Sep 14, 2013

CHUNG ĐÀO -KỶ NIỆM

 


KỶ NIỆM


Nếu ai có hỏi tôi thời điểm nào là đáng yêu nhất trong đời con gái, con đường nào gợi lại nhiều kỷ niệm nhất, tôi sẽ không ngần ngại trả lời rằng đó là thời nữ sinh dưới mái trường TV trên con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm rợp bóng mát nơi đã ấp ủ bao nhiêu kỷ niệm thời học trò hoa mộng của tôi.


Việc thi đậu vào Trưng Vương thời đó là vinh dự đầu tiên tôi mang về cho bố mẹ, còn nhớ đi đâu hai ông bà cũng khoe “cháu nó mới đậu đệ thất TV mà còn đậu thứ hạng cao nữa”…thật vậy ngày xưa mà thi đậu vào nữ trung học Trưng Vương hay Gia Long là điều tuyệt vời đối với  nữ sinh chúng tôi vì phải chống chọi với bao nhiêu là thí sinh để giành lấy một suất học.


Những ngày đầu tiên đi học được mẹ sắm cho một chiếc nón lá be bé xinh xinh để đội khi mặc áo dài xanh ngày thứ hai, vài chiếc áo đầm trắng để mặc những ngày thường.  Thuở đó, bà hiệu trưởng của chúng tôi là bà Phú, nhưng chúng tôi không sợ lắm, người mà chúng tôi rất sợ là bà Tổng Giám Thị Nguyệt Minh.  Mặc áo dài không mặc áo lót cũng bị la, mặc “soutien” đen cũng bị la, con gái mới lớn đánh chút phấn son cũng bị la, đi lên lớp không đi nhẹ nhàng mà khua guốc dép lọc cọc cũng bị la….nói chung lúc đó khi gặp cô Nguyệt Minh chúng tôi cứ có cảm giác như gặp cảnh sát, thế nào cũng bị bắt không lỗi này thì lỗi kia.


Tôi còn nhớ như in cô Nguyệt Minh ăn mặc thật sang trọng và lịch sự, dù lúc đó chúng tôi còn rất bé nhưng hình ảnh cô với áo dài lụa mềm mại, xâu chuỗi hạt trai trên cổ, và phong cách trang điểm nhẹ nhàng đã gây cho chúng tôi một ấn tượng mạnh mẽ về sự lịch lãm sang trọng.  Dĩ nhiên lúc ấy vì quá sợ nên chẳng thấy có cảm tình với cô.   Sau 75 khi tôi còn kẹt lại Việt Nam, đang làm phòng thuế Quận 11 tình cờ gặp cô tới xin chứng chỉ không thiếu thuế để làm thủ tục xuất ngoại Canada theo bảo lãnh của con trai, tôi đã thật sự xúc động khi lại được nhìn thấy cô sau bao năm dài và nhận thấy dáng dấp cô vẫn thanh mảnh sang trọng như ngày nào, chỉ có giọng nói thì dĩ nhiên không còn lạnh lùng nghiêm trang như những ngày còn ở TV nữa.

Cô Nguyệt Minh làm chúng tôi sợ chết khiếp, nhưng có một người nữa cũng không kém uy quyền là “hoàng tử mắt chột” tức là ông giữ xe kiêm bảo vệ cổng sau của trường.  Có những hôm muốn cúp cua đi chơi mà ông cứ ngồi ì ra đấy, canh mãi ông mới bỏ vào chẻ củi thế là đứa trông chừng, đứa đẩy xe ra để đi.  Chỉ tội nghiệp cho đứa sau cùng, cả bọn chờ mãi chẳng thấy con nhỏ ra chỉ thấy “hoàng tử” ló đầu ra cửa, thế là chúng tôi chẳng ai bảo ai, cùng ù té chạy mặc cho bạn mình còn kẹt lại trong “vòng lửa đạn”.  Hôm sau hỏi ra mới biết là sau khi canh cửa cho các bạn, khi con nhỏ định sửa soạn dắt xe ra thì bị hoàng tử “hỏi giấy” nên chẳng còn lựa chọn nào khác phải thụt vào học tiếp.


Vì nhà tôi rất gần trường nên phải đi bộ đến trường dù rất thèm đi xe trường để có thêm thời giờ tán dóc với bạn bè.  Lúc đó tận cùng trường tôi là khu công xưởng Bason, chưa được mở ra thành lối đi thông sang Lê Thánh Tôn như hiện nay, nếu có thì đỡ biết mấy vì không phải đi qua cửa ải Võ Trường Toản.  Khỏi phải nói, những ai đã là nữ sinh Trưng Vương mà phải đi bộ đến trường sẽ không bao giờ quên được cái cảm giác run sợ khi đi ngang qua Võ Trường Toản.  Bước đi mà chân tay như thừa thãi, ánh mắt nhìn đi đâu cũng đụng phải những cặp mắt soi mói của các anh hàng xóm.  Người ở đâu ra mà nhiều, mà đông thế không biết, đến trường rồi không chịu vào lớp mà dàn hàng hai bên đường để nhìn để ngó.  Chẳng bao giờ tôi dám đi bộ ngang qua đó một mình, lúc gần đến trường cũng phải đợi ai đó quen để cùng nhau đi qua cho đỡ run.   Bận về thì dễ hơn vì tan trường ra đông đúc nên chúng tôi dễ tụ họp nhau lại để về cùng.  Mà lúc tan trường đông lắm, các anh hàng xóm mắt cứ đảo liên tục giữa nhiều mục tiêu khác nhau nên cũng đỡ nhìn chăm chăm vào mình.  


Khi  lớn hơn do phải đi học thêm nhiều nơi để chuẩn bị thi tú tài tôi được mẹ mua cho chiếc xe Honda để tiện di chuyển, thế là từ nay mình cứ phóng cái vèo là qua khỏi đám học trò Võ Trường Toản chứ không còn phải chịu cực hình khi đi bộ ngang qua đó nữa.  Nhưng cuộc đời không phải lúc nào cũng trôi chảy, một hôm phóng nhanh thế nào, không may vấp phải cục đá té nhào ngay VTT trước bao nhiêu cặp mắt của các anh láng giềng, khỏi phải nói lúc đó tôi chỉ muốn chui vào lòng đất mà trốn vì quá ngượng.  Nỗi xấu hổ làm tôi quên cả đau, có ai đó đến đỡ giùm xe lên, ai đó đưa chai dầu bảo xức vào, nhưng tôi chẳng còn hồn vía nào để làm bất cứ điều gì, chỉ biết cám ơn rối rít và lên xe chuồn đi thật nhanh trước bao ánh mắt nhìn theo thương hại.


Nói đến thời học trò mà không nói tới chuyện ăn hàng cũng là thiếu, khi tan trường chúng tôi mê nhất là xe đậu đỏ bánh lọt của hai ông bà người Hoa, tiếng đá bào nghe thật hấp dẫn giữa trưa nắng gắt.  Kế đến là xe đu đủ bò khô, ông bán hàng cứ cầm chiếc kéo đập vào nhau lách cách liên tục, khơi gợi sự thèm ăn của chúng tôi, nhất là sau một buổi học dài cái bao tử trống rỗng đã bắt đầu đòi ăn.  “cho thêm chút dấm đi chú..” “ôi chú cho con nhiều ớt cay quá” “chú ơi, sao hôm nay bò khô ngọt quá…” cứ thế chúng tôi như đàn ong vỡ tổ, vừa ăn vừa láo liên lấy nón lá che mặt sợ cô giáo hay một “cái đuôi” nào đó nhìn thấy thì thật là xấu hổ vì ăn hàng ngoài đường.


Những năm học cứ êm ả trôi, đám học trò chúng tôi chẳng có khái niệm rõ ràng về thời gian mà chỉ cắm cúi tận hưởng những giây phút  thần tiên bên thầy cô bạn bè.  Những buổi viện cớ đi tập văn nghệ để trốn vài tiết học, những lúc cột vạt áo dài vào nhau , leo lên “terrace” nhà cô Nguyệt Minh để nhìn xuống sở thú chọc ghẹo những cặp tình nhân đang mùi mẫn dưới những gốc cây trong sở thú, những giờ ra chơi giành nhau xích đu đến nỗi rách toạc cả vạt áo dài.  Những kỷ niệm đó chẳng bao giờ quên được.  Hình ảnh đẹp mà tôi luôn giữ trong tâm khảm là những nữ sinh TV trong tà áo lụa trắng, tay ôm cặp sách, chân đi guốc mộc, cùng nhau thơ thẩn từ đầu sở thú tới cuối con đường dốc thật dốc.  Đẹp nhất là những giờ tan trường, đứa velosolex, đứa xe đạp, đứa xe Honda …cùng nhau đi hàng hai, hàng ba thậm chí hàng bốn trên con đường Thống Nhất rộng thênh thang, áo trắng tung bay trong gió như những cánh bướm trắng dại khờ.  


Chỉ những năm cuối khi được người khác phái để ý, chúng tôi chẳng ai bảo ai, mới bắt đầu chưng diện và làm duyên, đứa thì cài “ruban” hồng trên đầu, đứa thì thắt bím với đôi nơ tim tím, đứa thì “queue de cheval” nhỏng nhảnh đáng yêu khi đi lại.  Chúng tôi đã bắt đầu lứa tuổi mơ mộng và thỉnh thoảng trong lớp vẫn có đứa giật bắn mình khi bị cô kêu “Em kia đang ngồi trong lớp mà mơ màng gì đấy?”, biết trả lời sao đây vì trái tim em đã bắt đầu rung động rộn ràng.


Lớn thêm một chút đám nữ sinh chúng tôi bắt đầu có những cái đuôi đi theo, những anh người yêu thời mới lớn và những mối tình thời đó sao mà thánh thiện.  Tan trường nhìn thấy anh là lo tống ga vọt thật nhanh sợ cô thầy thấy, nhưng sợ nhất là lũ bạn quỷ quái vì nếu thấy chúng sẽ ầm lên cho mà xem.  Chỉ khi đi thật xa khỏi trường mới dám bớt ga lại và đi song song nói chuyện với anh một chút rồi lại vọt nhanh về nhà chuẩn bị ăn cơm và đi học thêm buổi chiều.  Bài vở thì tràn ngập, học thêm bít hết cả giờ, nếu có yêu thì chỉ là những phút rung động thoáng nhẹ trong hồn.  Mà hồi đó thanh niên cũng kiên nhẫn hơn bây giờ, đội mưa đội nắng đến chỉ để gặp mặt một chút là quá đủ rồi, cho nên mới có câu thơ “gặp một bữa là đã mừng một bữa, gặp hai hôm là nhị hỉ của tâm hồn”.  Thời nay hầu như chẳng còn chuyện chầu chực chỉ để nhìn một chút, mà có còn thì cũng rất hiếm.


Rồi cũng đến ngày ra trường, còn gì buồn hơn ngày sắp chấm dứt 7 năm học dưới mái trường thân yêu, những cuốn lưu bút được trao nhau một cách vội vã, những giòng chữ thân tình mà bây giờ khi con cháu đã đầy đàn, ngồi đọc lại vẫn thấy được tình cảm ngây ngô nồng nàn của tuổi học trò.  Rồi đây mỗi người sẽ đi mỗi hướng, theo đuổi những mục tiêu khác nhau.  Có người bạn đã vội “theo chồng bỏ cuộc chơi”, có người lên đường du học, có người ở lại và chọn vào những phân khoa khác nhau, nhưng cũng có người kém may mắn phải lăn xả kiếm sống vì gia đình nghèo khó không thể tiếp tục việc học.


Cuộc chiến thì ngày càng khốc liệt, cuộc đời mỗi người chúng tôi nổi trôi, thăng trầm theo số phần đã được định sẵn, vận nước đã đưa những người bạn ngây thơ ngày nào phiêu bạt khắp bốn phương trời, những người ở lại ngậm ngùi với cảnh xưa trường cũ.  Cũng may gần đây với sự phát triển của công nghệ thông tin, chúng tôi lại tìm thấy nhau, liên lạc và giúp đỡ lẫn nhau, tinh thần cũng như vật chất, để tình bạn thời trung học luôn là tình bạn thâm thúy và bền chặt nhất.  Hôm nay mình tôi trở lại trường xưa, bao nhiêu kỷ niệm lại dạt dào ùa về, tuổi thơ hoa mộng ơi, bao giờ cho tôi sống lại một lần.


3 comments:

  1. Mời các bạn ghé thăm ĐSTV vói KY NIỆM của Chung Đào , hình dung lại những ngày xưa thân ái TV , từ ngày đầu tiên thi đậu Đệ Thất tới ngày ra trương , kỷ niệm vẫn rất gần gũi thế mà đã 50 năm , TRƯNG VƯƠNG NGÀY ĐÓ BÂY GIỜ. . Đọc để thấy rằng trong chúng ta TV ngày đó bây giờ cũng chỉ là ...MỘT VÀ VĨNH VIỄN NHƯ THẾ.. Cảm ơn Chung Đao đã đóng góp Kỷ Niệm cho ngày sinh nhât ĐSTV lên 3 và 50 năm TV tình cũ .....không rủ cũng về !!!!!!!!

    ReplyDelete
  2. Bài viết của Chung thật dễ thương, nhẹ nhàng, làm nhớ quá tuổi học trò còn e thẹn, hồn nhiên dưới mái trường thân thương TV, và làm sao quên được con đường nhiều kỷ niệm Nguyễn Bỉnh Khiêm.

    ReplyDelete
  3. Chung ơi, những điều mợ kể ra làm lòng em rung động nhớ lại ngày xưa còn bé của mình. Cám ơn Chung đã cho H những mỉm cười thư thái trong chiều chủ nhật...

    ReplyDelete