Feb 14, 2015

CHUYỆN TẾT

CHUYỆN TẾT

Bích Quy



     Bà Thơ  nhìn lên tấm lịch lẩm bẩm : "Hôm nay đã là rằm tháng chạp rồi,  còn nửa tháng nữa làTết"  Bà thích những ngày trước Tết , cảm giác rộn ràng, háo hức, bận rộn chuẩn bị , bà lại thấy vui hơn là những ngày chính thức vào đầu năm .  Đến những ngày ấy bà lại thấy như là hết Tết rôì.  Bà  Thơ nhìn quanh nhà  thấy còn bao nhiêu việc phải làm. 

        Sớm nay bà sẽ bứt hết lá cây mai trên sân thượng. Cây này bà trồng đã lâu, nó hơi cao nên bà phải bắc thêm cái ghế. Cây mai chỉ còn trơ lại những cành khẳng khiu có lác đác vài cái chồi nhọn như hạt lúa và chồi tròn như hạt đậu xanh. Bà đoán năm nay cây sẽ nở hoa đúng Tết như mọi năm bà vẫn làm thế. 
 Xong được cây mai lại lân la các cây   khác. Cây thì bà tỉa cành, cây thì phải thêm phân bón.  . Có cả cây ăn lá như húng quế, tía tô, lá lốt, nha đam...  Bà trồng đủ thứ trong các chậu nhỏ. Có cả cây ăn trái như cây cóc, bạn tặng cho  bà từ khi  nó còn nhỏ xíu nhưng bây giờ đã cao bằng bà mà  tuyệt nhiên chẳng ra  một nụ hoa  nào  nhưng bà vẫn cứ chăm bón  cho cây xanh tươi như giứ một kỷ niệm với bạn mình. Cây Thần kỳ cũng do bạn tặng thì lại đầy hoa và trái. Chẳng hiểu tại sao lại vậy , cũng tưới, cũng bón mà cây thì cho trái, cây thì không.  Cứ mỗi lần tưới đến cây hoa nào thì hình ảnh những người bạn hay những kỷ niệm cứ hiện ra trong đầu làm bà cảm thấy vui nhưng cũng vì thế bà mất nhiều thời gian cho đám cây cỏ nhà mình

           Xuống đến dưới nhà , bà nghĩ thầm :"Bây giờ mình phải ra chợ đã" . Nghĩ thế nhưng đi qua cái bàn thấy chưa dọn bà lại mang mấy cái điã , chén và ly chưa kịp rửa của bữa ăn sáng vào bếp, rồi lau cái bàn, rửa chén xong thì bà lại thấy nhà bẩn quá nên lại cầm cái chổi cong lưng mà quét từ trong ra ngoài, định chùi nhà xong thì đi chợ nhưng nhìn đồng hồ đã gần mười giờ rồi. Hơi muộn nhưng bà cũng cứ đi vì hôm nay bà muốn mua ít kiệu về ngâm dấm. Rồ́i củ cải, cà rốt đem phơi làm dưa món nữa .

Bà chẳng ăn bao nhiêu nhưng cứ thích bày ra làm như cái lệ, như Tết đến thì phải có. Thật ra chỉ cần ra siêu thị đi một vòng là có đủ thứ rồi . Bánh  chưng, dưa món  thì bán quanh năm,  dưa hấu củng thế .  Những món đặc trưng của Tết mà ngày xưa còn bé bà rất mong Tết để được ăn. thì bây giờ người ta có thể thưởng thức quanh năm  và chẳng còn thấy gì đặc biệt nữa .   Ờ, nhưng mà Tết đến ăn  lại những món quen thuộc ấy với cái không khí rộn ràng khắp nơi bà vẫn cảm được mùi vị của Tết có chút gì đó khác với ngày thường.

        Bà còn nhớ nửa tháng trước Tết là mẹ bà đã bắt đầu nhìn lại nhà cửa , quét tước thật kỹ từ trần nhà đến gậm giường , rồi tháo hết màn cửa ra giặt là .  Kế đến là bình hoa  giả cũng được nhúng nước xà bông giặt sạch như mới , xong lại cặm cụi cắm lại theo kiểu khác. Mẹ phân công việc cho tất cả các con cùng làm .  Có đứa nại cớ phải ôn thi trốn việc, mẹ lại làm hết.  Hồi ấy mẹ bà còn trẻ hơn bà bây giờ và còn đi làm nhưng ngày nghỉ gần Tết là cụ bận rộn làm dưa món rất khéo .   Màu xanh của đưa chuột, màu cam của cà rốt  ,  màu ngà của củ cải, màu đỏ của ớt . Những thứ ấy được thái ra, phơi khô rồi ngâm trong nước mắm đường . Nhìn lọ dưa mắm nhiều màu sắc mà thèm .   Bà còn phải rửa một chậu dưa cải cho cụ muối chua.  Chao ơi, miếng dưa chua dòn dòn ăn với giò thủ thật là ngon cơm. Chưa kể  là cụ còn mua cả kiệu về cho mấy chị em xúm vào cắt rễ, rửa dấm cho sạch sẽ trắng tinh rồi bỏ đường, ngâm dấm . Miếng kiệu ăn cứ dòn tan với bánh chưng ngon ơi là ngon  .Ký ức về những ngày Tết xa xưa dưới mái nhà cha mẹ sao mà đầm ấm quá đỗi. Bây giờ cha mẹ bà đã quá già chẳng thể làm và  lẫn lộn nhiều nên  chẳng   nhớ gì những chuyện ngày Tết nữa . Hai cụ chỉ biết có vài ngày nhà cửa rộn ràng , bạn bè,  họ hàng , con cháu đến thăm đông vui là cụ cũng cười  vui , tuy chẳng còn nhận ra ai vào ai nữa. May là con cháu tiếp xúc hằng ngày thì cụ không quên. Người già đâu còn ăn Tết, chơi Tết nữa mà chỉ còn vui  Tết thôi. Vui vì :
    " Lá vàng còn thấy lá xanh
      Tre già còn thấy măng non nẩy mầm"

    Bà  Thơ có gia đình riêng đã lâu,  Trước kia lúc con còn nhỏ bà hay làm lại những việc như mẹ mình đã làm nhưng từ ngày các con lớn lên  bà cứ thấy hình như chẳng còn phù hợp nữa. Thời thế đổi thay cả rồi . Ngày trước mẹ hay dắt chị em bà đến thăm bà con, họ hàng .  Rồi họ lại dắt con cháu đến nhà mừng tuổi lần nữa .Bà thấy vui lắm  nên mấy chị em cứ háo hức mong mau đến Tết để được mặc quần áo đẹp, được đến nhà họ hàng, được ăn nhiều bánh , mứt, kẹo ngọt và nhất là được tiền lì xì sau khi chúc các bậc bề trên một câu chúc đã thuộc nằm lòng ở nhà . Còn nhỏ nhưng bà biết được  nhiều người trong họ và cả những người bạn của bố mẹ bà. Bây giờ bọn trẻ chẳng biết ai vào ai , không trách chúng được vì người ta ít có thời gian mà dắt con đến thăm nhau. Tình thân vì thế cũng loãng đi. Vả lại khi lớn lên chúng lại có mối quan hệ riêng . Đi đến đâu bà cũng thấy chúng cầm cái miếng hình chữ nhật trong lòng bàn tay mà bấm bấm, chăm chú vào đấy,  kể cả khi ngồi  chung với nhau mà cũng mỗi đứa một cái chẳng nói chuyện với nhau. Cái thế giới ảo lung linh ấy vây chặt lắy lũ trẻ khiến cho chúng trở nên vô cảm, lạnh lùng với chung quanh thì phải.  Công nghệ đã len lỏi vào đời sống con người đến từng ngõ ngách. Bà đọc báo thấy người ta đã tổng kết trung bình cứ  100 người VN có tới 145 chiếc điện thoại di động. Nó  phổ biến đến mức người ta làm cả hàng mã để đốt cho người chết liên lạc với nhau.  Nó phổ biến như vậy nên bạn bà Thơ hay chê trách bà không chịu dùng  di động, dù bà biết rất rõ công dụng thần kỳ, tiện lợi của nó. Nhà có cái điện thoại bàn thì chỉ còn mình bà sử dụng, ai cũng có di động riêng nên chẳng cần dến và bà  thì thấy vậy cũng đủ .

      Ngày nay nhiều phương tiện quá, chỉ cần nhấc điện thoại hay lên mạng là người ta có thể liên lạc với cả thế giới. Lại còn có thể nhìn thấy nhau mà nói chuyện nữa vậy thì phải đến nhà nhau làm gì cho vất vả đường xa.  Nói vậy,  nhưng bà Thơ vẫn thèm cảm giác được "tay bắt mặt mừng" , được ôm chầm lấy nhau, được "huyên thuyên" với nhau đủ thứ chuyện "trên trời dưới bể" mới "đã" cái miệng làm sao. Rồi vừa nói chuyện vừa thưởng thức miếng  bánh nhà làm khoe tài  nội trợ  , cắn miếng ô mai chua ngọt hay nhâm nhi miếng mứt gừng cay cay rồi chiêu một ngụm trà thơm cho thấm giọng mà ...nói tiếp . Thật là thân tình biết bao .   Bây giờ người ta ít thì giờ cho nhau quá.  Luống tuổi như bà thì  chăm con cháu đã chiếm gần hết thời gian của mình rồi, có đâu rảnh rỗi mà đến nhà nhau  tâm tình luôn được,  nên chỉ còn những ngày Tết đầu năm thôi . 

     Các con bà đã có gia đình riêng , chúng bảo :"Mẹ không phải lo gì cả, tụi con sẽ lo được mà" . Cơ mà chúng phải đi làm từ sáng đến tối mới về đâu có thời gian,  thôi thì mình cứ làm được chút gì thì làm. Có lẽ chỉ những người già về hưu như bà mới có thời gian nghĩ nhiều đến Tết và mới rảnh rỗi mà lo Tết.  Mỗi thời môi khác nhưng tựu chung chỉ có trẻ con vô tư lự là thấy vui. Chúng được hưởng mà chẳng phải lo nghĩ gì. Cha mẹ chúng phải bận rộn đi  làm từ sáng đến tối nên có được ngày nghỉ là quý lắm. Chỉ muốn được nghỉ ngơi. Nhiều nhà nhân dịp này mà dẫn cả  nhà đi du lịch xa gần để tránh cái Tết năm nào cũng diễn ra như thế.  

     Thấm thoát mà đã 23 tháng chạp rồi. Bà cũng muốn mua ít bánh trái để cúng ông Táo .  Cái bếp của bà đã sạch rồi nhưng bà vẫn muốn cho nó tươm tất hơn nên lại lau chùi và bày hương hoa , bánh trái ra cúng vào buổi trưa . Van vái cho mọi sự tốt lành cho gia đình. Bà nghĩ cốt ở lòng thành chứ cũng không hiểu cho lắm tục lệ này. Vả lại cái bếp ngày nay đâu còn ba ông Táo nữa . Có khi chỉ là miếng kính mà lại đủ các chức năng tiện lợi cho việc nấu nướng. Vậy nên thấy người ta  cúng ông Táo thì bà cũng làm theo cho đủ lệ. Bà nhủ thầm : "Có thờ, có thiêng, có kiêng, có lành " 

     Mọi khi bà hay đi siêu thị nhưng gần Tết bà lại thích ra chợ. Ở đó có xô bồ nhưng bà thấy không khí Tết nhiều hơn. Người ta hối hả mua bán . Tiếng rao hàng í ới ,  tiếng người ta trao đổi mặc cả với nhau...Hàng hóa thì la liệt vừa trên kệ, vừa dưới đất tha hồ chọn lựa. Không xách được nhiều nên ngày nào bà cũng ra chợ xem cái này, ngó cái kia. Ngoài những chỗ thân quen, năm nay bà lại còn phải đi Tết nhà sui gia nữa. Thôi thì mình thích gì chắc người ta cũng thích thế. Bà cứ "suy bụng ta ra bụng người"  mà chọn lựa mua sắm  rồi lễ mễ  xách về mỗi ngày một ít,  rồi sắp  xếp lại và mang đi biếu. 

   Năm nào bà cũng theo bạn bè đi thăm viếng thầy cô. Học trò già nhận ra  được thầy cô già chứ thầy cô mấy khi nhớ hết học trò. Thầy cô mỗi ngày mỗi yếu  đi, trò già tóc cũng bạc thêm nhưng gặp nhau rất là vui mừng,  Thầy cô cũng cảm động vì bao nhiêu năm qua mà trò vẫn nhớ đến mình.

   Bà hay đi thăm hỏi và  mang quà đến biếu người thân vào những ngày trước Tết .  Có nhà bận rộn chưa kịp sửa soạn gì nhưng bà lại thấy vui vì những món quà của bà được chủ  nhà : 
 -  "Quý hóa quá, em chưa kịp mua thì chị đã cho em rồi"
Thăm hỏi như thế thì đến những ngày Tết đầu năm bà chẳng phải đi nữa . Vậy nên những ngày trước Tết ra đường bà hay  thấy người ta mang giỏ quà chạy qua chạy lại là vậy. Ai cũng muốn "tranh thủ" làm cho xong "nghĩa vụ" với họ hàng , với cấp trên để ngày Tết được thong thả hơn với gia đình mình. 

     Ba mươi Tết  cũng đến, bà dậy từ sớm để chuẩn bị làm cơm cúng rước ông bà . Cũng may các con  được nghỉ nên chúng cũng phụ bà một tay . Ngoài những điã trái cây đủ màu sắc ,  năm nào cũng phải có nguyên con gà luộc khéo được dựng trên cái đĩa . Bà còn cho mỏ nó ngậm bông hoa cho đẹp .  Ngoài ra còn các món nộm ,thịt đông,  nem rán, sôi vò, giò chả,  bánh chưng cùng các món nước được nấu với rau củ cắt tỉa tỉ mỉ .  Bàn thờ được trang hoàng khói hương nghi ngút, cảm giác như người đã khuất về cùng con cháu vậy. Trên đó chồng bà như mỉm cười  hài lòng với các con  đã trưởng thành . Cả nhà quây quần ăn chung với nhau bữa cơm tất niên đầm ấm . Bây giờ bà mới thấy không khí Tết thật sự  trong nhà với đông đủ mọi người.  

      Buổi tối, bà bảo con dọn bàn ra sân trước nhà  để bà cúng giao thừa .  Trong sân con bà đã kịp mua về hai chậu cúc vàng rưc rỡ nở đầy hoa . Chậu quất có quả chĩu cành .  Bà bày bánh chưng, dưa hấu, kẹo, mứt và các loại trái cây như mãng cầu, dừa, đu đủ và xoài cho đúng câu "Cầu vừa đủ xài" và thêm vài  trái táo đỏ, trái lê vàng và nho xanh cho đẹp. Xong xuôi thì bà đi cùng con lớn ra chùa gần nhà lễ Phật, cầu xin những điều tốt lành cho  cả gia đình mình , cho họ hàng và cả bạn bè xa gần . Những lúc như thế bà hay nhớ đến họ. Những người đang gần gũi thân thiết bỗng  chốc  cơn lốc tháng tư năm ấy cuốn đi xa ngàn dặm . Có người trở về thăm và có người chẳng bao giờ muốn về.   Ban đêm , đường vắng, gió lạnh bà đi sát vào con . Bóng hai mẹ con đổ dài trên đường. Nó nắm lấy tay bà, dáng vẻ cao lớn chững chạc của con làm bà cảm thấy ấm áp, bình an.   Hai mẹ con im lặng đi bên nhau , bà cũng nắm chặt lấy tay con như ngày xưa khi dắt con qua đường, thế mà  bây giờ con đã trở thành người đàn ông trụ cột của gia đình rồi .

        Về đến nhà thì đã gần giao thừa rồi.    Bà đứng trước , bốn con đứng sau    cùng nhau lễ tiễn đưa năm cũ, đón chào  năm mới .  Chắc các con cũng cầu xin những điều tốt lành cho gia đình mình như bà thôi.  Năm nay nhà bà có thêm hai cô dâu thành hai gia đình nhỏ. Nghe bốn con chúc tụng những điều tốt đẹp trong năm mới và mừng tuổi mẹ .  Bà thấy các con thực sự trưởng thành . Mặc dù rất vui và thấy ấm áp trong lòng nhưng   cũng thấy buồn tiếc cho ông xã sớm ra đi và cũng chợt thấy mình già thực rồi.

        Bà Thơ cũng đã trải qua hơn sáu mươi cái Tết, bà thấy chẳng cái Tết nào giống nhau. Tết của nhà giàu khác hẳn với Tết nhà nghèo . Cái Tết ngày thơ bé khác với lúc đi học, lại càng khác với lúc trưởng thành . Lúc gia đình khỏe mạnh , thành công  khác với hẳn với cái Tết mà trong nhà có người ốm đau hay thất bại .   Tùy theo tâm trạng lúc gần Tết mà bà có được cái Tết vui vẻ hay buồn lo...Bây giờ luống tuổi rồi, chẳng phải đi làm, chẳng phải lo toan, tính toán nhưng bà lại có mối bận tâm cho con cháu của mình. Bà lại vui buồn theo hạnh phúc của chúng...

        Có tiếng pháo bông đùng đoàng xa xa. Nhà bà lọt thỏm trong những dãy nhà cao tầng nên chẳng thể nào nhìn thấy pháo bông nhưng bà biết thời khắc giao thừa đã đến . Năm mới bắt đầu  cho những ước vọng mới an lành, bình yên. Ngày mai là ngày đầu tiên của năm mới . Mọi sự sửa soạn đã xong . Bà cũng cảm thấy thảnh thơi phần nào . Ngày mai bà sẽ cùng các con chúc Tết ông bà ngoại và rồi các con cũng sẽ phải chúc Tết cho các mối quan hệ của riêng chúng .  Đối với bà thì sang ngày mồng ba , sau khi cúng tiễn  ông bà thì đã là hết Tết rồi. 

Bích Quy

5 comments:

  1. Đọc Chuyện Tết của Anh Thư làm KĐ nhớ lại hương vị Tết ngày xưa khi còn ở VN quá, thấm thoát mà cũng hơn bốn mươi năm.

    ReplyDelete
  2. Bai viet cua Bich Quy ve nhung sinh hoat , khong khi chao don nam moi
    giong nhu mot tai lieu de cac con chau chung ta sau nay doc lai co the
    hinh dung duoc nhung hinh anh nhon nhip ,vui ve ,dam am trong nhung
    ngay chao don va mung xuan cua nhung ngay xa xua ,
    Bai viet hay va cam dong lam Anh Thu a.
    Than,
    Thuc

    ReplyDelete
  3. Anh Thư kể Chuyện Tết làm PH muốn bay về nhà ăn Tết quá.
    Nhớ thật nhớ những ngày Tết xa xưa !

    ReplyDelete
  4. Encore une fois, Anh Thư se révèle une très bonne écrivaine. Elle fait revivre avec des détails precis et savoureux ses souvenirs d'enfance à l'occasion du Tet, une fête traditionnelle très animée et joyeuse.
    Bravo Anh Thư ! Continuez à nous fire lire des textes de cette qualité.
    Un ami du Canada

    ReplyDelete
  5. TUL đang ở Sài Gòn, đọc bài này thấy cảm động quá, Bích Quy đã rất chân tình , những chi tiết nhỏ nhặt , bình thường , đã được nâng lên mức độ tình cảm nhận thức và trân trọng , đằm thắm bao la , tình yêu của người vợ , người Mẹ đã hoàn thành nghĩa vụ đối với gia đình nhỏ bé của mình.
    Người đọc tìm được sự ấm áp, hạnh phúc tuyệt đối thiền định , thiêng liêng tràn đầy cảm xúc và tạ ơn( đoạn bà Thơ đi lễ giao thừa với con trai trưởng).
    Cảm ơn BQ thật nhiều , mong được đọc những sáng tác mới đầy chân tình của bạn.

    ReplyDelete