Apr 30, 2012

TẢN MẠN 30 tháng 4


Vịnh  Hạ Long
VN Giang Sơn Gấm Vóc


 Ba mươi bảy năm đã qua đi, những vết thương lòng dù
 chưa lành được với những mất mát của những người Saigon
 "xưa" nhưng rồi với những thay đổi của cuộc sống hàng ngày
 đã làm người ta lắng xuống tạm quên. Vậy nhưng cứ đến ngày
 30 tháng 4 những người đã chứng kiến và đã trải qua lại cảm
 thấy có gì đó bâng khuâng , nhói lên trong lòng.
 Tôi tự hỏi thế hệ chúng tôi qua đi, thế hệ con
 cháu tiếp nối sinh sau 1975 chỉ được nghe, nói và kể về
 những ngày này thì rồi chúng cũng sẽ chỉ thấy như những
 trang sử đã được lật qua. Chúng sẽ chỉ quan tâm đến hiện
 tại và tương lai thôi. Ai dám chắc những điều nghe được hoàn
 toàn là sự thật mả nhiều khi thấy vậy lại không phải vây
Tôi đã ở lại Saigon và cũng đã kể cho con mình
 nghe những gì đã xảy ra vào những ngày tháng khó khăn , muốn
 quên nhưng không thể quên ấy. Mỗi khi thấy con phí phạm trong
 việc ăn mặc tôi lại hay ca " Bài ca không quên" để nhắc nhở.
 Nào là : " Con biết không , hồi mới giải phóng ba mẹ phải ăn
 độn khoai , sắn, bo bo đấy con ạ. Các con có cơm ăn như vầy
 là quý lắm đừng có phí phạm nghe chưa? " Tụi nó còn hỏi :"
 Bo bo là quả gì ? Tại sao lại phải ăn thế? " . Tôi cũng chẳng
 thể nói hết được những nguyên nhân mà tôi còn mù mờ. Cái "di
 chứng" ấy còn theo tôi đến tận bây giờ. Lúc nào tôi cũng
 phải mua tích trữ đồ ăn vì sợ "lỡ" mai không có nên cứ phải
 ăn đồ cũ hoài. Cái sự "khôn ngoan" một cách "dại dột" ấy đã
 bị các con tôi chỉ trích hoài mà vẫn không bỏ được.
 Bọn trẻ bây giờ chỉ thấy vất vả chuyện học hành
 thôi. Ngoài giờ lên lớp ở trường chính chúng còn phải "bôn
 ba" những trường lớp phụ để mong theo kịp chương trình đã
 "giảm tải" nhưng hình như còn nặng nề thêm. Bây giờ lớp trẻ
 được tiếp cận với công nghệ thông tin hiện đại, chuyện gì
 xảy ra trên thế giới cũng biết. Thời mở cửa, chúng tiếp
 nhận cả cái xấu lẫn cái tốt. Chúng không tài nào tưởng
 tượng được những chuyện tôi đã trải qua . Chúng nghe như tôi
 kể chuyện cổ tích và tỏ vẻ không tin. Thì cũng giống như tôi
 nghe ông bà kể chuyện đánh Pháp hay chuyện nạn đói năm Ất
dậu vậy. Ba má tôi bảo "Nó khốc liệt và kinh khủng lắm" thì
 tôi cũng biết thế nhưng chẳng thể hình dung ra hết được.
 Cuộc sống thì cứ trôi đi, nhiều chuyện tưởng như
 chỉ mới xảy ra ngày hôm qua, hôm kia vậy mà thoắt cái đã ba
 mươi bảy năm rồi, Những đứa trẻ sinh ra ngày ấy giờ thì con
 của nó cũng trên dưới mười tuổi rồi. Liệu nó biết được
 những gì để kể cho con mà chính nó chưa từng trải nghiệm?
 Thế hệ nào thì cũng phải trải qua những khó khăn
 của thế hệ ấy. Người ta đã quá vất vả với cuộc mưu sinh
để tồn tại. Ngay bây giờ đây cuộc suy thoái kinh tế toàn
 cầu đã làm cho bao người dân phải điêu đứng với nạn thất
 nghiệp , phải bỏ nhà bỏ cửa. Rồi thì biến đổi khí hậu với
 những trận bão kinh hồn với những cơn lốc gió xoáy cuốn
 trôi bao nhiêu sinh linh, nhà cửa...Người ta lại còn tham lam
 đưa những chất độc hại vào thực phẩm để được nhiều lợi
 nhuận hơn mà không cần biết đến tổn hại cho người khác..
 Ngày nay chỉ cần hít thở thì không khí cũng đã ô nhiễm với
 bao nhiêu khói bụi rồi. Chưa kể với những tham vọng không
 ngừng , người ta còn lăm le đánh nhau để chiếm đoạt những thứ
 chẳng phải của mình....
 Ngày này có những gia đình ăn mừng với những
 chiến công đạt được với những mừng vui gặp gỡ lại người thân
 như "chưa hề có cuộc chia ly" và cũng ngày này có nhiều gia
 đình phải làm giỗ cho những người thân đã mất vì nhiều lý
 do mà không kịp thấy đất nước thống nhất. Những được mất
 ấy rồi cũng trôi qua, còn lại gì mới là đáng kể.
 Tôi chỉ mong mọi nỗ lực đều phải làm cho đất nước
 ngày một tốt hơn, Giữ được tấm bản đồ như ông cha ta đã
 từng dầy công vẽ nên và mọi người đều được ấm no, hạnh
 phúc. Mong lắm thay.


 Anh Thu

No comments:

Post a Comment