Sep 16, 2013

Trưng Vương tình yêu và nỗi nhớ.

                                 Trưng Vương tình yêu và nỗi nhớ.






Bùi Trân Thúy
Ngày 6-4-2010

TRƯNG VƯƠNG, TÌNH YÊU VÀ NỖI NHỚ

Năm 1963, tôi trúng tuyển và trường Trưng Vương, “sự kiện” lớn lao, có ý nghĩa “trọng đại” khiến tôi không thể nào quên! Thời đó, trúng tuyển vào lớp Đệ Thất trường công không phải là điều đơn giản! Tôi học Tiểu học ở trường Sư phạm thực hành là trường khá nổi tiếng theo kiểu “trường chuyên, lớp chọn” ngày nay. Tôi học không đến nỗi tệ nhưng không tự tin đến mức thi xong, tôi đã được gia đình đóng học phí và bắt đầu học Đệ thất ở trường Thiên Phước (Tân Định, là một trường tư) và dĩ nhiên không ai quan tâm đến việc xem kết quả thi cho tôi ở trường Trưng Vương.


Tôi còn nhớ rất rõ, vào một trưa hè nóng bức, thầy giáo dạy lớp 5 của tôi đến bấm chuông nhà tôi, nhìn thấy thầy, tôi hơi hốt hoảng, mình không còn học với thầy nữa, thầy còn đến nhà làm gì? Thầy nói: “Em đậu vào trường Trưng Vương rồi đó!”. Tôi choáng váng, mình có nghe lầm không? Tôi mà đậu vào trường Trưng Vương?? Hình như tôi cứ đứng nhìn thầy, không cám ơn cũng không hỏi gì thêm và thầy…lặng lẽ ra về!

Sau đó, gia đình tôi cũng chưa tin nên bắt chị tôi đến trường xem lại kết quả. Chị và tôi chạy bộ đến trường vì nhà tôi ở đường Tự Đức (gần Nguyễn Bỉnh Khiêm). Dò trên bảng kết quả, chị nói tôi đậu hạng 65! Một lần nữa tôi bàng hoàng, lại nghe lầm nữa chăng?
Lượt về, tôi kịp nhận biết đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đẹp, mát, mình sắp được đi trên con đường này mỗi ngày! Quả là điều kỳ diệu!

Rồi tôi cũng tung tăng áo dài trắng như mọi người, thứ hai thì mặc áo dài xanh. Năm Đệ thất, hằng ngày đi học được đưa đón nên tôi cũng không khi nào được thoả sức rong chơi cùng các bạn.

Đến năm đệ lục thì tôi được đi bộ một mình, tôi sợ xe nên đi bằng con đường tắt đằng sau Đài phát thanh, đường có nhiều bụi cây, cỏ hai bên, những ngôi nhà yên tĩnh. Và ở đó, có nhà của cô Diệp, cô giáo dạy môn Việt Văn, có đôi mắt buồn sâu thẳm mà tôi vô cùng…si mê! Ngày nào cũng phải đi qua nhà cô mặc dù chẳng bao giờ thấy cô nhưng vẫn cứ đi cho…thoả lòng! Sao mà ngây ngô, dễ thương và tội nghiệp! Tôi ao ước , lớn lên cũng trở thành cô giáo như cô.

Ngày đó, cổng trường màu đỏ bằng gỗ. Minh Lan, Minh Quang và tôi đã chụp chung một tấm hình ở cổng trường, không kiêng chụp 3 người! Thảo nào bây giờ mỗi đứa một phương!

sân trường nơi chúng ta đã có biết bao
kỷ niệm của 7 năm địa đàng.


Gốc cây này là nơi chúng ta đã bu quanh chiếc xe đạp của
ông bò khô để thưởng thức ôi biêt bao mùi vị thơm ngon ngọt ngào cay chua cùng tụ lại..... trên đĩa gỏi nhỏ.


Cổng sau nơi tha hồ phá phách
trêu ghẹo Hoàng tử Chột và công chúa Nụ
Nhớ năm đệ Ngũ ngồi trên lớp ở tầng hai
nhìn xuống sân sau có thể thấy chị Nụ tắm lộ thiên
tắm nhưng vẫn mặc quần aó tử tế " thật là lịch sự"


Công viên lá vàng.
Tôi vẫn nhớ như in, khung của sổ mà khi lên cầu thang sẽ phải đi ngang qua. Từ khung cửa này nhìn qua Sở thú sẽ thấy hồ sen tuyệt đẹp, lần nào đi ngang tôi cũng mê mải nhìn. Rồi có một lần…được nghỉ tiết, tôi và các bạn (không nhớ rõ là gồm những bạn nào nhưng chắc chắn có Minh Lan!) thích thú chạy sang Sở thú, đến ngay hồ sen, chơi đùa thoả thích. Sắp đến giờ học tiết tiếp theo, chúng tôi trở về trường, thật không may mắn chút nào, vừa lên mấy bậc cầu thang thì gặp cô Phú (Giám học). Cô quắc mắt nhìn, quát chúng tôi: “Các cô dám cúp cua phải không? Vào phòng tôi ngay, tôi mời phụ huynh!”. Không biết các bạn khác như thế nào, riêng tôi, bước không muốn nổi vì tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc đi học mà phụ huynh bị trường mời! Tôi sẽ nói như thế nào với ba má đây? Chúng tôi hết lời giải thích nhưng cô vẫn không chịu hiểu là chúng tôi nghỉ tiết chứ không phải “cúp cua”. Rồi mọi chuyện cũng qua, cô không mời phụ huynh, mặc dù lúc đó, Giám học là quan trọng lắm lắm. Lòng nhủ lòng: đừng bao giờ đi ngắm hồ sen bên Sở thú nữa, cứ nhìn qua khung cửa sổ chỗ cầu thang cho chắc ăn . Tôi cũng không sao quên được ánh mắt sắc của cô Diệu Linh và tiếng rít trong răng: “Tôi hỏi x bằng bao nhiêu? Chị có nghe thấy không?”. Đứng trên bục bảng, tay chân lóng ngóng, rơi cả phấn và hình như…tim cũng rơi ra ngoài! Tôi học dốt Toán nên càng sợ cô và đinh ninh rằng tôi chẳng thể nào làm bạn thiết với những con số, bởi nó không bao giờ hấp dẫn đối với tôi. Nỗi ám ảnh này còn đọng lại trong trí nhớ của tôi nhiều năm sau đó khiến tôi không dám học ban A mà phải học ban C và thế là hết năm đệ tứ, tôi xa ngôi trường yêu dấu và xa lớp P2. Đậu Tú tài xong, tôi học Đại học Văn Khoa, ra trường thì lập gia đình, bộ ba “Thu Hương, Minh Lan, Trân Thúy” không còn điều kiện gắn bó như xưa và rồi Thu Hương vĩnh viễn xa, Minh Lan cũng bặt tin tôi một thời gian rất dài, khi “đoàn tụ” thì Minh Lan đã định cư ở Mỹ. Sau này, thỉnh thoảng, có dịp đi ngang trường Trưng Vương, tôi vẫn bồi hồi, nhớ con đường rợp bóng mát, nhớ cổng gỗ màu đỏ…Nhớ cả dáng ai rụt rè bên gốc cây của trường Võ Trường Toản…Tất cả chỉ còn là kỷ niệm, giờ gặp lại, nghe nhắc chuyện xưa, muộn màng, tôi mới hiểu về một tình yêu không có cơ hội đơm hoa kết trái…
Còn biết bao kỷ niệm ở ngôi trường “kín cổng cao tường” ấy. Giờ đây, mỗi bạn đều có một cuộc đời, một số phận. Riêng tôi, vẫn thoáng tự hào nói rằng: đã từng là nữ sinh Trưng Vương, dù tôi chỉ được học 4 năm.

Ơi, Trưng Vương, tình yêu và nỗi nhớ của tôi!


Đường NBK ngày xưa không nhiều xe như thế này,
dưới kia là Công viên LáVàng
bên tay mặt lả các anh VTT
bên tay trái gần cổng trường có Lỗ Chó vừa lớn để TV tụi mình chui qua Sở Thú mà không bao giờ
phải mua vé....ha ha....



4 comments:

  1. Hà tìm được mấy tấm hình hay quá! Càng nhìn, càng nhớ, cám ơn bạn yêu nhiều nhiều!
    Trân Thúy

    ReplyDelete
    Replies
    1. Em TUL tìm được hình và chú thích đó Thúy ơi !
      Những hình ảnh này vẫn còn giống trường mình ngày xưa, dãy nhà sau hình như là nhà của cô Tổng Giám Thị,
      còn cổng sau có chú gác cửa Hoàng Tử chột, mỗi lần có giờ nghỉ ở giữa có hôm cả bọn T.Hương, M.Quang, Xuân Chi, PHà muốn cúp cua đi coi cine' phải năn nỉ nói xạo ổng mới mở cửa cho ra.

      Delete
  2. Thúy ơi, bạn viết văn rất hay, kỷ niệm đẹp TV dù 4 năm hay 7 năm luôn là những dấu ấn khó phai trong đời.
    Chúc Thúy luôn vui khỏe và sáng tác đều đặn.
    Thân

    ReplyDelete
  3. Mỗi đứa chúng mình đều mang những kỷ niệm buồn vui Trưng Vương trong lòng. Kỷ niệm nào đọc cũng làm mình nao nao hết. Cảm giác thật nhẹ nhàng. Cám ơn Thuý.

    ReplyDelete