Jan 20, 2012

Đổ Xăm Hường ngày Tết

Đổ Xăm Hường ngày Tết


Mỹ Nga

32 Trạng Anh
16 Trạng Em
8 Hội Nguyên
4 Tiến Sĩ
2 Cử Nhân
1 Tú Tài


Gia đình tôi sinh sống đã lâu ở Saigòn, một vài phong tục cổ truyền của người Huế vì thế cũng bị phai lạt đi khá nhiều. Nhưng nhờ mối dây liên hệ mật thiết trong họ hàng, nhất là với gia đình ông Cậu ruột của tôi, đã đem lại nhiều không khí đượm mùi quê hương xứ sở trở lại cho gia đình tôi. Gia đình Cậu tôi vào Nam trong khoảng thời gian tôi bắt đầu vào trung học. Một trong những phong tục của Huế là món đổ "xăm hường" ngày Tết của hai gia đình.

Tôi không giải thích được từ đâu có cái tên "xăm hường", chỉ nhớ rằng bộ bài "xăm hường" được Cha Mẹ tôi cất trong một cái thùng Carton, đến ngày Tết Cha Mẹ mới lôi ra và "năn nỉ" con cái đổ xăm hường với ông bà. Nếu thiếu gia đình cậu mợ và các anh chị, phần lớn Cha Mẹ tôi không được con cái ủng hộ chơi món bài thanh nhã này. Lũ chúng tôi chỉ thích "sát phạt" nhau bằng xì lát hay bầu cua cá cọp, ăn thua tí tiền còm lì xì để đi ciné. Thời đó chúng tôi chưa hiểu ra cái nghĩa "đỏ tình đen bạc" là gì, vì còn nhỏ quá nên chưa có tình để được "đỏ tình" , nhưng "đen bạc" thì Tết nào cũng bị nếm dài dài…... Số tiền đặt ra để ăn thua chẳng có là bao, nhưng sao hồi hộp thế. Chúng tôi đứa đứng đứa ngồi, mặt mày "đăm chiêu", hí hí mắt nhìn 2 cây bài đuợc chia trong tay, đầu óc nóng bỏng vì phải tính toán, quyết định "dằn bài" hay thò tay bóc thêm, may ra thêm được điểm hay bị "oắc" cũng không chừng, mặc dầu số tiền đặt ra chẳng là bao nhiêu. Trong lúc chờ đợi tới phiên mình được thò tay bóc thêm cây bài, để che dấu hồi hộp, đứa nào cũng luôn tay bóc hạt dưa, nếu "gay cấn" hồi hộp quá thì nhai luôn cả vỏ cũng chẳng sao, hay lỡ vớ phải miếng gừng già, vừa nhai vừa cay chảy cả nước mắt ….Đầu óc "căng thắng" vì chỉ sợ thua, và năm nào cũng kết thúc màn cờ bạc bằng một màn nước mắt, giận hờn, buồn bã, chui vào phòng nằm đắp chăn, khóc, vì có một đứa hết tiền....

Đổ "xăm hường" là một trò chơi tao nhã, rất được người Huế ưa chuộng. Đổ xăm hường không có tính cách sát phạt ăn thua, hoàn toàn dựa trên may rủi, không cần tính toán, phó mặc tin theo số mệnh "bề trên" đã an bài cho mình, vì ai có thể dám quả quyết rằng mình điều khiển được 6 con súc sắc. Tất cả chỉ là may rủi !

Tiếng leng keng của các hột súc sắc trong cái tô "kiểu“ bằng sành, cái tô để đổ xăm hường thường có màu sắc thanh nhã nhẹ nhàng, gia đình Ông Bà, Cha Mẹ, con cháu xúm xít, xum vầy quanh nhau là những hình ảnh êm đềm, đượm tình gia tộc, không có tiếng cay cú, cãi cọ, hơn thua, là trò chơi rất thích hợp cho gia đình đông con trong ba ngày Tết.

Đổ xăm hường là trò chơi gieo 6 hột xí ngầu ,người Huế gọi là hột súc sắc, để dành lấy về cho mình những chiếc thẻ khắc chữ màu đỏ, ghi các học vị bằng cấp của hệ thống khoa cử thời xưa như Tú tài, Cử Nhân, Tiến Sĩ, Hội Nguyên, Thám Hoa, Bảng Nhãn và Trạng Nguyên.

Một bộ xăm hường gồm ba món chính:
- Những chiếc thẻ (xăm) bằng xương hay ngà voi
- sáu con súc sắc
- một cái tô sứ sâu lòng để đổ hột súc sắc.

Mỗi bộ xăm hường gồm 63 chiếc thẻ:
- Thẻ cao nhất là trạng Nguyên hay còn gọi Trạng Anh, chỉ có 1 thẻ (1 thẻ = 32 điểm)
- Tiếp theo là thẻ bảng nhãn và thẻ thám hoa, còn gọi là Trạng Em, mỗi thứ 1 thẻ (1 thẻ = 16 điểm)
- 4 thẻ hội nguyên (1 thẻ = 8 điểm)
- 8 thẻ tiến sĩ (1 thẻ = 4 điểm)
- 16 thẻ cử nhân (1 thẻ = 2 điểm) và
- 32 thẻ tú tài (1 thẻ = 1 điểm).

Trò chơi dùng 6 con súc sắc, mỗi con có 6 mặt khắc các dấu chấm theo thứ tự: Nhất, nhị, tam, tứ, ngũ, lục, trong đó mặt nhất và mặt tứ tô màu đỏ (còn gọi là "hường“), các mặt khác có màu đen. Khi chơi, người ta gieo cả 6 con súc sắc vào chiếc tô sứ rồi căn cứ vào các mặt hiện ra mà tính điểm để rồi từ đó được chia những chiếc thẻ thích hợp mang điểm tương đương. Người chơi có thể là 4, 5, 6 hay 12 người đều được.

Tùy theo số người chơi mà định ra các lệ luật như “bán trạng”, “mua trạng” và định mức độ ăn thua.

Cách tính điểm cơ bản phụ thuộc vào con hường số 4 (tứ). Thí dụ:
- Nhất hường : có 1 mặt tứ trong 6 mặt súc sắc hiện ra, những con súc sắc còn lại không tính, trường họp này, người đổ nhận được 1 thẻ "Tú Tài“ = 1 điểm.
- Nhị hường : có 2 mặt tứ trong 6 mặt súc sắc hiện ra, những con súc sắc còn lại không tính, trường họp này người đổ nhận được 1 thẻ "Cử Nhân“ = 2 điểm.
- Tam hường : có 3 mặt tứ trong 6 mặt súc sắc hiện ra, những con súc sắc còn lại không tính, trường họp này người đổ nhận được 1 thẻ "Hội Nguyê n“ = 8 điểm.
- Tứ hường : có 4 mặt tứ, nhận thẻ trạng nguyên = 32 điểm
- Ngũ hường : 5 mặt tứ, đoạt cả 3 thẻ Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa
- Lục phú hường: 6 mặt tứ, đoạt tất cả các thẻ có trong cuộc chơi, kể cả thẻ đã thuộc về tay người khác và được thắng gấp đôi số điểm quy định cho các thẻ. Nhìn 6 mặt Tứ trong cái tô sành sâu sâu sao mà đáng yêu đến thế. Tiếng mừng rỡ vang dội khắp nhà. Con nít thì vơ tay lùa hết các thẻ bài vào lòng, mặt mày sáng rỡ đắc thắng, nhưng nếu người lớn mà đổ ra "lục phú hường“ thì "lo“ nhiều hơn "vui“ vì cho rằng khi đạt được tột cùng của sự may mắn thì sẽ gặp xui xẻo, nhất là đổ xăm hường với "lục phú hường“ ngày mùng Một Tết.

Ngoài ra, tùy từng trường hợp cụ thể mà định ra cách thức "cướp trạng“ , có nghĩa là khi thẻ Trạng đã về tay người khác, hay cách lấy các thẻ tương ứng với những thẻ thay thế khác, nếu thẻ mình đổ ra, đáng lý thuộc về tay mình nhưng thẻ này đã lỡ lọt vào tay người khác. Khi số thẻ được lấy hết có nghĩa một ván cờ đã kết thúc là đến màn cộng điểm, dựa vào số thẻ có trong tay của từng người để xác định kẻ thắng người thua.

Điều thú vị là hoàn toàn không có tính sát phạt trong trò chơi đổ xăm hường, mà chủ yếu nhờ vào sự may rủi. Người Huế chơi xăm hường trong những dịp đầu xuân, vừa để giải trí trong ba ngày Tết, vừa để thử vận hên xui của mình trong một năm, hơn là để thỏa mãn thú đỏ đen như những trò cờ bạc khác. Chẳng ai chơi Xăm Hường mà tính chuyện gian lận vì không ai có thể điều khiển được một lúc 6 hột súc sắc. Tính minh bạch của trò chơi rất cao, 6 hột bày ra rõ ràng trước bao nhiêu cặp mắt nên người không biết tí gì về Xăm Hường cũng có thể ngồi vào chơi thoải mái, chỉ cần thả hột vào tô thì có người đọc và lượm thẻ giúp mình. Chỉ qua vài ba ván là hiểu được luật chơi liền.

Mỗi người có một cách xổ 6 cục xúc xắc khác nhau. Ông Ngoại tôi bị hư một con mắt nên ông không còn thấy rõ, mỗi lần đổ 6 con súc sắc xuống tô xong, ông cứ hỏi:
- Ra con chi rứa bây ?
- dạ, không có "hường" mô hết ôn ơi.....
Bà Ngoại tôi thì móm mém miệng ăn trầu, đổ ra được con "hường" nào Bà tôi vui như Tết, tôi vẫn không quên "Tứ Tự" của Bà, có nghĩa là không có ra con "hường" số 4 nào hết, mà chỉ có 4 cục súc sắc ra 4 mặt giống nhau mà thôi. Cái âm Tứ Tự nghe sao mà não nùng thế !
Cậu tôi hay nói "chảu", có nghĩa là Cậu thích nói nửa đùa nửa thật, tay bóc 6 con xúc xắc mà mắt Cậu cười thật vui và nói diễu cho mọi người cười. Cha tôi thì nghiêm trang, chẳng cười chẳng nói, nhưng giọng ông to hơn ai hết nếu đổ ra "Ngũ hường" hay "lục phú hường". Mẹ tôi thì ôm cả 6 con xúc xắc bằng hai tay, miệng thổi thổi vào hai lòng bàn tay như muốn truyền hơi ấm vào 6 con xúc xắc, và cầu cho đừng ra "lục phú hường". Đứa nào trong chúng tôi, gồm 8 anh Chị nhà Cậu và 8 đứa nhà tôi, năm nào cũng có vài đứa đi thi, hết trung học đến tú tài.... Ai cũng cầu cho chúng tôi được đổ "trạng". Đứa đi thi thì học mờ người, xổ 6 hột súc sắc vào lòng tô, nếu chẳng ra con "hường" nào, chứ khoan nói đến "Trạng" là lòng dạ cũng bồn chồn....lo lắng cho cái vận mệnh của mình lắm, chỉ không dám nói ra thôi.

Nhiều người tin rằng chơi Xăm Hường như một cách bói quẻ tốt xấu đầu năm. Sau đây là một vài điều mà tôi còn nhớ lõm bõm nên ghi lại. đóng vai "thầy bói" cho vui cửa vui nhà:

- lấy được Trạng anh (Trạng Nguyên), Trạng em (Bảng Nhãn, Thám Hoa) nhiều lần thì chắc cả năm sẽ gặp nhiều điều hên , danh tài đắc lợi, thí dụ chơi Loto trúng bạc triệu, công việc hạnh thông, thăng tiến thí dụ mau lên chức ông bà nội,ngoại.
- Hoặc lúc đầu ăn, sau thua , thì "tiền xung hậu kiết“ .
- Nếu bị cướp trạng thì coi chừng những điều xui rủi, công việc gãy đỗ giữa chừng.
- Hên nhất là ngũ hường đoạt tam khôi, cướp một lúc 3 ông trạng chắc là trong năm có cơ hội hoạnh phát tài lộc.
- Khó nhất là lục phú hường, tức là 6 hột súc sắc cùng hiện 6 con Tứ màu hường giống nhau. Vì cái combination này rất khó xảy ra nên người ta tin rằng khi điều quá tốt đến với mình thì thế nào cũng có sự việc quá xấu tiềm ẩn sau đó. Thành ra nếu đổ ra "lục phú hường" thì mau mau bỏ tiền quyên góp cho các công cuộc từ thiện để may ra bớt được điều xấu.....

1 comment:

  1. Mỹ Nga ơi
    Cái mục 'Đổ Xăm Hường' ngày Tết thấy vui và tao nhã quá. Đọc xong KĐ đang mơ có một bộ cho gia đình mình để cùng con cháu chơi chung vào dịp Tết.
    TUL ơi bạn đang ở VN nếu có thể mua cho KĐ 1 bộ đươc không?
    Chúc các bạn hân hoan mừng đón Xuân. Sắp đến rồi.

    ReplyDelete