Oct 5, 2010

Hỏi Thăm

H Ỏ I T H Ă M


Hoàng Anh Thư

Ngày bé, mỗi lần mẹ cho đi ăn giỗ, gặp cô , dì , chú, bác họ hàng là tôi hay được xoa ̣đầu và hỏi :

- Cháu học lớp mấy rồi ?
- Dạ, cháu học lớp tư ạ.
- Thế cháu học trường nào?
- Dạ trường Bàn Cờ ạ.
Lớn thêm một chút, gặp lại hỏi:
- Năm nay cháu đã thi chưa?
- Dạ cháu mới đậu đệ thất ạ.
- Thế vào được trường nào ?





- Dạ trường Trưng Vương ạ
- Ờ, trường nữ trung học ấy tốt có tiếng đấy


Ngày ấy còn bé nên tôi chỉ thấy hãnh diện vì làm cho bố mẹ tôi vui chứ đã nhập học đâu mà biết trong trường thế nào. Chỉ biết rằng để thi đậu vào trường tôi đã phải "vất vả" đi học thêm vào các ngày thứ ba, năm, bảy bằng xe buýt trên một quãng đường cũng khá xa, từ ngoại thành vào trung tâm thành phố do nhà tôi dọn nhà ra ngoại ô. Tôi nhớ mình đã phải leo lên một cái cầu thang gỗ ọp ẹp, nơi đó kê ba cái bàn. Có khoảng hơn chục đứa ngồi chen chúc , để học luyện thi hai môn văn và toán. Cái quạt bàn bé xíu không đủ xua tan cái nóng hầm hập buổi trưa từ trên mái tôn toả xuống. Thế nhưng tôi cứ vẫn phải đến lớp đều đều...

Thế rồi mẹ cho tôi cùng đi dự đám cưới. Gặp lại họ hàng ngày ấy, thấy ai cũng có vẻ lớn tuổi. các bác lại hỏi thăm:

-Ô, cháu đã lớn từng này rồi à? Lên lớp mấy rồi ?
- Dạ lớp đệ tứ rồi ạ.
- Chóng nhỉ, bác nghe nói năm nay không phải thi nhưng phải học hành chăm chỉ thì mới được xét cấp chứng chỉ đấy .
- Cháu biết rồi ạ
- Thế cháu định chọn ban nào?
- Thưa ban A ạ

Tôi nghe bác chép miệng : "Trẻ con mau lớn, người lớn chóng già"

Lại trải qua hai cuộc thi đệ nhất và đệ nhị lục cá nguyệt trong lớp một cách "đàng hoàng" thì mới mong được" tấm vé " lên lớp đệ tam, đó là cái chứng chỉ Trung học đệ nhất cấp. Muốn có tấm vé ấy thì cũng phải ̣đi học thêm một cách "gian khổ". May mà năm ấy bỏ thi chung, chỉ xét học bạ thôi.

Ra chợ lắm lúc cũng ngạc nhiên vì người bán hàng chào mời gọi mình bằng "cô". Cảm giác vừa ngạc nhiên vừa lạ lẫm . Ô , thế ra mình cũng lớn rồi đấy. Đi học tuy là mặc đồng phục áo dài trắng nhưng mà ra chơi là cứ cột túm hai cái tà cho khỏi vướng víu để chơi "u mọi" hay nhảy lò cò.Đến lớp đệ tứ là lớp 9 bây giờ mà tôi vẫn chưa "phát triển" mấy. Rất là "chung thủy trước sau như một", vẫn cứ ngồi bàn nhất và vẫn cứ "vô tư" trước mọi chuyện...trong khi các bạn tôi thì đã duyên dáng lắm rồi. Có đứa còn nhận được cả thư...tình.
Thế rồi có năm đi chúc Tết họ hàng cùng bố mẹ lại được hỏi:

- Ồ, trông cháu lớn hẳn ra, cao hơn mẹ rồi đấy. Mới ngày nào bé tí ti , bây giờ thành thiếu nữ rồi.Năm nay cháu thi phải không?
- Vâng, cháu thi tú tài một ạ.




- Cố gắng lên cháu nhé.
Tú tài một vừa xong thì lại chuẩn bị lên lớp đệ nhất và thi tú tài hai. Đây là năm cuối cùng của thời trung học. Tôi yêu biết bao ngôi trường Trưng vương yêu dấu của mình. Những tháng ngày cùng bạn bè vui đùa, học hành với biết bao kỷ niệm không thể nào quên...Những lần ấp úng không thuộc bài vì mải thêu thùa hay cố vẽ cho xong "bức tranh" cô cho về nhà làm.Những lần ăn vụng cóc, ổi, xoài, me trong lớp, sao mà cảm thấy ngon thế. Chưa kể còn dám chọc phá cả thầy cô...Tôi nhớ có đứa còn dám viết bậy bạ vào tờ giấy, phết keo vào mặt sau xong đưa cho đứa khác coi rồi đẩy nó dính tờ giấy ấy vào lưng áo của thầy, rồi hè nhau bỏ chạy. Thầy vô tình cứ nghĩ tụi nó đùa giỡn đụng nhầm thôi. Chỉ đến khi vào lớp quay lưng viết bảng thì mới phát hiện ra nguyên nhân làm cả lớp cười ầm ĩ... Cả những lần bị phạt "tập thể" vì rủ nhau trốn học sang sở thú chụp hình. Bị phạt mà chẳng buồn lại cứ "nhăn nhở" cười với nhau thật là "vô tư"....
Những thay đổi về thể chất và cả tâm sinh lý khiến nhiều lúc tôi cũng thấy buồn vu vơ theo kiểu "Tôi buồn chẳng hiểu vì sao tôi buồn". Tôi cũng từng xao xuyến với những ánh mắt trông theo...để rồi lại lắc đầu lao vào chuyện học hành. Tôi biết mình chậm chạp nên phải cố gắng chăm chỉ. Tôi chẳng còn chút thời gian nào ngó lại mình nữa. Mấy cái mụn trứng cá lấm tấm trên mặt cũng chẳng có thời gian mà nặn. Đi học ở trường về ăn vội bát cơm, chưa kịp nghỉ ngơi là phải đi học thêm ngay. Rồi tôi cũng vượt qua được kỳ thi tú tài để vào đời, bỏ lại sau lưng cả một thời trung học đầy hoa mộng. Tôi đông em nên quyết định đi làm để đỡ phần nào gánh nặng cho bố mẹ. Tuy vậy tôi vẫn thèm không khí nhà trường nên ghi danh vào Văn khoa. Cũng là đi học nhưng chẳng còn không khí thân thương như thời trung học. Công việc ở sở, ở trường và cả ở nhà khiến tôi quay như chong chóng nhưng tôi vẫn cảm thấy yên ổn bên bố mẹ, chị em mình.



Bác tôi hỏi :
- Cháu đã đi làm rồi à ? Bao giờ cho bác ăn cỗ đây?
Tôi cảm thấy nóng ran trên má ấp úng :
- Dạ chưa đâu ạ.
- Thế đã có ai chưa?
Quả thật điều này tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Tôi cứ muốn được ở nhà mình mãi mãi. Tôi sợ thay đổi và cũng chưa hiểu lắm khi lập gia đình sẽ như thế nào.
Thế rồi "biến cố" tháng tư năm 75 đã xóa hết những ngày tháng êm đềm ấy. Xáo trộn cả nếp sống công chức vốn có của gia đình tôi. Mọi người quen gặp nhau lại thì thầm :
-Ủa, chưa đi à ?
Biết đi đâu khi bố mẹ tôi chỉ là những công chức nhỏ , sống bằng đồng lương và con đông. Tuy không phải đi học tập nhưng tự nhiên mất việc, cả tôi cũng thế, trong khi các em tôi còn dang dở học hành. Chúng tôi phải bắt đầu lại từ đầu bằng những công việc đơn giản như thêu thùa, đan móc, làm bánh,....sao cho vượt qua giai đoạn đầy khó khăn này.
Rồi chúng tôi cũng tìm được công việc thích hợp. Tôi đi làm với tâm trạng không vui vì mất liên lạc với họ hàng, bạn bè thân quen...
Thời gian trôi nhanh , công việc mới lại cuốn tôi đi, gặp nhau lại chỉ hỏi:
- Dạo này thế nào rồi? Công việc có dễ chịu không?


Cũng nên hiểu ngầm là có khó chịu với những suy nghĩ khác nhau trong công việc không?
Thế rồi tôi cũng tìm được một nửa của mình, bạn bè gặp nhau lại hỏi :
- Bao giờ sanh ?
- Còn hai tháng nữa.
- Gầy quá, ráng ăn uống tẩm bổ nha.
Dạo ấy thiếu thốn trăm bề, khoai, sắn đầy gầm giường, chỉ cần đủ no đã là vất vả lắm rồi, lấy đâu mà "tẩm bổ". Trời thương rồi mọi việc cũng qua. Vật lộn với công việc ở sở và ở nhà khiến tôi quay cuồng, quên cả ngày tháng và tệ nhất là quên cả bạn bè.Một thời gian dài chúng tôi chẳng gặp nhau, có lẽ các bạn tôi cũng bận thế.
Bẵng đi ít lâu, đưa con đi công viên chơi lại được hỏi :
- Cháu bé mấy tuổi rồi ?
- Dạ cháu được hai tuổi rồi ạ.
- Ồ, dễ thương quá. Cháu ngoan nhỉ.
Ngày tháng thoi đưa, tôi lại xúc động biết bao khi dắt tay con vào lớp một. Tết đến lại nghe chị em họ hàng mình hỏi :
- Cháu học lớp mấy rồi?
Câu hỏi đã được lập lại y như ngày xưa người ta đã hỏi tôi. Rồi con tôi sẽ lớn lên, sẽ lại gặp những câu hỏi như tôi đã từng được hỏi. Sau những câu trả lời là cả một chặng đường, là sự phấn đấu của từng người để có những câu trả lời cho thật "tử tế"
Thỉnh thoảng tôi cũng lại hỏi những cháu bé những câu khi xưa tôi được hỏi. Đúng là "con tạo xoay vần" và "thời gian thấm thoát thoi đưa", mình lại có "quyền" hỏi lại những em cháu của mình...Tôi lại giật mình khi ra đường có người gọi mình là bà . Cũng đúng thôi, trên đầu đã "hai thứ tóc" rồi còn gì , dù vẫn còn "tiêu nhiều hơn muối".
Giờ đây, khi đã lớn tuổi, đã về hưu rồi nhưng tôi vẫn được hỏi thăm :
- Các cháu đã lập gia đình chưa?
Rồi sẽ tiếp theo là :
- Bà đã có mấy cháu nội, ngoại rồi ?
Cũng chẳng có ai hỏi : "Bà có mấy căn nhà ? Có mấy xe hơi ? Có bao nhiêu cây vàng?....."
Tôi nghiệm ra con người vẫn là đáng quý nhất, đáng quan tâm nhất trên cõi đời này. Vậy nên tôi hay được hỏi :



- Dạo này bà có khỏe không?
- Dạo này tôi hay quên và hay bị nhức mỏi lắm.
- Không sao,đấy là dấu hiệu của tuổi già. Chúng ta đều thế cả, không bệnh này thì tật kia.
"Gíó heo may đã về thật rồi". Sau mỗi câu hỏi là nhữnng câu trả lời tuy ngắn gọn nhưng để có được những câu trả lời ấy, người ta đã phải trải qua biết bao thử thách cam go. Nhiều khi phải .đánh đổi cả bằng máu và nước mắt. Những câu hỏi cứ thế đi theo ta suốt cả cuộc đời và rồi ta cứ phải sống cho thật tốt để có được những câu trả lời "tử tế". Tưởng là dễ mà không dễ chút nào . Thế rồi cuối cùng thì ai cũng tự đặt cho mình một dấu chấm không hỏi thật tròn....

No comments:

Post a Comment