Nov 5, 2012

Nghệ và mật ong chữa bệnh loét dạ dày BS. VŨ HƯỚNG VĂN




Nghệ và mật ong chữa bệnh loét dạ dày



Ở nước ta, nghệ và mật ong là hai loại gia vị và thực phẩm được sử dụng khá phổ biến, đồng thời chúng còn là dược liệu được nhân dân ưa dùng. Theo kinh nghiệm y học cổ truyền của Việt Nam và Trung Quốc, nghệ phối chế với mật ong thường dùng để điều trị bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng. Tác dụng này cũng đã được nhiều công trình nghiên cứu y học hiện đại thừa nhận.



Tác dụng của nghệ

Theo y học cổ truyền, nghệ đi vào 2 kinh can và tỳ, có tác dụng hành khí, phá ứ huyết, lương huyết, thông kinh lạc. Dân gian coi nghệ là vị thuốc có tác dụng hàn gắn vết thương nên thường bôi lên các mụn nhọt sắp khỏi để mau liền miệng, lên da non và không để lại sẹo xấu. Dùng nghệ với liều lượng từ 1 đến 6g (dưới dạng bột nghệ hoặc thuốc sắc) để chữa bệnh đau dạ dày, vàng da, phụ nữ sinh xong bị đau bụng.
Trong củ nghệ có chất màu curcumin. Một số kết quả nghiên cứu cho biết curcumin làm tăng co bóp túi mật, do đó có tác dụng trợ tiêu hóa nhưng không làm tăng tiết acid dịch vị dạ dày, điều này có ý nghĩa quan trọng đối với người bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng. Nguyên nhân gây loét dạ dày được nói đến nhiều, trong số đó có giả thiết cho rằng bệnh sinh ra là do sự mất thăng bằng giữa yếu tố gây loét và yếu tố chống loét: dịch vị có độ acid cao vượt quá khả năng chống đỡ bình thường của niêm mạc dạ dày, tá tràng; hoặc do niêm mạc dạ dày giảm dinh dưỡng nên không đủ khả năng chống lại dịch vị có độ acid bình thường.
Mấy năm gần đây, tờ "Khoa học và tương lai" của Pháp có đưa tin nhà khoa học Conay sau khi nghiên cứu cho biết trong củ nghệ có 3 hoạt chất curcumin I, II và III - Các hoạt chất này ức chế được các khối u ở da và dạ dày (Các nhà nghiên cứu Ấn Ðộ cũng xác nhận kết quả này). Như vậy dùng nghệ để điều trị bệnh lý dạ dày có cơ sở cả về mặt y học cổ truyền lẫn y học đương đại.

Tác dụng của mật ong
Mật ong là một thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, ngoài ra còn là vị thuốc phổ biến được y học dân tộc dùng từ lâu đời. Thường dùng làm thuốc bổ cho người lớn và trẻ em, chữa bệnh loét dạ dày và ruột, an thần, viêm họng..., dùng 20-50g/ngày. Mật ong cũng thường được dùng làm tá dược chế thuốc viên hay các dạng thuốc khác. Theo kết quả nghiên cứu điều trị của Bệnh viện Ostrounop ở Matxcơva và một số bệnh viện khác của Nga, mật ong làm giảm acid của dịch vị, giúp độ acid dạ dày trở thành bình thường và làm hết các triệu chứng đau xót khó chịu của bệnh loét dạ dày và ruột. Sau một thời gian điều trị bằng mật ong, các bệnh nhân này đều lên cân, sự tiêu hóa tiến triển tốt hơn.

Ứng dụng của nghệ và mật ong ở nước ta
Tại Việt Nam, giáo sư Ðoàn Thị Nhu cũng cho biết thuốc nghệ mật ong (phối hợp với nhau) đã được thử nghiệm lâm sàng về tác dụng điều trị loét hành tá tràng, có sự so sánh với một thuốc kháng acid. Liều thuốc nghệ mật ong được dùng hàng ngày là 12g bột nghệ trộn với 6g mật ong. Liều thuốc kháng acid dùng hàng ngày tương ứng với khả năng trung hòa acid 340 milimol acid hydrocloric. Số người bệnh điều trị là 30 bệnh nhân nội trú (không nói rõ nơi điều trị thử nghiệm), thời gian điều trị là 8 tuần. Trong nhóm bệnh nhân được điều trị bằng nghệ mật ong có 50% đã hết các triệu chứng lâm sàng, căn cứ vào kiểm tra nội soi và chụp X-quang thì các vết loét đã lành. Trong nhóm bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng acid thì có 80% đã hết các triệu chứng và các vết loét đã lành. Kết quả nghiên cứu cho thấy nghệ - mật ong có thể chữa lành bệnh dạ dày, tá tràng.
Những dẫn liệu trên cho thấy việc dùng nghệ phối hợp với mật ong để chữa đau dạ dày là có cơ sở khoa học. Hiện nay ở Hà Nội, Công ty Ðông Nam dược Thanh Thảo có sản xuất thuốc viên "Mật ong nghệ" dùng điều trị bệnh dạ dày. Viện Y học dân tộc TPHCM thì sản xuất viên thuốc bột nghệ phối chế với mật ong mang tên thương phẩm "Melamin" với công dụng bổ dưỡng, phòng và trị các bệnh lý dạ dày, gan mật. Thuốc đã được lưu hành khá rộng rãi. Sự kết hợp giữa nghệ với mật ong là một sự kết hợp đơn giản, dễ bào chế nhưng có thể phát huy được tính tương hỗ trong điều trị bệnh lý loét dạ dày, tá tràng, giúp nâng cao hiệu quả chữa bệnh của từng dược liệu. Ðể tiện dùng, người bệnh có thể sử dụng các viên thuốc bột nghệ, mật ong bào chế sẵn với liều lượng phối chế đã tính toán hợp lý, hoặc cũng có thể tự làm lấy thuốc từ nghệ và mật ong theo liều lượng tham khảo đã nói đến trong bài.
BS. VŨ HƯỚNG VĂN, Tạp chí Sức khoẻ và đời sống


-----------------------------------------------------------------------------------------------------------
Củ nghệ: Loại thuốc kháng sinh chống viêm nhiễm

(GD&TĐ) - Ngoài được coi là một gia vị quyến rũ trong nhiều món ăn, nghệ còn được biết đến là một loại thuốc nhuộm và đặc biệt là 1 loại thuốc kháng sinh chống viêm nhiễm.
1. Nghệ là một trong những thành phần quan trọng mà các bà nội trợ thường cho nó vào trong nhiều món ăn ngon. Với thành phần curcumin, nghệ luôn làm cho món ăn có màu sắc bắt mắt vì màu vàng của nó. Ngoài ra, Curcumin cũng được cho là chất chống oxy hoá, chất kháng khuẩn và chống viêm.

2. Trong nhiều nghiên cứu, chất curcumin có tác dụng chống viêm nhiễm trong nghệ còn được so sánh với các loại thuốc chống viêm mạnh, kể cả thuốc theo toa và không kê toa.

Các nghiên cứu cho thấy chất kháng viêm curcumin có thể được sử dụng như một loại thuốc kháng sinh mà không tốn kém và lại giúp điều trị hiệu quả bệnh viêm ruột như Crohn và viêm đại tràng loét.

Trong các nghiên cứu khác, curcumin có trong nghệ còn được nhiều bác sĩ chỉ định điều trị cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp và giảm sưng khớp.
3. Nghệ luôn luôn là một cây thuốc quan trọng của Trung Quốc và Ấn Độ bởi vì các thầy thuốc dân gian luôn xem nghệ là một loại thuốc hiệu quả do tính chất chống viêm của nó.

Vì thế, nghệ được sử dụng để điều trị nhiều loại bao gồm đầy hơi, vàng da, các vấn đề kinh nguyệt, đau răng, vết bầm tím, xuất huyết, đau ngực và đau bụng. Trong y học Trung Quốc, nghệ là một loại thuốc phổ biến được sử dụng như một chất bổ dạ dày và có tác dụng lọc máu.

4. Hiện nay, nghệ đang được nghiên cứu về khả năng ngăn chặn các khối u cho những bệnh nhân bị ung thư. Qua các nghiên cứu sơ bộ trong phòng thí nghiệm tại Đại học Texas thì nghệ có thể hữu ích trong việc phòng ngừa và ngăn chặn sự phát triển của một số bệnh ung thư tế bào bao gồm các khối u ác tính, u vú và ruột kết.

Những nghiên cứu mới tiến hành còn cho thấy rằng ngay cả khi ung thư vú đã được hình thành thì chất curcumin có trong nghệ vẫn có thể làm chậm lại sự lây lan của các tế bào ung thư vú tránh di căn đến phổi.

Ngoài ra, những nghiên cứu được trình bày tại hội nghị về bệnh bạch cầu ở trẻ em được tổ chức tại London còn chứng minh nếu trẻ em ăn nhiều các loại thực phẩm chế biến từ  nghệ có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh bạch cầu ở trẻ em.

5. Nhiều chiết xuất từ nghệ còn được báo cáo giúp cung cấp nhiều lợi ích sức khỏe cho con người bao gồm việc mang đến làn da khỏe mạnh, gan và túi mật. Ngoài ra chúng còn hỗ trợ giảm đau và chống viêm, chống oxy hóa.


Lưu ý:

Cục Quản lý dược phẩm Mỹ (FDA) đã công nhận nghệ là một thực phẩm an toàn cho sức khỏe khi dùng liều không được vượt quá khuyến cáo. Như với bất kỳ các thực phẩm nào khác, bạn nên luôn luôn đọc và làm theo hướng dẫn trên nhãn khi sử dụng.

Nhiều bác sỹ hoặc thầy thuốc hành nghề y tế cho rằng chiết xuất từ nghệ có thể giúp nhiều bệnh nhân bị sỏi mật. Tuy nhiên, bạn vẫn nên dùng nghệ dưới sự giám sát của bác sĩ và không nên dùng nghệ cho phụ nữ có thai.

Ngoài ra, nghệ có tác dụng làm loãng máu, vì thế những người dùng thuốc chống đông máu không nên sử dụng nghệ.

No comments:

Post a Comment