Jul 4, 2011

Chuyện Bà Cháu

CHUYỆN BÀ CHÁU
Lưu Hảo Chi





Bà tôi họ Cao, lấy ông tôi từ năm bà mười ba tuổi, hãy còn đánh chắt ngoài sân, và bà kể lũ trẻ đang chơi với bà bảo rằng: Người ta đang đi hỏi cưới mày đấy!! Bà kể với tôi rằng lấy chồng từ thuở mười ba, nhưng bà chẳng biết chuyện gì cả! Tối vẫn ngủ với mẹ chồng. Mãi đến năm muời chín thì bà đẻ ra bố tôi. Ông tôi họ Lưu,nên bà là cội nguồn gần nhất để chúng tôi tìm thấy một dòng dõi ʺnữ Lưuʺ tức là các con gái nhà họ Lưu.

Bà- người phụ nữ Việt Nam mà tôi cho là điển hình cuả sự cam chiụ những bất công, sự không thể tưởng tượng được một cách rất Việt Nam. Bà không được đi học
Thế hệ trước đây 50 năm, đàn bàđược đi học rất ít, (sợ viết thư cho bồ) và phải phục tòng tam tòng tứ đức. Những nữ lưu ở trong dòng họ ấy, tôi phải kể đến hai người đã ràng buộc với tôi nhiều là bà và chị. Tôi yêu bà, vì giản dị là bà yêu thương tôi. Còn chị thì tôi kính sợ!! Những đứa cháu yêu bà thì chắc chắn phải là cháu cưng! Tôi là một trong những đứa cháu được bà cưng Tức là bà đã dành nhiều công nuôi nấng. Lòng yêu là một cái gì vô cùng trừu tượng, và tôi luôn mang trong lòng tình yêu mộc mạc ấy để mà tự thỏa mãn là được bà cưng, tự an ủi cái hẩm hiu ʺmồ côiʺ cuả mình! Tuổi thơ, tôi thích chơi một mình. Bạn tôi thường là cái xó nhà. Tôi đứng trong cái xó đó để thấy mình được bỏ
quên. Mà có lẽ tôi thèm được bỏ quên, để được tự do mơ mộng. Tôi sẽ thủ thỉ với cái xó nhà rằng tôi đứng đây trông mây trời qua khe cửa, hay tôi sẽ tưởng tượng ra rằng thằng sàn nhà thì được lau rửa hàng ngày, còn tôi là cái xó kẹt thì chỉ để cho nhện giăng và ấn lão chổi cùn vào đứng chung!! Tôi nghĩ ra chuyện cái xó, để ví như cuộc đời mình đã bị xếp xó.

Câu chuyện bắt đầu từ lúc tôi lên một, tôi bị mắc bệnh đậu mùa và mẹ tôi đã thảy tôi cho ông bà tôi nuôi. Lúc đó, bà tôi cũng vừa mất một người con trai một tuổi cũng vì mắc bệnh đậu muà. Ông tôi ra tiệm thuốc bắc, bốc thuốc bổ về cho bà uống cho ra sữa tiếp mà nuôi tôi. Tôi đã lớn lên bằng sữa của bà. Bà cưng chiều tôi và tìm mọi biện pháp tránh cho tôi khỏi rỗ huê... Một dấu ấn kinh khiếp cuả bệnh đậu quái ác mà nhiều người vướng phải. Bà cho tôi món quà mà tôi không thể quên được đó là mười hai cô tiên bằng bột. Bà bảo đó là mười hai bà mụ. Những cô tiên cuả con bé lọ lem, lủi thủi chơi một mình với cơi trầu của bà. Thỉnh thoảng bà dấu đi một cô và hỏi tôi xem còn đủ mười hai cô không? phải coi chừng đừng để chuột tha! vì tất cả các cô ấy đều làm bằng bột và nhuộm phẩm.

Năm tôi lên bốn, tôi vẫn ở với bà và tôi tiềm tàng biết rằng bà rất sợ ông. Tôi nhớ, bà tôi lam lũ, sắn váy quai cồng gánh nước gạo nuôi heo. Ông tôi làm chef ở một tiệm ăn, nên có thể xin được những đồ ăn dư thừa của thực khách, đem về nấu cám và nuôi lợn rất tốt. Không biết con đường từ tiệm ăn (tức là phải ở thành phố) về đến một chốn nghèo nàn vùng quê hẻo lánh nào đó, đã phải xa mấy dặm để thân cò của bà lặn lội những quãng vắng, với hai thùng cơm hư, mùi vị chẳng lấy gì làm hấp dẫn ấy, theo bà đi những bao năm đời khốn khó, cúi mặt xuống con đường trơn và lầy. Có con đường nào rợp bóng cây xanh cho bà ngừng nghỉ ở những ngày hè oi bức?? Tôi vẫn không quên một lần tôi đứng chờ bà về. Từ đằng xa, tôi đã thấy đôi thùng nước gạo, chiếc khăn mỏ quạ dập dềnh trên đầu... Những bước thoăn thoắt như chạy, để xua đi cái nặng nề và chua chát (cả mùi vị lẫn thực tế!). Bà tôi thấp thoáng lướt tới, bà dừng lại
dưới hiên nhà, nét cười tươi thắm, vẫn không quên quà cho tôi : một chục quả sấu chin vàng rượm, đặt trên mặt lớp cơm thiu... Đây là những quả đã rụng xuống trên con đường về làng mà bà đã dành cho tôi... Cả cuộc đời tôi khi còn có bà, lúc nào tôi cũng được bà dành cho quà ngon, bà không ăn chua, nhưng quả ổi dòn, quả cóc dôn dốt, thì bà lựa tuyệt hảo. Những lúc nghĩ lại để dành cho bà chút trân cam cuả lòng ưu ái, thì bà nay đã không còn. Tôi mủi lòng nhớ lại câu chuyện gánh nước gạo cuả bà, vì hôm đó, sau khi cho tôi chục quả sấu làm quà, bà tôi vào nhà, ngồi xuống chõng tre, tôi còn nhớ đôi bàn chân không guốc dép, đôi tay buông thõng và tiếng thở dài não nuột, tôi kinh hãi khi nghe bà tôi gào lên thảm thiết khóc và than rằng ông tôi đã chuẩn bị một cái roi mây để về đánh bà!! Bà tôi là nạn nhân cuả chế độ phong kiến, chồng chúa vợ tôi! Đàn ông có quyền năm thê bảy thiếp, và được quyền đánh đập giáo huấn vợ con!!
Năm tôi lên chín, bố tôi mất. Tôi trở lại sống với bà và lại được ăn cùng mâm, ngủ cùng giường, được gối đầu lên cánh tay trần và mùi trầu ngai ngái cuả bà, được ngủ quên đi trong tiếng quạt phe phẩy nhẹ nhàng những làn gió mơn trớn tóc mai... Tôi ngáy trước bà, nên không hề biết được những đêm trằn trọc của bà sau ngày bố tôi mất, chỉ giật mình nửa khuya, nhìn thấy dáng ông tôi hình hài tiều tụy, bên cút rươu cạn, người đàn ông ngửa cổ khóc khan, tiếng khóc đứt đoạn vì thương con đã khuất, cảnh
nghèo và lũ cháu mồ côi quá sớm.
Đó là mùa hè năm 1959, những trận mưa nhiệt đới xối xả và làm bầu không khí mát dịu hẳn. Tôi đến đó với lòng bỡ ngỡ và thích thú vì nhà có cây sung. Tôi thích cây, bạn thiết cuả tôi là cây cỏ, lá nõn tươi nhựa, lá già xanh đậm với những nốt li ti mà ở trong đó có những con bọ bí hiểm. Quả lại càng hấp dẫn hơn, chín vàng, đỏ thẫm, hoặc xanh rụm. Những quả non mới chớm li ti và những chùm sung tròn trịa đẹp mắt. Bà tôi bảo cây sung vô ích vì quả ăn vô duyên. Nhưng tôi lại rât thích trèo lên cây và vắt vẻo trên cành ngắm trời mây xanh thẳm, hay đợi con vàng anh hót lanh chanh trên cành nhỏ, gọi tôi dậy lúc bình minh vừa chớm...Bầu trời thơ ấu đầy lộc non, khung cửa sổ nhỏ và lòng bình yên cỏn con trong nỗi buồn không tên của những ngày vừa mất bố.
MỘ CHÍ
Bùn nhầy nhụa
Đất đen
Những nhát cuốc lấp mộ, ngát mùi cỏ dại
Sự trở về ướt sũng
Tiếng mưa rơi buồn
Trời ướt... Đêm lạnh đen thẫm
Côn trùng ngân nga
Mắt tôi dừng lại
Căn nhà tranh vách đất
Tôi thấp thỏm chờ
Trong tiếng à uôm não nuột
À uôm
ếch nhái ao chuôm...
Đèn dầu hiu hắt
Tôi mơ hồ thấy bức màn đen
từ từ phủ lấy một quãng đời đen
Sắp đến
Ngày bố tôi mất
Cô đơn
vắng lặng.
Chuyện thần giao cách cảm
có linh hồn hay không??
Nhưng tôi biết chắc một điều
lúc bố chết thì không yên lòng, vì lúc bốn giờ ba mươi sáng, bác tôi nằm mơ thấy bố đi từ hàng rào vào, với tay bẻ cành dâm bụt làm ngọn roi, trao cho bác dặn lời tâm huyết: ʺBác trông nom hộ tôi mấy cháu, chào bác tôi đi đâyʺ...Bác tỉnh dậy lúc năm giờ, vội chạy vào nhà thương thì người ta đang đẩy bố vào nhà xác. Bố tôi chết lúc bốn giờ.
Rồi bác trông nom các cháu giùm cho bố. Nhưng tôi không ở với bác, vì học trường công gần nhà và được ở với ông bà nội. Dầu gì chăng nữa, tôi cũng thấy văn hóa Á Đông giàu nhân bản, vì ông bà tuy rất nghèo, nhưng vẫn sẵn sàng mở rộng vòng tay che chở, yêu thương các cháu không
một chút phàn nàn! Bà ôm ấp nắm ruột thịt thân thiết cuả bà, là hậu duệ của người con trưởng mà bà đã dành nhiều kỳ vọng và lòng ngưỡng mộ
Bà bảo bố tôi đẹp nhất bầy, giỏi, khéo tay và rất nghệ sỹ. Tên của tôi là bút hiệu cuả bố, để ông dịch sách và làm thơ (chắc không con cóc như tôi!) Bố đặt tên tôi cho những kỷ niệm đẹp một thời cuả ông.
Nhà bà nội
một nếp nhà tôle ciment, tường phên vách đất. Cái nhà như một cái hộp chữ nhật lớn, có hai cửa ra vào đều ở bên hông hộp chữ nhật và một cửa sổ lớn, hoàn toàn bằng phên để gió trời tha hồ mà thổi vào lồng lộng. Nhà có hai cửa đều có thể thoát ra đường cái, cửa chính có số nhà, và cửa sau không có. Nhưng nhà lại là tận cùng cuả ngõ cụt, nên hứng tất cả mọi tai ương. Tôi đến nơi đây lúc không bao giờ thấy
bố tôi trở lại, và chỉ trong một thập niên
ba người đàn ông trong nhà đã ra đi. Sau bố tôi mất mới 37 tuổi, đến ông nội 67 tuổi và người sau cùng là chú út mất lúc mới 21.

Lúc lớn khôn rồi thì tôi mới nhận rõ cái ʺvô phúc thiểu âm đứcʺ cuả một gia đình mà rường cột thì ngã đổ, nhà chỉ còn đàn bà góa và trẻ con ở với nhau, chứ hồi còn nhỏ, căn nhà cuả bà tôi là cả một cái gì bí mật thân thiết cho tôi được tự do thơ thẩn cả ngày, tôi đã sống thật bình an.
Đầu nhà có một cây sung mọc chui ra khỏi mái. Một khoảng trời xanh và gió, một khoảng lá nõn những muà xuân, hoặc những ngày hè oi ả, sau những trận mưa lớn, lá sung nâu trôi đầy từ máng xối xuống thùng nước chứa cuối sân sau, ở trong lu nước, đã có một chú cá vàng đuôi đỏ, thơ thẩn ẩn núp dưới lớp lá mục, chơi trò trốn tìm hồi hộp với đôi mắt cuả tôi tìm kiếm. Tôi sợ chú theo nước mưa tràn ra khỏi thùng nước mà chui xuống cống rồi ra tít tận biển khơi. Nhà bà nghèo lắm, ngay dưới gốc sung là một tấm giường gỗ, nơi đây được mắc một chiếc võng gai để bà ru cháu ngủ. Lúc này em tôi đã được mười tháng tuổi. Rồi chúng tôi cũng lớn lên với tiếng hát ru u hoài ngọng nghịu cuả bà. Tôi thay hình ảnh mẹ hiền bằng hình ảnh bà tôi chịu thương chịu khó, hiền từ, đẹp như tranh mộc cuả lòng tôi. Tôi chẳng thừa hưởng chút anh khôi nào của bà cả, môi mỏng, đỏ thắm (vì trầu) mũi dọc dừa, mắt sâu. Bà cười tội nghiệp khi bồng cháu giơ cao ngang đầu và bảo sẽ gọi em bằng ʺcon Côiʺ. Trong tấm lòng cuả bà, lúc nào cũng thấy sự mất mát côi cút cuả chúng tôi là đau khổ hơn cả.
Những lúc nằm bên bà, ngủ trưa hay ngủ sớm, tôi thường ôm lấy cái bụng xồ xề của bà, ngửi mùi nồng ấm của trầu và nhìn vào đôi mắt trắng đục, bà chẳng nhìn tôi nhưng khẽ khàng kể lể (lúc đó tôi đâu khoảng mười tuổi): ʺÔng mày đi xa về muốn lúc nào thì cứ gần bà, chẳng kể gì là bà đang có tháng!ʺ Tôi chẳng biết ất giáp gì, nhưng mơ hồ hiểu là bà phải chịu đựng khi sống với ông! Giọng bà luôn luôn có âm điệu hơi buồn.

Bà sinh nhiều, nhưng không nuôi được. Hữu sinh vô dưỡng. Tên các con của bà: Yên, Ổn, Nhàn, Tỉnh, Thông, Minh, Định, Trịnh, Nghĩa, Danh, Dự.. ít nhất cũng phải mười hai người con. Theo cách đặt tên thì ông bà không muốn giàu có sang trọng, nhưng chỉ ước ao được một cuộc sống yên ổn với những bông trái thông minh. Mà cái tên thì luôn luôn phản lại cái người. Phản bội một cách trắng trợn hơn là tất cả, những người con thân yêu cuả bà đều lặng lẽ giã từ trước khi bà nằm xuống(tôi chỉ còn một
ông chú là sống tới bây giờ để lo viêc hậu sự). Bà không được đi học, nhưng có theo lớp xoá nạn mù chữ, nên bà biết đọc biết viết. Bà đọc kinh thánh và hát thánh ca với các cháu. Dưới ánh đèn dầu lù mù, bà hát: ʺLàm giàu tôi không ham Chuá ôi! Bạc vàng phù vân đấy thôi...ʺ
Mà thật vậy, làm sao mà giàu có được khi bà vẫn phải buôn gánh bán bưng,và lo chạy gạo từng bữa phụ nuôi lũ cháu nhỏ mồ côi. Tôi nhớ những bữa cơm thanh đạm
gạo đỏ, muối vừng, thêm tô canh rau ngót nấu tôm khô. Tôi rất ghét rau ngót vì lá hơi chát và cứng. Mỗi lần bà nấu canh rau ngót là tôi lại khóc: ʺCháu không biết ăn mà bà cứ nấu món này hoài!ʺ Rồi nước mắt ở đâu mà lắm ... cứ rơi lã chã!! Bà lườm cho một phát, rồi lẳng lặng đi rán cho tôi một quả trứng!
Thủa bé, tôi hay lẽo đẽo theo bà, vì hình như tôi, môt đứa trẻ mồ côi cha, sớm xa mẹ nên đã bám theo bà vì bà đã săn sóc tôi. Bà để cánh tay trần, mặc cái yếm trắng lấm lem mồ hôi, bà quạt phành phạch cho tôi ngủ. Nửa đêm tôi thức giấc vì bà cầm cái đèn dầu con để hun bắt từng chú muỗi kếch xù căng máu, đã lẻn vào mùng mà chích tôi no nê. Thỉnh thoảng tôi chợt thức dậy vì những cơn đau răng nhức buốt, tôi khóc lè nhè suốt đêm mà không biết. Lúc đó tôi đã chín mười tuổi đầu. Tôi nhớ bà với mùi trầu
thơm ngai ngái, cái cơi trầu cuả bà bằng nhôm, có một hai quả cau và vài tệp lá trầu. Tôi hay theo bà đi chợ, mò mẫm, lầy lội vì đường trơn mưa ướt. Đôi dép lép nhẹp. Thoạt tiên bà mua bó rau muống bỏ vào làn... Bà ra cuối chợ mua ít cà chua, hành lá, một quả xoài chua và một quả dừa cho chú tôi. Bà mua nửa chục cóc cho các cháu. Tôi theo bà đến hàng thịt bò, bà mua thịt nạm để làm thịt kho. Tôi chắc là thịt nạm rẻ nhất. Cuộc sống ngoi ngóp lầm lũi. Buổi trưa tôi nằm ở cái chòm bậc cửa, bà trải tấm chiếu. Tôi nằm gối lên đùi bà và học bài học thuộc lòng cuả tôi (lớp 4). Ngó ra cửa, tôi nhớ mãi cây tầm ruột (nhà hàng xóm) lá xanh vàng đều đặn, cây thấp mà đã có quả từng chùm..Rồi những trưa hè êm ả, tôi nhổ tóc sâu cho bà, những sợi tóc mỏng nhỏ trắng muốt. Bà ngồi lim dim. Tôi
nhớ tóc bà ít và ngắn, khuôn mặt nhỏ, da mỏng mũi dọc dừa, miệng mỏng. Bà không hôi nách sâu răng. Nói tóm lại là bà rất sạch sẽ, chỉ có một tội là nghèo. Tôi đã tiêm nhiễm cách ăn mặc sống nâu sòng nghèo khổ của bà, lam lũ nhưng chịu khó, lúc nào cũng có việc làm và tin kính Thượng Đế.
Những đêm hè, trời quang đãng, mấy bà cháu bế nhau ra đường chính nhìn đèn và xe cộ cùng hóng mát (đường Phan Thanh Giản cũ). Cuối dẫy phố kia là bảng hiệu xanh đỏ chớp lấp lánh chữ bằng đèn Neon : Áo Len U S A . Những năm 1959
1960, Sài Gòn vẫn còn thưa thớt ít người...Đêm chỉ xôn xao vài giờ, rồi lại chìm vào yên lặng. Tôi ngồi bế em ngủ trong lòng và nhìn trời hiu quạnh, tôi thấy mình như trôi trong trời rộng Tôi thích những đêm hè quang đãng ấy.
Hồi còn bé, mỗi lần chúng tôi chòng ghẹo nhau khóc
máchkể lể, thì bà tôi lại rít lên:ʺlại chọc cứt ra mà ngửiʺ nghĩa là một đứa nào trong bọn đã là cái thứ khó chịu ưa khóc và lại hay bị chòng ghẹo. Tôi không nhớ là đứa nào trong bọn chúng tôi hay khóc, nhưng tôi nhận thấy nếu mình có bị ăn hiếp, thì bà lại dúi cho tôi môt đồng để đi ra đầu ngõ ăn đậu đỏ bánh lọt, hoặc là ăn nghêu hấp, húp nước mắm xì xụp. Bởi vậy tôi nghiệm thấy một điều, tôi đích thị là cháu cưng cuả bà. Bà lúc nào cũng dành dụm, để phần và cho cháu quà ngon. Chiếc bánh đa vừng phải bẻ để chia đều cho các cháu! thơm ngọtăn mãi không chán. Tôi yêu thương bà lắm. Bà chính là Mẹ cuả tôi ở trong tâm khảm. Những lúc tôi đau răng, nhức chân! bà sai chú chở tôi đi bệnh viện Thanh Quan (chắc là nhà thương công) để xếp hàng lấy số cho cháu chích thuốc và đem cháu về! Bây giờ, dù tôi có già năm sáu chục tuổi thì tôi vẫn luôn nghĩ về bà với tâm trạng cuả đứa trẻ lên mười, để được như vẫn còn bà yêu quý săn sóc vỗ về. Bà không còn nữa
nhưng mỗi lần buồn tủi, tôi lại thầm gọi bà và cầu nguyện để ơn trên vì tấm lòng tôn kính thượng đế cuả bà mà đức ngài sẽ ban phước cho tôi.
Lúc tôi còn bé, không hay đau ốm vặt, nhưng bị bệnh nhức chân, chắc là thấp khớp. Tôi được bà dẫn đi châm cứu. Người ta châm miễn phí! Châm cứu rất hiệu nghiệm, giảm đau ngay, nhưng không phải lúc nào cũng có cơ hội mà đi chữa. Bà bắt tôi uống nước ngải cứu của bà! Những chén thưốc đen, đắng nghét, sợ muốn chết. Rau ngót còn không ăn được nữa là ngải cứu! Thế nên tôi cứ mắt trước mắt sau, không thấy bà là đổ ụp xuống cống! Nhiều hôm nhức chân quá, tôi phải thuê hai em đấm chân, 500 cái thì kể một chuyện. Chẳng biết chuyện ở đâu ra lắm mà kể hết ngày này sang ngày kia!
Những ngày còn ở Đà Lạt, vào dịp xuân sang, tôi được nghỉ tết nhiều ngày, liền làm một cuộc ngao du sơn thủy. Tôi đeo một túi dết lớn, dắt theo hai tiểu đồng là hai đứa em, khoảng lên tám lên mười. Tôi đi hái thuốc cho bà. Nhà nghèo thì làm gì có tiền mua thuốc, nếu không chịu đau vài bữa ʺtự động nó khỏi bệnhʺ thì món thuốc hiệu nghiệm chữa bá bệnh cuả bà là ʺngải cứuʺ. Tôi đi thơ thẩn ngắm trời mây, quả thật Đà Lạt đẹp hơn tôi tưởng lắm lắm. Thông ơi, cao vút xanh rì, thì thầm to nhỏ những lời êm, không dám làm khơi động giấc mơ xuân cuả tôi. Tôi chỉ cho hai tiểu đồng đâu là cây Ngải Cứu, nó khác với cây hoa Cúc ra sao, và cứ thế mà tìm hái. Những kỳ hoa dị thảo
lan rừng cười nụ trong tàn lá xanh. Đôi lúc có tiếng động cuả chú sóc chạy loạt xoạt, đuôi cong vòng duyên dáng! Rồi tôi đến một thung lũng mà bạt ngàn những Ngải Cứu mọc cao hơn đầu tôi. Đúng là cây Ngải Cứu già mà bà tôi mong muốn có. Bà có kể sự tích vua Gia Long có lần chạy trốn trong rừng thì đã được những cây Ngải này mọc cao lên che chở và đã thoát hiểm. Vì vậy mà người đời đã đặt tên nó là cây Ngải Cứu. Thung lũng nhiều Ngải quá chừng, tôi chỉ cần dùng tay
bẻ gập xuống là có cả khiêng. Tôi đã phải loay hoay cùng hai tiểu đồng thuê xe bò kéo một xe Ngải Cứu về phơi và để dành gởi cho bà làm thuốc chữa bệnh. Tội nghiệp bà tôi đau lưng cũng uống Ngải Cứu, đái giắt cũng uống Ngải Cứu! Nhức chân thì giã Ngải Cứu, nướng thêm miếng ngói cho nóng và gói chung vào mà chườm! Bà chẳng tốn đồng tiền nào cho hàng thuốc. Đau mắt thì rửa sạch bằng nước nóng và chườm nước muối! em tôi đầy hơi thì bà dán vào thóp một chút đầu lá trầu! Thuốc là những
gia vị ở quanh bếp cuả bà. Mùa hè nóng rát
rôm sảy đầy lưng bà quạt xoa cho mát, chườm nước mưa lạnh bằng cái khăn mặt màu cháo lòng của bà... Tôi đứng trong ký ức nhỏ nhoi ấy mà thương nhớ và tội nghiệp bà
Tôi muốn viết về bà với nỗi đau cuả người mẹ mất con. Thật là bất hạnh. Lúc bố tôi mất, bà khóc thảm thiết lắm
Tôi vẫn nhớ mơ hồ tiếng thanʺỚi con ơi, sao con cướp công cướp của của mẹ con ơi!ʺ Đó là công sinh thành dưỡng dục. Bố tôi là niềm kỳ vọng lớn của ông bà. Bố tôi đẹp nhất trong số mười hai người con, lại giỏi giang, và là con trưởng. Rồi đến chú Định là con út, thì bà cũng đi nhận xác. Một ngày tháng mười một đau thương, chú mới rời quân trường được vài tháng, đánh trận ở Đức Hòa Đức Hụê. Chú chết trước Tết Mậu Thân1968. Lúc chưa thấy xác chú, bà tôi khóc vật vã: ʺới anh Kỳ anh Thiệu ơi, các anh giết con tôi”. Khi người ta khiêng xác chú ra, thì bà tôi bất tỉnh. Bà thương chú nhất mà chú cũng rất có hiếu với bà. Thế mà rồi cũngʺcướp công cướp củaʺ của bà mẹ quê.
Số phận của bà sao bi thương quá đỗi. Mỗi khi nhớ bà, tôi ước gì
ước gì bà còn sống để tôi đến quỳ bên gối, âu yếm nắm đôi tay gầy guộc cuả bà mà gọi khẽ:..Bà ơi...Thôi bà cũng chẳng còn trên cõi đờì, mà lúc bà mất, các cháu đều ở xa, chẳng đứa nào về chịu tang, kể cả đứa cháu cưng cuả bà là tôi!!

Cuộc đời bà nhiều nỗi ám ảnh sợ sệt. Sợ nhất là ông tôi, hiền nhưng cục tính và hay ʺthượng cẳng chân hạ cẳng tay ʺ với bà, mà bà lúc nào cũng phải chịu thua ngồi im mà chịu đòn. Sợ cô trắng răng là mẹ tôi, con dâu nhiều chữ nghĩa lắm mưu lược. Sợ đến cả con trai (là ông chú tôi) còn lại độc nhất của bà. Ông bảo gì, xúi gì cũng nghe. Tôi cảm thấy tủi cho bà đã quá phục tòng chú, bà bán căn nhà cuả bà mà về ở chung với chú
Phải chung đụng thêm với một nàng dâu thiếu cái giáo dục đạo đức phương đông để tự tu thân tề gia, vô cùng chẳng ưa gì mẹ chồng! Bà tôi có hy sinh của cải, tự do, và ngay cả sức khoẻ cuả bà để mà chăm sóc đàn con cho chú, thì bà vẫn bị cảnh ʺmẹ chồng nàng dâuʺ và để thấy đời nó là địa ngục. Đạo giáo nào kêu gọi long hiếu thảo, tử tế, ăn ở nhường nhịn, kính Chúa yêu người, đâu tôi không thấy ai áp dụng! Tôi chỉ thấy bà lận đận lao đao ʺ tỵ nạn gia đình trịʺ, đôi lúc phải vào nhà thờ xin làm công quả, để được sống yên thân. Mỗi lần đi thăm bà, mà phải đi ra nhà thờ có ông truyền đạo Vũ chủ tọa, thì tôi biết bà tôi đang gặp những chuyện cơ khổ!! Có nhà không được ở, có con cháu chẳng được chúng phụng dưỡng chu đáo!! Hoá ra những tấm lòng ích kỷ nó cao hơn tất cả các chướng ngại vật nào trên đường đờì để người ta không thể nào vượt qua khỏi hòng sống mà yêu thương nhau! và tôi đành phải kết luận hão một câu :
Nào con có thương mẹ đâu?
Mà cho chàng rể, nàng dâu thương cùng!!
Lúc tôi đón chú thím và gia đình đến định cư tại Mỹ theo diện HO. Tôi không thấy có bà, hỏi tại sao thì được thím tôi rót vào tai: ʺChú mày phải chọn một trong hai đường! ʺ
Thế là thế nào??
Nếu đem bà đi với chú, thì không có thím. Mà thím đi thì bà phải ở lại.
Nghịch tử ơi là nghịch cảnh! Bà bị té gãy xương hông nằm một chỗ lâu rồi!
ʺNàng nằm đớn đau, tháng năm dài buồn hiu ʺ Nguyễn đức Quang. Tôi không trách được chú, vì ông đã bị ở trong một hoàn cảnh khó xử. Một bên là mẹ và một bên là vợ con. Vợ chú đã không có đủ mềm mỏng, nhã nhặn cần thiết cuả một nàng dâu để thương quý mẹ chồng như mẹ ruột. Nhưng nếu chú thím hiểu xa hơn một chút thì biết rằng chính phủ Mỹ đã cho ra đi đoàn tụ hay định cư gì đó thì lý do chính vẫn là lý do nhân đạo. Và nếu bà được đi theo chú, thì sở an sinh xã hội họ sẽ giúp đỡ lo cho bà từ A
đến Z, để mà chú sẽ không bao giờ ân hận là đã bỏ bà ở lại một mình.
Tôi chẳng bao giờ gặp lại bà nữa, vì già yếu, bệnh hoạn và cô đơn, bấy nhiêu thứ gậm nhấm, cũng đủ bà sầu não mà chết tức tưởi. Không biết có đêm trăng nào rọi trên vách nhà, cho bà nhớ nhung gọi tên các cháu
Hay vẫn mơ hồ tưởng đâu đó chú tôi, cô tôi vẫn túc trực chờ bà bảo sai. Một người cháu gọi bà bằng bác dâu, đã tình nguyện lấy cuả chú hai trăm dollars mỗi tháng (19951998) để chăm nom săn sóc bà! Nhưng mà cô
này đâu có làm tròn nhiệm vụ cuả mình đâu?! Có ai chăm sóc người già yếu neo đơn mà lại để bà nằm trơ trọi, một chiếc giường ghế bố có khoét lỗ ở giữa để cho các chất bài tiết thoát ra lau rửa dễ dàng!! Cô đóng cửa nhốt bà ở trong đó một mình, còn cô đi ta bà thế giới. Có lần em tôi về lại Việt Nam thăm bà, phải chờ mấy tiếng mới kiếm được người mở cửa vào thăm. Tôi không dám nghĩ tiếp và vô cùng thất vọng, vì bà tôi đã lòa, nằm thoi thóp thương con nhớ cháu. Tôi có những cơn mơ nghe tiếng bà nức nở vọng về trong ʺnỗi nhớʺ
Màu tối mù lan vách đá
Nhớ mênh mông đôi mắt giã từ
Rồi đi biệt để hờn trên đỉnh gió
Ta ở đâu
Cánh mộng phù du
Tuệ Sĩ
Bà ơi, cháu nghĩ rằng bà hay tất cả những bà mẹ Việt Nam đã thể hiện làm thân cây Ngải Cứu! Cây Ngải Cứu rễ mọc lan xa bạt ngàn như lòng bà yêu thương con cháu. Rễ mọc khoẻ mạnh, cây lớn nhanh che chở những khi cần, như đã che chở cho một quân vương là đức Gia Long. Cây thơm một mùi Ngải quý, và chất chứa trong long những nỗi đắng cay đen đặc. Nhưng đó lại là vị thuốc giã tật, chữa được nhiều thứ bệnh ác tính trên đời. Cháu sẽ trở về thung lũng xưa làm thân du mục đi tìm thuốc hái cho bà, nhưng để gởi cho những ai quen biết một chút Ngải Cứu, dù ở chân trời góc biển nào
khi chợt nhớ những mẹ quê nâu sòng suốt đời cam chịu những thiếu thốn và bất công, những ưu sầu ly biệt, thì những người con Việt Nam bằng cái đạo đức phương Đông và ảnh hưởng Nho giáo, sẽ ʺNgậm Ngải Tìm Trầm ʺ để mà giữ thơm quê mẹ. Cháu lang thang mang đôi cánh mộng phù du, đuổi theo hình bóng bà bay trên đỉnh gió.
Tôi không nhớ lầm thì hình như bà tôi chẳng bao giờ có được thú vui giải trí. Mẹ quê nâu sòng đó suốt ngày chỉ lo chợ búa cơm nước cho các con các cháu. Mỗi khi chiều xuống, bà bảo cô tôi:
Thôi xuống sưả soạn bắc bếp thổi cơm.
Cơm ngon của bà thường có canh cá dấm là tôi mê nhất. Rồi đến cá kho tộ. Không hiểu bà có điều gì vui thú hơn ngoài sự nhẫn nại chịu đựng, tháng ngày nhìn con cháu lớn lên. Chúng lăm le rời xa tổ ấm, còn bà ở lại
Một bếp lửa nhen trong lòng chờ ngóng nhớ thương.
Những ngày thơ ấu cuả tôi, lặng lẽ trôi qua kẽ tay, buông xuống như những chuỗi thở dài hiu hắt cuả bà:
Ngày qua bữa chẳng qua...
Tôi rưng rưng thấy hình như bà cô đơn lắm, trong cái thanh bạch cuả sự nghèo nàn, bà không có những bữa tiệc linh đình, cỗ bàn thịnh soạn. Bà chẳng có hội hè, đình đám, cưới xin. Nhạt thếch đến độ tôi chỉ thấy có một điều là bà ưa nghe Radio. Nghe Tao Đàn, Hồ Điệp
Quách Đàm ngâm thơ, nghe vọng cổ não nuột những trưa hè nắng chói. Chiếc áo cánh mỏng hơn cánh chuồn chuồn, những đồng tiền ít ỏi lẻ loi, bỏ trong
túi áo cuả bà,cũng mỏng manh bạc phận. Tôi không nguyền rủa cái nghèo, nhưng tôi chỉ hơi ác cảm với nó một chút vì tôi ước ao có tiền mua cho bà đôi dép mới, cái áo cánh nâu dài tay, hay mua kẹo gừng cho bà ngậm.
Có lần bà cũng ra Long Hải nghỉ hè với chúng tôi. Mẹ tôi hào phóng lắm, đãi bà nhiều bữa hải sản tươi, trái cây nhiệt đới chín ngọt to tròn, những na cùng xoài, măng cụt...Bà đi picnic thật xa...Trong tôi luôn luôn có bức tranh đẹp, mấy bà cháu đi bộ đường biển, bãi cát ngút ngàn
những bờ đá rộng với nhiều phiến đá như những tấm vai đồ sộ, khi vượt qua những bờ đá, là những cảnh tượng hùng vỹ khác cuả thiên nhiên kỳ lạ hiện ra... Biển chỉ có mấy bà cháu. Mắt bà vui thỏa, cười tủm tỉm, da mặt căng hồng... Những ngày vui nào thoáng ẩn hiện trong cuộc sống lặng lẽ cô đơn cuả
bà! Tôi tiếc vì bà đã không được học hành đến nơi đến chốn, tôi chỉ mơ hồ biết rằng nếu phụ nữ được thành đạt thì dĩ nhiên đời sống vật chất đỡ khổ và thân phận cũng đỡ tủi hơn! Hay là họ vẫn phải lệ thuộc vào một người đàn ông mà họ không thể yêu được! sống với nhau chỉ là cái nghĩa! Tôi muốn ca tụng cái tình yêu mà hai kẻ yêu nhau đó phải tôn trọng lẫn nhau, hay là phải ʺnhư thuở ban đầu lưu luyến ấyʺ. Ông tôi có quý bà như một người bạn, một mảnh đời trói buộc liên hệ mật thiết với nhauʺ hai thân
nên một thịtʺ để đừng dày vò đánh đập bà! Có ai tự đánh mình đâu??
Tôi thương bà quá khi nghĩ về bà, lại ngẫm đến thân mình! Có nề hà gì một chút giúp người hơn một tí, làm những bổn phận nhạt nhẽo
kỹ lưỡng hơn một tí, bớt ác khẩu đi một tí Có lẽ những cái hơn và cái bớt đó sẽ bù qua sớt lại, để thành một thứ
ʺTâm Tình Hiến Dângʺ( thơ Tagore)
Rốt cuộc, tôi là đứa cháu cưng duy nhất mà được bà dự đám cưới. Tôi còn một tấm ảnh kỷ niệm, tôi trang trọng cất giữ và đóng khung!
Nhà trai đưa sính lễ và trầu cau, rót rượu đưa cho đại diện nhà gái. Bà đỡ ly rượu, phát biểu cảm tưởng:
Chúng tôi, gia đình nhà gái, cám ơn các ông bà đã thương cháu nó mồ côi...
Tôi cay mắt nhìn bà. Trời ơi, sao bà lại khiêm nhường thế? Họ lấy được cháu cưng của bà là cả một điều quý hóa hân hạnh đó bà ơi. Tôi biết sự nghẹn ngào cảm xúc của bà qua nỗi mất mát ,côi cút cuả chúng tôi đã ám ảnh bà da diết suốt đời. Cám ơn tấm lòng ưu ái cuả bà. Sự bất hạnh của chúng tôi cũng là nỗi ngậm ngùi chua chát theo bà mãi mãi, chẳng thể xoá bỏ được
Lòng mẹ thương con đã vì nghịch cảnh phải xa lìa. Vậy ʺHãy hiếu kính cha mẹ ngươi! Hầu cho ngươi được sống lâu trên đấtʺ (Thánh Kinh).
Cám ơn những ngày sống với bà bình yên
Có bà với lòng tin kính Chúa đơn sơ như tâm tình cuả một đứa trẻ, để cháu học được sự chân thành giản dị trong niềm tin vào Đấng Tạo Hoá. ʺ Kính Sợ Thượng Đế là khởi đầu sự khôn ngoan ʺ (Thánh Kinh)
Cám ơn cuộc đời cuả bà
Một người mẹ Việt Nam thuần tuý, chỉ biết yêu đau khổ và tận tuỵ với tất cả mọi người.

3 comments:

  1. Đọc lại chuyện của bà , cảm động không cầm được nước mắt. Rất xót thương cho những phụ nữ Việt Nam , không những hòan cảnh xã hội nghèo , chiến tranh điêu linh và mất mát , cái chua chát của việc kẻ ở người đi... Bức tranh xã hội hay cảnh đời đầy dẫy những khổ đau ?

    TN

    ReplyDelete
  2. Đọc hai lần chuyện Bà cháu của Hảo Chi ,lần nào Thanh cũng thấy hay và xót xa cuộc đời Bà của Hảo Chi quá!!!
    Có lẽ vì thế tụi Thanh thấy khi Hảo Chi còn ở VN thường hay thấy Chi ...buồn!!!Không biết lúc này Chi có được vui vẻ trong cuộc sống không? Lúc này ít thấy mail của Chi quá!!!

    KimThanh

    ReplyDelete
  3. Xìn mời các bạn đọc một tác phẩm lớn của TV6370 , Chuyện Bà Cháu của Lưu Hảo Chi, đọc để thương và ngậm ngùi cho một người bà VN cực kỳ đau khổ, chịu đựng và hy sinh đến nỗi không thể hiểu được tại sao lại bất công như thế?

    ReplyDelete