốn buông chèo gác mái , chẳng thiết tha điều gì nữa..." lam H cam dong qua! Cam on mo...

    ReplyDelete