Sep 15, 2013

Dấu chân kỷ niệm ...


                                  Lê Như Mai


Tranh của Họa Sĩ Liên Hương TV6370

Bạn có thấy thời aó trắng TV đang sống lại
những làn gíó vẫn còn thở trên .....tà aó
những ước mơ còn đang ấm trong tim
vậy mà chúng ta vội vã ra đi...


TUL
Dấu Chân Kỷ Niệm
Lê Như Mai
.......Many people will walk in and out of your life, but only true friends will leave footprints in your heart......

Montreal, ngày...tháng...năm...

Nhỏ thân thương,
Nhỏ còn nhớ không, năm đệ Nhất, có lần trong giờ Triết, thầy Vĩnh Đễ đã nói rằng, con người sở dĩ sống yên vui là nhờ mình có thể quên đi.  Nếu không có khả năng đó, đầu óc mình suốt ngày cứ lẩn quẩn nhớ hết chuyện này tới chuyện nọ, kể cả những điều đau thương, buồn bã thì làm sao mà sống được.  Như hôm trước, nhân dịp trở về Việt Nam, Mai đã ghé thăm ngôi trường cũ của tụi mình.  Đã ngẩn ngơ kiếm tìm.  Rồi thất vọng.  Rồi buồn bã.  Vì không thể nào tìm lại được một Trưng Vương thân thương ngày xưa, đó nhỏ.
Nhỏ biết không, buổi chiều Mai trở về, hàng cây sao cao vút hai bên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm lá vẫn reo vui chào đón.  Chữ TRƯỜNG TRƯNG VƯƠNG quen thuộc vẫn đứng sừng sững, nổi bật trên nền trời xanh.  Nhưng những hình ảnh từng khắc sâu trong tâm thảm tụi mình đã không còn nữa, nhỏ ơi!  Khung cửa gỗ nâu của cổng trước giờ đã bị khoá kín, hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài bằng một bức tường cao.  Cổng sau giờ đã thành cổng chính.  Dãy nhà trệt nằm bên phải của cổng sau, nơi trú ngụ của ông gác cổng- người được mệnh danh là Hoàng Tử Chột và cũng là hung thần của tụi mình những ngày đi học trễ.  Căn nhà nhỏ cuối sân để xe, nơi mình vẫn vào ăn những ly chè đậu đen của chị Nụ trong giờ ra chơi.  Phòng thí nghiệm bí hiểm thường gây cho mình cảm giác rờn rợn mỗi lần vào thực tập.  Khoảng sân nhỏ trải cát nơi mình tập nhảy xa, leo dây trong giờ thể dục năm đệ Thất.  Tất cả, tất cả giờ không còn nữa đâu, nhỏ à.  Thay vào đó là những dãy phòng ốc xây dọc ngang, lạnh lùng, xa lạ với lớp vôi vàng mới toanh.  Nhỏ biết không, chỉ có sân trước với dãy lớp học cao ba tầng của tụi mình ngày xưa là còn nguyên vẹn thôi nhỏ.
Nhỏ thân thương,
Mai đến trường vào buổi chiều trước ngày khai giảng năm học mới.  Sân trường vắng ngắt, không một bóng người.  Những hàng ghế đã được sắp đầy sân, chuẩn bị cho buổi lễ ngày hôm sau.  Không thể nào chụp hình để gởi cho nhỏ như đã dặn dò.  Trong cái lặng lẽ của buổi chiều tàn, Mai một mình đứng giữa sân trường, bồi hồi nhin cảnh cũ mà nhớ lại những kỷ niệm xưa, đó nhỏ.
Nhỏ còn nhớ không, nằm lẻ loi ở một góc trường, sau lưng cột cờ là cái giảng đường cũ kỹ, tối tăm, nơi tụi mình cứ lần mò mấy nốt nhạc Do, Re, Mi, Fa , Sol, La, Si, Do trong giờ cô Dương Nguyệt Lãng suốt năm đệ Thất.  Xa xa, ở phía tay phải của tầng trệt là lớp Nhị C thân thương của tụi mình, nằm khiêm nhường giữa phòng Giám Học và lớp Nhị B của Kim Cúc, Minh Khiết, Ngọc Bích, Tân Lê...
Nhỏ còn nhớ không, có lần Mai đã lén vao văn phòng Giám Học để lấy trộm những ô gỗ vuông vức, nhỏ xíu dán tên thần tượng của Mai.  Chắc lúc sắp thời khoá biểu bà Giám Học đã phải ngạc nhiên, tự hỏi vì sao mà không có đủ những ô gỗ đó để xếp giờ cho thầy!
Nằm ở tận cùng của tầng trệt, bên cạnh phòng Giám Học là phòng Giáo Sư, nơi tụi mình hay lấp ló cuối giờ ra chơi, thăm dò xem có thầy cô nào nghỉ dạy hôm đó thì vội vàng về báo tin vui cho cả lớp.  Dù đôi khi chỉ được nghỉ một giờ thôi nhưng tụi mình luôn có một chương trình phong phú để tận hưởng những giây phút thần tiên đó, phải không nhỏ?  Hết chui hàng rào vào Sở Thú lại đạp xe ra chợ Đa Kao ăn chè đậu đỏ bánh lọt.  Khi thì chạy tới Hiển Khánh để thưởng thức món thạch chè.  Có hôm cả bọn đạp xe ra tới chân cầu xa lộ Biên Hoà, trời đổ mưa, đứa nào đứa nấy ướt như chuột lột....
Bên hông phòng Giáo Sư là cầu thang gỗ đưa lên hai tầng trên.  Nhỏ còn nhớ không, giờ chào cờ sáng thứ hai nào bà Tổng Giám Thị cũng nhắc nhở nội quy của trường là cấm học sinh trên lầu đi guốc để tránh gây ồn ào cho các lớp nằm ở tầng dưới.  Khổ nỗi ở tuổi mới lớn, tụi mình lại cứ thích diện những đôi guốc cao gót đánh verni bóng loáng để dáng đi có vẻ ẻo lả hơn trong chiếc áo dài trắng.   Thế là một hôm bà Tổng đứng sẵn ở chân cầu thang, ra lệnh cho tụi mình bỏ hết guốc ra, đi chân đất lên lớp.  Đứa nào cũng mắc cở, chạy vôi vã lên lầu, bỏ lại những đôi guốc nằm chơ vơ dưới chân cầu thang.
Nhỏ còn nhớ không, lầu hai có dãy hành lang rộng thênh thang, nơi mình thường đứng tựa vào lan can nhìn qua Nha Khảo Thí hoặc trường Võ Trường Toản xa xa.  Bên ngoài lan can là một thềm xi măng khá lớn nhô ra ngoài, tựa như mái che cho tầng trệt phía dưới.   Cuối năm đệ Lục tụi mình ráng làm gan, trèo ra ngoài lan can, đứng trên thềm xi măng để chụp hình làm kỷ niệm, như nhỏ thấy trong tấm hình Của mới gởi qua cho tụi mình đó.
Ngoài cái tật leo trèo, tụi mình còn hay ăn vụng trong lớp nữa, phải không nhỏ?  Nhỏ còn nhớ trưởng lớp Lê Thị Ngọc Bích không?  Nhà Bích ở ngay chợ Tân Định nên có hôm Bích mua trái xoài tượng to tướng mang vào lớp, không quên đem theo ít mắm ruốc gói trong lá môn.  Giờ Toán, trong khi cô Tuý Nga viết công thức trên bảng thì tụi mình chuyền cho nhau từng miếng xoài chua chua, ngọt ngọt vô cùng hấp dẫn, không để ý đến cái mùi mắm ruốc đã nồng nặc trong lớp.  Kết quả là Bích lãnh hai con số không hạnh kiểm, vừa khóc vừa than," Biết vậy tao không thèm đem xoài vào lớp cho tụi mày ăn làm chi!" 
Vậy mà chỉ ít lâu sau thôi thì đâu lại vào đấy.  Những phong bánh đậu xanh nho nhỏ, những gói ô mai me cam thảo lại tiếp tục xuất hiện trong hộc bàn.  Thêm vào đó, trong hộc bàn lại còn có những lá thư làm quen với các chị học buổi sáng ngồi cùng chỗ với tụi mình.  Không hiểu sao năm đó Mai lại được hai chị học buổi sáng nhận làm em cùng một lúc.  Chị Minh ngồi đầu bàn nhất, trước mặt bàn Giáo Sư, cùng chỗ với Mai.  Chị Chúc ngồi ở dãy giữa, ngay chỗ của Tạ Thuý Lan.  Chị Chúc viết thư cho Mai thường hơn nên tình chị em cũng đậm đà hơn.  Những buổi sáng đến trường tập thể dục thế nào Mai cũng lên lớp thăm chị.  Mùng Hai Tết năm đó Mai đã đến nhà chị chúc Tết.  Mai nhớ chị Chúc ở đường Phan Kế Bính, đối diện nhà cô Cao Hương dạy mình Anh Văn năm đệ Lục đó nhỏ. 
 Nhỏ còn nhớ không, cái rắn mắt, tinh nghịch của đám học trò tụi mình dường như ngày càng tăng lên theo thời gian.  Năm đệ Ngũ thỉnh thoảng tụi mình lại bỏ những giờ Toán, Lý Hoá khô khan để cùng nhau đi lang thang trên con đường Lê Thánh Tôn có hai hàng me xanh mướt, thơ mộng.  Rồi cười khúc khích khi ngâm hai câu thơ biện minh cho cái tội trốn học của mình, 
"Gió mưa là bệnh của trời,
Cúp cua là bệnh của đời học sinh"
Nhỏ còn nhớ không, đến năm đệ Tứ thì tụi mình đã bắt đầu lớn.  Những chiếc áo đầm trắng mình vẫn mặc đi học có vẻ ngắn đi và chật hơn.  Cuối cùng thì chúng cũng bị bỏ quên trong ngăn tủ quần áo.  Và tụi mình lúng túng, ngượng nghịu mặc chiếc áo dài trắng đầu tiên trong đời để đi học buổi sáng.  Nhưng điều đó không có nghĩa là tụi mình đã hết nghịch phá phải không nhỏ?  Mai nhớ một trong những trò chơi phổ biến của tụi mình lúc đó là kín đáo cột chéo đuôi áo dài của hai bạn ngồi gần nhau, có khi làm rách cả áo của nạn nhân khi một trong hai người vô tình bước về hướng khác.  Nhỏ còn nhớ không, cô Liên Dung, giáo sư Việt Văn năm học đó vẫn nhắc tụi mình, "Các cô lớn rồi, trông đâu còn giống như lúc thi vào đệ Thất.  Các cô nhớ về chụp hình mới dán vào học bạ đi nhé"  Vậy mà nhỏ biết không, bốn mươi năm sau, khi tấm hình mà cô đã chê xuất hiện trên trang Kỷ Yếu của Trưng Vương Nam California và Houston, "người xưa" vẫn còn nhận ra Mai, đó nhỏ.  Như Phan Thuý Hải ở Oregon, Đặng Thị Liễu ở Indiana, Nguyễn Tuyết Mai ở San Jose, Nguyễn Thị Của ở Pháp, hoặc Nguyễn Thị Hiền ở Đan Mạch.  Dẫu bạn bè mình đã lạc mất nhau từ ngày rời trường năm 70 rồi phải không nhỏ?
Nhỏ còn nhớ không, lớp Tam C của mình nằm trong góc kẹt ở lầu ba, quay lưng qua Sở Thú.  Mỗi khi không có thầy cô trong lớp thì mấy đứa lóc nhóc tụi mình lại tranh nhau leo lên cửa sổ, chăm chú quan sát, theo dõi, rồi chọc ghẹo những cặp tình nhân đang hẹn hò trong Sở Thú.  Ngược lại, những bạn cùng lớp nhưng đã ra dáng người lớn như Phương Liên, Kim Dung, hay Chữ Ngọc Mai Anh thì lại thích nhỏ to tâm sự hoặc chỉ vẽ cho nhau những bí quyết điểm phấn, tô son.  Nhỏ có nhớ một hôm Kim Dung đã khóc sướt mướt khi mái tóc hoe hoe vàng tự nhiên của Kim Dung đã được Mai Anh trổ tài nhuộm đen ngay trong lớp học.  Đúng là nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò.  Mà học trò Trưng Vương cỡ tụi mình thì chắc không cam tâm đứng hàng thứ ba đâu, phải không nhỏ ?
Sang đến năm đệ Nhị, phải chuẩn bị thi Tú Tài I nên đứa nào cũng có vẻ siêng năng, chăm chỉ hơn.  Học ban C nên tụi mình rất chú trọng đến văn chương, ngoại ngữ.  Buổi sáng đến lớp cặp đứa nào cũng có quyển Văn hay quyển sách dịch mới ra lò, đặc biệt là những quyển tiểu thuyết nổi tiếng được viết đơn giản lại của nhà xuất bản Longmans như Wuthering Heights, Jane Eyre, Vanity Fair, v.v .  Buổi chiều thì đi học thêm Anh Văn ở Hội Việt Mỹ, Pháp văn ở Trung Tâm Văn Hoá Pháp.  Trong khi đó tụi mình lại lơ là với các môn phụ.  Nhỏ còn nhớ không, có lần trong giờ Hoá Học, cô Nở gọi Mai lên trả bài.  Cô bảo Mai viết một phản ứng hoá học gì gì đó.  Lén nhìn vào phương trình đã viết sẵn trong lòng bàn tay trái, Mai từ từ viết phản ứng lên bảng và cân bằng ngay lúc chưa viết xong hai vế!  Cô lắc đầu ngán ngẩm cho Mai về chỗ.
Nhỏ còn nhớ không, ở tuổi mộng mơ, lại là dân văn chương, nên tụi mình có thói quen dùng ngòi bút để diễn đạt tình cảm cũng như những suy nghĩ của mình.  Gặp nhau mỗi ngày, nhưng ngày nào tụi mình cũng viết thư cho nhau.  Viết ở nhà, viết cả ở trong lớp.  Chắc nhỏ còn nhớ năm đệ Nhất mình có thêm một người bạn mới- Nguyễn Thị Thu- mà nhỏ An rất là ái mộ.  Giờ Pháp Văn, cô Kim hay bắt mỗi đứa đọc một dòng trong bài text, lần lượt từ bàn trên xuống bàn dưới.  Mỗi khi cái giọng trầm trầm thật đặc biệt của nhỏ Thu cất lên thì An ngồi gần như nín thở để nghe.  Đôi khi An hý hoáy viết này, viết nọ trên những mảnh giấy con con rồi đưa cho Mai.  Đợi lúc cô không để ý, từ bàn chót của tụi mình Mai chuyền thư lên bàn trên cho Thương Thương, nhờ chuyển dần lên đến tận bàn hai cho Thu.  Một hôm, không biết Thu hồi âm ra sao mà An lại ngồi khóc ngay trong lớp nữa chứ!
Nhỏ biết không, có một thời gian dài, Mai đã viết thư hầu như là mỗi ngày cho một người.  Chia sẻ với người ấy từ mùi hoa sứ phảng phất trong không gian buổi sáng Mai đến trường, đến những buồn vui, giận hờn trong lớp học, hay nỗi xúc động khi nghe một bản nhạc mang đầy dấu vết kỷ niệm.  Dù suốt mấy năm trời Mai chỉ gặp người ấy được một đôi lần và hoạ hoằn lắm mới nhận được hồi âm.  Đôi khi ngồi nhớ lại chuyện xưa, Mai bâng khuâng tự hỏi phải chăng Mai đã xem người ấy như một tấm gương để soi rọi chính tâm hồn mình thưở mới lớn?
Nhỏ còn nhớ không, ngày xưa mình đi học bằng xe trường suốt bảy năm trung học.  Xe đưa đón từng học sinh một, ở những địa điểm khác nhau.  Bắt đầu từ khu Phú Thọ, xe chạy qua cư xá Lữ Gia, tới đường Tô Hiến Thành thì rẽ vào cư xá sĩ quan Chí Hoà, sau đó đến khu Hoà Hưng rồi theo con đường Lê Văn Duyệt chạy tới ngã tư Hồng Thập Tự thì xe mới đi thẳng đến trường.  Xe chở trên dưới năm mươi học sinh nên phải ngồi khít khao lắm mới đủ chỗ.  Bận đi thường là ai lên trước thì ngồi trước, nhưng bận về thế nào cũng có màn đặt cặp dành chỗ cho bạn bè mình.  Nhỏ còn nhớ không, xe mình dạo đó có những người đẹp như Mỹ Dung, chị Quất, Thanh mắt nhung nên mỗi khi .....em tan trường về... lại có những anh chàng chạy xe gắn máy lẽo đẽo theo sau.  Ngoài những "cái đuôi" thường xuyên đôi khi lại có những khuôn mặt lạ khiến tụi mình cứ xì xào bàn tán, không biết đó là đuôi của ai!  Năm đệ Nhất tụi mình phải chuyển qua Gia Long học, Mai vẫn đi xe trường nhưng lần này lại đi chung với những nữ sinh Gia Long áo trắng.  Cùng lứa tuổi với tụi mình nhưng người nào cũng có vẻ nghiêm trang, đạo mạo.  Vì vậy, khi tan học Mai hay đi bộ ra đầu đường Hồng Thập Tự đợi xe trường Trưng Vương đến, leo lên đi ké để có dịp chuyện trò, giỡn hớt với bạn bè.
Nhỏ còn nhớ không, mình lớn lên trong chiến tranh nên lớp học cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi những biến động của thời cuộc.  Hoàng Viết Thịnh đã bỏ trường, bỏ lớp để gia nhập hàng ngũ nữ quân nhân.  Anh Đào, Hồ Minh Hoa, Nguyễn Ngọc Anh đã đem đến cho lớp những giọng nói thật nhỏ nhẹ, dễ thương, để lại sau lưng xứ Huế với vành khăn tang trắng năm Mậu Thân.  Nguyễn Thục Thuý Nga đã khóc ngất buổi chiều được tin người yêu bị thương ngoài chiến trường.  Những quyển tiểu thuyết viết về chiến tranh như Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh; Một thời để yêu, một thời để chết của Erich Maria Remarque, Vĩnh Biệt Chiến Trường của Hemingway, hay Dr. Zivago của Boris Pasternak đã trở thành những cuốn sách gối đầu giường của tụi mình.  Và tiếng hát Khánh Ly với những bản nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn đã không thể thiếu vắng trong phần đời mình lúc đó, phải không nhỏ?
Nhỏ còn nhớ không, nếu như năm đệ Thất, mình đi uỷ lạo các anh thương binh ở Tổng Y Viện Cộng Hoà, ngây ngô như Cúc Phương đã diễn tả trong bài luận văn, "Anh thương binh nằm trên giường, cái chân bị thương treo lủng lẳng, đỏ hỏn như thịt heo quay" thì những năm sau này, khi cuộc chiến trở nên khốc liệt hơn, tụi mình đã không ngừng bị ám ảnh bởi những tiếng đại bác đêm đêm dội về thành phố, hay những trái hoả châu rực sáng góc trời xa.  Ngoài giờ học, tụi mình đã lao vào những công tác xã hội như giúp đỡ đồng bào bị hoả hoạn, thăm viếng các anh chiến sĩ đóng ở vùng ngoại ô.  Những sinh hoạt ngoại khoá đó đã đem đến cho chúng mình cả niềm vui lẫn nỗi buồn, phải không nhỏ?   Như chuyện tình của Mỹ Bùi và anh Nhơn đã bắt đầu từ dạo đó và còn kéo dài mãi cho đến hôm nay.  Như nỗi sững sờ khi được tin người sĩ quan trẻ tuổi trưởng đồn lính mà lớp Nhất C mình vừa đi thăm tuần trước đã tử trận trong đợt pháo kích đêm qua.
Nhỏ còn nhớ không, ngày xưa có lần Mai đã ray rứt tự nhủ mình phải làm một cái gì đó khi tình cờ nhìn thấy một cụ già người miền Nam trong bộ bà ba trắng, râu tóc bạc phơ, giữa cái nắng gay gắt của buổi trưa Sài Gòn, chân trần, thất thểu tìm đường đi tới dinh Tổng Thống, để hỏi tại sao ruộng vườn, làng xóm của ông đã tan hoang.  Lúc đó, Mai đã ước ao được theo đuổi ngành báo chí với mục đích dùng ngòi viết của mình để đấu tranh cho lẽ phải, cho công bằng.
Nhỏ còn nhớ không, mới ngày nào nhỏ đã so sánh nhỏ Hương với một giòng sông hiền hoà, luôn êm đềm trôi chảy.  Còn Mai thì cứ như biển dữ, nơi giông tố, sóng gió có thể nổi lên bất cứ lúc nào.  Tưởng như mới hôm qua thôi mà đã mấy chục năm trôi qua rồi.  Giòng đời đã đưa đẩy mình tới những nẻo đường không thể nào biết trước được, phải không nhỏ?  Và mỗi đứa đã có một cuộc sống riêng với những hạnh phúc, những khổ đau khác nhau.  Năm mươi năm nhìn lại, mình đã làm được những gì và mình còn có được những gì hả nhỏ?
Nhỏ có thấy là chỉ ở trong trường học mình mới tìm được tình bạn chân thành, vô vụ lợi không?  Một khi cánh cửa trường đã khép lại sau lưng thì mình sẽ mất tất cả, phải không nhỏ?  
Những năm dài lăn lóc với đời, Mai đã không thể nào tìm được một Thu, một Phượng, một Kim Cúc hay một Minh Hoa thứ hai.  Mười lăm năm đi dạy học trong xã hội cộng sản nhiễu nhương, đầy nghi kỵ, Mai không có được một người bạn thân.  Những âu lo, trăn trở trong cuộc sống chỉ có thể chia sẻ phần nào với đám học trò thân thương.  Dẫu có đứa gần gũi như ruột thịt trong nhà, nhưng vẫn còn quá nhỏ để hiểu hết những điều mình muốn nói, nên lúc nào cũng có một khoảng cách, nhỏ à.  
Cho đến khi qua Canada.  Đất lạ, quê người.  Cuộc đấu tranh sinh tồn lại càng nghiệt ngã hơn.  Lắm lúc tưởng như mình không còn thì giờ để suy nghĩ, để mộng mơ....
Nhỏ thân thương,
Chiều nay, trong lúc ngồi chờ cắt tóc ở một tiệm Việt Nam, tình cờ Mai được chuyện trò với hai ông bà cụ người Long An, cùng quê với nhỏ Phượng.   Những địa danh như Phước Lý, Gò Đen, Bến Lức đã được nhắc lại sau bao nhiêu năm ngủ quên trong ký ức làm Mai không khỏi bùi ngùi.
Xưa đó nhỏ, Mai hay theo Phượng về quê chơi.  Phố chợ Gò Đen tuy nhỏ bé, nghèo nàn nhưng đã chất chứa biết bao kỷ niệm êm đềm.  Còn nhớ lần đầu tiên ra khỏi Sài Gòn, trông thấy đám mạ non ven quốc lộ, Mai đã trầm trồ, "Cỏ ở đây sao mà xanh mướt!"  Có những buổi chiều trời mưa lất phất, nhỏ Phượng và Mai lội xuống ruộng bắt ốc về luộc chấm nước mắm gừng, vừa ăn vừa hít hà.  Lúc thì ra rẫy bẻ những cọng cải non ăn với bánh hủ tíu mới ra lò nóng hổi.  Một lần Phượng chỉ về góc trời xa xa, nơi có những khóm cau cao vút cuối con đường đất đỏ ngoằn ngoèo, "Phước Lý, nhà Ngoại tao trong đó, đó Mai."  Dẫu rất muốn nhưng hai đứa không dám vào thăm Ngoại Phượng vì đó là vùng xôi đậu, đầy rẫy những du kích cộng sản.  Sau biến cố năm 75, thỉnh thoảng Mai cũng xuống thăm gia đình Phượng nhưng Phước Lý vẫn mãi mãi là một miền đất hứa mà Mai không bao giờ có thể đặt chân tới được.  Năm 78 Phượng đi vượt biên trong khi Mai vẫn chật vật với miếng cơm manh áo ở Rạch Giá, tỉnh tận cùng của miền Tây.  Đời mỗi đứa đã thực sự rẽ sang một hướng khác nhau.  Và thời gian đã đem đến không biết bao nhiêu là đổi thay.  Vậy mà hôm Mai về Việt Nam, khi xe chạy qua phố chợ Gò Đen, nhất là khi nhìn thấy con đừơng mòn đất đỏ dẫn vào nhà Ngoại Phượng, lòng Mai lại bồi hồi, xao xuyến nhớ đến những kỷ niệm xưa.
Nhỏ biết không, những ngày trước khi lập gia đình năm 72, Mai đã gom góp tất cả thư từ, hình ảnh của tụi mình giao lại cho Phượng.  Trang sách mới đã được lật qua.  Một phần đời đành phải khép kín lại.  Đâu ngờ rằng cuối cùng chúng mình đã tình cờ tìm thấy nhau lần nữa, phải không nhỏ?
Nhỏ có biết không, mỗi khi tìm lại được một người bạn thân thương của thời tuổi nhỏ, Mai lại suy nghĩ mông lung.  Lại lẫn lộn giữa mộng và thực.  Giữa quá khứ với hiện tại.  Rồi nhớ nhung.  Rồi tiếc nuối.  Cho tới khi nhỏ Phượng từ Úc gởi trả lại cho Mai quyển sổ tay nhỏ xíu, bao lâu nay vẫn nằm lẫn lộn trong đám thư từ ngày xưa.  Cầm quyển sổ nhỏ trong tay, lật từng trang giấy đã ố vàng theo thời gian, nỗi xúc động như muốn ùa vỡ trong tim.  Chắc nhỏ còn nhớ, năm đệ Tam Mai đã dùng quyển sổ này để dán hình thẻ học sinh của tụi mình, mỗi đứa một trang, không quên ghi rõ họ tên cùng ngày sinh của từng đứa một.  Nhỏ có biết không, quyển sổ tuy nhỏ bé nhưng vô cùng quý giá này đã là động lực thúc đẩy Mai tập trung thật nhiều thời gian và công sức, cắt xén, góp nhặt hình ảnh bạn bè đó đây để thực hiện trang web album Trưng Vương 63-70 Xưa và Nay đó nhỏ.
Nhỏ thân thương,
Thư viết đã quá dài mà sao như vẫn chưa nói hết những điều muốn chia sẻ cùng nhỏ.  Thôi thì Mai gởi đến nhỏ những dòng email của Thu và Phượng thay cho lời kết, nghe nhỏ.

Toronto, ngày...tháng...năm...
Trời hôm nay ở Toronto có cả bốn mùa.  Buổi sáng khá lạnh.  Đi làm Thu phải mặc áo dài tay, lúc về tới nhà trời đã ấm nhiều và mới đây lại có cả mưa đá.  Montreal có vậy không Mai?
Viết tới đây bỗng nhiên Thu lại nhớ tới thưở xa xưa Thu hay nhận được thư Mai lúc mình còn ở Việt Nam.  Hầu như lần nào Mai cũng chỉ viết về nắng mưa và emotions của Mai lúc bấy giờ.  Ngoài Thu, cả thế giới và thời gian chung quanh dường như không có nghĩa gì lắm.  Mấy chục năm sau, thư Mai đã theo thời gian đổi biến: cái thế giới bên ngoài, phần lớn là không có Thu, trở thành điểm tựa cho tư tưởng của Mai. 
Ngày xưa, Thu không nhớ Thu có từng viết cho Mai trước ngày đi Úc không.  Và nếu có, không biết mình đã viết gì và viết ra sao.  Nhưng bây giờ, đời sống của tụi mình đứa nào cũng bận rộn và bao nhiêu trách nhiệm.  Có một lúc nào đó, in the wildest moments, Thu tưởng tượng mình có thể đi ngược dòng thời gian và chỉ sống cho mình.  Như cái thời mới lớn, cả khoảng đời trước mặt không bến bờ, giới hạn.  Và bất cứ cái gì cũng thấy nằm trong tầm tay với.
Gần đây, nhân lúc đi tìm một số tài liệu để gửi về Úc, Thu đã tìm gặp lại một vài tờ thư cũ Mai viết ngày xưa.  Nhìn nét chữ học trò nắn nót của Mai lúc nào cũng như không đủ để gói ghém cái tình bạn thắm thiết Mai đã dành cho Thu ngày trước, Thu đã không cầm được xúc động của lòng mình.  Đã mấy chục năm qua vậy mà tờ thư chưa cũ.  Thu không biết bao nhiêu phần của cái tình cảm đó còn lại ngày nay.  Và Thu nhìn lại mình với cùng câu hỏi.  Nhưng Thu đã không tìm thấy câu trả lời rõ rệt.
Hôm nay, trời đã hết mưa, nhưng vẫn còn lạnh.  Cái lạnh giống như mùa Đông của Úc, không nghiệt ngã trong lúc trời vẫn còn xanh và rực nắng.  Thu nghĩ đến lần tới mình gặp nhau, có lẽ trời sẽ hanh hơn nhiều.  Và trong cái nóng rực của mùa hè Toronto, không biết mình sẽ ngồi ở biển hồ được bao lâu hả Mai?

Melbourne, ngày...tháng...năm...
Ở Úc, trời đang giữa mùa Thu.  Trên cây đã thay lá vàng.  Có nơi lá ngập lối đi.  Tao đi làm, chạy xe qua những con đường hai hàng cây bóng rợp châu đầu vào nhau, đôi lúc chạnh lòng nhớ những ngày đi học hoặc đi chơi, đạp xe trên đường Nguyễn Du, cũng có hai hàng me rợp bóng.  Quay đi, ngoảnh lại đã mấy mươi năm.  Bây giờ tóc đã muối tiêu, đôi lúc tâm sự trùng trùng, biết tỏ cùng ai?
Tao đọc bài báo của Mai mà không tránh khỏi cảm xúc.  Giống như ai đó cầm dao, cuốc, xẻng đào xới nấm mồ dĩ vãng đã bị vùi sâu, thật sâu trong dòng thời gian nghiệt ngã, mà vì cuộc sống mình không có dịp để nghĩ đến, giờ đây bỗng dưng bị khai quật.  Và mình như bị chới với nhìn lại mình ngày xưa.  Nước mắt rưng rưng nhưng không khóc được.  Cái cảm giác bồi hồi xúc động đó thật nhẹ nhàng và dễ chịu.  Cám ơn Mai đã tặng cho tao cái giây phút dịu dàng đó.
Đêm qua, đọc thư Mai xong, đến gần năm giờ sáng tao mới ngủ được vì cứ nghĩ mông lung như đứa trẻ thơ, mơ màng nhớ lại rất nhiều chuyện.  Tao ở đây buồn lắm, chỉ có ông chồng và mấy đứa con, chẳng bạn bè với ai.  Ngoài giờ đi làm, tao làm vườn, cơm nước, vui với mấy đứa nhỏ.
Đêm qua như có dòng suối mát.  Tao bơi lội thoải mái về tuổi học trò ngây thơ không chút âu lo.  Tao bây giờ già lắm, già từ thể xác tới tâm hồn.  Sống ở đây gần bốn mươi năm, tao mệt mỏi chỉ muốn trở về cố quận.  Vì vậy, hổm rày ông chồng tao hay theo chọc ghẹo, " Sao mặt mày cứ hớn hở như vừa gặp được người tình xưa?"  Nhưng tao nghĩ là còn hơn vậy nữa, phải không Mai?  Vì không có gì sung sướng cho bằng ngồi ôm phone tâm sự với bạn già, cười khúc khích sau bao nhiêu năm trời cách biệt.  Nếu không có những người bạn cũ như Mai, chắc đời tao không có những phút vui như vậy đâu.   
Tao vẫn chưa viết cho Chinh.  Chắc nó vẫn còn giận tao vì tự nhiên biến mất sau khi định cư ở Úc.  Trăm phần lỗi về tao, vì đã vô ý để mất xấp thư từ, địa chỉ của bạn bè qua những lần dọn nhà liên tục lúc mới đến Úc.  Tao đã phải sống cô đơn, không người tâm sự trong suốt thời gian qua.  Nhưng trời đã không bạc đãi tao đến tận cùng, nên  khiến xui tao gặp lại Mai.  Tao tin là sẽ gặp lại tất cả bạn bè thời niên thiếu, không chỉ có An, Chinh, Tâm, Thu, Minh, Linh, Kiểm, Gấm, Liễu, Trinh, Trà Linh, mà còn cả những Hương, Minh Hoa, Chính Thái, Bích Hồng, Hảo Chi.  Hy vọng quãng đường ngắn ngủi còn lại mình sẽ vui hơn, bận rộn hơn với những người bạn cũ, phải không Mai?


7 comments:

  1. Mời các bạn ghé thăm ĐSTV với NhưMai - DẤU CHÂN KỶ NIỆM - lá thư cho một NHỏ Bạn TV - tha thiết ngày về , hụt hẫng tìm lại những kỷ niệm xưa , từng chi tiết của những ngày TV. Bạn sẽ say sưa không biết lúc nào thấy mình đứng giữa sân trường .....kia là dãy lầu 3 tầng với những lớp học , cầu thang gỗ ngay bên cửa phòng giáo sư , phòng thí nghiệm sờ sợ ...có ma , sân sau sân trước , những giờ học nhạc với cô Dương Nguyệt Lãng ở giảng đường cũ kỹ bên góc trái phía sau cột cờ ...những chuyến xe trường "có đuôi " , những hàng cây cao vút xanh um NBK và bên kia là Sở Thú . Mõt lá thư cho chính mỗi chúng ta TV6370 , với sự tài tình dẫn dắt của Như Mai ....Có thể nào bạn không lên đường trở về VÙNG TRỜI KỶ NIỆM .?
    Đã có một ngày như thế xa lìa tất cả , đã có những trăn trở lo toan cuộc sống , những ngậm ngùi cách xa gần như mất tích bạn xưa ....nhưng dù sao chăng nữa chúng ta còn có được ngày về với ....DẤU CHÂN KỶ NIỆM..

    ReplyDelete
  2. Đọc xong Dấu Chân Kỷ Niệm
    bỗng dưng nhớ quá những tà áo trắng
    trên con đường NBK có lá me bay ngày cũ.

    ph.

    ReplyDelete
  3. Như Mai viết hay lắm, có trí nhớ dai,kể chuyện xưa mà cứ vanh vách,trường cũ đã thay đổi nhiều, KĐ cũng hơi buồn khi về thăm trường, nay có cả nam nữ cùng học, chỉ còn là kỷ niệm, nhắc đến sinh hoạt xưa ở trường cũ TV gây thật nhiều cảm xúc dó NM.

    Thân mến

    ReplyDelete
  4. Mặc dù chỉ học Trưng Vương có 4 năm, nhưng với Trưng Vương, luôn có "Tình yêu và nỗi nhớ". Hôm nay, cùng Như Mai và các bạn với những "Dấu chân kỷ niệm" càng nhớ, nhớ lắm!
    Trân Thúy

    ReplyDelete
  5. Mai ơi, cám ơn bài viết đầy tình cảm chân thành của mợ. Những chi tiết Mai tả về trường làm H nhớ biết bao kỷ niệm ngày xưa. Mỗi lần đọc truyện của Mai H lại cứ bâng khuâng muốn làm thơ ...

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vậy thì cầm bút lên đi thi sĩ LHuong ơi !

      Delete
  6. Cám ơn các bạn đã chia sẻ với Mai những xúc cảm về thời áo trắng xa xưa.
    Cám ơn ban biên tập TV 63-70 BlogSpot đã luôn mở rộng ao vịt cho bạn bè có chỗ bơi lội,vui chơi thoải mái trong lúc tuổi đã về chiều. Và đặc biệt cám ơn Phương Hà đã thực hiện Show Em và Hoa thật tuyệt vời để nối vòng tay lớn cho bạn bè khắp bốn phương trời.
    Cám ơn, cám ơn tất cả các bạn thật nhiều.
    Chúc các bạn và gia đình một cuối tuần vui vẻ, đầm ấm

    ReplyDelete