May 20, 2012

BÀ THÍM TÔI


Bích Quy

BÀ THÍM TÔI




Ngày bé, mỗi lần mẹ dắt tôi lại nhà ông chú ăn giỗ là tôi rất thích. Ở đó tôi gặp lại nhiều chị em bà con cùng cỡ tuổi tôi nói chuyện rôm rả rất vui. Họ hàng tụ tập rất đông nhờ thế mà tôi mới biết gần hết bà con của mình. Tình thân ruột thịt nhờ thế được gắn kết nhiều hơn. Tôi còn nhớ lúc đó mình khoảng mười ba hay mười bốn tuổi, đã biết làm bánh bông lan hay đổ thạch ba màu. Mỗi khi đi ăn giỗ là mẹ tôi hay bảo tôi làm một khuôn thạch hoặc là ổ bánh cùng với ít hoa quả rồi mang đến thắp hương.

Ông bà là chú thím của mẹ tôi, nên tôi gọi ông chú là Ông và bà thím là Bà. Ông tôi là một quan chức nhà nước, chăm chỉ, cần mẫn và liêm khiết. Ông cũng là một nhà văn, tôi hay được đọc các bài của ông đăng trên tạp chí Bách Khoa. Ngoài ra ông còn làm thơ rất hay và đã in được vài tập thơ trong đó có tập Nhạc Dế mà tôi rất thích. Trong tủ sách của ông, tôi cũng đọc được nhiều tác phẩm đã in thành sách như quyển Những ngày không quên... Tôi đã rất ngưỡng mộ ông.

Ông theo đạo Phật nhưng khi lấy bà thì ông vẫn giữ đạo của mình, tuy vậy các con ông đều theo đạo Chúa của mẹ. Thế nhưng vào những lễ Tết hay giỗ chạp, bao giờ bà cũng đứng ra tổ chức làm cỗ rất chu đáo nhưng tôi chỉ thấy ông thắp hương cúng vái trước bàn thờ với vẻ thành kính cẩn thận, còn bà thì thường lui vào trong bếp hoặc tránh ra chỗ khác. Họ hàng ai cũng kính nể vì bà có kiến thức và rất vén khéo trong việc tổ chức cỗ bàn chu đáo. Con cháu tụ về rất đông vì nhà ông bà rộng rãi và ông gần như là trưởng tộc trong họ tuy ông còn có các người anh nhưng nhà xa và chật, lại chẳng có điều kiện mà làm.

Bà tôi kể ngày bé bà rất ốm yếu, chỉ thích bú sữa mẹ và không chịu sữa bò hay ăn bột gì cả và mẹ của bà thì lại chẳng đủ sữa cho con bú. Có lần bà bị một cái nhọt lớn ở ngực hành bà tưởng chết, đến nay vẫn còn cái sẹo to như quả trứng gà. Đã thế lại còn bị táo bón thường xuyên, hết uống mía lau, rễ tranh lại đến thuốc xổ của Tàu rồi ăn thật nhiều cam mới bình thường lại được. Bà còn nhớ mẹ bà đã phải cắt cao ban long ra thành từng mẩu nhỏ cho bà nhai, nhờ thế bà mới có đủ sức mà học được.

Bà bảo hồi nhỏ trông bà ngu ngơ lắm, không sáng sủa, lanh lợi, thông minh như các em bà và thể chất lại gầy còm, ốm yếu, bệnh nọ, tật kia. Cứ trông những hình chụp từ nhỏ tới lớn của bà thì biết. Đi học thì phải xin miễn một tuổi để vào lớp Đồng Ấu mà bình thường thì phải tám tuổi mới được nhận vào học. Mỗi lần lên cấp, từ Sơ học qua Tiểu học lên Trung học đều phải xin miễn như vậy, vì thế bà luôn luôn là một cô bé nhỏ tuổi nhất lớp. Chẳng bao giờ bà nghĩ là bà học giỏi và chỉ biết là học b̀ài, làm bài đều đặn, chăm chỉ học một cách tự nhiên, không vì ganh đua hay mong được thưởng. Khi đi thi bà rất thản nhiên trong khi các bạn khác cứ hồi hộp, lo lắng. Không phải bà chắc chắn là không bị trượt nhưng bà yên chí là đã làm đầy đủ mọi sự, không để thiếu sót điều gì, còn gì phải lo lắng nữa nên để cho đầu óc thảnh thơi.

Bà đi học ở trường Hàng Bài, sau đổi tên là trường Đồng Khánh. Trường dành riêng cho nữ sinh, gồm hai cấp: Cấp Tiểu học sáu năm và Cấp Trung học bốn năm. Lên lớp Nhì Tiểu học bà đã phải học tất cả các môn bằng tiếng Pháp. Mười bảy tuổi bà đậu bằng Cao đẳng Tiểu học.

Cha mẹ bà đổi chỗ ở rất nhiều lần tùy theo nơi mẹ bà dạy học và cũng để cho các con được gần trường không phải cuốc bộ quá xa. Cha mẹ bà rất chăm lo dạy dỗ các con và các cụ đã sớm theo văn hóa Pháp từ thời mở trường nữ tiểu học đầu tiên nên tuy con đông nhưng tất cả các anh chị em của bà đều được đi học.
.
Thi Trung học phổ thông, bà đậu cả hai bằng Diplôme trường Việt và Brèvet Elémentaire trường Pháp, suýt soát hạng Bình, đứng thứ nhất và thứ nhì trong lớp và được phần thưởng Ưu hạng. Nhờ thế bà được vào học trường Sư phạm Pháp, trong đó có mười bốn bạn đồng học người Pháp và hai bạn ở Saigon mang quốc tịch Pháp. Tốt nghiệp ra trường bà đứng đầu và được lãnh phần thưởng danh dự tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Hai cụ thân sinh cũng được mời đến dự.

Bà lập gia đình, sinh con và trải qua nhiều xáo trộn do nhiều biến cố từ 1944-45. Thóc gạo khan hiếm, sinh hoạt đắt đỏ, rất nhiều gia đình túng thiếu, nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu lan tràn. Cách mạng tháng 8 đột khởi với trào lưu sôi nổi cứu quốc....Việc học hành bị trở ngại hoặc gián đoạn. Nhiều thanh niên rời gia đình đi mưu sinh mong tự túc hoặc xoay sở tìm cách giúp đỡ gia đình.

Cuối năm 1946 toàn dân kháng chiến chống Pháp. Dân cư ở các thành phố lớn phải tản cư về miền quê đồng ruộng hay lên chốn núi rừng. Gia đình nhỏ gồm hai vợ chồng và hai con của bà cũng phải tản cư về quê nội ở làng Hữu, Hà Đông. Vài tháng sau quân đội Pháp chiếm lại được Hà nội và mấy tỉnh lân cận.

Quân Pháp đến đâu thì người dân lại tản cư chạy ra vùng khác, gia đình bà lại dời làng Hữu xuống vùng Đồng quan. Đến mùa Xuân thì lại xảy ra bệnh dịch đậu mùa dữ dội, may là hai con bà đã được chủng ngừa trước nên không sao. Tiền giắt lưng sắp cạn mà kháng chiến thì trường kỳ biết bao giờ mới dứt nên cả nhà lại xuống thuyền di cư xuống Nam Định xuôi về miền sông gần biển.

Năm 1948 bà có thêm một con nữa mà đứa lớn nhất mới ba tuổi. Sau đó gia đình bà lại trở ngược lên Đồng Quan, thuê người hướng dẫn, gồng gánh, ẵm bế ba con hướng về Hà Nội. Một chuyến đi đầy bất trắc, khó khăn vì phải qua nhiều trạm kiểm soát của quân đội Pháp. Rồi lại phải đi xe lửa ngồi dãi nắng trên toa chở hàng vì không có toa chở hành khách. May mà cũng hồi cư về đến nhà cha mẹ bà ở Hà nội an toàn.

Sau một năm thì gia đình bà lại dọn ra ở riêng, bà đã dạy các môn Lý, Hóa, Vạn vật tại trườngTrưng Vương vào khoảng năm 1949-53. Trong thời gian này bà sinh thêm ba người con nữa. Gia đình bà cũng đã mua được nhà. Một thời gian sau, sức khỏe kém, bà mắc bệnh lao phổi. Song nhờ Trời thương, nhờ có thuốc trụ sinh Streptomycine và được nghỉ dài hạn có lương nên bà lành bệnh hẳn sau năm năm.

Bà không đi dạy học nữa mà lại thi vào trường Cao đẳng Nông nghiệp mới được thành lập, dự tuyển 25 sinh viên và sẽ cấp học bổng. Bà trúng tuyển hạng ba. Học xong ba năm, tốt nghiệp Kỹ sư cũng đứng hạng ba. Bà là nữ kỹ sư đầu tiên của Việt Nam. Báo Phụ Nữ Diễn Đàn đã đến phỏng vấn tại nhà và đăng hình bà lên trang bià.

Đến tháng 7 năm 1954 Hiệp định Genève chia đôi đất nước Việt nam. Gia đình bà một lần nữa bỏ lại nhà cửa, tài sản di cư vào Saigon. Các công chức cũ từ miền Bắc vào dần dần được bổ dụng lại. Chồng bà được bổ nhiệm làm công chức, được cấp nhà và bà trở lại làm khảo cứu nông nghiệp và an cư lạc nghiệp cho tới biến cố tháng 4 năm 1975

Hai vợ chồng mất lương hưu và cả tiền dể dành trong ngân hàng. Cuộc sống thật là khó khăn khi có một con bị bắt đi cải tạo. Bà lại xoay sở cùng cô em sản xuất meo nấm rơm bán cho nông dân. Chị em tôi cũng được bà gọi đến phụ giúp, được trả lương nên cũng đỡ phần nào khó khăn cho cha mẹ tôi, lúc đó cũng đang rất vất vả chạy ăn từng bữa như bao gia đình khác còn ở lại. Tôi còn nhớ, chúng tôi giúp bà rửa rơm đã được cắt nhỏ rồi nhét vào cái chai thủy tinh dạng như chai nước biển. Sau đó các cô chú tôi đem vào phòng vô trùng. Ở đó, có rất nhiều ngăn kệ sát tường. Một cái bàn dài lát gạch men trắng như trong phòng thí nghiệm với rất nhiều chai lọ. Ở đó meo được cấy vào chai rơm và được xếp ngay ngắn trên kệ. Nhiệt độ trong phòng cũng được điều chỉnh cho thích hợp để meo phát triển. Bà là kỹ sư nông nghiệp nên rất thành thạo trong việc chọn meo giống và nuôi cấy. Công việc tiến triển tốt đẹp khoảng ba năm thì bắt đầu gặp khó khăn vì vật liệu cạn dần và phải dẹp bỏ.

Năm 1998 cô em cộng tác với bà mất, bà đã làm bài thơ thể song thất lục bát dài 74 câu để Khóc em Nga , trong đó bà nức nở:

" Em chẳng ở, dẫu van chẳng ở,
Chị thương em lấy nhớ làm thương,
Tuổi già hạt lệ như sương,
Khóc em chỉ được vài hàng khô khan
Em về chốn thanh nhàn vĩnh cửu
Trên thiên đàng hằng hữu vô biên
Chẳng còn thương nhớ liên miên
Thôi thì sẽ gặp nhau trên nước Trời..."

Các con bà cũng đã trưởng thành, có gia đình riêng và bà may mắn có hai contrai đang du học ở nước ngoài. Hai chú đã trợ cấp cho ông bà trong lúc khó khăn và bảo lãnh cho gia đình bà sang Canada năm 1983.

Chỉ còn hai người con gái của ông bà là ở lại VN. Trước đây hai cô cũng là nữ sinh Trưng Vương. Trong đó một người đã có gia đình riêng và một người đi tu dòng Bác Ái phục vụ người nghèo ở lại VN. Tôi còn nhớ cô em này học trên tôi hai lớp và thường đi qua nhà rủ tôi đi học bằng xe đạp. Hai cô cháu mặc áo dài trắng, đội nón lá thong thả đạp qua rất nhiều con phố có hàng me xanh, chuyện trò cho đến lúc tới trường. Cô rất xinh, trắng trẻo nhưng không hiểu sao sau khi đậu Tú Tài thì cô nhất định đi tu. Tất cả các con của bà cũng đều học rất giỏi.

Đến năm 2005 thì chồng bà qua đời . Gia đình người con trai trưởng đang ở Mỹ lại đón bà sang phụng dưỡng an hưởng tuổi già.

Bà không bao giờ hãnh diện tự cho là mình giỏi mà chỉ thấy là mình đã làm xong một việc tốt cho bản thân và học hành thành đạt làm vui lòng Mẹ Cha. Bà mong đó cũng là một cách đã báo đền được công lao dạy dỗ cẩn thận của Cha Mẹ bà.

Bà đã sống và làm việc trải dài gần một thế kỷ, qua bao thời kỳ loạn lạc, khó khăn của đất nước nhưng lúc nào cũng an nhiên tư tại. Bà luôn là tấm gương sáng để con cháu noi theo.

Bà chính là Bà Nguyễn Thị Oanh, sinh năm 1918 và vừa mất ngày mồng 9 tháng 5 năm 2012 tại Mỹ. hưởng thọ 94 tuổi. Chúng ta tự hào vì có một học trò Đồng Khánh là giáo sư Trưng Vương lại vừa là nữ kỹ sư đầu tiên của Việt nam .

Bà đã nêu cao được truyền thống của nữ sinh Trưng vương: Giỏi giang, đảm đang và đầy nghị lực. Chúng ta cũng hãnh diện vì được là nữ sinh Trưng vương, hậu duệ của bà.

Tôi viết lại theo lời kể của bà và những gì tôi biết được để thay cho nén hương cầu chúc cho hương hồn bà được bình an nơi nước Chúa.


Bích Quy

3 comments:

  1. Thư ơi, bà thím của Thư là bà Đòan Thêm , tác giả cuốn sách " Từ Quê Ra Tỉnh " phải không ? Chi rất khâm phục nhà văn Đòan Thêm và đọc rất kỹ những tác phẩm của ông . Cũng chia buồn với gia đình Thư vừa có tin buồn bà Thím đã ra đi...
    LHC

    ReplyDelete
  2. Bà đúng là một mẫu mực khả kính , chúng ta cũng hãnh diện lây vì chữ TV để thấy mình ...cũng không đến nỗi nào chỉ ước được giỏi như một phần tí ti của bà thôi cũng là hay lắm . Xin chia buồn cùng Thư về sư ra đi vĩnh viễn của bà Thím. Cầu nguyện và tin rằng cũng giống như đi thi ngày xưa bà đang ung dung vào của Thiên Đàng với Chúa Trời. Bà đã sống và hoàn thiện chu đáo đời sống , đó là tác phong của bà vậy.

    ReplyDelete
  3. A.Thư ơi, bài viết rất hay, mạch lạc, bà thím của Thư là giáo sư TV giỏi dang đầy đức hạnh,tiên tiến làm cho mình thấy hãnh diện lây vì bà đã đào tạo những nữ sinh TV và mình cũng là học trò TV hihihihi!
    Bài thơ của bà làm KĐ rất thích.
    Xin chia buồn với A.Thư nhưng Bà giờ đây được an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng rồi.
    Thật đáng khâm phục người phụ nữ hiền đức.
    Thân

    Reply

    ReplyDelete