Jun 4, 2013

VẪN CÓ BA BÊN ĐỜI.

TUL


               Nhắm mắt lại , con vẫn còn nghe tiếng gió bên tai , cảm được cái mát lạnh của không khí phả trên mặt,  những ngày còn bé mặc bộ quần áo trắng , tóc bum bê , đứng trong lòng ba hai tay vịn vào cái ghiđông xe ...cứ thế hai cha con mỗi sáng chủ nhật hay ngày nghỉ lễ cùng bon bon trên chiếc xe vespa màu xanh chạy ra chợ quận ăn sáng rồi mua đủ các thứ về cho má làm cơm. Con còn nhớ những con tôm hùm thật to , những con cá còn tươi nguyên , những hộp patê chiếc bánh bao nóng hổi , những trái mãng cầu dai ngọt lịm to bằng cái chén , những cái bánh bông lang ....con nhớ má đã hấp những con tôm đó lên , bóc vỏ nằm hồng hào trên đĩa , còn ba lấy trứng gà và dầu olive với tỏi đánh sốt mayonaise...rồi bữa ăn được bày lên với bánh mì nóng dòn..
              Con vẫn nhìn thấy ánh đèn vàng từ trên trần tỏa xuống phòng khách ấm cúng những buổi tối ngày lễ tết đầy kỷ niệm, con nhớ màu mật óng của ly rượu champagne, và bánh thơm có những hạt đường lóng lánh, con thấy cả những trái đào cắt đôi , màu vàng đậm khi ba mở hộp đào ra cho vào một tô thủy tinh có thêm những cục nước đá trong suốt.
              Con không quên những lần đi chơi sở thú , hai cha con lang thang suốt ngày chuồng khỉ , chuồng voi , kìa hươu nai , kìa sư tử , kìa con công đẹp quá ...cho tới khi con mệt nhoài ngủ gục trên vai ba. Tuổi thơ hạnh phúc sung sướng của con đã khắc sâu hình ảnh ba trong tim con. Nhà đông anh em, sau con là hai đứa em trai , nên khi con lớn lên một tí thì ba nhận con là công chúa của ba, con lại là con gái út , đứa con gái nhõng nhẽo với ba nhiều hơn với má. Những chiều ba đi làm về , khi xe ba vừa lên khỏi con dốc chạy vào trong sân là con đã chạy ra để ôm ba . Có lần con đã quá mừng rỡ ùa vào lòng ba , đâu ngờ làm chiếc bút chì nhọn hoắt trong túi áo ba bật lên đâm vào vai đau điếng  , vậy mà lúc đó ba  vẫn ôm con như không sao hết.
               Khi tới tuổi đi học , chúng con lần lượt đều được ba gửi đi Sài Gòn và ở với ông bà nội . Khi tới lượt chị kế con đi học xa thì ba quyết định để mẹ đi theo luôn . Lúc này con đã có tất cả 5 anh em , bốn chị em gái chỉ một anh trai duy nhất . Anh đứng thứ hai trong nhà nhưng anh ốm đau luôn , hết bệnh này tới bệnh kia, con biết ba buồn lắm . Khi con ra đời ba hồi hộp không dám vào nhà thương , ba ở nhà chờ anh người làm về báo tin , anh này biết ý ba mong con trai nên khi ba đón anh và hỏi:
               _ mợ ..trai hay gái?
anh đáp :
               _ lại em Thủy!
tội nghiệp , anh cảm thấy khó nói , đã trả lời như thế để tránh khỏi phải nói sự thật là "mợ lại sinh con gái". Chị Thủy hơn con 3 tuổi. Ngày đó con đã không hiểu nổi tại sao chị cứ khóc suốt ngày. Chị sợ tất cả , cái gì chị cũng chê dơ , chê bẩn . Ai làm cái gì mà chị nghĩ có thể gây ra bụi bậm hoặc làm uớt , làm dơ bất cứ gì chung quanh là chị khóc liền . Chị khóc hết nước mắt nhưng không muốn nín và cứ thế ti tỉ đếm tên chị vú em ....một con Thêm , hai con Thêm ...cứ vậy mà khóc suốt buổi . Con biết ba rất ghét cái tính đó của chị nhưng không biết làm sao, đành phải lờ đi nên tấtcả tình thương ba dồn cho con vì con bé nhất và không khóc nhè bao giờ. 
               Khi má và chúng con đi xuống SàiGòn thì ba ở trên đó một mình , từ Bình Long cho tới gần biên giới Cămbuchia. Ba đã mua đất , phá rừng mở đồn điền trồng tiêu , ba có giấc mộng lớn. Thời gian đó má dì lên đi xuống Sài Gòn vừa chăm các con vừa lo cho Ba. Mỗi lần như thế con đều theo má lên thăm ba, nhưng thường thì ba chạy xe về SàiGòn. Con vẫn chưa đi học chỉ ở nhà quanh quẩn với má thôi.


                Con nhớ rõ ngày ba đem thằng Khánh về, một ngày rất đẹp trời ba chạy xe lên giốc vào sân con thấy có thằng nhỏ đứng trong lòng ba, đứng ngay chỗ của con , nó cũng vịn ghidông xe ba như con vậy và đặc biệt là nó giống ba như hai giọt nước. Thằng nhỏ giương đôi mắt tròn xoe lên nhìn con, con cũng ngỡ ngàng nhìn lại nó. trong đầu óc ngây thơ của con , con không biết từ đâu nó tới? Đó là ngày đẹp trời duy nhất trong đời , con có ba nhưng lại không dám chạy đến .
Không biết ba đã nói gì với má trước đó? không biết ba có tạ tội với má hay không? nhưng mấy ngày đó má nằm lì trong phòng , con còn bé nhưng con hiểu cái gì đó không ổn lắm đã xảy ra. Rồi sau đó con được ba dạy rằng nó là em con , ba luôn hỏi con:
               _ con có thương em con không?
và ba nói tiếp;
               _ con nói "có" đi ....con thương em.

               Thằng Khánh bắt đầu làm quen con , chúng con bắt đầu chơi chung nhưng con vẫn chưa thương được nó, nhất là mỗi lần đi đâu với ba , con không còn được đứng đàng trước -chỗ đó bây giờ là của nó và con phải ngồi đàng sau trên cái ghế riêng cột chặt vào xe cho an toàn. Con phải nhường nhịn nó đủ thứ , ba thương nó hơn tất cả . Một hôm vì" giận giữ" nó đã chiếm hết chỗ trong tim ba , con đã tát nó một cái , đánh nó xong con khóc như mưa vì hối hận nhưng nó thì không , chỉ giương đôi mắt lên nhìn con rồi thôi.
               Con không ngờ sự giận giữ của con lại có kết quả tốt, ba đi làm về luôn ôm con truớc, bên tay phải , rồi mới tới nó, bên tay trái . Ba bế một lúc hai đứa , ba hôn một lúc hai đứa . Tối đến ba cho hai đứa nằm chung với ba , ba hát và kể chuyện cho chúng con nghe . Ba làm chúng con cười không dứt. Con nhớ nhất trò chơi radio , ba ngồi trên giường trùm kín chỉ lộ ra 10 ngón chân, con và nó thay nhau sờ những ngón chân của ba , vặn tới vặn lui ...đổi đài hay điều chỉnh âm thanh lên xuống to nhỏ ...ba ở trong cái mền nói và diễn đủ thứ trò .....cho đến khi ba cha con mệt nhoài lăn ra ngủ, con hay chui vào nằm giữa để được ba ôm.

               Thằng Khánh với con bằng tuổi nhau , nó chỉ nhỏ hơn con một tháng. Ba dạy nó phải gọi con là chị , xưng em . Nó và con dần lớn lên bên nhau , học cùng trường , chơi cùng trò với các bạn trong xóm. Nhưng con luôn làm mặt già dặn hơn nó và thích nói tuổi mình lớn hơn để đừng ai thắc mắc " sao hai chị em lại sinh cùng năm?. Con không muốn bất cứ ai nhắc đến chuyện đã làm má buồn , hơn nữa một ý thức mơ hồ nhưng mãnh liệt rằng con phải bảo vệ hình ảnh của ba, gương mẫu khả kính và duy nhất . Điều đó không thể lay chuyển trong con.
               Con bắt đầu thương thằng Khánh từ lúc nào không biết , nhưng con luôn tìm cách bảo vệ nó mỗi khi nó bị đòn vì làm biếng học hay hư hỏng này nọ. Con luôn nhận tội cho nó , rằng con đã phá hư cái này cái kia, rằng con đã xúi nó trốn học để lên đồi hái trái chà là cho con vv...nó leo cây giỏi lắm , bày trò chơi cũng thật khéo . Hai chị em đi đâu cũng có nhau, ngay cả khi con lớn lên có bạn ở trung học , chúng con mùa hè đi biển với nhau , thằng Khánh cũng đòi đi theo con không cho vì nghĩ bạn con đều là gái , vậy mà khi tới Long hải , nhìn lại đã thấy nó đứng ngay sau lưng, cho tới bây giờ con vẫn không hiểu bằng cách nào nó đã theo con từ Sảigòn ra tới Long hải mà con cũng như nhóm bạn không hề hay biết.
                Khi con thi đậu vào đệ thất TV năm 1963 với hạng 80 , ba đã cho con phần thưởng xứng đáng , nhưng ba buồn lắm vì thằng Khánh không đậu hơn thế nữa nó cũng không cho đó là quan trọng . Khi con thi tú tài thì thằng Khánh đã đăng lính pháo binh. Nó làm những gì nó muốn và không bao giờ chịu suy nghĩ trước. Nó đã làm vỡ tất cả nhất là giấc mơ của ba khi mang nó về, từ lúc có nó ba say mê làm việc hơn nữa, vườn tiêu của ba đã gần tới ngày thu hoạch. Tài sản đó ba yên chí dành cho các con và nhất là thằng Khánh, nó không học được thì ba mộng nó sẽ thay ba săn sóc công việc sau này. Thế mà nó từ chối tất cả để vào lính. Khi mùa hè đỏ lửa 1972 , thằng Khánh đang đóng quân ở An lộc, trận chiến dữ dội kéo dài mấy ngày đêm, VC pháo kích cháy đỏ vùng trời An Lộc, nội bất xuất ngoại bất nhập , An Lộc tử thủ với tướng Lê Văn Hưng ..., con nghe ba nói với má giọng nghẹn ngào:
               -Nếu có gì xảy ra ..tôi xin cho nó chết hơn đừng để què cụt......
nhưng nhờ Trời phù hộ , thằng Khánh đã trở về lành lặn ngay buổi chiều hôm đó , buổi chiều mà ba tuyệt vọng nhất thì thấy nó hiện ra ở cửa . Con nhớ ba đã chạy ra ôm choàng lấy nó và lần đầu tiên con thấy ba khóc , những giọt nước mắt mừng rỡ và tạ ơn. Hỏi ra nó đã lấy phép đi chơi mấy ngày khi trở về đơn vị thì An Lộc đang bị bao vây nên nó không thể vào được đành quay lại Sài Gòn. Vậy mà nó đã không hề báo cho nhà biết để ba đã quá lo lắng.
                Con không nhớ rõ nhưng được nghe kể lại , khi con và thằng Khánh lên 3 tuổi , má có mang em bé , ngày má sinh em ba bình tĩnh dắt con và thằng Khánh vào thăm. Ba không phải hồi hộp trốn ở nhà chờ tin như khi con ra đời vì ba đã có thằng Khánh "làm vốn " . Thêm một thằng con trai ra đời , đặt tên là Quốc, ba vui mừng cám ơn má và nói:
Thôi trai gái đủ cả rồi , cho má mày "nghỉ " nhé.
Con vẫn còn nhớ nụ cười hiền hòa của má hôm đó.
                Rồi con lên đại học, đó cũng là thời gian con có những khao khát để viết , con xuất bản truyện dài và sau đó một tập truyện ngắn , ba là độc giả đầu tiên của con, con nhớ ba nói:
                _ Từ lâu ba ao ước có đứa con ..biết viết văn ...không ngờ đó lại là con.
                 Chiến cuộc mỗi ngày mỗi leo thang khốc liệt hơn , cho đến cuối năm 1972, con chứng kiến một kỳ nghỉ dài ngày của ba ở SàiGòn . Con nghe ba kể cho má nghe vụ ba bị VC bắt vì chúng tình nghi ba làm "tay sai" của Mỹ ngụy , do thám tình báo vv vì vườn tiêu của ba gần với đường mòn HCM. Ngược lại phe công hoà lại đổ tội cho ba có ý mở rộng vườn tiêu để tiếp tế cho VC...cứ thế bên này thả ra thì bên kia bắt lại , biết không thể làm ăn được nữa , ba bỏ tất cả về lại Sài Gòn.
                   Từ đó gia đình sống bằng tiền dành giụm từ trước của ba má . Khi tiền gần hết thì bà chị lớn nhất của con vừa ra dược sĩ và ông anh "yếu đuối" thi đậu vào thẩm phán tòa quân đội đang thực tập ở số 5 bến Bach Đằng. Hai người con lớn đứng ra thay thế ba là nguồn tài chánh của gia đình, tạm để ba yên chí .
                 Nhưng vấn đề không chỉ như vậy, ba - một nguời đã từng làm ăn không kém ai nay trói chân ở Sài Gòn. Công việc làm ăn đành bỏ bê , tài sản đầu tư mất hết một sớm một chiều đã làm ba buồn không ít . Tội nghiệp , ba ở nhà lo dọn dẹp còn lôi quần áo của má ra giặt, ba làm tất cả để má được nghỉ ngơi. Con còn nhớ tấm ảnh ba ngồi bên con cọp khi ba còn rất trẻ vào một buổi đi săn gần sông bé. Nhò ba hay đi săn với những người thượng nên ba biết đường đi nước bước cũng như đầu nguồn , cuối nguồn sông bé về đâu? nên vào năm 1973 khi VC đón bắt ba trên đường mòn , ba đã bỏ xe lại bơi qua sông bé , trốn cùng với người thượng rồi thoát về Sài Gòn.
                Câu chuyện càng buồn hơn khi thế giới tù túng đó của ba cuối cùng cũng xụp đổ , ngày 30 tháng tư năm 1975 khi Cộng sản tràn vảo Sàigòn, ba đã thẫn thờ như người mất trí , con trai lớn đi học tập , nhà thuốc con gái lớn bị kiểm kê, con gái thứ hai theo chồng vượt biển không biết ra sao , con gái thứ ba đang làm cho ngân hàng VNTT thì bị đổi về một vùng hẻo lánh ở Nhà Bè , mỗi ngày đi làm chị phải đạp xe vào sâu trong đồng ruộng , bùn lầy , còn con thì đang chuẩn bị thi tốt nghiệp cử nhân luật, phải bỏ dở dang , thằng Khánh cũng bị gọi đi trình diện , thằng Quốc đang học cử nhân toán cũng bỏ dở đi làm thợ điện lạnh kiếm sống .vv..tất cả tan tác thêm một lần nữa.
Con chứng kiến những ngày đau khổ đó , ba biến thành một người dễ xúc dộng vì quá lo lắng , ba già yếu hẳn đi , ba đã nói ;
               _ ba thương các con lắm nhưng ba không thể làm gì được nữa.
con nhớ mắt ba lúc đó chìm xuống đau khổ, như mặt trời của ngày cuối cùng chìm xuống biển đen. Con ứa nước mắt :
               _ Ba ơi , ba đã lo cho chúng con ăn học thành người , điều đó  giúp chúng con có thể sống trong mọi hoàn cảnh.
               _Ba mừng .....vì con biết được  đó
                Vài năm sau , tình thế cũng không khá hơn , đôi ba tháng má lại lo làm thức ăn để ba mang đi thăm các con trai trong trại học tập. Thằng Khánh là binh nhì nên được về sớm , nó liều mạng đi vượt biên , lại bị bắt trở lại và giam ở Mỹ Tho, chỉ có một điều an ủi là vợ chồng bà chị thứ hai đã tới được Mỹ. Ba mừng lắm nhưng chưa nhận được quà của chị gửi về lần nào thì ba đã trở bệnh nặng. Con đưa ba vào bệnh viện Chợ Rẫy, con ở bên cạnh ba suốt ngày đêm , rồi ba khoẻ lên một chút , con đưa ba về nhà , con mừng được thấy hạnh phúc như ngày xưa với ba.
                Chỉ hai tuần sau khi về nhà , ba bất ngờ mệt nhiều hơn , con còn nhớ đêm đó khi con thức dậy vào lúc 2 giờ sáng , nhìn qua phòng trong, chỗ ba nằm , con thấy ba đứng, chống tay , gục đầu trên tủ áo bên cạnh cái TV đã cũ. Con hốt hoảng vùng dậy ôm ba , ba lạnh ngắt , hơi thở mệt nhọc , ba nói nếu nằm xuống ba thở không được, ba phải đứng như thế suốt đêm . Trời chưa sáng con vội vã kêu xe taxi đưa ba trở lại bệnh viện,con đưa ba vào phòng cứu cấp , ba mê man nằm đó với không biết bao nhiêu là dây nhợ chằng chịt xuyên qua mũi , qua tay , vòng ngang ngực , kéo xuống chân.....kim chích máu đỏ còn ứa ra , cuối cùng dòng điện yếu dần trên màn hình ,...bác sĩ nói ba đang ra đi. Con nắm lấy tay ba , con nói lời cuối cùng với ba , chúng con đội ơn ba.
                Lần này thì con đưa ba về nhà thật rồi , con ôm ba trong xe từ bệnh viên , đầu ba tựa trong lòng con , con vẫn tin là ba còn ở đây,  con còn muốn nói nhiều với ba , nhưng khi tới nhà , cửa xe mở ra , con sững sờ thấy và nghe chân ba "rớt" xuống, lúc đó con mới nhận  thức được  sự ra đi của ba là thực.
                Sau ngày ba ra đi , những giấc mơ là cách để cha con mình gặp nhau. Trong suốt cuộc đời có những lúc con gặp vô vàn khổ đau tưỏng chừng như tuyệt vọng thì ba lại về với con , bao giờ ba cũng thầm lặng nhìn con dịu dàng , cho con niềm tin mãnh liệt rằng con sẽ vượt qua được tất cả.
                Như ba vẫn ở bên con.

VA
June 19-2011

5 comments:

  1. Mời các bạn ghé thăm ĐSTV với bài viết của TUL " VẪN CÓ BA BÊN ĐỜI" , bài đã được post từ 2011 , xin post lại nhân ngày ra đi vĩnh viễn của thân phụ MỸ Nga , và cũng để đáp ứng comment của Chung và MP " rằng có rất ít bài viết về Bố" . Hy vọng các bạn theo dõi và dành tình thương cho tất cả những người Bố trên cuộc đời này.

    ReplyDelete

  2. Những tình cảm sâu sắc của ba , của bố , của cha lúc nào cũng đâm đà xâu sắc
    Tình thuong của ba đối với con dạt dào , bố cũng hy sinh cả đời để lo cho gia đình , cho vợ cho con "Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra "Hai câu ca dao này giản dị nhưng thật nhiều ý nghĩa , ngày chúng mình còn nhỏ , chỉ biết sống hồn nhiên bên cha mẹ , chưa thấu hiểu hết những khó khăn của các đấng sinh thành trong việc nuôi dậy con cái , khi lớn lên , đến lúc trở thành bố , mẹ , mình mới hiễu được ngày xưa bố mẹ nuôi mình khó nhọc biết bao , có nuôi con mới biết lòng cha mẹ , là vậy
    Cám ơn TUL đã cho đọc lai bài viết về người cha thân yêu , P mồ côi cha từ năm 9 tuổi , nên thấy các bạn đã có thật nhiều kỹ niệm với bố , đọc xong cứ thấy tủi thân

    ReplyDelete
  3. Tul viết bài này đọc cảm động lắm, thương thật thương ông bố mình. C cũng giống Tul, bố có làm gì cũng chẳng thấy ghét mà vẫn thương bố. Mà C hơi ngạc nhiên sao Tul người bắc mà lại gọi bố mẹ bằng Ba và Má.

    Chung Dao

    ReplyDelete
  4. Chung ơi , gia đình TUL vào nam trước di cư 54 , làm đủ nghề buôn gạo , trồng tiêu nên lai Nam gọi là BA MÁ nên quen luôn. Cám ơn Chung đã đọc bài của TUL .

    ReplyDelete
  5. Thao UL oi, mo lai lam em uot mi roi. Truyen tinh nao Thao viet cung hay het. Thao lam H nho bo qua!

    ReplyDelete