Mar 21, 2013

HÀ NỘI 36 PHỐ PHƯỜNG

TẠP GHI
HÀ NỘI 36 PHỐ PHƯỜNG....

Hà nội 36 phố phường
Hồn chàng có để một tơ vương....


 
Ngày còn trẻ khi còn là cô học trò nhiều mơ mộng, tôi nhớ đã đọc được 2 câu thơ này , không biết tác giả là ai và cứ nghĩ  đây chắc là một bài thơ của một thi sĩ người Hà Nội viết về nỗi niềm thương nhớ về một thành phố thân yêu khi phải xa cách. Sau này tìm hiểu thêm tôi mới biết đây là một bài thơ tình nói về một tình yêu dang dở của thi sĩ Nguyễn Bính . Mặc dầu biết vậy , nhưng tôi vẫn muốn giữ cho riêng mình cái ý tưởng 2 câu thơ này  nói về mối tơ vương của những người đã phải xa lìa một nơi chôn thân yêu nhớ về một Hà nội 36 phố phường thủa xưa.

Tôi được sinh ra ở Hà Nội. Bố mẹ  kể  lúc tôi sinh ra, cả gia đình tôi đã rời vùng quê Bất Bạt - Nam định về Hà thành sinh sống nên khi tôi ra đời bố đã đặt tên tôi như để ghi nhớ thành phố Hà Nội thân yêu. Ký ức thơ ngây của của một con bé 2 tuổi chưa đủ để nhớ gì về nơi chốn mình sinh ra thì bố mẹ đã bế tôi di cư vào  Nam , đành phải xa lìa Hà nội 36 phố phường thân yêu của bố mẹ.
Cuộc ra đi nào mà không có những tiếc nuối ngậm ngùi nên khi lớn hơn một chút, trong căn phòng khách nhỏ của gia đình, tôi thấy bố tôi treo 2 bức ảnh Chùa một cột và Tháp Rùa ở Hồ Hoàn kiếm trên tường chỗ kê bộ salon. Chắc hẳn trong tâm tưởng, ông vẫn còn có những mối tơ vương về một Hà Nội đã xa không mong có ngày trở lại.
Rồi tôi lớn dần theo hai mùa mưa nắng của Saigon thân yêu, quen dần với giọng nói ngọt ngào, hòa nhập vào lối sống bình dị chân tình của người Saigon. Tuy nhiên tôi vẫn cảm thấy yêu mến cái giọng nói tiếng Bắc , cái gốc Hà Nội của mình. Bên cạnh một Saigon mà đời sống của tôi gắn bó thân thiết hàng ngày, tôi vẫn hay tưởng tượng và mơ về một Hà nội thanh lịch nơi tôi đã được sinh ra qua lời kể của bố mẹ và qua những tác phẩm văn chương tôi đã được đọc, được học tại trường. Hà Nội trong mơ và tưởng tượng của tôi là một Hà Nội cổ kính, thanh lịch với những địa danh mơ mộng như đường Cổ Ngư với những hàng liễu rũ, Hồ Trúc Bạch Hồ Tây mờ sương những ngày mùa đông lạnh lẽo. Hồ Hoàn Kiếm với Tháp Rùa ẩn hiện trong màn sương sớm. Và còn nữa, ngôi nhà ở Phố Huế, ngôi nhà của Ông Bà Ngoại tôi trong đó có  cái cầu thang mà lúc tôi mới sinh được mấy tháng , mẹ  đã chụp một tấm ảnh ôm tôi ngồi cạnh chân cầu thang trong một ngày Tết xa xưa . Đây là tấm ảnh duy nhất đã cho tôi một chút kỷ niệm với Hà Nội .
Rồi dòng đời  trải qua bao cuộc bể dâu.
Gần 60 năm sau ngày tôi rời xa nơi chốn mình sinh ra, tôi  trở về thăm Hà Nội.



                                                              Tháp Rùa Hồ Hoàn Kiếm

Tôi có 7 chị em gái. Năm tôi 13 tuổi thì mẹ tôi sanh được một cậu em trai cho chị em tôi. 2 chị trên tôi và tôi  sống xa nhà, nên Tết này cùng hẹn nhau về nhà đón Tết sau nhiều năm không họp mặt đầy đủ 8 chị em. Sau những ngày vui đón mùa Xuân đoàn tụ, 5 chị em gái tôi cùng  ra thăm Hà Nội .

Bước chân xuống phi trường Nội Bài, cái lành lạnh của mùa Xuân Hà Nội thật dễ chịu. Có lẽ vì không sống và lớn lên ở Hà Nội, không có những kỷ niệm sâu đậm quyến luyến với Hà Nội nên cảm xúc của tôi cũng nhẹ nhàng. Tôi cũng thấy háo hức muốn được ngắm nhìn  phố phường Hà Nội, được lang thang ngắm cảnh Hồ Tây, Hồ Trúc Bạch, được dạo bước trên  con đường Cổ Ngư thơ mộng như mình vẫn tưởng tượng, nhưng  trong lòng tôi  không cảm nhận được cái cảm giác xao xuyến, bồi hồi , thân thương  khi trở về thăm một nơi chốn thân yêu cũ như lần đầu về thăm  Saigon.
Chiếc xe bus chở chúng tôi qua những con đường , những phố cổ của Hà Nội trong cái lạnh dìu dịu vẫn còn dư âm của những ngày đầu Xuân. Hà Nội đây rồi, những  phố phường, hàng quán, nhà cửa yên ả vì mọi người vẫn còn trong những ngày nghỉ Tết , và trong khung cảnh yên lặng này tôi nhận ra Hà Nội mơ mộng trong tưởng tượng của tôi, ngoài những con đường chính nối liền với trung tâm thành phố đang phát triển với những kiến trúc , nhà nhiều tầng khang trang tối tân , còn lại những con phố cổ ôi sao mà cũ kỹ .
Trên đường đi thăm Hồ Trúc Bạch, xe chạy qua một vài phố phường cũ, tôi đọc được những tấm bảng mang tên Phố Hàng Gà, Phố hàng Than, Phố hàng Gai ....  thêm một điều tôi nhận biết là tuy vẫn mang tên là phố của một mặt hàng nhưng bây giờ phố nào cũng có những cửa hàng bán đủ mặt  các loại hàng hóa, nên đã làm mất đi vẻ đặc trưng của Hà Nội 36 phố phường xưa.
Tôi hỏi cậu hướng dẫn viên:
_Sắp đến hồ Trúc bạch chưa cháu.
_Xe đang trên đường Cổ Ngư đó cô, chạy một chút nữa sẽ dừng để đoàn xuống tham quan cảnh hồ Tây và hồ Trúc Bạch.
Hồ Trúc Bạch và hồ Tây nằm hai bên của con đường Cổ Ngư. Hồ Trúc Bạch nằm phía bên trái và hồ Tây nằm phía bên phải.  Trên Hồ Tây còn có một hòn đảo nhỏ và ngôi chùa Trấn Quốc được xây trên hòn đảo này.
Trên bờ hồ Trúc Bạch là bãi đậu xe !

                                  Hồ Trúc Bạch

 Tôi đi lững thững trên đường Cổ Ngư (  nay được đổi tên là đường Thanh Niên thuộc Quận Tây Hồ ) ngắm nhìn sự náo nhiệt, ồn ào của con đường đông đúc những đoàn du khách thăm viếng cùng người dân Hà Nội chen chúc nhau đi dự  lễ hội mùa Xuân. Chẳng thấy một cây liễu nào trên con đường Cổ Ngư thơ mộng tưởng tượng của tôi, mà thay vào đó là những cột đèn, những trạm xe bus, những bảng hiệu quảng cáo chạy dài hết con đường náo nhiệt. Giờ đây đường Cổ Ngư xưa đã trở thành khu vực kinh tế quan trọng nhất của Hà Nội. 
Biết rằng mọi sự đều phải biến đổi theo thời gian, nhưng trong lòng tôi vẫn thấy tiếc nuối bâng khuâng. Ước chi tôi đang được đi lại trên con đường Cổ Ngư ngày xưa, con đường Cổ Ngư thơ mộng một  thời của bố mẹ  thì thật là hạnh phúc!

Đường Cổ Ngư xưa








Chiều bên Hồ Tây

Chiều dần xuống  những tia nắng cuối cùng tàn dần, tôi bước  tới bờ hồ Tây nhìn khoảng trời đã bắt đầu mờ sương .  Hà Nội những ngày đầu Xuân là mùa lễ Hội nên những nơi đền chùa rất  đông  . Khách du lịch cùng với người dân Hà Nội chen chúc nhau vào chùa đi lễ  đầu năm cùng xem lễ Hội.  Tôi đi dọc theo bờ hồ ngắm cảnh. Dọc bờ hồ những quán cóc bán nước, cafe, kem, bánh kẹo , lại có cả một thầy ăn mặc lịch sự như những chàng trai Hà Nội thủa xưa ngồi coi tử vi bên hồ nên  trông giống như một khu chợ lộ thiên nhỏ . Những lời mời chào của  người dân nghèo buôn bán mưu sinh làm tôi thấy bùi ngùi....

Chùa Trấn Quốc.



Gió  lạnh hơn và sương đã giăng mờ khi tôi đứng bên hồ Hoàn Kiếm. Cầu Thê Húc nằm bắc ngang hồ dẫn vào đền Ngọc Sơn nhộn nhịp, đông đúc người đi lễ chùa đầu năm. Tôi đi quanh bên hồ nhìn xa xa Tháp rùa ẩn hiện  trong màn sương mờ. Bức ảnh  Tháp rùa  mà bố tôi vẫn treo trên bức tường nơi phòng khách ngày nào hiện ra trong ký ức. Có lẽ hình ảnh Chùa một cột và Tháp Rùa của Hà Nội ngày nay  vẫn còn  giống như hình ảnh tôi hay tưởng tượng về Hà Nội trong mơ của tôi ngày ấy.   Một chút xao xuyến trong lòng như tôi gặp lại được  những hình ảnh thân quen.


Tháp Rùa
Một sáng mưa phùn Hà Nội


Cầu Thê Húc

                                                                        Hồ Hoàn Kiếm

Buổi tối chị em tôi đến thăm ngôi nhà của Ông bà tôi. Bao nhiêu năm xa cách, tình thân họ hàng làm tôi cảm động. Lúc rời xa tôi còn bé quá chẳng ghi nhớ được một kỷ niệm nào, nhưng chị lớn của tôi đang bồi hồi xúc động  nên chị dắt các em đi từng nơi nhắc nhớ: chỗ này là ngày xưa để sập gụ, chị với dì út ngồi nhặt những nụ sen để bà ướp chè, còn chỗ này là cái cầu thang mà ngày Tết  mẹ bế tôi chụp hình đây... Nhìn cái cầu thang bằng gạch rêu phong phủ đầy sau hơn nửa thế kỷ lòng tôi bồi hồi nhớ mẹ. Ước chi tôi còn mẹ để được mẹ ôm vào lòng chụp một tấm ảnh như ngày xưa....

Những ngày kế tiếp , tôi  đi thăm một vài  thắng cảnh khác ngoài Hà Nội.
Một khu du lịch sinh thái Tràng An với những dãy núi đá vôi hùng vĩ được những nhà kinh doanh đại gia  xây dựng thành một khu du lịch thu hút du khách.  Nhưng bên cạnh cái hùng vĩ này cũng vẫn  thấy được đời sống khó khăn  của những người dân cực nhọc mưu sinh, chèo những chiếc thuyền cho du khách ngắm những hang động kỳ bí. 

Tam Cốc - Ninh Bình




 Một  di tích lịch sử Núi Yên Tử , nơi mà vua Trần Nhân Tông một vị vua nhân từ hiền đức của ngàn xưa đã từ bỏ ngai vàng để xuất gia tu hành . Khi  vua lên núi đi qua cây cầu bắc ngang dòng suối, vị vua hiền tài đã ban cho các nàng vương phi cung nữ được tự do trở lại đời sống bình thường về quê làm ăn sinh sống. Nhưng các bà vương phi đã cùng nhau gieo mình xuống dòng suối dưới chân cầu để giữ  trọn tấm lòng chung thủy với vua . Và dòng suối này sau được gọi là suối Giải Oan. Đứng bên chân cầu chụp một tấm ảnh làm kỷ niệm , tôi đã hoảng hồn vì một mùi hương kinh hoàng quyện trong không gian . Hương hồn các bà  vương phi ngày xưa nếu vẫn còn vương vấn nơi dòng suối này chắc cũng phải ngậm ngùi mà... nín thở !

Cầu bên suối Giải Oan

Suối Giải Oan

Chùa Yên Hoa trên núi Yên Tử

Một kỳ quan thế giới vịnh Hạ Long , một khung cảnh cuốn hút làm say mê bao du khách thế giới, nhưng bên cạnh đó cũng có hình ảnh  những cư dân nghèo sống trong vùng vịnh , kiếm sống bằng cách bán buôn một vài thứ trái cây trên những chiếc thuyền nhỏ mỏng manh. 


Thành phố Hạ Long




Buổi sáng giã từ Hà Nội, chị em tôi thức sớm rủ nhau đi uống cà phê Thủy Tạ ,  ngắm Tháp Rùa Hồ Gươm mờ trong sương sớm  và cùng nhau đi lang thang qua những phố phường Hà Nội.
Khi máy bay cất cánh nhìn qua khung cửa sổ , Hà Nội  xa dần dưới những tầng mây. 
Giã từ Hà Nội nơi tôi sinh ra, giã từ Hà Nội với nỗi xao xuyến bồi hồi khi tôi trở về thăm ngôi nhà kỷ niệm .
Giã từ Hà Nội 36 phố phường ngày cũ.


Tháng 3 / 2013
P.Hà.






9 comments:

  1. Thân mời các bạn ghé thăm ĐSTV với bút ký đặc sắc và hình ảnh chi tiết
    về Hà Nội 36 phố phường của PHƯƠNG HÀ,.
    Chuyện kể ngày xưa có cô bé chào đời ở Hà Nội rồi xa hà Nội, cho tới
    một ngày tìm về chốn xưa , nhặt lại hình ảnh THÁP RÙA MỜ SƯƠNG CỦA BỐ
    , BẬC THỀM GẠCH CŨ RÊU PHONG NƠI .CHÂN CẦU THANG MẸ NGỒI ÔM CÔ BÉ
    TRONG LÒNG..Tất cả vẫn còn nguyên vẹn trong căn nhà cổ cũng như
    trong tấm hình ngày xưa, và niềm ước ao ngày về sao còn có được vòng
    ôm của Mẹ? Những tên gọi muôn đời Hồ Tây , Trúc Bạch , Chùa Một Cột ,
    Hàng Lược Hàng Đào, Hạ Long , Yên tử......được nhắc đến thật nhẹ
    nhàng kèm những bùi ngùi xót xa về những mảnh đời đó đây còn nhiều
    thiếu thốn . Một bút ký với hình ảnh dễ thương và một slice show Hà
    Nội 36 phố phường ngày nay kèm tiếng nhạc Hà Nội ngày tháng cũ với
    giọng ca trầm ấm của Sĩ Phú. . Cám ơn Phương Hà đã chia sẻ với các bạn
    về một ngày về đầy kỷ niệm ..

    ReplyDelete
  2. Đọc bài Hà viết về Hà nội 36 phố phường, Thanh thấy xúc cảm quá! Cũng như Hà, Thanh rời Hà nội lúc mới hai tuổi, chẳng nhớ điều gì, có chăng là qua lời kể của Cha Mẹ, chị của Thanh và tưởng tượng thôi!
    Giờ đã qua tuôi 60 , nhưng Thanh vẫn chưa một lần về thăm Hà nội! Cũng bởi tật bị say xe, chẳng dám đi xa! Giờ lớn tuổi có bạn bảo cứ đi bằng máy bay , không say đâu! Nhưng lỡ cứ bị say thì...biết thế nào???Nếu được đi với chị em như Hà thì...chắc là yên tâm hơn.và được chị kể chuyện thời xưa thì...thích biết bao!!!

    ReplyDelete
  3. Hà viết về Hà Nội dễ thương quá, nhạc hay và hình ảnh đẹp, đọc mà nhớ đến hôm KĐ về phố Bà Triệu kiếm nhà, nơi mình sống 2 năm đầu đời, ngôi nhà xưa nay đã trỏ thành khách sạn, cũng hơi buồn và nuối tiếc vì mất dấu tích cũ.
    Hà Nội trong ký ức đẹp hơn .....

    ReplyDelete
  4. Hình ảnh Hà Nội qua lời kể và hình chụp của Phương Hà đẹp và êm đềm quá. Ước gì Hương sẽ có dịp về thăm Hà Nội. Hương cũng có một tấm hình chụp ở chân cầu thang ở Hà Nội lúc còn bé tí xí Hà à!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hương ơi,
      Hóa ra mình cùng có một kỷ niệm hơi giống nhau với Hà Nội !
      Mong Hương sẽ có dịp về thăm Hà Nội nhé.

      Delete
  5. Bài viết hay và xúc tích quá.
    Oanh (TV6269)

    ReplyDelete
  6. Qua bài viết của P.Hà thấy tràn ngập niềm cảm xúc như mình được thăm Hà Nội 36 phố phường vậy.
    Cám ơn P.Hà đã cho chị một chuyến thăm quê hương "ké" thật tuyệt vời !!

    Kim Hưng -TV6269

    ReplyDelete
  7. Chị Việt Hải đọc đoản văn về Hà Nội của em trong tiếng hát của Sĩ Phú mà choáng váng và thích thú ( chị mê giọng hát Sĩ Phú nhất). Đúng là em đã trải lòng, lời văn xúc cảm, chân thật đã chạm sâu vào trái tim người đọc . Đoản văn của em hay không thua gì đoản văn của chị PLan.

    Chị sắp nói chuyện với con gái của chị ở xa nên để dành khi rảnh sẽ đọc lại từng chữ của em mới thấm thía và xót xa về nỗi niềm của chị em mình đã sinh ra tại Hà Nội mà bây giờ lại phải..." Tôi xa Hà Nội....".

    Cám ơn em đã cho chị cảm xúc quý giá này. Mong ngày chị em mình gặp lại để tâm tình.

    Việt Hải ( TV62-69)


    ReplyDelete
  8. Cám ơn các chi TV62-69 đã vào thăm DSTV 6370 và viết những lời khích lệ.

    Em mến chúc các chị luôn vui khỏe nhé.

    P.Hà.

    ReplyDelete