Aug 13, 2011

Tiếng guốc

Tiếng Guốc.
                                                                       
Phạm Thảo Nguyên

P1010255
Chân dung phụ nữ Hà Nội
tranh của Phạm Nguyên Thảo
Tôi vừa đọc bài viết về những đôi guốc mộc của Nguyễn Quang Thiều. Tôi rất thích vì tôi cũng có những kỷ niệm rất riêng về guốc. Tuy bây giờ, guốc đã rất xa, nhìn quanh nhà, không còn thấy một đôi guốc nào cả. Nhưng những đôi guốc kỷ niệm lại về rất gần, đầy thân ái. Những đôi guốc xưa của tôi không còn là ‘guốc mộc” trong nhân chủng học của Nguyễn Quang Thiều, mà là những đôi guốc sơn, đẹp mỹ miều, đã cùng tôi đi suốt thời non trẻ.

Tôi sinh ra ở Hà Nội, hồi nhỏ đi học trường nữ tiểu học Thanh Quan, thường được gọi là trường “Hàng Cót”, vì nằm trên phố cổ Hàng Cót. Tôi còn nhớ chúng tôi từ các cô bé liu xiu lớp năm đến các chị lớn lớp nhất (lớp 1 tới lớp 5 ngày nay), ai cũng mặc áo dài, với đủ mầu, đủ kiểu, kiểu ngắn kiểu dài, lôi thôi lốc thốc và cùng đội nón lá. Trong bất cứ lớp học nào, ở phía góc trên cũng có ít ra là hai kim tự tháp nón, thành lập bởi vài chục chiếc nón chồng khít lên nhau. Cả trường tôi không ai đội mũ bao giờ, và chúng tôi gần như đều đi guốc, chỉ một số rất ít đi dép cao su trắng, hoặc dép da.

Chiều chiều khi tan học về, tiếng guốc của chúng tôi vang lừng inh ỏi khắp Hà Nội, nhất là trên con đường Hàng Điếu, từ trường Hàng Cót tới chợ Hàng Da. Tôi đi trong dòng guốc ấy, mà còn thấy đinh tai bởi hàng trăm tiếng guốc gõ thả dàn trên vỉa hè. Chúng dòn tan, rời rạc từng tiếng nhưng kết lại thành một âm thanh râm ran dài không dứt, như một con sông đang trôi, họp thành bởi từng hạt nước riêng lẻ chảy từng dòng không ngừng nghỉ. Bây giờ, lâu lâu nhớ về, thì biết rằng chả bao giờ ở bất cứ nơi nào trên trái đất còn nghe thấy tiếng vang ầm của cả trăm đôi guốc cùng một lúc gõ loạn xạ lên hè đường như thế nữa…Ôi chao, sao mà dễ thương!

Xã hội dần dần thay đổi, khắp nước từ Hà Nội tới Saigon, dân chúng ăn diện hơn. Những đôi guốc mộc ngày xưa trở thành những đôi guốc quang dầu màu vàng, màu đỏ, rồi thành guốc sơn đủ mầu. Sau đó xuất hiện những đôi guốc “điệu nghệ” được khoét hơi lõm xuống cho dịu bàn chân dẫm lên, được đẽo bớt phần gót cho cong cong chiếc guốc, cho nho nhỏ cái gót, cho yểu điệu dáng người đi. Guốc được vẽ hoa lá cành đầy màu sắc, rồi lắp gót sắt nhọn !!! Ôi, kinh hoàng những đôi guốc có gót sắt nhọn hoắt được vặn đinh vít vào thân guốc, với những chuyện thời sự đăng nhật trình thời đó: Các bà đánh ghen rút guốc đánh nhau đã nổi tiếng một thời.

Còn quai guốc, có cả mấy chục kiểu, không biết ai đã “phát minh”, đã làm ra những chiếc guốc điệu, những cái quai đẹp này, mà chỉ có dân Việt mình đi! Cô bé con thấy thật đáng thán phục, phải có cả kỹ nghệ guốc, với những xưởng mộc, chứ chẳng chơi!
Mỗi khi đi tới hàng mua guốc là cô nào cũng ngơ ngẩn, không phải riêng tôi. Thường được mẹ cho tự do chọn lựa, guốc là món đồ dùng cá nhân, các cô mua lấy một mình đầu tiên trong đời. Đó là một bài kinh tế học áp dụng để tập bước vào thế giới người lớn. Với một số tiền có hạn mẹ cho, muốn có đôi guốc đẹp, phải biết để dành tiền bù vào, phải biết giá trị của từng đôi guốc.

Những hàng bán guốc thường để guốc và quai riêng. Khi khách đã chọn xong cả quai lẫn guốc, giá cả “đồng thuận”, người mua chờ bà hàng đo chân, đóng quai cho. Đó là một nghệ thuật khác. Nhìn chiếc búa chim be bé đập đập lên chiếc đinh tí tẹo hoặc đinh kiểu đầu bọc đồng, hình nửa quả cầu nhỏ, để đóng quai vào chiếc guốc mới… thật thích thú. Chúng tôi cứ “dương mắt bé” lên theo dõi, ngưỡng mộ. Bà hàng làm rất gọn, bà lấy sẵn mấy cái đinh một lúc, giữ trong miệng, giữa hai hàng răng (!) sau đó lấy ra từng cái, đóng vào guốc liên tiếp thoăn thoắt không ngừng. Tay nghề bà hàng phải chuyên nghiệp lắm, khéo lắm, thì chiếc quai mới thụân, mới ôm lấy bàn chân nhỏ xinh, không cứa vào da thịt khi đi, không làm đau người diện đôi guốc mới. Rồi còn mục đóng miếng đệm đế guốc, cắt sửa những chỗ dư thừa bằng một con dao thợ giầy sắc như nước, được bà đưa đi nhẹ như tên!

Trong suốt bẩy năm trung học, tôi gần như chỉ đi guốc. Tại trường chúng tôi, guốc không thuộc diện “đồng phục”, nên tha hồ mỗi người mỗi kiểu. Có những kiều nổi tiếng do người đi đầu tiên quá đẹp, thế là sẽ có rất nhiều các cô bé học trò khác đua nhau mua theo. Tôi còn nhớ một kiểu guốc thấy rất nhiều trong sân trường là guốc sơn trắng, có quai ngang giản dị bằng nylon mềm trong suốt, điểm chấm tròn xinh xinh màu đỏ. Còn các cô bạn cũ của tôi, vừa được hỏi đến guốc, là cô nào cô ấy cũng xuýt xoa nhớ đôi guốc đẹp mình từng có ngày xưa, như đôi guốc cao gót màu tím nhạt quai đôi vắt chéo của Lan… Ôi sao mà đẹp thế! Riêng tôi, kể cả những năm học Khoa Học, không có bạn gái cùng lớp để khoe guốc, vẫn không theo “mode” nào cả, mà trung thành với kiểu guốc Nhật mầu đỏ huyết dụ đậm, quai nhung hai mầu đỏ đen chui ra một cọng đi vào khe giữa ngón chân cái và ngón thứ hai. Có lẽ vì được bà hàng “nịnh”: “Cô mà đi đôi này vào trường, là các cô khác lại đến đây mua rào rào cho mà xem!.”. (Tôi không dám kể cho bà nghe là lớp tôi toàn con trai, kẻo bà lại hết hy vọng!).

 Tại mỗi chợ nước ta, hình như đều có một dẫy hàng bán guốc, nhưng chúng tôi luôn luôn có những nơi mua guốc đặc biệt riêng. Tại Hà Nội tôi mua tại tiệm guốc tên là… Phúc Khánh(?), trong ngõ Yên Thái trước chợ Hàng Da. Tiệm có guốc rất đẹp, rất “mỹ thuật”, giá vừa phải. Trong tiệm có một giếng nước, lúc nào nước cũng trong mát, đầy gần tới miệng. Cứ mở nắp giếng ra, là cầm lấy gầu múc nước lên được, y như múc trong chum ấy!. Tôi mê lắm, mỗi lần đến mua là xin phép vào sân trong rửa chân đi guốc mới. Chúng tôi thích đi guốc hơn giầy dép da vì guốc thoáng gió, bàn chân không bị ép chặt, và tha hồ rửa chân. Cũng vì nước ta xứ nóng, đường xá nhiều bụi bậm, bùn lầy, đang đi giữa đường mùa hè rừng rực, qua cái ao có cầu bắc xuống nước, là ta có thể bước ra thò chân xuống, khoắng ngay chân cùng guốc vào nước được!. Ôi mát lạnh cả người! Nhưng guốc chóng mòn, chóng hỏng hơn dép da. Khi guốc mòn rồi, tiếng guốc quét lên vỉa hè xi-măng xoèn xoẹt nghe ghê lắm và hết đẹp nữa!

Tán rộng thêm một chút, không biết có phải nhờ đi guốc, nên bàn chân luôn luôn được thở tự do thoải mái, mà chân người Việt chúng ta không bị hôi, bị vặn vẹo như các sắc dân đi giầy bó sát, bịt kín suốt đời không? Nói cho đúng ra thì cái gì được “tự nhiên, không bị chèn ép” cũng nẩy nở hoàn mỹ hơn! Những đôi giầy da thon nhỏ, bó sát vào chân của các bà quý phái, mặc áo đầm dạ hội hay áo veste, váy công sở… trông thì sang lắm, lúc trẻ thì đẹp lắm. Nhưng sống lâu ở những xứ này mới biết, các bà đầm Âu Mỹ có “vấn đề” về chân rất nhiều. Y học Mỹ có hẳn một chuyên ngành riêng về chân. Tôi có những người bạn đồng nghiệp Mỹ bị mổ bàn chân nhiều lần vì xương ngón chân mọc thòi ra, cho chân vào giầy cũ không được nữa, hoặc mấy ngón chân nhỏ bị ép lại có khi đè lên nhau rất đau đớn. Dân Việt mình khi sống lâu ở ngoại quốc, bỏ guốc, quen dần với giầy khép kín, cũng đã bắt đầu có người đi thăm bác sĩ chân…

Đi guốc, chúng tôi thỉnh thoảng gập cảnh dở khóc dở cười, vì “guốc đứt quai” thình lình giữa đường! Thường khổ chủ phải xách chúng lên đi chân đất về nhà, lướt tha, lướt thướt thảm hại vô cùng, vừa xấu hổ vừa hay dẫm phải sỏi, đá…đau điếng người! Hoặc bỗng nhiên đi khập khiễng chân thấp chân cao, chính vì cái đế lót gót một bên guốc vừa rơi rụng mất! Những lúc ấy, nếu có mấy “cây si” lẽo đẽo đằng sau, thì thật không biết “Đi làm sao, đứng làm sao bây giờ!”

Một cô bạn cũ của tôi vừa nhắc lại chuyện năm học đệ tam (lớp 10), lớp chúng tôi toạ lạc trên tầng ba, tầng cao nhât trường. Do vì các bà Giám Hiệu nghĩ rằng, tụi đệ tam là tụi nghịch phá nhất, đày chúng lên tầng cao cho khuất mắt. Nhưng không dè khi ở trên cao tụi tôi nện guốc loạn xạ ngầu, làm điên đầu tất cả những người làm việc tầng dưới. Cuối cùng, bà Hiệu Trưởng phải ra lệnh cho tất cả học sinh học từng ba đều phải đi dép da, ai đi guốc phải phạt đi học chủ nhật! Mỗi ngày đều có bà giám thị đứng dưới chân thang kiểm xoát guốc dép từng cô! Thế nhưng, vẫn có hàng loạt các cô điệu đà lại cần đi guốc (vì guốc cao, gót thon, làm người cao hơn, thanh hơn, dáng đi đẹp hơn!). Các cô cho guốc vào cặp sách, đi chân đất lên thang, lọt qua cặp mắt sắc như dao của bà giám thị! Mà cứ lọt qua được là lên đến trên gác ôm nhau cười ngần chết! Vào đến trong lớp hãy còn giấm giúi cười! Cho nên cứ thấy các nàng túm năm tụm ba cười rúc rích là biết ngay: Không ăn quà vụng, thì cũng đi guốc trộm!

Tiếng guốc còn theo tôi đi vào nhiêù kỷ niệm riêng, với những xúc động chỉ một mình tôi biết, một mình tôi hay. Tại Hà Nội, đường tắt về nhà tôi qua ngõ Lagiqué, sau đổi tên Việt là ngõ Châm Cầm. Một ngõ nho nhỏ, thẳng, phẳng phiu, lớn gần bằng một đường phố cổ, hai đầu thông ra hai phố lớn. Ngõ luôn được giữ sạch, vắng lặng. Hai bên vỉa hè hẹp, gần như không có người qua lại, những ngôi nhà có cửa mở ra ngõ đều luôn luôn đóng kín (Bây giờ sự vắng vẻ đó mất rồi) Mỗi khi đi đâu về nhà một mình, tôi thích đi qua ngõ này. Tôi chạy lon ton chân sáo, không hiểu sao lúc bé gần như tôi chỉ chạy, ít khi đi chịu đi chầm chậm như đi Thiền Hành bây giờ! Đôi guốc của cô gái nhỏ chạy về nhà, gõ liên thanh trên vỉa hè ngõ Châm Cầm vang lên một loạt âm thanh “tanh tách, tanh tách…” đều đặn, nhanh, gọn, dòn tan. Tiếng vang vọng sang tận phía hè đường bên kia, vui tai và thân aí vô cùng. Tôi còn nhớ sau này khi dời xa Hà Nội, trong nhiều năm tiếng guốc gõ trong ngõ vắng vẫn thường trỗi dậy trong tôi, âm thầm luyến tiếc. Âm thanh thân quen ấy, tôi chỉ có trong lòng, không ghi chép cất giữ ở đâu được, theo ngày tháng cứ mòn dần đi, tưởng như đã mất hẳn không còn đâu dấu vết… Rất lâu sau, mấy chục năm có lẻ, tôi sống ở nước ngoài, đang hồi hộp làm đơn xin visa về thăm quê. Một đêm kia, tôi bỗng mơ thấy đang chạy một mình giữa ngõ Châm Cầm, trong tiếng guốc dòn tan: “Tanh tách tanh tách… tanh tách ”. Chuỗi âm thanh lanh chanh thân quen đó vừa dứt, tôi bừng tỉnh dậy, bật kêu lên: “Sắp được về nhà ”. Thế ra, trong tiềm thức sâu thẳm của tôi, tình cảm nhớ nhà có cả tiếng guốc gõ liên hồi trên vỉa hè đó ư?.

Mà này, còn một tiếng guốc khác nữa, tiếng guốc của thế kỷ trước, vào thời đang đi học Toán, thời “chưa yêu”, có ghi lại trong một bài thơ xưa cũ của tôi:

Lâu lắm hôm nay anh đến chơi
Ngọc lan ngoài ngõ hoa đón búp mời
Guốc ai lách cách rộn rã reo vui…

Ôi, thôi chết tôi rồi! Hoá ra tiếng guốc đã biểu lộ tình cảm vui buồn rõ ràng hơn tôi tưởng! Tiếng gõ trên cầu thang gạch thoăn thoắt “Cách, lách cách lách cách lách ta cách…” rồi tới chỗ ngoặt của thang, tiếng gõ chậm lại, ngập ngừng, như ngại ngùng, như e dè… Tôi hãy còn như đang nghe thấy đây... Nhưng mà, tiếng dòn tan nhanh chậm đó là âm điệu riêng, là tiếng hát của guốc, diễn tả linh hồn riêng của guốc! Như vậy là, hôm đó, chính guốc đã lách cách, đã rộn rã, đã reo vui, đã e lệ… đấy chứ! Nào đâu có phải tôi!
Vậy mà, nửa thế kỷ qua đi, tôi vẫn còn rưng rưng nhớ tiếng guốc trên thang gạch, với những kỷ niệm thơì xa xưa ấy.

PTN

P1010245

                         Tranh của Phạm Nguyên Thảo.
                  Chân dung đằm thắm của mọt phụ nữ  
         thời Hà Nội còn tuyệt vời trong văn học sử VN.






                    

1 comment:

  1. Cám ơn tác giả Phạm Nguyên Thảo đã viết về tiếng guốc của một thời . Bài viết thật nhẹ nhàng dễ thương như đôi chân sáo trên đôi guốc lách cách , như vạt nắng trên phố cổ, như gío mơn man những sợi tóc mai trên má thiếu nữ ,và tà áo thướt tha của những ngày Hà Nội tuyệt vời quá khứ. Tất cả đã xa lạ hoặc đã mất . Thương làm sao tâm tình của bà chị diễn tả cái âm thanh tầm thường đó- tiếng guốc- nhưng lại gợi lên hình ảnh sống động của cả một thời ...phố xá yên tĩnh , sinh hoạt êm đềm, người làm việc ân cần chăm chỉ , một hình ảnh xã hội lương thiện và lãng mạn trong văn hóa VN . Sự tài tình của tác gỉa bắt đầu chỉ bằng những tiếng guốc mà thôi ...

    ReplyDelete