Sep 28, 2013

Cậu bé được cộng đồng giúp $50,000 vừa tốt nghiệp đại học




Ngô Thái Hoàng


Cậu bé được cộng đồng giúp $50,000 vừa tốt nghiệp đại học 
Thursday, September 26, 2013 6:36:53 PM 




Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER (NV) - Con vừa bảo vệ đề tài cuối khóa xong, trường đã giới thiệu cho con một chỗ thực tập. Ngày mai Thứ Năm con bắt đầu đến công ty ngày đầu tiên. Hiện tại cuộc sống của con và má con cũng bình thường. Con kính chúc sức khỏe cô Liên Hương cũng như toàn thể các cô, chú, bác bên ấy luôn quan tâm giúp đỡ con trong suốt thời gian qua, con nhất định sẽ nổ lực hết mình để không phụ lòng các cô, các chú và các bác.”
Đó là nội dung lá thư điện tử của Ngô Thái Hoàng Em gửi từ Sài Gòn.
Ngô Thái Hoàng Em là cậu bé bị máy ép gạch nghiến nát đôi tay, nhân vật chính trong loạt phóng sự “Em chỉ mơ ước một cuộc sống bình thường” đăng trên nhật báo Người Việt cách đây 4 năm.
Từ loạt bài viết này, với người khởi xướng là nha sĩ Nguyễn Diệu Liên Hương ở Garden Grove, cộng đồng người Việt tại Little Saigon và khắp nơi đã không chỉ chung tay giúp đỡ cho Hoàng Em số tiền hơn $50,000 mà tất cả còn góp phần viết nên một câu chuyện thật đẹp về tình người.
 
Ngô Thái Hoàng Em trong ngày được lắp đôi tay giả tại Mỹ Tháng Bảy, 2009. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


Câu chuyện 4 năm về trước

Gần cuối Tháng Sáu, 2009, tòa soạn báo Người Việt đón hai người khách lạ từ Long An, Việt Nam, sang, dưới sự bảo trợ của nha sĩ Nguyễn Diệu Liên Hương. Đó là một người phụ nữ miền Nam trong dáng vẻ lam lũ tên Nguyễn Thị Cúc và đứa con trai của bà, Ngô Thái Hoàng Em, 17 tuổi, với đôi mắt buồn rười rượi và đôi tay dài tới... nách.
Thời khắc mà Hoàng Em vĩnh viễn bị mất đi đôi tay của mình là một ngày gần cuối Tháng Năm, 2007.
Sau khi tốt nghiệp lớp 9, ở tuổi 15, Hoàng Em xin má cho theo anh trai đi làm thêm ở lò ép gạch với mục đích kiếm tiền mua chiếc xe đạp cho năm học mới. Nhưng tháng lương đầu tiên chưa kịp lãnh, chiếc xe đạp vẫn còn là niềm mơ ước thì tai nạn xảy ra.
“Khi em đứng canh chừng cối ép gạch ống để cán xuống khuôn, thì một cái tuộc-nơ-vít bị rơi vào cối. Bằng phản xạ tự nhiên, em thò tay trái vào để lấy cái tuộc-nơ-vít ra. Khi thấy tay bị cuốn vào trong cối, lại bằng một phản xạ tự nhiên khác, em cho tay phải vào để kéo tay trái ra.”
Cánh tay phải của Hoàng Em đã rớt ra trên đường đến bệnh viện, còn cánh tay trái thì bị cối ép gạch ép dài ra.
Khi tỉnh lại trong bệnh viện, Hoàng Em nhận ra ngay một điều: hai cánh tay em không còn.
Bà Cúc, khi đó đang đi làm mướn ở Sài Gòn, tức tốc chạy về Long An và chỉ gắng gượng nói được một câu khi trông thấy tình cảnh đứa con út, niềm hy vọng của cả gia đình, “Thôi, con đừng khóc, từ đây về sau má sẽ ở nhà với con, má không bỏ con đi nữa.”
Gia đình khốn khó, lại càng thêm u ám khi nhìn về tương lai của Hoàng Em, dù sau đó em cũng trở lại trường, cố gắng theo kịp bạn bè. Em viết bằng chân và làm những công việc vệ sinh hằng ngày bằng đôi tay của mẹ.
Một cách tình cờ, từ nửa vòng trái đất, nha sĩ Liên Hương đọc được câu chuyện về Hoàng Em.
“Tôi thấy cháu biết vươn lên từ bất hạnh. Cháu cố gắng tập viết, vui sống, không than thở, không vật vã. Thấy cháu có một nghị lực phi thường của một cậu bé 15 tuổi, tôi nghĩ cháu xứng đáng được giúp đỡ nhiều hơn.”
Ý nghĩ “nên làm cho Em một đôi cánh tay giả” vừa giúp em thực hiện ước mơ có thể chạy xe đạp vừa đỡ đần sự cực nhọc cho người mẹ, ra đời.
Sau nhiều lần dò hỏi, cuối cùng, nha sĩ Liên Hương tìm được cơ sở Biodesigns, Inc. ở Santa Monica, California, nơi chuyên làm tay chân giả cho các vận động viên tham dự giải Olympic dành cho người khuyết tật. Xúc động trước câu chuyện của Hoàng Em và bà Nguyễn Thị Cúc , hai vợ chồng chủ nhân cơ sở này đã quyết định không tính bất kỳ thù lao nào (trị giá $20,000, luôn cả chi phí cho việc hướng dẫn sử dụng đôi tay) ngoại trừ chi phí vật liệu ở mức $5,000.
Theo tính toán của người nha sĩ có tấm lòng bác ái này thì “nếu cộng luôn cả chi phí đi lại của hai mẹ con Hoàng Em nữa thì ước chừng khoảng $10,000. Ðó là số tiền không phải là rất lớn, nhưng với một cá nhân thì lại chẳng nhỏ. Nhưng đó là số tiền có thể thay đổi được toàn bộ cuộc đời của hai con người thì cũng nên lắm chứ.” Và cô quyết định “bao sân” nếu như không nhận thêm được sự giúp đỡ nào khác.
Hoàng Em cùng mẹ (trái) và nha sĩ Nguyễn Diệu Liên Hương trong ngày em được lắp tay giả tại Mỹ. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Cuối năm 2008, nha sĩ Liên Hương trở về Việt Nam lo thủ tục đưa hai mẹ con Hoàng Em sang Mỹ làm tay giả.
Ngày 20 Tháng Sáu, 2009, trong thời gian nghỉ hè khi đang học lớp 11, Hoàng Em cùng mẹ có mặt tại Mỹ.
Và câu chuyện về Ngô Thái Hoàng Em được cộng đồng Người Việt tại đây biết đến.
Xúc động trước ước mơ thật bình dị nhưng cái giá phải trả lại quá lớn của cậu học trò này, rất nhiều đồng hương đã tìm đến để giúp đỡ, để tiếp thêm một bàn tay cùng nha sĩ Liên Hương.
Số tiền hơn $40,000 đồng mà những người đã để lại tên cũng như giấu tên gửi đến cùng $10,000 tiền mặt mà một vị mạnh thường quân chuyển đến cho gia đình Hoàng Em ngay hôm em ra mắt mọi người với đôi tay mới tại hội trường nhật báo Người Việt, là cả một gia tài mà Hoàng Em và gia đình không bao giờ nghĩ tới.
“Khi nhận được giấy bảo trợ của cô Hương để sang đây làm tay cho Hoàng Em, tôi vui mừng nhưng lo lắm. Tôi không biết ai ở đây hết, ngoài cô Hương. Nhưng tôi đã thật sự ngạc nhiên khi đặt chân đến đây. Ðầu tiên là gia đình cô Hương đối với tôi rất nhiệt tình, không phân biệt sang hèn, rồi đến những bà con cô bác đến thăm, chia sẻ, giúp đỡ. Những điều đó đã cho tôi cảm thấy rằng đây không còn là một đất nước xa lạ mà là gia đình thứ hai của chúng tôi. Hoàng Em giờ đây không còn là con của riêng tôi mà là con của mọi người Việt trên đất Mỹ này.” Lời bà mẹ nghèo Nguyễn Thị Cúc, mẹ của Hoàng Em, đến từ vùng quê Vĩnh Long đã làm lay động tất cả những người có mặt. Những tràng vỗ tay vang lên đâu chỉ để dành riêng cho lời phát biểu xúc động chân thành của người mẹ chân chất, mà còn dành cho tất cả những người tử tế với nhau.
Cả hội trường ngày hôm đó lại vỡ òa tiếng vỗ tay sau lời phát biểu của Ngô Thái Hoàng Em về những gì mà cậu bé đã nhận được, “Con rất vui và hạnh phúc. Con cám ơn cô Hương đã hết lòng giúp đỡ con. Cám ơn mẹ đã giúp con suốt thời gian qua. Con cám ơn cô chú anh chị em đã thương yêu, bù đắp cho con những mất mát… Con cám ơn mọi người đã cho con sự tự tin để bước tiếp.”

Hoàng Em ngày hôm nay

Lá thư dưới đây được Ngô Thái Hoàng Em gửi cho phóng viên Người Việt sau ngày đầu tiên đi làm, 19 Tháng Chín, 2013, có lẽ là câu trả lời đầy đủ nhất về những gì xảy ra với Hoàng Em sau khi từ Mỹ trở về cho đến hôm nay.
“Ngày đầu làm việc trong môi trường mới vừa vui mà vừa mệt nữa chị ơi.
Em vừa mới tốt nghiệp khóa học ACCP của trung tâp đào tạo lập trình viên CNC Aptech, trường chuyên đào tạo lập trình viên với hai công nghệ chính là Net và Java. Hiện tại học xong khóa học tại trường em có thể thiết kế, lập trình web và phần ứng dụng (ví dụ như: phần mềm quản lý, website tin tức, website công ty, web site cá nhân...)
Sau khi từ Mỹ trở về gia đình em cũng có nhiều thay đổi. Lâu lâu cũng có một hai nhà báo đến hỏi thăm và viết bài về việc em đi Mỹ.
Đôi tay giả trong những năm qua giúp ích cho em rất nhiều. Việc em thích nhất đó là chiều chiều chạy xe đạp loanh quanh con đường đất sau nhà hay là những ngày không mưa em có thể tự đạp xe đến trường. Đôi tay còn giúp em các việc nhỏ nhặt khác như là lấy những vật nhẹ như quyển sách, cây bút, cái khăn lau nhà, lấy kem đánh răng, lấy quần áo khi tắm trên giá đồ thay vì phải giơ chân quá cao để lấy, và còn nhiều việc khác nữa.
 
Hoàng Em dùng tay giả chạy xe đạp như ước muốn của em. (Hình: Hoàng Em cung cấp)

Hiện tại đôi tay giả vẫn còn sử dụng được nhưng giờ thì hơi chật em mang vào cảm thấy đau hơn trước nhiều, em vừa tập tay vừa tập chân nên có thể hỗ trợ cho nhau. Em còn nghĩ ra nhiều công cụ để hỗ trợ (muỗng, cây vợt cầu lông,....) có thể gắng thêm vào đôi tay nữa mà chắc phải đợi đến khi nào em có việc làm ổn định rồi em mới thực hiện được.
Số tiền do các mạnh thường quân giúp đỡ cho gia đình em hiện tại vẫn còn. Khi về Việt Nam gia đình em đã mua một máy cắt lúa gặt đập liên hợp vừa giúp anh em trong nhà có công việc làm cũng như góp phần trang trải trong cuộc sống.
Trong tương lai em vẫn chưa có dự định gì lớn hết, phần do em còn đang đi thực tập, mỗi ngày phải đi từ nhà đến chỗ thực tập gần 30 phút đi xe máy, may mắn là có người bạn giúp đỡ em trong chuyện đi lại này.
Em kính nhờ chị Lan gửi lời cảm ơn chân thành, lời chúc sức khỏe đến tất cả cô, chú, bác, anh chị đã giúp đỡ em trong lúc em gặp khó khăn, em xin hứa sẽ luôn cố gắng, cũng như nổ lực hết mình học tập và làm việc thật tốt để không phụ lòng các cô, chú, bác, anh, chị đã giúp đỡ em.
Hiện tại em đang ở nhờ nhà người cậu ở Sài Gòn. Cuộc sống của em hiện tại cũng không có khó khăn gì. Mỗi ngày em đi thực tập từ 7 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Má em thì phụ giúp cậu mợ các việc trong nhà.
Trong những năm qua có đôi lúc em cũng thấy mặc cảm. Càng lớn thì em càng có nhiều dự định, dự tính, suy nghĩ hơn lúc nhỏ, đâu phải việc nào em cũng làm được như em nghĩ. Em cảm thấy ranh giới giữa người khuyết tật và người bình thường còn một khoảng cách xa lắm. Em luôn muốn xóa đi khoảng cách đó mà chưa được.
Trong trường em cũng thua thiệt các bạn khác rất nhiều. Lẽ ra nếu em được như các bạn bình thường thì đã có việc làm từ mấy tháng trước rồi. Khi hết học kì, ba giảng viên có giới thiệu một số học viên trong lớp, trong đó có em, cho công ty của giảng viên nhưng công ty không nhận em. Lúc đó, em thấy hoang mang, lo lắng, hụt hẫng dễ sợ luôn. Còn có một lần em xin học đàn organ ở một trung tâm dạy nhạc gần nhà. Em nghĩ mình đánh đàn chắc cũng như gõ phím nên thử xem sao, nếu được rãnh rỗi đánh đàn giải trí cũng hay nhưng cũng bị thầy từ chối mà chẳng được test kỹ năng xem có thích hợp học không nữa. Thầy phán hai câu em nghe cảm thấy chán vô cùng "Người bình thường học còn không được huống gì..." và "Trên thế giới chỉ có một người dùng chân đánh đàn nhưng tập một bài hát mất 10 năm." Em đi về mà cảm thấy khó chịu ghê.
Nhưng hiện tại, em cảm thấy mình thật may mắn khi bên cạnh luôn có người mẹ tuyệt vời chăm sóc, có những người bạn biết cảm thông, sẻ chia và em còn có nguồn động lực lớn lao từ những người đã giúp đỡ cho em.
Em luôn hâm mộ thầy Nguyễn Ngọc Ký, nhà diễn thuyết Nick Vujicic, nghệ sỹ dương cầm Lưu Vỹ và luôn mong một ngày được thành công như họ, không chỉ tự lo cho bản thân mà còn giúp đỡ cho những người gặp khó khăn, bất hạnh như bản thân em lúc trước.”
Rõ ràng, Hoàng Em đang sống và cố gắng thực hiện lời nhắn gửi của một độc giả năm xưa nói với em trước khi em cùng mẹ trở về quê nhà, “Ngày hôm nay cháu bị tai nạn, mọi người đã giúp đỡ cháu. Vậy cháu hãy nhớ giúp lại người khác nếu người ta cũng gặp hoàn cảnh như cháu. Ðó là cách đền ơn của cháu đối với mọi người.”
Và một lần nữa, lời tâm sự của nha sĩ Nguyễn Diệu Liên Hương 4 năm trước đây dường như vẫn còn nguyên vẹn giá trị, “Xứ sở của chúng ta đã mất mát quá nhiều rồi, ở cả bên này lẫn bên kia, thì giờ đây chúng ta hãy lấy sự tử tế, sự tốt bụng để mà bù đắp cho nhau. Hôm nay tôi và các bạn hạnh phúc vì được gọi là người tốt. Và chúng ta cần thêm những người tử tế và tốt bụng cho cuộc đời này.”
Vâng, những con người tử tế, cần lắm trong cuộc đời này.
---
Liên lạc tác giả: Ngoclan@nguoi-viet.com
Anh Thư chuyển

1 comment:

  1. Cám ơn Anh Thư.
    Bài đọc rất hay và thật ấm áp tình người. Thật tội nghiệp cho dân VN, đi làm thuê , làm mướn . Nếu tai nạn xảy ra chủ không có 1 khoản bồi thường thích đáng nào, mà là sa thải, vất bỏ 1 con người như vất bỏ 1 vỏ chuối.
    Than men
    Hiền

    ReplyDelete