Sep 8, 2012

Một Thuở Trưng Vương



Một Thuở Trưng Vương

 Đỗ Dung

Những cánh hoa sao xoay tít trên không, bầu trời xanh thẳm cao vút của con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm như đang hiện ra trước mắt tôi, những khuôn mặt ngây thơ của một bầy chim non chập chững, ngơ ngác bước vào cổng trường Trưng Vương năm đệ thất, những cô bé còn e lệ, thẹn thùng với thày cô mới, bạn mới, còn lúng túng, ngượng ngập, vướng vít với vạt áo dài… Năm ấy chúng tôi được sự dạy dỗ rất kỹ của bà Kỷ, bà Tuyết, Cô Trinh, cô Hồng Diệp…Giờ ra chơi chúng tôi vẫn còn nhảy dây, nhảy lò cò, chơi đánh chuyền, chơi trồng nụ trồng hoa và hay nhặt những cánh hoa sao ném tung lên để nhìn chúng xoay tít, xoay tít, những tia nắng xuyên qua kẽ lá trên cao thành những vệt nắng dài.
Năm đệ ngũ chúng tôi lập ra Họ Nhà Tí gồm bảy Tí Cô Nương.  Đứng đầu là Tí Bố Vũ Thị Thanh cao lêu nghêu, dí dỏm. Tí Lớn Đỗ Dung, hỗn danh Dung Lu vì có da, có thịt nhất  bọn.  Tí Nhỡ Chi Nga, “ngon như cục mỡ, sạch như quyển vở”, mặt lúc nào cũng khinh mạn.  Tí Con Mộng Diệp dịu dàng.  Tí Ti Hồng Trinh ướt át hay khóc.  Tí Tẹo Cẩm Tú nghịch ngợm.  Tí Cu Kim Anh, khểnh răng cửa hay pha trò.  Họ Nhà Tí làm thơ, ăn quà, nghịch ngợm, phá phách nhưng cũng chăm chỉ học hành. Tuổi mười ba, tuổi của mộng mơ, chúng tôi bắt đầu yêu cô giáo, mỗi đứa trồng cây si một cô và ca tụng, bênh vực triệt để thần tượng của mình.  Đứa nào đụng chạm đến “người yêu” là sẽ biết nhau ngay!
Nàng của tôi là cô Xuân Sanh, môn chính cô dạy là Pháp Văn nhưng vì trường thiếu giáo sư nên cô dạy chúng tôi môn Địa Lý.  Ngày đầu tiên cô bước vào lớp tôi đã choáng váng, ngất ngây, có một cái gì đó như nhập vào hồn. Tôi yêu giọng Huế nũng nịu, dáng vẻ cô dịu dàng, thanh thoát như một búp Ngọc Lan. Mỗi lần cô nói “Có phải không nạ!” là cô lại nhìn tôi. Có một hôm chả hiểu sao cả buổi cô chẳng nhìn tôi.  Tôi tủi thân quá, cúi xuống gầm bàn làm thơ:
Xuân Sanh, Xuân Sanh
Người tôi đang yêu quý
Người tôi đang ước mơ
Cô giáo nhỏ ngây thơ
Như con chim thờ ơ
Không nhìn tôi không nói
Tôi cảm thấy bơ vơ!
Vì yêu cô tôi làm thơ, vì yêu cô tôi chăm đi tập vũ cầu, chăm đi tập thể dục thẩm mỹ với cô Vĩnh ở sân Phan Đình Phùng  và mỗi chủ nhật lại chịu khó đi họp Hướng Đạo vì nhà cô ở Phan Đình Phùng, ngay trước cửa sân vận động.
Nhà cô toàn đàn bà, bà mạ, bà dì, ngũ long công chúa, Xuân Sanh, Hồng Vân, Thanh Vân, Túy Vân và Bạch Vân.  Tôi yêu cô nên yêu cả gia đình cô, tôi cũng gọi các em cô bằng tên ở nhà, chị B, chị C, Chuột, Nhỏ. Đến nhà cô tôi tìm được những phút giây êm đềm.  Có những hôm tôi ngồi hàng giờ nhìn cô ngồi trên đi văng may áo dài. Thế rồi ngày cô lên xe hoa tôi đã khóc, đã để đầu trần đi trong mưa.  Cảm giác mất mát thật đớn đau.  Tôi gậm nhấm thú đau thương (!) Những ngày thơ ấu thật lãng mạn và cái  lãng mạn thật là hồn nhiên.
Hồng Trinh mảnh mai, tóc dài mướt như lụa, cặp mắt to đen láy, thật thông minh nhưng hay ướt.
Tí Ti…
Sao đời lắm sầu bi
Cười lên cho vui chứ
Lau nước mắt lẹ đi
Chi Nga làm thơ hay hơn, người lớn hơn, tôi còn nhớ vài câu:
…….
Gục mặt xuống bàn mắt ướt luôn
Nhưng sao tôi hỏi em không nói
Có phải vì tôi lệ ngọc tuôn
……
Chúng tôi làm nhiều thơ lắm, tôi có một quyển sổ con ghi lại những vần thơ sầu, thơ tếu, thơ con cóc của tuổi mười ba nhưng quyển sổ nhỏ quá, lại dọn nhà bao phen nên thất lạc, thật tiếc!
Năm đệ tứ tôi được miễn tập thể thao vì lý do sức khỏe ( bà bác sĩ nói là tim to (!)). Oái oăm thay tôi lại là lực sĩ chủ lực của trường!  Đội vũ cầu chúng tôi tập rất đều đặn, ngày nghỉ lại đem vợt đến sân Phan Đình Phùng hoặc đến nhà Hồng Trinh ở Lý Trần Quán tập tiếp.  Ngày đi thi đấu giải liên trường, khi đấu đôi Trinh cặp với Tú còn tôi đứng với Hảo.  Hai đứa đánh rất ăn ý, Hảo là vua bỏ nhỏ còn tôi có cú đập rất tới, ngay sau khi giao cầu, Hảo thủ nửa sân trên, tôi bao nửa  sân dưới.  Khi đấu đơn, qua vòng bán kết, vào chung kết tôi bị hạ bởi Lam Thảo của Nguyễn Bá Tòng, cô nàng vừa đẹp vừa dễ thương. Tôi chạy thi tiếp sức với Lệ Tâm và Thu Hà.  Bố tôi cứ cười mãi và nói:” Người thì lùn, chạy lạch bạch mà cũng là lực sĩ điền kinh!”.  Còn nữa, cô Hiền còn cử tôi đi thi ném tạ, cả năm chẳng tập, chỉ dượt có vài tuần mà tôi ném rất khá, nhưng ở nhà thì nhất mẹ nhì con, ra sân đấu tôi đụng ngay Phạm Thị Thục Nữ của trường Thiên Phước, nàng ta to, cao và khỏe như con beo, nàng phá kỷ lục năm đó và chắc chắn về sau không ai phá nổi kỷ lục của nàng.
Đến ngày kỷ niệm Hai Bà, trường cử Bích Loan, Lưu Mỹ và tôi… đi thi văn chương phụ nữ .  Để sửa soạn, chiều nào Bích Loan cũng đến đón tôi đi đến các tòa báo và thư viện để nghiên cứu tài liệu.  Năm đó dinh Độc Lập bị oanh tạc nên chúng tôi không được vào dinh Tổng Thống để lãnh quà.  Phần thưởng và giấy chứng nhận được gửi thẳng về trường.
Hè năm đệ nhị, Hoa Tâm đến nhà xin phép cho tôi đi dự trại hè học sinh sinh viên toàn quốc ở Đà Lạt. Dân Trưng vương có Phương Trà, Minh Châu, Ngô Thị Ngân, Lan Trân, Lệ Hà, Hoa Tâm và tôi. Chúng tôi có một tuần lễ thật vui.  Ban ngày sinh hoạt ngoài trời, làm công tác xã hội, xây một cây cầu và đắp một con đường cho dân địa phương.  Buổi tối sinh hoạt văn nghệ hoặc hội thảo với các thày Minh Châu, Thiện Minh, Thiện Hoa…
Qua năm đệ nhất , chúng tôi đã bắt đầu có những nỗi buồn vu vơ, cảm giác sắp phải xa trường, xa bạn.  Tâm trạng chúng tôi lúc đó đầy mâu thuẫn.  Khi thì ngồi lặng bên nhau, buồn muốn khóc.  Lúc lại xúm nhau đùa giỡn, nghịch ngợm, trêu chọc bạn bè, phá phách thầy cô.  Chúng tôi như muốn níu kéo, giữ lại một cái gì.  Chúng tôi lập Đảng, lúc thì gọi là Đảng Loạn Ngôn, lúc thì cho là Đảng Vô Ý Thức còn cô Ninh gọi chúng tôi là Đảng Nhộn.  Đảng chúng tôi gồm Đảng Trưởng Mai Oanh, nhỏ nhắn, xinh xắn, hàm răng khểnh rất có duyên, phát ngôn thoải mái. Đảng Phó Cẩm Tú bò khô, ngang tàng.  Đảng viên có đại bác học Dương Thị Mai, tức Giang Mai, chuyên môn phát minh những khí cụ tối tân để bảo vệ hòa bình, phi công Trần Thị Ngọc to con, nhiệm vụ vác bom đi oanh tạc, thày dùi Vũ Thị Lệ trông hiền như Ma Sơ, chuyên viên nghịch ngầm, anh hùng dân tộc Dung Lu bạo gan, bạo phổi, chả sợ thằng tây đen nào, được Tú gọi là Má, Lệ gọi là Tía còn em Tú Khanh nhất định gọi là Chồng.
Ngoài sáu đứa trong đảng, chúng tôi cũng chơi thân với những bạn khác trong lớp như Hảo, Chinh, Liễu, Ngọc Anh, Tú Khanh, Hoa Tâm, Năm, Kim Liên, Vượng, Vân, Thể…Bọn chúng nó không nghịch và không có gan nên không vào đảng, chỉ cười hùa.
Nghĩ lại thấy thời tuổi trẻ thật vui, đôi khi tàn ác, cứ giờ toán thày Giảng là có đứa bắc cái ghế đẩu nhỏ để lên bục  rồi cười rúc rích.  Giờ thày Tẩm nhiều chuyện vui nhất, vì thế mà chúng tôi dễ thuộc bài hơn vì mỗi bài học lại có chuyện bên lề để nhớ.  Chẳng hạn như hôm thày vẽ về bộ máy tuần hoàn, quả tim thật đẹp với những động mạch, tĩnh mạch chằng chịt.  Có đứa kêu lên:
-       Phấn của thày vẽ con gà chắc là đẹp lắm!
-       ???
-       Thưa thày, con gà chân vàng, thày…
Chả là hôm ấy thày đi giày “jaune”, diện với áo xanh ve, quần màu nâu.
Giờ Triết, hôm thày Lộc giảng về ý thức và vô ý thức, có đứa nghịch gắn vào thắt lưng thày một cái đuôi chồn, thày không biết cứ đi qua, đi lại với cái đuôi ve vẩy ở đàng sau.  Cả bọn cố ôm bụng, bậm môi lại mà nuốt tiếng cười.  Chợt một giọng nói cất lên:
-       Thầy đúng là “vĩ nhân”!
Thế là một tràng cười vỡ tung, không đứa nào nhịn được, cười nghiêng, cười ngả…
Thầy thật hiền, khi biết lý do chỉ cười xòa:
-       Các chị nghịch quá!
Nhờ bài giảng của thầy nên ngay ngày hôm sau, khi thầy Tẩm tặng cho lớp câu “Vô ý thức”, Dung ta bèn đứng lên vặn vẹo thầy.  Đúng là ngựa non sáo đá!
Đảng chúng tôi nghịch vậy đó nhưng không bị thầy cô ghét vì chúng tôi vừa nghịch, vừa chơi, vừa học giỏi (sic!) lại vừa hoạt động.  Hôm bầu ban đại diện toàn trường chúng tôi chiếm ngay ba ghế, Dương Mai ban học tập, Cẩm Tú ban thể thao còn tôi ban báo chí.
Gần ngày thi lục cá nguyệt, chúng tôi phải bảo nhau ngưng chương trình nghịch ngợm để lo học.  Cứ nước đến chân mới nhảy nên lần nào cũng phải chạy nước rút, học bở hơi tai, học xanh cả mặt, học héo cả người.  Thấy học mệt quá lại bảo nhau từ nay phải học cho đàng hoàng.  Thi xong thì chứng nào tật nấy.  Đến lúc gần thi đệ nhị lục cá nguyệt lại vắt giò lên cổ, mỗi đứa phải chui vào một xó để nhai Vạn Vật, tụng Lý Hóa, nuốt Luận Lý, Đạo Đức, Tâm Lý…Chúng tôi hối hận quá, hứa với nhau sẽ chăm chỉ học hành và cái điệp khúc ấy, cứ hối hận rồi hứa hẹn, hứa hẹn để rồi lại hối hận theo chúng tôi cả thời kỳ học đại học.
Hè năm ấy, sau hơn một tháng cấm cung, nín thở để học thi, kết quả chúng tôi cùng thi đỗ và cùng lên đại học nhưng phân tán mỗi đứa một phân khoa, Lệ, Ngọc vào Sư Phạm, Mai đi Luật, Oanh Văn Khoa, Tú học Nông Lâm Súc còn tôi cắp sách vào trường Dược.  Rồi lần lượt từng đứa, từng đứa lên xe hoa để bước vào cuộc sống mới, bận bịu với công việc làm, với chồng, với con…Mỗi đứa một định mệnh, mỗi đứa một cuộc đời.
Các thầy cô kính yêu, hôm nay, những đứa học trò nhỏ bé, nghịch ngợm ngày xưa đã trên sáu mươi. Đã có dâu, có rể, có cháu nội ngoại…Các thầy cô có người đã ra đi vĩnh viễn (thầy Giảng, thầy Lộc), các thầy cô còn ở nơi nào đó, trên quả địa cầu này, nếu vô tình đọc được những dòng chữ này thì xin thầy cô hãy nhận nơi đây tấm lòng biết ơn và ngàn lời tạ lỗi!
Đỗ Dung

Trưng Vương khung cửa mùa thu do ca sĩ Hiếu Thuận trình bày

No comments:

Post a Comment