Aug 30, 2011

Sàigòn và những địa danh mang tên "ông , bà"


Sài Gòn và những địa danh mang tên 'Ông', 'Bà'

Từ Lăng Ông Bà Chiểu, đến xã Bà Điểm "18 thôn vườn trầu", cầu Thị Nghè, chợ Bà Hoa... đều mang những câu chuyện lịch sử của một thành phố hơn 300 năm tuổi.
> Sài Gòn và những vẻ đẹp đi cùng năm tháng

Lăng Ông Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) có tên chữ là Thượng công miếu. Đây là khu lăng mộ, nơi thờ cúng Tả quân Lê Văn Duyệt và phu nhân, khuôn viên rộng rãi, thoáng mát. Lăng nằm kế bên khu chợ Bà Chiểu nên nhiều người thường nhầm rằng đây là lăng thờ ông bà tên Chiểu. Những ngày này (1-3/8 âm lịch) là ngày giỗ của Tả quân nên Lăng rất đông người về dự lễ.
Nằm ở trung tâm quận Bình Thạnh, được xây dựng năm 1942, khi mới hình thành tỉnh Gia Định và nâng cấp sửa chữa vào cuối những năm 90, chợ Bà Chiểu là một trong những ngôi chợ lâu đời nhất TP HCM. Theo nhà văn Sơn Nam, Bà Chiểu là tên vùng đất, chỉ mới xuất hiện thời vua Tự Đức. Chiểu có nghĩa là ao nước thiên nhiên, Bà Chiểu là nữ thần được thờ bên ao thiên nhiên. Chợ Bà Chiểu đã đi vào ca dao với câu “Xe mui chiều thả chung quanh/ Đôi vòng Bà Chiểu thích tình dạo chơi”.
Chùa Ông Bổn (hay còn gọi là miếu Nhị Phủ) nằm trên đường Hải Thượng Lãn Ông, phường 14, quận 5. Được xây dựng từ cuối thế kỷ 17 bởi những người Hoa di cư, miếu Nhị Phủ là nơi duy nhất thờ Bổn Đầu Công. Tương truyền ông Bổn vốn là thái giám Trịnh Hòa dưới thời vua Vĩnh Lạc. Ông chu du nhiều nơi, đem về nhiều báu vật cho nhà vua. Ông còn có công giúp cho người Hoa xây dựng cuộc sống nên được người dân kính cẩn thờ phụng.
Xã Bà Điểm thuộc huyện Hóc Môn, TP HCM, nổi tiếng với “18 thôn vườn trầu”. Theo học giả Trương Vĩnh Ký thì Bà Điểm cùng với Bà Rịa, Bà Chiểu, Bà Quẹo, Bà Hom là 5 bà vợ của một viên lãnh binh, người đã xây cầu ông Lãnh. Theo phương pháp kinh tế tự túc mà các cụ ngày xưa thường áp dụng, ông đã lập ra 5 ngôi chợ, giao cho mỗi bà cai quản một nơi. Chợ Bà Điểm, gần làng Tân Thới - quê hương cụ Đồ Chiểu, là nơi bán trầu ngon có tiếng ở miền Nam.
Cầu Ông Lãnh nối dài quận 1 và quận 4. Cây cầu được đặt theo tên của ông Lãnh binh tên là Nguyễn Ngọc Thăng sống vào khoảng cuối thế kỷ 18, giữa thế kỷ 19. Ngoài ra, tên của vị võ tướng có công này còn được đặt cho một con đường ở quận 11 (đường Lãnh Binh Thăng) và một ngôi chợ (chợ Cầu Ông Lãnh).
Tên đường ở TPHCM bắt đầu bằng chữ “Bà” cũng khá nhiều như đường Bà huyện Thanh Quan, đường Bà Hạt, Bà Lê Chân… Đường Bà huyện Thanh Quan thời Pháp thuộc có tên là Rue Nouvelle, năm 1920 đổi thành Pierre Fladin, năm 1955 đến nay đường mang tên Bà huyện Thanh Quan, một nữ sĩ nổi tiếng đầu thế kỷ XIX.
Cầu Thị Nghè (trước là cầu Bà Nghè) bắc qua Rạch Thị Nghè, là cầu nối giữa quận 1 và Bình Thạnh. Theo sử sách, cầu do bà Nguyễn Thị Khánh, con gái quan khâm sai Nguyễn Cửu Vân xây dựng để tiện việc đi lại, thủa bà mới khai hoang đất ở. Chồng bà là thư ký đỗ cử nhân (đương thời gọi là ông Nghè). Cầu được gọi là cầu Thị Nghè từ giữa thế kỷ XIX. Đến năm 1970, cầu được xây mới bằng xi măng cốt thép.
Cư dân tại nhiều địa phương ở miền Nam có tập tục thờ bà Chúa Xứ. Nổi tiếng nhất là miếu Bà Chúa Xứ núi Sam ở thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Ngoài ra, ở Bình Dương cũng có nhiều nơi thờ vị nữ thần có nguồn gốc từ Ấn Độ này. Ngay tại khu Cây Sộp thuộc phường Tân Hưng Thuận, quận 12, cũng có một ngôi miếu khang trang thờ bà Chúa Xứ.
Một góc đường Phạm Văn Hai trong khu Ông Tạ, quận Tân Bình. Khu vực này vốn nổi tiếng bởi vì từng tồn tại phòng khám của lương y Nguyễn Văn Bi (thường được người dân gọi là ông Tạ). Ngoài ra, nó còn nổi tiếng bởi món thịt chó.
Chợ Bà Hoa, nằm trong làng dệt Bảy Hiền (Tân Bình) thường được gọi là chợ quê Quảng Nam với đủ các mặt hàng đặc trưng từ Quảng Nam nói riêng và miền Trung nói chung, như hành tỏi nhỏ mà thơm của miền Trung, bánh nổ, bánh tổ, mắm nêm, các loại rau lá xứ Quảng... Chợ lấy theo tên một người phụ nữ tên Hoa, người đã lập nên khu chợ này vào năm 1967. Trước kia chợ có tên là Linh Hoa (Linh là tên chồng bà Hoa), sau này dù đã đổi lại thành chợ phường 11 nhưng người dân vẫn quen gọi là chợ Bà Hoa, như một xứ Quảng thu nhỏ giữa lòng Sài Gòn.

No comments:

Post a Comment