Dec 15, 2017

Những điển tích trong "Hương Xưa" của Nhạc sĩ Cung Tiến


Trong hình ảnh có thể có: vẽ và văn bản

Người ơi, môt chiều nắng tơ vàng hiền hòa hồn có mơ xa.
Người ơi, đường xa lắm con đường về làng dìu mấy thuyền đò.

Còn đó tiếng tre êm ru.
Còn đó bóng đa hẹn hò.
Còn đó những đêm sao mờ hồn ta mênh mông nghe sáo vi vu.

Người ơi, còn nhớ mãi trưa nào thời nào vàng bướm bên ao.
Người ơi, còn nghe mãi tiếng ru êm êm buồn trong ca dao.

Còn đó tiếng khung quay tơ.
Còn đó con diều vật vờ.
Còn đó nói bao nhiêu lời thương yêu đến kiếp nào cho vừa.

Ôi, những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một kiếp xa xôi.
Buồn sớm đưa chân cuộc đời.
Lời Ðường Thi nghe vẫn rền trong sương mưa.
Dù có bao giờ lắng men đợi chờ.
Tình Nhị Hồ vẫn yêu âm xưa.
Cung Nguyệt Cầm vẫn thương Cô Tô.
Nên hồn tôi vẫn nghe trong mơ tiếng đàn đợi chờ mơ hồ.
Vẫn thương muôn đời nàng Quỳnh Như thuở đó.
Ôi, những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một giấc ai mơ.
Dù đã quên lời hẹn hò.
Thời Hoàng Kim xa quá chìm trong phôi pha.
Chờ đến bao giờ tái sinh cho người.

Ðời lập từ những đêm hoang sơ.
Thanh bình như bóng trưa đơn sơ.
Nay đời tan biến trong hư vô,
chết đầy từng mồ oán thù.
máu xương tơi bời nhiều mùa thu…

Người ơi, chiều nào có nắng vàng hiền hòa sưởi ấm nơi nơi.
Người ơi, chiều nào có thu về cho tôi nhặt lá thu rơỉ.

Tình có ghi lên đôi môi.
Sầu có phai nhòa cuộc đời.

Người có thương yêu loài người và yên vui sống cuộc sống vui.
Ðời êm như tiếng hát của lứa đôi.
Ðời êm như tiếng hát của lứa đôi…


Trong bản nhạc “Hương Xưa” ở trên của nhạc sĩ Cung Tiến, có những câu như sau:
“Tình Nhị Hồ vẫn yêu âm xưa
Cung Nguyệt Cầm vẫn thương Cô Tô
Nên hồn tôi vẫn nghe trong mơ tiếng đàn đợi chờ mơ hồ
Vẫn thương muôn đời nàng Quỳnh Như thuở đó.”

Nếu giải thích được những điển tích về Nhị Hồ, Nguyệt Cầm, Cô Tô, Quỳnh Như thì sẽ hiểu ngay được ý nghĩa mà Nhạc sĩ Cung Tiến đã gói ghém trong bản nhạc.
Đọc lại hết bản nhạc thì mình thấy bản nhạc muốn nói đến một mối tình trắc trở có thể vì chiến tranh, khắc khoải đợi chờ ngày hội tụ lại được với người yêu dấu.
Vì trắc trở nên khi nghĩ đến người yêu chỉ như là trong mơ.
Đầu bản nhạc, Nhạc sĩ Cung Tiến đã vẽ lên một bức tranh quá đẹp, thật thơ mộng trong khung cảnh thanh bình của hai người yêu nhau.
Người ơi, môt chiều nắng tơ vàng hiền hòa hồn có mơ xa.
Ngươi ơi, đường xa lắm con đường về làng dìu mấy thuyền đò..
Còn đó tiếng tre êm ru.
Còn đó bóng đa hẹn hò.
Còn đó những đêm sao mờ hồn ta mênh mông nghe sáo vi vu.
Người ơi, còn nhớ mãi trưa nào thời nào vàng bướm bên ao.
Người ơi, còn nghe mãi tiếng ru êm êm buồn trong ca dao.
Còn đó tiếng khung quay tơ.
Còn đó con diều vật vờ.
Còn đó nói bao nhiêu lời thương yêu đến kiếp nào cho vừa.
Thế rồi đến lúc phải xa nhau và sống khắc khoải trong đợi chờ thì Nhạc sĩ Cung Tiến đã ví sự mong muốn được sống với người yêu này như nàng Quỳnh Như trước đây đã mong được sống với người yêu là Phạm Thái.
Phạm Thái chống Tây Sơn mà Khái Hưng đã viết thành truyện tiểu thuyết “Tiêu Sơn tráng sĩ.”
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như là một đôi trai tài gái sắc đã yêu nhau tha thiết nhưng không được sống cạnh nhau vì phụ thân của Quỳnh Như đã bắt nàng phải kết hôn với người khác.
Quỳnh Như đã tự vẫn và trước khi nàng có quyết định này thì nàng đã gặp Phạm Thái và hứa với chàng là kiếp sau sẽ lấy chàng.
Thế rồi khi chết đi nàng đã đầu thai vào người con gái khác và đã lấy Phạm Thái sau này.
Ôi, những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một giấc ai mơ.
Dù đã quên lời hẹn hò.
Thời Hoàng Kim xa quá chìm trong phôi pha.
Chờ đến bao giờ tái sinh cho người.
Trở lại với 2 câu:
Tình Nhị Hồ vẫn yêu âm xưa
Cung Nguyệt Cầm vẫn thương Cô Tô
Nhị là cây đàn nhị, loại đàn có 2 dây, âm thanh hơi giống vĩ cầm, Hồ còn gọi là Hồ Cầm , đàn 5 dây tượng của Ngũ Hành – Kim Mộc Thuỷ Thổ Hỏa , trổi lên Ngũ Âm – Thanh Thương Giốc Chủy Vũ , đàn làm bằng gỗ ngô đồng nên tiếng trong và thanh – lệ luật đàn Cầm của người xưa rất là khắc khe.
Nguyệt cầm là cây đàn nguyệt, là thứ đàn có thùng tròn (như mặt trăng).
Tình Nhị Hồ vẫn yêu âm xưa
Câu trên nói lên tâm trạng của Kim Trọng vẫn yêu Thuý Kiều tha thiết, dù rằng đã bị…Thuý Kiều gá nghĩa phu thê cho Thuý Vân!
Trong truyện Kiều thì Thuý Kiều là một giai nhân luân lạc vì số kiếp, ngoài tài văn chương thi phú nàng còn chơi đàn rất giỏi.
… nhưng thường không là người tri kỷ quyết không đàn!
Thuý Kiều có 2 người được Nguyễn Du miêu tả là tri kỷ : Kim Trọng và Từ Hải.
Đối với 2 người này Thuý Kiều có tâm tình khác biệt:
Với chàng Kim thì đây là mối tình đầu lưu luyến ngây thơ.
Với Từ Hải thì Kiều cảm ân nghĩa và khí thế độ lượng anh hùng.
Chàng Từ có thể là tri kỷ nhưng không thể nào là bạn tri âm cùng Kiều được, nếu so với Kim Trọng khi gặp lại Kiều sau 15 năm xa cách , chàng Kim vẫn xem Thuý Kiều như những … ngày xưa !
…tình xưa lai láng khôn hàn
thong dong lại hỏi tiếng đàn ngày xưa.
Câu “ Tình Nhị Hồ vẫn yêu âm xưa …”
là ám chỉ một chân tình tha thiết ấy!
Còn câu Cung Nguyệt Cầm vẫn thương Cô Tô là muốn nói đến chuyện tình Tây Thi với Phù Sai và Phạm Lãi.
Mặc dù sống trong Cô Tô thành với Phù Sai nhưng lúc nào Tây Thi cũng vẫn nhớ thương Phạm Lãi.
Vì Phù Sai mê sắc đẹp của Tây Thi và bỏ bê việc triều chính để rồi Câu Tiễn đã đem quân đánh chiếm được thành Cô Tô.
Sau khi Cô Tô Thành bị thất thủ thì Tây Thi gặp lại Phạm Lãi và cả hai cùng biệt tích để sống với nhau.
Hai câu vừa đối chữ mà lại vừa đối ý thật hay:
Tình Nhị Hồ vẫn yêu âm xưa
Cung Nguyệt Cầm vẫn thương Cô Tô
Hai chữ “yêu” và ‘thương” ngụ ý tình cảm giữa các nhân vật. tiếng đàn Nhị và Hồ Cầm đi với cung Nguyệt Cầm. Hơn nữa còn có một điểm tương đồng, đó là hai cuộc tình tay ba: Thúy Kiều với Từ Hải và Kim Trọng, Tây Thi với Phù Sai và Phạm Lãi.
Thật đáng phục Cung Tiến ở tuổi 16 mà đã sáng tác một bản nhạc bán cổ điển thật hay, không những thế mà Cung Tiến còn dùng lời với các điển tích chứng tỏ sự uyên bác của Nhạc sĩ.
Thế rồi Nhạc sĩ đã cho một kết cục thật vui khi được gặp lại cố nhân:
Người ơi, chiều nào có nắng vàng hiền hòa sưởi ấm nơi nơi.
Người ơi, chiều nào có thu về cho tôi nhặt lá thu rơỉ.
Tình có ghi lên đôi môi.
Sầu có phai nhòa cuộc đời.
Người có thương yêu loài người và yên vui sống cuộc sống vui.
Ðời êm như tiếng hát của lứa đôi.
Ðời êm như tiếng hát của lứa đôi…
Đoạn kết giống như Trương Quỳnh Như gặp lại Phạm Thái, Thúy Kiều gặp lại Kim Trọng, Tây Thi gặp lại Phạm Lãi.
Sau khi đã đọc qua để biết thêm về lời của bản nhạc, hãy nghe lại bản “Hương Xưa” một lần nữa để thưởng thức những cái hay về các điển tích của bản nhạc.

*Nguyễn Thanh Thủy – Cỏ Thơm

Trong hình ảnh có thể có: vẽ và văn bản

Lan Nguyễn sưu tầm


3 comments:

  1. Cảm ơn Thuý Lan nhé. Bài Hương Xưa mà Dung đã mê từ khi còn học Trưng Vương, phải nói là mê lắm lắm, ngoải lời hay ra , còn tiếng nhạc êm êm , dịu dịu đi vào lòng người một nỗi mênh mang khó tả. Nay hiểu thêm về những điển tích của bài Hương xưa , mới thấy gía trị của tâm hồn nhạc sĩ Cũng Tiến đáng khâm phục đến nhường nào.Dung còn thích cả bài Thu vàng của Cung Tiến nữa. Lời thì nhẹ nhàng , đơn giản mà nhạc thì thoáng khoát, nhịp nhàng, thật đúng là 1 nghệ thuật có đẳng cấp.Lan nhỉ!
    Dung Đào

    ReplyDelete
  2. Them Huong nua, Huong cung rat me bai Huong Xua cac mo a (huongxua52 ma li!)...

    Moi cac mo thuong thuc 9 bai hat cua nhac si Cung Tien

    https://www.youtube.com/watch?v=6Q5aSE9sq00
    LHuong

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cảm ơn Hương nhé, đã kịp thời sưu tầm cho các bạn thưởng thức các bản nhạc bất hủ của một nhạc sĩ bất tử trong lòng chúng ta.
      P Dung

      Delete