Mar 26, 2011

SÁNH VỚI ƠN XƯA

AN KHANH



Tranh Mẫu Tử

SÁNH VỚI ƠN XƯA

Canh khuya giấc điệp mơ màng
Kìa ai thao thức bên giường đợi tôi
Giấc xuân chợt tỉnh bồi hồi
Kìa ai bế ẵm , kìa ai dỗ dành ?
Ấy là công mẹ sinh thành
Làm con phải biết phận mình làm sao ?
Một mai tuổi hạc càng cao..
Tấm lòng báo đáp biết sao cho vừa ?
Phải nên khuya sớm phụng thờ
Hiếu này sánh với ơn xưa vẹn toàn
Ấy là bổn phận làm con...

( bài học thuộc lòng lớp Ba )


Tôi đang ngồi đọc, bàn học kê cạnh cửa sổ, mẹ tôi đứng ngoài ô cửa, mẹ cười hiền từ nhìn tôi và vẫy gọi :
- Hà , ra đi chơi với mẹ không ?
- Tôi buông sách, hí hửng chạy ra theo mẹ .
Trăng sáng vằng vặc trên trời cao... Nước biển rút ra xa ngút ngàn...Sóng ở xa lắm và bãi biển lồng lộng. Theo mẹ , tôi đi sung sướng. Dẫn tôi đi về phía xóm chài. Những thuyền đánh cá khuya vừa cập bến... Bãi lưới đông người ồn ào tấp nập. Mẹ mua một con cá Chim khổng lồ, tươi rói, còn xanh óng màu nước biển thanh thanh.
Đi dưới ánh trăng, một thứ ánh sáng dịu dàng trong vắt , và đủ sáng để nhìn rõ mặt người , tiết trời êm ả. Vì đi chơi ngắm trăng nên chẳng ai xách giỏ. Mẹ tôi cứ cầm con cá trắng bạc, lấp lánh dưới trăng. Gặp chỗ vũng nước biển còn đọng lại , mẹ bảo :
- Thả con cá này xuống một chút cho nó tươi...
- Tội nghiệp con cá... Đã tàn giấc mơ trở về biển cả...
- Và như thế là đã trôi qua nửa thế kỷ. Biển đêm trăng vẫn ở trong tôi như một giấc mơ đẹp.


Có còn đêm sáng trăng
Gió lay cành Liễu úa
Mẹ cười ngòai song cửa
Vẫy tôi như tình mơ...

An Khanh


Mẹ đã không còn để được cài một bông Hồng lên áo... Nhưng tôi cũng đã là mẹ, là bà, và nhờ cái thiên chức này mà tôi có được những đứa con đứa cháu. Chúng nó là ruột thịt thân thiết. Một thứ tình cảm thiêng liêng không thể diễn tả phô bày... Con ngoan không cần phải khuyên nhủ dậy bảo nhiều vì " Xích Tử Chi Tâm " Ai cũng có sẵn cái lòng nhân nghĩa từ lúc còn là con đỏ. Và tấm lòng yêu giữa cha mẹ con cái... nó đã thiêng liêng ràng buộc con người , một thứ tình cảm vô vị lợi. Tất cả đều để cho con. Nhìn con ăn ngon, ngủ ngon...Mẹ yên lòng sung sướng . Những bước chập chững tập đi... Tay mẹ dìu dắt.. đứa trẻ níu lấy bàn tay mẹ như một chỗ nương tựa vững chãi vô bờ. ...








Lúc tôi năm mươi tuổi - Tôi mất mẹ, và cái hụt hẫng đã để tôi nghiệm thấy như tôi vừa mất đi một mái nhà che chở...Tục ngữ bảo : " Con không cha như nhà không nóc " Sao mà đúng quá. Cho dù tuổi có chồng chất, nhưng các đấng sinh thành ra mình vẫn là nơi nương tựa vững chãi cần thiết như nhà cần nhất phải có mái che.
Những ngày còn có mẹ. Tôi hay nói chuyện với bà rất thân thiết... Tôi không ngại bầy tỏ những hoài bão, những ước mơ, hoặc kể lể những thất bại vấp phải trên đường đời... Mẹ vẫn là người nhìn tôi thông cảm thương sót...ánh mắt nhân từ, và những lời khuyên giản dị nhưng làm tôi lúc nào cũng thấy mình được nâng đỡ và che chở.
Còn sự báo hiếu của tôi ? Quả thật từ tấm lòng son trẻ thuở lên năm hay lên mười cho tới ngày tôi già cả và đã mất đi mẹ hiền . Lúc nào tôi cũng quý bà tận ở trong tâm ! Miếng ngon khao khát tặng người...
Có bát canh Cần cũng muốn mang cho..



Bóng mẹ như Lan Hạc Trắng

- Làm gì cũng chỉ sợ mẹ không vui...Và đặc biệt theo văn hóa Á Đông rất Việt Nam là đi làm về trao hết tiền lương cho mẹ giữ tiêu dùng trong gia đình!
Những kỷ niệm quý báu mà tôi gọi là trả Hiếu , chính là thời gian tôi được săn sóc mẹ khi bà trở bệnh, vì bị Alzheimer nên bà theo tôi ( kẻ săn sóc bà ) như một đứa trẻ. Tôi tắm rửa, thay đổi áo quần , chải đầu , đánh răng rửa mặt và xúc cơm cho bà ăn . Tôi dẫn cả mẹ vào lớp học sau khi đã xin các thầy cô giáo cho mẹ tôi ngồi cạnh. Các thầy giáo Mỹ cũng rất tử tế . Họ OK cho tôi mang mẹ vào lớp học . Nhờ vậy mà tôi đã không bỏ phí thời gian học được một số lớp cần phải theo... Rồi giờ ra chơi... hai mẹ con bách bộ trong sân trường, những đóa Hồng dại mọc lan tràn trên hàng rào sân cỏ...tôi chẳng thấy đời bơ vơ khi có mẹ đi bên cạnh tôi... Và cái lớp học ngày xưa , tôi được nhớ nhiều vì hình ảnh dẫn mẹ đi học . Bạn học cũ gặp lại tôi cũng đều hỏi thăm mẹ. Nếu biết cụ đã qua đời thì đều tỏ lòng thương tiếc... Tôi có làm tròn bổn phận làm con ? Khi đã có một thời gian dài gần gũi ? Chỉ một mình tôi trong bầy con năm đứa của bà , được săn sóc miếng ăn giấc ngủ, và trong tâm khảm của bà những ngày cuối cùng chỉ còn mỗi tên " Con Hà " trong trí nhớ




.
Biết ra sao ngày sau ? Nay tôi cũng đã tuổi xế chiều, ngồi mong con nhớ cháu. Ước mong chúng gần gũi để được ẵm bồng những đứa bé bụ bẫm dễ yêu. Hoặc được nghe những đứa con tỉ tê tâm sự , khoe những thành công hay kể những thất bại , những chuyện vặt hàng ngày được bày tỏ hầu mong một tâm tình thông cảm ? Tôi lại thấy xứ Mỹ người ta lập ra đủ thứ nhân quyền ghi vào hiến pháp...Lạ một điều họ không hề kể ra cái quyền được con cái phụng dưỡng ? Hay bổn phận làm con ? Cha mẹ thì vất vả làm lụng nuôi con, thức khuya dậy sớm, mất ăn mất ngủ khi con cái đau ốm. Phải săn sóc dậy dỗ hơn nửa đời người...Sao khi về già lại không được cái quyền được con nuôi lại và kính mến ? Trái lại An Nam ta thì phụng dưỡng bố mẹ già là cả một hân hạnh diễm phúc. " Nước mắt chảy xuôi. " Trẻ con còn cha mẹ thì được nâng niu trìu mến, lẽ đương nhiên. Nhưng cái tình con cháu đối với ông bà cha mẹ thì phải được văn hóa bồi dưỡng nó mới nảy nở


.

Người nào cũng yêu con ; nhưng chỉ người nào có văn hóa mới kính yêu cha mẹ ( Lâm Ngữ Đường )
Lại một bài học thuộc lòng lớp Ba kết thúc câu chuyện :


Mai sau người mẹ của tôi
Lưng còng tóc bạc da mồi già đi
Đưa tay ngăn lệ dâng mi
Con thưa mẹ chớ lo gì cho con
Bây giờ trăng đã rất tròn
Con làm nuôi mẹ trả ơn sinh thành.




10 comments:

  1. Bài viết thật hay, KĐ rất cảm phục lòng hiếu thảo của HC với mẹ hiền, chăm sóc tận tình vào lúc cuối đời, bác thật được phước hạnh. KĐ

    ReplyDelete
  2. Nói theo kiểu Mỹ thì bài viết này sẽ Touch Their Heart.
    H T

    ReplyDelete
  3. Những đoản văn An Khanh viết về Mẹ vẫn luôn làm người đọc mủi lòng xúc động.

    ReplyDelete
  4. Cám ơn An Khanh đã viết về Mẹ , nhớ về Mẹ của chúng ta Chi ơi. TUL

    ReplyDelete
  5. Cám ơn bạn. Bài viết hay làm tôi nhớ lại mẹ mình cả đời gian truân về cả tinh thần lẫn vật chất...
    TN.

    ReplyDelete
  6. AN KHANH vẫn luôn làm người đọc mủi lòng ,đến rơi nước mắt khi nói về mẹ ,về bà
    Đọc văn An Khanh không bao giờ thấy chán
    MP

    ReplyDelete
  7. Bài này buồn man mác, làm em nhớ mẹ em quá...

    Vân.

    ReplyDelete
  8. Em thích cái Idea của nhà bác : " Đòi hỏi nhân quyền "Con cái phải phụng dưỡng cha mẹ " .
    Hương.

    ReplyDelete
  9. Đọc Sánh Với Ơn Xưa, rất cảm động, mình không có diễm phúc được chăm sóc mẹ những ngày cuối của bà như Hà, nên bây giờ cứ nao lòng mỗi khi thấy ai có được diễm phúc đó.
    Trâm.

    ReplyDelete
  10. Cám ơn các bạn đã cùng tôi chia sẻ những cảm nghĩ về tâm tình giữa con cái với mẹ cha. Một thứ tình người đáng trân trọng. Ước mong những bài viết của tôi luôn được bạn đọc chiếu cố và khích lệ.
    An Khanh.

    ReplyDelete