Sep 20, 2013

Nửa trái tim - Nửa vòng trái đất

                                                 
NGÔ OANH



NỬA TRÁI TIM  - NỬA VÒNG TRÁI ĐẤT


Hôm tiễn Bằng lên đường đi định cư ở Mỹ, ai ai cũng vui mừng, vì biết Bằng sắp sửa đoàn tụ với con cái. Cả nhóm chúng tôi gồm Thanh, Dung, Liên, Lê, Oanh.  Nhưng tụi này cũng có một thoáng ưu tư vì căn bịnh của Bằng: chỉ còn nửa trái tim hoạt động, không hiểu Bằng sẽ ra sao khi một mình ngồi trên phi cơ bay một chặng đường dài nửa vòng trái đất. Ở đây tụi tôi thấy dáng đi xiêu xiêu của Bằng có vẻ lúc nào cũng suýt ngã là đã thấy lo sợ rồi, vậy mà bây giờ… . Tôi chỉ muốn mình đừng nghĩ đến một điều gở cho người bạn thân thương, nhưng không hiểu sao đầu óc cứ vương vấn, chỉ mong Bằng đừng …cỡi mây về gặp thánh nhan Chúa. Đến khi Bằng đặt chân an toàn đến đất Mỹ tụi tôi mới cảm thấy hơi vui vui một chút, dầu niềm vui chưa trọn vẹn vì tin Bằng xỉu trong toilet, suýt chết nếu không được phát hiện kịp thời, rồi sau đó bị lạnh quá không dám ra khỏi nhà. Ngày 16 Sep, 13, Bằng viết một lá thư cho K Thanh và tôi có đoạn: "ở đây trời lạnh nên mở mắt nhìn giờ đã 10 hơn, ngoài đường không bóng người mà có cũng không nói, có nói tao cũng không hiểu,  nên tao đành luyện nấu ăn,  vì chả có hàng nào đi bán rao  hết  .....chán. ". Đọc lá thư mà Kim Thanh và tôi chảy nước mắt, thương cho bạn lớn tuổi của mình còn phải dọn nhà đến ở một vùng đất xa xăm mà ngôn ngữ khác hẳn với tiếng mẹ đẻ, lối sống thường ngày phải bắt đầu lại gần như từ con số không. Ngoài đường không một bóng người thật khác hẳn Sàigòn lúc nào ra đường cũng thấy xe cộ bon chen từng khỏan trống trên đường từ sáng đến tận khuya. Mà nếu có người họ cũng không nói chuyện với Bằng, rồi có nói Bằng cũng sẽ không hiểu. Thói quen bị xoay chuyển 180o !. Cuộc sống được Bằng mô tả giống như Robinson đang ở một ốc đảo. Từ những đồ dùng high tech ( điện thoại, máy tính…), đến nhiệt độ, ngôn ngữ, tập quán…mà một người trẻ tuổi là cháu bé hàng xóm của tôi 12 tuổi còn không thích ứng được, khóc la đòi về Việt Nam suốt, huống chi là ….một bà già trên 60 tuổi. Ở đây tụi tôi đều hình dung được việc hội nhập với một xã hội có nhiều tập quán khác xa với mình không phải một sớm một chiều là hoàn tất được, nhất là một người vốn tiếng Anh đã …..gửi gió cho mây ngàn bay hết rồi. Tôi chỉ có thể nhắn nhủ với Bằng trong 2 năm đầu tiên là cả một thử thách rất lớn. Cố gắng vượt qua được, cảm thấy thích hợp với đời sống bên Mỹ thì sẽ không còn cảm giác cô đơn nữa, lúc đó chắc là….Bằng không hứng thú về Việt Nam nữa, phải không Bằng? Còn bây giờ có buồn thì nhớ khóc tiếng Ả Rập, tiếng Nga, tiếng Thái …nghe Bằng

                                      .

Tâm trạng của Bằng làm tôi nhớ đến bài hát "Tôi biết tôi sẽ buồn" của Trịnh Lâm Ngân, cô Ngọc Minh hát. "Tôi biết tôi sẽ buồn khi một mình lang thang trên đất khách.  Tôi biết tôi sẽ buồn khi vụng về môi chưa quen tiếng nói. Tôi biết tôi sẽ buồn khi lạc loài giữa chốn xa lạ…"
Tôi đọc đến câu: "Tao được dẫn đi học english bổ túc văn hóa : học sinh  hăm hở, con dẫn đến tận lớp giao tận tay thầy cô giáo. Tao cứ ngóng ra ngoài thấy con đến là bỏ lớp ra luôn , đường ra mà không dẫn chắc cũng bó tay...". Chúng tôi chảy nước mắt tưởng tượng hồi con Bằng 5, 6 tuổi gì đó, Bằng dẫn đi học, dắt tay con vào tận lớp giao cho thầy cô giáo, rồi bây giờ con của Bằng lại dắt Bằng vô lớp học giao tận tay thầy cô giáo. Rồi học trò chỉ trông ngóng mau đến giờ về có con đến rước. Có bao giờ chúng ta có thể tưởng tượng ra 2 hình ảnh đảo ngược như vậy sau gần 20 năm? Lá thư của Bằng làm tôi nhớ đến bà hàng xóm nhà tôi, thi quốc tịch Mỹ 2 lần vẫn không đậu. Chính quyền Mỹ họ sẽ nhìn vào lý lịch trình  độ mà đưa ra câu hỏi, không phải ai họ cũng hỏi giống nhau hết. Họ đưa lá cờ Mỹ ra, chỉ vào màu trên lá cờ, nếu bà ấy nói đúng xanh, đỏ, trắng ( blue, red, white) gì đó, thì bà sẽ đậu quốc tịch Mỹ liền. Nhưng bà nói với tôi là bà học hoài mà chẳng nhớ nỗi màu sắc nói tiếng Anh như thế nào nữa? Còn một bà cụ khác thi vô quốc tịch Mỹ con cái đều nói là tụi Mỹ chỉ hỏi tên các vị Tổng Thống của Hoa Kỳ: TT đầu tiên? TT thứ 16 ? và TT hiện nay? Con cháu ráng gò bài cho bà học thuộc lòng. Ai ngờ lúc vô phỏng vấn tụi Mỹ lại hỏi "Buổi sáng, buổi trưa, và buổi chiều tối bà ăn gì?  Bà cụ cứ thế đọc tên Tổng Thống George Washington, Abraham Lincoln, Tổng Thống Clinton. Giám khảo Mỹ sợ quá khi thấy bà "nhai" được hết mấy Tổng Thống Mỹ.
Chúng ta đều thấy giới hạn của thể xác, lúc trẻ thì nhanh nhẹn, nhưng khi bắt đầu lão và bịnh rồi thì tất cả đều phải xì lô ( slow) lại hết!  Chỉ còn nửa trái tim mà đi được nửa vòng trái đất, vậy là hay lắm rồi. Ai cũng phải chịu vậy hết Bằng ơi, nên đừng nản chí. Hòa vào một dòng chảy nào đó, không phải là chuyện một sớm, một chiều. Chỉ mong sau 1 hoặc 2 năm, Bằng thích hợp với nhịp sống bên đó mà trong lòng vẫn còn hình ảnh của quê hương: này là chùm khế ngọt, này là cánh diều bay, này là cầu tre lắt lẻo, này là gánh hàng rong… vậy là đời đẹp như mơ….
Thân tặng Bằng mấy câu nữa trong bài hát "Tôi biết tôi sẽ buồn" để kết thúc bài viết này.
Tôi biết trên xứ người
Khi tìm lại một chút quê hương
Một sợi khói hắt hiu bay trong nắng chiều
Cũng sẽ làm mình thương nhớ xót xa./.

Sàigòn ngày 18 Sep, 2013
    Ngô Oanh

                                                 

5 comments:

  1. Thương quá Anh Bằng ơi !!!!
    Mời các bạn ghé thăm ĐSTV với Ngô Oanh kể chuyện Anh Bàng đang từng bước hội nhập vào đời sống mới nơi quê người . Tất cả khó khăn bước đầu lại phải thích ứng khi đã ngoài 60 , nhưng Anh Bằng ơi , đừng nản chí nhé , chỉ một số tiếng Anh cần thiết thôi từ từ nó sẽ nở rộ trong đầu và mình nói được tiếng xứ người lúc nào không hay đấy . .
    Hãy nhìn vào những mặt sàng của đời sống nơi xxú người về y tế , an toàn thực phẩm , môi trường sống không xô bồ và nhất là được gần con cháu...... rồi everything will be OK đừng lo nhé .
    Lối kể chuyện dí dỏm của Ngô oanh cũng đáng yêu lắm . Anh Bằng ơi thì giò rảnh đi bộ lòng vòng thể thao , xem TV để học tiếng Anh cũng tốt lắm .AB n2 có một đời sống vui và hạnh phúc nhé.hớ viét bài gửi cho BBT nhé đó là một thú vui , nhớ nghe. Chúc Anh Bằng mau OK nơi xứ người va

    ReplyDelete
  2. Trước hết cám ơn Thành Oanh đã viết rất hay về nỗi ưu tư của Anh Bằng ,nhất là dùng lời của các bài hát để nói lên tâm trạng của bạn mình,rất thông cảm và mong Anh Bằng với thời gian sẽ thấy vui hơn vì bao giờ cũng thế mọi thay đổi môi trường sống luôn làm xao động mạnh mẽ nhất là ở tuổi của chúng mình, hãy tiếp tục liên lạc nhiều hơn với các bạn nhất là với các cô bạn thân ở VN, như TUl cũng đã đề cập ở Mỹ về y tế , AB sẽ được chăm sóc tốt hơn, gần con cháu....
    Chúc AB sớm thấy vui trên vùng đất mới

    ReplyDelete
  3. Thật ra, vốn liếng sinh ngữ của Thanh và Lê chắc cũng sêm sêm như Bằng thôi, Bằng ạ! Nhưng giá mà Thanh và Lê cùng học chung anh văn với Bằng thì có lẽ tụi mình sẽ khá hơn, Bằng nhỉ? Người ta bảo học Thầy không tầy học bạn , nhất là học với các bạn "cùng trình độ" như mình!!!
    Nhưng bằng ơi! Cái cần nhất là phải gữi sức khỏe. Rồi mình cứ cố gắng được bao nhiêu hay bấy nhiêu , Bằng nhé!
    Mong Bằng vượt qua khó khăn này .... sẽ có dịp về Việt nam gặp tụi Thanh nhé!

    ReplyDelete
  4. Đọc bài của Thành Oanh, Mai lại nhớ đến hôm Thanh ông, Thành Oanh, và Anh Bằng hẹn hò họp chợ bỏ túi với Mai ở khách sạn. Anh Bằng ở gần Mai nhất mà đợi mãi đợi hoài vẫn không thấy Anh Bằng tới. Phone đến nhà thì gia đình bảo Anh Bằng đi đã lâu lắm rồi. Thành Oanh nóng ruột, đi ra, đi vào, không biết làm sao, mà tìm em thì như thể tìm ...chim bay trên trời vì Anh Bằng hồi nào tới giờ có chịu xài cell phone đâu!! Cuối cùng thì Anh Bằng cũng tới, dù hơi trễ, vi`..đi lạc đường!!! Đó là ở VN, ở tại thành phố mà Anh Bằng đã sống mấy chục năm nay. Bây giờ Anh Bằng qua Mỹ, nơi mà con người, tiếng nói, cách sống, lối suy nghi...cái gì cũng khác. Chắc chắn sẽ có những khó khăn lúc ban đầu phải không Anh Bằng? Nhưng hãy cố gắng lên Anh Bằng nhé. Dù gì cũng còn có con cháu xung quanh. Và hãy nhìn vào những khía cạnh tốt đẹp, lạc quan của xã hội mới như Thảo UL đã nhắc nhỏ nghe Anh Bằng. Mong sớm được nghe giọng oanh vàng thỏ thẻ của Anh Bằng trong ao vịt.
    Các bạn ơi, đàn vịt mình có em nào ở gần Anh Bằng có thể bơi tới thăm viếng, an ủi, giúp đỡ em một chút được không?

    ReplyDelete
  5. Oanh viết thật hay và thật cảm động. Hương xin chúc cho Anh Bằng sớm tìm được niềm vui mới trong một hoàn cảnh mới...

    ReplyDelete