Feb 5, 2014

MÂM CỖ BA MIỀN TRONG NGÀY TẾT


Mâm cỗ cúng ông bà, để gia đình quây quần bên nhau trong ngày đầu năm là một nét đẹp trong văn hóa của gia đình người Việt từ Bắc vào Nam.
Sự khác nhau trong văn hóa ẩm thực của ba miền thể hiện trong mâm cỗ Tết. Với miền Bắc đó là sự tinh tế, phối hợp hài hòa giữa các món ăn; miền Trung là sự cầu kỳ, chăm chút trong việc chế biến, tạo hình cho từng món ăn; riêng với người miền Nam đó là sự phong phú, từ món khô, món nước, từ món mặn cho đến món ngọt đều có mặt đầy đủ.


                                 

 Cầu kỳ chăm chút mâm cỗ Tết miền Trung
Trong không khí rộn ràng của xuân mới, người miền Trung náo nức chào xuân với hương thơm của bánh tét, của dưa món, của nem chua, của tré, của thịt giầm bên cành mai vàng sắc nắng. Lát bánh tét dẻo mềm, được ăn kèm với những lát dưa món giòn giòn, đậm đà đem đến cho người ăn cảm giác ngon miệng rất khó quên, khiến bao người con xa xứ nhớ nhung mỗi độ xuân về.
Nhà ai cũng thế, dù mâm cao cỗ đầy, cao lương mỹ vị thì vẫn không thể thiều những món ăn truyền thống, dân dã của quê hương này. Đó đã trở thành một hương vị rất riêng, rất Trung mà chẳng đâu có được. Bên cạnh đĩa bánh tết, dưa món, nắm tré, bò ngâm màu trầm, thường có chén (bát nhỏ) tôm chua, xinh như một bông hoa, chói chang đỏ như vầng mặt trời mùa xuân ấm áp.
Những món trên mâm cỗ miền Trung thường chú trọng đến sự chăm chút và tính bảo quản do khí hậu khắc nghiệt. Món nguội có các món như chả phụng, nem, tré... Gỏi thì có gà bóp rau răm; gỏi trái vả; măng, mít trộn.... Món nóng có nem lụi, bò nướng sả ớt... Những món nguội lưu trữ được dài ngày thường được cuốn với bánh tráng, dưa kiệu.

                                                                          Nắm Tré 
                                   

                                                                          Chả Huế
Món chính để ăn với cơm có món quay, rán từ heo, gà. Món nấu có bò nấu thưng, củ cải kho nạc heo, thịt nạc rim, hon… Và thường không thiếu món canh giò heo hầm, gà tiềm, bánh tét, dưa món. Các món tráng miệng từ mứt; bánh có bánh tổ, bánh in, bánh thuẩn, bánh bột sắn, bánh ít, bánh đậu xanh sấy, bánh bảy lửa, cốm…
Phong phú mâm cỗ Tết miền Nam



                                   
                                       Người miền Nam thường ăn bánh tét thay cho bánh chưng
So với miền Bắc, mâm cỗ Tết của miền Nam và miền Trung đã có không ít đổi khác và mâm cỗ Tết miền Nam thường có nhiều đồ nguội do thời tiết nắng nóng. Vẫn là bánh chưng xanh ấy, nhưng ở miền Nam là sự hiện diện của những khoanh bánh chưng dài (hay còn gọi là bánh tét) được xắt miếng thay cho bánh chưng vuông và thường đi kèm với đĩa củ cải ngâm nước mắm. Bát canh măng nấu sẽ được dùng măng tươi thay cho măng khô (miền Bắc và miền Trung dùng măng khô). Thay cho bát canh mọc lại có bát canh khổ qua nhồi thịt.
                                          
                            
            Ở miền Nam, canh khổ qua nhồi thịt được thay cho bát canh mọc.
Đặc biệt, hầu như khắp nơi ở Nam bộ nhà nào cũng có nồi thịt kho nước dừa ăn với dưa giá và canh khổ qua. Hai món này luôn có trong mâm cơm cúng ông bà ngày 30 tết. Theo dân gian thì "khổ qua" là món ăn để mong ước sự cơ cực qua đi cho năm mới tốt đẹp hơn. Xét thực tế đây là món ăn mát, giải mỡ, lưu trữ lâu ở thời tiết nóng miền Nam. Và thường phải có món bánh tét nhân mỡ ăn với củ cải ngâm nước mắm. Tráng miệng có những loại mứt trái cây như mứt dừa, me, mãng cầu, gừng dẻo, củ năn, thèo lèo, kẹo chuối, xôi vị, bánh bò, bánh ít, bánh tét ngọt…
Với món nguội có nem, bì, lòng heo khìa, giò heo nhồi, lạp xưởng tươi, gỏi ngó sen… Riêng gỏi gà luộc xé phay trộn củ hành, kiệu là món thường có trên mâm cỗ. Các món ngâm chua như lỗ tai heo ngâm giấm, tôm khô củ kiệu cũng được ưa chuộng. Món chính để ăn cơm như bò nấu đun, gà rim nước dừa tươi.

                                                               Mâm cỗ Tết miền Nam

Sự hài hòa âm dương trong các mâm cỗ
Sự phối hợp nguyên liệu nóng và nguyên liệu mát cũng là nghệ thuật cân bằng âm dương trong món ăn ngày tết. Chẳng hạn, cá lóc kho kèm thịt heo (cá nước - âm hơn, heo trên cạn - dương hơn). Thịt, cá (dương hơn) được xào với rau củ (âm hơn).
Nhìn mâm cỗ tết Việt, màu sắc hài hoà. Rau quả xanh tươi của hành mộc thể hiện sự tươi mới mùa Xuân. Màu đỏ - hành hoả, màu của thịt thà, nem chả mang đầy năng lượng cho cuộc sống. Màu vàng - hành thổ từ sắc vàng như bánh mứt thể hiện sự an lành. Màu trắng - hành kim của các món bún, cơm, xôi, bánh tráng tượng cho sự vững chắc, bền bỉ. Và màu nâu sẫm, màu đen - hành thuỷ của các loại nấm, tóc tiên… tượng trưng cho sự may mắn, hanh thông. Màu sắc ngũ hành có đủ trong mâm cỗ tết thể hiện sự ước mong điều tốt lành trong năm mới.
                                  
                     Xôi luôn là món không thể thiếu trong mâm cỗ ba miền.
Tục ăn Tết, bày mâm cỗ Tết dâng cúng tổ tiên từ lâu đã là một phong tục đáng quý đặc trưng của người Việt. Đó là cách con cháu thể hiện sự tưởng nhớ, lòng biết ơn đối với ông bà, tổ tiên của mình. Điều kiện địa lý, vùng miền đã mang đến nhiều điểm khác biệt rõ rệt trong mâm cỗ ngày Tết nhưng nét đặc trưng cơ bản mà miền nào cũng phải có trong mâm cỗ là cơm và xôi, đặc biệt là bánh chưng, bánh tét ăn kèm với các loại dưa muối đặc trưng của từng miền.

Ngày nay, cuộc sống bộn bề khiến nhiều gia đình không còn quá cầu kỳ trong việc chuẩn bị mâm cỗ Tết. Nhưng những mâm cỗ ấy vẫn luôn là biểu tượng của lòng thành kính thiêng liêng dâng lên tổ tiên và hình ảnh đại gia đình quây quần bên nhau quanh mâm cỗ ngày Tết luôn là hình ảnh đẹp và sẽ còn mãi theo thời gian.

Sưu tầm trên internet.

No comments:

Post a Comment