Nov 9, 2012

Nhỏ Bạn Tôi


Minh Tâm đang đào xuổng đất đầu tiên cho cây cầu Bằng Hữu
NHỎ BẠN TÔI


Chung Dao




Nhỏ là một trong những đứa bạn thân nhất của tôi thời trung học, hai đứa tôi cùng nổi tiếng trong lớp không phải vì học giỏi và vì nghịch ngợm khiến thầy cô và các bạn đều phải chào thua. Tôi học cùng nhỏ từ năm đệ thất đến đệ nhất trung học, nhiều năm ngồi cạnh nhau nên tha hồ phá phách. Hai đứa chúng tôi đi cạnh nhau thì như đôi đũa lệch, đứa cao lêu khêu còn đứa thì thấp nhỏ, tôi vẫn nhớ ngày xưa đám bạn có ngoại hình thấp bé trong lớp như nhỏ luôn tâm niệm với nhau rằng lớn lên khi lấy chồng, chúng nó phải chọn người đàn ông to cao để con đẻ ra không còn thấp bé nữa, hy sinh đời mẹ để củng cố đời con mà.

Thế là nhỏ cũng chọn được một ông chồng cao lớn khỏe mạnh, ngày xưa khi thấy người yêu của nhỏ chúng tôi vẫn trêu “thế này thì có ngày mày bẹp dúm” nhưng nhỏ chỉ cười mãn nguyện vì đã chọn được người yêu lý tưởng cho mình. Thật vậy sau mấy chục năm chung sống và bôn ba cùng nhau, đến nay hai vợ chồng nhỏ vẫn là một cặp tâm đầu ý hợp và rất yêu thương nể trọng nhau.

Ngày xưa trong lớp, trong khi các bạn chăm chú theo dõi lời thầy cô giảng bài thì hai đứa tôi luôn tìm cách nghịch ngợm, khi thì nói chuyện xì xào khiến các bạn chăm học cứ quay xuống lườm nguýt chúng tôi như thể không học thì để cho chúng tôi học, khi thì chui xuống gầm bàn để cột vạt áo dài sau của các bạn lại với nhau. Giờ ra chơi thì giành giật xích đu, cứ mỗi khi chuông ra chơi vừa vang lên là chúng tôi cùng thi nhau chạy. Một lần chân dài hơn nên tôi chạy trước và theo phản xạ nhỏ đã nắm vạt áo sau của tôi kéo ngược lại đến nỗi với hai lực đối kháng nó đã rách toạc ra chỉ còn dính một ít vào phần thân áo. Lần khác nhỏ lấy sổ học bạ điền vào phần giáo sư toán lý hóa là thầy Vĩnh phê “còn tiến nữa..” và thêm vào “còn tiến nữa…trên con đường tình ái”, sau đó hai đứa thách nhau để hay xóa rồi quên bẵng đi. Cho đến một hôm bà Nguyệt Minh, Tổng giám thị, mời cả hai chúng tôi lên văn phòng hiệu trưởng làm việc thì chúng tôi mới tá hỏa nhận ra rằng cả hai đã cùng quên không xóa phần …”trên con đường tình ái” đi, thế là khỏi nói các bạn cũng có thể tưởng tượng chúng tôi đã phải nhận một hình phạt như thế nào cho tội nghịch ngợm cả với lời phê của thầy cô.

Rồi thì hết đệ nhất trung học, chúng tôi như những cánh chim bay đi khắp nơi. Cùng với một số bạn khác, nhỏ đi du học Nhật theo chân ông bồ “to con” của mình. Chúng tôi bặt tin nhau từ đấy, cuộc sống sau 75 đầy trôi nổi đối với những người còn ở lại đến nổi tôi chẳng còn nghĩ tới những người bạn xưa nữa, chỉ biết đôi lúc ngồi nghĩ tủi cho thân phận mình vì đã cố gắng đến 7 lần mà vẫn không thoát ra nước ngoài được. Khi cuộc sống đã tương đối bớt khó khăn, khi email được phát triển, ngôi trường cũ của chúng tôi đã có những mục tìm lại bạn cũ và nhờ đó tôi biết tin nhỏ đã sang Mỹ sống cùng chồng con, người yêu ngày xưa bây giờ đã thành người bạn trăm năm của nhỏ.

Rồi một ngày tôi quyết định đi Mỹ chơi thăm con gái và một số bạn cũ, cùng với một số bạn khác, nhỏ tặng tôi một vé máy bay nội địa bay lên chỗ nhỏ chơi, bây giờ nhỏ kinh doanh một tiệm kính lớn ở ngay Sacramento. Đến nước Mỹ lần đầu, nhìn thấy một số nhân viên của nhỏ là người nước ngoài, tự ái dân tộc của tôi được vuốt ve, trong đầu óc của tôi, công dân của một đất nước nhỏ bé và ít người biết đến, luôn có mặc cảm tự ti với dân tộc của các cường quốc trên thế giới, thế nên điều này làm tôi hãnh diện về nhỏ và người Việt Nam vô cùng.

Sau đó thì tôi gặp nhỏ ở Việt Nam, những ngày gặp nhau ở VN toàn là bàn chuyện làm từ thiện của nhỏ. Bất chấp một số bạn quá khích cho rằng không nên về Việt Nam bỏ tiền giúp đỡ Việt Cộng?, nhỏ đã đi đi về về giữa Việt Nam và Mỹ để phục vụ công tác thiện nguyện của mình. Tôi nghĩ nhỏ cũng có đời sống khá giả ở Mỹ nhưng đồng tiền kiếm được cũng do mồ hôi nước mắt mà ra, với số tiền không nhỏ của bản thân mình, nhỏ còn tích cực kêu gọi mọi người đóng góp để xây cầu, đào giếng cho những người dân nghèo ở những vùng tận cùng của đất nước. Hưởng ứng cùng với nhỏ, các bạn khác nếu có điều kiện cũng cùng đóng góp vào các dự án từ thiện.

Cho đến ngày hôm nay, số cầu được xây dựng để ngăn các em nhỏ không rơi xuống sông chết đuối trên đường đi học, số giếng được đào để giúp dân nghèo không phải sử dụng nguồn nước sông ô nhiễm vừa tắm giặt, phóng uế vừa nấu ăn đã trở thành những con số đáng kể. Khỏi phải nói dân nghèo vùng Cà Mau đã vui sướng biết bao khi nhận được những món quà thiết thực từ những người xa lạ không quen biết đang sinh sống ở những nơi thật xa cách nửa vòng trái đất nhưng luôn hướng về họ, mà phần đóng góp rất lớn là từ nhỏ bạn tôi.






Bên cạnh những hoạt động từ thiện thực tiễn đó, nhỏ còn âm thầm lập ra một quỹ từ thiện để gíup đỡ những học sinh nghèo hiếu học, nhỏ cho tiền học phí hàng năm cho các sinh viên y khoa, cứ mỗi đầu người là 400 USD. Nghe thì có vẻ không nhiều đối với nhiều người, nhưng với tình trạng nghèo khó của các sinh viên nghèo 400 USD/ năm là rất thiết thực và số sinh viên trong danh sách tài trợ của nhỏ ngày càng dài ra.

Không những tài trợ việc học chính khóa, một số sinh viên khác còn được nhỏ tài trợ học các khóa Anh Ngữ từ một đến hai năm để có vốn liếng Anh Ngữ sử dụng khi tốt nghiệp ra trường làm việc. Nhỏ khuyến khích, viết thư thăm hỏi từng sinh viên nghèo một và các em như một đại gia đình ấm áp, cứ đứa lớn giúp đỡ đứa nhỏ trong việc học tập. Có em lớn sau khi được tài trợ ra trường thành công đã cho lại đàn em thiếu thốn của mình chiếc “laptop” dù đã rất cũ nhưng vẫn là cần thiết với học sinh nghèo.

Những em học sinh được nhỏ chọn lựa tài trợ thường thì rất nghèo, có em mất cả cha lẫn mẹ không biết nương tựa vào ai, sự giúp đỡ của nhỏ “không biên giới”, nó còn lan tỏa ra cả những em sinh viên dân tộc thiểu số hay các em gốc Cambodia. Có những em dân miền tây, khi lên Saigon học còn rất ngô nghê, tiếng Việt nói còn chưa rõ vì cứ con cá rô thành con cá “gô”, có em ở miền Bắc vùng Ninh Bình hẻo lánh, cứ L thành N nên việc phát âm tiếng Anh rất khó. Thế mà với sự khuyến khích của nhỏ từ từ các em cũng khá lên và nói tiếng Anh tương đối trôi chảy.

Cứ thế hết lớp học sinh này ra trường lại có lớp khác được tuyển chọn và danh sách tài trợ của nhỏ ngày càng dài ra theo năm tháng. Có những học sinh quá khó khăn nhỏ còn gởi tiền tài trợ mua laptop, xe Honda để phục vụ việc học tập. Lại có em học sinh mẹ bị cancer, nhỏ giúp ngay một món tiền nhỏ để trang trải việc điều trị, và khi biết người mẹ không qua khỏi, nhỏ lại gởi ngay tiền giành để phúng đám ma khi người mẹ đó vừa qua đời.

Đám học trò nhận tài trợ của nhỏ hầu như em nào cũng hiếu học, không những thế hình như khi nhận được lòng hảo tâm của người không họ hàng thân thích với mình, chúng còn ý thức và học hỏi được cách hành xử tốt đẹp về mặt nhân cách. Một số em sau khi trở thành bác sĩ, thay vì ở lại Saigon để làm giầu, đã quyết định về lại quê hương đèo heo hút gió của mình để phục vụ đám dân nghèo còn thiếu thốn đủ bề.

Tôi nể phục tấm lòng và những gì nhỏ giành cho những người có hoàn cảnh khó khăn, những trí thức tiềm năng của xã hội, tưởng tượng nếu không có sự giúp đỡ thiết thực của nhỏ, không biết bao nhiêu tài năng sẽ bị mai một không có cơ hội phát triển. Tôi cũng biết bên cạnh những hoạt động tài trợ này, nhỏ còn có tấm lòng đối với các bạn mình, những hoàn cảnh khó khăn của bạn bè, nhỏ luôn đứng đầu trong danh sách. Ngày một người bạn tạ thế, nhỏ bay ngay tới để cùng các con của người bạn xấu số lo tang lễ cho bạn mình.

Trong dòng chảy tất bật của cuộc đời, nhỏ vẫn là một con người năng động ngược xuôi, vừa lo cho việc kinh doanh của gia đình mình vừa luôn nghĩ tới các hoàn cảnh cơ cực. Cái sự nghiệp làm từ thiện đó sẽ cũng chẳng dễ dàng nếu nhỏ không có một người bạn đời cùng chung chí hướng, cùng tâm huyết với những hoàn cảnh cơ nhỡ bất hạnh. Cầu mong chúa phù hộ cho những con người tốt như nhỏ được may mắn trong hạnh phúc riêng, làm ăn phát đạt và nhiều sức khỏe để tiếp tục xoa dịu nỗi khó khăn của những người bất hạnh hơn mình. Chưa bao giờ tôi thấy câu nói “người hạnh phúc là người cho…” lại đúng như thế vì tôi thấy nhỏ đã thật hạnh phúc khi làm những việc thiện nguyện này.

Saigon November 6th 2012


 

3 comments:

  1. Những gì MTâm làm phúc thiện, bạn bè rất cảm mến và ngưỡng mộ. Chúc MT luôn khỏe manh , hạnh phúc.

    ReplyDelete
  2. Bài viết của Chung làm KH nhớ lời trong thánh ca: "Vì chính khi hiến dâng là khi nhận tất cả, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân...'
    Xin hồng ân Thiên Chúa luôn ở cùng người bạn đang ở thật xa nhưng rất gần trong tâm tưởng.

    ReplyDelete
  3. Bai viet hay lam Chung oi! Mo ke lai tu thoi TV cho den bay gio dien ta duoc mot nguoi ban xinh xan lau linh tinh nghich va co mot tam long that bao la. Su dam me lam viec tu thien cua mo Minh Tam va anh xa la mot phuc loc rat qui bau cho nhung nguoi kem may man. H xin dong tinh voi ca hai comments cua mo KD va mo KH.
    HHoe

    ReplyDelete