Dec 7, 2012

Trang thơ nhạc cuối tuần

                             NHỮNG TÌNH KHÚC CỦA NHẠC SĨ PHẠM ANH DŨNG


 Trang thơ nhạc tuần này xin mời các bạn cùng thưởng thức những tình khúc của Nhạc sĩ Phạm Anh Dũng phổ từ thơ của các thi sĩ Trần Mộng Tú , Hoàng Ngọc Quỳnh Giao và Vũ Quỳnh Anh qua tiếng hát của ca sĩ Quỳnh Lan.
Nhạc sĩ Phạm Anh Dũng sinh quán tại Duyên Hà, Thái Bình, hiện là Bác sĩ Y Khoa gia đình, đang hành nghề tại thành phố Santa Maria thuộc tiểu bang California. Là một tên tuổi quen thuộc trong làng nhạc Việt ở hải ngoại sau 1975, qua các tác phẩm đã được phổ biến trên các trang web Hồn Quê, Văn Nghệ Net, Phan Châu Trinh, Đặc Trưng, Trinh Nữ, Trưng Vương, và qua các bài viết giới thiệu của giới văn nghệ sĩ ký giả trên các báo chí Người Việt, Đặc san Y Sĩ, Tạp chí Văn Nghệ, và qua các CD’s Tình ca Phạm Anh Dũng đã phát hành trong thời gian gần đây.

Nhạc sĩ Phạm Duy trong bài viết "Cảm Tưởng Của Phạm Duy Khi Nghe 12 Tình Khúc Phạm Anh Dũng", tại Thị Trấn Giữa Đàng, đã ghi lời cảm nhận về giòng nhạc Phạm Anh Dũng qua CD Tình Khúc Hồi Hương: "12 tình khúc của Phạm Anh Dũng, phần nhiều là thơ phổ nhạc, ra đời vào đầu thập niên 90 này, cho tôi cảm tưởng có sự quay về với nhạc tính lãng mạn quý báu sau đúng nửa thế kỷ lạc loài".

Giòng nhạc Phạm Anh Dũng, là của thi ca bốn mùa, của tháng bảy chưa mưa, của gió hè hoàng hôn, của cung đàn đêm thâu, của tiếng gọi thu mơ, của nắng xuân xưa, của mưa đông lạnh, của hư ảo trăng, của sông ngọc… trong CD đầu tay "Đưa Người Về Phương Đông", với phần hòa âm và phối khí của nhạc sĩ Duy Cường, qua các tiếng hát của các ca sĩ tên tuổi ở hải ngoại như Duy Trác, Mai Hương, Tuấn Ngọc, Lệ Thu, Thái Hiền, Quỳnh Giao... Nhà thơ Du Tử Lê, trong một bài viết đăng trên Tạp chí Văn Nghệ (số tháng 6-1993) đã cảm nhận về CD đầu tay của Phạm Anh Dũng: "Hơn ai hết, họ Phạm không chỉ trân trọng với tác phẩm của mình mà ông còn trân trọng với thi ca, với những tiếng hát mà ông cho rằng, nếu không có, cuộc đời ta sẽ buồn tẻ bao nhiêu!".
Trong suốt hơn một thập niên vừa qua, anh đã cho ra đời trên 200 ca khúc về tình yêu và quê hương, với nhạc và lời của chính anh, với nhiều nhạc khúc rất đặc sắc phổ từ thơ của các thi sĩ tên tuổi và tài tử quen biết trong giới văn nghệ báo chí và trên mạng lưới. Nếu nói, Trịnh Công Sơn với nhạc về thân phận con người, Ngô Thụy Miên với ngữ tình ca và mùa thu yêu đương, Vũ Thành An với những bài Không Tên bất hủ, Võ Tá Hân với giòng nhạc quê hương rất Huế, thì Phạm Anh Dũng là miền thi ca của bốn mùa, và đặc biệt ở Phạm Anh Dũng, là những tác phẩm rất độc đáo và rất riêng trong nét tình "thi mộng" mà anh đã viết về Hoa Quỳnh, là "nhạc Quỳnh" của chỉ ở riêng Phạm Anh Dũng, là những tình ca rất thi vị, của quyện hương yêu nồng nàn, của hư ảo ngất ngây đêm, của trùng trùng lệ ngấn mi em, của luyến thương chan hòa đê mê, của "Quỳnh Em ơi ở mãi trong Anh"… được phổ từ thơ của các thi sĩ Vương Ngọc Long, Hoàng Ngọc Quỳnh Giao, Phạm Ngọc… qua các nhạc bản Dạ Quỳnh Hương, Quỳnh Lệ, Quỳnh Lan, Quỳnh Thi, Đêm Nguyệt Quỳnh… với các tiếng hát của các ca sĩ nổi tiếng trình bày.
Trich tu
www.my.opera.com/diemxuacafe/blog
Mời các bạn thưởng thức tình khúc Tháng mười hoa cúc phổ nhạc từ bài thơ  cùng tên của Trần Mộng Tú.

Trần Mộng Tú

Sinh quán Hà Đông, Bắc Việt.Lớn lên ở Hà Nội, Hải Phòng, di cư 1954 -Sài Gòn.
Nhân viên Hãng Thông Tấn The Associated Press, Sài Gòn (1968- 1975)
Sang Mỹ tháng Tư năm 1975, hiện sống (với gia đình) và viết ở Seattle, Washington.
Thường xuyên cộng tác với các trang mạng và tạp chí văn học ở Mỹ và các nước khác.
Viết truyện nhi đồng cho báo Los Angeles Times từ năm 2000, có thơ Anh Ngữ trong sách giáo khoa Mỹ cho chương trình trung học (American Literature- Glencoe-1999)
Đoạt giải nhất về bình luận (Commentary) của The New California Media (NCM) “Ethnic Pulitzers” năm 2003.
Chủ Bút cho Nguyệt San Phụ Nữ Gia Đình Người Việt ở California.( 2002-2005)

Theo Vĩnh Hảo ( trích từ www.vinhhao/info )
Có thể nói Trần Mộng Tú là nhà thơ nữ được biết đến nhiều nhất ở hải ngoại. 
 Ngôn ngữ thơ Trần Mộng Tú chuẩn mực, nghiêm túc, giống như ngôn ngữ của một nhà giáo, cân nhắc từng lời mình buông ra. Dù vậy, nhà thơ vẫn không giấu được một khối tình cảm đầy ắp ở bên trong. Ðầy mà không tràn. Tình yêu cũng chuẩn mực như chính ngôn ngữ của cô; hay đúng hơn, ngôn ngữ đã được chuẩn mực hóa như tình yêu của cô: vừa phải, chừng mức, nhưng không kém vẻ sâu sắc, ý vị. 
 Thơ Trần Mộng Tú là thơ tình. Thứ tình rất keo sơn, thủy chung. Thứ tình bất tận. Tình yêu quê hương. Tình yêu gia đình. Tình yêu đôi lứa và đặc biệt, tình yêu đối với cuộc đời, dù với bao cay đắng, phũ phàng. Trần Mộng Tú luôn ca tụng lẽ thiện và niềm hạnh phúc chung cho con người, nhưng không thù ghét cái ác, người ác. Thơ cô là biểu tượng lòng bao dung tha thứ của một người mẹ, một người chị, một người em gái, mở rộng vòng tay đối với những sai lầm, man trá, tàn ác... 
Những bài thơ ngắn của Trần Mộng Tú rất tuyệt. Bàng bạc trong thơ cô, những nỗi sầu đong đưa theo cuộc tình, còn mãi.
Trăng Xanh
Lạnh quá mùa đông trăng vỡ tan
Những mảnh trăng xanh vướng mắt chàng
Rơi xuống môi hôn đêm nguyệt lạnh
Hai người tan giữa vũng trăng loang.

Bướm Tuyết
Xô khung cửa hẹp bước ra
Trăm con bướm tuyết bay sa vào lòng
Cánh nào gẫy vụn bên song
Cánh nào gẫy giữa mênh mông mái hồn

Tuyết Tan
Ðóa tan trên ngón tay gầy
Ðóa tan trên ngọn tóc mây hững hờ
Ðóa tan giữa một bài thơ
Hồn em đóa ấy bao giờ mới tan
 Vàng Thu
Tôi đứng giữa rừng nhìn thu rụng
Chợt rung trong tôi chiếc lá sầu
Vàng thu lá rụng ngang lòng suối
Hai lá có cùng một nỗi đau.
 Lá Ðỏ
Anh nhặt cho em chiếc lá đỏ
Trên cành phong vừa rụng sáng nay
Ôi anh! đẹp quá mùa thu tới
Em nhốt đầy lòng gió heo may.

Hoàng Hoa
Có bụi cúc vàng bên hàng dậu
Có con bướm trắng ngập ngừng bay
Em đứng bên thềm chờ thu tới
Rượu hoàng hoa chưa uống đã say
Nhạc phẩm Cả một dòng sông đứng lại chờ - Thơ Trần Mộng Tú- Tiếng hát Quỳnh Lan.
Mời các bạn thưởng thức



Dạ Quỳnh Hương được nhạc sĩ Phạm Anh Dũng phổ từ thơ của một người nữ cùng tên với loài hoa trắng mềm mại nở và tàn trong đêm ấy, Hoàng Ngọc Quỳnh hay Hoàng Ngọc Quỳnh Giao. Nhạc phổ xong thì hoa cũng vừa khép cánh. Tác giả bài thơ, người nữ sĩ tài hoa bạc mệnh ấy đã từ biệt thế gian này để đi về một thế giới khác.
Hoa đã lìa trần, đã lìa xa người. Mối đồng cảm, mối duyên văn nghệ giữa người thơ và người phổ nhạc bài thơ chỉ như cơn gió thoảng, như giấc mơ qua, vì cho đến lúc “hoa lìa cành biếc, hồn theo gió vương” hai con người nghệ sĩ ấy vẫn chưa hề có một lần tương kiến.

Từng cánh khép lại rồi
hoa lả mềm giấc ngủ
Ôi phút hoa hiến dâng
hồn tôi không kịp hái!

Hoa đã khép cánh, đã lả mềm giấc ngủ như câu thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.
Đóa quỳnh hương khép cánh ấy, Hoàng Ngọc Quỳnh Giao, cô đã tạt ngang qua cuộc đời này, đã lặng lẽ biến mất khỏi cuộc đời này. Cô đã yêu biết mấy cuộc đời này. Cô yêu cái đẹp, yêu thi ca, yêu âm nhạc, yêu hội họa, yêu cỏ hoa “cây lá xanh tình”. Cô đã có những hạnh phúc ngắn ngủi giữa cuộc sống cũng thật ngắn ngủi.

Ôi cuộc sống thật ý nghĩa nhưng cũng thật vô nghĩa. Và chút duyên tri ngộ, và chút tình mong manh tựa như cánh hoa quỳnh mong manh ấy, rồi… "cũng theo hư không mà đi”.
 
Rồi em theo gió bay
Tình em như bóng mây…
Ngàn thu mây vẫn bay dù mộng không đầy…
(“Tình là hư không”, Phạm Anh Dũng)
Trích bài của Bích Huyền 






Và một tình khúc của Ngô Thụy Miên phổ thơ của Vũ Quỳnh Anh - Trả lại cho em- mến gửi tặng các bạn đã đi trên con đường Duy Tân cây dài bóng mát của một thời để yêu để nhớ.


P.Hà biên soạn từ nguồn trên internet.

1 comment:

  1. Cuối tuần được thong thả nghe Quỳnh Lan, TTHòa hát những bài tình khúc được phổ từ thơ nhẹ nhàng lãng mạng của Vũ Quỳnh Anh, Trần Mộng Tú, KĐ thấy thanh thản, hạnh phúc thêm thi vị trong cuộc sống.

    Cám ơn PHà đã cho biết thêm về nhạc sĩ PADũng, và KĐ thì đã yêu thích thơ của chị TMTú cũng khá lâu rồi.
    Thân

    ReplyDelete