Jul 2, 2014

MỸ DU KÝ - TẬP 2 - NGÔ OANH


MỸ DU KÝ - TẬP 2 LA CÀ SHOPPING


TẬP 2 – LA CÀ SHOPPING

Dành tặng các bạn ở Việt Nam để gọi là chia sẻ chút kinh nghiệm nếu có đi du lịch Mỹ còn các bạn ở Mỹ lâu năm thì…. hì hì, rành quá như….ăn hamburger.
Nói đến Mỹ mà không nói đến shopping là một thiếu sót rất lớn vì xứ Mỹ được mệnh danh là thiên đường mua sắm. Ngay cả bạn tôi ở Châu Âu cũng thừa nhận điều đó (bạn tôi mua cái compact chụp ảnh Panasonic đời mới mà giá chừng hơn 200 $ Mỹ).

* Mua xăng: việc này hơi lạ đối với người Việt vì mua xăng ở VN người bán phục vụ nhưng ở Mỹ phải tự mình trả tiền bằng credit card hay tại quầy bán, rồi tự mình bơm xăng vô bình xăng của mình nghe. Không có người bán làm dùm.

* Mua hàng hóa, quần áo, giày dép, đồ ăn: Tôi thấy có một điểm giống nhau giữa xã hội VN và Mỹ ở chỗ quần áo, đồ ăn phục vụ cho người từ quý tộc đến người thật nghèo. Ở Mỹ tôi có đi vào trong khu mall bán quần áo, túi xách hàng hiệu. Cái quần jean khoảng 400 đô, cái áo khoác có cái 8.000 đô, túi xách cũng từ 5/ 10.000 đô. Người bình dân như tôi rờ vô mua chỉ có nước phỏng tay. Giá mắc như vậy chắc là chỉ có tài tử, ca sĩ mua nổi thôi, cũng y như ở Parkson, Vincom của VN. Giá cao quá nên rất hiếm người đi vào trong đó để mua sắm. Kim Thanh ơi! Thanh nói là Vincom VN vắng teo không có ai đi mua sắm trong giờ làm việc. Ở Mỹ cũng y vậy thôi, khu sang trọng cũng hiếm có ai lượn lờ xem hàng hóa. Có mình tao giả dạng người sang trọng đi vào đó ngắm nghía một hồi rồi lủi mất. Nhưng phải công nhận là chất liệu vải có phần đặc biệt hơn những loại vải khác. Người bình dân ở Mỹ sẽ chờ quần áo hàng hiệu sale xuống có cái chỉ 2, 3 đô, có cái mười mấy đô, vậy là mua được. Nhìn áo khoác 8.000 $, rồi tôi so sánh với chi phí để xây 1 cây cầu bê tông trong chương trình xóa cầu khỉ ở vùng quê Cà Mau là 5/ 6.000 đô, mỗi người sẽ có cách chọn lựa khác nhau. Người đời sẽ cần sắm áo đẹp để đi chơi, tiệc tùng. Người hiểu đạo sẽ share tiền của mình cho kẻ nghèo khó hơn. Nhưng nếu ai cũng khoác áo cà sa ra đường thì sao nhỉ? Xã hội vẫn cần tiến hóa về mặt đời, vẫn cần tiện nghi vật chất, nhưng nếu chỉ lo vật chất mà lại quên trách nhiệm của người giàu có là phải đùm bọc giúp đỡ người nghèo khổ hơn mình thì e là hơi thiếu sót.

* Bạn muốn mua đồ chạp phô thật rẻ hãy chui vô những cửa hiệu có tên DOLLA TREE, DOLLAR GENERAL, 99 cent only ( bạn xem hình) giá gần như đồng loạt cỡ 1 đô.

* Bạn thấy có cửa hiệu có chữ ……PAWN, là tiệm cầm đồ nghe bạn.

* Bạn muốn mua fast food, hãy chui zdô: McDonalds, Burger King, Whataburger, Wendy’s, Jack in the box…nhiều lắm, nhưng ăn xong nhớ dọn dẹp, bỏ rác vô thùng rác nghe, vì không có ai dọn cho mình cả, còn ở nhà hàng VN thì ăn xong mình ra về được. Nhưng cửa hiệu bánh mì Subway thì khác, tôi gọi họ là bán “bánh mì nhất dương chỉ”, có nghĩa là mình xếp hàng tới lượt mình chỉ tay chọn cá Tuna, trứng, thịt, rau cải nào mà mình thích. Bánh mì họ nói của Ý nhưng tôi thấy kiểu hơi giống bánh mì ở Sài gòn có điều nó to lắm và mềm, phải cắt làm đôi ổ bánh chứ cỡ tuổi tụi mình thì không tải nổi hết 1 ổ đâu. Kim Thanh ơi! Tao nhớ mày chỉ tao bánh mì ở Đà Lạt chỗ đó rất ngon vì bánh mì dòn, phần ruột bên trong cũng ngon nữa.

Ở Mỹ có hai lý do khiến người tiêu dùng mua sắm khổng lồ: thứ nhất hàng sale quá rẻ (cơ hội cho người nghèo), không mua dịp đó, chờ đợi nữa có khi nó hết hàng. Thứ hai cự ly từ nhà đến mấy khu mall quá lớn. Mỗi lần đi mua mất nhiều thời gian. Thế là mọi người hay có tâm lý khuân hết hàng hóa đem về chất đầy nhà. Vả lại nước Mỹ khuyến khích “tiêu thụ để phát triển sản xuất”. Mặc một cái áo mà đợi 30 năm sau nó rách mới mua áo mới chắc là công nhân sẽ đói meo. Cho nên mọi người ở đây có xu hướng bận y phục giặt chừng 3 lần là thẩy cho hội từ thiện – charity hết, haha nhà giàu xài sang là vậy.

Có những khu mall “thượng đế” lựa đồ đạc xong không vừa ý vứt tung đồ đạc xuống đất. Tôi nhìn những hộp mỹ phẩm nằm la liệt dưới đất, thật đau lòng. Nếu không mua được thì để lại trên quầy ngay ngắn, sao họ nỡ tàn nhẫn liệng đại như vậy nó bị nức nẻ hết còn gì? Ở Việt Nam dầu gì tôi cũng chưa hề chứng kiến “thượng đế” quăng đồ đạc trong siêu thị như vậy. “Thượng đế” làm bạn cảm giác như đang đi dạo ở…..bãi chiến trường. Nhân viên phải có bổn phận thu xếp lại và để ngay ngắn trên quầy. Nhân viên không có quyền nói “thượng đế” tiếng nào cả, vì chủ họ quan niệm mướn nhân viên là để làm công việc xắp xếp đó. Mấy “thượng đế” này mà đi chợ ở Việt Nam (không đồng ý mà liệng đồ đạc xuống đất) coi chừng bị đánh phù mõ.

* Ăn uống: ở đây hoặc là không ăn sáng hoặc là ăn lúc… 10 a.m. Lý do là ít có cửa hàng ăn uống chịu mở cửa lúc sáng sớm. Ở Sàigòn chung quanh nhà tôi tấp nập nào bánh mì, bún bò, phở, bánh cuốn… bán từ sáng sớm, chừng 6 a.m.

Ở Mỹ mua đồ gì cũng nhớ từ 10 a.m. họ mới mở cửa. Trẻ em Việt ở đây đã thành thói quen buổi sáng có thể ăn cereal với sữa tươi cả tuần. Chuyện này thì tôi đầu hàng vì không thể ăn ngọt vào buổi sáng hoài hoài được.




* Di chuyển: Tôi có thử đi máy bay nội địa của Mỹ rồi. Máy bay nó cũng dừng lại cỡ 2 trạm cho knhách xuống rồi rước khách mới lên. Nó giống y như xe đò của VN vậy. Tôi gọi nó là “xe đò trên không”.

Bằng xe bus: Ở Mỹ không có chiếc xe hơi là kể như què giò. Là visitor tôi phải biết cách di chuyển bằng xe bus, hoặc xe lửa. Lúc nào đó tôi cũng sẽ thử đi xe lửa. Đi trong nội bộ 1 bang tôi chọn hãng xe megabus.com (xin xem hình). Giá rẻ lắm bạn, cùng khoảng cách, cùng thời gian nếu bạn đi hãng greyhound.com thì mắc gần gấp 5 lần (nhưng greyhound thì lại đi xuyên bang).

Nếu ở bang Cali thì đi xe đò Hoàng của người Việt rất hay vì giá rẻ như megabus. Với megabus.com, bạn book vé trên mạng, trả tiền bằng credit card, in tờ booking ra. Tới chỗ parking nào mà nó hẹn bạn ra trước cỡ 1 tiếng, đừng đển trễ. Tôi chứng kiến 1 cô người Mỹ màu còn trẻ tranh cãi với nó về việc trễ giờ của chiếc xe trước, xin cho đi chiếc xe này, nhưng tài xế cứ nhất định không cho cô lên xe dầu trên xe còn 4, 5 chỗ trống. Để thấy người Mỹ họ rất nghiêm túc về giờ giấc. Nếu là hãng xe đò của VN thì cô này khỏi cãi lẫy, lên xe ngay, hìhì… Trên xe có chỗ cắm sạc pin, có rest room nữa nghe. Xe đò của Mỹ hãng nào cũng phải có rest room để hành khách “xả nước cứu thân”, nên không có bịnh “tiểu đường” à nghe. Chiếc xe chạy cỡ 75 miles / 1 giờ đó bạn. Chiếc xe thiết kế rất hay. Tôi để ý thấy chiếc xe chạy trên 5 tiếng đồng hồ nhưng không hề mở nhạ/c, hài kịch gì cả. Đặc biệt người Mỹ hầu như họ không ăn uống trên xe. Đó là một thói quen rất khác người Việt.



6 comments:

  1. Hello các vịt 6370 , xin lạch bạch hay te te thật lẹ ghé thăm ĐSTV để cùng nghe Ngô Oanh kể chuyện Mỹ Du.
    Không gì thú vị cho bằng nước Mỹ với nhìều sắc thái được nhìn và kể lại với một đôi mắt mới từ VN , cái nhìn dễ thương đôi vẻ "ngây thơ ",
    vì sao? những chi tiết mà vịt ở lâu bên này gần như không để ý tới nữa thì lại được tác gỉa ký sự nêu lên vô cùng dí dỏm thú vị ...Cứ như thế chúng ta sống lại , nhìn lại cái giây phút đầu tiên khi đến Mỹ ra sao?
    Những vịt còn ở VN , tha hồ mà tưởng tượng nhé , y chang như thế đấy.
    Có điều hơi théc méc , không biết cái store nào mà customer vất đầy hàng hoá trên floor vậy? TUL thấy các departments ở đây không như thế đâu, rất nhiều hàng hoá , đâu ra đấy và đẹp mắt lắm . Người ta chú trọng nhất tới sự sạch sẽ , gọn gàng , trang trí bắt mắt để hấp dẫn người mua và đặc biệt là rất yên lặng , không nghe cả tiếng xì xào , người Mỹ nói rất nhỏ , vừa đủ nghe khôngnhư á châu nhất là Tàu và VN gọi nhau ơi ới như chỗ không người , người Mỹ ngạc nhiên lắm....???

    ReplyDelete
  2. Thành Oanh ơi
    Bài viết rất chi tiết, rõ ràng về việc mua sắm ở Bắc MỸ .
    Bên Canada KĐ cũng chưa được thấy "Có những khu mall “thượng đế” lựa đồ đạc xong không vừa ý vứt tung đồ đạc xuống đất."

    ReplyDelete
  3. Đúng là có nhiều chuyện "lạ" thật, Oanh nhỉ? Không biết sao các bạn khác đi sang Mỹ về mà lại không kể như Oanh cho tụi Thanh nghe nhỉ?
    Cũng có chỗ bán mắc vì đồ "xin" cũng có chỗ bán rẻ ... Thanh mà sang bên ấy thì....chỉ vào chỗ rẻ mà thôi!!! hihi....
    Chúc Oanh luôn tươi khỏe và kể chuyện dài dài cho tụi Thanh nghe...Thanh đang nhờ Kim Hoa in thành từng tập gửi cho Tân Lê xem đấy!

    KimThanh

    ReplyDelete
  4. Ky su di My cua Thanh Oanh hap dan qua ,dac biet la khu mua sam "thuong de" ,Thuc cung chua
    tung thay hoac nghe bao gio .
    Chuc Thanh Oanh vui ,khoe trong nhung ngay o My nhe.

    ReplyDelete
  5. Hóa ra thượng đế ở VN đi siêu thị đỡ hơn các thượng đế ở Mỹ đi shopping.Ở siêu thị VN cầm lên xem hàng hóa ,không ưng thì cũng quăng trả lại nhưng không đến nỗi quăng bừa bãi ra sàn nhà,mà khi trả lại món hàng thì để đại lại trên quầy trông cũng bừa bãi,còn nếu lúc đầu ưng món hàng đó rồi,nhưng sau lại không muốn mua nữa thì họ lại trả lại hàng ở 1 quầy nào khác gần chỗ họ đứng,chỉ tội nhân viên siêu thị phải đem trả về chỗ cũ.,các bạn ạ.

    ReplyDelete
  6. Thanh Oanh oi! gioi trung luu (middle class) cung mua sam do sale nhu dien do vi gioi nay phai e co dong thue nhieu nhat! Cai vu quang do bua bai ra san nha chac la o mot tiem "close out" (ban cho het di de dong cua tiem luon) chu con thuong thi khach hang o day co trat tu lam...
    Nghe Oanh ke chuyen rat la di dom!

    ReplyDelete