Apr 7, 2011

Viết về Mẹ

VIẾT VỀ MẸ
AN KHANH





Tôi không thích tin vào những bói toán dị đoan Tử vi đẩu số... Nhưng có những lời tiên đoán trước và căn cứ vào những sự sảy ra rồi thì tôi cũng phải gật gù là đúng! Mà đúng rồi thì để làm gì? Thương cho đời bạc hay ngậm ngùi cho số phận?
Mẹ tôi kể rằng ông ngọai tôi lúc còn sinh thời, đã lấy số tử vi cho mẹ và tiên đoán rằng trong cái cung phu thì bà có số sát phu (Cái ngôi sao Kình Dương Đà La gì mà ghê gớm quá!)
Để ứng nghiệm lời tiên tri cuả ông ngoại, năm mẹ tôi còn là một đưá trẻ sơ sinh,hai ông bạn cùng có con trong một ngày (là ông ngoại và bạn thân) đã tự cho mình có quyền làm thông gia vì một ông có con gái và ông kia có con trai. Thế mà chỉ vài tháng sau là cậu bé trai đó đã mệnh yểu. Mẹ tôi đã goá chồng lần thứ nhất (lúc còn chưa được một tuổi ) Tôi không tin nhưng cũng phải nhận rằng phụ nữ có cái gò má cao như mẹ thì sát phu, gọi là sát sàn sạt. Năm bà mơí ba mươi hai tuổi, bố tôi ba mươi bảy, bà lại một lần nữa góa chồng. Đàn bà góa nuôi môt nách năm đưá con thơ,quả thật là một nghịch cảnh. Trong đám tang của bố tôi, mặt bà rầu rĩ, mắt đã cạn hết lệ, khô khốc và buồn bã. Bộ quần áo gai sô màu trắng bê bết những bùn vì tháng bảy mưa ngâu. Những nhát cuốc lấp mộ ngát mùi cỏ dại, khi quan tài đã được bỏ xuống, mẹ tôi vùng lên nhảy tùm xuống đáy mộ. Bà định làm "Lương Sơn Bá -Chúc Anh Đài " . Nhưng không phải cửa mộ mở ra, ngôi mộ không nứt ra làm hai để cho bà được chui vào mà cùng đi với chồng yêu quý. Bà được mấy ông thanh niên là đám em chồng kéo lên sau vài câu đay nghiến của ông trẻ ( em ông nội tôi) " Thôi chị đừng có bầy trò nữa"! Tôi cho đó là thái độ bi lụy quá mức hay là một phút điên cuồng tuyệt vọng? Sự mất mát lớn lao và cái hụt hẫng ngỡ ngàng khiến cho bà đã hành động như vậy?
Cho dù có nghĩ gần nghĩ xa thì cũng phải thấy một điều: Mẹ tôi sẽ phải hết sức bình tĩnh mà đương đầu với một hoàn cảnh khổ ải đáng sợ.
Những ngày mưa dầm ướt lê thê của trời ngâu tháng bảy. Bố tôi chỉ còn lại là một tấm ảnh trên tường, mỗi lúc chiều tà, mẹ tôi đốt trầm trong lư hương tưởng nhớ. Nụ cười vẫn ngời sáng trên khuôn mặt và tia mắt long lanh. Bố tôi vẫn đẹp dù chỉ còn trong hình và làm đau lòng mẹ là người chịu thiệt thòi mất mát. Mỗi tuần, chúng tôi lếch thếch theo mẹ đi tới Gò Vấp để thăm mộ bố.


Hôm nay đến viếng mồ người cũ
Ngắm mộ ai mà chạnh nhớ tới ai
Cánh hoa mờ nhạt trong sương khói
Dệt dáng con người tôi nhớ thương.


Mẹ tôi đọc được những câu thơ này ở đâu mà lúc nào cũng ngâm nga và thương nhớ bố. Tôi thì tôi nghiệp bà qua hình ảnh bơ phờ rũ rượi, sau nhiều tháng săn sóc chồng bệnh hoạn và cuối cùng thì đành xuôi tay, chịu cảnh mẹ goá con côi. Tương lai và hy vọng của mẹ đã dành cả cho các con của bà.
Tôi hơi ích kỷ khi cho rằng cái lễ giáo của đạo Khổng "Tam tòng tứ đức" "Phu tử tòng tử " là đúng cho đàn bà goá. Ngày xưa, nhóm Tự Lực Văn Đoàn hô hào đổi mới, giải thoát phụ nữ, dẹp bỏ hủ tục. Vậy mà đến thập niên 1960-1970- Mẹ tôi, lớp phụ nữ tân thời của Loan, Nhung, Thảo (tác phẩm Nửa Chừng Xuân, Lạnh Lùng của Khái Hưng và Nhất Linh) hồi đó, vẫn chưa thoát ra được những lề thói ngày nào. Mẹ tôi không được quyền bước thêm bước nữa, mà phải "tòng tử" .Nếu có bóng người đàn ông nào dòm ngó, thì bà liền bị chặn ngay lại với những câu bóng gió xa xôi của gia đình chồng : " Phải là con nhà gia giáo, chứ không phải là con nhà giáo đâm".
Một thiếu phụ trẻ, mới có hơn ba mươi tuổi, kiếm tiền thì được !chứ còn chút tình! có gì là nhơ nhuốc đâu mà cấm đoán hở giời! Đạo làm người sao khe khắt với phụ nữ lắm thế? Đàn ông goá vợ thì thương cảnh gà trống nuôi con, dễ dàng chấp nhận cho họ tục huyền. Còn đàn bà, sao lại không nhỉ?
Tôi cho rằng những tai ương đã hun đúc sự chịu đựng phi thường của mẹ sau ngày bố tôi mất. Bà là một phụ nữ có chút vốn liếng chữ nghĩa. Xưa là cô giáo dạy tiểu học. Biết thông thạo tiếng Pháp và có một tinh thần hài hước vừa đủ để nhìn cuộc đời lúc nào cũng hóm hỉnh. Tiếng cười là liều thuốc bổ duy nhất giữ cho đời sống của bà và gia đình được quân bình. Vốn là một tín đồ Cơ Đốc, mẹ tôi dạy cho lũ tôi phải hết sức tin vào Thượng Đế.Mẹ tôi đã có ý định quyên sinh, để thoát khỏi nỗi đau đớn tuyệt vọng, nhưng sau thấy cái chết của cô Liễu, là thiếu nữ đã tự tử vì tình (cùng ngày chôn cất bố tôi ở nghĩa trang Gò Vấp ) Chết chẳng giải quyết được gì cả. "một người ở trong hội kẻ sống còn có sự trông
mong, vì con chó sống hơn con sư tử chết " Truyền Đaọ 9:4. Bà đã cương quyết ở trong hội kẻ sống. Mặc dù sống lẻ loi. " Hai người hơn một, vì họ sẽ được công giá tốt về công việc mình. Nếu người này sa ngã, thì người kia sẽ đỡ bạn mình lên, nhưng khốn thay cho kẽ ở một mình mà sa ngã,không có ai đỡ mình lên. Cũng vậy, nếu hai người ngủ chung thì ấm, còn một mình thì ấm sao được ?" Sách Truyền Đạo đoạn 4:9. Ngày đó, mẹ tôi đã mất người bạn đời thân thiết, còn ai nâng đỡ? ai quạt nồng ấp lạnh? Bà đã hết lòng tin vào Thượng Đế là đấng đã hiện diện để soi dẫn đường lối, an ủi và cứu giúp bà. Tôi nghĩ điều này rất đúng. Tôn giáo là liều thuốc an thần làm hưng phấn con người.
Tôi bảo mẹ tôi tuổi con mèo nên hay tha con đi chỗ này chỗ khác, nhưng có lẽ vì vấn đề mưu sinh, nên nhiều lúc con ở đầu sông, mẹ nơi cuối biển. Mái gia đình lúc nào cũng một chốn bốn nơi. Trẻ con ở nhà đứa lớn trông đứa bé, còn mẹ ở ngăn cách mấy dặm đường xa. Tôi không có những kỷ niệm "cha ngồi đọc báo, mẹ ngồi khâu áo" Những bữa cơm chiều vắng mẹ và cảnh nhà đơn chiếc, tôi nghĩ đến mẹ chốn xa xôi, một thân một mình thui thủi. Người đàn bà đó phải phấn đấu với những cạm bẫy người.
Trời mưa bong bóng phập phồng
Mẹ đi lấy chồng con ở với ai?


Tôi nghĩ là cả mẹ lẫn con đều phập phồng. Mưa ơi,lo âu luống những ngậm ngùi. Mẹ thương các con mà không bước thêm bước nưã. Không tri âm tri kỷ." Đường dài một bóng âm thầm " (nhạc Hoàng Trọng) Cho đến tận lúc về già vẫn một mình cô quạnh. Theo cái phong tục khá cổ hũ của Tàu. Người ta phải để tang ba năm tức là "Đại Tang" Mặc aó sổ gấu, không trang điểm phấn son, không những thú vui giải trí! Sầu muộn chi lắm thế?


Maí tóc năm xưa quyện gió chiều
Trói hồn tôi lại bến thương yêu
Ba thu gương lược không buồn mó
Chắc hẳn giờ đây đã rối nhiều...


Đó là những vần thơ mẹ tôi hay đọc trong chiều tưởng nhớ. Kể ra tấm lòng chung thủy của bà đáng được ca ngợi và cho tôi là kẻ xót thương. Tôi rung động trước cái nhớ nhung tuyệt vọng của bà. À mà cũng phải, bà vẫn còn mang tên chồng trong suốt quãng đời còn lại. Bà quả phụ Lưu Anh Tuấn. Nhũ danh Trần Thị Nga. Tôi nhớ có lần bà đã họp các con lại( lúc đó bọn tôi cũng đã khá lớn ) và hỏi ý kiến xem có cho bà được có một người bạn đời khác, là một ông bác sĩ đứng tuổi. Tôi thì không dám có ý kiến, nhưng chị tôi thì lạnh lùng said "No" Thế là mẹ tôi đành chịu thua.
Ngày đó, con đường từ trạm xe bus đến nghĩa trang là một con đường tắt, len lỏi dưới rặng tre xanh biếc của đồng quê, phả hương nồng của phân chuồng và mùi cỏ dại... Tôi cứ đi miên man trong tiếng tre rì rào nhè nhẹ. Để theo kịp mẹ, tôi hơi đi vội lên một chút, nhưng cũng kịp để ngắt một chiếc lá tre xanh rì, ấp vào lòng bàn tay ngắm nghía. Tuần nào cũng
lững thững theo mẹ đi thăm mộ bố, và trước khi về thì tôi đều nói nhỏ vơí bố:
- Bố ơi , phò hộ cho con học giỏi bố nhé!


Ai quên cho được mái tranh nâu
Luống đất bờ ao với nhịp cầu
Mồ mả ông bà nằm dưới đất
Lòng người lòng đất cảm thông nhau...
(bài học thuộc lòng lớp bốn)
Lòng người lòng đất cảm thông nhau là thế đó. Trong trí nhớ non nớt của tuổi lên mười, bố tôi đã yên nghỉ cảm thông và chờ đợi. Tôi không biết là đến bao lâu thì chúng tôi không đi thăm mộ bố thường xuyên? À chắc là lúc mẹ tôi phải đi làm xa, và chị tôi cũng vẫn thỉnh thoảng dẫn lũ em đi thăm mộ bố, ở chơi đến chiều như một ngày Picnic. Một cái gì liên hệ ruột thịt, thiêng liêng, cho nên chỉ có loài người thường an táng thân nhân và tới lui thăm viếng.


Năm 2000, vào thiên niên kỷ mới, tôi an tang mẹ tôi ở ngọn đồi đẹp "Nửa Vầng Trăng" Haff Moon Bay. Mẹ nằm đó cũng đã yên nghỉ, cỏ xanh , hoa vàng và mây trắng. Những lần viếng thăm lẻ loi họa hoằn vì cơn lốc đời xoay nhanh quá.
Mồ lẻ đêm nay hoang lạnh nhỉ
Trăng sầu nhắc buổi nhớ không anh?


Tôi đứng bơ vơ trên đỉnh ngọn đồi trăng và mong ngày về ngủ yên bên mẹ. Tôi mơ nửa vầng trăng bạc, cõi thiên nhiên tươi đẹp và chốn trở về của những ngày thảnh thơi sẽ đến. Thôi ngủ đi bà quả phụ một đời bươn chải, dãi dầu.Thế hệ mai sau cũng sẽ chẳng còn tưởng nhớ vì quá khứ cứ xa dần...

Ba trăm năm nữa ta đâu biết
Thiên hạ ai người khóc đến ta?


Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như


Mượn câu thơ của Tố Như mà thương cho đời bạc./.


An Khanh.

PICASSO













No comments:

Post a Comment