Apr 6, 2013

Trang thơ nhạc cuối tuần

                                TIẾNG HÁT XA XƯA

Trang thơ nhạc tuần này, thân mời các bạn nghe lại những tiếng hát ngày xa xưa của hai ca sĩ mà  tiếng hát cùng vóc dáng xinh đẹp, khả ái của hai cô đã làm say mê khán giả từ cuối thập niên 40 ở Hà Nội , rồi vang vọng tới miền Nam từ thập niên 50 cho mãi tới thập niên 70.




                                                    Ca Sĩ Tâm Vấn và Nhạc sĩ Cung Tiến

CA SĨ TÂM VẤN - GIỌNG HÁT VÀ HÌNH ẢNH

Xin nói về một giọng hát thuộc lớp đầu đàn đã đem những bài hát nổi tiếng đầu tiên của Tân Nhạc Việt Nam đến với người nghe từ thời cuối thập niên 40. Và đấy là giọng hát của nữ danh ca Tâm Vấn, một người mà thời cuối thập niên 40 ở Hà Nội, rồi từ thời đầu thập niên 50 ở trong Nam, mãi cho đến đầu thập niên 70, không những được khán thính giả của đài phát thanh và truyền hình thời ấy quen thuộc với giọng hát mà còn quen thuộc luôn với cả một vóc dáng xinh đẹp, khả ái.
 Giọng hát này là cùng thời, cùng trang lứa với Minh Đỗ khi xưa ở Hà Nội, Mộc Lan, Thanh Nhạn ở Huế, rồi sau đó ở Sàigòn với những tên tuổi khác trong giới ca sĩ giọng nữ như Ngọc Hà, Túy Hoa, v.v…
Tâm Vấn tên thật là Dương Thị Vân. Khi ra đời và được Bố Mẹ đặt tên như thế rồi thì người nhà mới sực phát hiện ra là tên Vân trùng với một bậc trưởng thượng bên họ ngoại; bởi thế mà ở nhà gọi trại ra là “Vấn”. Khi đi học thì các bạn học hay chọc ghẹo cô bé Vấn là tên gì mà nghe cứ như là người ta “vấn thuốc lá”. Cô bé Vấn bèn đề nghị bạn bè gọi tên mình là “Tâm”, một cái tên mà cô yêu thích. Thế rồi sau này khi chọn biệt danh cho nghiệp ca hát thì hai chữ Tâm và Vấn đã có sẵn đấy, mà rồi tên họ trên giấy tờ về sau cũng theo đó mà được cải sửa lại luôn.
Lớp người thích nghe ca nhạc mà năm nay đã thuộc lứa tuổi năm mươi đổ lên thì khi nghe nhắc đến giọng hát Tâm Vấn khó mà không liên tưởng ngay đến bài hát “Chiến sĩ của lòng em” của Trịnh Văn Ngân khi xưa.
Đã có người hỏi bà xem với ngần ấy kinh nghiệm cũng như từng trải trong quá trình gắn bó với Tân Nhạc Việt Nam thì bà đã có nghĩ đến chuyện viết tự thuật hay hồi ký hay không. Bà trả lời theo cái ý là “Có viết rồi nhưng sau đấy tạm gác lại một bên”. Bà còn thêm cái ý là “Biết đâu có người biết rõ về mình mà họ viết thay cho mình thì có khi cũng là cái hay ?”


               Ca Sĩ Tâm Vấn trong một lần hội ngộ với Ca sĩ Kim Tước và Mai Hương.


 Hồ Trường An viết về Ca sĩ Tâm Vấn như sau :

Tâm Vấn là nữ danh ca bắt đầu làm mưa làm gió ngoài Hà Nội chưa được bao lâu thì chị vào Nam (cô là ca sĩ của đài phát thanh Hà Nội). Tên tuổi của chị chiếu sáng bắt đầu sau Hiệp Định Geneve và sau phong trào người Bắc di cư vào Nam. Chị đẹp, vóc mình nồng nàn, khuôn mặt tươi vui, tóc xỏa mềm mại, nụ cười tươi sáng và ấm áp.
Khi leo lên sân khấu, chị ưa đeo chiếc khoen mọi to như miệng chén ở trái tai. Giọng của chị trộn giọng óc khá nhiều nên hơi the thé, nhưng đây là giọng dẻo như thép quý, mỗi khi lên cao thì quát tháo một cách dõng dạc và ngân nga thật sướng tai. Tâm Vấn hát loại nhạc vũ trường như Swing, Fox trot rất điệu nghệ. Bản nhạc "Chiến Sĩ Của Lòng Em" của Trịnh Văn Ngân được cô trình bày thật nhộn nhàng. Ngoài ra, bản "Thu Vàng" của Cung Tiến do chị hát được thu thanh vào dĩa Việt Thanh. Khi lên chỗ cao nhất, chị hát thật lảnh lót, dùng làn hơi dũng mãnh của mình để hát tròn tiếng và ngân nga. Tiếng hát lúc đó bắn vọt lên như pháo thăng thiên, như hỏa tiễn. Có người không sành điệu cho rằng chị la oai oải, nhưng người sành điệu thì trái lại biết chị hát rất đúng, lên cao mà giọng không mỏng, nhất là không gãy và vẫn trơn tru dễ dàng.



Click vào Playlist sẽ có thêm những video khác của ca sĩ Tâm Vấn.


CA SĨ MỸ THỂ



Mỹ Thể bắt đầu đi hát từ năm 63, khởi đầu cộng tác với những chương trình văn nghệ quân đội như Đoàn Văn Nghệ Bảo An cùng một vài nghệ sĩ quen thuộc khác như Khả Năng, Phi Thoàn, Thanh Việt, Trần Quang, Kim Vui, v.v... Hay Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương và đoàn Hoa Tình Thương, v.v... Những nhạc phẩm do Mỹ Thể trình bày và được mọi người ưa thích vào thời kỳ đó là Tình Anh Lính Chiến, Chiều Hành Quân, Ngày Em Về Thăm Quê Tôi, v.v... Trước đó, từ năm 60, Mỹ Thể đã có thời gian hát trong các chương trình tân nhạc phụ diễn Xổ Số Kiến Thiết.

                                                                   Ca sĩ Mỹ Thể

Từ năm 65 đến 69, Mỹ Thể cộng tác với các chương trình ca nhạc phát thanh của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết và một số ban khác, cùng một lúc bước chân vào lãnh vực phòng trà và vũ trường bằng sự cộng tác với các vũ trường như Hồng Tá, Lệ Uyển trong Chợ Lớn.

Qua những năm từ 68 đến 70 thì tên tuổi Mỹ Thể bắt đầu nổi bật tại các vũ trường lớn ở Sài Gòn như Queen Bee, Maxim's, Palace và Đêm Màu Hồng. Nhưng sau khi cộng tác với vũ trường Ritz của Jo Marcel thì tiếng hát chị đã lên đến đỉnh cao để rồi ngay sau đó được rất nhiều trung tâm băng nhạc mời thu thanh và nhiều vũ trường khác mời hát.



Ngoài những hoạt động như thu băng hoặc hát ở vũ trường và đài phát thanh, tiếng hát Mỹ Thể còn rất được ưa chuộng qua những đại nhạc hội và các chương trình truyền hình của Nhật Trường, Thái Thanh, v.v... Qua đến năm 72, Mỹ Thể ngưng mọi hoạt động sau khi trình diễn tại hội chợ Thát Luông (Lào) và nghỉ hát luôn cho đến ngày rời Việt Nam ra đi. Theo chị, tình trạng an ninh trong một hoàn cảnh chiến tranh đã khiến chị không còn đi hát, nhất là sau vụ nổ ở vũ trường Tự Do đã khiến nhiều nghệ sĩ rất lo ngại khi đi hát tại các vũ trường.

Mỹ Thể tên thật là Công Huyền Tôn Nữ Mỹ Thể, sinh quán tại Huế, thân sinh chị qua đời vào năm 39 tuổi khi Mỹ Thể mới lên 2. Thân mẫu chị cũng vừa từ trần cách đây gần 4 năm. Trước kia, Mỹ Thể không bao giờ nghĩ là mình sẽ đi theo con đường ca hát vì gia đình bên nội chị rất khó, nhất là ông nội chị là cụ Ưng Đồng, một trong tứ trụ triều đình. Sau khi thân phụ qua đời, người con út trong gia đình là Mỹ Thể theo mẹ cùng các anh về quê ngoại ở Phan Thiết. 

Nhờ đầu óc tiến bộ và cởi mở của Mẹ, nhất là bà là người yêu thi ca và tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội nên Mỹ Thể đã được khuyến khích khi có ý theo đuổi đường văn nghệ. Sau khi học tới năm Đệ Thất ở Phan Thiết, Mỹ Thể vào Sài Gòn năm 58 khi được 17, 18 tuổi và đã theo học các trường Việt Nam Học Đường và Gia Long trước khi về lại Phan Thiết. 
Trước đó cũng tại thành phố này, Mỹ Thể đã gặp gỡ nhạc sĩ Nguyễn Hữu Sáng và đi đến hôn nhân một thời gian sau. Nhưng sau 11 năm chung sống hai người đã đi đến tình trạng chia tay mà theo Mỹ Thể do số đào hoa của người chồng trước. Cũng theo Mỹ Thể cho biết thì nhạc sĩ Nguyễn Hữu Sáng đã lập gia đình sau đó với một nữ nghệ sĩ trong đoàn văn nghệ Hoa Tình Thương, là đoàn chị đã từng cộng tác một thời gian. Video đầu tiên có sự góp mặt của Mỹ Thể ở hải ngoại mang tựa đề "Đường Xưa Lối Cũ", trong khi đó chị còn góp tiếng trong một số CD khác, đáng kể là "Những Buổi Chiều Vàng" và gần đây hơn cả là CD "Ai Lên Xứ Hoa Đào" do trung tâm Giáng Ngọc phát hành năm 97, đó là chưa kể một số CD khác mà Mỹ Thể đóng góp giọng hát mình qua một vài nhạc phẩm.

Mỹ Thể đã giã từ sân khấu - giã từ cuộc đời vào ngày 08 tháng 10 năm 2000 tại Paris, sau khi được đưa từ Orlando qua chữa trị căn bệnh ung thư - nhưng người nghe chắc sẽ không thể sao quên được tiếng hát từng một thời được coi là tràn đầy tình cảm này.

Trường Kỳ (VOA)



P.Hà sưu tầm.

No comments:

Post a Comment