Apr 7, 2022

HÒI KÝ của HIỀN-Tháng tư đen ... Việt Nam 47 năm nhìn lại....(bài 1-5)

 Tháng tư đen ... Việt Nam 47 năm nhìn lại....





Ngày 30-4-1975 , 11giờ 30 Tổng thống Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, và sau đó trên truyền hình trình chiếu cảnh xe tăng thiết giáp cuả Việt Cộng hất đổ cánh cưả dinh Độc lập.....

Thế là hết... H. lẩm bẩm... những giọt nước mắt tự nhiên tràn ra hai khoé mắt không ngừng, mặc dù H. đã cố gắng không khóc và kềm nước mắt cho khỏi khóc...

khi nghĩ đến bao nhiêu ước vọng ở tương lai và những dự định sắp thành hiện thực, trong phút chốc chỉ là con số không to tướng... 19 năm mài đũng quần trên ghế nhà trường với hy vọng có được mảnh bằng luật khoa với 1 nghề nghiệp ổn định, và một mái ấm gia đình...thì nay chỉ là ảo vọng ….

Tất cả thế giới dường như đang sụp đổ trước mắt H. và tất cả các cánh cưả đã đóng lại... chỉ còn lại 1 tương lai mù mịt, tối đen và xa vời và đáng sợ hơn nữa là không biết chuyện gì sẽ xảy ra trong những ngày sắp tới...cho gia đình H. , và họ hàng thân thuộc.... mà không biết mình và gia đình có còn sống sót hay không. Thật là đau đớn, thật là tuyệt vọng. H. chỉ muốn chết đi....ngay trong giây phút này..vì quá sợ hãi và tuyệt vọng...

Ngôi nhà nhỏ bé cuả gia đình H. mấy hôm nay trở nên đông đúc, chật chội và bận rộn.., vì có thêm gia đình ông chú ở Quy Nhơn lớn nhỏ 13 người đã chạy về Saigon và tá túc ở nhà H.. Họ đã bỏ bỏ của chạy lấy người..nhà cưả, cưả hàng buôn bán.,phương tiện sinh sống duy nhất cuả cả gia đình.. , để không phải chung sống với việt cộng , ..làm tăng thêm không khí hoảng loạn, sợ hãi, buồn rầu, lo lắng và căng thẳng... hơn thêm . ..và chẳng ai thiết làm ăn gì , thậm chí ngay cả việc nấu ăn hằng ngày cũng không ai quan tâm đến giờ giấc phải ăn nữa, chỉ là ăn qua loa, cho xong bưã, và xong việc.. và tất cả chỉ bàn chuyện đi hay ở, đi thì đi đâu bây giờ..? và sẽ sống như thế nào và phải làm gì trong những ngày sắp tới...

Ngay từ đầu tháng 3-1975 bắt đầu là những trận pháo kích Tây nguyên: Pleiku, Kontum thất thủ và CS tiến chiếm Ban MêTHuật chỉ trong vòng 20 ngày, làm tan rã lực lượng Quân Đoàn 2, Quân khu 2, sư đoàn 23 cuả quân lực VNCH.

Hình ảnh tang thuong cuả những người lính thất trận đang tháo chạy trên đường số 7.... Những gương mặt thất vọng, mệt mỏi và đau thương cuả những người lính VNCH cùng với dòng người hoảng loạn di tản từ các tỉnh đã và đang bị việt cộng tiến chiếm, đang lũ lượt bỏ chạy về Saigon, nơi mà họ tin rằng đó là nơi trú ẩn ăn toàn cuối cùng cho bản thân họ và gia đình....

được trình chiếu từng giờ trên đài truyền hình cũng như liên tiếp những thông tin tình hình chiến sự ..của quân lực VNCH đang chiến đấu 1 cách tuyệt vọng ở các tỉnh đang bị tiến chiếm và những hình ảnh tháo chạy cuả quân lực VNCH từ những tỉnh đã bị quân Việt Cộng tiến chiếm cuả đài BBC cuả Luân Đôn và Đài VOA, (Tiếng nói Hoa Kỳ) hằngngày và hằng giờ đã làm mọi người thêm bấn loạn...

Thêm vào đó, các nguồn tin Mỹ và các đồng minh đã và đang rời bỏ VNCH, quân lực Mỹ và các đồng minh cuả Mỹ và VNCH đang chuẩn bị rút quân và chính phủ Mỹ cắt giảm vũ khí viện trợ...đã làm tình hình thêm hỗn loạn và bi đát...chưa kể những tin đồn : khi Việt cộng chiếm được miền Nam, chúng sẽ bỏ các thương phế binh cuả Việt cộng vào bao bố để bắt các phụ nữ còn độc thân phải lấy làm chồng, để tưởng thưởng cho công lao cuả họ, cũng như sẽ rút móng tay, móng chân cuả những chị em sơn móng tay, hoặc móng chân ... vì đã theo lối sống đồi truỵ cuả "Mỹ Nguỵ".... Thật là kinh hoàng và đầy sợ hãi ...về những nguồn tin như vậy... và theo Hiền biết, một số ít bạn cuả mình đã bị ảnh hưởng ít nhiều về những nguồn tin như vậy nên đã vội vã lập gia đình mà không cần tổ chức đám cưới, miễn sao không phải lấy thương phế binh Việt Cộng...

Hình ảnh từng đoàn người lũ lượt bỏ xứ ra đi bằng tầt cả phương tiện mà họ có, xe đò, xe gắn máy, tầu nhỏ, chạy bộ..., những gương mặt mất thần, hoảng loạn, quần áo tơi tả, rách nát và đói khát .. tất cả đang cố gắng 1 cách tuyệt vọng để chạy thoát nanh vuốt cuả việt cộng, làm cho tất cả những người dân miền Nam không khỏi đau đớn và buồn rầu, cũng như xót xa cho thân phận cuả họ.

Tiếp theo đó là Huế và Đà Nẵng bị Việt Cộng tiến chiếm chỉ trong 3 ngày ( 26-3 đến 29-3) làm tan rã lực lượng Quân Đoàn 1, Quân khu 1 là lực lượng được đánh giá là tinh nhuệ nhất cuả quân lực VNCH, cuả tướng NGô Quang Trưởng, với lời thề quyết chiến và hy sinh đến giọt máu cuối cùng , người được mệnh danh là người hùng cuả đất nước, liêm khiết, can đảm và gan dạ vào bậc nhất trong hàng ngũ các tướng lãnh thời bấy giờ và là hung thần cuả Việt Cộng... lại làm cho dân tình thêm nao núng và tuyệt vọng...

Chiến tranh VN đã xảy ra 30 năm nhưng chưa bao giờ người Saigòn cảm nhận được không khí chiến tranh như bây giờ.... mà hình như ở nơi nào đó xa xôi lắm...

Một Saigon bình yên và tráng lệ về đêm, 1 không khí yên bình và hầu như chưa bao giờ nghe 1 tiếng súng, thay vì với những tiếng đạn pháo kích mỗi ngày một gần và sặc mùi thuốc súng như lúc này....

Cả tháng nay nay bố, bác và các chú , một ông trung tá võ bị Đà Lạt và hai ông đại uý pháo binh, những người đã làm việc cho chế độ VNCH, không ai thiết làm ăn gì mà tất cả tụ tập ở nhà H để nghe tin tức và bàn bạc chiến sự đang nổ ra trên 4 vùng Quân Khu và 4 vùng chiến thuật. . Tin tức đó đây 1 vài tướng lĩnh cuả VNCH đã tuẩn tiết để bảo tồn danh dự và quyết hy sinh mạng sống cuả mình đến giây phút cuối cùng... lại càng thêm bi đát và tuyệt vọng...

Bố thì mỗi ngày chạy vào Tổng nha cảnh sát ở 268 đường Nguyễn văn Cừ, ( nếu H. nhớ không nhầm và bố đã chở H. vào sở chơi mấy lần khi H. còn bé, đối diện với trường Trung học Petrus Ký ) không phải để làm việc, mà để thiêu huỷ tài liệu, giấy tờ mà bố và các đồng sự nghĩ rằng sẽ nguy hiểm khi lọt vào tay việt cộng và vội vã trở về nhà để bàn bạc với bác và các chú mỗi người sẽ ứng phó như thế nào khi việt cộng tiến chiếm Saigon chỉ còn là vấn đề thời gian ...từng giờ từng phút..

Tất cả đều luẩn quẩn ở trong đầu 1 câu...và hỏi nhau :

nếu đi, thì đi đâu ? và bằng cách nào....? và ai đi?, ai ở..? vì không thể đi hết cả gia đình với tất cả những bất trắc và tuyệt vọng....và nếu không đi , thì ở lại... sẽ làm thế nào để đối phó với chính quyền Việt cộng sắp tới...?sẽ trả lời thế nào với Việt cộng về tội di cư 1954 và nay thêm tội cuả bố là cộng tác với "địch" với chức danh thiếu tá cảnh sát, lực lượng đặc biệt, chuyên giảng dạy và huấn luyện cho Trung tâm huấn luyện tình báo TRung ương ở Tổng nha Cảnh sát Quốc Gia.

Thật là 1 câu hỏi nan giải và không có lời đáp vào lúc này...và vô cùng bối rối... Mẹ thì bàn : bố trốn lên Đà Lạt, tá túc nhà ông chú có đồn điền trồng cà phê ở Đức Trọng ( Đà Lạt) và giả làm nông dân để che mắt Việt Cộng, vì mẹ lý luận rằng bố H. mặc thường phục, không măc đồ cảnh sát bao giờ.

Ông chỉ có 1 chiếc xe được chính phủ cấp, hàng xóm có lẽ biết ông làm công chức, nhưng không biết ngành nghề gì.

Bố thì bảo bố sẽ không làm thế, vì sợ liên luỵ đến cả nhà cũng như họ hàng, việc bố đã làm, bố tự chịu, nếu cần, để mình bố hy sinh, dù có bị việt cộng bắn chết... Thật là não lòng... và tuyệt vọng....giống như 1 lời trăn trối.

BÀI 2 :Sài Gòn:Những ngày cuối cùng của tháng 4/1975 bi thảm...và hỗn loạn..



Ngày 26-4 đến 30-4 -1975

Gần 15 vạn quân ”giải phóng” từ khắp các ngả đường đang rầm rập áp sát thành phố , toàn bộ quân đoàn 3, quân khu 3 tan rã..., gồm - Saigòn. Gia Định và miền đông Nam bộ gồm · Bà Rịa – Vũng Tàu · Bình Dương · Bình Phước · Đồng Nai và Tây Ninh .

Những ngày 27, 28, 29 tháng 4 những giòng người hỗn loạn bồng bế chồng chất nhau, leo qua những bức tường của toà Đại Sứ Mỹ ở Đại Lộ THống Nhất, hay trốn chạy vào phi trường Tân Sơn Nhất hoặc tuôn xuống những tàu hàng đang cập bến và thả neo ở bến Chương Dương và các bến khác .. với hy vọng được bốc đi và di tản sang Mỹ ... tạo nên 1 cảnh tượng vô cùng hỗn loạn ...và tuyệt vọng....

Người ta chạy tứ tán, kêu gào trong cơn hoảng loạn, rượt theo những chiếc xe chạy qua, van xin để được lên máy bay. Rồi mọi người đi ra bến tàu, cảnh tượng còn ghê sợ hơn. Người ta nhảy lên thuyền và rớt xuống nước. Có người bị thuyền nghiến lên; người thì khóc, kẻ kêu gào; trẻ con chạy tan tác vì lạc cha mẹ. Cảnh tượng như trong phim. Những phát súng thị uy...khói bốc lên khắp nơi, và có tiếng súng nổ …

Từ chập tối ngày 28/4, Việt cộng bắt đầu ném bom và nã pháo vào sân bay Tân Sơn Nhất. Mới đó đã 40 tháng từ ngày kí Hiệp định Paris, giờ người Sài Gòn mới lại nghe tiếng pháo. Con đường sơ tán chủ chốt bằng đường hàng không tại sân bay cạnh sân bay Tân Sơn Nhất. đã bị cắt đứt.

Trước đó, Mỹ đã bắt đầu di tản dần công dân cuả họ ra khỏi Sài Gòn. Tuy nhiên, vẫn còn hàng ngàn người Mỹ kẹt lại trong thành phố. Đấy là còn chưa kể gia đình, vợ con cuả lính Mỹ ở Việt Nam, các đồng minh của Mỹ, và các phóng viên và rất nhiều người Việt Nam làm việc cho Mỹ hoặc cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), Nếu di tản hết thì phải lên đến hàng trăm ngàn người. Không chỉ những người làm việc cho quân đội và chính quyền VNCH và gia đình của họ cũng muốn ra đi, vì lo sợ, mà một bộ phận dân chúng cũng hoang mang và muốn ra đi...

Sự hoang mang như vết dầu loang ra khắp thành phố. Người Mỹ và những người Việt có liên quan, không ai còn có thể ngồi yên. Chỉ còn cách chuyển sang phương án dự phòng mạo hiểm cuối cùng: di tản toàn bộ những người còn lại bằng trực thăng, cái mà người Mỹ gọi là Chiến dịch Gió lốc (Operation Frequent Wind)....

Sáng sớm ngày 29/4, đích thân đại sứ Mỹ Martin Graham ra sân bay giữa tiếng nổ ùng oàng của của đạn pháo và không thể di tản bằng đường hàng không được nữa. Tới 10h48, thì không còn có thể chần chừ thêm được nữa, ông liên lạc về Mỹ xin khởi động Chiến dịch Gió lốc. Chỉ 3 phút sau, đề nghị nhanh chóng được chấp thuận. Giai điệu bài hát White Christmas là mật khẩu vang lên trên sóng phát thanh. Cuộc di tản bằng trực thăng lớn nhất trong lịch sử loài người chính thức bắt đầu:

Những người sẽ di tản (bao gồm người Mỹ, người nước ngoài, và những người Việt được lựa chọn) được phát 1 cuốn sách hướng dẫn nhỏ. Theo đó, ám hiệu bắt đầu chiến dịch là bài hát White Christmas được phát trên Đài Phát thanh Quân đội Hoa Kỳ. Khi nghe hiệu lệnh này, người di tản phải ngay lập tức tập trung tại 1 trong 28 điểm tập kết đã định khắp thành phố. Tại đây, các chuyến xe bus theo 4 tuyến đường khác nhau sẽ đưa họ đến Văn phòng Tùy viên Quân sự Hoa Kỳ (DAO) cạnh sân bay. Từ căn cứ này, trực thăng sẽ chở người di tản ra các tàu của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ đợi sẵn ở ngoài khơi biển Vũng Tàu.

Tòa đại sứ cùng nhiều nóc nhà khác ở trong thành phố cũng đã được Mỹ khảo sát và chọn làm điểm hạ cánh, nơi trực thăng sẽ đón người di tản ra căn cứ DAO, cạnh sân bay Tân Sơn Nhất.

Thế nhưng, chẳng mấy chốc, mọi việc trở nên hỗn loạn. Số người muốn di tản quá nhiều, đến mức mà các chuyến xe bus và trực thăng chỉ như muối bỏ biển. Người ta đổ dồn đến các điểm chờ xe bus, các tòa nhà cao tầng nơi có điểm đỗ trực thăng, các bến tàu trên sông Sài Gòn, và đặc biệt là bủa vây tòa đại sứ, hòng mong chen lấn được một chỗ để ra đi.

Air America, hãng hàng không dân sự thuộc sở hữu bí mật của CIA, được giao nhiệm vụ đón người di tản tụ tập trên các nóc nhà khắp thành phố. Phi công Tony Coalson vẫn còn nhớ như in: “Có quá nhiều nóc nhà và chúng tôi thực sự không biết cái nào ra cái nào. Chúng tôi chỉ còn biết chọn bừa 1 cái và đáp xuống.”

Nhiều quan chức và sỹ quan của VNCH, dù liên lạc và được trưởng chi nhánh CIA Tom Polgar tìm cách bố trí, cũng không thể chen chân giữa biển người bao quanh tòa đại sứ Mỹ.

Trong số những người cuối cùng rời Sài gòn trong chiến dịch mệnh danh là Gió Lốc – Operation Frequent Wind, có vị Đại sứ cuối cùng của Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam: Đại sứ Graham Martin.

Ông nhất định từ chối bước lên máy bay di tản, và cố tìm cách kéo dài thời gian để có thể sơ tán càng nhiều người miền Nam chừng nào hay chừng ấy, bất chấp sự hối thúc và cả lệnh trực tiếp từ Phòng Bầu dục, Tòa Bạch Ốc.

Khi Đại sứ Martin rời Sài gòn, cuộc di tản đã chính thức chấm dứt.

Sáng 29 tháng 4 trong một buổi vào sở cuối cùng để thiêu huỷ tài liệu tuyệt mật, cha tôi đã được đại tá Trần văn Hai, Tổng giám đốc Tổng Nha Cảnh sát quốc gia (lúc bấy giờ) , cho biết :”tình hình bi đát và tuyệt vọng lắm rồi ”và ngỏ ý muốn giúp cha tôi di tản....

Trái với nghề nghiệp đặc vụ của mình cha tôi, thì cha tôi là người đàn ông đa sầu, đa cảm, tính tình uỷ mị, ông có tài làm thơ văn , đặc biệt là thơ tình và có nét chữ viết rất đẹp. Chính vì cảm mến tài văn thơ rất hay và chữ viết như rồng bay phượng muá ( theo lời đại tá Hai đã nói lần nói với bố) nên ông ngỏ ý muốn giúp cha tôi di tản.. và bố đã từ chối....

Quyết định sai lầm này đã dẫn đến cái giá rất đắt mà cha tôi đã phải trả là 9 năm đi học tập cải tạo ở các trại học tập từ Nam ra Bắc và 2 năm quản lý ở điạ phương sau khi được tha vào năm 1984.

Điều này ông không hề nói với mẹ con tôi biết, cho đến khi ông đi học tập trở về, cứ mỗi tuần bố phải làm tờ tường trình cho công an khu vực ( công an nơi mình cư ngụ) cho biết ông đã đi đâu? làm gì ?và gặp những ai...?

Đó là sự khủng bố tinh thần vô cùng nặng nề... mà những người đi ”học tập cải tạo” như cha tôi phải chịu đựng.

Ông đã cay đắng cho biết lý do mà ông đã từ chối lời giúp đỡ cuả đại tá Hai, là vì ông đã không nỡ rời bỏ mẹ con tôi trong tình thế dầu sôi , lửa bỏng và không biết sống chết ra sao, cũng như ông rất hận người Mỹ đã phản bội và bỏ rơi VNCH, chính vì vậy mà sau năm 1984 mặc dù cha tôi có đầy đủ điều kiện đi sang Mỹ theo diện HO, nhưng ông đã cương quyết không nộp đơn xin đi Mỹ như các bạn đồng nghiệp khác. ..




Bài 3: Bối cảnh xã hội trong ngày " giải phóng" 30-4-1975 và những ngày kế tiếp...


Các bạn thân mến,

Trong phần đầu cuả hồi ký, Hiền cố gắng tóm tắt sơ lược bối cảnh xã hội cũng như những chính sách, biện pháp cuả nhà nước chính quyền cộng sản ở VN đã áp dụng sau năm 1975, để giúp các bạn có cái nhìn tổng thể xã hội Việt Nam đã thay đổi như thế nào dưới chế độ gọi là " xã hội chủ nghiã"

Điều này có thể là nhàm chán với 1 số bạn đã ở lại VN sau năm 1975, vì đã hiểu rõ hơn ai hết cũng như chính mình đã chứng kiến những gì đã xảy ra sau năm 75, nhưng Hiền cũng muốn giúp các bạn đã may mắn đi du học trước năm 75 sẽ hiểu rõ hơn những gì đã xẩy ra sau 1975 và cũng là để giải đáp phần nào tại sao việt cộng đã chiến thắng VNCH năm 1975, cũng như trải qua 47 năm dưới chế độ hà khắc cuả CSVN, đại đa số dân chúng phải sống trong cùng khổ, những tiếng nói đối lập bị đàn áp thẳng tay mà đã không có những cuộc cách mạng đẫm máu đã nổ ra như cách mạng pháp năm 1789 hay những cuộc nổi loạn lớn cuả dân chúng, cũng như không có những cuộc biểu tình lớn chống lại nhà nước Cộng sản như dưới thời chính phủ NGô đình Diệm... và câu hỏi tại sao việt cộng đã chiến thắng VNCH vẫn là 1 câu hỏi lớn đối với Hiền và cho đến nay Hiền đã tạm tìm ra câu trả lời... có thể là khiếm diện, là chủ quan, có thể là thiếu sót... Hiền mong tất cả các bạn chúng ta sẽ thảo luận và đưa ra ý kiến cuả mình, có thể là đối kháng với ý kiến cuả Hiền, để cho câu trả lời được đầy đủ và toàn diện hơn.

Bối cảnh xã hội trong ngày " giải phóng" 30-4-1975 và những ngày kế tiếp...

Ngày 25, 26, 27, 28 tháng 4 /1975 tại trước cửa các ngân hàng tại Saigon, Chợ lớn

Cùng với những giòng người rồng rắn xếp hàng rồng rắn trước cửa các ngân hàng để mong rút tiền... đã tạo nên cảnh hỗn loạn và buộc các ngân hàng phải đóng cưả... hoặc chỉ cho rút nhỏ giọt, vì không đủ lượng tiền mặt tồn quỹ trong ngân hàng nữa..

Tại Saigòn, ngay chiều 30-4-1975 hầu hết các ngân hàng cuả VNCH ở khu vực Saigon, Gia Định, Chợ Lớn đã được niêm phong và việt cộng tiếp quản toàn bộ kho tiền và cơ sở vật chất, cụ thể là các ngân hàng và cơ quan ngân khố quốc gia VNCH.

Tại thời điểm đó, lượng tiền mặt trong ngân khố cuả VNCH là hơn 1000 tỉ đồng VN , tương đương với 2 tỉ USA dollar,với tỉ giá lúc bấy giờ, và lượng tiền mặt trong lưu thông trong dân chúng là 615 tỉ đồng VN.

Sơ lược về bộ máy cai trị cuả chính quyền Cộng sản sau ngày 30-4-1975

Ngay từ ngày 3-5- 1975 cái gọi là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam, thay mặt cho Mặt trận Giải Phòng miền Nam ra quyết định thành lập Ủy Ban Quân Quản TP Sài Gòn, Gia Định và tuyên bố cái mà họ gọi là: để giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ thành quả cách mạng và trấn áp các thế lực phản động thù địch sau "giải phóng" do Thượng Tường Trần văn Trà làm chủ tịch, các ông Võ văn Kiệt và Mai Chí Thọ giữ chức PHó chủ tịch.

Đây là cơ quan quyền lực cao nhất đầu tiên cuả " nhân dân " thành phố, với nhiệm vụ chủ yếu là :

Tiếp quản các cơ quan quân sự như Bộ Tổng THam mưu các cơ quan hành chính, kinh tế như ngân hàng, ngân khố, các cơ sở văn hoá giáo dục như Bộ Giáo Dục, các trường Đại học, và các trường trung học công lập..các cơ quan y tế xã hội như Bộ y tế, Khoa học và kỹ thuật cuả VNCH




· Tiếp tục đánh , truy lùng tàn binh, trấn áp ... để thiết lập trâjt tự trị an, bằng cách kêu gọi những người làm việc cho VNCH như quân đội ( từ nay được gọi là ngụy quân) và cảnh sát ( từ nay được gọi là ngụy quyền) sĩ quan và hạ sỹ quan, ra đầu thú ,khai báo và chuẩn bị lương thực, quần áo trong 10 ngày để đi học tập..

· Lời bình:

· Xây dựng lực lượng chính quyền về các mặt...., chủ yếu xây dựng chín mà thực chất là 10 ngày đi đường, còn học tập cải tạo "mút muà"ở nơi nào, thời gian bao lâu, không ai được biết...h quyền điạ phương như Ủy Ban nhân dân phường, quận và thành phố...tổ dân phố, công an như: công an phường hay còn gọi là công an khu vực, CA quận và CA thành phố để quản lý dân chúng một cách chặt chẽ..

· Lời bình:

với việc xây dựng chính quyền điạ phương dưới hình thức " tổ dân phố" gồm khoảng 25, 30 gia đình là hàng xóm với nhau, và công an khu vực quản lý , cũng như UỶ Ban nhân dân Phường đã có thể kiểm soát 1 cách chặt chẽ nhất cử, nhất động cuả người dân trong khu vực .

· Để khủng bố tinh thần dân chúng và răn đe tội phạm hình sự cũng như những người có ý định đối kháng, chính quyền Việt Cộng thành lập những toà án nhân dân lưu động , bắt các người dân tại điạ phương tham dự, nơi xảy ra tội phạm để răn đe bằng các bản án tử hình như xử bắn tại chỗ...

· Đánh tư sản mại bản bằng cách kiểm kê tài sản, nhà cưả, tiền bạc và tịch thu nhà máy sản xuất hay cơ sở kinh doanh cuả họ...

· Ban hành mẫu kê khai lý lịch cho học sinh, sinh viên hay bất cứ người dân nào muốn tìm việc bất kể ở khu vực công hay tư, trong đó nêu rõ bản thân cũng như cha mẹ, anh em ở đâu, làm gì ở đâu, thời gian nào đến đến thời gian nào.. ?

· Lời bình:

Với mẫu kê khai lý lịch như trên, nhà nước có thể phân biệt những gia đình có dính líu đến "nguỵ quân, nguỵ quyền" cũng như những thành phần có lý lịch tốt để phân biệt đối xử..

· Ban hành mẫu giấy đi đường, từ nay mọi việc di chuyển ra khỏi nhà để đến một nơi khác chổ mình ở, phải xin ”giấy đi đường” tại Uỷ Ban Nhân Dân phường cấp phép, trong đó nêu rõ điạ chỉ nơi đi, nơi đến, thời gian ở bao lâu, mục đích di chuyển?

· Lời bình:

giấy phép đi đường cũng như thủ tục đăng ký tạm trú, tạm vắng mà thực chất là để kiểm soát những người lạ mặt hoặc những người từ nơi khác đến, mà có thể là tàn binh cuả chế độ VNCH còn trốn tránh, chưa ra trình diện hay đi học tập, hay những phe nhóm có âm mưu tạo phản...sẽ được phát hiện kịp thời.

Chưa kể những cuộc kiểm tra hộ khẩu ( gia đình) đột xuất và bất thần vào ban đêm cuả công an khu vực ( ở điạ phương) kết hợp với công an quận để truy tìm người không có tên trong hộ khẩu ( sổ gia đình) mà có thể là băng nhóm cuả bọn " phản cách mạng"., hoặc truy tìm tiền, vàng dấu cất cuả những gia chủ có máu mặt...

là những sự khủng bố tinh thần người dân vô cùng nặng nề và sợ hãi dưới cái gọi là chế độ XHCN. vì có thể bị bắt giữ vô lý do, nếu công an nghi ngờ 1 điều gì, và giải đi ngay trong đêm, mà không cho biết đem đi đâu, thời gian bao lâu và bị tội gì?

· và phải làm thủ tục đăng ký tạm trú , tạm vắng cho người không có trong sổ hộ khẩu ( còn gọi là sổ gia đình trước năm 1975) từ nơi khác đến.với chính quyền sở tại ( phường, quận...)Theo Hiền biết , thủ tục này kéo dài cho đến năm 2008 ??? mới chấm dứt.

Hoạt động cuả ngân hàng sau năm 1975

Sau năm 1975 xoá bỏ toàn bộ hệ thống ngân hàng tư nhân, và từ nay chỉ có ngân hàng do nhà nước quản lý.

Sáng 1-5-1975 Uỷ Ban Quân Quản Chính Phủ Cách Mạng Lâm thời tuyên bố quốc hữu hoá toàn bộ hệ thống ngân hàng cũ và thành lập Ngân hàng Quốc gia Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam do ông Trần Dương làm Thống đốc và thông qua danh nghiã như 1 tổ chức hoàn toàn độc lập với Bắc Việt để thưà kế vai trò hội viên cuả ngân hàng quốc gia Việt nam cũ cuả VNCH trong các tổ chức quốc tế như IMF, ADB, WB...

( IMF: International Monetary Fund, Quỹ tiền tệ quốc tế)

( ADB: Asian Development Bank, : Ngân hàng phát triển ( các nước ) Á Châu

( WB: World bank,Hệ thống ngân hàng thế giới )

Ngày 2 tháng 7 năm 1976, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất đổi tên nước thành Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đồng thời thành phố Saigon Gia Định được đổi tên thành TP Hồ Chí Minh, TP mang tên "Bác" ( Hồ Chí Minh, chủ tịch đầu tiên của đảng CSVN.

Chắc các bạn còn nhớ 2 câu thơ nổi tiếng cuả nhà thơ ngục sỹ nguyễn Chí THiện ( 1939-2012) và tập thơ nổi tiếng Hoa Điạ Ngục, sản phẩm cuả 27 năm trong lao tù Cộng Sản, để nói về việc đổi tên TP cũng như tên đường sau năm 1975:

Nam Kỳ Khởi NGhiã tiêu Công Lý

Đồng Khởi lên rồi mất Tự Do...

Sau khi chấm dứt chế độ chính trị Việt Nam,từ năm 1975 đến năm 1985 nhà nước CSVN đã thực hiện 3 lần đổi tiền, mà thực chất là cướp tiền cuả dân 1 cách trắng trợn và hợp pháp...

mà Hiền đã tham dự 1 lần trong năm 1985, với tư cách Bàn Trưởng Bàn đổi tiền phường 25, quận 1 , TP Hồ Chí Minh.... ( sẽ thuật lại trong 1 bài viết vào lần tới...)

Trong thực tế, cả 3 lần đổi tiền, dân chúng đều biết trước, nhưng nhà nước CS cũng như báo chí vẹm luôn ra sức cải chính..., và hăm dọa những ai tung tin đồn thất thiệt sẽ bị trừng trị thích đáng...và sau đó các cuộc đổi tiền đã diễn ra như theo lời đồn đoán trước cuả dân chúng.Đó là những sự dối trá trắng trợn cuả việt cộng.

1. Lần I là ngày 22-9-1975:

· 17 giờ chiều ngày 21-9-4975, đài phát thanh yêu cầu người dân phải về nhà trước 23 giờ để đợi thông báo quan trọng.

· Lúc 2 giờ ngày 22.09.1975, đài loan tin về quy định đổi tiền và kéo dài thời gian giới nghiêm đến 11 giờ sáng.

· Thời gian đổi tiền sẽ bắt đầu vào lúc 11 cho đến 23 giờ cùng ngày, tức chỉ có 12 giờ đồng hồ để hoàn thành việc thu và đổi tiền.

· Thể thức :

- Hối suất : 500 đồng Việt Nam Cộng hòa = 1 đồng Cộng hòa Miền Nam Việt Nam;

· Mỗi gia đình chỉ được đổi 100.000 đồng cũ ra thành 200 đồng mới để tiêu dùng thường nhật. Phần còn lại được gởi vào trương mục cuả nhà nước giữ lại.

từ đầu năm 1976, các gia đình có số tiền vượt trội quá quy định được đổi tiền ở trương mục cuả ngân hàng nhà nước được phép rút 30 đồng mới mỗi tháng, nhưng đến tháng 12/1976 thì trương mục khóa lạibị khoá lại vĩnh viễn...

2. Lần đổi tiền lần thứ hai là ngày 3-5-1978

Sau khi thống nhất Việt Nam năm 1976, đảng Lao động CS Việt Nam quyết định xã hội chủ nghĩa hóa nền kinh tế thị trường, xóa bỏ tư sản thương mại và dân tộc, xây dựng hợp tác xã,…

Theo đó tiền tệ hiện lưu hành tại hai miền Nam Bắc hết giá trị giao hoán và những ai đang sở hữu tiền cũ này phải đem đổi lấy tiền mới.

Dân thị thành được đổi tối đa:

- 100 đồng cho mỗi hộ 1 người;

- 200 đồng cho mỗi hộ 2 người;

- Hộ trên 2 người thì người thứ 3 trở đi được đổi 50 đồng/người;

- Tối đa cho mọi hộ thành phố bất kể số người là 500 đồng.

Dân quê được phép đổi theo ngạch sau:

- 100 đồng cho mỗi hộ 2 người ;

- Hộ trên 2 người thì người thứ 3 trở đi được đổi 30 đồng/người;

· Tối đa cho mọi hộ dưới quê bất kể số người là 300 đồng.

· Số tiền đang có trên mức tối đa phải khai nộp và ký thác vào ngân hàng. Khi cần dùng có lý do chính đáng thì tiền đó có thể rút ra. Một điều buộc nữa là trương chủ phải chứng minh số tiền này là tiền kiếm được bằng sức lao động chân chính.

- Lần 3: Đổi tiền ngày 14.9.1985

Ngày 12-9-1985, báo Tuổi Trẻ đăng tại trang nhất: ‘Bẻ gãy thủ đoạn tung tin đổi tiền của gian thương...

Thế rồi, sáng 14.09.1985, hệ thống loa phóng thanh đường phố loan tin Đổi Tiền. Đó là sự khác biệt giữa biện pháp do cộng sản chủ trương và những sự Đổi Tiền ở những nước dân chủ.

Trước đó, Phan Văn Khải, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, viết báo biện luận ‘Đổi tiền là vì lợi ích của nhân dân lao động

Lời bình:

Với chính sách đánh tư sản mại bản, sa thải toàn bộ những người làm việc trước năm 75 , bất luận trong lãnh vực công hay tư, quốc hữu hoá ngân hàng tư, và 3 lần đổi tiền...nhà nước Việt Cộng đã làm cho đất nước tụt hậu hàng 50,60 năm.

Dân nghèo cùng, khốn khổ, nhà nước cũng không khá gì hơn, vì dân có giầu, nước với mạnh... mà chính những lãnh đạo cao cấp cuả Đảng như thủ tướng Võ văn Kiệt và nhiều yếu nhân khác trong bộ máy cuả họ , cũng phải thưà nhận trong các đại hội đảng cuả họ là sai lầm và quá tàn bạo....


Bài 4: Đời sống xã hội cuả dân chúng miền Nam sau năm 1975: 1 cuộc đại khủng hoảng thất nghiệp khổng lồ …

Sau ngày 30-4 -1975 hầu như tất cả đều thất nghiệp, bất kể là công hay tư sở, vì Việt Cộng đã đóng cửa tất cả nhà máy sản xuất cũng như tất cả cơ sở kinh doanh lớn như xuất nhập khẩu, hay các nhà buôn lớn họ tự động đóng cưả vì sự an toàn cuả họ, các trường đại học đều đóng cửa, các khoa trưởng các trường đại học đều bị nghỉ việc, và phần lớn các giáo sư đại học cũng cùng số phận.

Tại đại học luật khoa, giáo sư khoa trưởng Vũ quốc THông phải đi học tập cùng với 1 số giáo sư khác , vì đa số các giáo sư dạy đại học luật khoa đều là những chính khách tên tuổi, hay là những viên chức cao cấp như bộ trưởng cuả chính phủ VNCH , ngoại trừ các trường tiểu học được tiếp tục giảng dạy, nhưng thành phần lãnh đạo cuả các trường trung học và tiểu học như hiệu trưởng, giám học ... đã được thay thế bằng các viên chức của việt cộng, hoặc trở thành " phó hiệu trưởng" nếu có lý lịch "trong sạch" nghiã là không dính líu tới " ngụy quân"hay "ngụy quyền" để giúp viên chức của việt cộng tiếp tục điều hành, và các thầy cô gíáo tiểu và trung học được tiép tục giảng dạy sau 1 thời gian ngắn bị đóng cưả, và từ nay họ được gọi là giáo viên cấp 1 , nếu dạy từ lớp 1 đến lớp 5, giáo viên cấp 2 nếu dạy từ lớp 6 đến lớp 10( mà trước đây ta thường gọi là trung học đệ nhất cấp, và giáo viên cấp 3, nếu dạy từ lớp 10 đến lớp 12 ( trước đây là Đệ tam,đệ Nhị và đệ Nhất, hay trung học đệ nhị cấp)và chỉ có các thầy cô giáo dạy đại học mới được gọi là giáo sư mà thôi.

Không kể các sỹ quan, hạ sỹ quan trong quân đội hay cảnh sát cuả VNCH đã phải đi học tập cải tạo đã đành, ở những trại tập trung và không biết ở nơi nào...? , mà những người lính thường cũng phải đi học tập 3 ngày tại đia phương, để thông suốt đường lối chính trị cuả đảng và họ được cái goi là ”chính phủ cách mạng” ”khoan hồng ” không phải đi học tập ở các trại cải tạo.

Hậu quả là người người... thất nghiệp..., nhà nhà... thất nghiệp.. trừ 1 số ít gia đình buôn bán nhỏ, hoặc cất dấu được 1 số ít tiền vàng đã dành dụm được, đang cố gắng cầm cự qua ngày và không bao lâu đại đa số dân chúng bắt đầu bán những đồ đạc trong nhà như bàn, ghế, tủ, giường... và sau đó là quần áo cũ... những bộ "viá" chỉ dùng trong các buổi lễ, tết, hoặc hội hè..nay dần dần biến mất khỏi tủ quần áo cuả gia đình, với giá rất rẻ mạt hơn những bộ quần áo thông thường.. hay bát điã sứ rất đẹp mà chỉ dám dùng trong những dịp lễ tết cũng bắt đầu đội nón ra đi..

Các mặt hàng như đồng hồ, đeo tay hoặc treo tường..., xe đạp, và radio xách tay nho nhỏ ... bỗng trở thành mặt hàng có giá và cuốn hút, vì được săn lùng bởi các chú bộ đội từ miền Bắc tìm mua 1 cách thích thú và hãnh diện....

Đại đa số dân chúng bỗng nhiên trở thành ngươì buôn bán nhỏ, với những miếng nhựa nylon trải dưới viả hè, hay bất cứ chỗ nào có người qua lại, đều được tận dụng làm nơi buôn bán...để có thể sinh tồn....

Một mặt, "nhà nước" vận động và kêu gọi dân chúng đi kinh tế mới để khai khẩn đất đai và tăng gia sản xuất... những người không có công ăn việc làm, nhất là những gia đình có người đi học tập, và kể cả những người bị đánh tư sản mại bản, và những người buôn bán giầu có trước kia , nay đã bị mất tất cả qua những cuộc kiểm kê và tịch thu tài sản...

Đó là lý do tại sao hàng triệu người đã bất chấp hiểm nguy, đến tính mạng , vì có thể nói là 99 % cầm cái chết, khi tìm đường vượt biên, vì có thể bị lừa, bị giết, gặp hải tặc Thái lan cướp bóc và hãm hiếp... , gặp bão táp khi lênh đênh ngoài biển với những con tầu nhỏ bé, hoặc mất hết nhà cưả ...nếu vượt biên không thành công, để ra đi tìm tự do và tìm cái sống...người ta sẵn sàng đi tìm cái sống trong cái chết....

hoặc là họ phải tự tử, vì không còn phương tiện sinh sống, cũng như bị áp lực cuả chính quyền cách mạng, bị đàn áp về tinh thần cùng cực.. phải kể đến cái chết thương tâm cuả cả gia đình bác sỹ Lý Hồng Chương, rất nổi tiếng ở Saigon thời bấy giờ, chuyên khoa về khám và chụp hình phổi, sau khi đã bị kiểm kê và tịch thu tài sản và chính quyền vận động gia đình ông đi kinh tế mới... và cả gia đình ông đã tự tử vì không còn đường sống..

và nói theo TRần văn Trạch, 1 nghệ sỹ hài nổi tiếng: đã nói 1 câu nói để đời và nổi tiếng: ”cây cột đèn nếu nó biết đi, nó cũng ra đi"

Chưa kể ngay trong ngày 30-4 và những ngày sau đó, tất cả cây xăng đã đóng cưả và xăng dầu đã cạn kiệt ở các kho, , 1 số người có xe hơi đã phải đổi lấy xe đạp để có phương tiện di chuyển, mà cụ thể trong gia đình Hiền, ông cậu, là trưởng ty y tế tỉnh Phan Rang, cùng với gia đình đã chạy về Saigòn ngày 27 -4 -75 trên chiếc xe Peugeot 203 ( thời đó) đã rất vui mừng, khi đổi được lấy chiếc xe đạp để làm phương tiện di chuyển tạm thời...và tự cho mình là khôn ngoan... và thức thời nhất...

Một số các gia đình có tủ lạnh trước kia, nay bị coi là xa xỉ..khi mà cả gia đình đều thất nghiệp, vì không còn thu nhập... phải đem vất ra đường, vì cúp điện, hoặc lo ngại không có đủ khả năng chi trả tiền điện, nước, khi mà cái ăn còn thiếu thốn, và cái đói đang rình rập...

Do đó mà nỗi khao khát được trở thành "công, nhân viên”cuả " nhà nước" Việt Cộng đã trở thành ước vọng và giấc mơ cuả mọi người, với hy vọng trước nhất là không bị dòm ngó, và không bị vận động đi kinh tế mới ...cũng như có chút thu nhập hàng tháng, tuy ít ỏi, nhưng vẫn còn hơn không .. khi mà cả gia đình đều thất nghiệp và không biết xoay sở làm sao , khi mà tất cả tài sản cuả họ, từ những vật dụng hằng ngày nhỏ nhoi và ít giá trị như bát điã, quần áo cũ ..đã phải bán dần đi để sống..và cuối cùng đã chẳng còn gì để bán nữa....

Đó cũng là bức tranh toàn cảnh đời sống xã hội cuả dân chúng miền Nam VN sau ngày 30-4-1975.


Bài 5: Cuộc sống cuả gia đình sau năm 1975...


Trở lại ngày 30-4-1975...trong lúc tuyệt vọng, đầu óc rối bời...và lởn vởn nghĩ đến cái chết, nhất là khi nghĩ đến phải lấy thương phế binh Việt Cộng... thì tình cờ bác tôi chợt nhìn thấy tôi đang sụt sùi đứng khóc ở xó bếp, ông đặt tay lên vai tôi và bảo: "Cháu không khóc, cháu cũng không sợ, vì bọn cháu giống như tờ giấy trắng, chế độ nào cũng phải cần đến bọn cháu.,.không khoanh tay thụ động bằng cách bất hợp tác... .Hãy xứng đáng là con gái bố THảo và cháu cuả bác,dù ở vị trí nào cháu vẫn có thể giúp dân và giúp nước.

Chính câu nói này đã giúp tôi ra khỏi cơn hoảng loạn và mạnh mẽ hơn... và trở thành kim chỉ nam cho tôi sau này, trong những ngày tháng làm việc dưới chế độ xã hội chủ nghiã... Rất tiếc đó cũng là những lời nói cuối cùng và là lần gặp mặt cuối cùng cuả tôi với bác, sau khi ông đã nghe theo lời nói dối của việt cộng " chuẩn bị lương thực và quần áo để đi học tập 10 ngày." như hàng triệu sĩ quan quân đội và cảnh sát cuả VNCH.

Ông cũng phục vụ trong ngành tình báo như cha tôi, nhưng công việc chính cuả ông là dịch thuật tài liệu anh, pháp và đôi khi giảng dạy trong trung tâm huấn luyện tình báo như cha tôi. Tôi rất cảm phục và rất yêu mến bác , vì tuy ông đã già, năm đó bác đã 58 tuổi ông rất chăm chỉ học tiếng anh, và tiếng pháp rất thông thạo cũng như cha tôi.

Mỗi lần gặp chúng tôi ông luôn luôn nói tiếng anh với chúng tôi để buộc chúng tôi phải trả lời bằng tiếng anh với ông. Ông nói đó là cách tốt nhất để luyện tiếng anh. rồi ông cười ha hả...bản tính lạc quan, vui vẻ và rất hoà đồng với người trẻ như chị em chúng tôi.

Ngày 19-5 -1975 là ngày mà đại học luật khoa dự định cấp bằng tốt nghiệp cho chúng tôi, quần áo để mặc trong ngày tốt nghiệp cũng đã may xong, đã không bao giờ có cơ hội mặc tới, mà mãi mãi xếp xó trong tủ áo, khi mà ban lãnh đạo mới của trường đại học luật khoa tuyên bố :”không công nhận bằng cấp cuả chúng tôi, vì chúng tôi đã được đào tạo để phục vụ chế độ "Mỹ Ngụy".

Họ tuyên bố giải tán trường đại học luật khoa và đổi tên thành Đại học Kinh tế và sát nhập tất cả các trường đại học tư như Đại học Hoà Hảo, Đại học Vạn Hạnh... cũng như các trường đại học luật ở Huế, và các đại học khoa học xã hội khác trên cả nước vào Đại học Kinh Tế.

và ra lệnh tất cả sinh viên từ năm thứ nhất đến năm thứ hai, thứ ba , thứ tư, (bậc cử nhân ) cao học 1( bậc phó tiến sỹ ) , cao học 2 ( và tiến sỹ ) sẽ được sát nhập chung và bắt đầu học lại từ đầu ở trường Đại học kinh tế của họ, nếu muốn ghi danh học..

Kết quả là đa số đã bỏ học, vì tất cả công lao họ đã học bao nhiêu năm coi nhu xoá sổ. Hơn nữa, trong điều kiện xã hội mà hầu như tất cả đều thất nghiệp, họ đã không có điều kiện để theo đuổi việc học như trước nữa. Một số tìm đường vượt biên, một số phải tìm sinh kế cho bản thân và gia đình cuả họ, khi mà cha, hoặc anh cuả họ là nguồn thu nhập chính trong gia đình nay đã phải đi học tập...hay tài sản cuả cha mẹ họ đã bị tịch thu và kiểm kê tài sản , hoặc cửa hàng buôn bán cuả gia đình họ đã bị đóng cửa....

Tết Mậu thân 1968 1 tai hoạ lớn đã ập xuống gia đình chúng tôi, mùng 7 tết trong 1 cuộc tháo chạy cuả Việt Cộng, khu nhà cuả chúng tôi ở, còn gọi là Vườn Bà lớn ( ở Ngã bẩy) đã bị đốt cháy, thành tro bụi, tất cả không còn gì... ngoài hai bàn tay trắng....trong lúc bố mẹ chúng tôi đi vắng...và trong lúc hoảng loạn.., chị em tôi chỉ biết dắt díu nhau ra khỏi nhà và không biết mang theo 1 thứ gì...

Thời kỳ đó không có ai mua bảo hiểm nhà cưả hay tài sản như bây giờ, ngoại trừ những hãng xưởng hay nhà buôn lớn.

Cha tôi với bản chất thanh liêm, và với số lương khiêm tốn cuả 1 người công chức bình thường, cuộc sống của gia đình chúng tôi tuy không thiếu thốn, nhưng khá chật vật để nuôi dưỡng 6 chị em chúng tôi, nay thêm nhà bị cháy, phá sản... cuộc sống thêm khốn đốn và túng quẫn, mẹ tôi đã quyết định buôn bán và xoay sở thêm để giúp đỡ gia đình có thêm thu nhập cho cuộc sống.

Nhờ sự giúp đỡ cuả tướng Lê Ngọc Triển, là cậu cuả mẹ tôi,Chỉ huy trưởng TRung Tâm huấn luyện Quang TRung, mẹ tôi có 1 cưả hàng tạp hoá bán ở trong Trung tâm huấn luyện ở Quang Trung, cửa hàng chỉ bán những hàng hoá lặt vặt như khăn mặt, xà bông, kem dánh răng, bàn chải bánh kẹo, mì gói, nước trà cho lính... Vì lính phải cắm trại không được ra ngoài, nên họ bắt buộc phải mua hàng cuả mình, nên rất đắt hàng..

Ngoài cửa hàng cuả mẹ tôi, cũng có nhiều cửa hàng khác, của những người khác nưã. Họ phải là quả phụ hay cô nhi, tử sĩ mà chồng hay cha anh cuả họ là quân lực VNCH bị tử trận, mới được tướng Triển giúp đỡ , và cấp giấy phép bán hàng trong trại Quang Trung.

Việc buôn bán rất phát đạt, ngoài việc bán tạp hoá, mẹ tôi còn mua, bán thêm vàng... việc mua bán rất đơn giản... vì những người lính con nhà khá giả, khi họ phải đi lính, cha mẹ họ hay gia đình thường cho họ hộ thân và mang theo 1, 2 chỉ vàng, vì cuộc sống trong trại lính buồn và kỷ luật , nên họ hay tổ chức chơi bài với nhau.. khi thua, họ đem nhẫn vàng ra bán cho mình, mình mua vào thì tính phân hao, để trừ tiền vaò giá mua .. nhưng khi bán thì mình tính tiền công cộng thêm vào giá bán, nên kiếm tiền rất dễ dàng,và khá phát đạt... và đắt nhất là bán mì gói.. 1gói mì chẳng hạn giá 1 $ , mình chỉ cho thêm 1 chút nước sôi vào để họ có thể ăn, và được bán với giá 2 $. Có thể nói là " buôn thất nghiệp, nhưng lãi quan viên.." Cuộc sống gia đình tôi được cải thiện tốt hơn, và mẹ tôi đã trở thành thu nhập chính trong gia đình...thay vì cha tôi.

Cuộc sống cứ đều đặn trôi và mỗi ngày một khá giả... thì biến cố 30-4-1975 ập xuống, cha và cậu tôi phải đi học tập, vì ông là đại uý bác sỹ quân y, kiêm bác sỹ trưởng ty y tế Phan Rang, mẹ tôi ngoài việc phải nuôi dưỡng chúng tôi, nay phải cáng đáng thêm việc phụng dưỡng thêm ông bà ngoại... và thỉnh thoảng tiếp tế cho cha và cậu tôi, trong khi cửa hàng buôn bán trong trại Quang Trung không còn nưã...

Cuộc sống trở nên khó khăn hơn, và mẹ tôi đã làm tất cả những gì để kiếm tiền và để gia đình có thể tồn tại, nhất là không phải đi kinh tế mới...

Trái với cha tôi, tính tình ủy mị, thì mẹ tôi là người quyết đoán, thông minh, tháo vát , và rất gan dạ. Đặc biệt bà rất giỏi kiếm tiền..bà có thể làm tất cả mọi việc.. .. từ việc chạy affaire trước năm 1975 hay bán thuốc tây hoặc "bác sỹ lang băm" bất đắc dĩ...sau năm 1975, nếu cần thiết, để kiếm tiền, mà nếu có thời gian tôi sẽ kể vào dịp khác...

Chính nhờ sự giúp đỡ cuả mẹ tôi, tôi đã có thể tiếp tục việc học ở đại học kinh tế sau năm 1975, mà không phải bỏ học để kiếm tiền để giúp đỡ gia đình như 1 số bạn bè cuả tôi, và cũng nhờ sự tháo vát cũng như gan dạ cuả bà , đã giúp chị em tôi đã thoát khỏi những cơn nguy khốn...với chính quyền Việt Cộng.

1 comment:

  1. Cám ơn Kim Đoan. Hy vọng đây là món quà tinh thần Hiền đã viết bằng tất cả trái tim, khối óc và cả những dòng nước mắt đã tuôn rơi...để gởi tới tất cả các bạn món quà đầu tiên, duy nhất và cũng là cuối cùng..., trước khi chúng ta chia tay nhau về cõi vĩnh hằng....
    Thân mến
    Hien

    ReplyDelete