Feb 25, 2022

NHẬN HAY CHO?

NHẬN HAY CHO?

NAM DIỆP




Một trong những bài “ Gia huấn ca “ của ba mà chị em tui nghe trong những bửa ăn tối trong gia đình, đến đổi đứa nào cũng thuộc nằm lòng:
“ có qua có lại mới toại lòng nhau “.

Có nghĩa là, ai cho minh cái chi, mình cũng phải có gì biếu lại. Như vậy cái tình mới được dài lâu.
Bởi vậy, mỗi khi ai biếu xén cho tui bất cứ cái chi chi, trong lòng tui áy náy dữ lắm. Đồng ý là họ có nghĩ đến mình, mình cũng phải nghĩ đến người ta chứ! Thế là, sau khi nhận rồi, phải đợi đúng thời cơ, đúng dịp mới đáp lại tấm thạnh tình của khổ chủ, chứ không phải vừa nhận xong vội vàng đáp trả ngay, vậy là trả nợ, không đúng phong cách ( đó là lời của ba tui!).

Lúc đó, tui nghe mà 2 lỗ tai lùng bùng. Sao người lớn lộn xộn quá trời!!!
Nhưng, càng lớn, tui thấy ba dạy cũng chí lý lắm. Tức là cách cho quan trọng không kém trong cách xử thế! Cho nên, chị em tui, từ lớn đến nhỏ, y chang nhau, nhận được quà biếu từ bất cứ ai, là lòng không yên, nhưng khi cho ai vật gì, hay làm điều gì cho người khác vui, tự nhiên mình cũng thấy vui.
Do đó, nếu ai hỏi tui, thích cho ( GIVE ) hay thích nhận (TAKE ), tui sẽ nói CHO không cần suy nghĩ!

Sang nhà hàng ( cũng lại nhà hàng nữa! Quý vị thông cảm, thời gian tui gắn bó với nó hơn một phần tư thế kỷ, dài hơn thời gian tui sống ở nơi chôn nhao cắt rún, do đó, có nhiều chuyện kể lắm lận ), khoảng vài tháng, là tui có khách quen rồi, đa số là những người đã nghỉ hưu, quá quởn, còn tui thì khoái tám, hợp nhau hết biết!

Ông Bill, khoảng 70, vợ chết, sống rất cô đơn, không có lấy một người bạn làm thuốc! Ông có 2 con trai, nhưng không đứa nào tới lui, thăm viếng. Ngày nào cũng có mặt ông, cả trưa lẫn chiều, đúng giờ đúng giấc. Tui hỏi, ăn mỗi ngày, ông không ngán sao? Không. Chủ nhật you đóng cửa, chứ nếu mở tôi cũng tới.
Tui nghĩ lúc đó, ông gặp đúng tầng số, có người để tám, chưa chắc gì ông khoái thức ăn của tui.
Một bữa, ông tới trễ, ông nói, có cái thằng crazy lái xe lũi vào thùng thư của tôi, giờ phải kêu thợ tới sửa, nó hẹn ngày mai. Anh xã tui nhanh nhẩu, để tối nay sau khi đóng cửa tôi sẽ ghé giúp ông. Vậy là đêm đó, Bill có hộp thư mới toanh, không cần đợi ngày hôm sau, cũng khỏi tốn tiền trả cho thợ.

Bà Thompson, đại tá Không quân về hưu, không chồng cũng không con, bà bị strock, nên đi chậm chạp, đôi khi phải dùng gậy. Bà là khách thường trực mỗi ngày. Sáng, bà ăn breakfast ở Jimm’s, một năm 365 bữa, trưa và chiều thì có mặt ở quán tui. Bà không ăn nhiều, chỉ chén soup và 2 cái chả giò là xong bữa. Có hôm, gọi nguyên phần là xin hộp đem về, bữa chiều không tới.
Nhiều lần, ăn xong, sau khi nói chuyện trên trời dưới đất, bà đứng lên đi thẳng ra xe, lái về tỉnh bơ. Buổi chiều, tới xin lỗi, hồi trưa tôi chưa trả tiền! Tui nói, tui đã báo cảnh sát rồi,  bà cười hề hề!
Một bữa, bà đến nói với anh xã tui, cái máy lạnh nhà bà có vấn đề, nó lạnh không đủ. Bà hỏi anh xã, biết thợ máy lạnh nào tin cậy giới thiệu dùm. Đêm đó, sau khi đóng cửa, tụi tui ghé nhà bà để xem. Sáng hôm sau, anh xã dậy sớm, đi Sears, mua dùm bà cái máy lạnh mới rồi gắn luôn, bà cám ơn rối rít.
Bà thích soup của tui nấu. Lần nào, trước khi tui đóng cửa về VN, bà cũng năn nỉ tui nấu soup cho bà ăn đủ 1 tháng. Tui nói, vậy không ngon. Bà nói không sao, tôi để ngăn đá, mỗi ngày hâm lại là ok ngay. Nói thiệt, tui chưa ăn như vậy bao giờ, nên không biết ra sao???

 Có hai chị em cô khách người Mễ, thỉnh thoảng ghé ăn, người chị làm lao công cho một trường học gần đó, người em làm thư ký cho City. Một chiều hè nóng như thiêu, hai chị em tới ăn. Sẵn đang lúc “ như chùa bà Đanh “ tui cũng ngồi xuống tám. Người chị nói với tui, máy lạnh phòng của cô em bị hư, nóng quá, cô chị phải cho cô em vô phòng mình cho đỡ nóng, nhưng tới giờ ngủ là phải về lại phòng, vì phòng nhỏ, không thể ngủ 2 người. Tui nói nóng quá sao ngủ được? Cô em nói đành chịu chứ biết sao!
Tui hỏi, chừng nào mới sửa? Đợi khi nào lãnh lương mới tính. Tui hỏi anh xã, cái máy lạnh window unit bao nhiêu tiền? Sau khi anh xã cho giá, tui tới mở máy tính tiền, quơ hết số tiền bán được  buổi chiều đó, đem đến đưa cho cô em, về mua cái máy lạnh mới đi. Cô em nhìn tui rơm rớm nước mắt. Còn em waitress thì tròn xoe đôi mắt, ý muốn nói, bữa nay ế rệ mà bà còn làm chuyện ruồi bu!

Làm ăn có lúc này lúc khác. Lúc thì chạy vắt giò lên cổ, lúc thì ngồi ngáp ruồi!
Lại cũng nhằm một ngày ngáp ruồi khác.

Gia đình 6 người,  2 vợ chồng 4 đứa con vào. Người chồng còn trẻ, khoảng băm mấy, ngồi xe lăn, có lẻ mới ra bệnh viện, trên đầu và tay còn ràng rịch giây nhợ. Vợ chồng, con cái ăn uống vui vẻ lắm. Nhìn gia đình họ, tui cũng thấy vui lây. Tui nói anh xã, không biết là thương phế binh hay bị tai nạn. Nếu là TPB tui sẽ đãi họ bữa ăn hôm nay. Anh xã nói, tới hỏi đi. Tới bàn họ, chuyện vãng một lúc, mới biết anh bị thương bên Afghanistan, đang điều trị ở BAMC, là nhà thương quân đội nổi tiếng trị phỏng trên nước Mỹ.
Ăn xong, cô vợ đến quày trả tiền, tui nói, tui trả tiền bữa ăn này cho gia đình cô. Cô không chịu. Tui nói, bữa ăn này không đền bù được sự dũng cảm của chồng cô, chúng tôi muốn tỏ lòng biết ơn chồng cô đã phục vụ cho đất nước của chúng ta. Cô vợ, nước mắt ràn rụa, đến ôm tui cám ơn. Tui cũng nói với người chồng Thank you for your service, rồi hug anh và đám con.
Tụi tui trở thành bạn thân từ đó.

Như đã nói, nhà hàng tui cách nhà thương quân đội không xa, cho nên thỉnh thoảng, những người lính đang chữa trị ở BV được người  điều dưỡng đưa đến ăn, hoặc gia đình người bị thương ở xa tới thăm viếng thân nhân đang điều trị, ghé ăn, tui đều từ chối nhận tiền. Tui nghĩ, họ còn nhiều thứ cần chi phí, từ xa bay đến, rồi tiền khách sạn, cộng với nỗi đau xót khi người thân mất đi một phần thân thể, tui không đành lòng lấy tiền của họ! Có,tui không giàu thêm, không có, tui cũng không nghèo hơn!
Mỗi năm, một tuần trước tết là tui cúng tất niên. Khách quen thân đều được mời dự, nói chung thì ai cũng thân quen nhưng nhà hàng có chỗ ngồi giới hạn, cho nên mỗi năm tui phải lên danh sách để mọi người có cơ hội chung vui bữa tiệc cuối năm. Mọi người đều nói, ở thành phố này, chưa có nhà hàng nào làm như vậy.

Bất cứ ai đến quán để ăn mừng Sinh nhật, tùy người mà tui đối xử. Người có chức vụ, tài chánh không bị chật vật, tui chỉ cho FREE món khai vị; người làm việc lam lũ, tui không lấy tiền bữa ăn. Một vài lần, tui đãi cả gia đình cho Sinh nhật của một người nếu gia đình quá khó khăn. Tui biết, họ không mong chờ đến để được ăn free, nhưng họ chọn quán tui để ăn mừng ngày vui của họ, tui cũng đóng góp một chút gì để chung vui!

Mỗi khi làm chuyện gì, tui ứng xử theo cái tâm của mình, không tính toán lợi hại, thiệt hơn, cũng không mong làm để được trả ơn hay đền đáp. Cho nên, khi làm cho người khác hoan hỉ, tự tui cũng thấy vui vui. Tiền làm sao mua được cái vui đó???

Su phụ tui, lúc Sinh thời, hay nói, tiền của như cái nhà có cửa sổ, cửa có mở thì gió mới vào nhà, mới đem năng lượng, sinh khí vào, cửa cứ đóng im ỉm thì gió vào bằng cách nào! Phước báo cũng vậy, không phải tự dưng mà có, cũng không ai cho, mình phải tự tạo cho chính mình. Tình thiệt mà nói, tui làm vì thấy cần phải làm, chứ không hẵn cố làm để được hưởng phước!
Tui chỉ nhớ câu ba tui thường nói: người ta ăn thì còn, mình ăn thì hết.
Phàm ta làm bất cứ điều gì, mặc dù không ai thấy, mình qua mặt được người phàm mắt thịt, chứ mình không che được mắt của đấng tối cao. Tui cứ theo đó mà sống, nhờ vậy mà cuộc đời tui, cho tới lúc gần đất xa trời, tui vẫn chưa có dịp đi cướp nhà băng để được giàu cho lẹ, tui cứ từ từ, từ từ dùng sức trâu kéo cái cày trần ai khoai củ. Tuy mệt ban ngày, nhưng tối lại ngủ khỏe như...trâu!

Cuối cùng, tui cũng “ ngộ “ một điều, cái mình cho ra, không bao giờ hết, cũng không mất mát đi đâu.
Bởi vậy, có ai hỏi tui, thích CHO hay thích NHẬN?
Tui sẽ chọn CHO để tâm hồn luôn bình an, tự tại.

SA  22/02/22.

7 comments:

  1. Hoàn toàn đồng ý với Năm Diệp, cho vui hơn nhận, bài viết chứa đầy thân tình trong cách đối xử với khách hàng.
    Một lô thân

    ReplyDelete
  2. Theo Phương người cho luôn có cảm giác sung sướng hơn người nhận ������
    Phương Nguyễn

    ReplyDelete
  3. Chính xác !
    Người cho là người hạnh phúc nhất...không phải người nhận...
    Hien

    ReplyDelete
  4. Đọc xong bài của bác Nam Điệp, chúng em, những vịt thầm lặng (bác Oanh Chu mới đây đã giải bày những nỗi niềm khó khăn của chúng em),cũng hơi áy nảy. Chúng em chỉ biết nhận thôi (một cách rất là sung sướng hồn nhiên l) là chỉ biết thưởng thức những bài văn thật là hấp dẫn,lôi cuốn và đôi khi ôm bụng để cười của các văn sĩ cây nhà lá vườn ,đôi khi góp được vài câu rồi tịt ngòi, nghĩ mãi không ra.Thay mặt các vịt thầm lặng,chúng em chỉ xin thành thật cảm ơn chứ chẳng biết cho đi như thê nào.
    Vịt thầm lặng Oanh Chu đã nói rất chỉnh xác cho chúng em rồi, mong các văn sĩ thông cảm cho chúng em" NHẬN KHÔNG CHO"
    THÂN
    THỤC

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bác Thục à,
      Bác áy náy chi cho mệt óc.
      Cứ bình chân như vại đi.
      Bởi em có bệnh... tám, nên để trong bụng nó óc ách khó chịu, phải tìm chỗ tuôn ra. May mà gặp được bể chứa TV em mới được yên thân, chứ tuôn không đúng chỗ là bị cho cà chua về nấu bún riêu mệt nghỉ!
      Em cám ơn các bác không hết lý nào bác áy náy???
      Chúc bác một ngày thật vui vẻ, an bình.
      Nam Diệp

      Delete
  5. Mình nghĩ hơi khác nhé !
    Cho chắc chắn là tốt.Nhưng nhận không phải là không hay đâu nhé !!!
    Nếu mình nhận mà không chia sẻ gì cho ai thì không hay lắm thật !!! Vì " lộc bất tận thu". Trái lại mình đem cái nhận đó lại chia sẻ cho những người khác thì không những mình làm tốt cho mình mà mình còn làm phước giùm cho người cho mình nữa !!! Đúng không ???
    Bạn cứ tưởng tượng có người đến "cho" biếu bạn cái gì đó...mà bạn cứ khăng khăng không nhận ...liệu họ có vui không ? Mà mình nghĩ cần gì phải lo biếu trả lại người đó !!! Mình cứ nhận rồi có dịp đem giúp đỡ người khác...phước cả hai cùng hướng mà....đúng không ???
    Kim Thanh

    ReplyDelete
  6. Năm à,

    Tui đang tính chiện này. Trường hợp phải dọn nhà chắc tui sẽ dọn đến ở gần em, đặng níu nhà tui hư hại chỗ nào tui cứ tới cầu cứu dzợ chồng em là chắc ăn. Mà tui cũng sẽ được em CHO ăn ké dài dài !

    Em có nhận nế bờ (neighbor) mới hông ?

    :):):)

    M.Tâm

    ReplyDelete