Dec 27, 2012

Mơ Làm Hoạ Sĩ - An Khanh


                    Mơ Làm Hoạ Sĩ
                AN KHANH

                Nếu là hoạ sĩ tí teo 
            Bé nhất quyết vẽ ảnh treo đầy nhà
            Ảnh ba rồi má, ông bà 
            Một bức thật lớn cả nhà hoạ chung 
            Này xem bé tính gọn không 
            Trên tràng kỷ nhé, bà ông truyện trò
            Bên cạnh thằng Vũ còn lo 
            Nắm tai mèo mướp cười bò cả ra
            Chiếc bàn kê ở giữa nhà
            Anh Kha, chị Thủy bé Mai
            Đọc sách, đọc báo miệt  mài thật chăm 
            Ghế dựa  (sopha) nơi cửa ba nằm 
            Lắng tai nghe tiếng em chăm học bài 
            Mẹ em tủm tỉm cươì hoài 
            Bóng trăng lơ lửng treo ngoài mái hiên 
            Một nhà vui thú đoàn viên 
            Bức tranh bé vẽ cảnh tiên dưới trần ... 
                                                                      An Khanh 

Đó là bài thơ tôi làm khi còn học lớp đệ tứ ( lớp 9 ). Nhưng năm tôi học lớp Chín thì cảnh nhà của tôi chẳng bao giờ đoàn viên sum vầy. Lúc ấy, tôi và em gái thì bị gởi trọ học ở nhà bà Bác, chị nhớn và em trai kế tôi thì học ở Đà Lạt ! Mẹ tôi bôn ba nơi đầu sông cuối biển kiếm tiền nuôi con. Ông bà cũng chẳng bao giờ cùng trò chuyện dưới mái ấm gia đình, có trăng treo ngoài song cửa ( vì ông cũng mất lúc tôi học đệ thất ), còn bố thì vĩnh viễn ra đi khi tôi mới chín tuổi ! Tôi mơ trong tôi một giấc mơ bình dị... Mơ một mái ấm gia đình có ông bà cha mẹ, anh chị em ... và có cả chú mèo mướp uể oải nhưng tinh quái, đang vờn bắt giỡn với cậu em nhỏ... Và như thế là tôi làm được bài thơ " dớ dẩn " này ! lại còn được đăng vào báo Tuổi Hoa với tranh minh họa của họa sĩ ViVi . Hình như đó chỉ còn trong tranh vẽ, hay trong cổ tích !? Đời sống hôm nay bận rộn tất bật ... Kiếm đâu được cảnh gia đình sum họp đầy đủ ông bà cha mẹ, một mái ấm không chút buồn tênh, mà bây giờ chỉ còn lại dưới mái nhà là những căn phòng trống vắng ... Người đi sao chẳng thấy về, mà có về thì cũng nằm sóng xoài mệt lử. Một ngày vật lộn với áo cơm. Tường vắng quạnh hiu, bức tường bốn phiá không cửa sổ. Nệm ấm chăn êm thật,nhưng sao mình có cảm tưởng như mình đang nằm trong quan tài buồn... Bốn bề yên lặng, không nghe một tiếng động của tha nhân ! Nước mắt cũng khô cạn,như tóc khô, môi khô và nụ cười đắng.Cuộc đời thăng trầm biến đổi.Ngày hôm nay gia đình có con cái trưởng thành, chúng tách rời xa bố mẹ. Ông bà cũng hãy ở riêng đừng làm phiền con cháu ! Sợi dây thân ái liên hệ ruột thịt nó dính vào nhau bằng một thứ keo hồ dổm ! có nghiã là nó bong ra lúc nào không biết ! Tuột khỏi cái thân thiết để trở thành xa lạ. Đâu có cảnh chia ngọt xẻ bùi ? Đời sống vật chất quá đầy đủ, nên lòng hiếu thảo nó mai một đi rất nhiều !
- Con gái mà gả chồng gần 
 Có bát canh cần nó cũng đem cho !
 Con gái mà gả chồng xa 
 Một là mất giỗ, hai là mất con ! 

Giờ thì canh cải canh cần không thiếu, chỉ thiếu một chút thì giờ thăm hỏi, một chút vấn an cũng đủ cho lòng bớt quạnh hiu .Hình như con có hiếu thời nay chỉ cốt sao cho cha mẹ thấy sự thành công của chúng chứ chưa biết đến một thứ thành Nhân :một hình thức thành Người rất cận nhân tình ( Hợp với tình người và tình đời ). Ở Mỹ, họ phải có những ngày Father's day, Mother's day , để còn nhắc con cái nghĩ đến bố mẹ của chúng. Và hình như cái tình của con cháu đối với ông bà cha mẹ thì phải được văn hóa bồi dưỡng nó mới nảy nở! Người nào cũng yêu con, nhưng chỉ người có văn hoá mới kính yêu cha mẹ (Lời cuả ông Lâm Ngữ Đường ).
- Những bậc cha mẹ người Việt sau cái cuộc Di Tản Buồn đến đất khách quê người,rất nhiều người đã phải làm những nghề nghiệp không cần bằng cấp chuyên môn ! Ai có sức khỏe là làm được tất. Cha mẹ thì chăm làm, con cái thì chăm học, nên họ đã trở nên thành công.Vì những đứa con chăm học đó, được nhận vào học những trường đại học danh tiếng.Người Việt khá thành công. Có khác chăng là sự thành đạt cuả họ sẽ giúp cho cộng đồng người Việt ít nhiều. Những đứa con nay thành ông này bà nọ giàu có, sẽ không coi thường bố mẹ đã và vẫn là những người làm việc lao động chân tay. Huy chương nào thì cũng có mặt trái cuả nó! Có nhiều cô cậu lấy vợ lấy chồng giàu, đã tự động tách xa cha mẹ là các ông bà lão nhà quê - đã vất vả lầm than, thắt lưng buộc bụng dành dụm nuôi con! mà nay vì sĩ diện với nhà vợ nhà chồng (giai cấp thượng lưu ) vội vàng lãng quên bố mẹ nghèo thuở xưa.
- Ông cũng có con cái thành đạt nơi xứ người, vậy theo ông thì ông muốn con ông nó có hiếu với ông như thế nào ?
- Chỉ cần dung hoà một nửa cái truyền thống cuả Á Đông với văn hoá Âu Mỹ là đủ. 
- Thế là thế nào? 
- Thì nó chỉ cần kính trọng cha mẹ một tí thôi cũng đủ. Nó thừa lịch sự để đừng chê bai những sự quê muà chậm tiến cuả cha mẹ trước mặt người khác !
- À ra thế, quê muà lạc hậu thì cũng ráng mà đi học cho bằng với người ta !
Cái vinh cái nhục, nghèo, giàu, nó cũng luân chuyển trong vũ trụ càn khôn! Nghèo từ trong trứng nghèo ra, nhưng sau khi chịu khó cố công đèn sách cũng đỗ Trạng Nguyên và được Vua gả con gả công chuá cho! Hay có thể tốt nghiệp một lúc bảy bằng như Nguyễn Tuệ -Thể hiện sức mạnh từ trí tuệ của người Việt Nam.Một thanh niên Việt Nam đến Mỹ lúc 16 tuổi (1978) không đầy mười năm sau, năm 26 tuổi Nguyễn Tuệ đã có 7 bằng cử nhân tại đại học MIT . Trường đã công nhận Nguyễn Tuệ là người phá kỷ lục về " học vấn " cuả nhà trường kể từ ngày thành lập ! Thật đúng là " Vẻ Vang Dân Việt " 
Chuyện ở đời như" bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương " Trời xanh kia còn vẽ biết bao cảnh lầm than cõi trần ! Thế nên trong tôi, cây cọ hoạ sĩ vẫn luôn mơ ước vẽ một bức tranh gia đình sum họp, ngoài song cưả có trăng sáng hiên nhà. 
                                                                                      An Khanh.
   

10 comments:

  1. Mời các bạn ghé thăm ĐSTV có bài viết của An Khanh , tâm tình của một cô bé về một mái gia đình ấm cúng xum vầy ông bà cha mẹ các con cháu quây quần bên nhau , có ánh đèn ấm cúng , có cả con mèo nhỏ loanh quanh và vầng trăng treo những đêm mùa Hạ. Những hình ảnh đó đuổi theo suốt một chiều dài tuổi thơ thiếu thốn cho tới hôm nay đã là Mẹ là Bà , khát vọng đó hình như vẫn chưa thành tựu, có biết bao là nguyên do , đời sống bận rộn và nhữg miệt mài cơm áo , cũng cuốn đi hay vỡ vụn cuộc sống lạnh lùng ở xứ người ...... Linh tính về một giấc mơ không đến , cô bé chỉ còn cách mơ thành họa sĩ để vẽ lên thế giới đó mà thôi.

    Nếu là hoạ sĩ tí teo

    Bé nhất quyết vẽ ảnh treo đầy nhà..

    Ảnh Ba rồi má , ông bà

    Một bức thật lớn cả nhà hoạ chung

    .............

    Giấc mơ họa sĩ vẫn còn đó , vẫn đầy thiết tha gửi đến người đọc .

    Xin cảm ơn An Khanh.

    ReplyDelete
  2. Lời giới thiệu của TUL cảm động quá !Đúng! Giấc mơ bình dị đến não lòng khiến tuổi già hạt lệ như sương!

    Hà Ghi

    ReplyDelete
  3. Cụ Chi ơi,
    Cụ mơ làm hoạ sĩ từ bé nên điều cụ mơ nó chỉ có trong ...tranh của cụ thôi. Cụ tỉnh dậy đi, thời bây giờ làm gì có cảnh ấy. Từ Thức lỡ lạc vào thiên thai thì cứ ở trỏng đi, bày đặt đòi về làm chi cho mộng tan ..ư ..à..tành !!Đừng có trách con cháu làm chi. Ông trời bế nó đặt vào chỗ cao thì nên mừng cho nó. Trên cao nhìn xuống chỉ thấy cha mẹ lờ mờ thì nên tự trách sao mình không cao cho con...dễ nhìn. Đời là thế đấy cụ Chi à !
    Hoàng

    ReplyDelete
  4. Bức tranh này chẳng bao giờ có thật ở thời buổi này. Buồn ơi xa vắng mênh mông là buồn.
    Q Tuyết

    ReplyDelete
  5. Chi ly, chi ly, loi vua Hoang phan dung qua. Co mot dieu khong thay doi tu ngan xua do la tinh me thuong con, con uoc mo mot gia dinh xum hop thi co lien he gi toi chu hieu nhi ?

    ReplyDelete
  6. Một giấc mơ bình dị... Mơ một mái ấm gia đình có ông bà cha mẹ, anh chị em ... và có cả chú mèo mướp uể oải nhưng tinh quái, đang vờn bắt giỡn với cậu em nhỏ... Và như thế An Khanh đã làm được bài thơ rất dễ thương khi mới học lớp 9 "Mơ làm họa sĩ " và sau đó những ước mơ hơi đượm nét sầu.

    Chúng mình nên vui về thành công của con cái, nước chảy xuôi, đừng mong đợi nhiều sẽ thấy vui, cũng nên thông cảm với đời sống bận rộn của giới trẻ,có được những lúc xum họp với nhau lúc nào hay lúc ấy An Khanh à.
    Vui lên nhé!
    Thân

    ReplyDelete
  7. Tháng trước, mới tiễn một người bạn (mẹ goá nuôi con côi ) khi con ra trường, quyền cao chức lớn , lấy vợ quá giàu, và không cùng ngôn ngữ.Nhà bố mẹ vợ cũng lạnh lùng, cháu nội( hai tuổi, không biết đến bà nội ) Bà chết cô đơn hai ngày sau người ta mới biết! Đám ma mà nhà suôi cũng chẳng có ai đi đưa tiễn.Như vậy xum họp với ông bà cha mẹ có phải là một trong đức Hiếu không ? Cám ơn các bạn đã viết Comments, HC muốn nói đến " Cõi Người Ta " sao lắm nhọc nhằn !

    ReplyDelete
  8. Ước mong những người con cho dù thành công và đạt được đến vị trí cao đến thế nào trên đường sự nghiệp, sẽ luôn hiểu rằng đó chính là nhờ tình yêu thương và hy sinh của cha mẹ, đừng " từ trên cao nhìn xuống chỉ thấy cha mẹ lờ mờ... ", để tuổi già của mẹ cha không còn nhỏ những hạt lệ như sương.

    ReplyDelete
  9. Thank You An Khanh về bài viết này ! Hy vọng lớp trẻ thành công trên xứ người có dịp đọc và suy nghĩ lại để không bị vòng xoay bất tận cuả sự hưởng thụ và thiếu đao đức trong xã hội " Hiện Đại" tiếp tục cuốn trôi và quên đi công ơn cha mẹ sinh thành dưỡng dục !
    Trần Bê.

    ReplyDelete
  10. Khong le lai phai dien dich loi vua Hoang phan nua sao, o My nay co mot so con tre duoc ong troi be dat len cao do la " hoc bong", cho nen y nghi cua chung no la bo me chi co cong sinh thanh thoi, duong nhhien tui tre cung nghi la ong troi da va dang take good care bo me no roi, de no ra doi tra no ong troi, cu ngoi nha voi bo me thi biet ngay nao moi tra no u..a...xong.
    "Coi nguoi ta" biet du la du, cu vui voi nhung gi minh co do la hanh phuc rat that day Chi oi

    ReplyDelete