Jul 13, 2013

TRANG THƠ NHẠC CUỐI TUẦN

CÓ CHĂNG MÙI HƯƠNG 
                                       TRONG TIẾNG VĨ CẦM   ĐAN THỌ



Trang thơ nhạc cuối tuần thân mời các bạn đọc bài  trích đoạn về Nhạc Sĩ Đan Thọ và nhạc phẩm bất hủ "Chiều Tím" qua bài viết của nhà văn Du Tử Lê.

CÓ CHĂNG MÙI HƯƠNG TRONG TIẾNG VĨ CẦM ĐAN THỌ

Nhìn lại sinh hoạt 20 năm VHNT miền Nam, một số nhà nghiên cứu cho rằng, cuộc di cư khổng lồ của hơn một triệu người miền Bắc vào Nam, đã thổi ngọn lửa đổi mới, rực rỡ lớn cho sinh hoạt VHNT cho vùng đất trù phú, êm ả này.
Một số người khác, lại ví von rằng, sự thay da đổi thịt của sinh hoạt văn nghệ miền Nam, tựa như một cuộc cách mạng quyết liệt, lay động, đổi thay tận gốc rễ nếp sinh hoạt văn nghệ của miền Nam.




                                      Nhạc sĩ Đan Thọ


Ở lãnh vực tân nhạc, người ta ghi nhận sự xuất hiện của hàng hàng, lớp lớp những tác giả trẻ mà, Trịnh Công Sơn, được coi là một hiện tượng đặc biệt. Bên cạnh đó, những tên tuổi khác như Nguyễn Ðức Quang, Anh Việt Thu, Vũ Thành An, Trầm Tử Thiêng, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên... đã đóng góp phần của họ, để làm thành cái được gọi là “đợt sóng mới.” Ðó là thế hệ nhạc sĩ khởi nghiệp ở điểm mốc cuối hoặc sau thập niên (19)60.
Tuy nhiên, thực tế, những “đợt sóng mới” này vẫn không thể làm lu mờ, hay đẩy lùi sự chói lòa những tên tuổi lớn thuộc thế hệ tiền chiến hoặc, khởi nghiệp từ những năm đầu thập niên (19)50 như Dương Thiệu Tước, Phạm Duy, Phạm Ðình Chương, Văn Phụng, Nguyễn Hiền, Tuấn Khanh, Y Vân, Hoàng Thi Thơ, Anh Bằng, Lê Dinh, Minh Kỳ, Nguyễn Văn Ðông, Nhật Bằng, v.v... Phải chăng đó là một trong những điểm đặc thù của dòng tân nhạc miền Nam 20 năm?

Giống như lãnh vực thi ca, khi một nhạc sĩ thuộc thế hệ trước 1954 đã định hình thì, vị trí của họ là vị trí bất biến. Kể cả những nhạc sĩ có số lượng tác phẩm không nhiều lắm. Nhưng, nếu ca khúc của họ, đã được quần chúng đón nhận thì chúng là những viên ngọc bất hoại. Ðó là những tác phẩm đã vượt qua được vạch phấn thời gian. Sống còn sau thử thách với những ngọn lửa vùi dập, lãng quên mau...

Nằm trong trường hợp vừa kể, ở lãnh vực thi ca, người ta thấy có nhiều thi sĩ chỉ cần để lại cho đời một bài thôi, cũng đã đủ thành bất tử. Tỷ như Vũ Ðình Liên với bài thơ “Ông Ðồ Già”; Hữu Loan với “Mầu Tím Hoa Sim”... Về phía tân nhạc, chúng ta có một Nguyễn Văn Tý với “Dư Âm.” Một Nguyễn Văn Khánh với “Nỗi Lòng.” Một Lê Hoàng Long với “Gợi Giấc Mơ Xưa.” Một Vũ Thành với “Giấc Mơ Hồi Hương” hoặc, một Hoàng Dương với “Hướng Về Hà Nội”...

Hiện tượng này, cũng ứng hợp với nhạc sĩ Ðan Thọ - Tác giả của hai ca khúc đã sớm trở thành những viên ngọc quý của kho tàng tân nhạc miền Nam. Ðó là ca khúc “Tình Quê Hương” phổ từ thơ Phan Lạc Tuyên và, “Chiều Tím” phổ từ thơ Ðinh Hùng. Ðặc biệt, ca khúc “Chiều Tím” còn có thêm cho riêng nó một định mệnh khác thường...




Theo lời kể của nhạc sĩ Ðan Thọ thì, ngoài phần thơ (sẵn có từ trước), thi sĩ Ðinh Hùng còn hợp tác với ông, để hoàn tất phần ca từ thứ hai.

Ở lời hai này, thi sĩ Ðinh Hùng đã đem được hình ảnh tiêu biểu của nhạc sĩ Ðan Thọ vào “Chiều Tím” qua phần ca từ mở đầu phần thứ hai:

“Từ đấy đàn nhớ thanh âm chùng dây vĩ cầm...” trước khi dòng nhạc đi tiếp với những lời thật đẹp, như thơ, nồng nàn hương tình yêu mà tiếng đàn vĩ cầm của Ðan Thọ giữ được và gửi vào tâm hồn người thưởng ngoạn:

Người xa vắng rồi chiều sang em ơi!
Thương ai hoa rơi lá rơi...
Người ấy lòng hướng trăng sao, hồn say chiến bào
Tìm trong tiếng đàn...
mùi hương chưa phai
Ý giao hoan người nhớ chăng?

Mây gió...
bốn phương giăng hàng
Mùa thu thêu áo nét hoa mơ vàng
Và em với chàng kề vai áo...
vấn vương

Chiều hỡi!
Ðàn nhớ mong nhau, tình thương bắc cầu
Người đi hướng nào?
Tìm trong chiêm bao
Tóc bay dài, gió viễn khơi...
 




 

  Căn cứ theo tiểu sử do website Ðất Việt.com ghi lại thì nhạc sĩ Ðan Thọ sinh năm 1924 tại Nam Ðịnh. Ông sở trường Violon và Saxophone Tenor. Từ năm 1936 tới 1942, ông học chữ và nhạc tại trường Thày Dòng Saint Thomas d' Aquin (Nam Ðịnh). Thầy dạy violon là Frère Maurice. Sau đấy, từ năm 1942 tới 1945, ông học hòa âm, và sáng tác với Giáo Sư Tạ Phước cùng Vũ Ðình Dự. Ngay trong năm 1945, ông đã được mời chơi đàn violin tại phòng trà Thiên Thai của nhạc sĩ Hoàng Trọng (Nam Ðịnh). Từ năm 1948 tới năm 1954 ông gia nhập Ban Quân Nhạc Ðệ Tam Quân Khu Hà Nội cùng với các nhạc sĩ Nguyễn Túc, Nhật Bằng, Văn Phụng, Nguyễn Khắc Cung, Nguyễn Cầu, Nguyễn Hiền...

Hai nhạc phẩm đầu tay của ông (sáng tác chung với cố nhạc sĩ Nhật Bằng), nhan đề “Bóng Quê Xưa” và “Vọng Cố Ðô” sáng tác năm 1952. Năm 1956, ở Saigon, ông trở lại học thêm về kèn Saxophone với Quân-Nhạc-trưởng Schmetzler và nhạc sĩ Phi Luật Tân Mano Umali. Năm 1954 tới 1956, khi ban quân nhạc di cư vào Nha Trang, ông sáng tác ca khúc bất tử “Tình Quê Hương” - Phổ từ một bài thơ của nhà thơ Phan Lạc Tuyên.
Vẫn theo website Ðất Việt.com thì những ca khúc như “Chiều Tím” (thơ Ðinh Hùng), rồi “Xa Quê Hương” (viết chung với Xuân Tiên), “Mimosa Thôi Nở” (thơ Nhất Tuấn), “Dương Cầm” (ý thơ Mùi Quý Bồng) được ông viết trong thời làm việc ở Saigon.

Năm 1956 và 1961, với tư cách Trưởng Ban Nhạc Nhẹ của Ðài Phát Thanh Tiếng Nói Quân Ðội ông được cử vào phái đoàn nghệ sĩ của miền Nam, đi trình diễn tại Bangkok và Manila.

Như một số nhạc sĩ cùng thời với mình, hằng đêm, nhạc sĩ Ðan Thọ trình diễn ở nhiều phòng trà, vũ trường... Ông cũng thu thanh tiếng đàn vĩ cầm của ông cho các đài phát thanh và, vô tuyến truyền hình quốc gia.
Trong một bài phát thanh trên đài VOA vào trung tuần tháng 3 năm 2003, nhà báo Trường Kỳ đã ghi nhận khá đầy đủ về phần đời trôi nổi của nhạc sĩ Ðan Thọ. Qua trích đoạn dưới đây, những người yêu mến dòng nhạc trữ tình của Ðan Thọ, mới được biết thêm rằng, tác giả “Chiều Tím” không chỉ nổi tiếng như một vĩ cầm thủ mà, ông còn nổi tiếng với tiếng kèn saxo và nhạc Jazz nữa:

“Trong lãnh vực vũ trường, Ðan Thọ là một trong những nhạc sĩ kỳ cựu nhất. Trước ngày đất nước chia đôi, ông đã từng với nhạc sĩ Nguyễn Túc trình diễn tại nhiều phòng trà ở Hà Nội. Vừa vào đến Sài Gòn, ông đã được mời cộng tác ngay với vũ trường 'Grand Monde' tức 'Ðại Thế Giới'. Năm 57 ông qua vũ trường Ðại Nam cộng tác với ban nhạc gồm nhiều nhạc sĩ nổi tiếng.

“Ðến năm 62, vì lệnh cấm khiêu vũ nên ban nhạc này đổi qua trình diễn nhạc Jazz với một thành phần gồm các nhạc sĩ nổi danh như: Văn Hạnh, Lê Văn Thiện và Huỳnh Anh. Ðối với khán giả Việt Nam thời đó, trình diễn nhạc Jazz là một điều mới mẻ. Do đó ban nhạc của vũ trường Ðại Nam đã lôi cuốn được rất nhiều người đến thưởng thức.
“Một thời gian sau ông về vũ trường 'Croix Du Sud', sau đó đổi tên là 'Tự Do'. Tại đây ông cộng tác với các nhạc sĩ Hoài Trung, Hoài Bắc cùng với Lê Văn Thiện, Huỳnh Anh, Nguyễn Văn Thanh, Văn Ba, v.v... Sau đó ông được giải ngũ vào năm 1969 để sang cộng tác với vũ trường Mỹ Phụng cho đến năm 72 và sau đó là phòng trà Bồng Lai.
“Tại miền Nam trước biến cố tháng 4 năm 75, trong rất nhiều năm, bóng dáng Ðan Thọ với cây vĩ cầm hoặc với cây kèn saxo đã là một hình ảnh quen thuộc với những người lui tới các phòng trà và vũ trường về đêm (...).
Tôi trộm nghĩ, có dễ trong số những người yêu mến dòng nhạc trữ tình của nhạc sĩ Ðan Thọ, cũng ít ai biết ngoài vĩ cầm, đã trở thành một thứ ID, thẻ nhận dạng tài hoa Ðan Thọ, ông còn là một hảo thủ nhạc Jazz, một lãnh vực âm nhạc, tương đối xa lạ với người Việt thời trước tháng 4, 1975.


Ðược con bảo lãnh qua Hoa Kỳ, tháng 3 năm 1985, ông có nhiều năm định cư tại miền Nam California. Trước khi di chuyển về lại thành phố New Orleans và hiện nay là Houston, Texas. Ðể khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Ðan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer. Bên cạnh đó, ông còn có thêm một thú vui êm đềm khác là nuôi chim hoàng anh.
Bản chất vốn chí tình, cởi mở với bằng hữu, tác giả “Chiều Tím” đã không ngần ngại truyền thụ nghệ thuật nuôi chim hoàng anh tại nhà, cho bất cứ ai có ý muốn bước vào thú nuôi chim tại nhà, nhẹ nhàng này. Hơn thế nữa, để khuyến khích, ông cũng sẵn sàng tặng cho bằng hữu, những cặp chim hoàng anh tốt nhất, ra đời từ “trại hoàng anh tại gia” của ông. 
Tôi không biết tác giả “Tình Quê Hương” có tìm thấy mối tương quan nào chăng giữa tiếng hót của chim hoàng anh và, tiếng vĩ cầm sớm đi vào ca khúc của ông? Nhưng, tôi trộm nghĩ, cách gì thì nơi thẳm sâu tâm hồn người nhạc sĩ tài hoa, nặng lòng với quê hương này, vẫn mãi là:
... Chiều hỡi!
Ðàn nhớ mong nhau, tình thương bắc cầu
Người đi hướng nào?
Tìm trong chiêm bao
Tóc bay dài, gió viễn khơi...
Du Tử Lê


No comments:

Post a Comment