Tùy bút: NƯỚC MẮT TRƯNG VƯƠNG Mỗi năm đến dịp lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng vào ngày mồng 6 tháng 2 ÂL, tôi lại nhận được thư mời của Hội Ái Hữu Cựu Nữ Sinh Trưng Vương, về dự lễ được tổ chức tại trường. Trường tôi nằm cuối đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đầy cây cao bóng mát. Bước chân về chốn cũ, lòng tôi bồi hồi rộn rã, cả niềm vui lẫn nỗi buồn, và tiếc nuối thời ấu thơ! Nơi đây đã từng ghi dấu chân tôi và bạn hữu bao tháng năm dưới mái trường thân yêu, cùng thày cô rèn luyện trí, đức. Ngôi trường đối với tôi sao mà thân thương đến thế, nơi đã dạy cho chúng tôi nên người, nhưng nhất là đã hun đức cho chúng tôi tinh thần yêu quê hương tổ quốc! Nhớ mãi ngày xưa ấy, mỗi lần Lễ Hai Bà Trưng là trường tôi lại rộn ràng chuẩn bị tổ chức lễ hội, chọn các kiều nữ trong trường để đóng vai Hai Bà Trưng và các nữ tướng, để ngồi xe hoa diễn hành khắp đường phố Sài Gòn, hòn ngọc Viễn Đông, trước mắt bao người dân hân hoan đón chào. Không hiểu vì sao, nhưng từ lâu người dân thủ đô đã dành cho trường chúng tôi một cảm tình đặc biệt. Đó cũng là niềm vinh hạnh cho chúng tôi, một trường nữ trung học được mang tên hai vị Nữ Anh Hùng của dân tộc. Hai vị nữ anh thư của đất Mê Linh xưa, Trưng Trắc và Trưng Nhị, là con của Lạc tướng thuộc dòng dõi vua Hùng. Sinh ra trong thời loạn, nước nhà bị quân Đông Hán xâm lăng, thân phụ mất sớm, hai chị em được thân mẫu là bà Man Thiên, đã thay chồng nuôi dạy hai con nên người, lại còn rèn luyện cho con tài cung kiếm, và nhất là lòng yêu nước cao vời. Khi tướng quân Thi Sách là chồng của bà Trưng Trắc bị giết bởi Tô Định, một tên quan Tàu hung bạo, hai chị em với chí khí hào hùng của kẻ nam nhi, đã vì nước mất, nhà tan mà quyết trả thù nhà, đền nợ nước, với lời thề còn lưu lại: "Một, xin rửa sạch nước thù. Hai, xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng. Ba, kẻo oan ức lòng chồng. Bốn, xin vẻn vẹn sở công lênh này!" (trích"Thiên Nam Ngữ Lục"). Tang chồng vừa thọ, lại thêm nợ nước trên vai, hai vị anh thư đã chiêu mộ quân sĩ, cùng với hơn 70 tướng lĩnh, trong đó có các nữ tướng như Thánh Thiên ở Bắc Giang, Lê Chân ở Hải Phòng, Thục Nương ở Thái Bình, Nàng Nội ở Phú Thọ, Lê Thị Hoa ở Thanh Hóa…, oai hùng cỡi voi xông trận, giẹp tan giặc và giải phóng giang sơn khỏi ách thống trị của quân xâm lăng phương Bắc. Sau khi tan giặc và thu hồi được 65 thành trì, Hai Bà lên ngôi vua lấy hiệu là Trưng Nữ Vương, đóng đô ở Mê Linh, trị vì dân trong 3 năm (năm 40-43 sau Công Nguyên), khiến kẻ thù phải kiêng nể gái nước Nam! Tinh thần ấy đã gieo vào lòng những nữ sinh Trưng Vương chúng tôi niềm tự hào dân tộc, xây dựng trong chúng tôi một tình yêu quê hương tổ quốc nồng nàn, và khiến mỗi người chúng tôi luôn có gắng sống sao cho xứng danh con cháu của Hai Bà. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là ngọn cờ chống xâm lăng đầu tiên, viết lên trang sử hào hùng của dân tộc Việt, và khiến cho danh Trưng Vương được liệt vào hàng ngũ những nữ tướng anh hùng của thế giới! Vì được thừa hưởng hào khí ấy, mà trước năm 1975 dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, thời mà miền Nam phải đối phó với Cộng Sản xâm lăng miền Bắc, dù không được chung vai sát cánh cùng nam nhi ngoài chiến trường, nhưng nhiều nữ sinh TV đã gia nhập phong trào Phụ Nữ Bán Quân Sự, hoặc hăng hái tham gia những chương trình ủy lạo chiến sĩ tiền đồn, động viên tinh thần các anh hăng say chiến đấu bảo vệ nền tự do độc lập cho quê hương. Cũng còn phải nói đến không ít các nữ sinh TV là vợ, con của chiến sĩ, hay vinh dự trở thành cá quả phụ tử sĩ, để một mình nuôi dạy con cái nên người, thay cho chồng đã hy sinh đền nợ nước! Tôi miên man hồi tưởng về dĩ vãng mà hầu như quên hiện tại. Bỗng có ai đặt tay trên vai mình kèm với giọng nói êm dịu: " Chúc mừng bạn trở về họp mặt Trưng Vương!". Người bạn học không…nhớ mặt nhớ tên, đã thân mật kéo tôi vào hội trường, vì đã đến giờ khai mạc lễ. Những tiếng cười nói rộn ràng, những cử chỉ tay bắt mặt mừng, và những cái ôm thân thiết. Tôi quan sát khắp hội trường, nhìn lên hàng ghế đầu, các thày cô của tôi còn lại nay đã già, vì học sinh chúng tôi đã vào cái tuổi ngoài năm mươi đến "thất thập cổ lai hy", huống chi là thày cô! Tôi đang bồi hôì suy nghĩ thì một giọng nói Bắc kỳ ngọt ngào của chị xướng ngôn là cựu nữ sinh TV vang lên từ micro, mời mọi người hướng về sân khấu để chào hiệu kỳ Trưng Vương. Bài "Trưng Nữ Vương" được chọn là hiệu ca, hùng tráng vang lên: "Trưng Nữ Vương lau phấn son mưu thù nhà, mài gươm vang khúc toàn thắng hùng ca. Thu về giang san cho lừng uy gái Nam, bầu trời Á sáng ngời ánh quang! Nợ nước phó tay người nhi nữ, tình riêng cứu nguy cho toàn dân. Một lòng trung trinh son sắt bền, Hát Giang sóng rền!...". Một dòng máu nóng ran chảy trong khắp cơ thể tôi. Mọi người chúng tôi cùng đứng trang nghiêm hướng về ảnh của hai vị Nữ Anh Hùng được trưng bày trên sân khấu, cùng hát lên một cách thành tâm và trang nghiêm. Nhiều dòng nước mắt tuôn trên những đôi má đã qua thời xuân trẻ của cả thày và trò! Tôi biết có người khóc vì nhớ thời xa xưa dưới mái trường thân yêu, riêng tôi vừa xúc động khi nhớ về quá khứ, nhưng còn khóc vì hiện tại! Gương hy sinh cứu quốc của Trưng Vương khiến tôi liên tưởng đế hiện tình đất nước và người dân Việt. Khi xưa đất nước bị quân Tàu xâm lược, Tô Định hà khắc với dân lành, thì nay người dân tôi cũng đang chịu cảnh mất cửa nhà, đồng ruộng; nhiều gia đình phải tan nát, và đang rên siết dưới ách thống trị của bọn người Cộng Sản mất lương tri, tham lam tàn bạo! Không những thế, họ còn manh tâm dâng tổ quốc cho lũ sài lang! Nhưng ngày xưa thì đã có hai vị nữ anh hùng quyết "đem phấn son tô điểm sơn hà", còn ngày nay ai sẽ cứu nguy cho tổ quốc, đồng bào tôi? "Trưng Nữ Vương, dày đức cao ân! Xin ứng linh, ban phước cho giang sơn hòa bình.Trưng Nữ Vương! Nước Nam còn đó, giống Lạc Hồng quyết kiên lòng bồi đền non sông! Hồn quốc gia mờ phai má đào, Nhà Việt lặng buồn rầu rĩ sầu đau! Xui lòng nhi nữ mưu phục thù: Mê Linh rợp trời cờ Việt sắc phô. Mang phấn son tô màu sơn hà, lòng vì nước vì nhà. Cho Việt Nam muôn đời hùng cường, nhờ ân đức Trưng Vương!". Bài hiệu ca "Trưng Nữ Vương" vừa kết thúc, tôi bỗng ngồi sụp xuống ghế và khóc! Ngày xưa tôi nghe bài hát này với cảm nhận hân hoan nao nức bao nhiêu, thì ngày nay tôi lại cảm thấy xuyến xao và tủi buồn bấy nhiêu. Đất nước tôi ngày nay cũng đang bị đe dọa bởi kẻ thù xâm lăng phương Bắc: cả một dải giang sơn hoa gấm mà tiền nhân đã dày công vung đắp, và đem máu xương để giữ gìn, nay đã lọt vào tay quân thù! Những điạ danh ghi dấu các chiến công hiển hách oai hùng của tiền nhân như Ải Nam Quan, thác Bản Giốc, nay đã nằm bên kia ranh giới của Tàu, do những kẻ vì tham lam đã manh tâm dâng bán cho ngoại bang! Nhiều người Việt ngày nay muốn đi thăm lại quê hương hình chữ S, lần theo sử sách để tìm: "Nam Quan cho đến cà Mâu, một nhà Việt Nam non nước tươi một màu…", thì hỡi ôi! Ải Nam Quan nay còn đâu nữa? Xưa Nguyễn Trãi theo cha là Phi Khanh bị quân Tàu bắt đi, đến ải Nam Quan là biên giới, thì Phi Khanh quay lại từ biệt con và dặn dò: "Con hãy quay về lo mưu việc cứu nước và báo thù cho cha!". Nguyễn Trãi vâng lời gạt nước mắt từ biệt cha già, rồi quay về, theo Lê Lợi diệt giặc cho đến khi thành công, bình định được giang sơn, ông đã làm bài Bình Ngô Đại Cáo lưu danh đến muôn đời, thì nay địa danh đó đã nằm sâu trong đất địch! Những quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa đầy tài nguyên thiên nhiên như hải sản và dầu mỏ của ta, nay quân xâm lăng phương Bắc cũng đã lấn chiếm. Chúng bắt tàu bè, ngư dân của ta, hành hạ người và cướp lấy của, nhưng kẻ cầm quyền thì vẫn làm ngơ, lại còn khúm núm cúi đầu trước quân giặc! Những công trình xây dựng đất nước như đường xá, cầu cống…tiền tỷ của dân nước, được dâng vào tay những nhà thầu Trung quốc vô đạo đức , vô trách nhiệm và còn manh tâm phá hoại cả tài nguyên lẫn môi trường của ta, khiến "tiền mất tật mang", con cháu sau này không còn gì để sống, ngoài những món nợ ngập đầu và mảnh dư đồ tan nát! Chưa kể họ đã tạo cơ hội cho hàng chục vạn công nhân Tàu tràn vào đất nước! Giải giang sơn hoa gấm của dòng giống Tiên Rồng, nay đã tan hoang xơ xác do lũ người vong bản "cõng rắn cắn gà nhà", đem một thứ chủ thuyết CS ngoại lai hoang tưởng về ngự trị và phá nát giang sơn, phá tan những giá trị nhân bản, đạo đức truyền thống của cha ông, khiến người dân Việt đang lâm vào cảnh khốn cùng chưa từng có trong lịch sử! Lễ hội mừng 1000 năm Thăng Long càng lộ rõ sự thấp kém, ươn hèn của nhà cầm quyền CS lệ thuộc vào Tàu, vì "chất Tàu" nhiều hơn "chất Việt", và mang tính phá hoại hơn là xây dựng, ly tán hơn là đoàn kết dân tộc! Trong khi đất nước quá nghèo nàn, đa số dân chúng còn lầm than đói khổ, nhiều nơi học sinh phải đu dây qua sông, suối để đến trường chứ không có cầu để đi, thì nhà cầm quyền dám tự tung tự tác dùng tới 94 ngàn tỷ đồng, tương đương 1/10 ngân sách quốc gia để chi cho lễ hội, với những sự việc vừa kỳ quái, vừa ngu si, và mang tính phỉ báng lịch sử, khiến nhiều báo chí, nhiều thành phần dân chúng phải lên tiếng phản bác: tượng vua Lý Công Uẩn thì tạc giống Tần Thủy Hoàng, bộ phim "Đường về Thăng Long" tốn trên một trăm tỷ đồng, thì từ cảnh quan, trang phục cho đến diễn viên, quần chúng, rất đông là người Tàu, cảnh Tàu! Những trận đánh lịch sử chống quân Tàu xâm lược như trận Chi Lăng, Bạch Đằng, có trong lịch sử và trong kịch bản, thì bị đạo diễn Tàu cho cắt bỏ, khiến bộ phim lịch sử dời đô bị coi như một bộ phim Tàu, và không dám chiếu dịp lễ vì sợ sự "tức nước vỡ bờ" của dân chúng! Chưa kể biết bao sự phí phạm nhưng kệch cỡm, càng góp phần đào sâu hố chia rẽ giữa kẻ cầm quyền với người dân, nhất là đồng một lúc xuất hiện trên báo chí, truyền hình hai hình ảnh chống chọi nhau: một lễ hội được dư luận báo chí cho là phung phí tiền tỷ, hào nhoáng nhưng thiếu tính văn hóa, trong khi miền Trung bị lũ lụt chưa từng có, nhiều ngàn ngôi nhà ngập chìm trong nước, hàng triệu dân đói rét trong mưa, thiếu từng sợi mì, giọt nước để uống, nhiều ngôi làng bị xóa sổ, dân chúng kéo nhau ẩn mình trong những hang núi đá như thời tiền sử, trong khi chính quyền và nhiều người dân Hà Nội vô cảm, ngày đêm hoan lạc với những đèn hoa rực rỡ, bằng tiền đóng thuế của dân! Nước sắp mất, nhà sắp tan, nhưng nào ai sẽ ra tay cứu quốc? Đâu những vị anh hùng hào kiệt? Đâu những đấng anh thư mang dòng máu oai hùng bất khuất của Trưng Triệu ngày xưa? Nào ai dám ra tay trừ gian giệt bạo để cứu lấy non sông, cứu nguy cho dân tộc? Không! Dân Việt giờ đây vẫn không thiếu anh hùng hào kiệt, giàu lòng quảng đại với quê hương, muốn kê vai gánh vác sơn hà. Chỉ khốn nỗi, thay vì được xông pha nơi chiến trường xả thân vì nước, hay ít nhất được lên tiếng bảo vệ Tổ Quốc, thì họ đang bị những người anh em cùng con Hồng cháu Lạc, nhưng đã mất nhân tâm, mất linh hồn, ra tay sát hại, cầm tù! Kẻ "nội xâm" đã "khóa chân ngựa, cắt yên cương", khiến cho những người yêu nước không được đem tài năng và dũng khí cứu quê hương! Ôi! Cái nhục nào bằng, cái khổ nào bằng anh em giết hại anh em,con cháu trong nhà phản tổ tiên giòng giống?! Đau lòng lắm tiền nhân hỡi! Nước mắt Trưng Vương chắc là đang tuôn đổ cho quê hương tổ quốc, xót thương cho những cháu con dòng dõi Trưng Triệu như Công Nhân,Thanh Thủy, Như Quỳnh, Thanh Nghiên…, bên cạnh những kẻ nam nhi mang khí phách hào hùng của Quang Trung, Lê Lợi, như LM Nguyễn Văn Lý, Điếu Cày, Công Định,Tiến Trung, Duy Thức,Thăng Long, Hà Vũ v.v…, và còn biết bao người con yêu của mẹ Việt Nam trên khắp thế giới cũng như trong nước, đang âm thầm hy sinh mưu cầu độc lập, tự do, công lý cho toàn dân. Thượng Đế hỡi! Hồn thiêng sông núi hỡi! Xin hãy cưú dân lành, và trả lại cho chúng con cuộc sống an bình, non sông hoa gấm như ngày nào, để Dân Việt còn viết tiếp thiên Anh Hùng Ca: Việt Nam, Việt Nam muôn đời hùng cường! Tôi làm được gì? Bạn Làm được gì? Xin mỗi người hãy tạm quên bớt cuộc sống riêng, hãy hy sinh một phần hạnh phúc riêng để nghĩ đến đất nước, dân tộc. Dứt khoát phải bảo vệ non sông hoa gấm này không để rơi vào tay quân thù bạo tàn, bằng không, chúng ta sẽ có lỗi lớn với tổ tiên và với những thế hệ mai sau, nếu như thế hệ chúng ta làm mất nước! Còn đất nước mới còn dân tộc Việt, chúng ta không thể mãi mãi là kẻ sống nô lệ ngoại bang, hay sống lưu vong, sống nhờ vào một dân tộc khác, một đất nước khác suốt đời này qua đời nọ. Nếu chúng ta không chiến đấu chống quân thù để bảo vệ đất nước bây giờ, thì con cháu chúng ta sau này cũng sẽ phải chiến đấu dành lại quê hương tổ quốc, lúc đó sẽ muôn vàn khổ đau và khó khăn hơn bây giờ. Đừng để các thế hệ cháu con sau này đọc tên nước Việt Nam, mà không còn biết tìm Việt Nam ở nơi đâu! Mải miên man với những ý nghĩ riêng, tôi đã quên theo dõi những tiết mục trình diễn rất hùng tráng và dễ thương của ngày lễ hội Trưng Vương lần này! Cho đến khi một nhóm bạn cùng lớp "phát hiện" ra tôi ở một góc dưới cuối hội trường, họ ùa tới kéo tôi ra sân trường hàn huyên tâm sự, về chuyện riêng của mỗi người,và chuyện chung của đất nước, cho mãi đến qua trưa. Chia tay nhau chúng tôi ra về, lòng trĩu nặng một mối ưu tư chung, nhưng cũng an ủi nhau hãy nuôi hy vọng sẽ có một ngày mai quê hương bừng sáng, ngày đó chúng tôi sẽ gặp lại nhau để điểm danh xem ai còn ai mất, và chắc chắn là chúng tôi sẽ quy tụ thày trò cùng tổ chức một Lễ Hội Trưng Vương thật hoành tráng, để tạ ơn Trời, cảm ơn Tổ Tiên và anh linh của hai vị Trưng Vương đã phù hộ cho đất nước, đồng thời thắp lên một nén hương lòng để tưởng niệm những người con của tổ quốc đã vị quốc vong thân, hay những đồng bào đã chết oan trong thời tao loạn này với đủ mọi hình thức. Lúc đó, nếu còn được một chút gì để cống hiến cho quê hương tổ quốc, chắc chắn chúng tôi sẽ hết lòng không quản ngại. 13/10/2010 |