Aug 2, 2018

NGUỒN GỐC SAIGON, CHỢ LỚN - Bài Khảo cứu của Giáo Sư Đoàn Văn Phi Long


Lời giới thiệu : Giáo Sư Đoàn văn Phi Long là giáo sư dạy Toán tại trường Trưng Vương trước 1975. Sau khi định cư tại Úc song song với việc dạy Toán cho nhiều thế hệ học sinh Việt tại gia, từ năm 1987 Thầy còn bỏ nhiều thời gian để nghiên cứu về Nguồn gốc dân tộc Việt Nam. Đây là một chương trong khoảng 30 chương của " Nguồn gốc dân tộc Việt Nam". 

Đặc san TV6370 xin cám ơn Thầy Đoàn văn Phi Long đã gửi bài cho, và xin trân trọng giới thiệu đến các bạn TV và độc giả khắp mọi nơi .


NGUỒN GỐC SÀIGÒN CHỢ LỚN

GS Đoàn văn Phi Long

NGUỒN GỐC ĐỊA DANH SÀI GÒN

Nguồn gốc địa danh Sàigòn trong vài trăm năm nay đã làm tốn rất nhiều giấy mực nhưng vẫn chưa ngã ngũ. Tên Sàigòn có đặc điểm là chẳng phải ta cũng chẳng phải Miên, nữa Tàu nữa Tây nên có người cho từ tiếng Pháp. Xin phân tích khuyết điểm của các thuyết cũ và đưa ra một thuyết mới về nguồn gốc tên Sàigòn, Chợ lớn và các vùng phụ cận. Sài Gòn bây giờ khác xưa nhiều lắm. Ở Los Angeles, ở HongKong, Sydney đều có shop duty free miễn thuế. Nhưng không đâu bằng thành Hồ, tên hiện nay của Sài Gòn. Ở đây có shop bán trà gói chống thấm nước, đèn pin chạy bằng ánh sáng mặt trời, bình đông lạnh bảo đảm hai ngày còn nóng, kính mát dùng ban đêm, đường ăn không tan.

Giả thuyết 1: Do người Việt đặt tên

Có học giả cho Sài là củi, tiếng Hán Việt và gòn là cây gòn. Rất đáng nghi ngờ vì khó có thể một tiếng Hán ghép được với một tiếng Nôm.

Sài là cây sài, một loại cây có gỗ sốp màu vàng, đốt cho rất nhiều khói, chỉ dùng làm củi đốt hoặc đóng hòm cho người nghèo. Theo học giả Huỳnh tịnh Của, cây gòn miền Bắc gọi là cây bông gạo. Nhưng cây gòn và cây bông gạo khác nhau. Cây gòn chỉ mọc ở xứ nóng nên không thể sống nổi ở miền Bắc. Người Trung Hoa phân biệt rất rõ ràng ba loại khác nhau cùng gọi là miên: sơn miên là cây bông gạo, mộc miên là cây gòn và miên hoa là cây bông vải. Cây gòn tiếng Anh là kapok, do tiếng Mã kapoq, tiếng Thái là dton nùn- bông gòn là phại nùn. Vì phại nùn phát âm gần giống Sàigòn nên có giả thuyết cho Sàigòn là do tiếng Lào. Ngày xưa người Lào cư ngụ đông đúc ở Sàigòn và nhiều lần quân Lào đã đến cướp phá Sàigòn. Cây gòn tiếng Miên là dam gor, gor là gòn. Tên Sài Gòn có thể được dân dịnh cư quen thuộc chỉ vài chục năm sau năm 1622 vì tiếng Khmer khó nhớ và không quen tai.

Tèo và bạn đi buôn chung với nhau. Bửa đó mua được gòn và gạo, mỗi thứ 15 ký. Tèo đố bạn một ký gòn và một ký gạo, cái nào nặng hơn.

"Bằng nhau, cái nào cũng là 15 kg "

"Vậy tao khiên bao gạo. Mầy vác bị gòn và ráng cầu trời cho đừng có mưa gió "

Thuyết Sàigòn do người Việt đặt tên không đúng vì lúc mới vào miền Nam, người Việt ít sáng tác mà chỉ dùng tiếng Miên. Ngay cả thủ đô Bangkok của Thái Lan cũng tiếng Khmer là Bãnhchok.

Trong từ nguyên học, nhiều học giả có thói quen -và đây là một phương cách dễ và nhanh nhất nhưng rất lười biếng- tìm từ nguyên bằng cách coi từ này là tiếng Việt hay Hán Việt, trong khi thực sự là tiếng ngoại quốc. Lấy một thí dụ là Phù Nam được giải thích là đất phiá Nam nổi phù

vì bị ngập nước. Giải thích không đúng vì đế quốc Phu Nam gồm cả các vùng đất cao như Chiêm Thành, Lào...Phù Nam người Tàu gọi là Funan, là phiên âm của pnoom, tiếng Cao Miên, là núi. Một điểm sai lầm khác là các biến cố cổ xưa được gán cho niên đại quá trễ vì các học giả chỉ căn cứ vào sử sách người Tàu. Mà người Tàu chỉ ghi chép các vùng phía nam từ sau công nguyên, sau khi đã xâm chiếm Hoa Nam.

Giả thuyết 2: Sài gòn là Thầy Ngồn do người Quảng Đông.

Tên Hán Việt là Đề Ngạn, tiếng Phổ Thông là Tin Ngạn. Bênh vực cho thuyết này là Francis Garnier và học giả Vương hồng Sển. Họ cho là năm 1778 người Minh Hương ở cù lao Phố Biên Hoa, vì giúp đở tiền tài cho nhà Nguyễn nên bị Tây Sơn tàn sát, phải chạy về lập khu phố nằm giữa khu người Việt ở Bến Nghé và khu người Miên ở Phú Lâm để buôn bán. Năm 1782 họ lại bị tàn sát một phen nữa vì hộ giá Phạm Ngạn, cánh tay mặt của Nguyễn Huệ, bị tướng của người Tàu Lý Tài phục kích và giết chết tại 18 Thôn Vườn Trầu. Đến năm 1788 họ xây dựng lại, đấp đê cao nên đặt tên vùng này là Đề Ngạn. Đề là đê, ngạn là cao. (TK1)

Giả thuyết không hợp lý vì nhiều lý do:

-Lập nghiệp một thời gian 10 năm không có tên. Khu vực này trước đã có người Việt và Miên ở buôn bán tấp nập đến độ vua Gia Long cho đào kinh để dễ thông thương, sao lại phải đợi đến 10 năm để người Tàu đặt tên giùm? Người Tàu chuyên môn làm thương mãi, chạy đến một vùng không có người Việt và Miên để buôn bán với ai, với khỉ Cà Mau à?

-Tên Sàigòn đã được ghi vào sử sách 100 năm trước vì Gia Định Thành thông chí của Trịnh hoài Đức có ghi là năm 1674,1688,1690,1692 nhà Nguyễn tấn công Sài Côn. (TK2)

-Khi người Pháp sát nhập hai khu Bến Nghé và Đề Ngạn thành Saigon thì người Tàu lại gọi theo là Sì Củn, chứng tỏ không phải họ đặt tên mà chỉ gọi theo người khác.

-Ngay cả tên Hà Tiên, Cô Tô, Tô Châu, Long Xuyên, rõ ràng là địa danh bên Tàu, cũng phát xuất tiếng Cao Miên Ta Chen, Kopo, Tochu, Long Nguyet.

Sau đây là các giả thuyết cho Sàigòn là tên Cao Miên và phân loại tùy theo Sài là Prey hay Prei.

Giả thuyết 3: Sàigòn là Prey Kor, Prey Ko hay Prey Nokor

Sài là do Prey đọc là prây có nghĩa là rừng. Sài Gòn lúc đầu được các học giả Tây phương cho là do Prey Ko hay Prey Kor nhưng về sau Prey Nokor được nói đến nhiều hơn.

Prey Kor là rừng gòn. Cây gòn ngày xưa mọc rất nhiều ở miền Nam từ Cà Mau cho tới Biên Hoà, Bà rịa, phía nam miền Trung và Hạ Lào nhưng chỉ mọc lẽ tẽ. Ngày nay hầu như bị tuyệt chủng. Khó có thể có rừng gòn ngay tại thủ đô của phó vương Khmer được. Xin nói thêm là có nhiều từ phát âm gần giống gòn như gor hay kor là cần cổ, một đống hay thành thị còn goh là đảo (oh là o đọc thật ngắn)

Prey Ko là rừng bò: Go hay ko là bò (đọc là gô hay kô). Prey Ko là rừng bò hơi vô lý vì bò ở đồng cỏ chứ đâu phải hưu nai mà ở rừng. Hoạ hoằng lắm người Khmer mới đặt tên theo kiểu bình dân giáo dục, hầu hết là tên thần.

Prey Nokor: Nokor hay kor là thành thị, phát xuất từ nagara của Phạn ngữ, tiếng Thái là nakhon.

Prey Nokor có nghĩa là gì ? Điều này tùy thuộc cấu trúc văn phạm của từ.

Giống tiếng Việt, gồm tiếng Nôm và tiếng Hán Việt, tiếng Miên cũng gồm hai thành phần: tiếng Miên gốc và tiếng Sanscrit tức Phạn ngữ.

-Phạn ngữ và Hán Việt có cấu trúc nghịch: Tỉnh từ + danh từ

Thí dụ Angkor watt, Ang là tượng, kor là thành phố, watt là đền. Angkor watt là đền của thành phố tượng. Prey Nokor nếu theo cấu trúc nghịch sẽ có nghĩa là thành phố ở rừng hay lâm thị theo cụ Vương Hồng Sển.

-Tiếng Miên và tiếng Việt có cấu trúc thuận: Danh từ + tĩnh từ

Thí dụ tomlé tom là sông to, saich kô là thịt bò, ch'num t'may là năm mới.

Campuchia hiện nay có nhiều địa danh có Prey như Prey Lvea (rừng tên Lvea hay rừng lạc đường), Prey Cho (rừng đứng), Prey Toch (rừng ông Đốc, nguồn gốc tên Châu Đốc). Điều này chứng tỏ cụm từ Prey Nokor theo cấu trúc thuận, không có nghĩa là lâm quốc mà có một trong hai nghĩa như sau:

-rừng xưa là thành thị

-rừng ở thành thị (không hợp lý phải loại bỏ)

Tỉnh Kampong Cham có khu rừng mang tên Prey Nokor. Đây là khu rừng còn dấu vết của một thành phố cổ xưa là thủ đô của đế quốc Khmer vào thế kỷ thứ 6 AD. Người Chàm ngày xưa có mặt ở Lục Chân Lạp, Thuỷ Chân Lạp, hiện nay họ còn ở Mã Lai được gọi là Cham. Ở thủ đô Nam Vang còn có đường Prey Nokor.

Tuy Prey Nokor có trong địa danh Miên nhưng không thể nào là Saigòn vì đây là thủ đô của Phó Vương Khmer đâu phải rừng rú.

Các học giả Pháp và Việt đều chọn Prey Nokor hơn Prey Kor vì cho từ trước có ý nghỉa trang trọng là lâm quốc. Có người còn đi xa hơn nữa cho Prey Nokor có nghĩa là thành vua hay thủ đô. Nhưng reach là vua, nokor reach là thành vua.

Giả thuyết 4: Sàigòn là Prei Nokor

Prei Nokor có nghĩa là thần ở thành thị, Prei là một cách viết sai của Preah. Preah đọc là pre với chữ e đọc thật nhanh và ngừng lại đột ngột, không có âm tương đương trong tiếng Việt. Preah có nghĩa là Trời, Phật, Thần, Thánh, Chúa, Thượng đế. Do thiếu thanh sắc nên người Miên phát âm rất cầu kỳ để phân biệt các từ với nhau.

Tỉnh Kampong Cham và Ở Angkor Watt có đền Preah Nokor nên từ này cũng có thể là nguồn gốc tên Sàigòn. (TK 3)

Tuy nhiên nhân dịp kỷ niệm 300 năm Sài Gòn, một cuốn sách được xuất bản trong nước đưa ra một giả thuyết rất kỳ lạ, cho là Prei Nokor biến thành Sài Gòn qua nhiều giai đoạn

Prei Nokor-->Prei Nagara-->Prei Nagar-->Rai N'gar-->Raigor-->Raigon-->Sài gòn

Ai đã đổi và tại sao đổi 6 lần? Chắc chắn không phải người Việt vì có mấy ai thông thạo Miên ngữ mà có thể thay đổi lung tung xà bần nhiều lần như thế. (TK 4)

Cũng không phải do người Miên vì sử sách chỉ nói đến một tên duy nhất là Sài Côn từ lúc di dân cho tới khi chiếm xong miền Nam.

Thuyết được chế biến có lớp lang để biến Prei Nokor thành Sàigòn.

Muốn biết Prei Nokor có phải là Sàigòn hay không, hãy bàn đến giả thuyết sau đây

Giả thuyết mới 5: Sàigòn là Preah Ko

Preah Ko hay Prei Ko đọc là Pre Cô có nghĩa là Thần Bò hay Linh ngưu của đạo Bà la Môn. Đây là bò thần tên là Nandi dùng để chuyên chở thần Shiva.

Các giả thuyết trước đây chỉ phỏng đoán nhưng không được chứng minh một cách khoa học và vững chắc. Địa danh nguyên thuỷ của Sàigòn phải nghiệm đúng các điều kiện sau đây:

-Phải là tên vị thần Bà La Môn vì các địa danh Campuchia hiện nay đều mang tên thần Bà la Môn. Sàgòn chiếm một vị trí khá quan trọng nên phải có tên một vị thần khá nổi tiếng của người Miên. Như vậy Prey Ko, Prey Kor, Prey Nokor liên quan tới rừng rú nên phải được loại bỏ ra khỏi danh sách nguồn gốc tên Sàigòn vì quá thông thường, không đúng với kiểu cách đặt tên của Khmer.

-Sử sách lúc đầu cho Sài Gòn là Prey Kor hay Prey Ko chỉ có hai âm nhưng người Pháp và một số tác giả VN cho là không xứng danh là thủ đô của một Phó Vương nên họ đổi lại là Prey Nokor, có nghĩa là Rừng Vua (?) hay Lâm quốc (?). Sau cùng đổi thành Prei Nokor nhưng không cho biết Prei là gì.

-Phù hợp nhiều nhất với cách người xưa gọi Sàigòn. Ta hãy tìm lại coi các chủng tộc khác gọi Sài Gòn là gì

*Người Chiêm Thành gọi là Gaul Pay Kol (gaul là thành phố, tiếng Malay là kota, âm ô chớ không phải or)

*Dân Thuỷ chân Lạp gọi là “Pei -ừ kô hay Pei -ằng –Kô”. Pei -ừ hay Pei- ằng là Preah chớ không phải Prey hay Prei.

*Hỏi một người Khmer hiện tị nạn tại Perth ở Tây Úc và anh Tùng điện tử người Việt gốc ở Nam Vang thì cả hai gọi Sài gòn là Preah Kô, xin nhấn mạnh là Preah chớ không phải Prey và kô chớ không phải là kor (đọc là o)

*Sử sách Việt ghi là Sài Côn. Sài được viết bằng chữ Hán nhưng Côn thì bằng chữ Nôm, làm nhiều người thắc mắc. Lý do người xưa muốn ta đọc ô chứ không phải o. Chữ Hán ghi được nghĩa nhưng không ghi được âm của tiếng Việt. Thí dụ tiếng Trung Hoa không có âm ơm. Chữ Nôm muốn ghi cơm phải dùng hai chữ Hán là phạn và cam ghép lại.

Các dẫn chứng trên cho thấy cả đều gọi Sài gòn bằng hai âm và nguyên âm cuối là o (đọc là ô) chứ không phải or (đọc là o). Và theo cách gọi tên của người Thuỷ Chân Lạp và Chàm thì Sài là Preah chứ không phải Prey hay Prei.

Prei Nokor có 3 âm và âm chót là kor nên không thể là Sàigòn. Preah Ko nghiệm đúng cả hai điều kiện nêu trên. Ngoài ra ta còn có các bằng chứng sau:

-Đế quốc Khmer được thành hình từ thế kỷ thứ 6 AD, phần lớn nằm dọc theo bờ biển và có thương cảng sầm uất Ốc Eo. Sau dời về Lục chân Lạp có lẽ để tránh giặc biển Java, và vua Indravarman I (877-899 AD) đã xây dựng đền Angkor trong đó có đền Preah Ko (năm 879) thờ Linh ngưu để cúng tế tiền nhân. Đền có ba tượng Thần Bò Nandi.


                                                    H1 Đền Preah Ko ở Angko Watt

Gần đó có đền Bakong thờ Shiva. Bakong là xếp Bà Cống. Vua Jayavarman VII xây Angkor Thom và Bayon năm 1181- 1201. Đền Bayon có 54 tháp hình mặt người mĩm cười rất nổi tiếng. Đền Bayon cũng có nhiều ở Thuỷ Chân Lạp mà người Việt gọi là Ba Giồng. Ba Giồng có ở Bến Tre và Sài Côn. Xin nhắc lại một đoạn sử: Năm 1777 Nguyễn Huệ kéo vào Gia Định đụng độ với Hoà Nghĩa Quân của Lý Tài. Hoà Nghĩa Quân thua bỏ Hóc Môn chạy về Bến Nghé, quân Tây Sơn thừa thế đuổi theo, Lý Tài chạy về Ba Giồng.



H2 Thần Bò Nandi của Shiva

Thần Nông trong thần thoại Trung Hoa có đầu bò mình người coi về nông nghiệp có nguồn gốc từ Thần Bò Nandi của Hindu giáo. Sai Gòn là Thần Nông và Lí lô Sài Gòn là Tiểu Thần Nông.

Preah Ko là một thần rất quan trọng không thể thiếu được ở Lục Chân Lạp cũng như Thuỷ Chân Lạp. Ấn Độ thờ bò, không ăn thịt bò nên cả triệu con bò đi nghênh ngang đầy đường.

Các vị thần khác của Ấn Giáo đều có tên ở các đền thờ, địa danh ở Campuchia và Miền Nam VN (cả miền Bắc và Trung VN cũng có) như Takeo, Cổ Cò (Koh Ker), Trà Bàng (Trapeang), Trà Nóc (Ta Nob), Ba Hom (Ta Prom), Ba Giồng (Bayon), Bakong (Bà Cống) ..., lẽ nào lại thiếu Thần Bò Preah Ko?

-Các học giả người Pháp và cụ VHS có nghi ngờ Prei Ko nhưng vì không thông thạo Miên ngữ nên lầm tưởng Prei Ko là Prey Ko tức rừng bò hay Prey Kor là rừng gòn. Họ lập tức loại bỏ từ này và chọn Prey Nokor tên có vẽ quí phái hơn là Lâm Quốc hay Hoàng Lâm.

-Tuy ngày nay dân Miên theo Phật giáo Tiểu thừa nhưng dư âm Ấn giáo vẫn còn mạnh. Tin sau đây được báo chí Tây phương đăng tải:

Hằng trăm dân làng đổ xô vào một ngôi làng nhỏ phía nam Kampuchia để được một cặp bò thần chữa bịnh vì họ tin rằng đó là bò thần bảo vệ xứ sở. Cặp bò này nổi tiếng là có phép lạ chữa bịnh ở xả Bù Trang, khoảng 10 km phía bắc Sihanookville. Preah Ko và Preah Keo (Thần Bò và Thần Ngọc Bích) bị binh đội Thái Lan chiếm đoạt ở thế kỷ trước. Preah Ko đã chữa bịnh hai người, chữa chân cà nhắc cho một người và chữa bịnh cho một người đàn bà bằng cách uống nước ở hồ nhà bà ta.

Cũng đừng quá tin tưởng vào tài liệu người Pháp. Lý do là từ lúc người Việt được cho vào định cư ở Mô Xoài năm 1622 cho đến khi người Pháp chiếm Sài Gòn năm 1859, thời gian cách nhau đến hai thế kỷ rưởi đã xoá mờ hết các ký ức chính xác. Tài liệu cho thấy trên mặt giấy tờ tên Sài Gòn được ghi trong hai bức thơ đề năm 1791 và 1795.

Tóm lại Preah Ko là tên của Sàigòn chớ không phải là Prei Nokor.

Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ
Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu
Anh về học lấy chữ nhu
Chín trăng em cũng đợi, mười thu em cũng chờ

Một Việt kiều Mỹ về thăm Sài Gòn đang đi trên phố thì cảm thấy có một người đụng nhẹ vào người. Nghi ngờ nên rờ lại túi để kiểm soát. Cái bóp không cánh mà bay. Tên trai trẻ đụng vào anh ta đang rảo thật nhanh. Anh Việt kiều phóng theo và tóm được hắn ở cuối phõ, đẩy vào tường. "OK. Nhà ngươi gặp phải cao bồi Mỹ rồi đó. Khôn hồn đưa bóp đây". Anh trai trẻ đưa bóp xong vội vàng co giò dông mất. Về khách sạn, anh VK tìm được bóp của mình bị bỏ quên trong phòng tắm. Lục bóp kia mới biết anh trai trẻ là Việt kiều Úc. Sài Gòn năm xưa nay còn đâu!.

NGUỒN GỐC ĐỊA DANH CHỢ LỚN

Không có một học giả nào nghi ngờ về nguồn gốc của địa danh Chợ Lớn vì cho đây là tiếng Việt. Theo Đại Nam nhất thống chí thì làng Tân Kiển gần dưỡng đường Chợ Quán, tết Nguyên Đán có tổ chức chơi vân xa và đánh đu tiên, đáng gọi là một “chợ lớn” vậy..

Nhà thương Chợ Quán khá nổi tiếng. Một Bác sĩ tâm lý ở Nhà thương Chợ Quán đang an ủi một bệnh có bộ vó rất lo lắng. "Bác sĩ thấy không, tôi có vấn đề là tôi thì thích giày hơn dép", người bệnh thở dài sườn sượt.

"Có sao đâu. Đa số đều thích giầy hơn dép mà", bác sĩ cố trấn an.

Bệnh nhân tươi hẳn lên, "Hay quá, Bác sĩ. Ông muốn chiên hay xào?"

-Chợ lớn có phải là chợ Quách Đàm không?

Tên Chợ lớn đã có trước năm 1860 là thời Tây qua. Trái lại chợ Quách Đàm, sau gọi là chợ Bình Tây, được xây dựng sau năm 1912.

-Hay Chợ lớn là chợ Đề Ngạn?

Cũng không phải vì chợ này là chợ Sàigòn. Càng không phải là chợ Bến Thành, trước được xây gần sông Bến Nghé, năm 1859 bị Tây phá sập, sau dời về địa diểm ngày nay.

Không phải là tên một ngôi chợ, vậy là tên của một cái gì? Chợ lớn là nơi tập trung đông đảo nhất người Tàu ở VN cả xưa lẫn nay

Ngó qua Chợ Lớn làm chay,

Thỉnh ông Tiêu Diện, thỉnh bà Quan Âm.

Tên Chợ lớn đã có trước thời nhà Nguyễn chiếm Biên Hoà, Sàigòn nên phải mang tên Cao Miên. Phía bên Miên gần Tây Ninh có làng Phumi Chhlong và sông Chhlong. Sông Chhlong dài cở sông Saigòn. Một nhánh của sông Chhlong và nguồn của sông Saigon gặp nhau ở quận Memot. Trong số mấy trăm vị thần Ấn giáo mà người Miên sùng bái, không có thêm một vị thần có tên giống như thế. Vậy Chhlong là tên của Chợlớn. Cũng có thể Chợ lớn là Cholas tên một triều đại của Ấn độ có ảnh hưởng đến tận Khmer và Nam Dương, nơi phát xuất đế quốc

Khmer. Dầu thế nào đi nữa Chợ lớn không phải là tiếng Việt mà là biến thể của một từ Cao Miên.

Địa danh Sàigòn, Chợlớn có ít nhất từ thế kỷ thứ 6 AD, thời đế quốc Khmer được thành lập. Xa hơn nữa, bảo tàng viện Sàigòn có pho tượng hình đồng tay bưng thếp dầu rất giống pho tượng người quì gối đào được ở Đông Sơn. Như vậy dân Miên đã có mặt tại Sàigòn ít nhất 3000 năm trước. Trước đó người Mã Lai cổ đã cư ngụ ở đây mà vết tích là đồng bào thượng gốc Mã Lai như Radé, Jarai.

Vùng phụ cận

Ghe anh đỏ mũi xanh lườn

Ở trên Gia Định, xuống vườn thăm em

Gia Định chắc chắn là tiếng Hán Việt không còn nghi ngờ gì nữa.

Tất cả tên miền Nam gốc Campuchia hầu hết là tên thần Ấn giáo. Muốn biết nguyên gốc các địa danh miền Nam- có thể cả miền Bắc và Trung- như thế nào chỉ cần mở bản đồ Campuchia ra là ta thấy ngay có sự trùng hợp giữa các địa danh. Điều đó chứng tỏ người Việt, người Triều Châu không đặt tên mới mà gọi theo người Cao Miên. Lâu ngày tên bị đọc sai đi, có tên trở thành Hán Việt hoặc tiếng Việt.

Bến Nghé: Đa số học giả cho là do Kampong Grabey kể cả cụ Vương Hồng Sển. Nhưng Kampong là vũng, grabey là trâu. Vậy phải là vũng trâu chứ sao lại là Bến Nghé?

Chị Hưu đi chợ Đồng Nai,

Bước qua Bến Nghé, ngồi nhai thịt bò.

Trong địa danh Sông Bé ở Đồng Nai, Bé là từ miền Bắc không thể là tên con sông ở miền Nam. Thực sự Bến Nghé và sông Bé đều do tiếng Miên Prek Te vì bên Miên gần Tây Ninh có sông Prek Te. Một dẫn chứng khác là sông Bến Nghé có một nhánh gọi là Rạch Tẻ.

Đakao: Được giải thích là do Đất Hộ, đất của ông Bá Hộ và Tây phát âm thành Dakao. Thực sự do Dâng Kâo hay Krakao.

Gò vấp: Goh Chub (chớ không phải cái gò đi bị vấp té)

Trầu Bà Điểm xé ra nửa lá

Thuốc Gò Vấp hút đã một hơi

Buồn tình gá nghĩa mà chơi

Hay là anh quyết ở đời với em?

Có tác giải thích theo nghĩa Gò Vấp có âm gốc là Gò Vắp, vừa thuần Việt vừa gốc Khmer. Vắp là tên cây, âm gốc là Kompăp, một loại cây cứng như lim. Gò Vắp là “gò có nhiều cây vắp”.

Hóc Môn: S'rok Mon chớ không phải là hóc trồng khoai môn. Hóc Môn nơi có 18 thôn vườn trầu nổi tiếng và con gái cũng giỏi võ.

Rạch Cát: Prek Kak. Người xưa tưởng lầm là rạch có nhiều cát nên nhà Nguyễn đặt lại là Sa Giang.

Bà Điểm: Bâ Khem tên thần Ấn Độ chớ không phải chợ do bà quan lớn tên Điểm bỏ tiền ra xây cất.

Bà Quẹo: Ta Kev, trùng tên với tĩnh Takêv. Miền Bắc có rất nhiều chùa Keo, đây là chùa Takêv. Keo tiếng Khmer là Ngọc Bích.

Bà Hom, Bà Om: Ta Prom, vua Khmer.

Phú Lâm: Pou Lam, cùng tên với chùa Lắm miền Bắc.

Đường Vĩnh Viễn ở quận 5 SG: Venh Kvien.

Đường Bà Hạt ở quận 5 SG: Bâ Hât tên Cao Miên chớ không phải Bà Lớn tên Hạt.

Tân Thuận: tên Hán Việt nhưng là biến hoá của tên Kampong Luang, Kompong là vũng, bến cảng còn luang là lớn.

Bình Tây: Bangteay tức pháo đài chớ không phải đặt theo chuyện Tàu Ngũ Hổ Binh Tây vì nếu thế thì Bình Đông là gì?

An Đông: Preah An Dong

Bình Khang: Nơi đặt bản danh của khu Kim Chung Đại Thế Giới và khu lầu xanh Bình Khang của Bình Xuyên Bảy Viễn. Tên là do Preah Khan tức là Thần Đao, đền thờ xây bởi vua Jayavarman VII.

Bình Tiên, Bình Điền: Preah Tien

Nhà Bè, Cái Bè: Trabek

Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về

Trabek là tên một vị thần Bà la Môn chứ không phải truyền thuyết do người nào đó sáng tác: Tương truyền có ông Thủ Huồng là một viên chức cai quản “thủ” ở vùng đó, tham nhũng nổi tiếng. Có lần nằm mơ thấy cảnh mình chết bị xuống âm phủ phải đền trả những tội lỗi khi còn sống. Sau đó ông từ chức và bắt đầu làm phúc bố thí rất nhiều; một trong những việc làm phúc của ông là làm một cái bè lớn ở giữa sông trên đó làm nhà, để sẵn những lu nước và củi lửa. Những ghe thuyền đợi nước lớn có thể cặp đó lên bè để nấu cơm và nghỉ ngơi. Địa danh Nhà Bè bắt nguồn từ đó.

Thế còn Cái Bè thì giải thích làm sao? Chẳng lẽ lại là một giấc mơ khác:

“Một người đàn bà đang lạc vào cỏi mộng thì trông thấy một người cao lớn dữ dằn tiến tới trước giường. Hết hồn, bà ta hỏi: Nhà ngươi định làm gì vậy?

Người này trả lời: Tuỳ thuộc vào bà. Đây là giấc mơ của bà mà" (TK5)

Nguồn gốc địa danh trích từ Nguồn gốc địa danh Miền Nam (TK6)

Tên Khmer có gốc từ Cambodia (TK7)

Có rất nhiều truyền thuyết do người nào đó dàn dựng, gợi hứng từ nghĩa Việt để tìm nguồn gốc các địa danh Gò Công, Đồng Nai, Bàu Láng, Hà Tiên, chùa Bà Đen, Câu Lậu, Bà Đá, Cát Bà, sông Mã. Không phải là tiếng Việt thì giải thích theo nghĩa tiếng thế nào được

Từ đây trở lên là bài đã đăng ở VietCatholic Âu Châu năm 2004.

Tuy có rất ít tài liệu nhưng vì xữ dụng suy luận chặt chẽ nên kết luận “Chợ Lớn không phải là tên cái chợ lớn mà có nguồn gốc từ Chholong tiếng Khmer” không sai.

Phần tiếp theo mới được thêm vào, kèm theo một số dữ kiện quan trọng để chứng minh giả thuyết (nhận định, statement) trên.

Từ trước năm 1698, ở Đề Ngạn (mà sau này gọi là Chợ Lớn) đã có làng Minh Hương của người Hoa (vì không thần phục nhà Thanh, họ đã rời bỏ Trung Quốc sang định cư ở miền Nam Việt Nam). Tuy nhiên, vùng đất ấy trở nên đông đúc kể từ khi người Hoa ở Cù Lao Phố (tức Biên Hòa ngày nay) chạy tới đây lánh nạn sau khi nơi ở của họ bị quân Tây Sơn tàn phá năm 1776 vì một tướng Tây sơn bị quân Tàu giết chết.

Rồi do nhu cầu, người Hoa lập chợ (hay phát triển chợ có đã từ trước) để trao đổi hàng hóa. So với chợ Tân Kiểng của người Việt thì chợ Sài Gòn (khu vực Bưu điện Chợ Lớn ngày nay) có lớn hơn nên được người dân gọi là Chợ Lớn. Sau đó, tên chợ cũng được dùng để chỉ vùng đất mà nó tọa lạc. Theo học giả Vương Hồng Sển, thì “Chợ Lớn như nay ta còn gọi, đối với Hoa kiều là Thầy Ngôồn (Đề Ngạn) hay Xi Cóon (Tây Cống); còn sách cũ Pháp viết là Cholon hay Cholen, Cho Leun”.

Không phải là tên một ngôi chợ, vậy là tên của một cái gì? Chợ lớn là nơi tập trung đông đảo nhất người Tàu ở VN cả xưa lẫn nay

Ngó qua Chợ Lớn làm chay,

Thỉnh ông Tiêu Diện, thỉnh bà Quan Âm.

Trong cuốn Sàigòn năm xưa, cụ VHS có viết :

Rạch Chợ lớn nối Rạch Cát với Rạch Bến Nghé do kinh Ruột Ngựa đào năm 1772. Kinh Chợ lớn hay bị cạn nên vua Gia Long năm 1819 đào kinh Tàu Hủ thay thế.

Lời bàn:

“Tên Chợ lớn đã có (1772) trước thời Tây Sơn đánh phá Biên Hoà năm 1776 nên tên Chợ Lớn không phải do người Tàu chạy lánh nạn từ Biên Hòa về Sài Gòn mở mang chợ thành Chợ Lớn”

An Chi cũng cho rằng, trước khi thành phố Sài Gòn (khu vực Quận 1 và Quận 3 hiện nay) được người Pháp thành lập thì Sài Gòn là tên của khu vực mà sau này là trung tâm của Chợ Lớn, còn nơi mà sau này gọi là Saigon thì trước đó có tên  Bến Nghé.

Lời bàn:

“Có một số vấn đề không hợp lý cần bàn luận như sau

-Tên Chợ Lớn không kèn không trống đột nhiên xuất hiện.

-Không giải thích được tại sao không gọi là chợ Sài gòn mà lại gọi là Chợ Lớn?

Chợ Tân Kiển đã được đánh giá là “chợ lớn” thì sao không gọi chợ Sài Gòn là Chợ Lớn hơn, Chợ lớn mới, Đại Chợ lớn, Siêu Chợ, Siêu Thị?

-Có ba vùng là Bến nghé, Sài Gòn và Chợ Lớn. Tên Chợ Lớn không một ai thắc mắc vì cho là tiếng Việt thuần túy của một cái chợ khá đồ sộ của người Tàu. Nhưng người Tàu lại gọi là Thầy ngồn chớ không gọi là Chợ Lớn.

-Một yếu tố quan trọng nhất để bác bỏ ‘’Chợ Lớn là tên một cái chợ của người Tàu’’:

Cái gọi là Chợ Lớn lại là tên một cái tỉnh khá lớn của Khmer, lớn hơn Sài Gòn vài chục lần.

Toàn quyền Pháp đã biết có một vùng rộng lớn mà người Khmer ở đây gọi là Cholo, Cholen hay Choluen nói dính lại và không có dấu, giống như người Pháp gọi Biên Hòa là Bienoa (Bi-en-noa), Mỹ Tho là Mytô, Cần Thơ là Kantô”

Thật vậy, Chợ Lớn là tỉnh thành chớ không phải thuần túy là chợ bán buôn:

Hạt tham biện Chợ Lớn được lập ra ngày 5 tháng 1 năm 1876 do tách từ tỉnh Gia Định cũ. Tỉnh Chợ Lớn vốn là đất huyện Tân Long, phủ Tân Bình của tỉnh Gia Định, gồm 13 tổng (sau còn 12 tổng), 72 làng. 12 tổng đó là: Cầu An Thượng, Cầu An Hạ, Long Hưng Thượng, Long Hưng Hạ, Long Hưng Trung, Phước Điền Thượng, Phước Điền Trung, Phước Điền Hạ, Tân Phong Hạ, Lộc Thành Thượng, Lộc Thành Trung, Lộc Thành Hạ.

Tỉnh Chợ Lớn được thành lập theo Nghị định ngày 20 tháng 12 năm 1899 của Toàn quyền Đông Dương trên cơ sở đổi tên gọi tiểu khu hay hạt tham biện (arrondissement) thành tỉnh (province), kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1900 và bị mất tên gọi đơn vị hành chính cấp tỉnh kể từ ngày 22 tháng 10 năm 1956 22 cho đến nay. Như vậy Chợ Lớn là 1 trong 20 tỉnh ở Nam Kỳ lúc bấy giờ

Đến năm 1930, hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn đã giáp nhau ở chỗ nay là đường Nguyễn Văn Cừ. Đáng kể thêm là tại đây có nhiều quán ăn và tiệm thuốc bắc của người Hoa. Trong những năm 1930-1950 do quá trình đô thị hóa, Sài Gòn và Chợ Lớn dần dần sáp nhập với nhau.

Sau này phần lớn đất đai tỉnh Chợ Lớn gốm: các quận (Cần Giuộc, Cần Đước, Đức Hòa) và một phần quận Gò Đen (Trung Quận) nhập vào tỉnh Long An khi tỉnh này được thành lập năm 1956, phần còn lại của quận Gò Đen nhập vào tỉnh Gia Định, sau là huyện Bình Chánh Thành phố Sài Gòn. (TK 8)

Nguồn gốc từ Chợ Lớn

Phía bên Miên gần Tây Ninh có làng Phumi Chhlong nằm kề bên bờ sông Mekong và Prek Chhlong. Sông Chhlong tuy không rộng nhưng khá quan trọng vì rất dài, có thể dài hơn sông Saigòn, có nguồn từ sông Mekong ở Cambodia, chảy gần tới Mamot thì đổi sang phía đông tới tỉnh Kratié. Một nhánh của sông Chhlong và nguồn của sông Saigon gặp nhau ở quận Memot nằm gần ranh giới VN. (TK 9)

Trong tất cả các địa danh Campuchia chỉ có một tên duy nhất gần giống Chợ Lớn là Chhlong phát âm là Chơlon theo tên một vị thần nào đó.

Tóm lại, Chợ Lớn có nguồn gốc từ “Chhlong” tiếng Khmer, vốn là tên một tỉnh thành thời cổ có thể gồm cả Sài Gòn, chớ không phải một cái chợ lớn theo nhận định thông thường của mọi người, kể cả các học giả trong và ngoài nước xưa và nay.

Đa số các tác giả lý giải từ nguyên theo phiên nghĩa nhưng miền Nam là Thủy Chân Lạp nên địa danh hầu hết là trùng lập với Lục Chân Lạp tức Campuchia mà địa danh ở đây đa số là từ Hindu giáo và có ở Angkor Wat và Angkor Thom.

Tham khảo

1.Sài Gòn năm xưa của Vương Hồng Sểnh
2.Gia Định Thành thông chí của Trịnh hoài Đức
3.Angkor Wat and Angkor Thom, Siem Reap by AuDley
4.“300 năm Sài Gòn”, xuất bản từ TPHCM
5.Tôn giáo VN thời khuyết sử của ĐVPL
6.Nguồn gốc địa danh Miền Nam 1,2 của ĐVPL
7.Cambodia Periplus travel map
8.Chợ Lớn wikipedia
9.Periplus Việt Nam Travel Map

No comments:

Post a Comment