Mar 27, 2011

THƯƠNG MẸ




THƯƠNG MẸ
AN KHANH


Mẹ gầy, mẹ yếu, mẹ nghèo
Mẹ quê mùa xấu xí
Mẹ lam lũ vất vả
Mẹ tảo tần một nắng hai sương
Mẹ dành dụm, tiện tằn
Mẹ thức khua, dậy sớm
Mẹ chăm chút cho con
Ôi một đời mẹ bao lần sung sướng
Và bao vạn lần đau khổ vì con
Mẹ rưng rưng khi nhận tin con
Sống sót trở về
Mẹ nghẹn ngào đăm chiêu
Khăn gói nuôi con những ngày bệnh viện
Rồi mẹ cũng được cùng con hủ hỉ
Mẹ nuôi chiến sĩ thương binh
Phần con miếng ngon quà ngọt
Mẹ ơi con biết lòng mẹ
Nào con biết được chính con
Ra đi là hết cả
Con về không còn mẹ trước sân
Áo người xưa chỉ là giấc mơ ngắn ngủi
Con làm gì để tạ lỗi với mẹ già
Con đại ác bất hiếu - Xin vong linh mẹ thứ tha.

Nếu tôi có bảo là tôi lấy chồng vì một lý do đơn giản là tôi yêu quý bà mẹ chồng thì người ta sẽ cho tôi là kẻ phét lác. Nhưng mà quả thật như lòng tôi suy nghĩ. Bà là người mẹ mà tôi thương quý, tội nghiệp và nhận mối tình yêu nồng thắm của bà qua lòng bà yêu thương con cháu (tức là chồng con tôi).
Bà mẹ quê đó với bao nỗi nhọc nhằn năm tháng, khuôn mặt u sầu nhăn nheo và in hằn sự chịu đựng quá mức. Chồng tôi gọi bà là bà mẹ quê :

Mẹ quê vất vả trăm chiều
Nuôi một đàn con chắt chiu
(nhạc Phạm Duy)

Cuộc đời bà giản dị đến độ tuyệt đối, từ quần áo đến cách ăn tiêu. Mà chỉ giản dị cho bà thôi, còn những gì ngon đẹp tốt nhất đều dành cho con cháu.
Bà có nụ cười tươi, nhưng rất ít khi cười vì luôn bị bệnh thấp khớp đau nhức hành hạ. Để giảm cái đau thì chỉ có đi ra đầu đường kiếm mấy lão y tá vườn mua vài chục tiền thuốc "hạt dưa" là cái thứ thuốc giảm đau nhất thời.
Tiết kiệm từng đồng bạc thuốc cho chính mình và dành dụm tất cả cho con. Tôi biết bà yêu thương con trai lắm. To đầu lớn xác, có vợ có con, bà vẫn gọi là "thằng bé". Tôi nghĩ có lẽ vì thương cuộc đời bất hạnh của con hơn hết, nên bà đã chỉ còn dồn hết tình thương của bà cho con. Mà nghĩ cho cùng, bà có còn gì đâu để yêu thương trìu mến bằng cậu quý tử " sống sót trở về, cậu là một gã thương binh" và mất hết tất cả, từ đât nước đến nghề nghiệp điạ vị và danh vọng.
Chồng bà thì đã đang tâm chia sẻ tình cảm, hay nói đúng hơn là phản bội lại bà, mà đi lấy thêm một bà vợ lẽ. Tôi thấy hình như giấy hôn thú ngày đó có ghi rõ:là : Vợ Cả hay vợ lẽ nữa cơ!
Tôi cho rằng không có cái gì khó chịu hơn là phải sống chung với một người mà mình đã hết yêu thương, và còn có chăng là lòng thù hận. Thù hận vì bị phản bội, bị lạm dụng, bị coi thường và bị ruồng rẫy!
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không
(Thơ Tú Xương )





Sao cụ Tú Xương ngày xưa khéo nguyền rủa mình hay ho và đúng như vậy nhỉ?
Thói đời thì nó đã luôn luôn là như vậy. Các gã đàn ông là " chính người" Còn đàn bà chỉ là " Phó người" .
Ơi tội nghiệp mẹ quê đã bị đầy aỉ và lạm dụng. Mẹ ơi, mẹ chỉ còn tình yêu ở trong trái tim nhỏ nhoi và một sức chiụ đựng dẻo dai bền bỉ để mà dàn trải nỗi lòng yêu của mình cho gia đình. Mẹ hay lam hay làm. Tảo tần hà tiện! hay là thú vui chỉ còn là cơm lành canh ngọt cho chồng con ? Tôi rơi lệ khi nghĩ đến tấm thân gầy yếu của mẹ đã bao năm phải gánh nước cho một đại gia đình nhiều người sinh hoạt, và gánh nước thuê cho nhiều gia đình khác. Người ta đã dùng lòng tốt của bà để mà dành hết những việc nhẹ nhàng, còn việc nặng và khó giao cho mẹ. Thuở ấy máy nước chưa đặt vào tận mỗi nhà như ngày nay, và nước sạch sao mà cần thiết cho con người. Mẹ không ngại sức lực đàn bà yếu đuối, những năm đời khắc nghiệt cứ oằn
trên những đôi thùng nước nặng bốn mươi kg. Từ nhà ra máy nước công cộng là hơn tám trăm mét. Mẹ đã gánh bao nỗi nhọc nhằn chỉ đổi lấy cái thỏa mãn là một bà mẹ hiền chăm sóc nhà cửa nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. Nuôi con một mình cũng nhọc nhằn lắm chứ!

Ù ơ...Gió đưa bụi chuối sau hè
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ...

Và rồi đến khi tuổi đã xế chiều , đôi đầu gối rã rời, không đứng nổi trên đôi chân nhức buốt.Đau nhức từ thuở nào, chẳng hề có thầy lang bác sỹ gì ráo trọi, cũng chẳng ngải cứu ,xuyên tâm liên. Mẹ cứ đắp đỗi qua ngày chịu đau đớn vì nào có ai dòm ngó. Mà họ cũng quên đi cái đau đớn khập khiễng của bà để chỉ đời hỏi cơm dẻo canh ngọt, nhà sạch lau ly, nước dùng nước tắm chứa đầy hồ đầy bể. Mẹ là thân cỏ cú. Có điều gì đền đáp cho nỗi nhọc nhằn đó hơn là tiếng cười của cháu nội? Vì yêu con quá đỗi nên bà cũng thật là cưng chiều các cháu. Tôi sanh cho bà hai đứa bé một gái một trai, tất cả đều lành lặn dễ yêu. Bà quý chúng nó như báu vật.
Khốn nạn cho những cuộc chia ly đầy nước mắt nghẹn ngào! Chúng phải để bà ở lại mà trốn thoát khỏi guồng máy cai trị hà khắc! Chẳng còn cách nào hơn!
Tôi về làm dâu , nhưng tôi cảm thấy thoải mái như ở chính nhà mình, vì mẹ chồng thương tôi như con đẻ. Miếng ngon mẹ để dành, vải đẹp ai biếu tặng, mẹ đều nhường cả cho tôi, từ chối mấy cũng không được, và tôi thật sự trân quý tình cảm đôn hậu của mẹ. Mẹ chồng tôi ít nói, nhưng cũng có những danh ngôn cho tôi nhớ đời, bà hay thường bảo:

Bề trên ở chẳng chính ngôi
Để cho bề dưới chúng tôi hỗn hào

Đó là thứ tự và luật pháp trong gia dình và ngoài xã hội. Ai ở ngôi vị nào phải giữ đúng vai trò vị trí chính đáng ấy thì kỷ cương sẽ được ổn định. Bà tuy không hỗn hào với đức ông chồng ở chẳng chính ngôi ấy nhưng bà đã giảm bớt những lời ngọt ngào âu yếm, và thường không được vui khi ông chuẩn bị đi về thăm bà nhỏ, một tuần hai lần! Ai mà chịu nổi mèo hoang!?
Nếu tôi không lầm thì phụ nữ Á Đông luôn mang một bản án cho chính mình là phải "Thờ Chồng" Mấy gã chồng đó cũng là người thôi chứ có phải Thánh đâu mà Thờ? Tôn thờ thì các gã mèo hoang đó phải có cái gì đặc biệt một chút, chứ cứ ươn xác lười biếng như cụ Tú Xương nhà ta:

Cao lâu biết vị, hồng lâu biết mùi

Mà Cao lâu thường ăn quịt
Thổ đĩ rặt chơi lường

Rồi thì học hành dở dang:

Tiễn chân cô mất ba tiền lẻ
sờ bụng thầy không một chữ gì!

Đã thế mà vẫn phải hầu hạ , cơm bưng nước rót.

Sáng hôm mùng một Tết
Đèn nến thắp xong rồi
Ông tôi còn trong trong ổ
Nằm ló cổ trông ra!
(thơ Đoàn văn Cừ)
Ông ơi là ông! Đèn nến thắp xong rồi có nghĩa là bà đã phải dậy sớm sửa sọan cơm gà cá gỏi để cúng Tết, mà ông thì chẩy thây vẫn còn nằm trong ổ! chẳng sờ mó vào việc gì! Tôn thờ ở cái mửng nào? Rốt cuộc lại, tôi thấy mẹ chồng tôi luôn luôn đúng, khi đặc biệt chú ý đến ngôi vị của mình để mà phải ở cho " chính ngôi". Hay nói đúng hơn muốn chính ngôi thì phải biết "tu thân".
Có ai đó bảo rằng nếu mình không đi dự đám tang cuả người thân, thì caí người ra đi không về ấy có lẽ như chỉ mới đi đâu xa. Mình không thấy cảnh Tử Biệt. Tôi không về chôn cất mẹ, chẳng phải không thương mẹ, mà chỉ vì chẳng đủ điều kiện để về! Mẹ đi xa rồi, chỉ còn trong trí nhớ. Nỗi buồn quạnh hiu như đôi mắt ưu sầu. Và để đặc biệt nhớ mẹ là người đặt cho tôi cái tên rất lạ, bà gọi tôi là " Má cái cháu " Thứ tự và bổn phận của tôi ở trong tên gọi này. Tôi là mẹ của cháu bà, những đứa cháu quan trọng và là sợi dây liên hệ giữa bà với tôi. Tôi thay bà làm những việc mà bà đã đặt tất cả tình thương vào đó mà chăm sóc " cơm lành canh ngọt". Lúc nào cũng sẵn sàng để an ủi vỗ về những thành viên trong gia đình
là chồng con.
Tôi tiếc rằng mẹ không còn để nhìn thấy giấc mơ hồi hương của con cháu thành sự thật, những đứa cháu bà yêu quý sẽ làm bà sung sướng, chúng đã trưởng thành và đỗ đạt.Tôi không là họa sỹ để vẽ lại bức chân dung người mẹ ưu sầu, nhưng tôi viết lên đây lời tâm sự của đứa con dâu luôn tri ân tấm lòng thương mến của bà mẹ chồng suốt đời vì con cháu. Mong mẹ thứ tha lỗi đã ra đi, tội bất hiếu, không gần gũi phụng dưỡng mẹ già. Ôi khó khăn thay phận làm người :
Đai ác bất hiếu. Đại thiện Hiếu
(KINH PHẬT)

1 comment:

  1. Đây là một "kiệt tác phẩm " của An Khanh viết về tình yêu Mẹ mà đặc biệt lại là Mẹ chồng. Truyện này đã được post từ những ngày đầu tiên khi ĐSTV 6370 mới ra đời. Trong hoàn cảnh phôi thai của ĐS câu chuyện đã không có cơ hội đến với nhiều độc giả và bạn hữu, vì thế TUL quyết định post lại dưới một hình thức đẹp và giản dị hơn hầu các bạn và quý độc gỉa thân hữu . Xin mời tất cả chúng ta cùng thưởng thức.

    ReplyDelete