Jan 13, 2011

FW: NGHÈO MẤY CŨNG VUI




NGHÈO MẤY CŨNG VUI.
TRUYỆN AN KHANH.



Đêm đầu tiên ở Sài Gòn, tôi ngủ trên cái ghế bố mà chú tôi đã vẽ vào đó một con dế mèn. Tôi nghĩ nó đã hát suốt đêm khuya cho tôi ngủ và khi tỉnh giấc thì trời đã sáng ! Cơn mưa đêm qua, nước còn nhỏ giọt thánh thót . Trời sáng trên ngọn Sung lá nõn những nhựa non và không gian tĩnh mịch. Tôi nghe có tiếng con chim Nhòng mỏ vàng gọi nhau :
- Nhòng ơi Nhòng... Nhòng ơi Nhòng...
Ngày đó chú tôi thích nuôi chim sáo đen và dạy nó nói được tiếng người. Hay thiệt, nó bắt chước tiếng người y chang. Nó gọi chú ( theo giọng ông Tiều ở lối xóm )
- Nhỏ ơi Nhỏ..
Chú tôi trả lời :
- Nhòng ơi Nhòng..
Mùi nồng ướt của lá, không khí đẫm nước mưa, và buổi sáng tinh khiết.
Tôi bỡ ngỡ vì đến một nơi lạ, không phải là căn phòng quen thuộc của tôi ở Đà Lạt. Hiện tại là đây, cánh cửa mở ra với khu vườn đầy tiếng chim hót sớm.
- Ai đó gọi tôi vào ăn sáng
Tôi ăn bánh cuốn ( bánh Ướt ) có giá , dưa leo , và rau quế.Nước mắm pha ngọt , SàiGòn đặc. .. Và rồi những ngày sau cũng vẫn là bánh cuốn !
Mãi sau này ,tôi mới biết được quà sáng là món điểm tâm mà bà tôi đã chọn để buôn bán làm kế sinh nhai. Đàn bà Việt Nam giỏi chịu đựng, đảm đang và cần mẫn hết biết.
- Bố tôi có học hành nên người cũng là do công lao mẹ già chăm chút .
Bà tôi dáng người " Đậm " . Nói theo kiểu người bắc ( bây giờ ) . Đậm đây có nghĩa là hơi lùn, hơi mập, hơi quê kệch. Tay chân thô, vì phải làm lụng nhiều . Nhưng đặc biệt bà có khuôn mặt nhỏ, trái xoan, mũi dọc dừa, và môi mỏng đỏ.
Tôi không là thày bói , tử vi tướng số, nhưng tôi cảm thấy được cái giọng nói lúc nào cũng như tắc nghẹn của bà, là một điều không hay ! Vì vậy tôi không thấy bà đi bán rong.. mà ngồi một nơi chốn nào đó... Trẻ con , buổi sáng cứ lếch thếch,quần cháo lòng, bụng ỏng...ra đầu ngõ hay cuối xóm mà ăn quà sáng.
Lúc tôi lên chín, về ở với bà. Mỗi ngày , sau khi bà bán hàng xong, tôi lại chạy ra chỗ bà bán để mà khiêng cái bàn nhỏ ( bày đồ hàng )của bà đem về cất . Tôi vui sướng được giúp bà, vì đêm nào cũng được ngủ với bà, được bà quạt mát, xoa lưng, gãi rôm. Ngủ vơi bà là niềm hạnh phúc mà đứa cháu nào cũng muốn .
Bà tôi hay lam hay làm. Hình như làm việc nhà, săn sóc con cháu, là niềm vui lớn mà bà luôn đòi hỏi để có như một hân hạnh .
Ngày đó, thổi nấu bằng củi Đước, cái bếp nhiều tro, với kiềng ba chân ..Tôi đứng sau lưng bà, nhìn ngọn lửa đỏ nhảy múa reo vui dưới những cái nồi to nấu canh nấu bánh.
Món ngon của bà mà tôi không bao giờ tìm lại ai có thể nấu ngon hơn. Đó là " Bánh Đúc Ngô ". Bột Ngô mà Mỹ viện trợ , làm sao bà có được thì tôi chịu chết. Dĩ nhiên nấu bánh đúc là phải có nước vôi trong. Bà phân lường rất chính xác, và khi nấu xong, bà sai tôi lấy hết tất cả các cái điã trong chạn để lên phản cho bà.
- Nồi bánh đúc nấu xong cũng phải mất hai tiếng đồng hồ.
- Bánh đúc đổ ra điã, màu vàng ngậy, hạt ngô nhuyễn đi trong cái lóng lánh của mỡ hành.
Bánh đúc là quà ngon xóm nghèo. .. Bà đợi bánh nguội, sai tôi đi biếu lối xóm.
- Nhà bà Cả, nhà ông Khánh, Bà Chín, Ông bà Giáo ở bên cạnh... Mỗi nhà một điã. Tôi đi loáng cái đã xong. Tôi nhẩn nha ăn bánh đúc, cười tí toáy với bà .Bà cười tủm tỉm khi thấy tôi ăn ngon.
- Ơ mà sao bà không ăn ?
- Bà nhai trầu nhiều nên ăn bánh có vôi nữa, bà ngán lắm cháu ạ.
- Thế sao bà hay nấu bánh đúc ?
- Để cho cháu bà ăn...
Rồi bà cười xòa, nét cười đen nháy, thật tươi . Ôi tuổi thơ, tôi yêu bà quá đỗi, yêu cả cái ngọng nghịu lẫn tiếng thở dài thương thầm nếp sống đạm bạc...
Sau này khôn lớn, tôi càng hiểu những tấm lòng phụ nữ đảm của đàn bà Việt Nam. Tôi không nói quá hay cường điệu mua vui, ,nhưng tôi cúi sát đầu khâm phục sự nhẫn nại, đem hết công khó của mình ra lo toan việc nhà của các bà , các mẹ.
Tôi biết những ông khoa trưởng, những ông Chánh Văn Phòng , có ông bác sỹ , kỳ sư.. .
Vợ đẹp con khôn thì không rõ, nhưng tôi thấy các ông vẫn một lòng hiếu kính mẹ già, người mẹ ngày xưa lam lũ, bán quà rong để nuôi con ăn học nên người

.

Quà ngon ở Việt Nam , dùng điểm tâm hay " ăn nhẹ " ( Snack ) Như xôi, bánh khúc, bánh cuốn, bánh dày, bánh khọc.. . Ngon ơi là ngon... Hầu hết được làm bằng tất cả khéo léo dưới bàn tay những người đàn bà suốt đời cúc cung tận tụy

.
Tranh họa sỹ NGUYÊN KHAI




Theo thống kê của Unesco đưa ra rằng, người Việt Nam đứng hàng thứ tám trên thế giới về sự lạc quan. Nghèo mấy cũng vui, vì hy vọng đời sau bớt khổ. Đời mình lúc nào cũng hy sinh . Những người lặng lẽ sống như mẹ, như bà... đã phân phát tình thương mà không đòi hỏi lại một chút gì ! Bà ơi, chính bà đã tạo hạnh phúc cho gia đình mà chúng cháu là người thưà hưởng. Biết nói sao để mãi luôn thương nhớ bà ?

No comments:

Post a Comment