Jul 29, 2011

Bàn Về Miếng Ngon.



BÀN VỀ MIẾNG NGON
Lưu Hảo Chi

Tôi cho miếng ngon nhất mà tôi nhớ đời đó là lần tôi bị phạt bỏ đói hơn nửa ngày. mà tội gì thì tôi quên tiệt. Chỉ biết lúc đó tôi khoảng bảy tám tuổi. Tôi bị nhốt ở trong phòng và cửa khóa. Tôi loay hoay nhìn qua ống khóa,và nhìn thấy sinh hoạt ở trong bếp, mẹ tôi đang nấu ăn và cầm một cái thìa to...Tôi cảm thấy đói cồn cào và mong sao cho mau được tha tội và có lẽ sẽ cho tôi ăn! Lần đó được thả tù, tôi được cho ăn đỡ mợt chén cơm nguội với thịt chà bông và dưa cần. Chắc những món ngon kia chưa nấu xong nên mẹ tôi đã cho tôi ăn đỡ như vậy,và tới nay hơn năm chục năm qua, tôi vẫn còn nhớ mùi dưa cần thơm và vị thịt chà bông ngọt, cơm nguội mà sao ngon thế ? Từ đó dưa cần phải đi với thịt chà bông và ăn lúc đói lòng. Tôi nhgiệm ra rằng hình phạt kinh khủng nhất đối với các loài động vật có xương sống, hít thở khí trời ấy là bị bỏ đói, sau đó là bị giam cầm. Danh ngôn nói rằng " con đường gần nhất dẫn đến trái tim là con đường di qua bao tử " ôi chí lý lắm thay.
Có lần tôi ngồi đọc sách trên balcon cuả một căn phòng rộng. Bao lơn nhìn ra mặt hồ, tuy không rộng ngút ngàn, nhưng sóng nước làm cho cảnh nên thơ . Cảnh đẹp mà phải nghe tiếng đàn bà quát tháo, la mắng con cái thì nó hết cả vẻ đẹp tĩnh mịch của buổi sáng. Tôi nghe có tiếng thằng bé van lạy mẹ xin lỗi và khóc nức nở. Tiếng bà mẹ thét lên :
-Từ giờ thì chừa nhé. Đánh cho ba roi mà nhớ. Nằm xuống đây . Rồi tiếng roi đét đít nghe rùng rợn. Tội nghiệp thằng bé, không biết tội gì vậy nhỉ !
Sau này tôi biết cậu bị đòn vì đòi ăn phở mà bỏ mứa! mẹ cậu tiếc của nên cho cậu một bài học. Tôi chắc cậu sẽ nhớ đời và có thể là sẽ thù món phở nữa không chừng ! Nhưng tôi không khỏi trách thầm bà mẹ, tại sao không tìm hiểu lý do trẻ con nó bỏ mứa thứ ăn ? Nó sắp bị đau, cơ thể uể oải, ăn kém ngon ? Hay là tô phở dở quá nó nuốt không trôi ? Hoặc là cái tô xel lưả làm sao nó nuốt hết ? Mà đánh trẻ con vì nó ăn không hết, hoặc bỏ đói để thay một hình phạt, tôi cho cả hai đều hơi quá đáng. Còn ở bên xứ Cờ Huê, người ta làm thống kê cứ một người dân Mỹ trung bình vứt bỏ 600 U S D / một năm về cái khoản vứt bỏ thức ăn. Dư thừa quá đáng, mà ai đó còn nói vơí tôi : " không dục đồ ăn không phải là Mỹ " Cái tôị dư thừa, và con mắt thì lớn hơn cái bụng. Rồi lại đặc biệt chiều đãi ông thần khẩu , chưa ăn hết thứ nọ đã bầy ra thứ kia mới nên nông nỗi.
Món ăn ngon, phải có người ngồi ăn cùng cảm thấy ngon ,chỗ ngồi ăn cũng quan trọng. Ngồi lề đường ăn phở gánh, những chiếc ghế nhựa mất cảm tình, giấy lau tay lau miệng thả bay như bướm ! thật ghê rợn ! những quán lụp xụp bán những món quốc hồn quốc túy như bún đậu, bánh cuốn, miến lươn, cháo lòng... ở Việt Nam nó mọc lên như nấm, tôi đặt là " Quà Ngon Xóm Nghèo " Tôi ở Hà Nội có lần thử đi ăn bánh tôm Cổ Ngư và phải kêu giời lên vì nào phải bánh tôm ? mà là bánh tép. Nước mắm chấm thì như nước trà , nhạt nhẽo, món ăn dở mà bị ăn thì gọi là cứ phí cả mồm. hay là như bị ai đấm vào mõm !..
Tôi không thích ăn sáng bằng xôi, nhưng mà nhìn hai thúng xôi của bà hàng sao mà nó hấp dẫn chi lạ : Xôi bắp (lúa ) xôi đậu xanh , đậu phọng (lạc ) xôi gấc, xôi vò, bà xới gói nhanh thoăn thoắt . Ngồi chờ có cậu thanh niên đợi xôi gói mang về, Thanh niên gì mà nói nhiều quá. Mà họ nói hay thật, ngồi bên cạnh bà hàng xôi là mợ bán bánh cuốn, người ta đã mua xôi rồi còn kỳ kèo:
_ăn bánh cuốn đi, hôm nay ngon lắm
_Ăn xôi đã hết tiền rồi , lấy đâu ra mà ăn bánh ? Cậu thủng thẳng nói,
_miệng ăn núi lở, Ngồi không mà ăn quà thì đào đâu ra tiền ?
Tôi ước gì mình đừng phải ăn ! Mà ăn nó lại là mục đích chính hay là gần như bắt buộc ở cái cõi đời này. Ông Võ Phiến bảo :" Phục vụ ông thần khẩu là một phục vụ nhục nhã nhất " Sao lại cay cú thế nhỉ ? Phàm tục thật đấy , nhưng là người (hay động vật hoặc cả thưc vật ) gì thì cũng phải ăn mà thôi. Trong cái ăn, không phải chỉ có miệng lưỡi hoạt động mà còn cơ hàm, tuyến nước miếng, hạch bài tiết. Ăn nóng đổ mồ hôi, ăn cay trào nước mắt, ăn mặn tê cả lưỡi. Rồi ăn bằng mắt, Ăn cả bằng thính giác, và khưú giác.
Trời khuya, hơi lạnh lạnh mà ngửi thấy mùi phở, ngát những quế gừng.. đêm sẽ ấm áp mặn mà hơn nếu được ăn phở.
Rồi trưa hè bức sốt, một bát canh bún với màu rau cần xanh ngọt, mùi riêu cua nồng nàn ,ăn vã cả mồ hôi.. Sao mà đời đáng sống thế ? Quả thật nếu sống mà không được ăn , thì sống làm gì ?
Các cụ nhà ta " Chế " ra cái câu " quân tử Tàu " để phê bình cách xử thế của người Trung Hoa. Ở bên Tàu ( lại Tàu ) có chuyện Bát cơm Xiếu Mẫu của Hàn Tín, là chuyện đáng khâm phục. Một bát cơm lúc cơ hàn mà Tín nhớ mãi và đền ơn. Còn chuyện Giơí Tử Thôi, một quần thần trung tín phò tá công tử Trùng Nhỉ đời nhà Tấn thời Chiến Quốc. Giơí Tử Thôi hy sinh để cứu lấy Quân Vương, trong lúc bôn đào có khi phải đi ăn xin _ cả chúa lẫn tôi đều đói và mệt, bọn quần thần phải đi kiếm rau hái cỏ về dùng tạm qua ngày, nhưng vì món ăn quá ư kham khổ nên công tử Trùng Nhỉ không sao nuốt được đành nhịn đói. Giơi Tử Thôi phải cắt thịt đùi mình làm BBQ cho công tử Trùng Nhỉ xơi. Cái : "Miếng Ngon Nhớ Lâu" đó, sau này công tử là Vua Tấn Văn Công nào có nhớ tại sao mình đườc ăn ngon ? Cái miệng vô ơn đó còn biết gì đến thịt đùi BBQ của Giơí Tử Thôi ? Và bậc trung nghiã "Quân Tử Tàu " Thôi bá bá đó làm một màn giận hờn vu vơ. Trốn tiệt vào rừng để khỏi phải nhìn thấy Vua bội bạc.Đời sao lắm chuyện nhiêu khê, vậy tóm lại là phải biết : Tình đời nó như băng giá mùa Xuân, mỏng và chóng tan... Biết được như vậy thì mới sống ở đời được. Giá mùa Xuân và thói đời kiêu bạc.
Mùa xuân năm đó, tôi đang đi lơn tơn thì gặp em Bê đi ngược chiều. Cả hai cái mồm cùng hét :
-Mày phải con Hoàng Thị Bê ?
-Mày con Lưu Hảo Chi phải không ?
-Mày đi đâu đấy ?
-Ơ... Còn mày ..?
-Tao đi nhà thờ.
Chúa ơi hôm nay là Chúa Nhật, ngày của Chúa mà con lại đi lơn tơn...
Ủa, vậy mày có đạo hả ? Tao cũng đạo mà sao tao không biết mày ?
Rồi em Bê đã kéo "con chiên lạc bầy " là tôi về đi nhà thờ.
Hồi đó tôi và Bê học cùng lớp, tôi chỉ biết tên nó thôi chứ còn tông tích thì không rành. Nó luôn luôn đứng trên tôi trong sổ điểm danh, Hoàng thị Bê. Nguyễn Minh Châu, Lưu Hảo Chi.
Tôi cũng có nhớ nó với giai thoại " Ngày ba bưã vỗ bụng nhau bình bịch " Nó thuộc thơ kiểu này tội nghiệp nhà thơ Nguyễn Công Trứ và tội nghiệp cả bụng.
Sau đó tôi đến nhà Bê thường xuyên, vì lúc đó nó đang có nghề "may thuê vá mướn "
Trời sinh ra em Bê và cho em cái lai sần ( license ) để mà thêu thùa may vá đẹp muốn chết. Tôi vì cảm phục cái tài làm bánh làm trái nấu ăn thêu thùa may vá của em Bê nên ngày nào cũng sang chầu em mấy lần. Em thêu tranh lụa "Đám cưới nhà quê " Giời ơi nó đẹp quá. Mà cái đứa cai thầu ác nghiệt , bán tranh được 100 U S D thì chỉ trả em có 10 U S D . Bóc lột tàn nhẫn vô nhân đạo. Em cứ thế mà ngồi thêu sau rèm... "thâm đít ít tiền " Tội nghiệp em quá xá mà tôi cũng chẳng biết an ủi em ra sao, vì lương tôi lúc đó đi dạy học X H C N, cũng chỉ có 40$ VN một tháng ! (1980)
Tôi đi lơn tơn mãi cũng chán- cuối cùng lại chọn nhà em Bê là nơi "tạm trú ". Sau những buổi đạp xe đi bơi mệt nhoài. Đến nhà Bê thì tội nghiệp em quá vì tôi không là công tử Trùng Nhỉ ,nên em làm món gì cho tôi ăn thì tôi cũng tận tình nuốt sạch ,muôn vàn cảm tạ và nhớ ơn mãi mãi.
Tôi nhớ món bánh canh ( bột mì ) nấu với tép khô, ăn ở trong cái bếp tồi tàn ám khói . Hai đứa hì hục nhồi bột, cán bột làm bánh canh (năm đó mua lương thực không phải là gạo mà là bột mì và Bo Bo. ) Tô bánh canh trắng , những chú tép cũng trắng, và cũng chỉ có muối trắng. Nhờ tài nấu suông của em mà bánh canh ngon vô tận . Hai đứa tấm tắc ăn! Tôi thì háu ăn ,mà lại ăn nhiều, nên em Bê rất thích thú mà chiều bạn. Giờ cao lương mỹ vị -thịt cá ê hề. Làm sao tìm được hương vị "Bánh Canh xóm nghèo " thuở còn hàn vi ? ! Đúng thật. " miếng ngon nhớ lâu- Lời đau nhớ đời "


4 comments:

  1. Đúng là miếng ăn ngon hay dở cũng tùy thuộc một phần lớn thái độ của người "mời" ăn!!!
    Nếu thấy bạn bè mời ăn nhiệt tình ,nói cười vui vẻ ...tức sẽ thấy ngon lên bội phần! Chứ vừa cho ăn vừa trách móc,thì làm sao ngon được. phải không Chi?
    À, mà Thanh cũng rút ra một kinh nghiệm qua bài của Chi là...khi mời bạn bè ăn, nhớ kéo dài thời gian càng lâu càng tốt! Cho đói thật là đói rồi hãy đem ra mời ăn, bảo đảm là có nấu thế nào cũng được...khen "ngon"! Đúng không?

    KimThanh

    ReplyDelete
  2. Đói thì ăn mầm đá cũng ngon đó là bài học từ xưa..nay xem HC bàn ra tán vào miếng ngon bội phần nếu ăn khi đói , lối văn giản dị , trào phúng nhưng không thiếu những chi tiết kinh điển làm bài đọc càng hay ..bội phần. Xin mời bạn theo dõi rất lý thú.

    ReplyDelete
  3. Thanh Ông ơi . TUL nhớ bún ốc gỉa ba ba của Thanh, nghĩ tới tấm lòng của bạn thấy ngon thêm bội phần.

    ReplyDelete
  4. Chị TUl ơi, không phải đói ăn mầm đácũng ngon đâu , mà là phải ăn mầm đá trước khi ăn các món khác, tức là chờ cho đá chín ( thì đói quá lên rồi ) ăn cơm với tương cà mắm muối gì cũng trở thành yến tiệc. Không tin chị cứ thử hầm một nồi mầm đá ba ngày mà xem . Nhớ là không được sơi gì trong khi hầm đá mầm đấy nhé. Chúc chị thành công .

    Hà Nguyễn.

    ReplyDelete