Dec 2, 2014

LÊN CHÙA THĂM BẠN

                              LÊN  CHÙA  THĂM   BẠN                        
 Bích Quy


           Bạn là Vinh, lúc còn học chung lớp, bạn thật xinh đẹp  .  Bạn có nụ cười thật tươi , đôi mắt to  có chút đuôi,  đượm  buồn . Làn da  trắng xanh,  dáng người cao dong dỏng dễ thương.  Không thể nghĩ rằng sau mấy chục năm,  bốn đứa cùng lớp, cùng trường lại gặp nhau trên chùa vì bạn đang tu ở đây .  Bạn đã chọn  một ngôi chùa  ở Đồng tháp cách xa Saigon đến hơn  hai trăm cây số .  Bạn đã bỏ lại những lo toan , phiền não ngoài cửa chùa để chọn cho mình  con đường tu hành  không mấy dễ dàng gì.

          Xe vừa dừng, đã thấy bạn trong bộ áo lam nhà chùa ,   đứng sẵn  ở đầu ngõ đón chúng tôi rồi. Mái tóc đen dài cũng được bạn "bỏ xuống" khi chính thức vào tu ở đây.

         Thế mà cũng hơn hai mươi năm rồi, ngày ấy bạn là một cô thợ may rất khéo và chưa có gia đình riêng   . Nhớ lần  đến nhà bạn nhờ may áo, tôi thấy  bạn rất  nhanh nhẹn , tháo vát  trong mọi công việc mà bạn phải gánh vác để lo cho gia đình chung một cuộc  sống tốt đẹp hơn . Thật là khác  hẳn với bạn bây giờ , không còn vẻ tất bật, lo toan  với cuộc sống mà thay vào đấy là  một dáng đi khoan thai, giọng nói từ tốn. Với bạn  thì chẳng còn gì để phải vội vàng nữa.  Cũng có thể bây giờ lớn tuổi cả rồi nên có phần chậm chạp hơn xưa.

           - Mày có khỏe không?
         - Hồi xưa tao thấy mày cao lắm mà sao bây giờ như thấp đi vậy?          
 - Không phải đâu, tại mình mặc bộ quần áo này lùng thùng nên nhìn ra thế.   Bạn mỉm cười đáp lại. 
Tôi đỡ lời :
           - Tao thấy Vinh vẫn cao mà, ít nhất là vẫn cao hơn tất cả ba đứa mình

       Chao ơi, với người đã tu hành mà cứ ríu rít như thuở còn đi học, mày tao chi tớ, chẳng phép tắc gi cả. Gặp nhau là tíu tít , quên hết mọi sự .  Khi vào đến đây thì cái tên cha sanh mẹ đẻ cũng phải quên đi mà mang một tên mới , bạn bây giờ đã là ni cô Pháp Nghi rồi. Vậy nên khi nói chuyện cũng phải khác đi mà khác như thế nào thì chẳng đứa nào biết ,  thấy bạn cũng nói chuyện  bình thường,  không "nhắc nhở"  gì cả nên cứ thế mà chuyện trò như hồi ....đi học.

                                            

       Ngôi chùa Tam Bảo nằm sâu trong môt con ngõ mà xe hơi không thể đi vào được nhưng nhà cửa hai bên lại có hàng rào hoa vàng  với hàng cây cao tỏa bóng mát và yên tĩnh  vô cùng .  Ngôi chùa ở cuối ngõ nhưng lại rất rộng rãi  , bên cạnh một nghĩa trang cỏ mọc che lấp cả mộ phần. Bạn gọi đó là "Thành phố buồn" . Mà buồn thật vì nó chỉ là một khu đất nhỏ mà người chủ bán cho ai có nhu cầu chôn người thân ở đây nên không có hàng lối , cái ngang cái dọc, cái sát cả đường đi. Ai muốn hướng nào thì cứ việc xây  mộ theo hướng ấy.

                                   


              

Cổng chùa Tam Bảo với mái cong cong và tường rào chung quanh rất đẹp . Cây cối ngoài sân   được cắt tỉa gọn gàng, đẹp mắt . Những chặu hoa cảnh to lớn bên cạnh những giò lan được treo lơ lửng nở những bông hoa tím, vàng thật đẹp . Có một dãy bàn dài ̣ để tiếp khách ở bên trái .

          Bạn dẫn cả bọn đi chào sư trụ trì.  Cả ba đứa đều cung kính chào Thầy. Đó là một sư ông đứng tuổi, thấp bé nhưng vẻ mặt rất đôn hậu, hiền từ ..  Gặp ai trong chùa Vinh cũng giới thiệu ba đứa là bạn học hồi xưa của mình .  Mọi  người vui vẻ chào nhau.  Bạn dẫn cả bọn lên thăm chánh điện,   lễ Phật ,  rồi qua Tam Bảo Ni Xá . Nơi đây là chỗ sinh hoạt, ăn , ngủ của bạn.   Phòng ngủ của bạn là một gian nhà lớn, ở đó  có những chiếc giường nghe bạn gọi  là "cái đơn" được kê làm hai dãy song song nhau. Mỗi cái đơn còn là một cái tủ  mà bạn chỉ cần  mở cái nắp ván để nằm ra là mọi thứ riêng tư được xếp gọn gàng trong ấy  như một cái rương lớn.

                                 

          Thời khóa biểu cũng được ghi ra  cái bảng treo ở lối đi. Tất cả được tính toán sao cho giờ nào việc ấy theo tiếng kẻng vang lên từ ba giờ sáng đến tận chín giờ tối. Công việc được phân chia phù hợp với sức khỏe mọi người. Làm những việc nặng  như  khuân vác, chẻ củi , sửa chữa ....đã có các sư nam .  Củi  được chẻ sẵn xếp cao bên cạnh rặng  tre .   Các   sư nữ thì quét dọn, trồng hoa , nấu cơm, dọn dẹp vệ sinh.....Các sư nam trụ  trì ở một khu khác riêng biệt  với sư nữ .  Khu nhà ăn  gần với nhà bếp, có cả một cái máy xay đậu nành rất to để làm ra đậu phụ hay các sản  phẩm từ đậu nành  cho chùa .   Một dãy nhà vệ sinh ở cuối với một dãy lavabo bên cạnh. Tất cả đều sạch sẽ gọn gàng.

Ba đứa được ăn trưa với Vinh , một bữa chay thanh đạm với canh bí đỏ nấu với lạc, rau muống xào và đậu hũ chiên kho.  Thức ăn được cho vào khay riêng cho từng người . Vinh còn cho ba đứa uống cà phê đá nữa. Ăn xong thì tự thu dọn rửa sạch sẽ úp lên kệ .

        Xong xuôi thì được nghỉ trưa, Vinh đi lấy hai cái chiếu  để trải ra hàng hiên bên hông chánh điện  . Cả bốn đứa ngồi nói chuyện, Vinh hỏi thăm mọi người,  rồi các bạn  lại kể cho  Vinh nghe  chuyện các bạn khác ngoài đời. Kỷ niệm thời đi học được nhắc đến nhưng tôi vẫn không biết vì sao Vinh đi tu. Bạn không nói và tôi cũng không tiện hỏi . Dù lý do gì đi nữa thì tôi cũng rất thán phục bạn. Đi tu không dễ dàng chút nào, phải có quyết tâm và phải có "duyên" thì mới tu được. Bạn chỉ cho biết là trước khi chính thức được "xuống tóc" Vinh đã mất mấy năm thử thách xem mình có quyết chí và có "giác ngộ" được không.  Khi đã chính thức được nhận vào hẳn trong chùa  thì  ngoài việc tu tập hằng ngày, bạn  còn phải trải qua tất cả các kỳ thi và bạn cho biết đã  đạt đến "Tỳ Kheo" là bậc cao nhất đối với sư nữ như bạn.   Tôi  không hiểu gì về những điều bạn nói  chỉ biết rất thầm phục bạn .  Chỉ riêng phải thuộc những bài kinh dài bằng tiếng Phạn cũng đã là giỏi  rồi. Bạn cho biết thỉnh thoảng cũng được về thăm nhà hay đi chữa bệnh hoặc ra ngoài  mua những thứ cần thiết cho cuộc sống hàng ngày.

         Có tiếng kẻng vang lên báo hiệu đã đến giờ bạn lại phải lên tu tập . Chúng tôi ngồi với nhau . Thanh thì thào :
      - Đi tu cũng khó quá  mày nhỉ, thế mà trước đây tao cứ tưởng vào chùa chỉ việc cầm chổi quét lá đa là xong .
       - Úi giời, có phải "Con vua thì lại làm vua, Con sãi ở chùa  thì quét lá đa" nên mày mới tưởng ra thế chứ gì?
     Thảo nói :
       - Tao thì không thể ăn chay mãi được
Rồi lại còn phải học,  phải thi nữa chứ.  Hồi xưa cứ đọc tiểu thuyết thấy nói thất tình thì đi tu. Ôi, đã buồn thì sẽ buồn hơn ấy chứ.
       - Thế cho nên mày mới không tu được
       - Ừ, tao còn nặng nợ, sân si lắm. Nửa câu Chú Đại Bi còn chẳng thuộc nữa,  làm sao mà tu được. Không tu chùa được thì mình đành tu tâm thôi.





 Bạn bè cùng chung một lớp mà lớn lên mỗi đứa một hướng. Hướng nào mang lại hạnh phúc? Hướng nào dẫn tới khổ đau? Chẳng ai biết trước được  số phận cùng những may rủi cuộc sống và mọi người thì cứ phải dấn thân vào cuộc đời lắm gai góc  nhưng đầy bất ngờ , lý thú này. Hãy cố gắng hết mức có thể và bằng lòng với những điều mình đã đạt được . Đời người ngắn ngủi lắm , chẳng nên mong mỏi điều gì quá hoàn hảo, xa xôi...

        Ngồi mãi cũng mỏi, gió mát hiu hiu , thế  là ba đứa bèn ngả lưng xuống chiếu một lúc.  Hồi lâu bạn tu tập xong thì cũng đến giờ chúng tôi phải ra về .  Chiều xuống, mưa lác đác rơi, chúng tôi bịn ṛin chia tay nhau .
 Chúc cho bạn thân tâm an lạc.  Cảm ơn bạn đã cho chúng tôi có được nửa ngày trải nghiệm cuộc sống trong chùa.  Thế mới thấy những người bỏ "Đời" theo "Đạo" và theo đến tận cùng như Vinh thật là đáng nể biết bao.  Bây giờ bạn đã là người tu hành  và bạn cảm thấy bằng lòng với điều mình đã chọn,  ấy là bạn đang hạnh phúc vậy.  Tôi chỉ cầu mong cho bạn giữ được sức khỏe thật tốt để đi hết con đường  của mình   thôi.

Anh Thư.

2 comments:

  1. Hom nay troi mua nhe ma duoc doc truyen ve chuyen vieng tham nguoi ban tu hanh cua Anh Thu that la hay va bang khuang qua. Dang le minh phai duoc su co chuc "than tam an lac" chu sao minh lai chuc su co ha Anh Thu, hihihi`.
    Cam on Anh Thu...

    ReplyDelete
  2. Hương ơi, ở đời có mấy ai, kể cả những người đã tu hành dám nhận mình có được "thân tâm an lạc" vậy nên cứ chúc nhau như vậy cũng là cầu cho nhau đạt đến cảnh giới đó thôi.
    BQ

    ReplyDelete