Jul 9, 2011

TẠP GHI

Phương Hà
LANG THANG TÌM KỶ NIỆM


Tiếng người Pilot trưởng vang lên trong cabin :
-. Chỉ còn 10 phút nữa là máy bay sẽ đáp xuống phi trường Tân sơn Nhất. Xin chào mừng đến Saigon.
Nhìn qua khung cửa sổ , tôi đã thấy thấp thoáng ở dướI những nóc nhà , những con đường nhỏ, những hàng cây xanh xanh bé xíu. Tuy là lần thứ hai tôi trở về thăm thành phố cũ, nhưng trong lòng vẫn cảm nhận được nỗI bồi hồi. Saigon đang vào cuối Thu, mới 2h30 trưa mà bầu trời xám ngắt vì mớI co’ một cơn mưa bão nhỏ thổI qua. Máy bay đáp nhẹ nhàng xuống phi đạo, chạy từ từ rồi ngừng hẳn. Tôi thở một hơi nhẹ nhõm vì mỗi lần đi máy bay, tôi sợ nhất là lúc máy bay hạ cánh. Bước ra khỏI phi trường , hơi nóng và không khí oi bức đã đem đến cho tôi 1 chút gì quen thuộc của Saigon xưa. Tôi theo các cô em lên taxi về nhà, đi qua những con đường , khu phố , khung cảnh thật hoàn toàn mới lạ, nhưng đâu đó trong khung cảnh mới lạ này tôi lại thấy thấp thoáng trong ký ức những hình ảnh cũ thật quen thuộc với mình.


KHU PHỐ TUỔI THƠ


BuổI tốI đã bớt nóng ,thỉnh thoảng có vài cơn gió nhẹ thổI qua làm mát dịu. Đứng trên balcon, tôi nhìn quanh khu phố nhỏ. Cột đèn bên kia đường vẫn còn nguyên , sau bao nhiêu năm dãi dầu mưa nắng vẫn hắt những ánh sáng vàng vọt quen thuộc xuống con đường.

Nhà tôi ở trên 1 con đường nhỏ hầu hết là những căn nhà trệt yên tĩnh của những gia đình công chức, cùng ở vớI nhau trong khu phố nhỏ này mấy chục năm , tình hàng xóm láng giềng đối với nhau thân thiết như trong gia đình .Tôi còn nhớ lắm ,từng căn nhà hàng xóm ở 2 bên đường , nhớ cả những người bạn nhỏ hàng xóm thưỏ nào. Ngay đầu con đường, có 1 quán café nhỏ , đó là Quán café Thái Chi. ( quán cafe' này bây giờ cũng hay được nhắc đến trong những bài viết trên internet như là một quán cafe' đặc biệt của Saigon thời xưa). Quán cafe' này không có tên hiệu và khách đến uống café đã lấy tên của bà chủ quán để đặt tên cho quán. Ngày ấy khoảng vào những năm đầu thập niên 60, khách hàng của quán café này chỉ toàn là khách quen , thường là những "nam hảo hán trung niên " và ba tôi cũng là 1 khách hàng thường xuyên của quán. Quán café này không rộng, không trang trí mỹ thuật, chỉ là 1 căn nhà nhỏ có vài cái bàn gỗ thấp và những chiếc ghế đẩu thấp lè tè nhưng đặc biệt là bà chủ quán pha café rất ngon. Tôi còn nhớ Ba tôi mỗi lần uống cafe' về , thường hay mua về cho chị em tôi những chiếc bánh đậu xanh hình vuông vuông bé xíu , ăn vào sao mà thơm ngon béo ngậy .

Cạnh quán café Thái Chi là nhà Cụ Án. Bà Cụ Án hay đi các đền chùa và tham dự các buổi lên đồng, mổi lần lên đồng xong là Cụ lại hay chia lộc Thánh cho bọn trẻ con hàng xóm chúng tôi những bánh oản gói giấy bóng kính xanh , đỏ , tím vàng mà ngày đó bọn trẻ con chúng tôi thích lắm..Cụ Án còn có 1 đứa cháu nội trai lớn hơn tôi 1 tuổi, mà hồi đó cứ hay lẽo đẽo đi theo tôi làm quen xin làm bạn, nhưng tôi không thích và ghét lắm. Tôi ghét cháu cụ Án bao nhiêu, thì không biết tại sao tôi lại dành cảm tình rất đặc biệt cho thầy Tư mắt kiếng.

Nhà tôi và nhà thầy Tư mắt kiếng (vì bạn tôi là con thứ 4 và đeo kiếng cận) ở sát cạnh nhau nên chúng tôi quen và chơi với nhau như những người bạn hàng xóm thân thiết, rồI cảm thấy "thích thích " nhau lúc nào chúng tôi cũng chẳng biết. Tình cảm của tuổi mới lớn thì ngây ngô lắm chỉ là thấy vui lắm khi mỗi ngày gặp nhau nói chuyện vu vơ, hôm nào không gặp là thấy nhớ nhớ, mong mong. ...Nhưng rồi 2 bà mẹ biết được và hiệp sức ngăn cản vì cho là tôi còn nhỏ (dạo ấy tôi chỉ độ 15) và còn phải để thì giờ học hành, thi cử. Một năm sau, thầy Tư khăn gói lên đường du học . Rồi từ đó chúng tôi chưa 1 lần gặp lại. Em tôi kể thầy Tư có lần về thăm quê, đã trở lại thăm khu phố nhỏ và đến thăm gia đình tôi.

"Chồi non lộc biếc
Sao em cứ tiếc hoài mối tình thơ..."
Thơ Hoàng Anh Thư (TV63-70)

Khu phố nhỏ giờ đã thay đổi nhiều , những người bạn thời tuổi nhỏ đã lưu lạc mỗi nơi, hàng xóm cũ cũng đi xa gần hết, những căn nhà trệt ngày xưa đã thành những căn phố lầu với kiến trúc lộn xộn đủ kiểu, lẫn lộn với những hàng quán mới lạ. Quán cafe' Thái Chi vẫn còn nhưng đã trở thành một quán cafe' bình dân , khách hàng tứ phương ngồi uống cafe' ngổn ngang trên vỉa hè.

Căn nhà nhỏ của gia đình tôi giờ cũng đã thay đổi. Lần đầu sau hơn 20 năm đi xa, tôi về thăm nhà là ngày cúng thất tuần cho Ba tôi. Lần này về giỗ mãn tang Má thì căn nhà đã được sửa sang lại. Khung cảnh có đổi thay nhưng ký ức và kỷ niệm thì vẫn đầy ăm ắp. Mấy chị em gái nằm nói chuyện cả đêm, nhắc lại bao nhiêu là kỷ niệm về ngôi nhà cũ. Nhớ làm sao ngôi nhà thời thơ ấu, có 1 bầy 7 chị em gái chỉ có một cậu em trai út, cứ mỗi năm Ba tôi lại bắt chị em tôi đứng xếp hàng theo thứ tự lớn bé để chụp ảnh vào ngày mồng 1 Tết. Tết nào cũng thế ông tự tay đi mua 1 cành mai thật to rồi về đốt gốc, ngắt lá , canh làm sao để đúng mồng 1 Tết là mai nở đều cho đến hết mồng 7 mai vẫn còn nụ. Còn Má tôi thì nhất định phải có một cặp quất thật sai trái trưng trong nhà. Rồi những mùa xuân trôi qua, bầy con gái lớn lên, Ba tôi phải lên thêm 2 căn gác gỗ mới đủ nơi chốn cho chị em tôi sinh hoạt học hành. Nhớ đến căn gác nhỏ mà mấy chị em nằm châu đầu vào nhau nghe chương trình nhạc chủ đề, thả hồn mơ mộng theo tiếng nói nhẹ nhàng truyền cảm của nhà văn Nguyễn Đình Toàn giới thiệu mà lúc nào cũng thường bắt đầu bằng lời "em yêu dấu...". Nhớ cả những lúc chị em cãi nhau chí chóe vì đứa này lấy áo của đứa kia mặc mà không hỏi mượn, nhớ cả những buổi tối chị em kéo nhau đi ăn quà đêm ở quán bánh cuốn Tây Hồ đằng sau chợ Dakao, mỗi lần ăn là phải ngồi chờ rất lâu mới tới phiên ,nhưng những chiếc bánh cuốn bột trắng ngần bốc khói vừa mới tráng xong thì ngon tuyệt vời...

Giờ thì Ba Má tôi đã khuất bóng. Các em tôi lúc tôi ra đi đang độ xuân thì , tóc giờ đã nhuốm bạc. Chị Cả của tôi đã gần đến tuổi thất thập cổ lai hy. Nhìn chị đi đứng khó khăn vì bị viêm khớp , tôi nhớ lại hình ảnh người chị "đợt sóng mới" của tôi thời 1965 với mái tóc đánh rối bềnh bồng, mặc áo dài chít eo thật đẹp, mà không khỏi chạnh lòng .


ĐƯỜNG XƯA THÀNH PHỐ CŨ



BuổI sáng tôi chợt tỉnh giấc vớI những tiếng động bên ngoài. Quán café đầu đường đang dọn dẹp bầy bàn ghế để bán hàng. Buổi sáng Saigòn cuối Thu không có nắng sớm mai , chỉ có những đám mây xám lợt, nằm ẩn mình sau một lớp sương thật mỏng. BuổI sáng còn sớm lắm , sớm như những sáng sớm ngày nào tôi thức dậy để sửa soạn đến trường.

Sáng nào cũng vậy mấy chị bạn học TV của chị tôi ở chung khu phố đều đến rủ chị em tôi cùng đi bộ tới trường. Mấy chị em trong tà áo dài trắng, tay ôm cặp đi thong thả qua những con đường rộng rãi, êm ả có những hàng cây rợp bóng mát , vừa đi vừa nói chuyện vui vẻ mà đến trường không biết mệt. Ngày nào cũng thế, cứ đi qua ngôi trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, đến đầu đường Tự Đức là thế nào tôi cũng gặp 2 nhỏ Minh Quang và Xuân Chi, 3 đứa lại cùng nhau tản bộ đến trường đi qua hết con đường DTH, đi qua sân vận động Hoa Lư , rồI đi thẳng đến đường Cuờng Để qua trường Đại học Văn Khoa, Đạihọc Nông Lâm Súc và Đại học Dược khoa , quẹo trái vào ĐạI Lộ Thống Nhất đi thẳng đến Thảo Cầm Viên để rẽ vào con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm có hai hàng cây sao cao vút dẫn đến cổng trường Trưng Vương. Ngôi trường TV yêu dấu của tôi , nơi tôi đã trải qua thời gian đẹp nhất của thời áo trắng học trò cùng lũ bạn thân mến. MQ , Xuân Chi có dáng mặc áo đầm rất à la mode. Kim Đoan , Mỹ Trang thi học rất giỏi, Thu Hương thi giỏi về nấu ăn. Tôi vẫn còn nhớ chiếc xe Suzuki màu đỏ của Mỹ Trang và xe Honda màu xanh của Thu Hương, mà cứ mỗi buổi trưa tan trường là hai nàng đều chở tôi và Xuân Chi quá giang một đoạn đường từ trường đến đường Thống Nhất- Cường Để , rồi hai nàng lại phóng xe như bay trên những con đường thành phố bụi mờ.

"Con đường nào ta đi với bàn chân nhỏ bé
Con đường chiều mưa êm , con đường bụi mờ
Con đường tuổi măng tre, nắng vàng tươi đẹp đẽ
Bóng người dài trên hè , con đường tình ta đi. "
Con đường tình ta đi của NS Phạm Duy


Qua rồi con đường tuổi măng tre , tôi lại đi tiếp trên con đường Duy Tân có cây dài bóng mát, và có ngôi trường Luật đầy ắp kỷ niệm ngọt ngào . Nhớ lắm những buổi sáng trưa đi bộ dọc theo con đường có những căn biệt thự thật đẹp với hai hàng cây cao tỏa bóng mát dài suốt con đường đưa tôi đến giảng đường đại học. Nhớ lắm những buổi bỏ trường bỏ lớp cùng với nhỏ bạn tà tà xuống phố, lang thang khắp các cửa hàng , cửa tiệm từ Phan Bội châu , qua tới Tạ Thu Thâu để ngắm những hàng vải mousseline mỏng manh thật đẹp, rồi lại vòng vào Crystal Palace, rồi lạy chạy qua Thương Xá Tax, có khi lại chui vào rạp REX để xem flim. ...

Và cũng nhớ mãi không sao quên được những bộ mặt ngơ ngác, với một tâm trạng lo sợ hoang mang của đám sinh viên chúng tôi trong những buổi học cuối cùng tại giảng đường khi lớp học dần dần thiếu vắng thầy và bạn bè mỗi ngày lại vắng bóng thêm.....

http://farm3.static.flickr.com/2718/4227356714_de9f016732.jpg

Công trường Duy Tân gần trường Đại học Luật Khoa Sàigòn



Đại lộ Nguyễn Huệ với những kios ở hai bên đường của Sàigòn xưa.

photo



Tôi đã trở về thăm thành phố cũ , thành phố mà tôi đã ở và lớn lên qua hết quãng đời tuổi trẻ với bao nhiêu ước mơ dang dở. Tôi đang đi lại trên những con đường thân quen lắm mà sao ngỡ ngàng như mình đang lạc lối. Làm sao mà tôi có thể lạc lối ở một nơi mà ngày trước tôi đã quen thuộc với từng góc phố, từng con đường?
Tôi cố gắng sắp đặt lạI những hình ảnh cũ vào cái khung cảnh mới để mong tìm lạI được 1 chút kỷ niệm xưa. Đường xưa, phố cũ vẫn còn đây , nhưng khung cảnh đã hoàn toàn thay đổi .

Saigon không còn nữa những con đường êm ả rộng rãi với những hàng cây cao. Mỗi con đường lớn nhỏ bây giờ đều có thể gọi là những con đường thương mại , với những trung tâm thương mại nhiều tầng sang trọng, những khách sạn nhà hàng tiêu chuẩn quốc tế, xen lẫn với những cửa hàng buôn bán to nhỏ đủ loại đủ kiểu.

Saigon mất đi rồi cái không khí thoáng mát của những sáng sớm ban mai hay cái không gian yên tĩnh của những buổi tối trên những con đường sau giờ tan sở .



Saigon bây giờ đông đúc những người lúc nào cũng hối hả ồn ào, với dòng xe cộ luân chuyển triền miên không ngừng nghỉ từ sáng tinh sương cho tới đêm khuya. Tìm đâu thấy nữa những tà áo trắng học trò thướt tha trên những con đường đến trường như ngày trước và phố phường cũng đã thiếu đi những tà áo sắc màu tươi vui tung tăng bát phô' những ngày cuối tuần của một thưở nào.
Thành phố cũ vẫn đây, nhưng khung cảnh xưa đã nhiều đổi thay. Những thay đổi để thích nghi với sự tiến triển chung, nhưng sao tôi vẫn mãi vấn vương hình ảnh Sàigòn thuở xa xưa, giờ chỉ còn là kỷ niệm trong nỗi nhớ.

Có thay đổi nào mà không mang lại cho ta ít nhiều ngậm ngùi tiếc nuối !

Saigon, cuốI Thu. 2010.

P.H.

Sàigòn xưa với những con đường cây cao bóng mát



http://files.myopera.com/THOITRANGADONG/blog/s_1177_DaiLo_ThongNhat.jpg


Đại Lộ Thống Nhất

photo

7 comments:

  1. Bài viết rất tượng hình, dễ thương khiến cho người đọc có thể hòa nhịp vói Hà để trở về với quá khứ. Đúng như Hà nhận xét, Sàigòn thay đổi quá nhiều khiến cho mình có sự luyến tiếc khi trở về chốn xưa để tìm lại kỷ niệm.
    Thân KĐ

    ReplyDelete
  2. Hà ơi bài viết nhẹ nhàng ngập tràn kỷ niệm , thương quá hình ảnh bé nhỏ của PHÀ, MQ và XC ...trên đường đến trường . Hình ảnh này làm TUL xúc động , tìm lậi được một chút hạnh phúc . Cám ơn Hà lắm nghe.

    ReplyDelete
  3. PH viết văn cũng nhẹ nhàng như làm thơ ,dễ thương lắm Hà ạ ,P đề nghị Hà lồng thêm video minh họa bài hát CON ĐƯỜNG EM VỀ ( tiếng hát Ngọc Lan )
    cho bài viết thêm phần hấp dẫn ,được không ?
    MP

    ReplyDelete
  4. PH tìm về kỷ niệm TV cũ bằng giọng văn nhẹ nhàng quá. Bài của PH như dẫn dắt chúng ta cùng đi lại những con đường đến trường xưa yêu dấu. Cám ơn PH đã tạo cho chúng ta chút xúc động êm đềm về TV của ngày xưa
    SINH

    ReplyDelete
  5. Phương Hà ơi à: Bài viết rất dễ thương.
    Nhất là đọc đoạn các mợ chân chim , lanh quanh đến trường , 40 năm thoáng qua như hơi thở .. những nguòi bạn TrungVuong áo trắng , nụ cười vô tư , mãi mãi in sâu niềm vui thơ ngây . Hàng xóm , ngõ hẻm .... tình láng giềng quyện trong lối sống Việt Nam .
    Cách nhìn thay đổi theo lứa tuổi-- nuối tiếc hình ảnh xưa -- xúc động nhưng rất nhẹ nhàng trong giòng tư tưởng , cảm nhận hạnh phúc . Bravo, Bis Bis ...
    Than men, BM

    ReplyDelete
  6. Cám ơn "đôi mắt người Sơn Tây" đã cho H nhớ lại thật nhiều đường phố ngày xưa, ngôi trường cũ, mối tình học trò... LH

    ReplyDelete
  7. Bravo PH. Viet nua di em de chung minh con dip tha hon ve nhung chuyen ngay tho ngay xua.Ky niem cua dao ay se mai mai song trong ta.
    Thuong nhieu
    My Trang

    ReplyDelete