Jul 5, 2015

XÓM CŨ - Chuyện ngắn của Bích Quy

XÓM CŨ

BÍCH QUY


Tranh của Họa sĩ Bùi Xuân Phái

Trước kia tôi ở một cái xóm nhỏ gần chợ Vườn Chuối . Địa chỉ nhà tôi có đến hai cái xuyệc.  Nghĩa là ngoài đường đi vào hẻm rồi lại rẽ ngang vào một cái hẻm nữa thì mới tới  hoặc là đi vào ngõ rồi rẽ vào ngách thì sẽ tới.

Khi nhà tôi ở đó thì tôi mới chỉ học lớp  ba trường tiểu học Bàn Cờ.  Đó là một cái hẻm cụt rộng  chừng  bốn mét, chỉ có hai dãy nhà , mỗi dãy chừng mười căn,  đâu mặt vào nhau .   Cả  xóm chỉ có nhà bà Cam là nhà bê tông hai lầu sừng sững và nhà ông Thành là có một lầu, còn thì nhà  nào cũng  chỉ là nhà trệt . Có nhà mái tôn, có nhà mái ngói . 

Đầu hẻm là cái tiệm may nhỏ của nhà con Liên , nó có tật ở chân nên khi đi thì hơi bị  khó khăn vì cứ phải nhún  nhảy  từng bước.  Kế đến là nhà bà Giàu, tên thế nhưng bà lại nghèo nhất xóm ,  Sáng sớm bà hay bày hàng ra trước cửa bán vài ba thứ xôi , khoai luộc và chuối luộc .  Cách nhà tôi  vài nhà là một tiệm tạp hoá nhỏ của cô Mười và cuối xóm là tiệm sửa xe và sửa ống nước của chú Tính.  Vậy chứ chú cũng tháo vát , ai kêu sửa điện chú cũng làm luôn.  Bên trái nhà tôi  là nhà cô giáo  Chi, bên phải là nhà cô Tư thư ký của hãng xà bông . Còn lại đa phần là công chức, sáng đi tối về , đều đặn như cái đồng hồ.

 Cô Tư thư ký chưa có chồng nhưng cô rất điệu đà.  Ngày nào tôi cũng thấy cô mặc áo dài,  tóc uốn cao bồng bềnh , xách ví đầm, đi giầy cao gót ngang qua cửa nhà tôi . Còn bé nhưng tôi đã biết thầm ao ước lớn lên mình sẽ là thư ký như cô để được diện áo dài mỗi ngày một màu thật đẹp.  Buổi tối hai chị em hay sang nhà cô chơị để được xỏ  cái chân bé xíu vào những đôi guốc cao gót của cô rồi đi lòng vòng khắp xóm cho nó kêu ầm ỹ.  Cô cũng thương chúng tôi nên chẳng rầy rà gì, có hôm còn mang cả bánh kẹo cho chúng tôi ăn. 

 Thỉnh thoảng nấu ăn mà thiếu củ hành hay quả trứng thì mẹ hay sai tôi ra tiệm tạp hoá của cô Mười xin về cho mẹ mà chẳng phải đưa tiền vì mẹ sợ tôi đánh rơi. Ngày mai đi chợ ngang qua nhà cô, mẹ mới trả tiền.

 Xóm nhỏ nhưng thật thân thiết, nhà nào có việc hay thiếu đồ dùng gì là cứ sai con chạy sang hàng xóm mượn về dùng. Trẻ con thuộc chỗ để nên cứ miệng nói "Thưa bác cho mẹ con mượn cái rổ" là đi đến chỗ để lấy về, chẳng cần chủ nhà đồng ý hay chỉ chỗ, chúng nó bíết chỗ để như ở nhà mình vậy. Được cái dùng xong thì bao giờ cũng cám ơn và tự động để vào chỗ cũ.

 Ban ngày xóm tôi tương đối cũng yên tĩnh vì người lớn đi làm và trẻ con đi học.  Chỉ đến khi chiều về mới ồn ã.  Các bà đem con nhỏ ra cửa xúc cơm cho nó ăn rồi xúm nhau chuyện trò. Trẻ con chạy quanh , chơi đùa và các ông thì hay đánh cờ tướng với nhau. Tối đến, cơm nước xong xuôi, mọi  người lại bắc ghế ra trước nhà chuyện trò rôm rả, trẻ con lại chay quanh chơi đùa.  Xóm nhỏ nhưng mọi người thật thân thiết .  Phần đông toàn là dân Bắc di cư vào.  Dạo ấy chưa có tivi  nên mọi người hay ra ngõ chuyện trò và hưởng chút gió mát ngoài trời.

 Tôi học cùng lớp với con Liên. Ngày nào cũng đi qua nhà nó rủ nó đi học.  Con bé có mái tóc dày, thắt thành hai cái bím  thả sau lưng . Cặp mắt to và cái môi mỏng .  Ngoài giờ học , nó còn phải trông em. Nhìn nó bế em như con mèo tha chuột , thằng bé thỉnh thoảng tuột khỏi hông, nó lại xốc lên. Dáng đi nhảy nhót của nó làm cho em nó cũng phải nín khóc, nên mẹ nó giao luôn em cho nó trông. Con Liên thông minh nhưng thỉnh thoảng vẫn không thuộc bài vì nó cứ bận phải trông em.
  
Thời gian cứ thế trôi qua êm ̣đềm , bọn trẻ con trong xóm lần lượt lớn lên. Các ông bà già thêm. Thỉnh thoảng cũng có những xáo trộn do những cuộc  biểu tình, những cuộc đảo chính này nọ  nhưng xóm tôi vẫn  bình yên.  Mọi người vẫn làm việc của mình và các cháu nhỏ vẫn đi học.  Chỉ đến  khi người ta thay đổi hẳn  một chế độ  , phong cách sống thì cuộc sống đảo lộn theo cái mới mà người  mới đưa lại và người cũ  thì chưa từng biết. Nhiều gia đình bỏ nhà cửa lặng lẽ ra đi.  Đầu tiên là nhà bà Cam,  nhà ông Thành rồi đến nhà cô Mười rồi nhà cô giáo Chi . Họ ra đi mà đèn vẫn còn sáng và mâm cơm trên bàn vẫn còn nguyên . 

Bữa trước con Liên còn sang chơi  chẳng thấy nó nói gì , lúc về  chỉ thấy nó nắm mãi tay tôi , vậy mà sau một đêm ngủ dậy, nhà con Liên đã dọn đi từ hồi nào.  Tôi buồn mất mấy ngày, chỉ mong nó về quê chơi như mọi lần rồi sẽ lên.   Tôi hay nhìn về phía nhà nó nhưng cửa vẫn cứ đóng im ỉm. Rồi một hôm  thấy người ta đến niêm phong nhà nó .  

Vài tháng sau thì thấy có gia đình ông cán bộ đến  ở.  Ông này người miền Trung , nói trọ trẹ rất khó nghe. Nhiều gia đình bán nhà   dọn đi . Người khác lại đến. Những người xa lạ, phần lớn ở các tỉnh phía Bắc, họ mang theo tiếng nói địa phương nên  tôi nghe không kịp, chẳng hiểu họ nói gì .   Họ đập nhà cũ ra xây lại.  Ồn ào vài ba tháng. Nhưng cứ một cái nhà mọc lên thì lại  xảy ra cãi cọ với hai nhà bên cạnh . Nào là làm  nhà mà để rác và xà bần lấn sang hàng xóm. Làm nứt tường và thủng cả mái tôn v...v... Hết nhà nọ phải chịu đựng nhà kia  cho đến khi nhà xây xong thì coi như cái nhà mới ấy chẳng thể nào nói chuyện được với hai nhà bên cạnh. Họ đã lỡ mắng chửi nhau rồi vì không bồi thường thỏa đáng  và vì một trăm lý do trời ơi nào đó. Những nhà đến sau, giàu có hơn , họ xây nhà cũng kiểu cách hơn . Cái thì chóp nhọn cao vút như đâm thẳng lên trời. Có cái thì chóp tròn tròn như kiểu nhà bên Nga . Cũng có cái để mái bằng làm sân thượng .

Cái xóm nhỏ bây giờ nhìn vào thấy nhà cao , nhà thấp, nhà cũ , nhà mới chen nhau khấp khểnh như   hàm răng   Chí Phèo.  Nhà nào cũng kín cổng cao tường , chẳng    bù cho trước kia  lúc nào nhà cũng mở cửa vừa để cho nhà cửa sáng sủa vừa để hứng gió mát . Thời ấy chẳng lo trộm  vặt vì người lạ có vào đến ngõ thì mọi người cũng biết cả rồi.  Bây giờ người ta sống cách biệt,  tình làng nghĩa xóm cũng dần phai lạt . Những người mới đến như  thuộc thành phần khác, Họ hãnh diện vì mình là người có công với đất nước , hưởng nhiều ưu đãi hơn . Tất nhiên con cái họ cũng phải hơn. Chao ơi, ngược lại với mong mỏi của họ, các "cậu ấm, cô chiêu"   ỷ vào thế và của nhà mình nên học hành cũng chểnh mảng nhưng ăn chơi thì thần sầu. Chẳng phải nhà nào cũng thế  nhưng như thế cũng đủ để "người cũ" lo "rèn luyện" con cháu mình hơn. Chúng cũng biết thân , biết phận học hành chăm chỉ nên thường thi đậu vào các trường đại học danh tiếng mặc dù có khi chỉ được xếp "ưu tiên" hạng chót hoặc chẳng ưu tiên gì sất. 

Xóm tôi chỉ còn nhà  tôi , nhà bà Giàu và tiệm sửa xe của chú Tính là những cư dân cũ từ trước ngày đổi mới. Tự dưng lại thấy thân thiết hơn.  Chẩng hiểu vì sao nhưng cứ mỗi lần đi họp tổ dân phố là lại tìm đến ngồi cạnh nhau rì rầm to nhỏ.  Cũng chỉ là những chuyện xảy ra trong cái xóm ấy.  Cái xóm mà giờ đây không thể gọi là xóm nghèo vì nhà đã cao, cửa đã rộng nhưng tình người thì rời rạc hơn xưa.  Có lẽ cái gì cũng còn  khác quá, mãi mà người ta vẫn chưa thích nghi  ngay được nên còn phải có thời gian dò dẫm, tìm hiểu, nghi kỵ lẫn nhau....

Chúng tôi cũng đã lớn, căn nhà cũ  bỗng thành chật chội nên cha mẹ tôi quyết định bán đi để đổi lấy một chỗ ở mới rộng rãi hơn nhưng cũng xa hơn, ra hẳn một quận khác gần như ngoại thành. Dù sao thì chúng tôi cũng đã tự đi xe để đi học,  đi làm được rồi. 

 Có lần đi qua khu vực xóm cũ, tôi rẽ vào thăm lại. Bao nhiêu kỷ niệm ùa về.  Chẳng ai nhận ra tôi nhưng tôi nhận ra được cô Tư thư  ký đang ngồi chơi trước cửa nhà. Cô gìà quá, mái tóc bạc trắng. Tôi   nghe nói có  dạo cô phải đi học tập đâu đó vài năm rồi về.  Sau đó  cô cũng có được một đứa con  trai. Mừng cho cô có người  nương tựa lúc tuổi  già . Bà Giàu đã bán nhà về quê chỉ còn chú Tính với tiệm sửa xe nay đã có con trai kế nghiệp, làm ăn cũng phát đạt nên cũng sửa sang lại được nhà cửa sạch sẽ khang trang hơn.  

 Tôi mang cái xe bánh đã xẹp lại tiệm của chú nhờ bơm bánh. Tóc chú đã bạc  trắng, cái kính lão xệ xuống mũi. Trông chú  già lão đi nhiều, cũng phải thôi, mấy chục năm rồi còn gì.  Chú nhìn tôi ngờ ngợ chưa nhận ra. Tôi chào chú và nói cho chú biết trước kia nhà tôi ở chỗ này. Thế là chú nhận ra ngay và vui mừng hỏi thăm  rối rít như người thân đi xa lâu ngày mới về.  Chú nhớ  và hỏi thăm tất cả mọi người trong gia đình tôi .  Chú cũng kể lại cho tôi nghe những thay đổi trong xóm từ ngày nhà tôi dọn đi .  Ba đứa con chú đã lập gia đình, có một đứa nối nghiệp cha nên   ở chung  với chú. Vậy là chú có bốn cháu nội, hai cháu ngoại . Thật là mừng cho tuổi già của cô chú mặc dù cũng còn lắm vất vả, lo toan...Chú kể có một lần con Liên về xóm cũ tìm tôi .  Chú nói : 
       "Qua bển nó được giúp đỡ dữ lắm, được làm công việc trong nhà nước, có xe đưa đón, thấy nó sang trọng lắm.  Chú có hỏi thăm, ba nó mất rồi, còn má nó đã già và đang ở với nó . Nó có hỏi thăm cháu mà chú không có địa chỉ, tiếc quá..."   

 Tôi thầm mừng cho Liên. Ngày xưa nó hay kể cho tôi nghe má nó đi coi bói nói sau này sẽ nhờ được nó mà bà đâu có tin, chân cẳng như vầy thì làm sao mà nuôi má được.  Ôi, cuộc đời có nhiều thay đổi đến ngoạn mục. Đâu ai học được chữ ngờ. Chưa có duyên gặp lại được Liên nhưng tôi tin đâu đó trên quả đất này, nó vẫn sống tốt , vẫn còn nhớ đến tôi  và tôi cũng chẳng thể quên được cô bạn thuở ấu thơ có hai bím tóc với cái dáng đi nhảy nhót thuở nào...
..
 Tôi chào chú Tính ra về mà lòng vẫn cứ bồi hồi nhớ mãi xóm cũ thở ấu thơ với bao nhiêu kỷ niệm,  Người ta sống với nhau thật chan hòa, tử tế ..Lòng lại tự hỏi  :" Bao giờ cho đến ...ngày xưa  ?
       
          
    

3 comments:

  1. Trong chúng ta ai cũng có một " Xóm cũ " mà thỉnh thoảng mình vẫn thả hồn về thăm . Thời thế thay đổi đã làm mất đi tất cả . Còn lại chỉ là "Bóng dĩ vãng " !

    Cám ơn Anh Thư đã đưa dẫn các bạn trở về những kỷ niệm êm đềm của một thời vang bóng .

    Minh Tâm

    ReplyDelete
  2. Thư ơi , tớ vừa đọc xong " xóm cũ" , không ngờ thấy mình như ở trong đó, một xóm cũ của chính mình. Tìm lại những thân tình ngày xưa , kỷ niệm như những vạt nắng lung linh vẫn trở vể thật đấy nhưng không còn bắt được dù chì phút giây .....rổi tan biến .
    Cám ơn BQ đã chia xẻ những tâm tình " xóm cũ " thật dễ thương , trìu mến. Tựa như bạn đã kể lại dùm tớ những ngày xưa không thể nào quên.

    ReplyDelete
  3. Xóm cũ, một nơi chốn ghi dấu một quãng đời của ta với những kỷ niệm đã qua.
    Xóm cũ, một nơi chốn ai cũng mong muốn một lần trở lại.
    Cám ơn Bích Qui đã nhắc lại những tình cảm hàng xóm thân thiết của những xóm cũ ngày xưa , làm mình cũng nhớ về con phố nhỏ ngày nào với những đứa bạn hàng xóm cùng nhiều kỷ niệm thật dễ thương.
    Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ !

    ReplyDelete