Jun 14, 2014

Trang thơ nhạc cuối tuần - Nhạc sĩ và tác phẩm.


Thân mời các bạn thưởng thức Trang thơ nhạc cuối tuần với những nhạc phẩm được sáng tác bởi những nhạc sĩ thời tiền chiến . Có những nhạc sĩ không sáng tác nhiều , nhưng chỉ cần một tác phẩm hay cũng đủ để lại tên tuổi của họ trong làng âm nhạc. Những người nhạc sĩ tài hoa này đã xa rời thế giới âm nhạc vĩnh viễn , nhưng những tác phẩm của họ đã là những nốt nhạc đẹp , những tác phẩm giá trị của nền âm nhạc Việt Nam.

Nhạc sĩ Tô Vũ  1923- 2014

Nhạc sĩ Tô Vũ và nhạc sĩ Phạm Duy


Nhạc sĩ Tô Vũ sinh năm 1923 tại Bắc Giang nhưng từ khi còn nhỏ ông đã chuyển đến sống tại Hải Phòng cùng bốn người anh em ruột. Ông tên thật là Hoàng Phú, là một nhạc sĩ, giáo sư, nhà nghiên cứu âm nhạc đương đại của Việt Nam. Cùng người anh là nhạc sĩ Hoàng Quý (tác giả ca khúc Cô láng giềng nổi tiếng), Hoàng Phú góp mặt từ những ngày đầu tiên của tân nhạc Việt Nam.
Trong số các anh em, Hoàng Quý và Hoàng Phú đặc biệt say mê âm nhạc. Hai anh em học được những kiến thức âm nhạc đầu tiên (violin) qua một phụ nữ người Pháp tên là Leprêtre - chủ cửa hiệu Orphée, chuyên bán nhạc cụ và sách nhạc Tây ở Hải Phòng thời đó. Tuy nhiên, người tích cực khuyến khích hai anh em họ Hoàng đi theo “âm nhạc cải cách” (tân nhạc) là thầy dạy môn văn chương Pháp tên là Ngô Đình Hộ (tức nhạc sĩ Lê Thương), để cùng thầy biểu diễn trong các tiết mục văn nghệ của trường.
Năm 1939, Hoàng Quý và Hoàng Phú quy tụ một số bạn bè trong đó có Phạm Ngữ, Canh Thân và Văn Cao để lập ra nhóm nhạc Đồng Vọng. Nhóm Đồng Vọng sinh ra từ phong trào hướng đạo sinh do Hoàng Quý làm trưởng nhóm với ý nghĩa như là tiếng gọi tập hợp thanh niên lại với nhau. Từ phương châm này, nhóm Đồng Vọng đã góp phần cổ súy cho nền tân nhạc Việt Nam. Một số tình khúc của nhóm như Cô láng giềng của Hoàng Quý và Bến xuân của Văn Cao cho đến nay vẫn được coi như những tuyệt phẩm của nền tân nhạc Việt Nam.Rạng sáng 13/5, Tô Vũ, một trong những nhạc sĩ tài hoa của nền tân nhạc Việt Nam qua đời tại nhà riêng ở Saigon vì bệnh già, sức yếu.

Các nhạc phẩm tiêu biểu của nhạc sĩ Tô Vũ sáng tác thời tiền chiến gồm có: Em đến thăm anh một chiều mưa (1947), Tạ từ, Tiếng chuông chiều thu.

Nguồn : internet






Nhạc sĩ Thanh Bình  1932- 2014


Nhạc sĩ Thanh Bình và Ca sĩ Khánh Ly

Nhạc sĩ Thanh Bình tên thật là Nguyễn Ngọc Minh, sinh năm 1932, quê ở Bắc Ninh. Ông mồ côi mẹ từ năm 10 tuổi, cha cũng mất sau đó vài năm. Nhà có 4 anh chị em nhưng 2 người đã mất, ông còn một cô em kế sống ở Pháp nhưng không có liên lạc. Ông từng là nhà văn, nhà báo viết cho nhiều tờ báo thời bấy giờ. Ngoài ca khúc Tình lỡ, ông còn là tác giả của các ca khúc: Còn nhớ hay quên, Đừng đến rồi đi, Tiếc một người

Biết bao người đã chìm đắm trong cảm xúc mỗi khi những câu hát khắc khoải như rút tâm can trong bài Tình lỡ mà chẳng hay biết tác giả của nó là ai. Mãi cho đến khi ca sĩ Ánh Tuyết có bài viết về cuộc đời ông, trước lần tổ chức đêm nhạc quyên góp giúp đỡ ông vào đầu tháng 1 năm nay, nhiều người mới biết đến nhạc sĩ Thanh Bình. Cuộc đời ông không hề “thanh bình” như tên gọi. Cả một đời, ông phải chôn chặt và cất giấu quá nhiều nỗi buồn tủi khi không có được một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc riêng trọn vẹn.

Đúng như tên gọi ca khúc Tình lỡ nổi tiếng của ông, cuộc tình nào của ông cũng đầy nỗi buồn thăm thẳm. Đời ông không biết bao lần rơi vào cảnh chông chênh, không ít lần tưởng chừng đã chạm tay vào hạnh phúc nhưng rồi lại tan như bọt nước. Ca khúc Tình lỡ chính là câu chuyện tình mà ông viết cho mình, khi duyên tình với người con gái Hải Phòng quá ngắn ngủi. Cô gái bị gia đình ép lấy chồng, ông phải thốt lên bằng những lời ca da diết: “Thôi rồi, còn chi đâu em ơi! Có còn lại chăng dư âm thôi. Trong cơn thương đau men đắng môi…”.

Theo lời kể của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, khi Thanh Bình đã là nhạc sĩ, ông chỉ là nhạc công đi đàn dạo. Một lần, ông được bạn bè giới thiệu gặp đàn anh trong nghề để học hỏi. Ấn tượng của ông về Thanh Bình là “một chàng trai đẹp, hào hoa, phong nhã”. Ông chỉ dám đứng xa xa nhìn chứ không dám lại gần. Mãi một thời gian sau, 2 người quen biết nhau, coi nhau như anh em. Thanh Bình đã dạy ông rất nhiều về nghề. Nguyễn Ánh 9 không biết nhiều về đời tư của nhạc sĩ Thanh Bình vì lúc đó, Thanh Bình sống rất khép kín, ít khi chia sẻ chuyện riêng: “Có lẽ anh ấy gặp quá nhiều chuyện buồn trong cuộc sống nên giữ cho riêng mình”. Thanh Bình sáng tác ít, nổi tiếng nhất là ca khúc Tình lỡ do được sử dụng trong phim Nàng. Nguyễn Ánh 9 kể: “Có lần tôi hỏi anh ấy tại sao lại viết nhạc ít vậy, anh ấy nói rằng viết nhạc đâu phải để kiếm tiền. Có cảm xúc thì mới viết được”.

Trong những năm tháng cuối đời, sống với các cháu trong gian nhà đơn sơ, ông ít khi nhắc lại quá khứ với ai, chỉ tâm sự với ca sĩ Ánh Tuyết mỗi lần chị đến thăm. Người nhạc sĩ tóc đã phai màu vẫn ôm nỗi cô đơn với một biển sầu hiu hắt.
Sau nhiều năm bệnh tật, nhạc sĩ Thanh Bình đã ra đi vào ngày 23 tháng 5 năm 2014 hưởng thọ 82 tuổi.

Nguồn: Internet



Nhạc sĩ Phạm Duy Nhượng    1919 - 1967


Phạm Duy Nhượng


Nhạc sĩ Phạm Duy Nhượng là anh trai kế của nhạc sĩ Phạm Duy.
Theo trang web phamduy.com nhạc sĩ Phạm Duy đã viết :

 "Là một nhà mô phạm, xuất thân từ một gia đình -- gọi là gia giáo -- lại thêm mặc cảm miệng méo từ nhỏ tới lớn, anh Nhượng rất khép kín của tôi được coi như là một người ngoan hiền và dễ thương... hơn thằng em út là cái chắc !
Từ lúc sinh ra cho tới khi trưởng thành, tôi và người anh thứ hơn tôi hai tuổi -- Phạm Duy Nhượng -- có khoảng 16 năm sống gần nhau. Kém tuổi người anh cả trong gia đình tới hơn 10 năm cho nên chúng tôi là những đứa em rất xa lạ đối với người anh lớn Phạm Duy Khiêm. Ðó là chưa kể anh Khiêm đi du học bên Pháp trong bẩy năm trời, khi trở về với gia đình vào năm 1935 thì đã trở thành một ông Giáo Sư Thạc Sĩ, đối xử với mọi người và nhất là với các em như một ''ông Tây''.
Anh Nhượng chăm học và ít ham chơi hơn tôi nhiều. Anh luôn luôn đứng đầu trong các lớp ở Trường Nguyễn Du. Có lẽ vì anh bị bệnh thương hàn lúc còn bé rồi mang tật méo mồm nên anh có một đời sống hơi khép kín. Tài hoa của anh chỉ có dịp phát tiết ra ngoài khi, về sau, tôi kéo anh vào chơi trong một lĩnh vực nghệ thuật mà tôi đang cổ võ : phổ biến một nền âm nhạc mới toanh, so với nền nhạc cổ đang suy tàn.

Thế rồi, cuộc đời làm cho anh em tôi phải xa nhau, tôi thì bỏ nhà đi Bắc Giang, Moncay rồi đi theo một gánh hát lưu diễn từ Bắc vào Nam, anh Nhượng thì lấy vợ là Hoàng Thị Sâm, học trò của mình và là cô con gái nhà lành đẹp nhất Hưng Yên. Trong khi tôi đi xa và không hề có thư từ liên lạc gì với gia đình thì ở nhà, chị Sâm đẻ cho anh Nhượng hai đứa hai con trai, rồi chị dâu tôi bất ngờ qua đời vì bệnh thương hàn do sự cẩu thả của ông bác sĩ tỉnh nhỏ. Mẹ tôi, chị tôi vẫn ở với anh Nhượng cho tới ngày Sở Học Vụ thuyên chuyển anh tôi đi Thái Nguyên thì Mẹ tôi và chị tôi cùng đi Thái Nguyên sống với anh Nhượng..."

Năm 1953 , với sự giúp đỡ của nhạc sĩ Phạm Duy, gia đình nhạc sĩ Phạm Duy Nhượng di cư vào Nam và dạy học ở một trường tư thục ở Thủ Dầu Một.
Ông mất năm 1967 vì bệnh ung thư phổi.

Tác phẩm của ông không nhiều trong đó nổi tiếng nhất là nhạc phẩm Tà áo Văn Quân đã được sáng tác vào thời cực thịnh của dòng nhạc tiền chiến.



Tà Áo Văn Quân - Tiếng hát Thanh Lan



No comments:

Post a Comment